Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đọc "Nhớ và quên" của Nguyễn Hữu Thắng

Tập thơ “Nhớ và quên” của Nguyễn Hữu Thắng (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2018) với gần 100 bài thơ được tuyển chọn, trong suốt mấy chục năm làm thơ, mới biết Nguyễn Hữu Thắng thận trọng và khiêm tốn biết chừng nào. Nguyễn Hữu Thắng còn có bút danh khác là Nguyễn Hoài Chung. Thời sáp nhập Bình Trị Thiên, tôi đã đọc thơ anh đăng rải rác trên báo Dân, tập san Văn hóa Bình Trị Thiên và tạp chí Văn nghệ Bình Trị Thiên. Thơ anh hiền lành, dung dị, sâu lắng. Nguyễn Hữu Thắng sử dụng nhiều thể thơ: tự do, ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn… nhưng lục bát có thể xem là sở trường của anh. Ở bài viết này, tôi chỉ ghi lại vài cảm nhận ban đầu khi đọc một số bài thơ lục bát trong “Nhớ và quên”.

Ai cũng thừa nhận lục bát là một thể thơ dễ làm nhưng khó hay. Có người còn cả quyết: Anh hãy đọc cho tôi nghe một bài lục bát của anh, tôi sẽ nói chính xác anh có làm được thơ hay không. Kể từ khi ra đời đến nay, ở xứ ta thời nào cũng xuất hiện những tay lục bát cự phách. Có thể kể đến Nguyễn Du, Tản Đà, Tố Hữu, Nguyễn Bính… Sau này nổi lên một vài tên tuổi như Nguyễn Duy, Lê Đình Cánh, Đồng Đức Bốn… Trong đời làm thơ có được một vài câu lục bát được người đời truyền tụng là hạnh phúc lắm rồi. Lục bát Nguyễn Hữu Thắng tuy không gây ấn tượng mạnh như thơ lục bát của những nhà thơ tên tuổi nhưng có những bài, những đoạn, những câu để lại dấu ấn khó quên trong lòng người đọc. Có lẽ Nguyễn Hữu Thắng được nuôi dưỡng thơ lục bát từ những lời ru ngọt ngào của mẹ thuở đang nằm nôi: Lời ru có tự bao giờMà như dòng nước vỗ bờ sông êmMà như là cánh tay mềmMẹ làm chiếc gối những đêm con nằmDịu êm như ánh trăng rằmĐi qua bao tháng, bao năm… mãi còn (Lời ru). Lục bát với Nguyễn Hữu Thắng là cái cầu nối bắc qua dòng sông tình cảm. Trong “Nhớ và quên”, tác giả dành phần lớn thể lục bát để viết về tình yêu nam nữ. Người đời khi yêu thường giấu trong lòng, còn nhà thơ thì thật thà khai báo:

Người xa sao cứ hững hờ

Để tôi thao thức đôi bờ nhớ mong

Sông xưa nay vẫn là sông

Bến xưa vẫn bến mà không thấy người

Bập bềnh những cánh bèo trôi

Tiếng chim tu hú xa xôi vọng về...

(Ngày xưa)

Cái hay nằm trong hình ảnh “Bến xưa vẫn bến mà không thấy người”. Có thể hiểu: anh đã chờ, đã đợi em bao năm nay mà em vẫn bặt vô âm tín. Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi như những cánh bèo kia. Lòng anh khắc khoải như tiếng chim tu hú nọ. Lời trách rất đỗi nhẹ nhàng nhưng trái tim thì đang quặn nhói. Cả đoạn thơ nặng trĩu ưu tư, chẳng khác nào cảnh chàng Kim trở về vườn Thúy. Phải yêu đến mức nào, Nguyễn Hữu Thắng mới viết được những câu thơ chứa đầy tâm trạng như thế. Và cũng phải yêu đến mức nào thì anh mới không quên được những kỷ niệm của tuổi mộng mơ:

Cái thời con mắt liếc ngang

Rơm che hai đứa... vội vàng nụ hôn

Tóc em thoang thoảng mùi rơm

Bờ vai run rẩy cũng thơm lúa vàng

(Rơm vàng)

“Bờ vai run rẩy cũng thơm lúa vàng” là một câu thơ hay. Ở câu thơ này, tác giả đã sử dụng mối tương giao giữa thị giác (cái nhìn thấy) và khứu giác (ngửi thấy). Mùi rơm vàng đã giúp cho tình yêu của đôi trai gái thêm phần ý vị, chẳng kém gì mùi hương hoa bưởi trong bài “Hương thầm” của Phan Thị Thanh Nhàn. Nhưng tình yêu và hôn nhân không phải bao giờ cũng trùng khít. Biết bao nhiêu lứa đôi yêu nhau mà không lấy được nhau. Nguyễn Hữu Thắng có lẽ cũng từng rơi vào trường hợp tương tự, hoặc đã từng chứng kiến những trường hợp tương tư. Trong bài “Bất chợt”, anh than thở:

Câu thơ bất chợt xuống dòng

Và em bất chợt lặng không nói gì

Thế rồi bất chợt vu quy

Cuộc chơi bỏ dở em đi lấy chồng

Trong ba lần “bất chợt” lần bất chợt thứ ba bất ngờ hơn cả. Sự việc diễn ra quá nhanh khiến cho người con trai sững sờ. Lẽ ra, phải thêm một lần “bất chợt” của “tôi” ở câu thứ tư mới đúng. “Bất chợt vu quy” nghĩa là em đi lấy chồng rồi, lặp lại là hơi thừa. Nhưng đâu chỉ có những người con trai thất tình, các cô gái cũng có người lâm vào hoàn cảnh đó. Hồ Xuân Hương đã bao đêm “trơ cái hồng nhan với nước non” chờ đợi. Đây là hình ảnh người con gái trong bài “Hiếu Giang ngày ấy” của Nguyễn Hữu Thắng:

Cồn Soi bóng nước lặng in

Dáng em đêm vắng một mình đợi tôi

Chuyến tàu qua đã lâu rồi

Con thuyền khuya đã về nơi cuối dòng…

Khoảng lặng cuối đoạn thơ gợi cho “tôi” bao điều suy nghĩ về cái đêm anh trót lỡ hẹn với nàng. Thi sĩ xưa nay vốn thế. Họ thường vụng về, khờ dại, ngu ngơ trong cuộc sống thường nhật:

Đa tình đổi lấy ngu ngơ

Khôn ngoan đổi lấy dại khờ vì yêu

(Bạn thơ)

Xuân Diệu trước đây cũng từng thú nhận: “Tôi khờ khạo quá, ngu ngơ quá/ Chỉ biết yêu thôi chẳng biết gì”.

Những câu thơ lục bát của Nguyễn Hữu Thắng viết về tình yêu thấm đẫm chất ca dao, chân thành và đằm thắm. Tình yêu của anh thường gắn với quê hương Quảng Trị, với Cồn Soi, với Hiếu Giang, với Hiền Lương:

Một thời quặn thắt nỗi đau

Một thời đằng đẵng hai đầu nhớ mong

Một thời máu đỏ dòng sông

Một thời bến đợi mà không có thuyền

(Hiền Lương)

Trong “Nhớ và quên” không chỉ có thơ lục bát, những bài thơ làm theo thể ngũ ngôn, lục ngôn, tự do đều có bài hay, đoạn hay, câu hay. Chẳng hạn như đoạn thơ anh viết về làng quê của mình:

Tôi xa quê đã năm chục năm rồi

Xuôi ngược khắp trong Nam ngoài Bắc

Đêm tỉnh giấc trái tim mình thầm nhắc

Một mảnh làng - nơi tôi đã sinh ra…

(Làng tôi)

Hoặc những câu thơ anh viết tặng vợ:

Thơ cho em anh nghĩ đã từ lâu

Nhưng chẳng nên một bài nào cả

Câu thơ ngắn, ngôn từ chật chội quá

Bao ân tình biết gửi vào đâu

 

Anh sẽ mang theo đến tuổi bạc đầu

Một ý thơ suốt đời sâu nặng

Lấy rộng dài của tình yêu năm tháng

Làm bài thơ bé nhỏ tặng riêng em.

(Thơ tặng vợ yêu)

Thơ viết “nịnh vợ” như thế nào có thua gì Trần Tế Xương. Vợ anh đọc chắc cũng hả lòng, hả dạ mà bỏ qua cho thi sĩ “những phút xao lòng”.

Tuy nhiên, “Nhớ và quên” vẫn còn đôi câu, đôi đoạn hơi thật thà. Điều đó cũng là chuyện bình thường. Cái mà tôi quý nhất ở Nguyễn Hữu Thắng chính là niềm say mê và chung thủy với thi ca. Nếu giữ được niềm đam mê ấy, tôi tin là anh vẫn còn tiếp tục có thêm những bài thơ, đoạn thơ, câu thơ hay.

M.V.H

Mai Văn Hoan
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 290 tháng 11/2018

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

9 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

9 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

9 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

9 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

31/03

25° - 27°

Mưa

01/04

24° - 26°

Mưa

02/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground