Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hoàng Vân, nhạc sĩ cách mạng tài hoa*

TCCV Online - Tất cả các nhạc sĩ nổi tiếng về đề tài cách mạng ít nhiều đều có những bản tình ca cho riêng mình, nhưng Hoàng Vân thì không.

Ngay cả những ca khúc êm đềm, dịu dàng, trữ tình như Bài ca người thủy thủ (thơ Mai Nam), Bài ca xây dựngTình ca Tây Nguyên ông cũng dành cho người đi biển, người thợ xây, người đi công tác cao nguyên Trung Bộ.

Dường như ông đã có Đường thi, ca từ thời Tống, văn học cổ Trung Quốc, đặc biệt là thư pháp và quốc họa (vẽ bằng bút lông và mực tàu) để tự thưởng ngoạn và gửi gắm riêng tư.

Hoàng Vân tên khai sinh là Lê Văn Ngọ, sinh ngày 24-7-1930 tại Hà Nội trong một gia đình truyền thống Nho học.

Ông tham gia các đoàn văn nghệ quân đội từ thuở 16 tuổi và dù có nghệ danh Hoàng Vân, bạn bè vẫn gọi ông: Lê Văn Ngọ - Lo Văn Nghệ (nói lái).

Mới 24 tuổi ông đã phụ trách đoàn văn công sư đoàn 312 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và sáng tác ca khúc nổi tiếng Hò kéo pháo. Không giống những hành khúc, bài ca cộng đồng khác viết về chiến thắng Điện Biên Phủ, bài hát Hò kéo pháo sử dụng điệu hò dân ca xô xướng tạo nên ca khúc hoạt cảnh về các chiến sĩ pháo binh anh hùng Việt Nam:

Hò dô ta nào!

Kéo pháo ta vượt qua đèo

Hò dô ta nào!

Kéo pháo ta vượt qua núi.

Người nghe qua bao thế hệ mường tượng hình ảnh những chiến sĩ quả cảm kéo pháo lên đỉnh cao và tiếng hò vang vọng núi rừng của đoạn A, cũng như cảm nhận niềm vui nét nhạc dồn dập đoạn B:

Tới đích rồi đồng chí pháo binh ơi!

Mai đây nghe pháo gầm vang dội

Cùng bộ binh đánh tan đồn thù

Lòng quyết tâm sắt gang nào bằng. Hò dô…

Hòa bình lập lại cuối 1954, Hoàng Vân được cử đi học Nhạc viện Bắc Kinh. Thời gian này ông học âm nhạc và nghiên cứu sâu Hán học. Ông sáng tác nhiều tác phẩm khí nhạc: Fugue cho pianoTổ khúc oboe và pianoRhapsodie cho violon, giao hưởng thơ Thành đồng tổ quốcGiao hưởng số 1…

Tốt nghiệp Nhạc viện Bắc Kinh, Hoàng Vân về làm nhạc trưởng kiêm chỉ đạo nghệ thuật tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông còn tham gia giảng dạy ở Nhạc viện Hà Nội nhưng vì bận công tác ở đài và những chuyến đi thực tế nên không cộng tác lâu dài.

Hoạt động ở Đài Tiếng nói Việt Nam đòi hỏi nhanh nhạy, đáp ứng các đề tài nóng hổi. Và Hoàng Vân đã viết Tôi là người thợ lò và Người chiến sĩ ấy, là hai ca khúc đặc sắc viết về người công nhân mỏ và người chiến sĩ cách mạng. Âm nhạc bài hát rất hào sảng tạo nên cao trào đầy hưng phấn và mạnh mẽ hợp với giọng nam cao. Chính vì thế, đến tận ngày nay các giọng nam cao nổi tiếng của Việt Nam cũng như các thí sinh kỳ thi giọng hát thính phòng vẫn ưa chuộng Tôi là người thợ lò và Người chiến sĩ ấy.

Với đề tài xây dựng đất nước, người nghe không thể nào quên Hát về cây lúa hôm nay và Bài ca xây dựng của Hoàng Vân, đều được dàn dựng cho song ca nam nữ. Nếu Bài ca xây dựng với nhịp 3/4 duyên dáng, sôi động về người thợ xây ở thành phố thì Hát về cây lúa hôm nay hoàn toàn là chuyện của làng quê.

Điệp khúc Bài ca xây dựng thật tươi sáng:

Bạn đời ơi!

Hãy tin, hãy yêu và hát cùng chúng tôi

Những người thợ xây, tin yêu cuộc đời mới

Trong khói bom, trong ánh trăng, suốt bốn mùa

Tôi vẫn xây, tiếng hát vui cho chúng tôi,

Tiếng hát vui cho các bạn,

Cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau.

Hát về cây lúa hôm nay đậm chất dân ca, mở đầu như vỉa (hát nói) để vào đoạn hát chính sôi nổi kể lại:

Ngày xưa

…Từ đôi vai xưa kéo cày thay trâu…

…Chiếc cầu tre chênh vênh nhỏ bé

Không mang nổi người gánh thóc nặng.

Và ngày nay:

Đường lớn đã mở đi tới tương lai

Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay.

Hoàng Vân rất ít phổ thơ, chỉ vài bài như Những cánh buồm - thơ Hoàng Trung Thông, Nhớ - thơ Nguyễn Đình Thi, Bài ca người thủy thủ - thơ Mai Nam.

Phần lớn nhạc phẩm ông tự làm lời và vẫn làm nên phong cách đặc biệt như Không cho chúng nó thoátNổi trống lên rừng núi ơiBài ca người giáo viên nhân dânChào anh Giải phóng quânchào mùa xuân đại thắngBài ca giao thông vận tải…

Trong trước tác của mình Hoàng Vân ít ghi địa danh, duy chỉ có bộ ba: Hà Nội - Huế - Sài GònHai chị em và Quảng Bình quê ta ơi là địa phương ca đặc sắc.

Bài hát Hà Nội - Huế - Sài Gòn cảm hứng chủ đạo từ câu hò Huế và dân ca Bình Trị Thiên nhưng càng về cuối cao trào, Hoàng Vân triển khai ra chất dân ca miền Nam nói chung:

…Huế cầm tay Sài Gòn, Hà Nội

Bên dãy Trường Sơn ngời sáng tin yêu…

…Thành phố vinh quang Hồ Chí Minh

Tiếng Người vang trong lòng.

Nếu như Hà Nội - Huế - Sài Gòn dành cho đơn ca nữ cao thính phòng thì Hai chị em nổi tiếng bởi giọng hát Thu Hiền và nhiều song ca nữ chất giọng dân ca.

Cô Ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh

Chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình

Nhạc sĩ đã miêu tả tài tình hình ảnh những người phụ nữ đảm đang ở hai miền đất nước, ở hai tỉnh kết nghĩa: Trà Vinh và Thái Bình.

Đỉnh cao của địa phương ca Hoàng Vân là Quảng Bình quê ta ơi.

Chuyến đi thực tế năm 1964 ở vùng đất lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh, ông đã có bài hát tuyệt vời:

…Nếu ai hỏi vì sao quê hương chúng ta nhiều ngói mới

Rằng có đắng cay nên chừ mới có ngọt bùi

Nếu ai hỏi vì sao quê hương chúng ta đồng lúa tốt

Có nhớ những ngày cơ cực tối tăm ngày xưa?

Âm nhạc lấy cảm hứng từ dân ca Quảng Bình. Điệp khúc là Hò khoan Lệ Thủy:

Quảng Bình - khoan khoan hò khoan

Hoàng Vân đã thay đổi chuyển hệ các điệu tính đầy sáng tạo nhưng bài hát vẫn dễ hát, dễ phổ biến và thành tỉnh ca Quảng Bình, bài hát đi cùng năm tháng.

Nhạc sĩ Hoàng Vân rất đa tài, trong lĩnh vực khí nhạc ông để lại gia tài khá ấn tượng về nhạc thính phòng, nhạc giao hưởng, nhạc phim, nhạc múa ballet, nhạc sân khấu.

Vốn nhanh nhạy sáng tạo, ông đã phối âm cho dàn nhạc nhỏ đài CP 90 (Đài phát thanh Giải phóng) nơi ông còn đóng góp các ca khúc ký tên YNA (Yêu Ngọc Anh - vợ ông): Tiếng cồng giải phóng - tiếng cồng chiến thắngTrên đường tiếp vận.

Hoàng Vân còn có khối lượng đồ sộ các hợp xướng Hồi tưởngViệt Nam muôn nămVượt núiTuổi lên mườiHát dưới cờ búa liềm…

Ca khúc thiếu nhi của Hoàng Vân không nhiều nhưng là những bài rất hay như Mùa phượng nởEm yêu trường emChim vành khuyên…

Có thể nói Hoàng Vân là nhạc sĩ đa tài mà mỗi thể loại cũng làm nên tên tuổi một nhạc sĩ. Nhạc trưởng Lê Phi Phi, con trai nhạc sĩ Hoàng Vân, được giữ chức nhạc trưởng của dàn nhạc giao hưởng quốc gia Macédonia, đã nhiều lần dàn dựng Thành đồng tổ quốc - giao hưởng thơ - và các tác phẩm khí nhạc của bố, vẫn ân hận không được bên cạnh bố khi bố già yếu ốm đau.

Hoàng Vân vừa từ giã cõi đời vào ngày 8 - 2 - 2018 tại Hà Nội, hưởng thọ 88 tuổi.

Bỗng nhớ nhà văn Nga Alexei Tolstoi viết trong tiểu thuyết Con đường đau khổ“Năm tháng sẽ trôi qua, những cuộc chiến tranh sẽ im ắng dần, những cuộc cách mạng sẽ thôi gầm thét, chỉ còn lại bất diệt tấm lòng em dịu dàng trìu mến và đầy tình yêu thương”.

Vâng, còn lại tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương, tình yêu nhân loại hòa bình. Cuộc sống cần những rạp hát, nhà văn hóa, truyền hình, siêu thị, trường học, bệnh viện và nhu cầu cho con người nhưng cũng cần những tượng đài đẹp nơi công viên để ghi nhớ công ơn vĩ nhân và liệt sĩ.

Ca khúc Hoàng Vân là những tượng đài âm nhạc về những người anh hùng giữ nước và người dân thường trong xây dựng cuộc sống.

T.B

Nguồn Tạp chí Hồn Việt 

_____

* Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000

Thế Bảo
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 284 tháng 05/2018

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

10 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

10 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

10 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

10 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

31/03

25° - 27°

Mưa

01/04

24° - 26°

Mưa

02/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground