Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Những ngày cuối Chạp

TRUYỆN NGẮN dự thi

Tôi hay dậy muộn. Ngày còn đi học, bước ra đường cặp nặng vít bên hông, nắng sớm như mũi tên phóng vào mắt kẻ rừng rú. Mà căn phòng 12 mét vuông của tôi đúng là rừng thật. Quần áo  phơi um tùm, bột màu loang lổ, vỏ mì tôm vứt lăn lóc. Có những ngày trở về, nhón bàn chân của mình bước vào phòng như thấy những dấu chân tinh khôi của người mở cõi. Ôi bụi!

Từ “rừng” để xuống được mặt đất phải qua tầng hai sạch bóng, gọn gàng, luôn im lặng như một tu viện. Tôi thường đi qua rất nhanh. Tôi nhớ chị cả, chị hai từng ngồi kết những dây xúc xích bằng giấy để trang hoàng nhà cửa dịp Tết. Căn nhà mà bố tôi cố làm như mọc lên sớm quá sớm ở khu tập thể chật hẹp này. Nó vẫn còn mang những đường nét thiết kế và hoa văn cũ kĩ nhưng lại cao lêu. Nhà làm xong, khi tường đã hoang hoải mùi sơn, cái tết đầu tiên lại ảm đạm như ngày bao cấp. Các chị trang trí nhà trong niềm vui náo nức bằng phẩm nhuộm giấy vở học trò mặc dù những ngày tết rau dưa làm bụng mấy chị em tôi lúc nào cũng thon thót đói.

Giờ tầng ấy là thế giới của bốn cô sinh viên trọ học. Những chị cũng có dáng cao, tóc dài, đeo kính trắng nhưng còn lặng lẽ hơn cả hai chị tôi. Tháng Chạp, mẹ bảo lương bố dành để giả nợ cho hết, lương mẹ đợi phát cả hai tháng, điệp khúc tóp mỡ xào dưa, cá khô kho mặn, canh rau mồng tời leo rào...

Những trưa tháng Chạp ấy, tầng hai chỉ tí tách tiếng mỡ sôi ở cái chảo thật nhỏ, trên cái bếp dầu vặn nhỏ đặt ở ban công. Trên cái chảo nhỏ có hai bìa đậu nhỏ... Bốn chị, có khi cả ngày chỉ khẽ vang lên ba tiếng cười, hai giọng nói tôi đã thuộc. Vì không có chị nào trả tiền nhà chậm, làm ồn, hay tiếp bạn trai trong phòng nên ít khi thấy mẹ nhắc tên các chị trong những bữa cơm. Mỗi lần gặp các chị ở cầu thang, tôi luôn cúi đầu chào lễ phép, họ cũng chào lại rồi nhanh chân mất hút. “Nhà có một em trai còn nhỏ”- tôi nghe được mẹ nói với các chị như thế khi mới dọn đến, nhưng rõ là tôi lại vạm vỡ hơn cái tuổi của mình, tuy cao gầy nhưng những bắp tay bắp chân nở nang, đầu cắt cao, cằm lún phún những sợi ria mép tuổi mười bẩy.

Rồi một ngày, ở ngay chỗ bước lên từ cầu thang, có một viên gạch bông Bách Khoa bị kênh do thợ lát rối. Tối ấy, lớp học thêm tiếng Anh nghỉ, tôi về sớm hơn mọi ngày. Leo được lên tầng hai, bỗng dưng thấy phòng các chị đầy ắp tiếng cười. “Cộc”, viên gạch bông lên tiếng, phút chốc tất cả im bặt cho đến sáng hôm sau. Từ hôm ấy, tôi rón rén bước với qua viên gạch, bước như sợ chạm khẽ những nàng tiên sẽ biến mất vào câu chuyện cổ nhưng không hề nghe thấy những tiếng cười như thế nữa.

Chỉ còn hơn chục ngày nữa là Tết, cái bếp nhỏ của mẹ tôi dưới gầm cầu thang bắt đầu thoang thoảng mùi măng khô, nấm hương, những thứ chỉ có vị mà không làm no bụng. Dịp này tôi thường về muộn hơn vì còn đi chạy bàn cho quán cà phê nhà con bạn. Thành phố mới bừng tỉnh sau thời bao cấp, những quán nhỏ chỉ dám thuê sinh viên cho đỡ tốn kém. Tôi quyết đi làm thêm để dành một khoản tiền  để mua được thứ gì mới mẻ trước khi năm mới đến. Cái ước mơ váng vất  trong cơn đói mệt, cộng với mùi hành phi thơm ngất ngây từ nhà bên phả lên, tôi lại dẫm chân lên viên gạch. “Cộc”, lần này bỗng dưng có tiếng “cách”, tôi đoán là tiếng bút bi rơi trên mặt bàn, rồi vài tiếng cười cố nén nhưng vẫn đủ khúc khích vang trong phòng. Lên tầng ba, tôi vội mở cửa, đúng lúc ấy một cơn gió phía cửa sổ ùa vào làm tung các trang giấy. Thôi xong, sáng đi lại quên không đóng cửa, gió lại ném lá khô bụi bặm vào đầy giường. Bụi òa vào không mở được mắt, tôi vừa dụi, vừa vơ vội đám giấy vẽ, mấy cây cọ cũ và các thứ linh tinh khác đang bay tứ tung ào xuống cả cầu thang.

Sớm hôm sau, tôi dạy muộn vì nghĩ tiết của cô giáo trẻ sẽ không điểm danh. Tôi mặc vội cái áo nhàu nhĩ không đóng thùng, cái quần jean bạc phếch, râu chưa thèm cạo. Vừa định mở cửa phòng thì thấy tiếng gõ cửa rất nhẹ.

Khi cánh cửa gỗ đã phai hết màu sơn vừa hé mở, cánh cửa mà bao năm tháng mở ra một lối đi, lối về nhàm chán thì bỗng hiện ra một dịu dàng. Từ chiếc quần bò gấu cao, chiếc áo thun đen bó lấy thân hình thon thả, mềm mại, mái tóc dài cặp cao, và đôi mắt... đôi mắt để tuổi hai mươi của tôi mãi hụt bước, lặng một niềm yêu như thế. Là chị, chị đến từ tầng dưới, từ cái người ở trọ thứ tư trong cái mớ tên hỗn độn Hằng, Hạnh, Lan, Tuyết Anh... gì gì đó... Chị đưa cho tôi bức phác thảo chắc bị rớt xuống đêm qua. Từ hôm ấy, tôi ngồi học mà lòng như lửa đốt chỉ mong tết đến thật chậm. Chậm thôi nhé.

Một đêm khó ngủ, tôi lấy chồng kí họa ra xem lại, vẫn chỉ là một mớ phá cách ngang tàng. Từ lúc học phổ thông, tôi đã có sở thích quái dị là phác những khuôn mặt mà mình ám ảnh, tuyệt nhiên không phải là một người nào cụ thể, đó chỉ là những cắt ghép vô thức. Từ lúc theo học đồ họa, tôi lại càng vẽ ngang hơn, những khuôn mặt của tôi hiện lên trên nét chì nhộn nhạo như một khu phố lúc tắc đường. Dừng lại ở một bức vẽ, hình ảnh một cô gái thật mờ trong nét chì. Cô như lạc vào thế giới dị nhân của tôi bởi khuôn mặt có vẻ bình thường nhất.

Từ hôm ấy tôi quyết định sẽ không tránh viên gạch bông tọc mạch kia nữa. Tôi đi về thất thường, tiếng “cộc” cũng thất thường nhưng đầy thao thiết. Nhớ có lần đi từ miền rừng về, chị hai kể, trai bản thường chọc sàn để tỏ tình. “Hơn nhau ở âm thanh gửi gắm ấy”- chị bảo thế, nhưng lần này thì chẳng ăn thua gì, vẫn một sự lặng lẽ như thế. Mùa thi, các chị phờ phạc bởi những chồng sách. Những năm chín mươi ấy sinh viên là niềm hy vọng của cả gia đình chứ không như phải cục cưng như sau này. Họ học để tự lập, có khi còn phải kéo theo một đoàn tàu các em. Từ đêm ấy, tôi bắt đầu gấp gáp hoàn thiện bức vẽ. Giữa muôn vàn bon chen của các loại màu nước, chất liệu như nhịp sống ngoài kia, tôi cứ lặng lẽ cây bút chì từ thời trung học. Nhờ thế, khuôn mặt chị vẫn ấm áp chứ không xám xịt u buồn. Vừa vẽ, tôi vừa nghe trong ấy tiếng tí tách của bìa đậu trên chảo, của bút bi rơi, của những trang sách được lật dở...

Ngày cuối, trước khi các trường nghỉ Tết, tôi mang bức vẽ ấy xuống. Nhưng tầng hai có đến hai phòng, tôi đứng trước hai cánh cửa lạ lẫm dẫu đã gắn bó suốt thời tuổi thơ của mấy chị em. Bỗng dưng một cánh cửa khẽ mở, một chị bước ra tròn mắt nhìn tôi từ đầu đến chân và người  đó đương nhiên không phải chị. Chị ta cố giấu nụ cười rồi quay lại gõ vào cánh cửa phòng “cộc cộc” như một tiếng gọi. Để rồi, chị nhẹ nhàng xinh xắn bước ra với quần xắn cao, tay và mặt đang lấp lem bột nặn bánh. Chị cũng lúng túng với đôi tay khi nhìn bức vẽ của tôi. Đấy là lần đầu tiên tôi được mời bước vào căn phòng một người con gái lạ. Căn phòng gọn gàng với những cánh hạc bay, những bông hoa đào nở từ giấy màu trên cái cành khô của một ngày chưa Tết.

Sau này, mỗi khi nhớ lại bức vẽ ấy, tôi vẫn nhớ như in khuôn mặt chị có nét gy hơn. Ra giêng, các chị chuyển nhà để đến nơi thực tập rồi ra trường. Tôi cũng cắm đầu vào học những năm cuối rồi lo xin việc. Những bữa cơm nhà thưa dần, thành phố bắt đầu nhan nhản cơm hộp vào những buổi trưa. Nghe ngóng mãi tôi mới biết chị đã ra trường rồi đi làm, rồi công ty điều chuyển chị vào một chi nhánh trong Nam, thế là xa mãi xa...

Trần Ngọc Hòa là cái tên lạ lẫm được phòng nhân sự chuyển đến trên tờ giấy đặt trên mặt bàn tôi. Cuối năm rồi, bao giờ cũng vội khi người phải nghỉ Tết  mà việc thì đang còn dang dở. Đã ba lần, kể từ đầu năm, lãnh đạo “chuyền” cho phòng tôi những quả “bom xịt”. Bằng cấp thì sáng chói mà năng lực thì ở mức: “Chú ơi đổ bã trà ở đâu?”. “Thứ nhất là chưa đến tuổi gọi chú, thứ hai là không thấy mấy giò phong lan treo ngoài ban công à?”. Tất nhiên, chỉ là trong tâm tưởng nhưng thốt được ra cũng thấy hả dạ.

Thế mà chỉ tuần sau, cũng một ngày áp Tết, tôi đã ngồi cafe với nó bên vỉa hè. Tên với tuổi, thế mà hóa ra lại là một thằng con trai cao độ mét tám lừng lững. Nó nhanh nhẹn, linh hoạt, được cái rất thích hoa lan, nhìn nó chăm hoa cầu kì đến sốt ruột. Đang vu vơ đủ thứ trên giời bỗng nó ngước lên bảo:

- Ngày xưa chị gái em từng thương mến một cậu bé. Em đọc trộm trong nhật kí trước hôm chị về nhà chồng.

- Thế là chị chú lừa trẻ con mới lớn à?

Nó cười khùng khục, hai thằng ngồi tán gẫu về chuyện “phi công trẻ” thời bây giờ. Mà nghĩ cũng lạ, mới có chừng ấy năm bao nề nếp, giá trị cuộc sống đảo lộn. Đột nhiên nó buồn thiu, tay bẻ gẫy điếu thuốc ấn xuống cái gạt tàn pha lê như một sự ân hận.

Một hôm, nó đi thị trường gọi về cho tôi í ới nhờ đưa hộ cái chùm chìa khóa trên mặt bàn cho chnó đến lấy. Đang bận, tôi ậm ờ nhận lời rồi quên béng đến trưa mới nhìn lại chiếc điện thoại đã tắt chuông. May chỉ có một cuộc gọi nhỡ từ số lạ, một giọng nói trầm buồn vang lên từ đầu bên kia. Chị thằng Hòa nói lại bận đi đường nên không đến lấy chìa khóa. Theo thói quen, tôi lưu số máy đó vào danh bạ với cái tên “Chị của Hòa”. Tối về, lại là một ngày vợ đi công tác, các con về ngoại để tôi hoàn thành nốt công việc. Tôi lại mang laptop lên tầng ba, ấm trà đã nguội, cơn gió lạnh tháng Chạp lại ùa về. Đọc xong tin nhắn trong group zalo thì một tin nhắn mới đã có từ lúc nào. Zalo gợi ý kết bạn với “Chị của Hòa”. Tôi không dại gì làm đầy thêm list bạn bè với một người lạ. Nhưng kìa, ở cái ảnh đại diện là bức vẽ của tôi ngày nào. Tôi đã zoom bức hình lên, đúng là bức tôi vẽ. Nhưng chắc hẳn vì chưa được kết bạn nên không thấy bức ảnh nào của chị.

Những ngày sau, mỗi lần nhìn thấy Hòa, tôi thấy nó như là một người quen mà mình phải tận tình chỉ bảo. Lại thấy không tự nhiên như thể cậu ấy đã biết tất cả. Nhiều lần tôi đã gợi chuyện, nó cũng không đả động gì, cho đến một lần nó bảo:

- Chị em xuất gia rồi.

Tôi cố làm ra vẻ bình thản bởi cũng chưa rõ trắng đen:

- Chị chú đi nước ngoài à?

- Không anh ạ, giờ bố mẹ em mất cả rồi, e cũng đã có công việc ổn định chị không phải lo nữa. Cuộc đời chị ấy thì... buồn lắm.

Nói rồi, nó cho tôi xem bức ảnh một ni cô đang quỳ gối chắp tay trước tượng Phật, đôi mắt nhắm, vẻ u tịch bao quanh bằng khuôn mặt với vành khăn nâu, vẫn là khuôn mặt ấy. Đúng là chị, tôi đã ở đâu giữa cuộc đời này. Những ngày cuối Chạp thật buồn, buồn vô cơ và dang dở như những bông hoa đại trắng ngần đang lặng lẽ rơi trong mưa trên nền đá sân chùa....

 

B.V.P

 

BÙI VIỆT PHƯƠNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 297 tháng 06/2019

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground