Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua

Khi chưa lên đường nhẹ bước Tiên, Bác Hồ thường làm thơ chúc Tết chiến sĩ, đồng bào mỗi dịp xuân về. Giao thừa, dù thời chiến hay hòa bình, trong thời khắc lâng lâng giã từ năm cũ bâng khuâng, chiến sỹ, đồng bào ta hồi hộp đón chờ nghe Hồ Chủ tịch chúc Tết. Xúm quanh chiếc đài bán dẫn, mọi người lặng yên lắng nghe lời Bác. Kết lại mỗi bức thư chúc Tết bao giờ Bác cũng có một bài thơ ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thuộc nên phần lớn người ta nhập tâm ngay. Những ngày sau đó, thơ chúc Tết của Bác được chiến sĩ, nhân dân nắn nót ghi vào sổ tay, dán lên vách nhà vách hầm, đọc cho nhau nghe. Có bài được nhạc sỹ chuyển thành ca khúc và mau chóng lan truyền trong quần chúng. Những bài thơ xuân của Bác in đậm trong tâm hồn, trong ký ức của nhiều người. Có thể nói rằng, thơ chúc Tết của Hồ Chí Minh là một nét đẹp của văn hóa Việt kể từ năm 1946 đến năm 1969.

Trong nhiều bài thơ xuân của Bác, với tôi, thơ chúc Tết 1968 tạo được ấn tượng cực kỳ sâu sắc và bền lâu. Bởi bài thơ đó gắn liền với bối cảnh lịch sử mà tôi đã ít nhiều cảm nhận được khi không còn quá bé nữa. Năm 1968, khi tôi mười hai tuổi thì cuộc tổng tấn công và nổi dậy chiến lược của quân và dân ta trong Tết Mậu Thân nổ ra. Và, sau đó một năm thì những đứa học trò mười ba tuổi như tôi đã nức nở khóc khi Bác Hồ ra đi. Bác đã đi rồi sao Bác ơi/ Mùa thu đang đẹp nắng xanh trời/ Miền Nam đang thắng mơ ngày hội/ Đón Bác vào thăm thấy Bác cười... Những câu thơ ấy của Tố Hữu vẫn còn vọng trong tôi như một ký ức đau buồn.

Đã tròn nửa thế kỷ Bác Hồ viết bài thơ chúc Tết năm Mậu Thân 1968. Ngỡ như vẫn còn nghe giọng Bác đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam:

Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,

Thắng trận tin vui khắp nước nhà.

Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ.

Tiến lên!

Toàn thắng ắt về ta!

Vẫn là phong cách thơ giản dị, dễ hiểu, gần gũi với sự cảm nhận của đông đảo quần chúng. Vẫn là quan niệm về văn học nghệ thuật mà Hồ Chí Minh đã đúc kết và mong muốn:

Nay ở trong thơ nên có thép

Nhà thơ cũng phải biết xung phong.

(Nhật ký trong tù)

Vẫn là cách vận dụng thi ca vào công tác tuyên truyền cách mạng đầy hiệu quả của Bác. Và, điều tôi muốn nhấn mạnh là bài thơ vẫn tràn trề không khí xuân đất nước, vẫn bừng sáng lòng lạc quan. Chúng ta hiểu tư tưởng và phẩm chất Hồ Chí Minh bằng nhiều kênh, nhiều mặt, trong đó văn học nghệ thuật chỉ là một phần. Đương nhiên rồi, nhưng có lẽ qua những tác phẩm thơ văn của Bác ta thấy rất rõ lòng yêu nước thương dân, tinh thần phục vụ cách mạng không ngưng nghỉ và cả những vầng sáng tâm hồn đẹp đẽ. Giữa đêm lạnh của nhà tù, không rượu, không hoa, trái tim thi sĩ Hồ Chí Minh vẫn chung nhịp đập với vầng trăng tự do sáng tỏa bên ngoài song sắt:

Trong tù không rượu, cũng không hoa

Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ

(Ngắm trăng)

Và, cũng là trăng nhưng giữa chiến khu Việt Bắc lại bâng khuâng một vẻ đẹp khác:

Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà...

(Cảnh khuya)

Bài thơ xuân năm 1968, Bác viết khi đất nước đang còn chiến tranh khốc liệt. Sau thất bại thảm hại của “Chiến tranh đặc biệt”, từ năm 1965, dấu giày của hàng chục vạn quân viễn chinh Mỹ và chư hầu đã đặt xuống miền Nam nước ta bắt đầu cuộc “Chiến tranh cục bộ” tàn bạo. Chiến tranh lan rộng ra cả nước khi máy bay và tàu chiến Mỹ ngày đêm dội bom đạn xuống miền Bắc. Nhưng, như Hồ Chí Minh đã viết trong Thư chúc mừng năm mới năm 1968: ...nhân dân ta đoàn kết một lòng, kiên quyết đánh Mỹ, cứu nước, đã giành được nhiều thắng lợi vẻ vang. Đến cuối năm 1967, quân và dân miền Nam anh hùng đã diệt, làm bị thương và làm tan rã hàng chục vạn quân Mỹ, quân ngụy và quân chư hầu. Quân và dân miền Bắc anh hùng đã bắn tan xác hơn 2.680 máy bay giặc Mỹ...

Đấy chính là một đảm bảo thực tiễn để Hồ Chí Minh khẳng định:

Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,

Thắng trận tin vui khắp nước nhà.

Câu thơ vừa là một khái quát vừa mang một dự đoán, tầm nhìn chiến lược có cơ sở chắc chắn bởi Hồ Chủ tịch và Đảng ta đã thấy được sự lúng túng, bị động của đối phương trên chiến trường và khí thế thừa thắng xông lên của quân và dân ta. Không phải là chuyện nói lấy được, bởi trong cuộc đối đầu với kẻ thù lớn, thì bao giờ cũng:

Phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ

Kiên quyết, không ngừng thế tấn công;

Lạc nước, hai xe đành bỏ phí,

Gặp thời, một tốt cũng thành công.

(Học đánh cờ)

Không nhiều chữ, rậm lời, chỉ hai câu thơ gồm mười bốn âm tiết Hồ Chí Minh đã vẽ lên bối cảnh lịch sử, thế trận ở Việt Nam lúc ấy. Đó là xuân chiến thắng với những tin báo tiệp vang lên ở hai miền Nam Bắc. Đó là bước tiến mới của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với sự dắt dẫn của ánh sáng thời đại Không có gì quý hơn độc lập tự do. Cảm hứng thắng trận được dẫn truyền lan tỏa rộng sâu, từ Bắc vào Nam, từ bưng biền lên rừng núi, từ nông thôn đến đô thị, từ lãnh tụ đến nhân dân. Cảm hứng của lãnh tụ đã thắp sáng niềm tin cho mọi người, thơ ca đĩnh đạc trở thành sức mạnh tinh thần và sau đó là sức mạnh vật chất. Lòng lạc quan chuyển hóa thành năng lượng hành động không chỉ của một người, ít người mà của nhiều người, của đông đúc, của dân tộc.

Tuy nhiên, đấy chưa phải là thắng lợi quyết định, thắng lợi cuối cùng. Ngày hát khải hoàn ca chưa tới. Đồng bào và chiến sĩ còn phải vượt qua muôn vàn gian khó, hi sinh với tinh thần quyết chiến, quyết thắng:

Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ.

Tiến lên!

Toàn thắng ắt về ta!

Nhiệm vụ thật cụ thể và rõ ràng: thi đua đánh giặc Mỹ. Đánh giặc Mỹ là nhiệm vụ quan trọng nhất, thiêng liêng nhất lúc bấy giờ. Đối với dân tộc, đối với đồng bào, đối với chiến sĩ, không loại trừ ai. Nhiệm vụ đánh Mỹ cứu nước là lương tâm của dân tộc, của mỗi người Việt Nam. Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi. Đấy chính là lời thề yêu nước, là bài ca ái quốc được cất lên từ những đau thương, từ những khát vọng của dân tộc này. Và, không thể nào khác, hồi kèn xung trận lại được cất lên, vọng vang như lời sông núi:

Tiến lên!

Toàn thắng ắt về ta!

Không khó phân tích ý nghĩa, tinh thần của câu thơ này. Tôi nghĩ, ai cũng nắm bắt được thông điệp Hồ Chí Minh gửi gắm trong đó. Riêng tôi, khi đọc lại bài thơ Chúc mừng năm mới 1968 của Bác lại rất chú ý tới sự ngắt dòng câu cuối này. Bác không viết liền câu “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!” để thi phẩm là một bài thơ tứ tuyệt thông thường mà lại ngắt câu ấy thành hai dòng như trên. Phải chăng, chủ ý của Bác là muốn nhắc nhở mọi người cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tuy giành nhiều thắng lợi nhưng còn nhiều gian khổ, thử thách hi sinh lắm. Con đường đi đến ngày toàn thắng còn muôn vàn chông gai, gập ghềnh. Xuân Mậu Thân 1968 chưa phải là xuân toàn thắng.

Theo Hồ Chí Minh tuyển tập (quyển 3) thì Bác viết Thư chúc mừng năm mới vào ngày 1 tháng 1 năm 1968. Như vậy, trước Tết Mậu Thân gần một tháng, khi xảy ra cuộc tổng tấn công chiến lược của quân và dân ta ở miền Nam. Cuộc tổng tấn công và nổi dậy đồng loạt của quân và dân ta đã giành được những thắng lợi lớn, buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngừng ném bom hạn chế miền Bắc, ngồi vào bàn đàm phán ở Hội nghị Pa-ri sau đó. Tuy nhiên, những hi sinh mất mát và tổn thất của ta trong và sau cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 cũng không phải là nhỏ. Và, phải tới bảy năm sau, đúng năm 1975 như tiên tri của Bác, ngày toàn thắng mới trở thành hiện thực rưng rưng:

Ôi, buổi trưa nay, tuyệt trần nắng đẹp

Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta.

Chúng con đến, xanh ngời ánh thép

Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa.

(Tố Hữu)

Lời thơ của Bác Toàn thắng ắt về ta đã thành hiện thực càng chứng tỏ sự tài tình chưa thể giải mã hết trong Hồ Chí Minh. Đúng như một nhà văn nước ngoài đã nói về Người là bậc đại nhân, đại trí, đại dũng. Với chiến sĩ, đồng bào thì thơ Bác là những lời động viên, cổ vũ mọi người đoàn kết, thi đua và tiến lên. Lúc nào cũng ân cần và ấm áp biết bao.

N.H.Q

Nguyễn Hữu Quý
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 281 tháng 02/2018

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

20 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground