Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Về phê bình luân lý học văn học

Từ ý nghĩa nào đó có thể nói sự hình thành văn học từ khởi nguyên hoàn toàn vì mục đích luân lý và đạo đức. Thưởng thức cái đẹp của văn học và nghệ thuật không phải mục đích chủ yếu của văn học nghệ thuật mà là để phục vụ mục đích đạo đức của nó. Ars Poetica1 của Horace bằng những khái quát giản đơn đã nói rõ quan hệ giữa nội dung và hình thức của nội hàm và sự biểu đạt đạo đức của văn nghệ. Ở phương diện nguồn gốc, chúng ta luôn quy khởi nguồn của văn học nghệ thuật vào lao động sản xuất của nhân loại, nhưng thực ra điều đó hoàn toàn không chính xác. Không thể phủ nhận khởi thủy của văn học nghệ thuật có mối quan hệ mật thiết với lao động sản xuất của con người, tuy nhiên lao động sản xuất không thể trực tiếp tạo ra tác phẩm văn học nghệ thuật. Vậy thì văn học nghệ thuật được sinh ra như thế nào? Nó sản sinh trong quá trình nhân loại lý giải lao động sản xuất của chính mình, vì vậy tác phẩm văn học nghệ thuật là một dạng biểu đạt tình cảm đối với chính quá trình lao động sản xuất của con người, là một kiểu giải thích trừu tượng mối quan hệ giữa con người với lao động sản xuất và thế giới. Nói cách khác, tác phẩm văn học nghệ thuật là một dạng hình thức lý giải lao động sản xuất của chính bản thân con người và thế giới. Vì kiểu biểu đạt, giải thích này kết hợp với lao động, sinh tồn và hưởng thụ của con người nên nó có ý nghĩa luân lý và đạo đức. Nhất là nhìn từ quan điểm văn học, tức chỉ văn học của văn bản, thì thành tố luân lý, đạo đức dường như có thể xem là nguyên nhân hình thành văn học, tức là nói văn học được sinh ra vì nhu cầu luân lý và nhu cầu biểu đạt quan niệm hoặc tình cảm đạo đức của nhân loại.

“Văn học phương Tây” chỉ tác phẩm văn học có văn bản, vậy nên thần thoại Hy Lạp dù có thể được xem là một dạng văn học truyền khẩu nhưng lịch sử văn học phương Tây lại không hề bao gồm thần thoại. Nếu xem thần thoại Hy Lạp là hình thức văn học sớm nhất thì chúng ta sẽ thấy rằng nó là sản phẩm của người Hy Lạp cổ đại thông qua hình thức văn học nghệ thuật để biểu đạt mộc mạc và trừu tượng quan niệm đạo đức, luân lý. Chẳng hạn, trong các thần thoại liên quan đến nguồn gốc đất trời, con người, mâu thuẫn và xung đột trong thế giới của thần linh và con người, nhất thảy đều có màu sắc luân lý, đạo đức. Do đó, thần thoại không chỉ là “bằng hình tượng và thông qua hình tượng để chinh phục sức mạnh tự nhiên, chi phối sức mạnh tự nhiên, hình tượng hóa sức mạnh tự nhiên” (Marx, 11) mà còn là dùng tưởng tượng, mượn tưởng tượng để biểu đạt quan niệm đạo đức, luân lý ở giai đoạn manh nha lý tính của nhân loại. Tất nhiên, văn học không phải luân lý, cũng không phải đạo đức, nhưng nó cần phản ánh hoặc biểu hiện luân lý và đạo đức. Chính ở điểm này, chúng ta gây dựng được cơ sở cho phê bình văn học từ góc độ luân lý học. Tóm lại, đối với thảo luận, nghiên cứu phê bình luân lý học văn học, bất kể hiện tại hay tương lai, đều tất tồn tại rất nhiều ý kiến khác biệt. Dẫu là như vậy thì tiếp tục thảo luận về vấn đề này là vô cùng quan trọng.

Phê bình luân lý học văn học với tư cách một phương pháp luận sở hữu hàm nghĩa riêng của nó, tức nó là phương pháp phê bình mang ý nghĩa văn học chứ không phải phương pháp phê bình mang ý nghĩa xã hội học. Bởi vậy, phê bình luân lý học văn học khác luân lý học nghiên cứu xã hội. Sự khác nhau này trước hết nằm ở đối tượng nghiên cứu của phê bình luân lý học văn học là văn học, dù nghiên cứu xã hội của con người cũng vì mục đích nghiên cứu văn học. Thêm nữa, nghiên cứu luân lý học luôn luôn phục vụ quan niệm đạo đức nhất định trong hiện thực và cũng cần đưa ra bình giá cho rất nhiều hiện tượng đạo đức của xã hội hiện thực. Trong khi đó phê bình luân lý học văn học lại tiến hành khảo sát khách quan luân lý và đạo đức của văn học, đồng thời đưa ra những lý giải biện chứng, lịch sử cho nó. Thứ nữa, phê bình luân lý học văn học chủ yếu đóng vai trò một dạng phương pháp vận dụng vào nghiên cứu văn học, coi trọng phân tích văn học còn luân lý học lại là một dạng luân lý liên quan đến các mối quan hệ và quy phạm đạo đức của con người, cũng là một kiểu phương pháp nghiên cứu xã hội loài người. Phê bình luân lý học văn học chú trọng vào ý nghĩa lịch sử để nghiên cứu văn học còn luân lý học xem nặng về ý nghĩa hiện thực để nghiên cứu xã hội.

Vì vậy, chúng ta nên kiên trì phê bình văn học phải là phê bình đối với văn học, kiên trì phê bình văn học phải là phê bình văn học. Một số hiện tượng phê bình hô khẩu hiệu như phê bình văn hóa, phê bình mỹ học, phê bình triết học... đã đảo lộn mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa lý luận và văn học, tách rời mối liên hệ vốn có giữa phê bình và văn học, dẫn đến hình thành khuynh hướng phức cảm lý luận (theoretical complex), phức cảm mệnh đề (preordained theme complex), phức cảm thuật ngữ (term complex) rất nghiêm trọng. Các kiểu phê bình này không xem trọng tác phẩm văn học, tức đọc, lý giải và phân tích văn bản mà chỉ cố gắng tìm chứng cứ cho các kiểu mệnh đề văn hóa của chính nhà phê bình, tạo ra sự xa rời lý luận và thực tế. Trong các loại phê bình này, tác phẩm văn học bị chia cắt (nói theo kiểu thời thượng thì bị giải cấu trúc, bị giải thiêng), mất đi ý nghĩa tự thân, trở thành thứ dùng để xây dựng tư tưởng văn hóa cho chính nhà phê bình, cho hệ thống lý luận hay giải thích phán đoán thuật ngữ lý luận nào đó. Ý nghĩa của văn học không còn thì giá trị của văn học cũng mất đi. Hệ quả tất yếu là kết liễu văn học, dẫn đến kết liễu chính bản thân nhà phê bình văn học. Phương pháp phê bình luân lý học văn học lại khác, nó trước hết nhấn mạnh rằng loại phương pháp này là phương pháp của phê bình văn học, phải kết hợp giữa đọc và lý giải văn học, đồng thời lại nhấn mạnh giá trị luân lý như trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ đạo đức của văn học.

Phương pháp phê bình luân lý học văn học là phương pháp của chủ nghĩa lịch sử và chủ nghĩa hiện thực. Nói đây là phương pháp của chủ nghĩa lịch sử là vì dù nó hoàn toàn không bài trừ quan niệm đạo đức luân lý, đạo đức của bản thân nhà phê bình nhưng nó cũng không yêu cầu chúng ta tự đeo lên đôi kính đạo đức, sử dụng quan niệm luân lý và đạo đức mà chúng ta tiếp nhận hoặc đồng tình để phê bình văn học trong lịch sử mà chỉ yêu cầu chúng ta công bằng, khách quan từ góc độ luân lý, đạo đức để phân tích văn học, hiện tượng văn học trong lịch sử, nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học với lịch sử và hiện thực. Chẳng hạn với bi kịch Oedipus giết cha lấy mẹ, chúng ta không cần dùng quan niệm luân lý của hiện tại để chỉ trích tội loạn luân này mà nên xem xét một cách lịch sử sự hỗn loạn trong quan hệ luân lý do sự thay đổi xã hội đương thời tạo ra cùng với nỗ lực tái thiết trật tự luân lý, đạo đức của con người. Sử dụng nguyên tắc luân lý và quy phạm đạo đức hiện tại không thể giải thích chính xác tội lỗi của Oedipus. Ví dụ khác, những câu thơ nổi tiếng trong thiên đầu tiên “Quan thư” của Kinh thi: “Quan quan thư cưu/ Tại hà chi châu/ Yểu điệu thục nữ/ Quân tử hảo cầu”2 biểu thị nam nữ thanh niên cổ đại theo đuổi cảnh giới đạo đức cao quý của tình yêu. Bài “Lộc minh” trong Tiểu nhã khi miêu tả niềm vui yến hội của vua tôi, cũng viết những câu thơ “Nhân chi hảo ngã, thị ngã chu hành”3. Câu thơ lấy “chu hành” (đại đạo, chính đạo, chí đạo) để nói đạo của quy phạm, chuẩn tắc, vi chính, đồng thời ca ngợi một dạng đạo đức, luân lý của giai cấp thống trị đương thời. Trường hợp khác, các quan niệm đạo đức, luân lý được cổ súy trong Hồng lâu mộngTam quốc diễn nghĩa có thể không có nhiều ý nghĩa với chúng ta ngày nay nhưng giá trị lịch sử của những quan niệm này thì không thể phủ định vì trật tự xã hội, luân lý và quy phạm đạo đức đương thời đã hình thành trên cơ sở các giá trị này. Do đó, chúng ta không thể từ lập trường đạo đức hiện nay để phủ định những mưu cầu đạo đức đã được tác giả miêu tả trong tác phẩm trong lịch sử. Nói đây là phương pháp của chủ nghĩa hiện thực là vì nó yêu cầu phê bình văn học không được vượt khỏi thời đại, xã hội, chính trị, văn hóa của mình, yêu cầu chúng ta bảo vệ những nguyên tắc đạo đức, luân lý đã được xác lập. Đây chính là giá trị và ý nghĩa hiện thực quan trọng nhất của phương pháp phê bình luân lý học văn học. Hiện nay chúng ta không chỉ xây dựng trật tự xã hội mà mọi người tiếp nhận và tuân thủ mà còn xây dựng nguyên tắc luân lý, quy phạm đạo đức thích ứng với trật tự đó. Bi kịch Hy Lạp cổ đại đã chứng minh, cố gắng đi ngược hoặc phá hoại trật tự, nguyên tắc, quy phạm đã hình thành tất sẽ mang lại tai họa khôn lường cho con người. Vậy nên, văn học của chúng ta đối với xã hội và con người không thể khước từ trách nhiệm, nghĩa vụ đạo đức và phê bình văn học cần đưa ra bình giá công bằng đối với nghĩa vụ, trách nhiệm mà văn học phải đảm nhận. Chẳng hạn, chúng ta đã xây dựng tiêu chuẩn luân lý, đạo đức xã hội của thời kì mới4, xác lập quy phạm đạo đức phù hợp với tập tục dân tộc và pháp luật của chúng ta nhưng nếu trong khi phê bình văn học mà chúng ta bỏ qua các tiền đề này, tán thành không đắn đo đạo đức nghĩa hiệp phong kiến mà một số tác phẩm ca ngợi hay cái gọi là ý thức vượt ngưỡng, hiển nhiên là có hại vô cùng. Ngoài ra, vì phê bình văn học có thể tạo ra ảnh hưởng quan trọng đối với lựa chọn đọc, giải thích nội dung và phê phán đạo đức của độc giả nên nó cũng cần thúc đẩy văn minh tinh thần xã hội, kiến thiết trách nhiệm đạo nghĩa.

Phương pháp phê bình luân lý học văn học chỉ là một trong số rất nhiều phương pháp phê bình văn học, nó không những không khước từ, loại bỏ các phương pháp phê bình khác mà ngược lại nó có thể dung nạp, kết hợp và học hỏi các phương pháp phê bình khác để bổ sung và hoàn thiện chính mình. Ví dụ, Freud dùng phương pháp phân tích tinh thần quy kết sự phục thù của Hamlet vào một mệnh đề liên quan đến tình tiết Oedipus5, tuy nhiên chúng ta có thể kết hợp mệnh đề này với phương pháp phê bình luân lý học văn học, từ phương diện tinh thần để làm sáng tỏ sự báo thù của Hamlet dẫn đến hàng loạt vấn đề luân lý và đạo đức. Trong câu độc thoại nội tâm nổi tiếng của Hamlet “To be or not to be, that is the question” bao hàm vô số tìm kiếm và cật vấn về sống và chết, song trong đối thoại của Hamlet và Ophelia về các vấn đề liên quan đến hôn nhân, trung thực, trinh tiết (chaste), trong sạch (pure)... chúng ta có thể cảm nhận được nhân vật này bị rơi vào vũng lầy luân lý, đạo đức rất nan giải, phải chịu đựng đau khổ nội tâm rất lớn. Xét toàn bộ bi kịch, khi Shakespeare khéo léo kết hợp giữa xung đột luân lý, đạo đức với đấu tranh chính trị và suy tưởng triết học, ông đã tăng thêm chiều sâu cho tác phẩm. Ví dụ khác, kết cấu nghệ thuật trong Thần khúc6 của Dante, khi phân tích từ góc nhìn đạo đức chúng ta cũng tương tự thấy được hình thức đặc thù của nó như kết cấu số 3, 10... đều thể hiện nội dung đạo đức của tôn giáo. Vì vậy, dù là áp dụng phương pháp nào để phân tích tác phẩm nào đều không thể tách rời nội dung đạo đức và luân lý của văn học.

Cơ sở tư tưởng của phương pháp phê bình luân lý học văn học là chủ nghĩa duy vật lịch sử và chủ nghĩa duy vật biện chứng của Marx, tức là phê bình văn học một cách lịch sử, một cách biện chứng. Nó hoàn toàn không phải áp dụng đơn giản tiêu chuẩn đạo đức nào đó để phê bình giá trị đạo đức của văn học hay đơn giản dùng quan niệm đạo đức nào đó để tán dương hay phê phán văn học. Mục đích chủ yếu của phê bình luân lý học văn học nằm ở việc làm sáng tỏ các hiện tượng văn học trên cơ sở luân lý, đạo đức; nghiên cứu, thảo luận một cách khách quan các yếu tố luân lý, đạo đức của văn học, cung cấp cho chúng ta những khải thị. Nói ngắn gọn chính là yêu cầu dùng phương pháp luân lý học để phân tích văn học. Ví dụ, khi sử dụng phương pháp này phê bình bi kịch Hy Lạp cổ đại, chúng ta chỉ hy vọng thông qua văn học trả lại chân tướng luân lý của thời kì đó cũng như sử dụng quan niệm luân lý của thời đại đó giải thích hợp lý hiện tượng đạo đức, luân lý xã hội đương thời được phản ánh thông qua nghệ thuật. Chúng ta hoàn toàn không thể dùng quan niệm đạo đức hiện nay để lý giải thời đại xưa cũ đã cách xa hiện thời của chúng ta. Nếu dùng lý luận của chủ nghĩa nữ quyền phân tích bi kịch Medea6, cố gắng lý giải Medea thành một người nữ quyền, điều này hiển nhiên đã vượt quá thời đại của Medea cũng như năng lực nhận thức mà chính nhân vật này có thể đạt đến; nếu dùng quan điểm đấu tranh giai cấp để phân tích xung đột của Orestes7, dùng quan niệm số mệnh hoặc chủ nghĩa nhân đạo phân tích Oedipus làm vua8 rất có thể vì chúng ta lấy quan niệm tư tưởng hiện nay gán ép cho thời đại đó mà trở thành cưỡng từ đoạt lý. Vì lẽ đó, phê bình luân lý học văn học quyết không thể lý giải các tác phẩm như Medea, Orestes, Oedipus làm vua... thành các điển hình xuất hiện sau thời đại của chúng mà chỉ có thể trong thời đại của chúng tìm ra căn nguyên đạo đức và luân lý của nhân vật vì sao chúng lại trở thành bi kịch, cũng như có thể đem đến cho chúng ta những tấm gương.

Phương pháp phê bình luân lý học văn học có tính mục đích riêng biệt của nó, tức nó chủ yếu nghiên cứu văn học cùng các vấn đề liên quan đến văn học từ góc nhìn luân lý. Nói cách khác, dù không bỏ qua thế giới trong lịch sử và trong hiện thực nhưng nó chủ yếu lấy nghiên cứu thế giới nghệ thuật tưởng tượng làm mục đích. Phương pháp phê bình luân lý học văn học có thể vượt quá lịch sử, xã hội, giai cấp, chính trị, văn hóa, có thể vượt quá không gian và thời gian. Bất luận kịch hay tiểu thuyết, thơ ca hay tản văn, dường như mọi thể loại văn học đều thích hợp vận dụng phương pháp phê bình này. Chúng ta vừa có thể áp dụng nó để phân tích thần thoại Hy Lạp cổ đại, vừa có thể lý giải các loại văn học hiện nay; vừa có thể phân tích văn học phương Tây, lại có thể lý giải văn học phương Đông; các loạivăn học giả tưởng sử dụng cách thức miêu tả tách biệt hiện thực của con người làm đặc trưng cơ bản cũng có thể vận dụng phương pháp phê bình này. Chẳng hạn, khi vận dụng phương phê bình luân lý học văn học, chúng ta có thể từ điểm xuất phát thời hỗn mang (Chaos) nhìn thấy được quan niệm trật tự sớm nhất được biểu hiện thông qua hình thức nghệ thuật, từ trong trật tự cũng phát hiện sự sinh ra hàm nghĩa luân lý và đạo đức của nữ thần báo thù Nemesis với nữ thần bất hòa Eris. Có thể nói, nữ thần báo thù và nữ thần bất hòa đều thông qua hình thức nghệ thuật thể hiện quan niệm đạo đức sơ khai của nhân loại. Lại như hai hàng thơ trong bài thơ theo thể đối cú nổi tiếng In a Station of the Metro (Tại trạm tàu điện ngầm) của Ezra Pound: “The apparition of these faces in the crowd;/ Petals on a wet, black bough.”9 Khi chúng ta cẩn trọng thể nghiệm thời điểm EzraPound trong trạm tàu điện ngầm dày đặc sương mù và hơi nước nhìn thấy những mặt người, không thể nói rằng ông lý giải xung đột của công nghiệp hiện đại với con người là không có tình cảm đạo đức của chính tác giả. Thực sự, chúng ta không tìm ra bất cứ tác phẩm văn học nào tách rời đạo đức.

Phê bình luân lý học văn học có ý nghĩa hiện thực quan trọng, nó có thể đưa phê bình văn học trở về bên cạnh chúng ta, khiến phê bình văn học phục vụ lý giải văn học, bằng mọi cách bình giá một cách công chính những tác phẩm đã trở thành kinh điển, lịch sử hoặc đã từng tồn tại. Phê bình luân lý học văn học dù không thể dựa vào quan niệm luân lý và ý chí đạo đức của chúng ta để can dự vào sáng tác văn học nhưng chí ít chúng ta có thể cung cấp cho sáng tác văn học một loại yêu cầu đạo đức tất phải có. Cần nhận thức đầy đủ sự thiếu sót rất lớn của phê bình văn học của chúng ta (Trung Quốc - ND) tức thiếu khuyết giá trị luân lý, đạo đức10. Bất luận quá khứ hay hiện tại, phương Tây hay phương Đông, vai trò của giáo khoa thư văn học là không thể phủ nhận. Mặc dù chúng ta phản đối việc biến văn học thành răn dạy đạo đức nhưng cũng không thể bỏ qua trách nhiệm đạo đức của văn học. Dù nói thế nào, khi văn học không thể giúp chúng ta phân biệt thiện - ác, không thể khiến chúng ta tuân thủ quy phạm thì giá trị của loại văn học này đáng phải nghi ngờ. Chúng ta biết rằng trình độ nhận thức của các em thiếu nhi chưa đạt đến giai đoạn lý tính, đại đa số các em đều có sẵn một dạng năng lực phán đoán đạo đức sơ bộ, đây chính là sự phân biệt một cách đơn giản giữa người tốt và người xấu. Khi trẻ em chưa nghe xong câu chuyện, chúng gấp gáp muốn biết được ai là người xấu, ai là người tốt; khi các em nghe xong câu chuyện, người tốt, người xấu hình thành những tác động đạo đức khác nhau đối với các em là rất dễ nhận ra. Trẻ em đã vậy, người lớn thì sao? Trong thơ của mình, Wordsworth viết: “The Child is father of the Man”11. Phê bình văn học của chúng ta hiện nay có lẽ cần quay về với thơ ngây, chất phác, nghĩa là cần phân biệt tốt - xấu, thiện - ác như trẻ thơ. Đặc biệt là trong giai đoạn phê bình văn học của Trung Quốc hiện nay xuất hiện sự thiếu khuyết giá trị đạo đức, luân lý thì phê bình văn học càng phải gánh vác trách nhiệm đạo đức, quay về giá trị đạo đức, luân lý văn học hiện thực và phê bình luân lý học văn học chính là con đường quan trọng để đạt đến mục tiêu này.

Nguyễn Anh Dân dịch từ nguyên bản tiếng Trung:
聂珍钊. (2005). “于文学伦理学批评”. 《外国文学研究》. 1, pp. 8-11

 

 

_______________

Chú thích

1 Ars Poetica (Nghệ thuật thi ca)được Horace (tên đầy đủ là Quintus Horatius Flaccus) (65-8 TCN) viết khoảng năm 18 TCN. Horace là một trong những nhà thơ kiệt xuất thời La Mã.

2 “关关,/在河之洲。/窈窕淑女,/君子好逑”. “Thư cưu cất tiếng quan quan/ Hòa cùng sóng vỗ vọng vang đôi bờ/ Dịu dàng thục nữ đào thơ/ Sánh cùng quân tử duyên tơ mặn mà” (Tản Đà dịch).

3 “人之好我,示我周行”. Tạm dịch: Những người yêu mến ta, hãy chỉ cho ta lối đường nào to lớn (để noi theo).Bài “Lộc minh” (鹿 - Hươu kêu) nằm trong Tiểu nhã (小雅) trong Kinh thi của Khổng Tử.

4 Thời kì mới ở đây chỉ giai đoạn từ khi bắt đầu cải cách khai phóng (改革) của Trung Quốc vào năm 1978.

Tức mặc cảm/phức cảm Oedipus (Oedipus complex) - giết cha, lấy mẹ.

6 Vở bi kịch Medea (Médée) của Euripides (480-406 TCN) - một trong ba kịch gia vĩ đại của Hy Lạp cổ đại, cùng với Aeschylus và Sophocles.

7 Orestes là một vở bi kịch của Euripides (xuất hiện khoảng năm 408 TCN) miêu tả số phận Orestes sau khi nhân vật này theo lời khuyên của thần Apollo và giết mẹ đẻ Clytemnestra để trả thù việc bà đã sát hại cha của Orestes là Agamemnon.

8 Oedipus làm vua là một vở bi kịch nổi tiếng của Sophocles (khoảng 497/6 - 407/6 TCN).

9 Tạm dịch: “Bóng mặt đầy giữa đám đông/ Những cánh hoa rơi trên cành ướt đen sì”

10 Theo Nhiếp Trân Chiêu, vì thiếu đi đạo đức học văn học nên phê bình văn học của Trung Quốc cuối thế kỉ XX - đầu thế kỉ XXI tồn tại hai khuynh hướng nguy hiểm: (1) phê bình xa rời văn học và (2) phê bình khiếm khuyết đạo đức. Cả hai xu thế này đều là hệ quả từ quá trình phát triển kinh tế xã hội của Trung Quốc sau thời kì cải cách khai phóng. Khuynh hướng thứ nhất bỏ qua đối tượng bản mệnh của phê bình, tức văn bản văn học. Khuynh hướng thứ hai phớt lờ vai trò xã hội của văn học.

11 Tạm dịch: “Trẻ thơ là cha đẻ của loài người”.

 

Nhiếp Trân Chiêu
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 291 tháng 12/2018

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

11 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

11 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

11 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

11 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

31/03

25° - 27°

Mưa

01/04

24° - 26°

Mưa

02/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground