Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Có một bức họa trong bài thơ Thăm lúa

Lâu nay, khi phân tích bài thơ Thăm lúa của Trần Hữu Thung, chúng ta thường chỉ lưu ý đến yếu tố thơ thông qua câu chữ, hình ảnh mà chưa chú ý đến một yếu tố hiện hữu trong đó là chất họa vốn rất rõ nét.

Yếu tố hội họa của bài thơ được tác giả thể hiện ngay hai khổ thơ đầu:

Mặt trời càng lên tỏ

Bông lúa chín thêm vàng

Sương treo đầu ngọn cỏ

Sương lại càng long lanh.

Bay vút tận trời xanh

Chiền chiện cao tiếng hót

Tiếng chim nghe thánh thót

Văng vẳng khắp cánh đồng

Đứng chống cuốc em trông

Em thấy lòng khấp khởi.

Rõ ràng Trần Hữu Thung đã rất có ý thức khi vẽ nên phong cảnh một ban mai mùa hè trên cánh đồng lúa chín vô cùng đẹp, vô cùng rực rỡ với đường nét, màu sắc của một bức tranh hiển hiện trong con mắt người đọc. Bức tranh đó có viễn cảnh mênh mông, xa vời mơ màng phần mờ ảo của một cánh đồng lúc bình minh ló dạng. Chúng ta có thể hình dung thấy đây là cái nền để sau đó họa sĩ sẽ phác lên những hình ảnh, đường nét, sắc màu trên nền toan; công đoạn đầu tiên làm nên bức tranh sẽ được nối tiếp với những hình ảnh cụ thể. Tiếp đến, họa sĩ đưa cọ vẽ những hình ảnh, đường nét cần thiết mô tả bình minh trên cánh đồng lúa bao la điểm xuyết trong cái nền của bức tranh; đó là vừng mặt trời, là bông lúa chín vàng, và thật đẹp, tinh vi là giọt sương trong veo long lanh treo đầu ngọn cỏ. Sinh động hơn, giàu sức sống hơn là một cánh chim chiền chiện đặc tả không dừng lại một chỗ, mà chao liệng, vút thẳng lên trời xanh cất cao tiếng hót, trong vắt, ngọt ngào, xao động cả cánh đồng. Cảnh ở đây vừa tĩnh, vừa động, vừa có âm thanh, đường nét đậm nhạt, vừa bảo đảm luật xa gần… Cần chú ý tác giả đã pha màu rất khéo để tạo nên bức tranh rất đặc sắc, có mặt trời đỏ, bông lúa vàng, bầu trời xanh… Bức tranh chứa đủ những màu cơ bản giàu sức sống, tươi vui chứ không dùng những gam màu ảm đạm.

Thế rồi trên cái khung cảnh nên thơ ấy nhà họa sĩ dĩ nhiên đã dành chỗ xứng đáng cho một hình ảnh trung tâm của bức họa. Đó là con người. Không như nhà danh họa Levitan chỉ vẽ phong cảnh; ở đây họa sĩ đã đặt vào trung tâm bức tranh một con người, một cô gái, một thôn nữ đẹp, sinh động. Tác giả không đặc tả khuôn mặt hay ánh mắt, nhưng chúng ta có thể thấy rõ tâm trạng của nhân vật:

Đứng chống cuốc em trông

Em thấy lòng khấp khởi.

Người con gái với tư thế thật đẹp, đầy chất tạo hình: Cuốc thì chống trong tay, đặc biệt lòng khấp khởi. Nhà họa sĩ không vẽ thêm chi tiết nào nữa nhưng chúng ta có thể cảm nhận được ánh mắt, gương mặt, tư thế… con người ở đây. Con người ở đây hoàn toàn phù hợp với thiên nhiên: bầu trời trong xanh cao vời ấy, cánh chim chiền chiện vút cao ấy, bông lúa chín vàng và giọt sương trong treo đầu chút mút cỏ ấy không thể không xuất hiện một con người yêu đời, với nét đẹp tự nhiên, hồn hậu, một cô gái mà tâm trạng tràn ngập nhiều nỗi niềm xốn xang, vui sướng… Cận cảnh của bức tranh thật nổi bật, đúng luật hội họa; luật xa gần được vận dụng tài tình khiến bức tranh không thể thêm bớt bất cứ hình ảnh nào. Người và cảnh ở đây vừa đủ, vừa tinh, không rậm rạp, thô ráp, mà dung lượng trọn vẹn, vừa phù hợp với sắc thái biểu cảm mà bức tranh cần phải có…

Trên cơ sở một bức tranh đẹp, tâm trạng con người được nhà thơ bộc lộ dần qua hồi ức xen lẫn hiện tại. Những khổ thơ sau, nhà thơ không tiếp tục dùng yếu tố hội họa nữa, mà chỉ là các yếu tố của thi ca để diễn tả tâm trạng nhân vật. Nhưng cần thấy những nhớ nhung, tin tưởng, trông ngóng, đợi chờ... của thôn nữ được thể hiện rõ qua câu chữ một phần lớn là được yếu tố hội họa ở hai khổ thơ đầu hỗ trợ rất đắc lực. Chúng ta thấy rõ tâm trạng nhân vật dĩ nhiên qua ngôn ngữ, hình ảnh của phần sau của bài thơ một phần là nhờ những cảm nhận mang lại từ yếu tố hội họa, từ chất tạo hình mà tác giả đã rất có ý thức trong việc vẽ nên ở đầu bài thơ. Đó chính là sự tương hỗ giữa thơ và họa, sự tác động của chất hội họa trong thơ. Có thể nói, nếu không có yếu tố hội họa đưa vào, thì bài thơ sẽ mờ ảo hơn, không rõ nét, không tác động mạnh đến tâm lý, cảm thụ của độc giả nhường kia; ngược lại, phải khẳng định chính nhờ tác giả đã khéo léo vận dụng yếu tố hội họa, đã hiểu rõ “thi trung hữu họa” và đã cao tay trong việc sử dụng cây cọ vô hình để tăng thêm vẻ đẹp của bài thơ…

Thăm lúa rất nổi tiếng, bởi bên cạnh chất thơ, bên cạnh ngôn ngữ thơ điêu luyện còn có yếu tố họa rất bắt mắt với đường nét, màu sắc tác giả đã khéo sử dụng, khéo kết hợp với câu chữ khiến bài thơ sống mãi với thời gian…

H.T.S

Hoàng Thái Sơn
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 279 tháng 12/2017

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground