Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Văn học châu Á - tầm nhìn và khát vọng

D

o những điều kiện lịch sử khác nhau, đặc biệt là sự ra đời Chủ nghĩa tư bản ở châu Âu sớm hơn, dẫn tới công cuộc phục hưng diễn ra thuận lợi hơn; các cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật xẩy ra nhanh hơn, dẫn đến sự phát triển xã hội, nhất là phát triển kinh tế có sự cách biệt rất lớn giữa châu Âu với các châu lục khác. Bởi vậy mà nhiều thế kỉ qua, châu Âu trở thành lực lượng được coi là tiên tiến nhất thế giới, và vì thế mà người châu Âu luôn nhìn các châu lục khác (trừ Mỹ) với con mắt là những châu lục chậm phát triển. Bản thân người châu Á chúng ta cũng tự mặc cảm (complexity) rằng mình thuộc vùng trũng của văn minh và sự tiến bộ trên thế giới. Thậm chí đến tận hôm nay chúng ta vẫn được nghe những lời quảng cáo sản phẩm nhiều mặt hàng trong nước kiểu như: sử dụng công nghệ châu Âu hay đạt chất lượng châu Âu! Rõ ràng châu Âu (cùng với Mỹ) trở nên thần tượng và là cái đích để thế giới nói chung, đặc biệt là những nước châu Á như Việt Nam nói riêng hướng đến.

Đó là thực tế có thật.

Tuy nhiên, không phải tất cả đều như vậy. Và, không phải ai cũng có chung suy nghĩ như vậy.

Có một thực tế khác là, hiện tại, châu Á là châu lục có nhiều nền kinh tế đang phát triển với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, nhiều nền kinh tế đã vươn lên đứng vào tốp G7 (các nước công nghiệp phát triển), G20 (các nước thuộc nhóm có nền kinh tế lớn). Trên bảng xếp hạng về quy mô nền kinh tế, ngoại trừ Mỹ hiện vẫn được coi là nền kinh tế số 1, còn lại số 2, số 3 là những quốc gia châu Á (Trung Quốc và Nhật Bản), chứ không phải các nước châu Âu. Đấy là chưa kể những nước khác của châu Á như Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (đặc biệt là Dubai) hiện đang trở thành các trung tâm thịnh vượng, giàu có hàng đầu thế giới cùng với sự phát triển vượt bậc về khoa học, công nghệ tiên tiến. Thực tế ấy đã khiến châu Âu bị khoác lên một định nghĩa mới: Châu lục già.

Về văn minh và văn hóa thì nhiều thập kỉ gần đây, giới khoa học thế giới cũng đã có sự chuyển dịch rất quan trọng cái nhìn từ châu Âu về châu Á khi nhận ra ở đâu mới là cái nôi của Con người, đâu là nơi hình thành sớm nhất văn minh loài người và đâu mới là nơi đang tàng ẩn nhiều di sản văn hóa của nhân loại.

Thực tế đã có như vậy. Song, cho tới tận hôm nay hình như vẫn chưa thấy xuất hiện một tiếng nói chung, một khát vọng chung của cộng đồng tất cả các quốc gia châu Á với tư cách là Tiếng nói Châu lục, biểu thị một sức mạnh châu lục như đang có ở châu Âu. Nói đơn giản, chúng ta chưa tạo dựng nên được một “thương hiệu châu Á” như cái “thương hiệu châu Âu” đang có. Biết đến khi nào, các nước trên thế giới khi quảng bá sản phẩm của mình lại nói: Công nghệ châu Á, chất lượng châu Á?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm trễ này. Theo suy nghĩ của tôi thì có mấy nguyên nhân chính. Một là, sự phát triển chung toàn châu Á rất không đồng đều. Bên cạnh những nước phát triển rất cao lại có nhiều quốc gia vẫn thuộc nhóm yếu kém, nghèo đói và lạc hậu. Hai là, thể chế chính trị của các nước châu Á hiện có sự khác biệt, không đồng nhất như châu Âu. Sự định kiến về chính trị đã cản trở sự hòa đồng thống nhất về một ý nguyện chung. Ba là, sự đa dạng đến mức phức tạp các tín ngưỡng và tôn giáo cũng tạo nên sự chia rẽ…

Rõ ràng có quá nhiều sự khác biệt, thậm chí là cách biệt giữa các quốc gia trong một châu lục. Vậy, liệu có thể tìm ra một cái gì đó chung hầu mong có thể gắn kết tâm hồn và sức mạnh toàn châu Á để có thể cất lên tiếng nói ít ra là ngang tầm với mọi châu lục trên thế giới? Có vẻ như chủ nhà Kazakhstan đã tìm ra câu trả lời khi đề xuất sáng kiến tổ chức một Diễn đàn các Nhà văn châu Á lần thứ nhất từ ngày 4 đến ngày 7 tháng 9/2019 tại thành phố trẻ Nur-Sultan, thủ đô mới của nước Cộng hòa Kazakhstan.

Có gì khác giữa Diễn đàn các Nhà văn châu Á này với những hình thức diễn đàn văn học khác đã từng diễn ra đâu đó từ trước tới nay trên thế giới? Đúng là đã từng có nhiều diễn đàn văn học quốc tế được tổ chức ở nhiều quốc gia khác nhau, ngay cả Việt Nam cũng đã từng tổ chức vài cuộc. Các diễn đàn đó thường có mục đích thảo luận, bàn bạc về một chủ đề gì đó mà văn học đang quan tâm hay có trách nhiệm phải quan tâm. Ở những diễn đàn như thế, cái vui nhất chính là được gặp gỡ, giao lưu để giới thiệu về những sáng tác của chính mình và văn học nước mình. Lại cũng có những cuộc diễn đàn mang đậm tính chất một Festival văn chương (chủ yếu là thơ ca), ở đó các nhà thơ gặp nhau chủ yếu là giao lưu, đọc thơ và tìm hiểu thơ ca của nhau. Thế thôi. Còn Diễn đàn các Nhà văn châu Á vừa diễn ra tại Kazakhstan thì rất khác.

Thứ nhất, đây không phải là một diễn đàn văn học thường niên hay định kì đã từng tổ chức nhiều lần trước đây ở nhiều nước khác nhau và lần này là Kazakhstan đăng cai, mà đây là một sáng kiến mới của Kazakhstan và là Diễn đàn lần đầu tiên được tổ chức.

Thứ hai là tư cách tổ chức và chủ trì Diễn đàn này. Mặc dầu danh nghĩa là Liên minh các nhà văn Kazakhstan đưa ra sáng kiến và mời đại biểu, nhưng thực tế thì Chính phủ Kazakhstan mới là người chi phối toàn bộ nội dung Diễn đàn. Tổng thống Kassym-Jomart Kemelevich Tokayev đọc diễn văn ngày khai mạc. Đây hoàn toàn không phải bài phát biểu mang tính chất chào mừng theo thông lệ, mà thật sự là một “đề dẫn hội thảo”, định hướng cho toàn bộ Diễn đàn. Trong bài phát biểu khá dài của mình, ông Tokayev đã đề cập đến những vấn đề hết sức cốt lõi, đấy là vị thế châu Á hôm nay, kêu gọi sự hợp tác toàn châu lục để cùng nhau đưa vị trí châu Á sánh vai với các châu lục khác; và vai trò, sứ mệnh của Văn học châu Á trong tham vọng đó. Ông Tokayev cũng đưa ra những đề xuất cụ thể về cơ chế hợp tác của các hiệp hội văn học châu Á như hình thành một Thư viện điện tử để tập trung sức mạnh dịch chuyển văn học châu Á ra thế giới, lập ra một giải thưởng văn học châu Á có thể cạnh tranh được với giải Nobel… Ông còn đề nghị biến Diễn đàn các Nhà văn châu Á trở thành Diễn đàn định kì 3 năm một lần và được tổ chức luân phiên ở các nước trong châu lục… Sau khi Tổng thống phát biểu khai mạc, các đại biểu nhà văn nhiều quốc gia đã tham luận xung quanh những đề xuất đó, cuối cùng đi đến ký kết những cơ chế hợp tác theo những gì mà vị Tổng thống nước chủ nhà đã đề xuất. Cuối cùng, Phó Tổng thống Kazakhstan đã tổng kết và bế mạc Diễn đàn.

Nét khác biệt thứ ba là tư cách và thành phần đại biểu được mời dự Diễn đàn này rất khác với những diễn đàn văn học khác. Ở Diễn đàn này, Ban tổ chức mời đại biểu nhà văn các quốc gia với những tiêu chí rất rõ ràng. Đấy là những nhà văn châu Á đã đoạt giải Nobel, hoặc đang được đề cử Nobel, hoặc đã đoạt giải thưởng lớn quốc tế khác như giải Man Booker (giải tiểu thuyết hay nhất thường niên của các nhà văn thuộc khối thịnh vượng Anh), cuối cùng là những Nhà văn đã đạt giải thưởng Nhà nước của các quốc gia hoặc là những người lãnh đạo cao nhất của các Hội, Hiệp hội Nhà văn các nước. Tên gọi Diễn đàn này không phải là Diễn đàn văn học mà là Diễn đàn các Nhà văn châu Á. Rõ ràng chúng ta có thể nhận ra ý đồ của Ban tổ chức đã lấy Diễn đàn này làm một cuộc “biểu dương lực lượng” ưu tú nhất của nền văn học châu Á cho thế giới được nhìn thấy, và cũng muốn nó trở thành một kiểu “ hội nghị thượng đỉnh” về văn chương để bàn và quyết định một tham vọng mới, một tầm vóc mới cho văn học châu Á.

Thứ tư là bản chất của những tham luận được chọn lựa đăng đàn cũng như nội dung các hội thảo hẹp bên lề diễn đàn lớn cho thấy, đây không phải là một “cuộc chơi” văn chương như những diễn đàn khác, mà là một hội nghị, hay hội thảo khoa học về một chủ đề: Đấy là cơ sở nào để khẳng định vị trí, vai trò của Văn học châu Á hoàn toàn đủ sức sánh ngang tầm các châu lục khác? Cơ sở nào để có thể khẳng định rằng, châu Á cùng một Tổ tiên, cùng một nền văn minh, đấy là cơ sở tinh thần để Diễn đàn kêu gọi sự đoàn tụ tạo nên sức mạnh toàn châu lục? Có lẽ đây mới là cái chủ đích của chủ nhà Kazakhstan khi đưa ra sáng kiến tổ chức Diễn đàn này. Chúng ta có thể khẳng định điều đó khi nhìn thấy những gì diễn ra trong lễ bế mạc. Ban tổ chức đã có một hình thức rất “độc đáo” là vinh danh các đại biểu nhà văn châu Á bằng việc mời họ bước đi trên một thảm đỏ cực sang trọng để tiến vào hội trường. Sau đó, người ta đã tổ chức trang trọng lễ trao bằng ghi nhận sự hiện diện của đại biểu trong Diễn đàn Nhà văn châu Á lần thứ nhất này. Đặc biệt trên tấm bằng đó đã in nổi bật những dòng chữ: Một tổ tiên (One Ancestry), một nền văn minh (One Civilization).

Vẫn biết, ở bất cứ lĩnh vực nào thì từ ước vọng tới hiện thực là một khoảng cách rất xa với bao nhiêu là cam go, thử thách. Chỉ xin đơn cử một vấn đề. Kết thúc Diễn đàn, các đại biểu đã thống nhất được việc hình thành Thư viện điện tử để dung nạp tất cả những tác phẩm văn học sáng giá của các quốc gia trong châu lục, từ đó sẽ dịch ra 17 thứ tiếng để lan tỏa ra toàn thế giới. Có thể nói đó là một kết quả thật sự đáng khích lệ. Tuy nhiên, để những tác phẩm của các quốc gia vào được trong thư viện ấy, mặc nhiên phải là bản tiếng Anh. Ví dụ như văn học Việt Nam muốn được hòa nhập vào đó, tất cả phải được chúng ta tự dịch ra tiếng Anh. Đấy lại là một bài toán quá khó, thậm chí gần như bất lực nếu như Chính phủ Việt Nam không có sự vào cuộc. Sở dĩ nói Chính phủ vào cuộc, bởi chính một Nhà văn Malaysia đã nói cho tôi biết tình hình ở nước ông vốn cũng tương tự như vậy. Ông ấy cho biết, những năm trước đây, việc dịch văn học Mã Lai ra nước ngoài chỉ do tự thân các nhà văn vận động (giống như chúng ta hiện nay), cho nên thế giới hầu như biết rất ít về văn học nước này. Sau này, Chính phủ Malaysia đã nhận ra vấn đề, họ đã lập ra một Viện dịch thuật thuộc Chính phủ, cấp ngân sách hàng năm để Viện này lập kế hoạch dịch theo lộ trình tất cả những tác phẩm có giá trị của văn học Mã Lai ra thế giới. Nếu Chính phủ chúng ta cũng có chính sách như vậy thì việc Văn học Việt Nam có mặt trong Thư viện điện tử châu Á, rồi từ đó phổ biến ra toàn thế giới mới có cơ may thực hiện được.

Tôi đang rất kì vọng vào hiện thực này trong một thời gian không quá xa xôi.

X.Đ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

XUÂN ĐỨC
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 302 tháng 11/2019

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

11 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

11 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

11 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

11 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

31/03

25° - 27°

Mưa

01/04

24° - 26°

Mưa

02/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground