Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đồng đội tôi ở Khe Sanh

TRUYỆN NGẮN dự thi

T

háng bảy, đường lên Khe Sanh sương mù vấn vít từng khoảng núi đồi xa gần, mơ hồ. Tấm khăn voan trắng sữa khổng lồ ấy trùm lên những bụi sim, mua tím dịu dàng, mang lại hơi thở cao nguyên trong trẻo. Qua khỏi con dốc lớn, nắng hiện ra, rưới ánh sáng mơ màng lên thảm hoa lau nở trắng đồi tựa một rừng đuốc chơi vơi. Nhớ khi xưa hành quân, Vũ - một kẻ mộng mơ của đơn vị luôn trầm trồ hoa đẹp, ngây ngất những triền hoa chín vội thả hồn theo mây gió. Tiếng hát của bạn đã giúp chúng tôi quên đi nỗi nhọc nhằn hành quân. Giờ đây Vũ cũng ôm đàn nhưng chỉ dành riêng cho những đồng đội của chúng tôi, đã lâu rồi nằm yên trên 689.

Thi thoảng trên đường chúng tôi gặp những người Vân Kiều vai đeo chiếc gùi đầy măng rừng và rau dại. Một đám trẻ mặc những bộ áo quần cũ kỹ, nhàu nát đương vác những bó củi to hơn cả người chúng. Xe chạy qua, chúng đưa tay vẫy chào, vừa vẫy lại vừa lấy tay quẹt nước mũi rồi xoa bừa lên má. Cảnh tượng vẫn như năm nào, khi những người lính chúng tôi chiến thắng trở về từ Khe Sanh.

Tú, trưởng ban liên lạc K3 bảo xe dừng lại, anh lục ví lấy ra cho đám trẻ mấy chục nghìn, lại lấy thêm dăm gói kẹo cho các em. Đám trẻ mừng rối rít. Các em trọ trẹ nói lời cảm ơn. Rồi chúng tôi cùng xuống xe, cho các em thêm ít tiền và quà, cùng chụp chung pô ảnh bên đèo mù sương. Xe lại lên đường, trong đầu tôi ong ong nhiều thứ. Không biết bia tưởng niệm đồng đội trên cao điểm 689 ra thế nào. Vùng chiến địa Khe Sanh bị hàng trăm ngàn tấn bom đạn cày xới ngày đêm bây giờ ra sao. Mọi thứ ngủ yên lâu quá nhưng kí ức hãy còn tươi mới. Dường như bao ngày tháng, bao đau thương, vẫn không xóa nhòa đi dù một vết sẹo nhỏ.

Đường hành quân vào chiến trường năm đó gian khổ, đơn vị tôi liên tục vượt qua những ngọn núi đá vôi cao chót vót của miền Tây Trường Sơn. Dốc dựng đứng, đá nhọn hoắt. Có những ngày đi mãi trong rừng già âm u, nghe tiếng chim kêu nhớ vội quê nhà. Mới qua dốc cao vời vợi đã thấy hiện ra khe đá chỉ vừa lọt một thân người, phải lựa mãi ba lô mới lọt được qua. Nhiều chiến sĩ ngã oạch trên con đường cheo leo đèo dốc. Nhiều buổi khát nước đến cháy cổ, chỉ mơ vùng vẫy trong con sông quê xanh mát. Ngày nắng, mồ hôi đổ ra như tắm. Người mệt rã rời. Lắm lúc gặp phản lực bất ngờ dội bom, đất đá cứ thế mà trùm lên người. Nhiều lần trời tối, đường trơn vẫn phải hành quân cho kịp đến trạm.

Nhớ đêm nọ hơn mười giờ mới được ăn cơm. Trời tối om, sương từ đâu lèn về, sánh lại, lạnh buôn buốt bàn chân. Tiểu đội tôi nấu cơm xong đội mưa mò mẫm bê ra lại bị ngã đổ hết. Anh em đành bốc cơm dưới đất lên ăn tạm. Phi vừa ăn vừa nói: “Cơm ngon! Ăn không máy bay Mĩ nó giành hết đấy”. Đất và cơm rộn rạo trong miệng nhưng đói quá, đường phía trước còn dài, cơm ngon. Thằng Sơn không chịu ăn, tiểu đội trưởng phải nhường suất vét nồi cho cậu ấy. Sau này, đơn vị gọi là Sơn bột để phân biệt với tôi là Sơn đen, cu cậu nghe đâu uất lắm. Sớm ra hành quân, nghe đâu lại phải leo ba con dốc, mỗi người một chiếc gậy lom khom đi dưới những tán xanh, những cành cây oằn mình trong nắng. Vũ đi sau lưng cứ luôn miệng hát bài này qua bài khác, hát nhỏ thôi, cho nhau nghe đường hành quân đỡ mệt.

“Gậy trong tay mồ hôi đã bóng, màu gỗ quê hương mang cả mối tình dân”.

Nhạc Phạm Tuyên mới phổ biến qua đài tiếng nói, còn nóng hôi hổi. Chúng tôi cứ thế hát theo, tiếng hát hòa cùng tiếng chim, tiếng suối reo, tiếng đá dội, tiếng chân đều đặn dẫm lên đường mòn. Cứ như thế sau nhiều ngày thử thách, chúng tôi mong mỏi vào kịp chiến trường.

Và chúng tôi chẳng phải đợi lâu, gần sáng một ngày thứ bảy bỗng có liên lạc của trung đoàn xuống hỏi nơi nghỉ của ban chỉ huy tiểu đoàn. Linh tính của người lính nhắc bảo sắp chiến đấu đến nơi rồi. Năm giờ sáng, ban chỉ huy đại đội được mời lên tiểu đoàn nhận lệnh, còn tất cả bộ đội tháo tăng võng chuẩn bị lên đường. Trời bỗng đổ mưa, cả khu rừng chìm trong màu bàng bạc. Tiếng súng ở Khe Sanh dội về nghe gần quá. Lòng tôi dâng lên cái cảm giác vừa hồi hộp vừa chơi vơi. Chúng tôi bắt đầu hành quân và mấy ngày sau chính thức là những người lính tham chiến tại một trong những chiến trường ác liệt nhất cuộc chiến tranh này.

Đêm trước ngày tiến công, Nhan nằm bên hỏi, “mày có người yêu chưa?”. Tôi không nói gì, chỉ cười. Nhan nói tiếp, “không có người yêu càng tốt mày à. Lỡ có vào mà không ra được, tội người ta mong chờ”. Điều Nhan nói làm tôi nhớ đến Tuyết, vẫn ngày ngày hiển hiện trong trái tim tôi không thôi thương nhớ…

*

Ngày nhập ngũ, tôi vừa tròn hai mươi tuổi, tuổi mộng mơ hò hẹn trăng sao, quen đêm một mình viết đôi dòng thư cho người ấy. Tôi và Tuyết cùng học với nhau từ hồi bé xíu cho tới khi ra trường, bằng tuổi nên xưng hô với nhau bằng tên. Nhà chỉ cách nhau vài con ngõ vậy mà cứ xa là nhớ.

Học hết cấp, Tuyết đi học trung cấp tài chính ở tỉnh rồi về công tác ở phòng tài chính thị xã. Ngày Mĩ đánh bom, cơ quan của em lại sơ tán về gần xóm cũ. Bạn gái thì có đấy nhưng đâu dám gọi là người yêu, giữa chúng tôi vẫn còn một bức tường ngăn cách ngây ngô, khờ dại. Một ngày không gặp nhau là ra ngóng vào đợi, nhưng khi gặp mặt lại đỏ bừng chẳng biết nói với nhau điều gì.

Cuối năm một chín sáu bảy, tờ lệnh nhập ngũ chuyển đến tôi và người đầu tiên cầm đọc chăm chú là Tuyết. Đọc xong em bỗng cúi xuống, chẳng nói chẳng rằng, mắt em buồn vời vợi. Tối đó, bà con thân tộc, hàng xóm láng giềng qua thăm tôi ngồi chật cả sân. Chị gái và mẹ nấu những mười mấy ấm nước sôi pha chè. Nửa đêm, khi mọi người về hết, Tuyết mới ghé lại nhà. Một cái bàn gỗ, một ngọn đèn dầu, tôi và Tuyết mỗi đứa ngồi một đầu nói chuyện với nhau cho đến gần sáng. Chuyện thời đi học, chuyện cơ quan, chuyện chiến tranh, chuyện nhà thay nhau đến bên bàn gỗ. Chỉ mỗi một điều muốn nói từ con tim thì chẳng ai nói được. Trong buồng, tôi nghe tiếng mẹ thở dài. Gà vừa gáy sáng, trời mù, gió bấc, hơi lạnh trùm lấy đầu, lấy chân, bần thần tôi liều cầm tay Tuyết, dù là một lần, để kịp nhớ. Và khi tôi định hôn Tuyết lần cuối thì mẹ trở dậy, từ trong buồng đi ra, thấy chúng tôi vẫn ngồi bên bàn thì thở dài không nói năng gì. Mẹ biết cả, phận trai thời lính, gái thời chiến chẳng biết thế nào mà nghĩ.

Trước khi chia tay tôi thì thầm vào tai Tuyết: “Ngày kia, trung đoàn Sơn sẽ làm lễ tiễn quân vào Nam chiến đấu. Tạm biệt Tuyết!”. Bấy giờ tôi mới thấy mắt em đỏ hoe, rồi Tuyết chào cha mẹ tôi, đi ra cổng, trôi vào ánh sáng nhờ nhợ của ngày mới lên.

*

Đến vị trí tập trung quân, chính trị viên tiểu đoàn truyền thuật K3 đã nhận lệnh của trung đoàn bằng mọi giá phải công chiếm được cao điểm 689, một cứ điểm cực kì quan trọng của Khe Sanh.

“Cao điểm có ba mỏm A, B, C, được thiết lập công sự trận địa vững chắc và do một tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mĩ chốt giữ. Nếu Khe Sanh được ví như Điện Biên Phủ thứ hai thì cứ điểm này có tầm quan trọng như cứ điểm đồi A1. Chiếm được 689 là khống chế toàn bộ tập đoàn cứ điểm Khe Sanh, sân bay Tà Cơn. Nếu mất 689 là mất tất cả. Các đồng chí hiểu chứ!”.

Nhiệm vụ quan trọng và nặng nề như thế nên anh em có phần lo lắng. Nhưng cái lo lắng ấy nhanh chóng qua đi, chúng tôi ngồi khoanh lại với nhau, người lau chùi súng ống, đếm đầy đủ cơ số đạn, kẻ kể chuyện tiếu lâm, cười nghiêng ngả. Tú khoe: “Người yêu cho tao sờ ti trước khi vào Nam đấy nhé!”. Cả đám trố mắt, bảo sờ thế nào, kể tường tận đi. Tiếng Nhan nói to nhất: “Nó tròn méo ra làm sao, bác kể đi. Số tôi nhọ nồi…”. Vũ ngồi một mình, nhìn mây trời rồi vu vơ hát bài ca nhớ quê. Sơn bột và Phi rủ tôi đi mượn bút viết thư về nhà. Tôi lại một chỗ vắng viết thư cho Tuyết. Mở đầu bằng câu:

Tuyết nhớ! Ngày mai anh vào trận…

*

Phải rồi, còn nhớ trước ngày lên đường tòng quân lòng tôi ngổn ngang trăm thứ tơ vò. Chiều đó, tôi đầu trần liều mình chạy sang cơ quan Tuyết để nói một lời cuối song không gặp được em. Mặt buồn rười rượi, tôi thẫn thờ quay ra bỗng thấy em đi về cơ quan bằng chiếc xe đạp Thống Nhất mới vừa được phân phối. Không nói không rằng, hai đứa chúng tôi đạp xe vô định ra ngoài thị xã. Trời rét cắt da cắt thịt, tôi chờ một hơi ấm áp lên lưng, nhưng hơn tiếng đồng hồ quanh quẩn, em vẫn ngồi yên sau xe. Giờ đây, tôi cảm thấy cuộc đời phía trước chỉ còn mỗi Tuyết để chờ đợi, để hi vọng. Chiến tranh đến gần quá, cần phải có một điều gì đó để nắm giữ, dù mơ hồ, xa xôi.

Đến một cây cầu mới bị máy bay Mĩ đánh hỏng, em dừng xe nói: “Bọn mình đứng lại ở đây một lúc đi Sơn”. Tôi dừng lại, xoa tay cho đỡ lạnh. Giữa dòng sông, cây cầu sắt bị đánh sập, nửa chìm nửa nổi, ở một mố cầu lá cờ đỏ sao vàng được cắm uy nghi. Dường em muốn ghi tạc lại mọi hình ảnh xung quanh ngày tiễn đưa tôi ra mặt trận để sau này còn nhớ.

Một bên sông là chân núi Đốn, nước sông quằn quại chảy qua. Trên đường vắng hoe, chỉ còn mỗi tôi và em giữa chiều lạnh. Tôi dắt xe về phía khuất gần núi, nơi có cây gạo già rụng lá buồn thiu. Ngắm trời đất một hồi, tôi lục túi tìm bốn cái tem thư binh sĩ vừa được phát, xé làm hai rồi lấy bút mực ra, kí chữ vào phía sau. Hai chiếc tôi giữ có chữ kí của Tuyết và em giữ hai chiếc có chữ kí của tôi. “Tất cả đây là kỉ vật về Tuyết, Sơn giữ ra chiến trường. Hòa bình về…”, tôi nói gần như khóc. Và như chẳng thể đợi thêm, em khóc nấc lên, nước mắt chúng tôi hòa vào mưa.

Tôi cầm lấy hai bàn tay nhỏ bé của em đã tím đi nhiều vì lạnh.

Trước mặt tôi lúc ấy, mưa lất phất trên dòng sông quê, chứng nhân cho một mối tình mới chớm. Tuyết nghẹn ngào: “Em không thích, và không bao giờ muốn phải xem lại đoạn cuối của bộ phim Khi đàn sếu bay qua”. Lúc đó, hình ảnh nàng Veronica vô vọng tìm người yêu Boris giữa hàng nghìn binh lính hồng quân trở về trong cuộc diễu hành mừng chiến thắng Phát xít đập vào trí tưởng tôi.

Tuyết ơi anh sẽ trở về!

*

Khi ở Khe Sanh, ý nghĩ về Tuyết thưa dần. Chiến tranh thật dữ dội, không để cho người ta kịp nghĩ gì khi bom đạn tạo ra những đám cháy có linh hồn, cày nát những ý nghĩ bị đóng đinh trên trận địa.

Sau nhiều ngày đánh nhỏ lẻ, pháo kích để vây lấn địch, nay được lệnh đánh tiêu diệt cứ điểm 689, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 3 rất phấn chấn. Sáng đó, chúng tôi nhận lệnh siết chặt vòng vây chờ lệnh tổng tiến công. Tiểu đội tôi mỗi người mang theo hai nắm cơm lên chốt, chờ địch. Khoảng chín giờ, địch cho lực lượng tiến công theo hai mũi với chủ công là lính thủy quân lục chiến. Những khẩu AR15 được yểm trợ phía sau là cối và pháo giã đều xuống chân 689.

Cả ngày hôm đó, chúng tôi đã chặn đứng và đánh tan nhiều đợt phản kích, tiêu diệt nhiều lính thủy quân lục chiến Mĩ. Địch quân cho pháo kích liên hồi vào trận địa, nhiều phi đội máy bay kéo vào oanh tạc. 689 rung chuyển dữ dội. Nhiều anh em nằm lại trên đồi cao, xác chưa mang về được. Súng giữ chặt trong tay, luôn sẵn sàng xung lên phía trước. Tối về tuyến sau nằm ngủ, thấy đêm quánh đặc sương mù, hối hả trong lòng nó từng đàn gió ngược xuôi chạy trên những rừng cây ướt, trên từng giao thông hào tróc lở vết bom. Trên thung lũng vọng tiếng chim lẻ loi gọi bạn trong đêm. Có tiếng súng xa gần. Có trái hỏa châu soi sáng một vùng trời rồi tắt lịm. Tôi nghe tiếng mình thở, bàn tay bấu chặt vào đất để chắc chắn mình vẫn còn sống, và hiện tại trước mắt đây là sự thật.  

Hôm sau, tôi và ban chỉ huy đại đội vào quan sát trận địa, tính đường đánh địch và mang anh em đã hy sinh ra. “Chẳng biết có còn gì không! Tội cho các anh em!”, đại đội trưởng nói như khóc. Trời nắng cháy, nhìn lâu muốn lòa cả mắt. Anh em hy sinh nhiều quá, sau một đêm dường như không còn nhận ra nữa vì pháo đã giã nát trận địa. Lúc gần mười một giờ trưa, một chiếc L19 bay quần đảo trên công sự đã ngụy trang, rồi bất ngờ chúc đầu lao xuống phóng một quả pháo khói. Lập tức, hàng loạt đạn của địch nổ ran quanh công sự. Chúng tôi đã bị phát hiện và lọt thỏm giữa vòng vây. Sau khi giao nhiệm vụ cho mọi người, đồng chí Thủy, đại đội phó, bật khỏi vị trí để trườn về công sự phía sau phòng thủ thì bị địch bắn trúng mặt. Anh hi sinh tại chỗ, tay vẫn giữ chặt khẩu súng. Ứa nước mắt, chúng tôi quyết tử nổ súng. Phát hiện mục tiêu, một chiếc trực thăng bắt đầu hạ cánh, những lính Mĩ tay lăm lăm súng vừa bắn, vừa tiến đến sát miệng hố. Rồi chúng tràn xuống, tới gần, tôi ném liền hai quả lựu đạn về trước rồi bật ra khỏi công sự, lăn xuống phía dưới và lọt vào hố pháo. Địch vừa kêu gọi đầu hàng, vừa tiếp tục nã đạn.

“Tao mà hàng à…” - tôi tiếp tục ném lựu đạn về phía địch, xong bật ra khỏi hố pháo tiếp tục lăn người xuống khe suối. Bỗng một quả cối nổ ngay bên người. Đất đỏ trùm lên toàn thân. Tôi chới với, máu từ mồm, từ mũi tôi hộc ra. Tôi lăn xuống được dưới suối và lẩn vào bụi cây. Bị trúng lựu đạn, bọn Mĩ hoảng sợ quay ngược trở lại trận địa, không dám liều lĩnh truy kích về phía chân cứ điểm, nơi bộ đội ta đã làm chủ. Máy bay trực thăng cũng quay đầu biến mất. Đến tối, Phi và Tú tìm được tôi cõng về hầm quân y. Chưa làm chủ được 689, tôi ở trong lán mấy ngày lòng như lửa đốt.

*

Bầu không khí đang sôi nổi bỗng đột ngột chìm vào im ắng khi chiếc xe chầm chậm đặt bánh vào khúc cua dưới cao điểm 689. Những con mắt đăm đăm nhìn về phía đỉnh cao, những giọt lệ lăn theo khóe mắt.

- Chúng tôi về thăm anh em đây.

Nhẹ nhàng bước trên con đường bê tông mới dẫn lên cao điểm, lòng dạ ai nấy đều chộn rộn cảm giác buồn bã khó tả. Mỗi tấc đất ở đây đều còn xác đồng đội vùi thây cùng đất, cùng cỏ. Khi đến giữa chân đồi, tôi nhớ lại trận đánh ngày mùng bảy tháng bảy. Ngày đó, địch tăng viện cho quân Mĩ ở cứ điểm 689 và tổ chức hai đại đội tiến theo hai hướng tây bắc, tây nam hòng mở đường máu cho toàn bộ lực lượng ở cứ điểm tháo chạy. Tôi xin phép cán bộ quân y được quay trở lại trận địa. Tôi cố nhảy nhót, bò toài như một chiến sĩ bình thường, khỏe mạnh dù một bên đầu còn ong ong vì áp lực cối.

Ra trận địa, cũng là lúc K3 chuẩn bị đợt tấn công trên quy mô lớn. Đến chín giờ tối cùng ngày, Tiểu đoàn đã tràn lên cứ điểm 689 thực hiện cách đánh bất ngờ, táo bạo, đánh sập lô cốt, tiêu diệt các ổ đề kháng, trận địa cối của địch. Đại đội tôi nhận nhiệm vụ đánh địch hướng tây nam, có nhiệm vụ tác chiến chính diện sở chỉ huy địch để cắm cờ. Đến mười hai giờ đêm, lực lượng đánh chính diện đã tiếp cận hàng rào và nổ súng đánh chiếm lô cốt đầu cầu. Khi vượt qua cửa mở tiếp cận khu trung tâm chỉ huy của địch, Sơn bột lao lên để cắm cờ thì bị một ổ đại liên quét trúng hy sinh, tay vẫn nắm chặt cán cờ. Trời ơi, thằng Sơn, thằng Sơn người trắng như bột, không chịu ăn cơm đất hy sinh rồi! Thấy bạn bị bắn trúng, Phi chạy sau lập tức dùng B40 bắn về phía đạn túa ra. Sau tiếng nổ, ổ đại liên tắt ngấm. Đúng lúc ấy, Phi cũng bị đạn cối địch bắn trúng. Tôi ở gần Phi nhất, kêu lên “Phi ơi, mày có sao không? Để tao đưa mày ra sau nhé”. Nhưng Phi nào có trả lời tôi được nữa.

Phi chết chẳng kịp trăn trối gì.

Giữa lúc, 689 đã gần về ta.

*

Nhà tưởng niệm ở phía trước cao mười mét vươn cao sừng sững giữa trời xanh Quảng Trị. Dâng nén tâm nhang, chúng tôi ai nấy đều ứa lệ trước một mái nhà chung của hơn hai trăm anh em đồng đội, những người anh hùng trên cao điểm 689 vĩnh viễn nằm lại.

- Xin lỗi, đồng đội ơi!

Tú vừa khóc vừa nói. Chúng tôi không thể đưa được đồng đội về quê nhà, về với gia đình và người thân. Mĩ đã dùng bom Napan, đạn pháo hủy diệt toàn bộ cứ điểm. Cứ chín mươi phút chúng lại dội một trận bom xuống. Tất cả các liệt sĩ nằm đây đều hòa máu xương vào đất, vào đá trên điểm cao này…

Trong đợt tấn công cuối cùng ấy, chúng tôi nhận lệnh bằng mọi giá phải cắm bằng được cờ trên lô cốt trung tâm chỉ huy của địch. Tôi nén đau cầm cờ bò lên. Nhưng Nhan từ phía sau chạy tới, cách tôi một tầm tay giật lấy cờ nằm bên mỏm đất. “Để tao!”, nói rồi cậu lao về phía trước như tên bắn. Đạn địch bắn ra như mưa. Trong ánh sáng của lửa đạn, lá cờ cắm ngay thẳng trên lô cốt trung tâm chỉ huy. Nhưng đồng thời tôi lờ mờ thấy Nhan nằm úp, một tay bị bắn nát, tay còn lại ôm cán cờ vào nách, chặt cứng như chôn cờ trên đỉnh lô cốt. Lá cờ ấy như tiếp thêm sức mạnh cho bộ đội từ các mũi, hướng tiến công ồ ạt xông lên.

Đến rạng sáng ngày mùng tám, tháng bảy, năm một chín sáu tám, lá cờ giải phóng ngạo nghễ tung bay trong khói bom, đạn lửa trên cao điểm 689, báo hiệu cho chiến bại của địch quân tại cứ điểm Đường 9 - Khe Sanh.

*

Khe Sanh giải phóng được mấy ngày chúng tôi được lệnh hành quân quay ra. Nhìn đội hình hành quân thưa thớt, vắng những bóng hình cũ lòng chợt nhói lên đau đớn. Những Thủy, Nhan, Phi, Sơn, Quý, Bùi, Hoàn, Phái… đã vĩnh viễn không còn quay ra nữa.

Chúng tôi đi mãi gần tối mới đến chỗ nghỉ cũ của đơn vị ở chân cao điểm 803. Kia những giá ba lô, những đôi cọc phụ vẫn còn ở nguyên chỗ cũ, nhưng những người lính chủ của nó vừa mới đây thôi đã hi sinh cả rồi. Tôi nhìn cảnh vật xung quanh hiu hắt, lòng buồn não nề, không thiết ăn thiết uống. Tú bày đâu ra gói thuốc, chia cho anh em mỗi người một điếu. Chúng tôi nằm ngửa nhìn lên trời đêm, rít thuốc, lòng nghĩ xa xăm.

Sau trận Khe Sanh nửa năm, tôi được trung đoàn cử công tác đưa anh em thương bệnh binh của Mặt trận B5 ra Đoàn 200 ở Nghệ An an dưỡng. Đợt đó, tôi mới có dịp về thăm nhà. Sau gần ba năm trở lại, những hố bom nhiều hơn, cảnh hoang tàn đổ nát bày trên quê hương sau những lần Mĩ ném bom phá hoại. Nhưng đồng vẫn xanh, trâu vẫn từng đàn gặm cỏ. Cha mẹ thấy tôi mừng lắm, như không tin vào mắt mình, cả hai cụ đều khóc. “Con tôi còn sống ư?”, mẹ lần tay từ đầu đến chân con, vừa lần vừa khóc. “Sơn, phải Sơn con tôi không?”. Tôi ngạc nhiên, “Mẹ nói gì thế, con vẫn còn đây mà!”. Tôi vẫn còn nguyên vẹn, chỉ cộng thêm vài ba vết sẹo trên mặt, trên lưng. Bố hồi sau mới kể, người ta phao tin đơn vị tôi đánh Khe Sanh hy sinh gần hết, số còn lại mất tích cả. Bố và mẹ chờ giấy báo tử mới tin con hy sinh nhưng lên huyện đội người ta nói cũng không chắc nữa, trong danh sách K3 có chiến sĩ tên Sơn hy sinh. Tin ấy về xóm, ai cũng lao xao. Cả nhà khóc tôi từ bấy đến nay. Tôi từ tốn thuật lại chuyện đánh 689. Cả nhà ngồi lắng nghe không bỏ sót một chi tiết nào. Đúng là có Sơn nhưng là Sơn bột, hy sinh khi cắm cờ lên lô cốt địch. Lúc đầu nhìn công tử lắm nhưng khi ra trận cậu ấy đã trở thành một anh hùng. Không những Sơn mà cả Phi, Nhan, Vũ, Tú… đều là những chiến sĩ gan dạ, lập nhiều công lao của đơn vị.

Rồi tôi hỏi mẹ chuyện Tuyết, mẹ thoáng buồn, chẳng nói gì. Tôi nghĩ có chuyện không hay liền vội vã qua nhà em.

Có khi nào bom dội trúng nhà Tuyết rồi không?

Hay bom dội trúng cơ quan của Tuyết.

Tuyết ơi! Tuyết…

Tôi chạy ù tới ngõ, từ xa thoáng thấy nhà em vẫn còn đó, hàng dậu bìm bịp vẫn thắm màu. Tôi yên lòng. Mẹ em ra mở cổng, gương mặt nửa vui nửa lúng túng. Có tiếng trẻ con khóc trong nhà. Mũi tôi ngửi thấy mùi tinh dầu cho em bé, mùi lá xông thoang thoảng. Tôi hỏi: “Chào bác, Tuyết có nhà chứ ạ”. Mẹ em sững người: “Cháu… cháu còn sống ư!?”. Tôi đáp khẽ. “Có cháu à. Tuyết vừa sinh cháu được một tháng”. Lại có tiếng trẻ con khóc to hơn như báo rằng điều đó là sự thật. Tôi như bị sét đánh, đứng ngây người ra. Tuyết đã lấy chồng rồi sao? Tuyết có còn nhớ ngày chúng mình hẹn thề với nhau bên con sông quê trước ngày ra trận?

Tôi vào nhà. Tuyết ở trong buồng, thấy tôi em bối rối vô cùng, em ngây ra một hồi rồi vội vã tém tóc lên. Chừng tôi vẫn còn sờ sờ trước mắt em, trái với bao tin đồn thất thiệt, em lén lau vội giọt nước mắt ngắn dài. Cháu bé thôi khóc, nằm yên trong vòng tay mẹ. Tuyết không khác ba năm trước là bao, chỉ đẫy và hồng hào lên một chút. Hai chúng tôi lặng yên một hồi lâu, không nói với nhau câu nào. Không khí nặng nề bị phá tan khi em bé lại khóc. Tiếng khóc oe oe hồn nhiên chạm vào chút hòa bình nhè nhẹ trên quê hương. Tuyết khéo léo vén áo lên, tự nhiên vạch bầu vú căng mọng cho con bú. Tôi ngây người, thoáng chút xấu hổ vì là lần đầu tiên thấy Tuyết. Hình ảnh đời thường, hòa bình ấy thật không dung tục, nó thiêng liêng và đong đầy yêu thương. Cháu bé bú mẹ một hồi rồi vùng vẫy ngó nghiêng. Tôi với tay nói với Tuyết: “Đưa cháu anh bế nào!”. Em dỗ cháu rồi từ tốn bồng cháu trao cho tôi. Gương mặt cu cậu hồng hào, hai tay cứ vung qua vung lại. Lạ thay, khi tôi bế, cháu cười hè hè tít mắt. “Thằng cu bụ bẫm quá!”, tôi khen. Em cười, mặt vẫn không tan đi những vết buồn. Tôi giữ cháu một lúc, trong lòng cũng không vướng bận gì.

Đến chiều, tôi ra về, trước khi rời khỏi buồng, em bùi ngùi nói: “Tất cả là tại chiến tranh, Sơn à!”. Rồi Tuyết lại khóc, nước mắt nhỏ xuống gương mặt em bé nằm trong vòng tay.

Tôi không nói gì, loạng choạng đi về. Một cơn mưa phùn sa xuống buồn tênh. Tôi cứ để đầu trần đi dưới mưa như ngày nào băng băng tìm Tuyết để nói một lời trước ngày ra trận. Nước mắt hòa trong mưa, mưa là nước mắt, nước mắt cũng là mưa. Không có Veronica, không có Boris, không có đàn sếu nào bay qua cả! Bây giờ chỉ có mưa da diết rơi trên chiến tranh, rơi vào hòa bình, rơi vào lòng tôi để lại một vết sẹo bàng hoàng, chua xót.

*

Về đây, ngày tháng cũ sống lại như vừa hôm qua chúng tôi tóc xanh và áo hãy còn xanh. Chúng tôi cùng nhau ra mỏm phía Tây của cao điểm 689, từ đây bao quát cả vùng trời Khe Sanh. Mây trắng bay qua đầu, gió lộng tứ bề, mùi cao nguyên rực nồng cánh mũi. Vũ ôm cây đàn guitar đệm nhịp và chúng tôi cùng cất giọng hát cho đồng đội nghe. “... Nhớ những ngày đỏ lửa xa xôi, ta cùng tuổi 20. Đồng đội ơi, về đi thôi. Về nơi đây, về với quê hương. Về nơi đây về với người thân...”. Tiếng hát hòa cùng tiếng gió vi vu nghe da diết, thê lương. Những ngày hào hùng trên trận địa chợt sống dậy, nhớ bữa cơm chan bụi đỏ, những lá thư đọc cho nhau nghe và những bài ca vực lên khí thế tiến quân. Cả nỗi đau mất mát cũng theo đó hiện về, người ở lại cùng trận địa, người đi mở hòa bình và tình yêu cũng chôn vùi trong hố bom chiến cuộc. Những mái tóc bạc bay lòa xòa trong gió. Bài hát chưa kết thúc, chúng tôi đã ôm nhau khóc. Những giọt nước mắt tiếp nối giữa hai thế kỷ, chiến tranh và hòa bình, sống và chết, hạnh phúc và khổ đau. Chừng như các anh em đồng đội cũng về, đứng bên cạnh tôi, sau lưng Vũ, bên trái, bên phải Tú, chao ôi, hơn hai trăm anh em K3 đã hội ngộ, cùng hát theo nhau:

... Nhớ những ngày đỏ lửa xa xôi, ta cùng tuổi 20.

Đồng đội ơi, về đi thôi.

Đồng đội ơi, về đi thôi.

Về đi thôi!...

Tưởng niệm những chiến sĩ K3

Mặt trận Khe Sanh

L.V.T.G

 

LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 298 tháng 07/2019

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground