Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chín hạt giằng say

“Đ

ông y cho rằng giằng say có vị ngọt, tính mát có công hiệu giảm đau do cảm gió, thanh huyết nhiệt, khai khiếu, hoạt huyết. Sử dụng dạng sắc đổ bốn chén lấy một chén cuối cùng. Lá tươi giã nhỏ đắp mụn nhọt không kể liều lượng. Theo tài liệu Ấn Độ, lá giằng say được sử dụng làm giảm đau, kích thích tình dục và trị bệnh an thần. Vỏ cây có chất làm se, giảm sưng vết thương, chữa vàng da hậu sản. Hoa được sử dụng để làm tăng tinh dịch ở nam giới.”

Em đọc kỹ rồi chép lại thông tin vừa tìm thấy trên mạng. Lạ đời, trong tài liệu không hề nhắc đến công dụng của hạt. Em cố công tìm hiểu để khẳng định rằng đây là loài cây có thật. Dựa theo những thông tin tìm kiếm bấy lâu còn cho thấy giằng say rất quý. Thế mà mạ vẫn không tin, mạ đinh ninh làm chi có, chẳng qua mệ già nên nói sảng thôi.

Lời mệ ngắn gọn nhưng có sức nặng hơn tất thảy mấy dòng trên, mệ nói trộn hạt giằng say vào cơm cho ai đó ăn cùng với ít nước miếng của mình, người đó sẽ theo mình tới suốt cuộc đời, bất chấp điều chi xảy ra đi chăng nữa cũng không rời xa, không buông bỏ.

Cây quý không bao giờ mọc tràn lan để người ta dễ dàng hái được và không phải ai cũng biết. Trước khi nguýt dài mạ, mệ thì thầm vào tai em, xứ mình duy nhất Sa Mù mới có. Địa danh này em từng nghe tới, một vùng núi khá hiểm trở, lên tới đó không dễ, huống chi để tìm một loài cây hiếm hoi không phải ai cũng biết. Hồi ấy, em chưa tin lắm nên chẳng hỏi kỹ càng, chỉ là chút ý nghĩ nếu thần kỳ vậy mai mốt lớn sẽ đi kiếm bằng được.

“Nếu ông già nuốt phải giằng say cùng nước miếng của mạ thì ông sẽ gắn bó bên mạ cho tới khi chết”. Em nói trong khi mạ im lặng, ngồi đơm những khuy áo cuối cùng. Mạ có may áo dài xếp từ Bắc vô Nam cũng đâu níu chân người ta ở lại mà cứ cần mẫn chi cực rứa trời. Đôi lần em muốn gào lên khi bắt gặp ánh nhìn vờ như bình thản của mạ, biết rõ đằng sau đôi mắt và dáng hình yên tĩnh kia, bão dông đã quá nhiều.

*

Cuối cùng (mà cũng không hay là đã cuối cùng chưa) ông già đó trở về sau ngời ngời xa cách. Bữa gặp ông đứng tần ngần trước căn nhà có chiếc cổng màu xám tro đã cũ mòn và rỉ sắt, em nín lặng đi vào, tính không nói chi. Cái cổng nhà gần hai chục năm, mạ bảo để yên vậy, không sơn sửa, không đổi thay để người lưu lạc còn biết đường tìm về, còn thấy thân quen chớ mất công dáo dác lại tìm không ra. Phải mà mười năm hay ít nhất hai năm trước ông trở về thì dù trong bộ dạng nào em cũng hân hoan chào đón đúng kiểu cô con gái chờ ba đi công tác lâu ngày, tuyệt nhiên không hỏi han trách móc. Còn chừ thì đâu ý nghĩa chi nữa.

Huống hồ ông trở về cùng mầm bệnh có thể di truyền qua dòng máu mà ông rót vào người em. Ung thư phổi. Nghe bảo một sớm thức giấc, ông ho dữ dội, ho ra máu, đi khám thì ra bệnh. Án tử đến quá đột ngột mà lâu nay có vẻ như ông chưa chuẩn bị cho điều này nên giờ lóng ngóng. Mở cổng rồi dửng dưng vào nhà, em báo với mạ có khách. Mạ lẩy bẩy đứng dậy khi thấy bóng đàn ông lấp ló ở cổng, như chưa hề hờn ghen oán hận, thậm chí ngó qua em nói bằng mắt, đó cuối cùng ba mi cũng về thấy không, mạ nói rồi mà. Bất chấp món quà người đi xa mang về cho người đàn bà một đời đợi chờ là tấm thân rệu rã và bệnh tật. Lòng dạ đàn bà lắm khi khó tin và khó hiểu.

Tới lúc yêu đương rồi làm vợ, em cũng thấy mình khó hiểu như mạ. Chồng rề rà kêu em bị ám ảnh quá nhiều, chớ thương nhau kể không xiết mắc mớ chi em cứ lo chồng lừa dối này nọ. Vợ chồng mới cưới chưa kịp quen hơi thì anh đi công tác trong Nam tận ba tuần, hỏi sao không lo nghĩ. Hôm anh về nhà, hai vợ chồng nhớ nhau như chi. Nhà chồng chật chội, đêm nằm muốn rúc vào nhau thiệt đã mà phải ý tứ bởi phòng ba mạ cạnh bên, thành ra cử động không dám mạnh, em còn không dám thở. Chồng lại soạn sửa đi khi tụi em chưa trút hết thương nhớ cho bõ bèn.

Em ở nhà loay hoay cầm que thử mấy bận mà chẳng thấy hai vạch rồi đâm lo. Đứa con luôn là sợi dây gắn kết người đàn ông và đàn bà, có tiếng con nít đợi ở nhà cũng là một lý do thúc giục người ta muốn về nhà gấp (trừ trường hợp của ba mạ thì không hẳn vậy). Gần hai năm làm dâu, sáng sớm tỉnh dậy quét nhà, trưa lúi húi dọn cơm, tối soạn sửa đi ngủ, em đều nghe tiếng đằng hắng hỏi thăm của cả nhà chồng. Họ chẳng mấy thương cảm khi cô con dâu chỉ gần chồng tính ra đâu vài tháng còn thì xa cách, rời rạc. Nhà chồng bắt đầu gièm pha “có khi mô”, “hay là” với những giả thiết khó nghe khi soi xét em từ dáng đi tới điệu ngồi. Bức bí chịu không nổi, em viện cớ chuyển công tác rồi về nhà mạ.

Đàn bà ở xứ này bắt buộc phải giỏi đẻ, bằng không chồng sẽ kiếm vợ khác, gửi con ở nơi khác là chuyện thường. Em buộc mình phải giữ rịt chồng bằng mọi giá. Cho tới khi ông già đột ngột trở về, ý nghĩ để hai người họ có khoảng riêng tư thôi thúc em xách đồ, xin nghỉ phép để lên Sa Mù.

Từ nhà lên thị trấn mất hai tiếng đi ô tô, chạy xe máy thêm một tiếng rưỡi mới tới Sa Mù. Em èo uột say xe vì đường xấu. Ngồi bên cạnh là hai mạ con lên Khe Sanh mần rẫy. Dì cố bắt chuyện để em đỡ say. Thằng con trai thì lầm lì, không nói năng chi mà cứ ngó em như dò xét. Dì bảo đừng để ý chi, nó câm điếc từ nhỏ. Trước là ba đứa con gái, đẻ được nó chưa kịp mừng thế mà đợi mãi không thấy nói năng, chồng buồn bực bỏ đi lấy vợ khác. Dì kể bi kịch đời mình bằng giọng ráo hoảnh, chắc chuyện buồn để lâu rồi cũng nguội. Thi thoảng bắt gặp vài ba phận đời như thế này, em lại chắc nịch với kết luận rằng nguồn cơn khổ đau của đàn bà là từ đàn ông, những người đàn ông vô trách nhiệm.

Nhìn đứa con trai bất hạnh kia, em nhớ mơ ước dại dột của mình ngày xưa. Đại loại nhiều lần, em ước chi mình khuyết đi một giác quan quan sát và nhìn nhận. Hoặc không thể nhìn thấy hoặc không thể nghe thấy. Bởi đáng ra, con nít không nên thấy mấy cảnh đó để mà ám ảnh. Nhiều đêm trong giấc ngủ, em bắt gặp con bé tò mò và sợ sệt đứng nhìn mệ lấy áo của người em gọi là ba, cột vô góc nhà rồi lấy gậy đánh tới tấp. Vừa đánh vừa hô “Ba hồn bảy vía thằng Lữ mi về với vợ con”. Thế mà mấy hôm sau, ông già về thiệt.

Về để ngó thằng con trai đẻ non chỉ nhỉnh hơn chai bảy một tí rồi liếc mắt bẹo má đứa con gái ngác ngơ nhìn cha chẳng dám sà vào lòng. Nó đang chợn vợn ý nghĩ chẳng biết chiếc áo ba đang mang chốc nữa cởi ra có rách te tua như áo bị mệ đánh hôm trước. Mệ lụm đụm đi ra đi vào nựng thằng cháu nội rồi dỗ ngọt: “Đó, vợ đẻ cho thằng cu rồi, bây chừ ở nhà làm lụng cho có vợ có chồng con ơi!”. Ông già lúc đó vẫn còn trẻ, đẹp trai phong độ lắm, ngồi trong nhà cứ ngoái cổ ra sân, đứng ngồi thấp thỏm như nóng gan nóng ruột. Mệ nói ăn phải bùa là rứa, mất hết lý trí đâu biết chi nữa.

Hết đêm đó thì em trai em mất. Mạ như người mất hồn vì biết nỗi đau mất con sẽ kèm theo mất chồng. Ông già đi ngay sau đó, mệ có lấy áo đánh rách tơi tả, gãy mấy cây roi, lấy giá trồng lên mộ người ta khi vừa đủ bảy bảy bốn chín ngày rồi hô hào khấn vái chi cũng chừng vô hiệu.

Mệ đinh ninh thứ bùa mà người đàn bà nào đó khiến con trai mình mê muội chắc hẳn là mấy giọt bẩn trong ba ngày nhơ nhớp rồi pha vào nước uống mà đúng đêm rằm thì chịu, không cách chi giải được. Lần đầu thấy mình thành con gái, em mới thấy ác độc và tởm lợm cho bài thuốc mà người đàn bà cay nghiệt nào đó bày ra. Giá không nghe, không nhìn thấy có phải đỡ bứt rứt tâm trí và gợn nỗi lao xao mãi tới chừ.

*

Em chưa kịp để tâm về giằng say thì mệ mất. Phải chi mệ còn, em hỏi thêm thông tin chứ mơ mơ hồ hồ lên đất này, chẳng biết tìm mô ra. Rồi nghĩ hay là mình cứ coi như duyên. Tìm được là duyên, chẳng cưỡng cầu chi nữa. Mặc dù từ khi làm vợ, mỗi ngày em đều nuôi ý nghĩ nhất định phải cho chồng nuốt giằng say để suốt đời suốt kiếp bên mình. Đêm nằm trên chiếc giường trống trải, nhớ hơi chồng, em nghĩ thương mạ. Hồi nhớ ông già, mạ hay lấy quần đùi của ông ra mặc, mà cái quần đùi đó chắc chắn đã ráo hơi từ lâu lắm rồi.

Tủ áo quần để nguyên một ngăn cất giữ vài bộ đồ của ông từ năm này sang năm khác. Không ai đụng vào nhưng thi thoảng mạ vẫn lôi ra xếp gọn gàng. Có cả bàn chải đánh răng, khăn mặt, dao cạo râu. Bàn chải đánh răng cũ thì mạ vứt rồi mua cái mới để y nguyên trong lớp bọc như người ta bày bán ở quán. Dao cạo râu cũng mua loại xịn, khăn mặt mềm. Bữa chồng sang nhà ngủ lại, tới hồi đi tắm, mạ còn đưa cho anh chai dầu gội và sữa tắm dành cho đàn ông.

Gần hai chục năm, ông đâu về nhà hay có khi nào tạt ngang mà em không biết. Bằng cách nào đó, hình như ông vẫn giữ chút liên lạc ít ỏi dù là không sâu sắc, đủ để mạ khờ dại hy vọng, đợi chờ. Bữa chuẩn bị lấy chồng, em nói mạ có muốn mời ba không, con cho phép. Như bắt được vàng, mạ hớn hở chạy ngược chạy xuôi tìm cách liên lạc bắn tin rồi bần thần suốt buổi. Hình dung đám cưới mình sẽ có ông già ở bên dắt tay con gái vào hôn trường rồi trao lại cho chú rể như trong phim, em cũng thấy ngọt ngào đôi chút nhưng không dám hy vọng nhiều.

Mạ thì khác, cứ tràn trề niềm tin nên ấp ủ soạn sửa thứ này thứ kia. Tới lúc nghe giới thiệu song thân phụ mẫu bước lên làm lễ, mạ vẫn ngóng ra cửa, biết đâu người ta đến muộn. Em bận nhìn mạ nên không lấy gì hồi hộp, nhớ lời mệ, bùa át cả nhân ngãi không còn biết chi đâu và hình dung ngày xưa xưa lắm, ông già đó cũng từng cưng nựng và yêu thương mình. Tiếc là ký ức ấy quá ít ỏi và cũ kỹ, trí óc chưa kịp định hình để nhớ nhung. Đứng trên sân khấu nhìn xuống bà con hai họ, ngó qua thấy mạ vẫn mỏi mắt kiếm tìm, chính lúc ấy em đã tự nhủ sau này mình sẽ lên Sa Mù.

Dạo này chồng dùng nước hoa, bảo để giao tiếp cho lịch sự vì ai cũng vậy. Em bần thần, cầm cái áo mà chẳng tìm ra mùi của anh. Những cuộc điện thoại vào giờ khuya lơ, chồng hay ra ban công đứng nghe, lát lại ôm hôn em đâu từ phía sau rồi thì thào: “Vợ ơi, sắp tới anh đi công tác”. Trăm lần như một nên em thường nghĩ số mình có khi là vậy, hay bị người ta bỏ quên.

Hồi buồn bã nhớ chồng, mạ lấy việc làm vui nên không biết đói, còn đứa con gái đói rã rời tự đi lục cơm nguội chan nước lọc ăn cho đỡ nghẹn. Có lúc thì ngồi đợi chồng quên cả đón con. Con bé lúc ấy mới lên mười đã lội bộ tám cây số về nhà, mở cổng thấy mạ ngồi trân trân ngó ra, tay ôm ảnh chồng nghĩ mông lung. Thường bị bỏ quên nên thành quen, như sáng sớm chở con đi học, bảo con lên xe mà nó loay hoay chưa kịp trèo lên, mạ đã phóng xe chạy vèo. Em ngồi thẫn thờ trước cửa, tự hỏi mạ đi tới đâu thì sẽ ngó lui sau lưng rồi thấy mình đang chở không khí. Có thể là không, chắc mạ đi đúng một vòng rồi về, vì hồi nào chừ trên đường đi hai mạ con có hỏi han chuyện trò chi mô.

Thiệt vậy. Mạ đi tới trường rồi dừng xe như quán tính. Chờ em xuống xe rồi sắp sửa chào bằng nụ cười như mọi bữa nhưng quay lại không thấy con gái mình đâu. Bữa đó mới ngớ người, người đàn bà giận mình, có khi nào mình làm rơi con ở đâu, chớ mình chở nó trên xe mà ai bắt mất thì vô lý quá. Lật đật quay xe về tới cổng nhà, thấy con nhỏ cam chịu ngồi đếm nắng, nắng chiếu vào mặt nó sáng bừng mà không hay đời nó mai mốt có sáng sủa chi không. Nó lót dép ngồi trước cổng gọn ơ, bình thản đợi mạ. Mạ đẩy xe đi vô, bảo thôi con nghỉ học luôn, giờ lên lớp cũng trễ rồi.

Em định phân bua kể lể nhiều đôi chút nếu lỡ may Lâm biết mục đích tìm hạt không phải để nghiên cứu làm luận văn mà em bịa ra, chỉ mong dọc đường núi non kia Lâm đừng bỏ quên em như nhiều người đã từng như thế. Xe hư nên khi lên đến thị trấn cũng sắp giờ cơm trưa. Lâm mời cơm mà em ngần ngại không dám ăn (đất của giằng say nhỡ đâu ăn phải hạt lại chẳng thể về với chồng). Lâm không đọc được nỗi lo lắng của em, chỉ thấy nỗi sốt ruột nên cười nhẹ nhàng, lên đó đường xấu nhưng Lâm thạo đường cho nên nếu gặp may, chúng ta sẽ về lại thị trấn trong chiều nay. Ui, đó là gặp may, còn xui không lẽ hai đứa phải ở lại trên đó?

- Mần chi mà người ta lên đây tìm giằng say nhiều thiệt!

- Nhiều lắm ư?

Lâm vẫn vậy, nói chuyện nhẹ nhàng, khoan thai, luôn từ tốn chứ không vồn vã như chồng. Em không sao nhịn được thắc mắc liệu vài người trước đó có kiếm được giằng say không.

Ngồi sau xe Lâm, em không phân biệt được cả hai đang đi đâu, cứ như đang trôi giữa mây núi bồng bềnh, khói sương phủ dày đặc, tuyệt nhiên không thấy phía trước. Một bên là vách núi cheo leo, một bên là vực thẳm. Trời, vì cớ chi mà mình dại dữ, lỡ một chút lạc tay lái là nằm lại giữa núi non này, rồi thì cái tin người đàn bà có chồng chết chung với người yêu cũ ở Sa Mù cũng là đề tài xôm tụ cho dân tình bàn tán cả tháng chưa nguôi. Mạ lại khổ vì nhà sui nanh nọc cho coi. Em rùng mình ớn lạnh, không dám nói chuyện để Lâm tập trung lái xe.

Lâm dừng lại trước ngôi miếu chênh vênh trên đỉnh núi. Nhìn lên phía trước thấy mây rất gần, tưởng như có thể chạm vào bằng tay nếu mình với thêm chút chút nữa. Trên này lạnh, em so vai kéo áo cho mình, nhác thấy Lâm còm cõi tự nhiên có chút chạnh lòng. Ý nghĩ đó qua nhanh lắm, hồi đó Lâm thương em nhiều nhưng em đâu muốn sống ở xứ này mãi. Người ta luôn bảo yêu nhau phải cùng nhìn về một hướng, hai đứa xa nhau vì không cùng quan điểm và cách sống.

Giằng say nằm ở quanh quẩn đâu đây thôi. Mệ nói bông nó tím phơn phớt như bông sầu đâu, còn hạt cũng màu tím, nhỏ như hạt bắp. Ai cần mấy hạt thì chỉ nên hái đúng số lượng. Vía cho đàn ông là bảy. Vía cho đàn bà là chín. Em phân vân định hái gấp đôi số đó cho cả mạ, hồi ông già chưa về em từng nghĩ vậy, chừ thì cần chi nữa.

Lâm đi trước, tay cầm rựa phát mấy bụi cây trước mặt, để ý vắt rừng, rắn rết. Leo qua những vách đá trơn tuột, Lâm luôn đỡ lấy tay em. Chẳng biết Lâm có chút bồi hồi nào không mà bàn tay như siết chặt, em thì bận chong mắt tìm một thân cây xa lạ màu tím. Càng đi lên cao cây cối càng dày đặc, ngó trước ngó sau ngút ngàn hoang dại.

Tụi em trông thấy giằng say khi đi vào núi chừng hai tiếng. Cây nằm ngay trước mặt, thân màu tím, hoa tím, hột lấm chấm tím không lẫn với bất cứ loài cây nào khác. Em bình tĩnh hái đủ hạt rồi bỏ trong chiếc hộp nhỏ đã chuẩn bị sẵn. Lâm đứng cạnh bên buông tiếng thở dài.

Lâm chỉ cho em xác một chiếc máy bay rơi với nhiều mảnh vỡ. Khắp đỉnh núi này rồi vào sâu nữa chắc còn nhiều lắm. Dân ở đây chỉ tháo gỡ đồng nhôm đem bán còn sắt thì nặng nên không dám ham. Góc kia còn vài khẩu súng đã rỉ sắt, vài chiếc mũ cối nằm lăn lóc. Chẳng biết giặc Mỹ ngày xưa bay qua đây bị gió sương Sa Mù làm lạc tay lái rồi tự đâm xuống núi hay bị mình bắn hạ. Người chết ở đây hẳn cũng nhiều lắm, tha hồ vạn tỉ. Xương người lẫn xương thú chẳng phân biệt được.

Dạo trước có mấy đứa lên đây đi phượt. Tụi nó giờ bày ra trò đi chơi mạo hiểm để chứng tỏ bản thân, chứng tỏ tuổi trẻ đủ thứ. Có hai đứa trèo lên chỗ kia chụp ảnh rồi kéo nhau ngã xuống dưới. Em ớn lạnh nhìn theo phía tay của Lâm, lúc nãy đi qua cũng hơi rợn người vì dốc dựng đứng. Lâm nghĩ nhà hai đứa nó giàu nên mới có tiền thuê người tìm xác tới mười ngày. Dại chi mà dại. Thuê thầy cúng gọi lên thì tụi nó bảo yêu nhau mà, phải kỷ niệm ngày yêu nhau tại nơi đặc biệt như này, chỉ tại vách đá trên đó quá trơn. Mạ thằng con trai khóc ré lên, mạ đứa con gái thì ngất xỉu. Dại chi mà dại, ngơ chi mà ngơ. Lâm trách hồn mấy đứa nhỏ mà em nghe hệt như đang trách mình. Mình có dại quá không. Mạ đặt tên Tiên để đời sướng như tiên mà sao mình làm cho mình khổ thế ni. Mà chắc chi đã khổ bằng mạ. Đã có lúc em bật cười vì bài thuốc của mấy chị trong cơ quan, đem quần lót của chồng rang trên chảo để mấy ông nóng ruột mà về. Chị nào cũng dè bỉu, chê ác, chê tởm nhưng tối nào cũng âm thầm hì hụi rang mới hay nó đâu tác dụng với kẻ đã muốn đi. Có chăng chỉ là tâm lý để mình đỡ nhàu nát và vô vọng. Cả bài thuốc tởm lợm từ thứ nước đàn bà mà ông già nằm thoi thóp ở nhà trót uống, đều là cách để người ta tự lừa dối nhân danh yêu thương nhau.

*

Lần đầu được làm đàn bà của chồng, đi qua những cảm giác nóng ran như bị đốt, em đê mê chẳng biết gì. Rồi sau bận chồng đi thì nhớ nhung, nhớ những lúc dấm dẳng, rúc rích đốt cháy nhau, em lại càng thương mạ. Hồ nghi cuộc đời mình có khi nào lặp lại y hệt vậy mà chua chát.

Mạ cặm cụi may áo quần, cặm cụi đường kim mũi chỉ để quên đi tuổi xuân qua mỗi ngày. Cặm cụi làm mà không hề thôi nhớ để đè nén cảm xúc đàn bà. Tới hồi ông già về, mạ vừa tắt kinh được hai năm, cũng đâu còn hừng hực để vùi cạn yêu đương thêm lần nữa với ông chồng già nua bệnh tật đã dành sức trẻ cho người đàn bà khác trong khi bỏ mặc năm tháng của vợ.

Người ta tới may đồ, đo áo quần chật nhà vì tay nghề mạ có tiếng nhất nhì thị xã. Khách hàng toàn giáo viên, cán bộ công chức. Ai vào cũng chép lưỡi thở than về gia cảnh, kêu chị trẻ đẹp, giỏi giang thế ni chờ chi người đi lạc, chi bằng tui có ông anh, tui có thằng cháu… Những công cuộc mai mối đó thường được em ủng hộ, khác với con cái người ta, luôn yêu cầu mạ chung thủy với ba hoặc sống suốt đời suốt kiếp với mình, em luôn mong mạ được vỗ về bởi một người đàn ông khác. Thế mà mạ chỉ cười rồi lặng lẽ cúi mặt vào máy may, chẳng ai hay mạ may vá cho người ta cả đời nhưng không thể khâu mảnh rách bươm nát nứ trong lòng mình.

Hàng xóm vỗ về an ủi em, rằng mạ bây khổ cả đời, chừ đi nhẹ nhàng như thế này coi như được giải thoát. Chẳng hay tới đây rồi còn giải thoát chi nữa. Giải thoát khỏi người chờ chết ở kia nên sau khi thức giấc pha sữa cho ông già, mạ lẹ làng vô giường ngủ rồi không dậy nữa.

Cũng như mạ, khó lắm em mới có một giấc ngủ tròn trịa không mộng mị, đôi khi giấc mơ đè lên nhau khiến em vẫy đạp, càng loay hoay lại càng mắc kẹt. Mạ chưa hề kể mơ thấy gì, có thể là mơ gặp ông già đang vui vầy bên mái ấm khác, hay là mơ ông trở về không phải bằng bộ dạng của hiện tại. Thức giấc lúc nào cũng hổn hển mệt nhọc, mạ vơ ly nước em để sẵn trên bàn để nuốt giấc mơ xuống cổ cho khỏi nghẹn.

Hôm trước em không nhớ mình mơ gì. Chỉ biết rõ là giấc mơ này đè nén giấc mơ kia, mơ chồng mơ. Thức dậy thấy cổ họng đắng nghét, khô rang. Hình như em đã la hét, chắc vậy. Mạ thì hầu như không la dù giấc mơ có đáng sợ đến thế nào. Có lẽ những nỗi đau cam chịu âm thầm miết thành quen, chẳng thấy lạ vì đau nữa.

Ông già trông càng thảm hại trong bộ đồ tang trắng toát, không biết ông có đang nghĩ như em rằng cớ sao người chờ chết là ông không chết mà mạ lại chết. Cuộc tiễn đưa người rời dương gian khá đông, phần vì thiên hạ tò mò muốn đến xem chồng của người đàn bà bất hạnh rốt cuộc cũng về với bà mà thân thể lại đeo mang bệnh tật. Người ta chép miệng thương người vợ bất hạnh vội vã ra đi khi vừa sum vầy chưa bao lâu. Họ còn nhìn qua đứa con gái chỉ trỏ, gièm pha, thấy vợ chồng nó cũng xa cách lắm. Con bé đó số khổ, mắt ướt rượt kia làm chi đời vui sướng nổi. Khách quen của mạ còn nắm tay em bảo chỗ nọ chỗ kia có thầy bốc thuốc hay lắm, bữa mô lo xong bốn chín ngày của mạ thì qua dì chỉ. Vợ chồng con cháu gái đi khám rồi uống thuốc gần năm chừ siêu âm có thằng cu được năm tháng rồi. Con cái trời cho nhưng cứ phải kiên trì con ơi. Thành ra giữa đám tang, người ta xì xào bàn tán rôm rả, sau đám chắc họ còn bận bịu để bàn tán thêm vài ngày nữa.

Có lần, khi bắt gặp mạ ngồi đắn đo trước đống thuốc ngủ đã chắt chiu từ các hiệu thuốc, em ngây ngô hỏi có phải uống lắt nhắt không tác dụng nên mạ để dành uống một lần cho tiện không, mạ uống mau đi để ngủ ngon. Thế mà người đàn bà khóc như mưa, tối đó tự dưng nấu cơm ngon cho con gái mình ăn. Bữa cơm đó chắc hồn nhiên lắm, dễ chi sau này em có được, bởi mỗi lần muốn nuốt cơm nếu không muốn mắc nghẹn thì phải dè chừng.

Như khi trông thấy giằng say trong túi đồ của chồng, ý nghĩ đầu tiên có thể chồng là một trong số những người đã lên Sa Mù kiếm hạt mà mình không hay biết. Đếm tới nhẩm lui thì có chín hạt. Rồi bật cười, hình dung bữa cơm cuối cùng trước khi chồng đi xa, có hai kẻ rắp tâm cùng thấp thỏm thêm mấy hạt vô tri vô giác này vào cơm cho kẻ khác ăn. Giả dụ mà cùng tác dụng thì sẽ như thế nào, không biết tụi mình có quấn lấy nhau suốt đời được không, vừa say nhau vừa giằng xé tim gan đau đớn đến cùng cực.

Ông già cắt ngang suy nghĩ bằng cách giựt mất hạt khỏi tay em:

- Mi định hại ai bằng mấy hạt này hả con? Không thấy mạ cả đời cực khổ vì cha đó hả?

- Ông đã cho mạ tui nuốt hạt này ư?

Hỏi xong lại thấy thừa ra. Rốt cuộc em là người thứ mấy bước chân lên Sa Mù bằng niềm tin người với người có thể thương nhau vĩnh viễn bằng vài ba hạt tím rịm này. Cứ như hai đứa nhỏ đã chết ở đỉnh núi hôm trước có khi lại hay, chúng không nuốt giằng say nhưng đã bên nhau cho tới khi rời xa trần thế. Người lớn luôn chê bai tình yêu nông nổi của trẻ nít nhưng dễ chi giữ được đắm say lâu dài như tụi nó.

Em vẫn muốn nuốt hết chín hạt rơi vãi kia dù trong túi của chồng còn có thứ khiến em ngạc nhiên hơn. Đó là kết quả siêu âm đã thấy rõ hình hài đứa bé của người phụ nữ nào đó ở miền lâu nay anh thường xuyên công tác. Chợt nhớ lời nhẹ nhàng từ Lâm rằng thứ hạt đó giữ được thân xác chứ đâu nắm được tấm lòng. Ừ, rõ ràng, ai ai cũng biết vậy...

D.A

 

DIỆU ÁI
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 298 tháng 07/2019

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground