Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 17/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh nhìn từ dư luận quốc tế

Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh là một chiến dịch lớn, mang nhiều ý nghĩa và giá trị lịch sử trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Đất nước. Trải qua 50 năm (1968 - 2018), Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh vẫn luôn là vấn đề nóng hổi thu hút sự quan tâm, bàn luận của những người trực tiếp tham gia lẫn những nhà nghiên cứu và dư luận trong và ngoài nước. Những ý kiến đánh giá trái chiều với nhiều quan điểm, góc nhìn khác nhau, và nhiều sự thật dần dần được hé lộ. Ở đây, chúng tôi tập trung vào góc nhìn của những người tham chiến phía bên kia cũng như các học giả, nhà nghiên cứu nước ngoài, nhằm có cái nhìn đa chiều, toàn diện về một trong những chiến dịch lớn của lịch sử cách mạng Việt Nam.

Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh từ góc nhìn của những người tham chiến phía bên kia

Trong và sau chiến dịch, các tướng lĩnh và những người lính Mỹ trực tiếp tham gia cuộc chiến với nhiều vai trò khác nhau đã có các góc nhìn đa dạng về chiến dịch “đáng nguyền rủa” này, như cách gọi của Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson. Ở từng cương vị, trên những quan điểm, lập trường khác nhau, các ý kiến đánh giá cũng không giống nhau. Đáng chú ý nhất là nhận định của tướng William C. Westmoreland, Tổng Chỉ huy quân viễn chinh Mỹ ở miền Nam Việt Nam những năm 1965 - 1968. Trong cuộc trả lời phỏng vấn năm 1988, tức 20 năm sau sự kiện Đường 9 - Khe Sanh, vị chỉ huy này đã trình bày những quyết sách, chiến lược quan trọng của mình trong thời gian ông nắm giữ cương vị Tổng Chỉ huy. Theo đó, ông “lấy làm tự hào nhất về quyết định giữ Khe Sanh”, góp phần “phá tan ý đồ của Hà Nội” muốn chiếm hai tỉnh phía bắc Nam Việt Nam để lập ra chính phủ lâm thời. Trên cương vị Tổng Chỉ huy quân viễn chinh Mỹ, William C. Westmoreland đã không thừa nhận sự thất bại của quân Mỹ ở Khe Sanh, buộc dư luận ngầm hiểu người Mỹ đã chiến thắng. Phát biểu trước báo giới là vậy, nhưng trong cuốn hồi ký xuất bản năm 1976 - A Soldier reports (Tường trình của một quân nhân, Nxb. Trẻ, 1988), ông đã phải chua chát đối diện với sự thật: “Lịch sử rất có thể đánh giá rằng việc nhảy vào Việt Nam là một trong những sai lầm lớn nhất của đất nước Mỹ” tr.158.

Ray W. Stubbe, vị cha tuyên úy của đoàn quân viễn chinh Mỹ ở Khe Sanh từ cuối năm 1967 đến khi Mỹ rút khỏi Khe Sanh ngày 26/6/1968, đã ghi lại chi tiết tình hình chiến sự nơi đây trong cuốn sổ cá nhân của mình. Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, ông đã đi tìm và phỏng vấn nhiều lính Mỹ đã từng tham chiến ở mặt trận Đường 9 - Khe Sanh năm 1968. Những ghi chép thực tế của ông cùng với các phân tích, nhận định của Tiến sĩ sử học John Prados, Giám đốc các dự án tư liệu Việt Nam và tình báo thuộc Trung tâm Lưu trữ An Ninh quốc gia Mỹ được công bố năm 1991 tại New York trong công trình Valley of Decision - The Siege of Khe Sanh (Thung lũng quyết định - Cuộc bao vây ở Khe Sanh). Công trình này đã phục dựng khá chi tiết diễn biến chiến dịch, kế hoạch đối phó của quân đội Mỹ ở Khe Sanh. Do cái nhìn chủ quan, một chiều từ phía bên kia chiến tuyến, tác phẩm chưa đề cập đến tình hình lực lượng, kế hoạch tác chiến, chủ trương tấn công của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam; lấp liếm, che giấu những tổn thất của quân đội Mỹ; kéo theo nhận định phiến diện khi cho rằng quân đội Bắc Việt Nam bị thất bại nặng nề trong chiến dịch này.

Cũng đứng trên quan điểm của người chỉ huy, tướng Davidson, người phụ trách tình báo trong Bộ Chỉ huy Viện trợ quân sự Mỹ (gọi tắt MASV) đã phủ nhận chiến lược “nghi binh” của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trong Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh. Ông cho đó là điều phi lí khi nhận định: “Các nhà bình luận nghiệp dư quả quyết rằng tiến công Khe Sanh nhằm đánh lạc hướng các lực lượng của Mỹ khỏi các cuộc tiến công vào thành phố Nam Việt Nam. Điều này rõ ràng là chẳng có ý nghĩa nào cả. Chẳng có một ông tướng nào lại sử dụng 2 hoặc 3 sư đoàn (32.000 - 40.000 người) để đánh lạc hướng một trung đoàn lính thuỷ đánh bộ (khoảng 4.000 người)”. Tuy nhiên, những viện dẫn và phân tích của vị tướng phụ trách tình báo dưới thời Tổng thống Lyndon B. Johnson này đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của giới học giả Mỹ, thậm chí ngay trong nội bộ lãnh đạo quân đội Mỹ, cụ thể là H. Kissinger, Cố vấn An ninh Quốc gia dưới chính quyền Tổng thống R. Nixon, sau này là Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ dưới chính quyền Tổng thống G. Ford. Thẳng thắn, quyết liệt khi nhìn vào Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, vị học giả và chính khách thực dụng này đã khẳng định tướng William C. Westmoreland đã bị “đánh lừa” để đưa lực lượng lên vùng rừng núi, mở toang cánh cửa để Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đưa quân vào đánh chiếm các đô thị miền Nam Việt Nam: “Hà Nội đã “chơi trò đấu bò”, lừa con bò tót Mỹ hung dữ ra vòng ngoài rồi dùng lực lượng quân sự của họ bất thần đánh ập vào toàn bộ các đô thị phía trong là nơi Mỹ sơ hở, làm cho bộ chỉ huy Mỹ không kịp trở tay”.

Những nhận định trên hoàn toàn có cơ sở khi Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson qua những Báo cáo của các Tư lệnh chiến trường liên quan đến cuộc chiến tranh Việt Nam và Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, trong hồi ký của mình có tênThe vantage of point (Lợi thế) xuất bản năm 1972 cho biết: “Chúng ta cho là bất kỳ hoạt động tiến công phối hợp nào cũng sẽ bao gồm cố gắng lớn để san bằng Khe Sanh; cố gắng ấy đã không thực hiện được vì các hoạt động ném bom của chúng ta”. Tổng thống - Tổng Tư lệnh quân đội Mỹ đã phải cay đắng thú nhận: “Sau nhiều năm gay cấn vì cuộc chiến tranh ở Việt Nam, cho đến năm 1968, tôi thật sự không tin rằng mình có thể sống sót nếu ở lại Nhà trắng thêm một nhiệm kỳ nữa.”

Rõ ràng Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh và sau đó là Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã giáng một đòn cực mạnh vào tham vọng của Lyndon B. Johnson buộc ông phải đưa ra những quyết định khó khăn nhất trong sự nghiệp chính trị của mình: ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam, xuống thang chiến tranh, chấp nhận đàm phán với đối phương... và cuối cùng không ra ứng cử tổng thống nhiệm kỳ 2. Và chính tổng công trình sư hàng rào điện tử ở Đường 9 - Khe Sanh McNamara trong hồi ký ra mắt tháng 4/1975 - In Retrospect: The Tragedy and Lessons of Vietnam (Nhìn lại quá khứ: Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, 1995) sau khi phân tích 11 nguyên nhân gây ra thảm bại nặng nề cho nước Mỹ trong cuộc chiến ở Việt Nam đã công khai thừa nhận: “Chúng tôi đã sai lầm, sai lầm khủng khiếp” tr.316. Có thể nói đây là lời thú nhận thất bại cay đắng chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ, phần nào đã hé lộ kết quả Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh dù người Mỹ đã cố che giấu, lấp liếm nhưng không thể không đối diện với sự thật ấy.

Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh từ góc nhìn của các học giả, nhà nghiên cứu quốc tế

Bên cạnh những ý kiến, quan điểm của các tướng lĩnh trực tiếp tham dự vào Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, 50 năm qua, kết quả, giá trị và bài học kinh nghiệm từ chiến dịch ấy đã được nhiều học giả, nhà nghiên cứu đem ra mổ xẻ, phân tích từ nhiều góc nhìn.

John Prados sử dụng các tài liệu mật ghi lại nhiều cuộc nói chuyện của tướng Westmoreland với những người cấp dưới, đặc biệt là những cuộc điện đài bí mật với tưởng Early Wheeler, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ. Những tài liệu này đều có nội dung bàn về sự đối phó của Bộ Chỉ huy Viện trợ quân sự Mỹ (gọi tắt MACV) cũng như của giới lãnh đạo chính quyền ở thủ đô Washington về tình hình chiến sự ở Khe Sanh. Có thể nói công trình này đã cung cấp những tư liệu phong phú phản ánh tình hình chiến sự cũng như những kế sách đối phó của chính quyền Mỹ ở Khe Sanh; tuy nhiên với cái nhìn một chiều, phiến diện, cuốn sách đã để lại nhiều nghi ngờ về tình hình tổn thất lực lượng thực tế của quân đội Mỹ, dẫn đến nhiều người đọc tin rằng quân đội Mỹ đã chiến thắng và quân đội miền Bắc Việt Nam thất bại ở chiến trường Khe Sanh.

Trái ngược với những phân tích và kết luận của John Prados và Ray W. Stubbe, nhiều học giả, nhà nghiên cứu, nhà báo, những người vừa theo sát tình hình chiến sự ở Khe Sanh vừa chứng kiến các biến động ghê gớm trong đời sống chính trị của Mỹ trước, trong và sau chiến dịch, đã có những nhận định khác biệt. Michael Maclear trong cuốn sách xuất bản năm 1981 - Vietnam: The ten thousand day war (Việt Nam: Cuộc chiến tranh mười nghìn ngày, Nxb. Sự thật, 1990), qua việc theo dõi, phân tích về chiến sự ở Đường 9 - Khe Sanh và cuộc tiến công bất ngờ của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam vào dịp Tết Mậu Thân năm 1968 đã nhận định: “Nhưng rồi các trận đánh trong Tết Mậu Thân làm người ta có cảm tưởng rằng Khe Sanh có vẻ như là cuộc bao vây để đấy mà thôi. Nếu vậy thì Bắc Việt là bậc thầy trong việc nghi binh”. Từ những sự kiện xảy ra vào năm 1968 đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975, ông đã khẳng định một trong những nguyên nhân tạo nên sức mạnh vô địch của nhân dân Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng, đó là: “Lịch sử phải đánh giá họ cao nhất về sức chiến đấu ngoan cường và dũng cảm của con người” tr.231.

Nhà báo Neil Sheehan, cây bút sắc sảo của tờ The New York Time chuyên viết về các vấn đề chính trị, quân sự, ngoại giao, trong một loạt bài viết bắt đầu từ năm 1966 và tác phẩm phi hư cấu của mình (A Bright Sining Lie: John Paul Vann and America in Vietnam (Lời nói dối rực rỡ: John Paul Vann và Mỹ ở Việt Nam), 1986) đã tiết lộ những bí mật quân sự và nhiều sự thật về chiến tranh Việt Nam. Đặc biệt trong đánh giá về Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, ông đồng quan điểm với nhà báo, đạo diễn Michael Maclear khi nhận định đây chỉ là chiến thuật “nghi binh” của quân đội miền Bắc Việt Nam, và Mỹ đã rơi vào “cái bẫy” dẫn đến sự thất bại không tránh khỏi: “Khe Sanh là mồi lừa lớn nhất trong cuộc chiến tranh này. Những người Cộng sản Việt Nam không hề có ý định làm một Điện Biên Phủ thứ hai ở đấy. Mục đích của họ là Westmoreland chứ không phải là pháo đài bị bao vây. Chỗ ấy chỉ là một cái bẫy làm viên tướng Tổng Chỉ huy không ngờ đến mục đích thật sự. Những người có trách nhiệm ở Hà Nội biết rất rõ không thể lặp lại với người Mỹ điều mà họ làm có kết quả với người Pháp”.

Sự bối rối trong phán đoán dẫn tới sai lầm trong hành động của tướng William C. Westmoreland và cuối cùng là sự phá sản âm mưu ngăn chặn bước tiến của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh của quân đội Mỹ một lần nữa được Giáo sư sử học Gabriel Kolko trong cuốn sách xuất bản năm 1985 - Anatomy of a War (Giải phẫu một Cuộc chiến tranh, Nxb. Quân đội nhân dân, 2003) khẳng định: “Sự kiện ở Khe Sanh cũng làm cho Westmoreland tin rằng một cuộc tiến công sẽ được thực hiện ở các tỉnh phía Bắc. Vào cuối tháng 2, với một nửa các tiểu đoàn cơ động tập trung vào vùng chiến thuật, Westmoreland đã rơi vào một cái bẫy rõ rệt”.

Như vậy Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh trong sự phân tích, đánh giá của nhiều học giả, nhà nghiên cứu, nhà báo trên thế giới là một sự kiện lịch sử quan trọng, thể hiện sự thắng lợi của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trong chiến thuật “nghi binh”, “giăng bẫy”, làm “lạc hướng” đối phương nhằm đem lại những kết quả có lợi trên mặt trận quân sự lẫn ngoại giao; đồng thời chứng minh sự thất bại cay đắng của quân đội Mỹ với mưu đồ “ngăn chặn”, “cắt đứt”, hòng “tiêu diệt” lực lượng quân đội miền Bắc Việt Nam trong hành trình tiến vào giải phóng miền Nam Việt Nam.

50 năm trôi qua, đây là lúc chúng ta khẳng định ý nghĩa, giá trị và tầm vóc của sự kiện này trong lịch sử cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất Đất nước; đồng thời đấu tranh phê phán mọi luận điệu xuyên tạc về chiến thắng vĩ đại này với những thiên kiến lệch lạc, những ác ý thâm độc của các thế lực thù địch, và cả những mơ hồ, ngộ nhận trong sự nhìn nhận, đánh giá lịch sử thiếu khách quan, cụ thể, toàn diện. Nhiều nhà lãnh đạo, chính khách, tướng lĩnh, học giả vẫn cố tình che giấu, lấp liếm sự thật, đưa ra nhiều lý lẽ biện minh cho âm mưu, thủ đoạn đen tối trong Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh nói riêng và cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam nói chung. Thế nhưng vẫn còn đó những ý kiến, nhận định khách quan, trung thực của các học giả, nhà nghiên cứu, nhà báo nhằm có cái nhìn, sự đánh giá đa chiều, đúng đắn về Chiến dịch cùng ý nghĩa và giá trị lịch sử của nó. Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh một lần nữa khẳng định ý chí quật cường, sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc, với nghệ thuật tổ chức và lãnh đạo nhân dân tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam; ghi dấu son chói lọi trong lịch sử cách mạng Việt Nam.

N.V.H

Nguyễn Văn Hùng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 286 tháng 07/2018

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

18/04

25° - 27°

Mưa

19/04

24° - 26°

Mưa

20/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground