Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 25/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Những tố chất tương đối bền vững trong nghiên cứu, phê bình văn nghệ

Mọi tính toán khoa học đều mang tính tương đối. Tương đối luận của A. Einstein sở dĩ có giá trị trong nhiều giai đoạn lịch sử chính là nhờ tính thiếu bền vững ở một mức nào đó: Con người là một sinh vật đặc biệt, thượng đẳng, niềm kiêu hãnh của nhân loại, nhưng so với thời gian, không gian, vật chất, năng lượng (bốn thực thể căn bản của vũ trụ) thì con người là bé nhỏ. Đi tìm những thuộc tính tương đối bền vững trong văn hóa học, nghệ thuật học, chúng tôi xin dừng lại khảo cứu mấy bình diện thường được gặp sau đây, được coi là cần và đủ, đó là: Vai trò của triết học; kiến thức thông sử của một vài nền văn học - nghệ thuật; phương pháp luận được coi là công cụ biện chứng giữa điểm và diện, giữa cái bên trong và cái bên ngoài, v.v…

1. Tri thức triết học lịch đại và đồng đại là cơ sở của văn hóa học và nghệ thuật học

Phriderich Engels có lần nói: Các nhà khoa học muốn làm gì thì làm, họ vẫn bị triết học thống trị. Ở một phương diện nào đó, việc nghiên cứu, phê bình văn học, nghệ thuật khó thoát khỏi sự ràng buộc triết học thời đại mình, mỹ học dân tộc mình. Biên độ phê bình văn nghệ dù mở rộng đến đâu, tầm nhìn của nhà phê bình có khoáng đạt đến mấy, vẫn được phát sinh, nảy nở từ thực tiễn sáng tạo của đời sống, trên cơ sở mỹ học dân tộc, mỹ học Marx - Lenin, mỹ học tiến bộ ngoài Marx và đường lối văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam. Không thừa nhận điều đó, dù vô tình hay hữu ý đều dẫn đến tình trạng lý luận “chay”, phê bình ngẫu hứng, cảm tính, ít có tác dụng xã hội, thiếu ý nghĩa triết lý nhân văn. Triết học văn hóa - một phạm trù triết học thực tiễn ra đời khoảng giữa và sau thế kỷ XX được sử dụng trước tiên ở triết học phương Tây, rồi dần dần lan ra các nước khác. Trên văn đàn và diễn đàn quốc tế, trước khi triết học văn hóa ra đời, người ta đã biết đến triết học ánh sáng. Đặc điểm của nó là chấp nhận ánh sáng tự nhiên như trí tuệ, sức tưởng tượng, lý trí, v.v… phản đối thứ triết học phụ thuộc vào thần học, đề cao triết học nhập thế, loại bỏ siêu hình học. Trong lĩnh vực văn hóa học, nghệ thuật học sự hiện diện triết học văn hóa nhằm tìm kiếm: Bản chất và ý nghĩa lý luận của từng hiện tượng văn hóa; vai trò trung tâm của văn hóa là con người, những giá trị trong kho báu dân tộc, trong đó tự do là giá trị cao nhất. Nếu trí tuệ, lý trí của con người đóng vai trò chủ đạo trong quan hệ nhận thức lý luận, thì cảm xúc tình cảm giữ hàng đầu trong quan hệ giá trị. Trong lý luận - phê bình văn nghệ chúng ta cần cả hai. K. Marx nói: Phê bình văn nghệ không chỉ là người bạn đường của quá trình nhận thức, là “trí tuệ của nhiệt tình”, mà còn là “nhiệt tình của trí tuệ”. Thiếu một trong hai tố chất đó, tác phẩm nghiên cứu phê bình (NCPB) thiếu sức thuyết phục số đông bạn đọc. Xin nêu hai hiện tượng: - Bản chất NCPB văn nghệ mang tính chất xã hội sâu sắc; - Vai trò của triết học trong NCPB còn tìm thấy trong văn hóa tranh luận. Nghiên cứu phê bình văn học là công việc của xã hội. Nó chưa bao giờ là việc riêng của nhà phê bình, dù đó là nhà phê bình có hạng. Nó bao giờ cũng lấy đời sống xã hội làm tiêu chuẩn chân lý, lấy đời sống sáng tạo làm thước đo tài năng. V. G. Bielinsky (1811 - 1848) nhà đại phê bình văn nghệ Nga, gọi NCPB là sự nhận thức thời đại, là động lực của thực tiễn sáng tác. Chính ông là người biết gắn lý luận với thực tiễn, hay nói như Descartes là duy lý thực tiễn, thứ lý luận biết gắn với thực tiễn đời sống xã hội - văn hóa nhờ những đại biểu văn học, thơ ca lớn nhất của nước Nga đầu thế kỷ XIX như Puskin, Gogol, Lermontov và những nhà văn bậc thầy ở châu Âu như Shakespeare, Cervangtes, Goethe, v.v… từ nhu cầu công chúng thời đại đó. Mỹ học của Bielinsky được gọi là mỹ học chuyển động tức là không khô cứng, gò ép mà xuất phát từ sự sinh động của đời sống Nga từ cuộc chiến tranh vệ quốc năm 1812, cuộc cách mạng tháng Chạp 1825, cho đến năm 1861, khi chủ nghĩa nông nô Nga bị lật đổ. Là một nhà duy vật của phong trào Ánh sáng Nga, Bielinsky biết hút nhụy từ những vườn hoa đầy hương sắc của chủ nghĩa hiện thực Nga, từ môi trường văn hóa các nền văn học hiện thực châu Âu nửa đầu thế kỷ XIX.

Vai trò của triết học văn hóa trong NCPB văn nghệ còn tìm thấy trong văn hóa tranh luận. Câu châm ngôn của người Pháp: “Tranh luận tìm ra ánh sáng” (De la dicussion jaillit la lumière) thật ứng nghiệm với những cuộc tranh biện học thuật giữa các nhà văn, các trường phái nghệ thuật. Ai làm trọng tài trong hành trang đi tìm chân lý? Đó chính là văn hóa tranh luận. Ví dụ: Các cuộc tranh luận đầu thế kỷ XX về quốc học, về Truyện Kiều, về duy tâm và duy vật, về thơ cũ và thơ mới, ở cả hai chiến tuyến đều có ý kiến khác nhau là vậy, “so găng” nhau đều một thua, một được là vậy, nhưng lịch sử NCPB phải công nhận nét đẹp lấp lánh của văn hóa tranh luận. Vì sao vậy? Vì cả hai phía đều soi chung một điểm hội tụ là ý thức dân tộc, một vấn đề quan thiết đến vận mệnh dân tộc, nếu như chúng ta biết rằng, ý thức dân tộc bao gồm nhiều giá trị, là phương lược lớn để hoạt động cách mạng, là hạt nhân của chính sách đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở đây việc được - thuađúng - sai của cá nhân lùi lại được coi như những phương tiện để đạt mục đích cao hơn: đó là những quan điểm duy tâm bị đẩy lùi, những khuynh hướng phục cổ bị phê phán, những tư tưởng duy vật, tiến bộ được khẳng định, đặc biệt là giới tri thức giúp họ tham gia công việc giải phóng dân tộc. Cuộc đấu tranh giữa phái nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh sau 4 năm tranh luận đã dần dần xích lại gần nhau, bổ sung cho nhau, hài hòa lợi ích, vì họ chỉ khác nhau về thế giới quan, về khẩu khí tranh luận, nhưng không khác biệt nhau về sự cách tân ngôn ngữ, về tình yêu thiên nhiên, yêu nước, dòng hoài niệm về quá khứ, “nỗi đau đời”, v.v… Kết quả là Cách mạng được nhiều: hầu hết các nhà văn hóa, các nghệ sỹ tài ba đi theo Cách mạng, hàng nghìn, hàng vạn trang viết của họ thấm đượm chủ nghĩa nhân văn mới.

2. Khảo sát lại các giá trị trong lịch sử văn học nghệ thuật dân tộc

Mọi tác phẩm văn học, nghệ thuật đều là con đẻ của thời đại. Thời đại là bà mẹ của mọi cảm hứng sáng tạo. Ở đây, việc miêu thuật các sự kiện lịch sử để chứng minh cho sự ra đời của tác phẩm là cần nhưng chưa đủ. Trong hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, tiền nhân đã để lại cho chúng ta nhiều kho báu quan yếu. Văn chương, nghệ thuật là kho báu chứa nhiều giá trị phức tạp, phần lớn viết bằng chữ Hán, về sau trong nhiều thế kỷ tiếp nối có chữ Nôm, văn Nôm. Nho học là nền tảng của hệ thống giáo dục khoa bảng với mục đích đào tạo sỹ phu để làm quan. Văn chương sáng tạo, dù ở đỉnh cao của văn nhân kiệt xuất vẫn chịu ảnh hưởng Khổng giáo. Năng lực sáng tạo của văn nhân, nghệ sỹ là to lớn, nhưng cha ông ta không quen làm nghệ thuật học. Tư duy trực giác hạn chế tư duy khái niệm, chưa tạo dựng được một nền mỹ học truyền thống. Thực trạng đó kéo dài hàng nghìn năm để lại những khiếm khuyết có tính lịch sử. Vài ví dụ:

- Một nền văn học chữ Nho, có xu hướng đạo đức nhập thế, ít bàn đến triết học, khuynh hướng sáng tạo nghệ thuật. Ngay cả Lê Quý Đôn (1726 - 1784), người sớm tiếp cận với nhiều cái mới của châu Âu về các quy luật địa lý tự nhiên, về lý, khí, lịch số, về văn tự độc đáo qua sách của đạo Kitô, phát hiện ra nhiều địa danh được ghi trong Vân đài loại ngữ, v.v… thế mà ông vẫn chưa thấy rạch ròi tìm ra quy luật trong văn hóa sử. Chưa nói, trong số 40 bài thơ được ông chép trong Kiến văn tiểu lục nói là của nhà thơ thiền sư Hương Hải (1628 - 1715) thì có đến 32 bài là tác giả Trung Quốc!?1.

- Muốn nghiên cứu tốt, đề xuất ý tưởng hay, trước hết phải dựa vào tư liệu, văn bản học (nói như Lenin tư liệu phải cao như núi). Nhưng tư liệu càng nhiều, thì dễ bị nhầm lẫn, trùng lặp. Trong kho tàng Hán học từ phương Bắc nhập vào nước ta, tránh sao khỏi “tam sao thất bản”. Văn Hán, văn Nôm thường mượn những điển tích trong thư tịch cổ Trung Hoa. Chỉ riêng kho từ vựng bàn việc học hành đã có hàng trăm từ ngữ: Cửa Khổng, sân Chu Trình, áo Trọng Do, đai Tử Lộ, màn Trọng Thư, gối Ôn Công, bồ chép sách, Tôn Khang, đèn học, bóng tuyết, v.v… Mượn Hán văn nhưng văn Nôm thường dùng theo nghĩa riêng, còn chuyện nhầm lẫn trong học thuật là khó tránh. Bài thơ Xuân Nhật tức sự được cho là của sư Huyền Quang (đời Trần) nhưng theo bộ sử Thiền Tông Trung Quốc cho biết: Bài này là của Ảo Đường Trung Nhân (? - 1203) được học trò của ông là thiền sư Lôi An Chính Thọ (1145 - 1208) đính chính là của thầy mình. Một hiện tượng khác: Bài thơ Kiều Trang Khuyếtđược các học giả Việt Nam cho là của Nguyễn Du ghi lại mối tình của ông với một thiếu nữ hoàng tộc khi làm quan ở Huế: Tam sinh chung ái, Kiều Trang Khuyết, v.v… Thật ra là của Giang Vĩnh đời Thanh - một học giả uyên bác, miêu tả mối tình trong sáng với một nữ sinh - gây cảm hứng sáng tạo cho bài thơ; về sau chính nữ sinh đó chép lại thành giai thoại trong cuốn: Thi thoại loai biên2. Trong thông sử nước ta thời bị phương Bắc đô hộ cho đến thời phong kiến nhà Nguyễn sự trùng lặp, việc vay mượn lịch sử và giả sử, giữa văn chương hữu danh và truyện nôm khuyết danh, giữa văn nôm của các bậc hiền nhân và văn học dân gian, v.v… là một quy luật tất yếu của giao lưu văn hóa cưỡng chế. Nhiệm vụ hôm nay của các nhà văn hóa học, nghệ thuật học là đi tìm những giá trị thực, cái định thái và cái biến thái của một thời đại lịch sử.

3. Đi tìm một lôgích biện chứng trong phương pháp luận triết học văn hóa (hay còn gọi là triết học phát triển)

Theo quan điểm Mác-xít triết lý phát triển gồm nhiều nội dung, ở đây chỉ xin nêu ba: Mọi sự vật, mọi hiện tượng luôn luôn có mối liên hệ trong quá trình vận động, biến đổi; lôgích biện chứng đòi hỏi xem xét sự vật trong sự phát triển tự nhiên, xã hội, lịch sử, văn hóa; phủ định biện chứng là quy luật của phát triển không phải là phủ định sạch trơn, phủ định hoài nghi là khâu liên hệ của phát triển, duy trì các mặt khẳng định, không có một sự chiết trung. Phát triển là đấu tranh giữa các mặt đối lập, v.v… Bài viết ngắn này chỉ xin nêu hai hiện tượng học thuật trong dòng chảy triết học văn hóa: Phạm Văn Đồng - một trí tuệ uyên bác khi bàn về văn hóa và đổi mới3 đã viết: “Đổi mới phải bắt nguồn bắt rễ từ mảnh đất văn hóa theo nghĩa rộng nhất”. Như vậy, văn hóa là mục đích, còn các quy luật khác chỉ là phương tiện. Đường lối định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) theo kiểu dân tộc, cốt cách Việt Nam khó khăn biết nhường nào!? Ông đã đề xuất phương pháp biện chứng khi nhận định về cái được và cái còn phải phấn đấu trong sự nghiệp đổi mới: Phân tích và vận dụng thời cơ và nguy cơ… không có gì khác là nắm vững định hướng XHCN gắn liền với độc lập dân tộc: Đó là cái bất biến, còn vận dụng nguyên lý này như thế nào là tùy thế, tùy lực, ý Đảng, lòng Dân, cơ trời vận nước, v.v... Đó là cái vạn biến. Vận dụng quy luật sáng tạo nói trên, Phạm Văn Đồng đã có hai kiến giải và thành tựu lớn trong chỉ đạo thực hiện:

- Cố Thủ tướng là nhà lãnh đạo được dân tin yêu, biết trước tầm nhìn thời cuộc, biết phát hiện và trọng dụng nhân tài, biết nhân tài là gốc của chính sự, phải là người hữu đức, hữu tài, công tâm mới đủ sức thu phục người tài. Đến với giới văn hóa, văn nghệ, ông thường có những kiến giải mới gây ấn tượng: “Một thiên tài, một khả năng lớn mà mình không nhìn thấy, không phát hiện, không giúp đỡ thì rất có thể thiên tài đó cũng mai một. Ta cần phát triển tài năng trẻ. Đội ngũ của ta lớn mạnh là do lực lượng trẻ, mới, gắn bó với sự nghiệp cách mạng hơn ai hết”4. Ngay từ những năm 60 (thế kỷ XX) giữa lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ diễn ra ác liệt, thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đề xuất và chủ trì việc sáng lập lớp Đại học Hán - Nôm do các giáo sư nổi tiếng thời đó phụ trách và giảng dạy. Với trí tuệ trác việt, trong cuốn sách vừa nói, chương II Văn hóa trong lịch sử dân tộc, ông có một nhận định đầy chất minh triết: “Thời Bắc thuộc là thời kỳ đau buồn”, nhưng cũng là cơ hội không bị đồng hóa; thật là một ngoại lệ hiếm nhờ ý thức sâu sắc, kiên cường bất khuất bảo toàn giá trị văn hóa, lại biết dùng “sức mạnh mềm” để học chữ Hán, sách kinh điển của người Hán và những giá trị trong văn hóa Hán.

- Nói đến Phạm Văn Đồng (1906 - 2000) nhà văn hóa kiệt xuất, còn phải kể đến công trình đồ sộ Từ điển bách khoa Việt Nam do ông khởi xướng, quyết định thành lập Hội đồng chỉ đạo biên soạn quốc gia vừa là Chủ tịch danh dự vào năm 1987. Sau nhiều năm miệt mài lao động, Bộ Bách khoa tự điển lớn nhất gồm 4 tập, khoảng 4 vạn mục từ thuộc 40 chuyên ngành văn hóa, khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật, v.v… của Việt Nam và thế giới, được trên 1.200 nhà khoa học công phu khảo sát, sưu tầm, trình bày, giới thiệu bằng văn bản, minh họa bảng chỉ dẫn, v.v… Văn hóa thật sự soi sáng vào các lĩnh vực hoạt động kinh tế, làm nổi rõ những thành tựu do sự nghiệp Đổi mới đưa lại.

Vũ Ngọc Phan5 và một phương pháp phê bình duy lý - thực tiễn. Ông là nhà văn hóa lớn, thuộc thế hệ đầu tiên tham gia mặt trận dân chủ Đông Dương và Hội truyền bá quốc ngữ (1936 - 1939) với nhiều cương vị khác nhau thời kỳ tiền khởi nghĩa và Cách mạng tháng Tám, người được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1966). Nói nhà văn hóa lớn, là bởi trong khảo cứu, phê bình văn học, ông đã dựa trên phông văn hóa tổng quát rộng, với tri thức uyên bác về văn hóa dân tộc và văn hóa các nước. Tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc là động lực trong khảo cứu, phê bình của tác giả họ Phan. Vào 4 thập kỷ đầu của thế kỷ XX, trong hàng trăm tác giả với các quan điểm chính trị khác nhau, trường phái không giống nhau, v.v… ông biết lấy mẫu số chung của phương pháp nghiên cứu: duy lý và thực tiễn; Duy lý là ở chỗ, ông lấy tinh thần dân tộc làm gốc, lấy lăng kính văn hóa để chấn hưng và dự báo tương lai văn hóa Việt Nam có quan hệ đến tồn vong dân tộc, để đi tìm thực tiễn là đề cao vai trò chữ quốc ngữ, nền quốc văn, quốc học nước nhà. Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn họ Phan đưa lên hàng đầu Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898) là nhà văn hóa thời kỳ đầu chữ quốc ngữ. Công lao lớn nhất của họ Trương là việc cho xuất bản những sách bằng chữ quốc ngữ, phiên dịch sách chữ Nôm - cốt dùng những chuyện phổ thông làm cái lợi khí cho người học lan rộng trong dân gian” (I, 41). Nhà văn thứ hai trong nhóm Đông Dương tạp chí được Vũ Ngọc Phan đề cao làNguyễn Văn Vĩnh (1882 - 1936), người đã có công lớn đối với quốc văn, giữa lúc văn chương đối với số đông còn bỡ ngỡ, ông đã chủ trì một cơ quan văn học “tập họp những cây bút có tiếng, gây nên phong trào yêu nước, mến quốc văn trong đám thanh niên tri thức bấy giờ” (I, 63). Viết về Phạm Quỳnh (1892 - 1945) một nhà văn có thế giới quan phức tạp nhưng về triết học, văn hóa dân tộc, ông có những đóng góp không nhỏ, có học vấn uyên bác, là linh hồn của Tạp chí Nam Phong, tác giả của cuốn Tục ngữ ca dao xuất xứ là bài diễn thuyết tại Hôi tri trí (1921) là loại sách trước thuật, có trí thức cao, có phương pháp và nhận xét đúng đắn đã góp phần “xây đắp cho nền móng quốc văn được vững vàng… từ Bắc chí Nam, người thức giả đều lưu tâm đến…” (I, 333).

Viết về Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, nhà phê bình họ Vũ thường tìm những đối sánh trong lịch sử văn học Đông - Tây. Lưu là “thi sỹ đa tình và thơ mộng với Tiếng thu là lời ru buồn thảm, những lời réo rắt làm xao động tâm hồn người đọc. Ông liên tưởng ngay đến “bài Thanh thu phú mà người đời đã nghe và cảm thấy tiếng ấy từ ngàn xưa của Âu Dương Tu hay Bài hát thu về với những tiếng đàn thu não nùng của Verlaine” (I, 336). Đối với thơ Xuân Diệu, tác giả họ Vũ đánh giá công bằng hơn, đặt tập Thơ thơ trong bối cảnh xã hội mới, khi mà yêu đương và tuổi xuân của lớp trẻ cần được ru bằng giọng yêu đời, tin tưởng, chứ không cực đoan như một số nhà phê bình khác coi thơ Xuân Diệu là “Tây quá”, “ngây ngô quá”. Ông viết về nguồn hứng và ý tưởng mới của Xuân Diệu là vì “Thơ thơ là cả một bầu xuân, là bình chứa muôn hương của tuổi trẻ, phàn nàn về sự thiệt thòi trong yêu đương: “…Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu! Cho rất nhiều, nhưng nhận chẳng bao nhiêu”. Vũ Ngọc Phan không viết nhiều về Huy Cận - tác giả Lửa thiêng, chỉ có một nhận định: “Thơ Huy Cận thanh tao, trong sáng, nhưng kém về tha thiết, thành thật” (I, 716). Nhà phê bình nói sâu sắc về cuốn Kinh cầu tự (1942), lúc này nhà thơ mới 23 tuổi và ngăn ngừa tế nhị tâm lý cao ngạo răn dạy đời: “Huy Cận viết Kinh cầu tự với một lối văn ngập ngừng, bỡ ngỡ, như người mới tập viết văn xuôi, tư tưởng lại non nớt, vậy mà ông đã lo độc giả không hiểu được mình, đủ biết ở nước ta cái gì cũng nảy sinh quá sớm, nên chóng khô héo. Ở nước ngoài, quả lâu chín, nên vừa to, vừa ngọt; ở nước ta hoa quả phần nhiều bị rám nắng hơn là chín, nên vừa nhỏ, vừa chua” (I, 719). Viết đến đó, nhà phê bình nghĩ ngay tới Pascal viết tập Tư tưởng khi mới 40 tuổi, danh tiếng khắp nước Pháp và các nước lân bang, mà chưa thấy chỗ nào ông dám “lên mặt” dạy đời, khinh thị bạn đọc.

Văn hóa phê bình lịch duyệt là đặc điểm của Vũ Ngọc Phan. Việc khen - chê, đúng - sai, thành thực hay giả dối đều được “đặt lên bàn”, “đánh bài ngửa”, nhưng vẫn giữ được phong cách tranh biện trong sáng. Tranh luận là với mục tiêu tìm chân lý khoa học, vì sự phát triển quốc văn, quốc học, dấy lên phong khí luận học - tiền đề của tự do ngôn luận. Các phía liên quan tranh cãi thường ôn tồn, bình tĩnh nghe nhau, hiểu động cơ của nhau, gọi nhau bằng những đại từ nhân xưng lịch thiệp: tiên sinh, người, quân, công… Có lẽ vì vậy mà Vũ Ngọc Phan ít bị “đối thủ tấn công”, trái lại ông tranh thủ, thuyết phục có lý có tình những đối tượng mà mình khảo chứng, phê bình.

H.S.V

______________________

1 Dẫn theo GS. Nguyễn Thạch Giang, Lời quê chắp nhặt, tập III, Nxb Khoa học xã hội, 2008, tr. 65.

2 Sách đã dẫn xem thêm các trang: 62, 64, 367.

3 Văn hóa và đổi mới, Bộ Văn hóa - Thông tin xuất bản, Hà Nội, 1994.

4 Dẫn theo Về văn hóa - văn nghệ, Nxb Văn hóa, 1972, tr. 375.

5 Vũ Ngọc Phan tuyển tập, tập I, Nxb Văn học, Hà Nội, 2008, xem tr. 328, 340.

Hồ Sĩ Vịnh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 285 tháng 06/2018

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

16 Giờ trước

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

22 Giờ trước

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

26/04

25° - 27°

Mưa

27/04

24° - 26°

Mưa

28/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground