Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Từ một câu ca dao về chợ suy ngẫm về nền văn hóa chợ Việt Nam

1.Đàn ông và đàn bà

Từ rất lâu, câu ca dao “Trai khôn tìm vợ chợ đông - Gái khôn tìm chồng ở chốn ba quân” đã đi vào tâm thức của biết bao thế hệ người Việt, bởi nó chuyển tải và đúc kết từ kinh nghiệm lịch sử, triết lý nhân sinh và bản sắc văn hóa của dân tộc. Nhằm để hiểu câu ca dao tưởng chừng như rất giản dị đời thường này, trước tiên ta cần phải tìm hiểu ý nghĩa từ nguyên của nó. Hai từ khóa cần giải quyết nhằm hiểu câu ca dao là “chợ đông” gắn với phẩm chất tốt của người đàn bà Việt Nam, và “chốn ba quân” nhằm gắn với phẩm chất của người đàn ông Việt Nam. Muốn tìm người đàn bà hoàn hảo cho cuộc sống gia đình, để làm người nâng khăn sửa túi, làm nội tướng gia đình, người đàn ông phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng có kinh nghiệm chọn lọc và thử thách qua môi trường chợ. “Chợ Đông” vốn là một danh từ quen thuộc, bởi một trong những cách đặt tên chợ phổ biến của dân gian ta là đặt theo phương hướng, vị trí địa lý. Bất cứ làng quê, địa phương nào cũng có thể tìm thấy những chợ Đông, chợ Nam, chợ Tây, chợ Đoài. Theo bảng phân loại tên chợ dựa trên tiêu chí “tư duy không gian” của TS. Nguyễn Mạnh Tiến, thông thường dân gian có các cách phân loại như: 1. Tư duy không gian theo phương hướng (PTA nhấn mạnh ở mọi chỗ trong tiểu luận); 2. Tư duy không gian theo di tích, danh thắng; 3. Tư duy không gian khu vực, địa vực; 4. Tư duy không gian đơn vị hành chính; 5. Không gian tâm linh.1 Tuy nhiên, “chợ đông” ở đây lại không phải nhằm chỉ phương hướng, bởi cấu trúc đăng đối của bài ca dao bắt buộc nó phải đối xứng các mệnh đề. “Trai” phải đối với “gái” “tìm vợ” phải đối với “tìm chồng” “chợ đông” phải đối với “chốn ba quân”. Cấu trúc này chính là “mô thức câu đối” trong văn học dân gian.

Như vậy, trừu xuất tương đồng nghĩa với “chốn ba quân”, ta có thể hiểu “đông” trong từ “chợ đông” là một tính từ. Đông ở đây nhằm chỉ sự đông đúc, chật chội của người chứ không phải là danh từ chỉ phương hướng. Tiêu chí chọn vợ của người (đàn ông) xưa như vậy gắn với khả năng buôn bán, ứng biến, xoay xở, tính toán, giao tiếp cộng đồng của người đàn bà. Về ý nghĩa này, chúng tôi sẽ phân tích sâu hơn ở phần sau. “Chốn ba quân” trong câu ca dao có thể hiểu là chốn binh sĩ đông đúc, xung đột ở chiến trường. Chốn ba quân có thể chỉ địa điểm nơi các cánh quân đang tranh hùng, phân định cao thấp trong cảnh đầu rơi máu chảy. Vị thế người đàn ông (truyền thống) và phẩm giá, chức phận của họ vì thế gắn với chiến trường, chiến tranh, bảo vệ hoặc mở mang bờ cõi. Nếu người đàn ông nắm trong tay sức mạnh bạo lực, quyền lực quân sự và chính trị, thì ngược lại, người phụ nữ nắm trong tay quyền lực kinh tế và sự sắp xếp trật tự gia đình.

Cả hai địa danh (chợ, chiến trường) này có những khác biệt cơ bản như đã phân tích ở trên, nhưng cũng có những tương đồng rất cơ bản mà ta cần xét đến. Thứ nhất, cả chợ và chiến trường đều là nơi đông đúc, chật chội. Các cá nhân (cả đàn ông lẫn đàn bà) cần thể hiện năng lực, phẩm chất thông qua các mối quan hệ xã hội sâu sắc, bền chặt. Giá trị của con người trong câu ca dao như thế không nhằm đánh giá nội tâm, đạo đức, mà là nhằm nhấn mạnh con người trong tư thế đối diện/thoại với kẻ khác. Chúng ta chỉ có thể là chính mình và thực sự là mình trong quan hệ với người khác. Đúng như Karl Marx nhận định, “trong tính hiện thực của nó bản chất của con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”. Thứ hai, cả chợ và chiến trường đều là môi trường cạnh tranh, đấu trí. Một bên dùng bạo lực còn một bên dùng tiền tệ, nhưng về cơ bản cả chợ và chiến trường đều không dành cho kẻ yếu đuối, khù khờ và ít kinh nghiệm sống. Đi chợ hay đánh trận đều cần dụng đến mưu mẹo, trí tuệ và cả sức mạnh cơ bắp. Đánh trận chỉ cậy có sức mà không có mưu thì bị xem là “hữu dũng vô mưu”, trước sau gì cũng thất bại, kẻ cầm quân ấy bị xem là “võ biền” nếu không có mưu sâu kế hiểm. Đi chợ (cả mua lẫn bán) thì ngược lại, không chỉ cần tài ăn nói, mưu mẹo nhằm nói thách, trả giá mà còn cần rất nhiều sức lực, sự chua ngoa và kể cả bạo lực ẩu đả (khi cần thiết). Chính vì vậy, trong những không gian công cộng của người Việt truyền thống như sân đình, chùa làng, cây đa bến nước… chợ luôn là nơi thường xuyên xảy ra những cuộc ẩu đả, chửi rủa, thề độc… của đàn bà, vì đàn bà là chủ thể của chợ quê. Chính vì vậy, trong mâu thuẫn, cạnh tranh, bạo lực, con người buộc phải hiện nguyên hình, buộc phải bộc lộ ra những phẩm chất cao cả và thấp hèn nhất.

Tiêu chí chọn vợ và chồng của người xưa như vậy thật khắc nghiệt nhưng đầy tính thực tiễn và kinh nghiệm thực tế. Câu ca dao thể hiện sự đăng đối, cân xứng và mang bản sắc văn hóa người Việt vốn coi trọng cộng đồng, lãnh thổ quốc gia. Nền kinh tế của làng xã xưa cũng nằm trong tay người đàn bà. Việc kinh doanh buôn bán giao phó cho nữ giới trong khi nam giới chỉ làm những việc quốc gia đại sự là học hành, thi cử, chiến chinh. Lịch sử đầy rẫy những cuộc xung đột của người Việt, cả ngoại xâm lẫn nội chiến, những xung đột liên quan đến tộc người, tôn giáo, chính trị, kinh tế… liên miên xảy ra, khiến tiêu chí đánh giá người đàn ông cũng trở nên khác thường, đó là gắn với chiến tranh và quân sự. Những cuộc chiến liên miên này đã viết nên lịch sử dân tộc, nên nhiều cuốn sử của nước ta thực chất là lịch sử về chiến tranh chứ không phải cả về văn hóa, phong tục, tôn giáo, kinh tế, văn hiến. Nhưng những cuộc chiến ấy thực chất cũng là bi kịch của dân tộc, bởi chiến tranh là ly tán, là đầu rơi máu chảy, là nồi da xáo thịt, đói kém, phá hoại kiến trúc, văn hiến. Chiến tranh không chỉ viết nên những trang sử hào hùng, viết nên truyền thống bất khuất chống ngoại xâm, cô đúc lên “lòng yêu nước nồng nàn” như một số diễn ngôn nam quyền mang tính đại tự sự, chiến tranh còn viết nên khuôn mặt người đàn bà, chiến tranh là bi kịch về giới tính. Chiến tranh bỏ lại những thân phận đàn bà cô đơn, nghèo đói, khao khát hơi chồng, khóc chồng, thờ chồng, thờ con, phải làm trụ cột kinh tế, lao động cho gia đình. Chính vì thế, huyền thoại về “đá vọng phu” của người phụ nữ mới phổ biến ở nước ta trên mọi vùng miền. Chính vì thân phận đặc biệt này của người phụ nữ Việt truyền thống, mà tiểu luận của tôi sẽ tập trung đi sâu phân tích ý nghĩa biểu tượng chợ và vai trò của nữ giới trong cơ cấu thực thể văn hóa Việt Nam.

2. Nền thương mại đàn bà

Viết về chợ, mà rộng ra là nền thương mại truyền thống được điều hành bởi phụ nữ, có lẽ công trình dân tộc học toàn diện nhất, tập trung nhất và cũng là mới nhất hiện nay là Sống đời của chợ của học giả Nguyễn Mạnh Tiến. Chúng tôi đồng ý với đa phần những luận điểm của nhà nghiên cứu này về việc người phụ nữ đã gánh trên vai nền kinh tế làng xã trong giai đoạn chế độ phong kiến. Trên thực tế, người đàn bà đã gồng gánh, buôn bán nuôi sống những người đàn ông trong thời trung đại. Dưới quan điểm của Nho giáo, đàn ông nho sĩ chỉ tập trung học hành, thi cử rồi đỗ đạt ra làm quan. Quá trình học hành thi cử kéo dài rất tốn kém và họ cần người phụ nữ làm cột trụ kinh tế. Nếu không may thi hỏng, rồi thi hỏng mãi, họ sẽ làm những ông tú, ông đồ dạy học, chủ yếu cho thỏa chí đam mê chữ nghĩa, còn kinh tế vẫn nhờ cậy đến vợ. Tú Xương là một điển hình tài năng chữ nghĩa nhưng thất bại trong thi cử và vô dụng trong kinh tế gia đình. Trong bài thơ Thương vợ, ông Tú viết: “Quanh năm buôn bán ở mom sông - Nuôi đủ năm con với một chồng - Lặn lội thân cò nơi quãng vắng - Eo sèo mặt nước buổi đò đông - Một duyên, hai nợ, âu đành phận - Năm nắng, mười mưa, dám quản công - Cha mẹ thói đời ăn ở bạc - Có chồng hờ hững cũng như không”. Người quân tử dưới quan điểm Nho giáo coi thường thương nghiệp, bởi theo họ, trong trật tự xã hội bao gồm “tứ dân” thì người buôn bán đứng ở cuối cùng: sĩ, nông, công, thương. Chính vì vậy, người phụ nữ phải vừa tham gia sản xuất nông nghiệp, lại vừa phải chủ trì việc buôn bán các sản phẩm nông nghiệp, mua bán mọi thứ ở chợ, việc này luôn được mặc định dành cho đàn bà. Những người đàn ông làm nông nghiệp, không có chữ nghĩa và tiền bạc để có thể “Cao lâu thường ăn quỵt - Thổ đĩ lại chơi lường” (Tự vịnh - Tú Xương) như các bậc trí thức nho sĩ cũng không (thèm) tham gia thương nghiệp buôn bán. Họ chỉ tham gia cày cấy rồi chơi bời ở các hội hè như đua nghe, đá gà, hoặc lên thành phố đô thị làm thuê, chứ không tham gia vào thương nghiệp.

Chính vì quan niệm văn hóa này, nên chợ là không gian của những người đàn bà. Những điều tra xã hội học của Nguyễn Mạnh Tiến với các chợ làng truyền thống còn tồn tại đến ngày nay thì sự có mặt của nam giới cũng vô cùng hạn chế. Họ cũng chỉ gói gọn vào trong một số mặt hàng buôn bán sang trọng, chiếu trên (buôn vải) hoặc cần đến sức mạnh truyền thống của người đàn ông (thợ rèn). Trong nghiên cứu của Nguyễn Mạnh Tiến, ở chợ Phú Quốc cuối năm 2013, nữ giới bán hàng là 182 người (chiếm 96,29%), trong khi đó nam giới chỉ có 7 người (chiếm 3.71%). Con số trung bình của nữ giới tham gia buôn bán ở chợ là 97%.2Cả một chợ truyền thống vài trăm gian hàng buôn bán số lượng đàn ông tham gia chợ chỉ chiếm trên đầu ngón tay. Nhà nghiên cứu P.Gourou nhận định: “Trừ những ngoại lệ rất hiếm, tất cả công việc buôn bán bé nhỏ đó đều nằm trong tay phụ nữ, những người đàn ông bán hàng ở chợ là mấy người bán thuốc, đồ gốm, thợ rèn và thợ cạo”.3 Chợ truyền thống ở Việt Nam vốn không được sản sinh ra trong một nền sản xuất hàng hóa lớn, mà là chợ nông sản, tiêu dùng ngày thường của tiểu thương. Do bản chất nền kinh tế làng xã Việt Nam dựa trên nông nghiệp, chính xác hơn là nền kinh tế tiểu nông tự cung, tự cấp, nên người ta đến chợ chỉ cốt mua đi bán lại cái mình làm ra, nuôi được, trồng được, để đổi lấy cái mình thiếu, mà cũng chỉ mua những vật thiết yếu nhất cho sinh hoạt thường nhật. Chính vì không có nền tảng công nghiệp, thương mại theo hướng hàng hóa lớn, nên chủ nghĩa tư bản và giai cấp tư sản ở Việt Nam ra đời muộn, không giữ được vai trò chính trị quan trọng như ở phương Tây. Hệ lụy là những siêu thị khổng lồ, hiện đại - biểu tượng của chủ nghĩa tư bản ra đời rất muộn ở Việt Nam, mãi đến cuối thế kỉ XX mới xuất hiện (khoảng năm 1967 ở miền Nam và năm 1993 khi đất nước thống nhất).Ngược lại, chợ truyền thống đáp ứng cho sản xuất nhỏ lẻ, gia đình và tiêu dùng thường nhật lại có lịch sử lâu đời, ngay từ thời thượng cổ đã có ghi chép về chợ, nhà tiền Lê cho đến nhà Lý sách sử đã khảo cứu đến chợ khá rõ. Và cho đến tận ngày nay, chúng ta - người Việt (hậu) hiện đại vẫn chủ yếu mua bán thông qua chợ truyền thống, với mạng lưới gần 8.550 chợ theo Niên giám thống kê 2011.

Đúng với nhận định của Horat (dẫn theo Nguyễn Mạnh Tiến): “Nghề kinh doanh được coi là phù hợp với đàn bà, chứ không phải đàn ông, bởi vì tiền và những liên đới của nó gắn với những mong muốn vật chất thường được cho là mối đe dọa tới quyền lực đàn ông. Ngoài việc hiểu tiền là hiện thân của chủ nghĩa vật chất và những yếu kém đạo đức, chợ cũng được coi như là nơi không văn minh, nơi người ta thường hay cãi nhau và sử dụng những ngôn từ thô tục”. Theo nghiên cứu của Nguyễn Mạnh Tiến, người Việt không hẳn là ghét hay coi thường thương nghiệp, hoặc đó chỉ là diễn ngôn của nam giới phong kiến, những kẻ quen ăn không ngồi rồi chờ vợ chạy chợ mang tiền về giúp gia đình. Theo các số liệu thống kê, người nông dân Việt Nam truyền thống một năm chỉ có 125 ngày làm nông thực sự, thời gian còn lại họ tham gia hội hè, làm thêm mà chủ yếu là tham gia buôn bán nông sản. Chủ thể buôn bán ở các chợ lại là phụ nữ như phân tích ở trên. Do đó, ta có thể nhận định rằng nền thương nghiệp ở làng Việt Nam truyền thống là nền thương nghiệp đàn bà. “Điều này đã thực sự làm nổi bật, tôn cao vị thế nắm giữ thương mại của nữ giới trong mạng lưới buôn bán làng mạc…”.5

Từ những dữ kiện trên, chúng ta mới hiểu sâu sắc hơn tại sao người đàn ông phong kiến lại nhấn mạnh muốn chọn vợ giỏi giang thì phải gắn với môi trường “chợ đông”. Kinh nghiệm này vừa hạ thấp đàn bà, tức những người chỉ gắn với môi trường buôn bán kẻ chợ, nhưng cũng bao hàm sự thừa nhận vị trí tối quan trọng của người đàn bà - những kẻ “tay hòm chìa khóa” đóng vai trò nội tướng trong gia đình. Thực chất, họ là những người làm ra của cải vật chất chính nuôi sống gia đình. Do vậy, “trai khôn” ở trong câu cao dao hàm chứa ý nghĩa thực dụng trong việc lựa chọn người vợ chấp nhận cuộc sống lam lũ, vị trí thấp kém nhưng phải có năng lực nuôi sống gia đình chồng. Cả 2 câu ca dao hàm chứa một ý nghĩa rộng hơn, nhằm chỉ phương thức sản xuất của cả hai giới trong xã hội. Nếu nam giới cần tiến thân và làm ra tiền bạc theo ngả chính trị, quân sự (chốn ba quân), thì người phụ nữ khẳng định vị trí của mình cũng như làm kinh tế qua ngả thương mại, buôn bán nhỏ lẻ (chợ đông). Vấn đề là người phụ nữ có thể tự nuôi sống mình và chu cấp, cáng đáng cho cả gia đình, còn người đàn ông cần một chỗ dựa kinh tế vững chắc trong thời gian dài để xác lập vị trí xã hội, từ đó mới có thể “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Chưa kể sự nghiệp của người đàn ông thường được đề cao, còn sự nghiệp “buôn thúng bán mẹt” của người đàn bà thường bị coi thường. Ta có thể dễ dàng thấy sự nghiệp của người đàn ông rất bấp bênh, khó khăn, còn sự nghiệp của người đàn bà thường bền vững và an toàn hơn nhiều. Sa trường chiến địa là nơi đi dễ khó về, việc bỏ mạng hay tàn tật, thất trận là điều bình thường trong “việc quân”. Làm quan “phụ mẫu” cũng không dễ bởi việc thi cử khoa bảng trong thời trung đại là rất chặt chẽ, khắc nghiệt, chỉ một số rất nhỏ trí thức nho sĩ là có thể “cá chép hóa rồng” đỗ đạt vinh hiển. Trong khi đó, mọi phụ nữ đều có thể tham gia buôn bán ở chợ quê, buôn bán bất cứ thứ gì mà họ có nhằm “lấy công làm lãi”. Người đàn ông đến khi may mắn đỗ đạt làm quan, nếu muốn thực sự giàu có thì lại phải dính vào tham nhũng, luồn cúi. Nếu bị phát giác, tố cáo sẽ bị trừng trị, còn nếu thoát được lại bị “ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ” của dư luận xã hội phê phán. Nếu các vị quan lại ấy thực sự chính trực, thanh liêm thì kinh tế gia đình gần như cũng bằng không, các bà vẫn phải chạy chợ nuôi chồng. Ngay cả một đại trí thức như Phan Bội Châu vẫn phải mang ơn vợ chạy chợ nuôi chồng, nuôi con là ta đủ hiểu. Những bậc thanh liêm, chính trực lại hay mắc tội vong thân vì dám can gián vua chúa, đấu tranh với cường quyền, tham nhũng, gian thần siểm nịnh. Do đó, đến sau cùng người đàn bà vẫn là chỗ dựa kinh tế thường trực và bền vững nhất cho gia đình Việt Nam thời trung đại. Cũng chính vì đặc điểm này, nên vị thế người phụ nữ trong xã hội Nho giáo phong kiến trung đại Việt Nam thực ra không quá lép vế so với nam giới. Khác với những xã hội Arab theo Hồi giáo, nơi phụ nữ hoàn toàn phụ thuộc kinh tế vào người đàn ông, bị kiểm soát trên mọi phương diện, người phụ nữ Việt Nam nhờ tài năng buôn bán, là chỗ dựa kinh tế nên vẫn là “nội tướng” trong gia đình, lắm khi “lệnh ông không bằng cồng bà”. Thói quen “sợ vợ” của đàn ông Việt cũng phát xuất từ thực tiễn này. Các tục lệ tảo hôn, cho đàn ông tuổi còn thiếu niên lấy những người phụ nữ lớn tuổi, đã trưởng thành thực chất cũng nhằm mục đích kinh tế. Người vợ lớn tuổi hơn chồng nhiều lần sẽ làm ra của cải vật chất nuôi sống chồng thiếu niên, cả nuôi và dạy người đàn ông bạn đời của họ.

3. Văn hóa chợ - văn hóa đàn bà

Như đã trình bày ở trên, trong không gian chợ, người phụ nữ là chủ thể tuyệt đối. Do đó, nền văn hóa chợ cũng là nền văn hóa được kiến tạo từ căn cước bản sắc đàn bà. Trong Sống đời của chợ, học giả trẻ Nguyễn Mạnh Tiến đã đưa ra lập luận khá vững chắc và hợp lý chứng minh cho “nhân vị đàn bà” của chợ. Các tổ hợp chùa - chợ luôn chiếm ưu thế hơn so với đình - chợ, mà chùa làng là không gian đặc hữu của phụ nữ, so với đình là không gian đặc hữu cộng đồng của đàn ông. Những tiểu thuyết lịch sử - văn hóa nổi tiếng của Nguyễn Xuân Khánh như Đội gạo lên chùa hay Mẫu thượng ngàn đều xác nhận không gian chùa làng là nơi mà những người phụ nữ nhiều đau khổ, thiệt thòi thường xuyên lui tới như một cơ chế tự vệ tâm lý nhằm giải thoát khỏi những bi kịch tinh thần. Người phụ nữ cũng là chủ nhân của không gian chợ búa, do đó sự kết hợp mang tính văn hóa giữa chùa với chợ tưởng chừng như đối lập, khó xảy ra bởi một bên trang nghiêm, thờ cúng tâm linh với một bên buôn bán xô bồ tấp nập lại hiện hữu một cách độc đáo trong lịch sử Việt Nam. Nguyễn Mạnh Tiến nhận định: “Nhìn từ góc độ giới, chợ là của đàn bà, chùa cũng là của đàn bà còn đình là của đàn ông, vì thế, các nguyên tắc nữ dễ kết hợp với nhau hơn vì “đồng chất”, chợ chùa do đấy là tổ hợp phổ biến”.6

Chúng ta cũng thấy ở chợ thường xuyên diễn ra những hoạt động nghi lễ, tín ngưỡng, tôn giáo, những quan điểm mê tín dị đoan. Những quan điểm tín ngưỡng, tôn giáo, mê tín này lại gắn chặt với sinh thể đàn bà. Chúng ta thường thấy những người đàn bà đi chợ mải mê xem bói toán bên những ông già mù làm nghề thầy bói, họ cũng là những người say mê các tục lên đồng, nhập cốt. Những người phụ nữ ở làng quê Việt Nam về thực chất không theo một tôn giáo nào chính thức, kể cả Phật giáo. Niềm tin của họ mang tính tín ngưỡng, nhiều khi là “mê tín quàng xiên”. Do đó, như một lẽ tự nhiên, những người đàn bà quê chạy chợ thường thờ đạo Mẫu. Đạo Mẫu (mà thực chất là một tín ngưỡng chứ không phải là một tôn giáo) chủ trương thờ các mẫu (mẹ) khác nhau (chủ yếu nhất là “tam tòa thánh mẫu” gồm Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải), có cội nguồn từ chế độ mẫu hệ. Đạo Mẫu dù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, thì vẫn là một tín ngưỡng dân gian chưa định hình triết lý cụ thể hay giáo lý hoàn chỉnh như một tôn giáo. Điều này cũng phản ánh bản chất thiên tính nữ nặng về cảm xúc, niềm tin tâm linh của những người lập đạo, những con nhang đệ tử. Nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Tiến còn nhấn mạnh với chúng ta là trong tín ngưỡng thờ Mẫu đặc biệt cần chú ý đến tín ngưỡng thờ Bà Chúa Kho. Ở miền Bắc, vào dịp mùa xuân đầu năm, những người đàn bà nô nức đi dâng lễ ở các đền thờ Bà Chúa Kho nhằm trả nợ trong năm đã vay Bà Chúa Kho cũng như vay vốn để kinh doanh trong năm mới. Bản thân các lễ hội Bà Chúa Kho cũng là những cái chợ khổng lồ tấp nập người buôn bán từ thức ăn, oản lễ cho đến “buôn thần bán thánh” mê tín dị đoan. Như vậy, tín ngưỡng thờ Mẫu hay thờ Bà Chúa Kho là những minh chứng cụ thể, rõ nét cho văn hóa đàn bà ở chợ.

Nhà nghiên cứu dân tộc học Nguyễn Mạnh Tiến còn mạnh dạn đề xuất với chúng ta về văn hóa đàn bà của chợ về việc thờ thần Thổ Kỳ. Thổ Kỳ theo anh là vị thần cai quản không gian ở chợ. Theo học giả Toan Ánh, trên bài vị thờ Thổ Công thì ở giữa là Đông Trù là thần cai quản bếp núc, bên phải là Thổ Địa là thần cai quản việc nhà, còn bên trái là Thổ Kỳ cai quản việc chợ búa. Theo Nguyễn Mạnh Tiến, các học giả nước ngoài như Giran, Durant, Huard đều cho rằng Thổ Kỳ là vị thần gắn với những nguyên lý âm nhu, nữ tính, gợi lên thiên tính đàn bà. Dĩ nhiên, những chứng lý còn khá mơ hồ về Thổ Kỳ mà công trình của Nguyễn Mạnh Tiến đưa ra dù rất hứa hẹn, nhưng chỉ nên xem nó như một cách đặt vấn đề cho những nghiên cứu sâu hơn trong tương lai. Việc xác định Thổ Kỳ trong tương quan với các vị thần dân gian khác như ba ông đầu rau (ba ông Táo), Thổ Công, Thổ Địa… là không dễ, nếu không muốn nói là rất khó, vì không có văn bản cụ thể quy định ranh giới. Nghiên cứu văn hóa và nhân học thường xuyên phải đối mặt với những cái đã/đang trôi đi, luôn biến đổi, những tầng nghĩa chồng lớp bởi sự giao lưu, xung đột của những tộc người, tính địa phương và biến đổi văn hóa theo thời gian. Chứng minh Thổ Kỳ mang thiên tính nữ còn khó hơn nữa, nhưng tôi tin những nhà nghiên cứu đầy nhiệt huyết và sức bật tuổi trẻ như Nguyễn Mạnh Tiến sẽ làm được trong tương lai không xa.

Văn hóa chợ còn thấm đẫm tinh thần nữ giới ở chỗ nơi đây là chốn cư ngụ của những người ăn xin, những kẻ tật nguyền, những người già, những người mồ côi, vô gia cư hoặc có vấn đề về tâm thần. Nếu như đình làng hay những cơ quan công quyền như phủ quan cấm các đối tượng bên lề nói trên, bởi các địa điểm ấy đại diện cho sức mạnh, sự tôn nghiêm của nam giới, thì chợ với văn hóa mẫu quyền sẵn sàng chấp nhận và dung chứa, cưu mang những kẻ bên lề xã hội. Trên thực tế, nhiều chợ làng đã có quỹ riêng nhằm cưu mang cho các đối tượng bên lề, hoặc những người buôn bán, đi chợ (đa phần là phụ nữ) cũng thường xuyên bố thí giúp đỡ nuôi sống người nghèo, tàn tật. Phụ nữ luôn dễ đồng/duy cảm hơn trong tư duy và hành động so với nam giới. “Cửa chợ, vì thế, là rộng mở, mở toang, cho tất cả những người-khốn-khó, tội tình của làng mạc… Đình - biểu tượng về nam quyền, Nho giáo ở làng, đã/đang là biểu tượng cho làng mạc về quyền lực… nhưng khó có thể là đại diện cho nền dân chủ và nhân bản làng mạc. Đứng đại diện cho nền dân chủ và nhân bản làng mạc, vinh dự đó, hẳn phải thuộc về chợ - biểu tượng của đàn bà”.7

4. Chợ - không gian giao lưu văn hóa, lễ hội và trao duyên trai gái

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, có hai tiêu chí chọn vợ cơ bản nhất gắn với hai câu ca dao rất phổ biến. Một câu gắn với chức năng sinh sản: “Đàn bà thắt đáy lưng ong - Vừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con”. Câu còn lại là “Trai khôn tìm vợ chợ đông - Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân”. Những phân tích ở trên đã khai thác câu ca dao “Trai khôn tìm vợ chợ đông” ở những góc độ kinh tế thương mại, tâm linh, tín ngưỡng, trong phần này chúng ta sẽ tìm hiểu biểu tượng chợ trong đời sống lễ hội, văn hóa và hôn nhân của người Việt. Chợ trong nền tảng văn hóa Việt Nam rõ ràng không chỉ là nơi mọi người đến để mua bán, trao đổi các sản vật, mà còn là nơi diễn ra các hội hè ở chốn làng quê.

Nguyễn Mạnh Tiến nhận định người đi chợ (chủ yếu là phụ nữ) thường lấy không gian chợ như không gian giao lưu, vui chơi. “Sự mua là phụ, sự chơi mới là sự chính”.8 Cũng chính vì đặc trưng này mà những người phụ nữ Việt Nam Trung đại xét trên thực tiễn khá tự do trong đi lại, giao tiếp, vui chơi với cộng đồng. Họ không hoàn toàn bị cô lập trong bốn bức tường gia đình và chỉ giới hạn trong quan hệ hôn nhân và thân tộc như phụ nữ Trung Đông. Ở điểm nhìn hậu hiện đại, có thể hình dung chợ như một không gian mạng xã hội ảo hiện nay của giới trẻ. Người (đàn bà) đi chợ nhiều khi không cốt để mua bán, hoặc sự mua bán chỉ là phụ, mà đi để ăn hàng quà, để xem những vật đẹp đẽ mà mình không có tiền mua (gương lược, áo quần, son phấn…), để giao lưu gặp gỡ bạn bè, cha mẹ, bà con, để nghe ngóng tin tức, để buôn chuyện, để xem cảnh người ta tranh cãi, đánh nhau hoặc những sự kiện chém đầu ở chợ như một hình thức thị uy của bộ máy cầm quyền. Xét trong không gian làng xã cát cứ, người phụ nữ không có liên lạc với bên ngoài sau khi đi lấy chồng, mà nhất là với gia đình cha mẹ ruột nếu lấy chồng xa, thì không gian chợ là một kiểu giao lưu, lễ hội, một kênh thông tin rất quan trọng. Thời phong kiến những bố cáo, thông báo, lệnh truy nã… của chính quyền cũng đều được dán ở chợ. Người phụ nữ vốn thiệt thòi hơn so với đàn ông về tự do đi lại và giao tiếp xã hội nên cần đến chợ như một sự giải tỏa tinh thần, nên nhiều người sẵn sàng đi chợ xa, chợ đông vui còn hơn là mua bán tại nhà hay đầu làng ngõ xóm.

Không gian lễ hội của chợ còn đầy ắp những trò vui chơi giải trí mà hẳn nhiên trong tâm thức mọi người Việt đều sở đắc những kỉ niệm, kí ức khó quên. Chúng ta thấy ở chợ có các hành vi bói toán, chơi đỏ đen như bầu cua, xóc dĩa, đánh bài, đá gà ăn tiền rất thu hút người dân quê. Ở chợ còn có các ca sĩ - nhạc công đường phố kiểu Việt Nam là các nghệ nhân dân gian hát xẩm, các nghệ sĩ xiếc dân gian, các đám sơn đông mãi võ hay bán thuốc chữa bách bệnh có tính trình diễn lừa bịp. Chợ cũng là nơi trưng bày các sản vật, đồ mỹ nghệ địa phương đầy màu sắc, là nơi bán các đồ chơi dân gian như tò he, sáo diều…

Quan trọng hơn, chợ là không gian cho người phụ nữ Việt Nam vốn khá khép kín trong chuyện tính dục và quan hệ nam nữ có thể giao lưu, làm quen, ngỏ lời với các nam nhân mà mình ưng ý. Truyện ngắn Cô hàng xén của Thạch Lam là một ví dụ điển hình chứng minh cho chợ là không gian môi giới hôn nhân nam - nữ. Cô Tâm là một người buôn bán nhỏ ở chợ, chính nhờ hoạt động mua bán ở chợ mà cô quen biết, phải lòng rồi lập gia đình với một thầy giáo trường làng. Không gian chợ trên một phương diện nào đó luôn là những chợ tình, chứ chưa cần đến những chợ tình chuyên biệt của các tộc người miền cao. Hiểu được như thế ta sẽ hình dung rõ hơn tại sao câu ca dao lại viết: “Trai khôn tìm vợ chợ đông”. Chỉ có một không gian đặc hữu, mang tính hội hè như chợ thì người đàn ông phong kiến trung đại mới dễ dàng làm quen, xem mặt, bắt chuyện với người phụ nữ. Chợ như đã nói là không gian đặc hữu của đàn bà, tập trung nhiều đàn bà nên người đàn ông có nhiều cơ hội xem mặt, làm quen. Trong một không gian văn hóa làng nhiều o bế, ngại người lạ mặt, trai làng sẵn sàng đuổi đánh người lạ vào tán gái thì chợ là một cơ hội tốt để nam nữ (nhất là ở làng khác nhau) có cơ hội quen biết, giao duyên.

Người đàn ông trung đại do nhiều hạn chế về thông tin liên lạc, khả năng kinh tế đã tìm người yêu rồi tìm vợ ở không gian chợ. Ngày nay tình hình có khác đi, nhưng chợ truyền thống vẫn còn giữ lại được vai trò và ý nghĩa văn hóa. Những phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam như tháo vát, khả năng buôn bán, giao tiếp xã hội, làm ra của cải vật chất vẫn được duy trì và đề cao. Bất cứ người chồng hiện đại nào ngày nay vẫn tìm kiếm và ao ước có được cho mình một người phụ nữ như vậy. Chợ và những người phụ nữ vẫn còn đó, ngàn đời nuôi sống, an ủi vỗ về và làm bệ đỡ vật chất lẫn tinh thần cho những người đàn ông Việt. Ôn cố tri tân trong trường hợp câu ca dao này vì vậy, là một cách để hiểu con người Việt Nam đương đại từ điểm nhìn tham chiếu từ quá khứ đổ bóng vọng về.

P.T.A

_____________

1, 2, 5, 6, 7, 8 Nguyễn Mạnh Tiến (2017), Sống đời của chợ, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.

Pierre Gourou (2003), Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ, Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, tr.621.

Xin xem thêm tài liệu: http://2saigon.vn/net-xua-saigon/sieu-thi-dau-tien-tai-viet-nam.html

Phan Tuấn Anh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 277 tháng 10/2017

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground