Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cần có những con đường mang tên các văn nghệ sĩ nổi tiếng của quê hương

Di sản văn hóa không phải chỉ là những sản phẩm có giá trị được sáng tạo trong quá trình xây dựng và phát triển quê hương đất nước mà di sản còn được nhìn nhận từ chính những con người đã làm nên những sản phẩm đó. Những con người đấy được gọi là những danh nhân văn hóa. Bản thân họ cũng là di sản.

Vinh danh những văn nghệ sĩ nổi tiếng - khái niệm chung cho những người có thành tựu nổi bật trong hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật (VHNT) cũng chính là một cách bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản văn hóa. Việc làm ấy không chỉ để ghi công những cá nhân cụ thể, mà ý nghĩa sâu xa hơn là để cộng đồng có thể hiểu đúng và tự hào về bề dày và chiều sâu của văn hóa trên mảnh đất đang sống, sự đóng góp của văn hóa vào sự nghiệp cách mạng, xây dựng và phát triển quê hương, là động lực thúc đẩy những lớp văn nghệ sĩ hậu thế cố gắng hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, bồi đắp ngày một dày hơn, sáng giá hơn văn hóa của một vùng đất.

Có nhiều cách để ghi nhận, vinh danh. Nhưng có một cách mà tất cả các địa phương vẫn làm đấy là đặt tên đường, tên phố, các công trình văn hóa, công trình giáo dục hoặc công trình phúc lợi xã hội bằng tên tuổi những danh nhân ấy. Ở Quảng Trị, chúng ta đã có nhiều đường phố, nhiều công trình mang tên danh nhân. Tuy nhiên, có vẻ như chúng ta mới chú tâm đến những danh nhân lịch sử lớn của dân tộc mà hầu như tất cả các địa phương đều đặt tên, như Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi… Đối với danh nhân người Quảng Trị (hoặc có dính líu đến mảnh đất Quảng Trị) đã được đặt tên đường thì chủ yếu là những nhân vật thời phong kiến xa xưa như Bùi Dục Tài, Huyền Trân Công chúa... Với lịch sử cận đại và đương đại, chúng ta mới bắt gặp một số tên tuổi của những nhà cách mạng, những cán bộ người Quảng Trị nổi bật hy sinh từ thời chống Pháp. Riêng tên tuổi những văn nghệ sĩ người Quảng Trị, chỉ mới có nhà thơ Chế Lan Viên được đặt tên cho một ngôi trường.

Trong phạm vi bài viết ngắn này, tôi xin đưa ra một số tên tuổi (chắc chắn là chưa đầy đủ) rất cần sớm bổ sung vào những tên tuổi xứng đáng ghi nhận và vinh danh bằng việc đặt tên cho một số con đường ở thành phố Đông Hà hoặc ở các thị trấn huyện lỵ nơi sinh thành ra họ.

Nhà thơ Chế Lan Viên

Có lẽ không cần chú thích nhiều về Chế Lan Viên, một người con sinh ra ở xã Cam An, huyện Cam Lộ. Chế Lan Viên đã được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật. Chế Lan Viên cũng được tỉnh Quảng Trị đặt tên cho Giải thưởng VHNT cao nhất của tỉnh. Ông cũng được huyện Cam Lộ đặt tên một ngôi trường. Như vậy, tỉnh Quảng Trị và huyện Cam Lộ đã có những sự vinh danh. Tuy nhiên theo tôi cần có thêm một con đường trong thành phố Đông Hà mang tên Chế Lan Viên.

Nhạc sĩ Trần Hoàn

Tên thật là Nguyễn Tăng Hích, sinh năm 1928, mất năm 2003. Là một người con ưu tú của Hải Lăng, Quảng Trị. Trần Hoàn sớm tham gia hoạt động kháng chiến ở nhiều chiến trường, gắn bó với nhiều địa phương trong cả nước và từng giữ những chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước. Đối với Quảng Trị nói riêng, mảnh đất Bình Trị Thiên nói chung, Trần Hoàn đã có nhiều đóng góp rất quan trọng trong nhiều cương vị công tác: Chủ tịch Hội VHNT Bình Trị Thiên, Trưởng Ty Văn hóa Thông tin, rồi Trưởng Ban Tuyên giáo Bình Trị Thiên trong giai đoạn Bình Trị Thiên hợp nhất. Trần Hoàn là người đặt nền móng hình thành các tổ chức Hội VHNT địa phương với việc thành lập Hội VHNT Hải Phòng, là Hội văn nghệ đầu tiên trong cả nước. Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng hai khóa (1987 - 1996), Đại biểu Quốc hội khóa VIII, Bộ trưởng Bộ Thông tin rồi Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin, Phó Ban Văn hóa tư tưởng, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.

Là một nhạc sĩ tài hoa, Trần Hoàn đã sáng tác rất nhiều nhạc phẩm nổi tiếng, trở thành những di sản quý giá trong gia tài âm nhạc Việt Nam. Tiểu biểu là những ca khúc: Sơn nữ ca, Lời người ra đi, Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh, Lời Bác dặn trước lúc đi xa, Quảng Trị yêu thương…

Nhạc sĩ Trần Hoàn đã được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật.

Nghệ sĩ Châu Loan

Khán thính giả cả nước cũng như mỗi một người dân trên quê hương Vĩnh Linh - Quảng Trị có lẽ không ai là không say đắm với giọng ngâm thơ, hát dân ca Trị Thiên vang lên trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam của Nghệ sĩ Châu Loan trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

Châu Loan tên thật là Bùi Thị Loan (1926 - 1972) người con của quê hương Tùng Luật, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh - Quảng Trị, một vùng quê giàu truyền thống văn hóa, từng được mệnh danh là làng nghệ sĩ.

Châu Loan đi hát từ năm 15 tuổi. Ngay từ những năm đầu tiên miền Bắc được giải phóng (1954), tiếng hát của Châu Loan đã ngân lên trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 1957, bà được cử đi dự Đại hội thanh niên thế giới lần thứ nhất tại WarszawaBa Lan. Có thể nói Châu Loan là người đầu tiên mang những làn điệu dân ca tha thiết trữ tình của quê hương miền Trung như hò mái nhì, mái đẩy… giới thiệu cùng bạn bè quốc tế.

Trong những năm chiến tranh ác liệt, Châu Loan cùng đoàn ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam đi biểu diễn nhiều nơi từ Việt Bắc, Tây Bắc, hải đảo cho đến vĩ tuyến 17. Những bản thu của bà được phát sóng rộng trên sóng của đài, đặc biệt là qua những bài thơ của Tố Hữu như Ba mươi năm đời ta có Đảng, Bài ca xuân 1961, Mẹ Suốt Những bài vè, bài thơ, những làn điệu dân ca Trị Thiên qua giọng ngâm của Châu Loan mang hồn vía của cả một vùng đất, thấm đẫm tình yêu quê hương xứ sở đã vang vọng khắp non sông đất nước Việt Nam.

Với tài năng và sự đóng góp trọn đời đó, Châu Loan là nghệ sĩ đầu tiên của Quảng Trị được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân đợt đầu.

Nghệ sĩ Tân Nhân

Tên thật là Trương Tân Nhân (1932 - 2008). Bà sinh ra trong gia đình giàu truyền thống yêu nước tại làng Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh - Quảng Trị.

Sự nghiệp hoạt động nghệ thuật của Tân Nhân và cả cuộc đời riêng tư đầy trắc ẩn của nghệ sĩ đã khiến bao nhiêu trái tim của khán thính giả cả nước lay động.

Tuổi thơ, Tân Nhân được vào học tại trường Đồng Khánh Huế, nhưng đã sớm tham gia những hoạt động cách mạng. Khi mới 13 tuổi, được sự dìu dắt của những cán bộ bí mật, Tân Nhân đã tham gia vào đội phản gián, làm nhiệm vụ đưa tin, rải truyền đơn cho cách mạng. Khi bị lộ, cô bé Tân Nhân đã không quay về gia đình mà thoát li lên rừng rồi ra miền Bắc tiếp tục học ở trường Huỳnh Thúc Kháng ở Nghệ Tĩnh. Lúc đó, do yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, người ta thành lập Đoàn Văn công Quân đội Mặt trận Bình Trị Thiên và cô học sinh Tân Nhân đã hăng hái tham gia để được trở về quê hương phục vụ kháng chiến. Trong một lần biểu diễn, bọn địch càn tới, một số diễn viên thương vong, cả đoàn tan tác, Tân Nhân cũng bị thất lạc. Ở ngoài trường cũ Huỳnh Thúc Kháng, các thầy và các bạn nhận được tin Tân Nhân đã hy sinh. Một lễ truy điệu được tổ chức. Ở buổi lễ đó, người bạn trai cùng quê Quảng Trị, từng là bạn học của Tân Nhân là Hoàng Thi Thơ đã không kìm được lòng mà sáng tác bài hát Xuân chết trong lòng tôi. Nữ sinh của trường đã hát trong nước mắt thương tiếc và nhớ nhung khôn nguôi người bạn đáng yêu của mình. Khi Tân Nhân quay trở về, nghe được câu chuyện cảm động ấy đã mang lòng thương yêu người bạn trai cùng quê. Tuy nhiên, cuộc sống vốn trớ trêu bao điều không ai lường trước được. Trong một chuyến trở về thăm quê, Hoàng Thi Thơ bị địch bắt, sau đó đã ở hẳn lại nội thành. Tân Nhân mang nỗi đau ấy mà đi suốt cuộc đời về sau.

Cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Tân Nhân vào làm việc tại Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương. Năm 1963, bà theo học khoa thanh nhạc Trường Âm nhạc Việt Nam và tốt nghiệp năm 1968. Từ năm 1969 đến năm 1972, bà tu nghiệp tại Nhạc viện Sofia, Bulgaria. Về nước năm 1973, bà làm việc tại Đài Phát thanh Giải phóng, rồi Đài Tiếng nói Việt Nam. Bà còn là ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa II.

Khán thính giả cả nước chắc chắn sẽ không thể nào quên được tiếng hát của nghệ sĩ Tân Nhân với những bài hát nổi tiếng lay động bao trái tim người. Điển hình nhất là nhạc phẩm Xa khơi và nhạc phẩm Câu hò bên bến Hiền Lương. Tân Nhân từng tâm sự, khi đứng trước biển Cửa Tùng và khi dừng chân bên cầu Hiền Lương, ngóng nhìn về phía trời Nam, cất lên tiếng hát Xa khơi và Câu hò bên bến Hiền Lương, chị như thấy quặn thắt trong tim vì bao nỗi chung riêng. Nỗi xót xa cách trở của nghệ sĩ đồng điệu cùng nỗi đau rỉ máu của bao nhiêu số phận của dân tộc Việt Nam.

Tân Nhân đã được trao tặng Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất và danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (1988).

X.Đ

Xuân Đức
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 281 tháng 02/2018

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

24/04/2024 lúc 23:00

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground