Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hãy ngủ yên nỗi buồn

Tôi muốn bắt đầu bức chân dung nữ thi sỹ Lê Thị Mây bằng bài thơ “Nỗi buồn” chị viết lúc hơn hai mươi tuổi. Bài thơ như một bức chân dung chị tự vẽ về mình, vẽ bằng những linh cảm mơ hồ của một trái tim thiếu nữ biết linh đoán trước cuộc đời và số phận.

Ngay từ thuở ấu thơ, khi còn là đứa trẻ tóc cháy nắng, bàn chân nhỏ, ngón chân bám cát bởi suốt ngày thọc sâu trên cát bỏng theo trẻ con chơi chắt chơi chuyền, thì chị đã không giống những đứa trẻ lấm lem muối cát khác. Những trưa nắng cháy, chị đã thì thầm cho lũ bạn cùng trang lứa nghe những câu chuyện cổ tích từ sự mơ mộng và khát vọng của mình.

Chị thì thầm với lũ bạn: rằng ngày xưa ông bà cố nhà tao giàu (nhất xứ Quảng Bình), sau một trận bão cát, cả sản nghiệp và cơ ngơi bị vùi lấp trong cát. Chỗ ni chính là nơi gia tộc nhà tao đã cất dựng nên. Dưới động cát là nhà kho cất giấu của cải...

Cứ thế hằng trưa. Lũ trẻ con mọc ra trên cồn cát Bảo Ninh nghèo khổ và khắc nghiệt ấy há hốc mồm cùng mơ những giấc mơ ban trưa của chị. Rồi cùng hè nhau đào cát tìm vàng, bởi đêm qua... có giấc mơ, chị mơ thấy cụ nội về. Cụ đội mũ cánh chuồn, dắt tay chỉ dưới gốc dứa dại này các hũ vàng của gia tộc vẫn còn chôn sâu dưới đó.

Cả bọn hì hục đào dưới nắng cháy, giấc mơ vẫn nằm sâu thẳm đâu đó trong lòng đất cát, mà những đứa trẻ lắm khát vọng không nguôi hy vọng. Mơ bắt được vàng, tìm được vàng để trở thành những công chúa hoàng tử như trong những câu chuyện cổ tích của ông bà đã kể để xua đi cái nghèo đói, cái rét mướt hằng đêm vốn là giấc mơ da diết, cuồng nhiệt của tất cả những đứa trẻ nông thôn lầm lũi sinh ra từ nghèo khó.

Suốt tuổi ấu thơ, Lê Thị Mây luôn mơ bắt được vàng, để có thể biến ngôi nhà tranh vách đất dột nát và tối tăm thành một lâu đài xinh đẹp, để những bộ quần áo rực rỡ thay cho những chiếc áo vá chằng chịt những mảnh tích kê thời bao cấp. Nghèo đói và khổ, nên mơ cả khi ngủ hay đang thức, mơ triền miên một phép nhiệm mầu để nhà mình thoát khỏi cảnh nghèo.

Và có lẽ, những ai định mệnh đã bắt làm thi sỹ, văn sỹ thì cái khát vọng, hoài bão và niềm mơ mộng không bao giờ ngừng tắt trong tâm hồn đã bộc lộ từ ấu thơ. Như là sự dẫn dắt kỳ lạ của số phận. Cho dù Lê Thị Mây bắt đầu đời mình bằng những nghề nghiệp khác nhau không liên quan đến con đường thi sỹ nổi tiếng của chị sau này.

Và không ai có thể biết trước được người con gái trong mịt mù xứ cát ấy, trong lửa đạn chiến trường khắc nghiệt ấy, và trong cái công việc bình thường nhất làm tạp vụ ở một cơ quan văn nghệ ấy sau này đã trở thành một nhà thơ khá nổi tiếng với một giọng thơ rất đặc biệt trong số những nhà thơ nữ Việt Nam.

Lê Thị Mây đã chiếm lĩnh bạn đọc một thời gian dài bởi những bài thơ xuất thần, tài hoa và sâu sắc khi nói về tình yêu, về thân phận của những người đàn bà đi qua chiến tranh. “Ruộng người cuốc bẫm cày sâu / Một đôi đon mạ thắt bầu lưng ong / Ruộng em lo cưới chửa xong / Một bồ thóc giống một nong con tằm / Trai làng áo lính về thăm / Cây rơm treo một khuôn rằm cầu hôn”. “Anh khoác ba lô về / Đất trời dồn chật lại / Em tái nhợt niềm vui / Như trăng mọc ban ngày”.

Tôi đọc và yêu thơ Lê Thị Mây rất nhiều năm trước khi tôi biết chị. Biết chị rồi cũng khó gặp chị bởi lâu nay, sau khi lập gia đình, chị như sống ẩn mình. Tôi ví chị như một tảng đá nằm sâu trong núi cao, một tảng đá với những vỉa quặng quý báu. Một cái cây chắc chắn giữa đại ngàn, cây mang trong mình thứ gỗ quý tỏa hương.

Tôi tìm được chị muộn, níu chị ghé chân trên cái quãng đường chị đang chạy “việt dã” vì công việc. Một thoáng trò chuyện thôi để tôi tóm lấy người đàn bà thơ trong chị rõ hơn, người thi sỹ như con cá đuôi vàng trong đêm sinh nở, con nai vàng ngơ ngác tìm ăn cỏ, và con cọp tháng chạp đang rình mồi giấu trong lòng sâu thẳm hang yêu, giấu trong lòng bao nhiêu lau sậy và sương giá.

Chị là “một người đàn bà làm thơ trong nén sâu và im lặng. Mỗi chữ là lệ của hạnh phúc, khổ đau”. Không hiểu sao, tôi thích nhìn chị ở cái hình ảnh chị đã vẽ rất chính xác về cái bóng của mình: “Con cọp đang rình mồi tháng chạp”.

Chị nói mỗi lần chị bước ra khỏi nhà, chị đi, chị thở và chị sống cái đời sống riêng của chị, thì chị thuộc về con cọp. Một con cọp quyết liệt, một mãnh hổ thu mình chờ đợi một sự bùng nổ từ chính mình.

Thơ Lê Thị Mây khác với cuộc đời thực của chị, khác đến mức tôi cứ tưởng tượng như người phụ nữ ngồi trước mặt mình chưa từng là người đàn bà trong thơ. Nhưng ngẫm cho sâu, cho kỹ thì đúng thật, người đàn bà thơ trong bồn bộn tác phẩm, bồn bộn trang viết ấy phải là chị chứ không thể là ai khác.

Một tâm hồn mãnh liệt và đa mang ấy, phải là của chị. Một tâm hồn đầy rung cảm, sâu thẳm đến tận cùng, đau đớn đến tận cùng phải là chị chứ không thể là của ai khác. “Nửa vầng trăng / Lang thang / Trôi giữa rạng ngày xanh tái / Ôi giấc mơ / Bị cắt hết máu / Giấc mơ / Của người thiếu phụ chờ chồng”.

Bao nhiêu sự duyên dáng, xinh đẹp và gợi cảm chị chắt chiu, dành dụm và trút hết vào thơ, dành cho thơ. Bên ngoài chị là một người đàn bà giản đơn, không quan tâm nhan sắc như muôn ngàn người đàn bà khác. Chị dành tất cả cho con đường thơ, và khi đó, con cọp trong chị dường như đang bước ra từ phiên bản chị để lao động cật lực, để đạt bằng được cái đích chị đã vạch sẵn. Phải là một tâm hồn vô cùng mẫn cảm trước cái đẹp, hạnh phúc và nỗi đau.

Biết chịu đựng, và biết hát ca trong im lặng, biết dồn nén đầy chật trong thâm sâu của cõi lòng thì chị mới bật viết những câu thơ giàu hình ảnh, những câu thơ phát sáng và xuyên thấu hồn người như thế: “Con sông đói quặn khúc bờ đau thắt”, “Hỡi vầng trăng mất ngủ thâm quầng”, “Con rô đập bùn như một trái tim non”, “Lá lúa ơi đừng quăng cái đuôi thon / Không trổ được cái đòng non đừng đắng”...

Như Bình
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 282 tháng 03/2018

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground