Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mùa xuân và câu chuyện sinh thái trong văn học Việt Nam

T

ừ văn học dân gian đến văn học thành văn, từ văn học cổ điển đến văn học hiện đại, mùa xuân trở thành nguồn cảm hứng bất tận trong những sáng tạo nghệ thuật. Mùa xuân của đất trời, mùa xuân của lòng người cùng hòa nhịp trong niềm hân hoan bất tuyệt, mê say để người nghệ sĩ thăng hoa thành những trang tuyệt bút. Mùa xuân mang biểu tượng của tình yêu, tuổi trẻ, khát vọng; của sự khởi đầu, đổi mới, tương lai. Song, những năm gần đây, với nhiều vấn đề mới nảy sinh trong đời sống đương đại, mùa xuân trong văn học được kết nối, mở rộng, không chỉ dừng lại ở cảm quan thiên nhiên gắn với cảm xúc về vũ trụ, nhân sinh, thế sự, mà còn chạm đến nhiều vấn đề có tầm phổ quát của nhân loại về sinh thái, môi trường, nhân tính.

Mùa xuân và cảm quan thiên nhiên

Mùa xuân trong văn học cổ vừa mang vẻ đẹp tươi vui, nồng ấm của đất trời, vừa gắn với cảm xúc, suy tư của con người trước thiên nhiên, nhân sinh, thế sự. Không khó để hái trong vườn văn Việt những áng thơ tuyệt vời về mùa xuân: “Chim hót véo von liễu nở đầy / Thềm hoa chiều ảnh bóng mây bay” (Cảnh mùa xuân - Trần Nhân Tông), “Cỏ xanh như khói bến xuân tươi / Lại có mưa xuân nước vỗ trời” (Cuối xuân tức sự - Nguyễn Trãi), “Cỏ non xanh rợn chân trời / Cành lê trắng điểm một vài bông hoa” (Truyện Kiều - Nguyễn Du).

Không chỉ miêu tả thời khắc đất trời vào xuân, người nghệ sĩ còn gửi gắm vào mùa xuân nhiều tâm sự làm thành cảm thức “tỏ lòng” rất đặc trưng của thơ văn cổ. Mùa xuân lúc này gắn với những ưu tư về thời gian, sinh mệnh trong vòng tuần hoàn của vũ trụ; những trăn trở về thời thế, nhân sinh giữa cái bộn bề, chuyển dời của cuộc sống. Nhắc đến mùa xuân, không ai không nhớ đến cành mai của Mãn Giác Thiền sư trong Cáo tật thị chúng. Sự sống là một vòng luân hồi của tự nhiên (xuân qua, xuân tới), của con người (sinh, lão, bệnh, tử). Khi con người giác ngộ đạo, nghĩa là thấu hiểu quy luật vận động của vạn vật, không sinh, không diệt, thì sẽ có sức mạnh nội tại lớn lao, vượt lên trên lẽ hóa sinh thông thường, như cành mai bất chấp xuân tàn, giữa tuyết sương giá lạnh, vẫn nở hoa: “Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết / Đêm qua, sân trước, một cành mai”. Còn với Nguyễn Khuyến và Tú Xương, mùa xuân và ngày Tết bên cạnh niềm hân hoan, rạo rực là nỗi ưu tư, khắc khoải của kẻ sĩ trước sự thay đổi mau lẹ của thời cuộc và lòng người.

Với Thơ Mới (1932 - 1945), mùa xuân trở thành một trong những thi đề được quan tâm nhiều nhất. Bên cạnh những bức tranh tuyệt đẹp về cảnh xuân, sắc xuân, ý xuân trong thơ Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, Nguyễn Bính, là nỗi ám ảnh về thời gian - khoảnh khắc trôi đi và không bao giờ trở lại. Những bức tranh xuân nhuốm vào nỗi niềm bâng khuâng khó tả, thoát biến thành tâm cảnh: sự ngắn ngủi kiếp người trong Vội vàng của Xuân Diệu, về sự mong manh tình yêu trong Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử, về sự mai một các giá trị xưa cũ trong Ông đồ của Vũ Đình Liên.

Không còn nỗi buồn man mác, sầu tư của thi ca lãng mạn, mùa xuân trong văn học cách mạng mang biểu tượng cho tương lai tươi sáng, khởi đầu cho vận hội mới của dân tộc. Trong thơ Tố Hữu, Mùa xuân không chỉ là sự đợi chờ, khát khao những điều tốt đẹp: “Lâu rồi, khao khát lắm, xuân ơi” (Xuân nhân loại); lời hứa hẹn, khẳng định về một cuộc sống mới cho những mảnh đời bất hạnh: “Ngày mai gió mới ngàn phương / Sẽ đưa cô tới một vườn đầy xuân” (Tiếng hát sông Hương), mà còn là niềm tin, ý chí mãnh liệt của con người trong thời đại mới: “Thêm một ngày xuân đến. Bình minh” (Bài ca mùa xuân 61), “Ta quyết thắng. Giành mùa xuân đẹp nhất!” (Bài ca xuân 68).

Có thể nói, dù cảnh sắc, cảm xúc là khác biệt, song trong văn học giai đoạn trước, mùa xuân gắn với lòng người, tình đời. Con người chọn mùa xuân làm điểm tựa để trình hiện tâm hồn, khát vọng và ưu tư của mình về vũ trụ, nhân sinh.

Mùa xuân và tinh thần sinh thái

Không phải ngẫu nhiên, nhà động vật học, nhà nghiên cứu sinh vật biển người Mỹ Rachel Carson lại dùng mùa xuân làm biểu tượng cho nhan đề tác phẩm khởi xướng cho phong trào bảo vệ môi trường trên toàn thế giới. Mùa xuân vắng lặng (Silent Spring, 1962) lấy cảm hứng từ bài thơ của John Keats - Người đẹp tàn nhẫn (La Belle Dame sans Merci), trong đó có hai câu được dùng làm đề từ: “Để cây bên hồ chỉ còn lá rụng / Và chẳng còn nghe tiếng hót của chim”. Slient Spring là một ẩn dụ cho thấy đằng sau sự vắng lặng của tiếng chim hót là viễn cảnh ảm đạm của sự sống và thiên nhiên trên trái đất.1

Trong tác phẩm của mình, R. Carson đã phân tích, chứng minh sức tác động ghê gớm của việc sử dụng bừa bãi thuốc trừ sâu lên môi trường sống muôn loài. Không chỉ ảnh hưởng đến thế giới sinh vật tự nhiên và vật nuôi - những mắt xích quan trọng cho sự tồn tại, vận hành lành mạnh của toàn bộ hệ sinh thái, qua những kết quả nghiên cứu, bà còn cho thấy sức tàn phá đáng sợ của các loại hóa chất lên cơ thể con người. Tác phẩm của bà buộc con người phải đối mặt với những hệ quả do chính mình gây ra, kêu gọi thay đổi cách đối xử của con người với môi trường tự nhiên để duy trì sự sống cho muôn loài, trong đó có chính mình. Mùa xuân sẽ thiếu tiếng chim hót, cây cối sẽ trơ trụi lá, không đâm chồi nảy lộc, và sự sống có nguy cơ bị hủy diệt nếu như con người không hành động.

Việt Nam là một trong những đất nước đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của sự mất cân bằng sinh thái. Chiến tranh đã qua đi, nó không chỉ để lại những nỗi đau về thể xác, tinh thần cho con người, mà còn gây ra những tổn thương nghiêm trọng về môi trường. Những cánh rừng bị tàn phá, những dòng sông bị nhiễm độc, những vùng đất đầy nguy cơ chết chóc, và còn đó di chứng da cam đang bào mòn giống nòi nhiều thế hệ. Không chỉ vấn đề sinh thái hậu chiến tranh, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc tăng trưởng “nóng” bằng mọi cách thức, mọi phương tiện đã tác động khủng khiếp đến môi trường sinh thái. Cái giá của sự phát triển là tiếng kêu cứu của muôn loài, sự biến mất của nhiều cánh rừng, cùng những hệ lụy mà chúng ta đang và sẽ phải đương đầu, gánh chịu. Toàn cầu hóa, khủng hoảng môi trường, nguy cơ sinh thái, biến đổi khí hậu... sẽ trở thành chủ đề của văn chương nhân loại, trong đó có Việt Nam tập trung trong nhiều năm tiếp theo.

Đứng trước thực trạng như vậy, với tư cách là tiếng nói của lương tri, đạo đức, các nhà văn Việt Nam cũng cần thể hiện bổn phận, trách nhiệm trên những trang viết của mình. Vẫn là hình tượng mùa xuân, nhưng không còn tươi đẹp, rạng ngời được con người thưởng ngoạn, giao cảm, tỏ lòng như trong các tác phẩm giai đoạn trước, mà lúc này mùa xuân đang phải chịu nhiều tổn thương trước những hành động tàn phá, hủy diệt của con người. Trong Miền hoang tưởng (Nguyễn Xuân Khánh) và Muối của rừng (Nguyễn Huy Thiệp), mùa xuân là nơi chứng kiến cách con người ứng xử tàn bạo với thế giới xung quanh. Vùng núi Tây Bắc với khung cảnh hoa ban nở trắng trời đã không còn đẹp đẽ, yên ả sau khi đội trưởng Mai bắn chết gia đình nhà vượn (Miền hoang tưởng). Hành động diễn ra trong thời khắc mùa xuân, khi muôn loài sinh sôi nảy nở; và thời điểm buổi sáng, lúc loài vật bừng tỉnh sau đêm dài âm u, nhiều cạm bẫy của rừng đêm. Tội ác càng tăng thêm khi đối tượng mà Mai nhắm bắn đầu tiên là chú vượn con, vi phạm nguyên tắc của người đi săn - không bao giờ giết những con thú non. Hình ảnh “Con vượn nhỏ rơi từ cây hoa ban sau nhà xuống đất... Trông như đứa trẻ con nằm chết” sau phát súng lạnh lùng của Mai trở thành biểu tượng ám ảnh cho sự xâm hại của con người với thế giới tự nhiên. Để rồi, sau nhiều đêm mất ngủ, trằn trọc, sợ hãi bởi tiếng kêu gào, than khóc của bầy khỉ, Mai mắc chứng bệnh cười và trở nên điên dại. Phải chăng đó là sự trả thù của thiên nhiên, chính Mai phải gánh lấy hậu quả do mình gây ra.

Mai đã phải trả giá cho cách hành xử tàn nhẫn của mình, còn với ông Diễu (Muối của rừng), vào rừng và ra khỏi rừng thật sự là hành trình thức nhận về sức mạnh của thiên nhiên, và tìm về bản thể tự nhiên của con người. Vẫn khung cảnh mùa xuân, ông Diễu xách súng vào rừng đi săn, mục tiêu của ông là sơn dương hoặc con khỉ đầu đàn để thị uy sức mạnh của con người và văn minh hiện đại. Ông giương súng bắn con khỉ đực, và sau đó là cuộc đấu của ông với khỉ cái và khỉ con để giành được chiến lợi phẩm của mình. Tưởng chừng đơn giản, song ông vấp phải sự kháng cự quyết liệt của khỉ cái và khỉ con. Cũng từ đây ông “ngộ” ra nhiều điều. Té ra loài vật sống có tình thương, trách nhiệm hơn vạn lần con người trong thế giới văn minh của ông. Và cũng ngạc nhiên thay, những điều mà trong xã hội hiện đại quá khan hiếm như thủy chung, niềm tin, trách nhiệm, ở nơi đây, trong thế giới ông luôn cho là mông muội, dã man, phi nhân lại luôn dư thừa, như là bản tính cố hữu của muôn loài, ắt hẳn con người với tư cách là một phần của nó đã từng có, nhưng lại đánh mất trong chính lối sống thực dụng, lòng tham, ích kỉ... Ông đã thất bại trong cuộc săn, nhưng bài học ông nhận được lại vô giá. Khi chứng kiến những khóm hoa tử huyền ba chục năm mới nở một lần, cũng là lúc ông nhận ra giá trị của thiên nhiên như một điềm báo cho sự bình yên, sung túc nếu như con người biết trân trọng, nâng niu nó.

Câu chuyện sinh thái trong văn chương Việt đương đại

Có thể nói, tinh thần sinh thái đã xuất hiện trong văn học Việt Nam từ những năm đầu của thế kỉ XX, thậm chí đã manh nha trước đó trong những vần thơ của Tú Xương. Hình ảnh “Sông kia rày đã nên đồng / Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai” (Sông lấp) hay “Phố phường chật hẹp người đông đúc / Bồng bế nhau lên nó ở non” (Năm mới chúc nhau) không chỉ gợi nỗi niềm da diết về những kí ức xa xưa, sự ngỡ ngàng về những đổi thay của cảnh vật mà còn cho thấy sức tác động mạnh mẽ của đời sống đô thị với cuộc sống con người. Cảm thức này trở nên đậm nét hơn khi quá trình đô thị hóa và sự xâm lấn của văn mình ngày càng rõ nét trong đời sống văn học những năm đầu thế kỉ XX, đặc biệt là Thơ Mới (1932 - 1945). Thơ của Nguyễn Bính, Vũ Đình Liên, Nguyễn Nhược Pháp, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Hàn Mặc Tử... mang những cảm quan mới mẻ gắn con người với thiên nhiên và cuộc sống đô thị: cảm quan sầu đô thị, cảm quan hoài cổ, cảm quan trốn chạy, nương náu vào thiên nhiên...

Cảm quan sinh thái đã khởi sinh từ lâu trong đời sống văn học Việt Nam, song bản chất và tinh thần sinh thái hiện đại chỉ thật sự định hình trong văn học sau 1975 gắn với những điều kiện lịch sử, xã hội, văn hóa. Với những yêu cầu cấp thiết của thời đại, đời sống văn học đương đại đã xuất hiện dòng chảy sinh thái với sự thay đổi về tư duy, quan niệm của người viết cùng hệ đề tài, chủ đề sinh thái đa dạng. Trước hết, có thể thấy ở các nhà văn sự chuyển biến trong quan niệm về tự nhiên, và mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Tự nhiên trong tác phẩm không hoàn toàn mang tính biểu tượng, ẩn dụ cho cảm xúc, tâm hồn con người, mà bản thân nó được tạo tác bằng ý thức sinh thái đậm nét. Ý thức này buộc con người phải nhận diện tự nhiên như một sinh mệnh độc lập, với thế giới riêng, vượt thoát những quy gán có tính bất biến, cố hữu của con người về tự nhiên. Đặc biệt, văn học sinh thái khước từ thuyết “con người là trung tâm”, “chúa tể muôn loài” tồn tại trong tư tưởng và diễn ngôn của nhân loại, từ đó xác lập tư tưởng “sinh thái là trung tâm”, soi rọi mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên dưới quan điểm sinh thái. Cũng từ đây, sinh thái không chỉ là câu chuyện của riêng văn chương, mà mở rộng, tích hợp với các vấn đề chính trị, văn hóa, xã hội: giới tính, chủng tộc, giai cấp, xã hội, bản địa, tồn sinh... 2

Từ việc thay đổi tư duy, ý thức về sinh thái đã dẫn đến sự đa dạng về đề tài, sự phức hợp của các chủ đề về sinh thái. Về đề tài, văn chương đương đại xuất hiện sinh thái hậu chiến tranh phản ánh những di chứng trên những cánh rừng, vùng đất, con sông và cơ thể con người (Nỗi buồn chiến tranh - Bảo Ninh, Mười ba bến nước - Sương Nguyệt Minh, Người sót lại của Rừng cười - Võ Thị Hảo, Ngọa sinh - Võ Thị Xuân Hà, Đường trần - Ngọn lửa không bao giờ tắt - Trần Tố Nga, Con chim Joong bay từ A đến Z - Đỗ Tiến Thụy...), sinh thái nông thôn, sông nước, biển cả (Gia phả của đất - Hoàng Minh Tường, Thương nhớ đồng quê - Nguyễn Huy Thiệp, Làng quê biến mất - Tạ Duy Anh, Biển và chim bói cá - Bùi Ngọc Tấn, Cánh đồng bất tận - Nguyễn Ngọc Tư, Gia tộc ăn đất - Lê Minh Nhựt, Ngày mai sương muối - Trương Tư Tần Quỳnh); sinh thái miền núi (Miền hoang tưởng - Nguyễn Xuân Khánh, Trăm năm còn lạiMối và người - Trần Duy Phiên, Những người thợ xẻSói trả thùMuối của rừng - Nguyễn Huy Thiệp, Thập giá giữa rừng sâu - Nguyễn Khắc Phê, Màu rừng ruộngCon chim Joong bay từ A đến Z - Đỗ Tiến Thụy, Đá cuội đỏSau những mùa trăng - Đỗ Bích Thúy, Đàn trời - Cao Duy Sơn, Bãi vàng, đá quý, trầm hương - Nguyễn Trí); sinh thái đô thị (Sâm cầm Hồ Tây - Sương Nguyệt Minh, Kí sự làngPhố làng - Đỗ Nhật Minh, Con trắm đen - Trần Trung Chính, Chim phóng sinh - Nguyễn Hồ, Cội mai lưu lạc - Quế Hương)... Về chủ đề, những tác phẩm này hướng vào việc truy tìm nguồn gốc của nguy cơ sinh thái, phê phán những mặt trái của đô thị, văn minh, đặc biệt lên án những hành động tàn phá, gây tổn thương tự nhiên của con người; nhận diện những hệ lụy khủng khiếp mà con người phái gánh chịu khi tác động làm mất cân bằng hệ sinh thái; thức tỉnh lương tri, lấy trách nhiệm, đạo đức làm điểm tựa trong cách ứng xử của con người với môi trường xung quanh. Và cũng từ đây, văn chương góp phần định hình mẫu nhân cách mới, tự xem mình như là một thành phần cộng sinh của thiên nhiên, biết tôn trọng thế giới tự nhiên, lắng nghe, chia sẻ cảm xúc, tiếng nói của vạn vật.

Nếu coi câu chuyện muôn đời của văn chương là câu chuyện về số phận con người, thì những vấn đề về môi trường, sinh thái gắn liền với số phận con người là điều mà bất kì người cầm bút nào cũng cần ý thức trên hành trình sáng tạo của mình. Mùa xuân hay nói rộng hơn là thiên nhiên, sinh thái trong diễn ngôn văn học vừa là vấn đề thuộc phạm trù đạo đức, văn hóa, vừa là vấn đề thuộc phương diện thẩm mĩ, nghệ thuật đòi hỏi ở người cầm bút ý thức trách nhiệm, lương tri để mùa xuân không còn vắng lặng những tiếng chim, và cuộc sống con người trở nên bình an, hài hòa, bền vững.

N.V.H

 

_____________________

1 Rachel Carson (2018, Nhóm dịch: Khánh An), Mùa xuân vắng lặng, Nxb. Thế giới, Hà Nội.

2 Xem thêm Trần Thị Ánh Nguyệt (2015), Con người và tự nhiên trong văn xuôi Việt Nam sau 1975 từ góc nhìn phê bình sinh thái, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tr.31-39.

 

 

Nguyễn Văn Hùng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 292 tháng 01/2019

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

4 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

4 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

4 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

4 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground