Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 18/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nỗi nhớ người xa xứ

Làng Võ Thuận của tôi chỉ là một ngôi làng nhỏ êm đềm dưới bóng tre xanh nằm bên chợ Thuận. Người làng cứ cho rằng xưa kia người ta lấy tên làng đặt cho chợ Thuận bởi vì ngày trước chợ Thuận thuộc xã Triệu Thuận, chỉ sau này để tiện khoanh vùng đất đai quản lý hành chánh mà phân bổ về xã Triệu Đại. Nhưng sau này đọc lại “Ô Châu cận lục” của Dương Văn An, trong danh mục làng xã không thấy có tên làng mà chỉ có tên chợ Thuận. Chứng tỏ rằng tên chợ có trước tên làng của tôi.

Tôi nhớ không quên ngày bé về làng ngang qua chợ Thuận, ba tôi đã cõng tôi trên lưng qua chiếc cầu tre bắc từ làng Vệ Nghĩa qua con hói để sang chợ. Cái hói đó tên là hói Thuận, một chi lưu, nói đúng hơn là một con sông con chảy từ sông Cái (Thạch Hãn) từ hướng tây bắc chảy ngoằn ngoèo qua những cánh đồng của mấy làng Gia Độ, Đâu Kênh, Dương Lệ, Mỹ Lược, Trà Liên đổ lại chợ Thuận rồi tiếp tục cuộc hành trình xôn xao khách thương hồ dọc dài sông nước xuôi tiếp cắt ngang tỉnh lộ 64 ngày nay về Cửa Việt chạy ngang qua những làng mạc miền đông nam tỉnh Quảng Trị đi các nơi khác. Hói Thuận song song với đường bộ cùng thực hiện một chức năng vô cùng quan trọng là tạo điều kiện cho dân chúng trong vùng trao đổi mua bán nông sản, hàng thủ công tự sản xuất về chợ Thuận. Sách “Ô Châu cận lục” của Dương Văn An đã ghi rõ: “Một sông con bắt nguồn từ sông Cái ở tây nam, sông con này tạo thành một đường sông đến chợ Thuận kết hợp với đường bộ cùng hội tụ ở đó”. Thêm nữa, phía bên cầu tre bắc ngang từ làng Vệ Nghĩa là thủ phủ châu Thuận - một đơn vị hành chính quy mô tương đương với trung tâm hành chính của một tỉnh lỵ ngày nay. Quy mô của chợ Thuận gắn liền với châu Thuận, được xem là một ngôi “chợ tỉnh” hàng hóa mua bán tấp nập trên bến dưới thuyền của một vùng châu thổ rộng lớn. Thời vang bóng cả thủy lẫn bộ, hai đường đều thuận lợi ấy của chợ Thuận còn ghi trong cổ lục: “Từ sông Cái tây nam một nhánh sông con chảy về, trên nhánh này là một nhịp cầu dài bắc ngang. Phía nam cầu là lều quán la liệt. Nào huyện lỵ, thành trì hai phía đông tây đối mặt nhau. Cả thủy lẫn bộ, hai đường đều tiện lợi. Đây là một nơi hội tụ đông nhất của châu Thuận…” (theo sách Ô Châu cận lục).

Vậy mà, cái cầu khỉ cheo leo trong mắt tôi thời thơ bé bắc qua hói Thuận đã thu hẹp không còn dòng chảy, chỉ còn đùn đống bèo dâu và cỏ tranh. Dấu tích còn để lại là khúc sông con dưới chân cầu Trúc Thuận bên cạnh làng tôi. Tên cầu được đặt theo tên một ngôi làng, ngày trước làng Trúc Thuận vốn là dân vạn đò sống bằng nghề sông nước, sông đã thu hẹp, dân vạn chài không còn sông nước đã lên bờ cư ngụ, chỉ còn một chòm xóm năm, bảy mái nhà phơ phất dưới mé chân cầu Trúc Thuận. Đúng là thương hải biến vi tang điền, dâu bể một miền quê... Hói Thuận từng là một thủy lộ đủ rộng như một sông con mới có dân vạn đò sinh sống, mới mong đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm, đồ gia dụng về chợ Thuận và ngược lại mang đồ nông sản xuôi nam ngược bắc kể cả đưa lên chợ Phiên Cam Lộ để lên miền ngược. Theo đường liên xã hiện nay gọi là đường Thuận - Độ - Đại – DH40 (từ Gia Độ lên chợ Thuận) chạy song song với hói Thuận, còn thấy dấu tích là những đình chùa miếu mạo nằm tập trung hàng dọc quay mặt ra hướng hói Thuận ngày trước.

Chợ Thuận là một ngôi chợ sầm uất lừng lẫy kéo dài hơn 4 thế kỷ của đất Thuận Châu, dấu xưa xe ngựa chỉ còn lại là một ngôi chợ quê bình dị tre nứa. Trước quá khứ lẫy lừng của chợ Thuận nên khi lập làng, các bậc tiền hiền khai khẩn khai canh đã đặt tên làng gắn cái tên của chợ Thuận vào làng Võ Thuận… Xin đừng nghĩ “thấy sang bắt quàng làm họ” vì đó cũng là nỗi tự hào thể hiện lòng yêu mến làng quê của mình.

Trong những năm tháng xa quê, chợ Thuận vẫn để lại trong tôi những nỗi u hoài. Ngày thơ bé, ngôi chợ quê xao xác hàng quán ấy luôn quẫy đạp trong lòng tôi nỗi nhớ về người mẹ đã khuất bóng. Trong ký ức nửa nhớ nửa quên, tôi nhớ nhất là phiên chợ quê ngày tết theo mẹ ra chợ từ sáng sớm tinh mơ trên đường làng, mưa xuân còn lất phất, mọi người đã tấp nập gồng gánh những nông sản về chợ. Không khí, hương vị tết lan tỏa khắp chợ Thuận. Hình ảnh chợ tết ở quê thời ấy đúng như Đoàn Văn Cừ miêu tả sinh động và chân thực trong bài “Chợ Tết”. Những “Con gà trống mào thâm như cục tiết/ Một người mua cầm cẳng dốc lên xem” và hình ảnh của những đứa trẻ là tôi: “Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon/ Vài cụ già chống gậy bước lom khom/ Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ/ Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ…” Mọi thứ hàng quán phiên chợ tết chợ Thuận cũng chỉ là những sản vật dân dã “tự sản tự tiêu”, cũng dăm miếng cau khô, mấy lọ phẩm hồng, hương đèn, mấy nải chuối, sạp lá dong, bánh trái, lợn, gà… Mang không khí tết nhất là những câu đối, tranh tết trên giấy điệp một màu đỏ tươi thắm. Tôi thì mê mẩn theo mấy con tò he, mấy trò chơi dân gian… Ngày nay nhớ lại, hình ảnh chợ tết vẫn gợi cho tôi một thời quá vãng yên bình đầy xúc động.

Tuổi thơ của tôi gắn liền với niềm vui được tận hưởng những thức quà vặt kẻ chợ thấm đẫm mùi vị dân dã ở miền quê. Đó là những buổi ngóng mẹ đi chợ về với đùm bánh bèo có nhụy đậu xanh gói trong lá chuối. Những cái bánh bèo ngày ấy to lắm, thường thì người ta bán kèm theo một cái que bằng tre cật vót mỏng và nhọn để khi ăn phải xắn bánh nhỏ ra để ăn. Nước chấm thì đỏ ngầu ớt bột với hành phi mỡ cay xè. Mảnh đất Triệu Phong nổi tiếng với thổ sản là ớt nên món ăn nào cũng kèm với ớt. Cay đáo để mà ngon tuyệt vời. Món kẹo xóc ở chợ quê cũng làm tôi nhớ hoài. Loại kẹo này được thoa một lớp bột gạo, mùi vị ngọt thanh nhờ có hương vị của gừng. Và bánh ướt, đặc sản không nơi nào sánh kịp. Bánh thơm mùi bột gạo, bánh dai tráng mỏng chấm nước mắm chợ Thuận thì hết ý. Mới đây, khi cùng một số bạn bè đồng hương Quảng Trị tại Đà Nẵng về cứu trợ tại huyện Triệu Phong, tôi mời đoàn dùng bữa trưa thưởng thức đặc sản nổi tiếng của chợ Thuận - bánh ướt thịt heo. Cả đoàn ăn vô tư, cay rát cả lưỡi vẫn không ngớt lời khen ngợi, tôi thầm tự hào về đặc sản chợ Thuận quê mình. Ngon dở cũng tùy khẩu vị nhưng có một điều cái vị giác của mình từ ngày thơ dại đã quen thuộc với hương vị đầu đời, nó như đóng đinh vào trong trí nhớ, không thay thế được. Những món ngon dân dã từ ngôi chợ quê trong thời buổi khó khăn ấy in đậm trong ký ức tôi, trở thành những đặc sản “trứ danh” của chợ Thuận những ngày bên mẹ…

Gần 40 năm sống xa quê, năm nào cũng vài lần trở về cố hương. Những mái tranh xiêu vẹo hàng quán lô nhô xập xệ của phiên chợ nghèo không hiểu sao luôn gieo vào lòng tôi những nỗi niềm sâu kín. Lần nào về quê cũng cùng mấy anh em ra chợ la cà bên những hàng quán nhâm nhi hay đi chợ Thuận chỉ để mua về nấu nướng mấy món ăn dân dã quê kiểng mà phồn hoa khó kiếm ra, đôi khi để nếm trải chút hương vị xưa cũ. Nhiều lúc nỗi nhớ thăm thẳm trong tâm tưởng khi ở đất khách quê người thế nên mấy năm trước, ngôi chợ được xây mới khang trang rộng rãi hơn, cách chợ cũ mấy trăm mét, tôi lại “lẫy” không chịu ra chợ. Có lai rai thì chỉ ngồi góc quán xiêu vẹo bên chợ cũ. Chẳng phải gì hết, mình chỉ sợ mất đi những gì của quá khứ, của kỷ niệm mà kỷ niệm thì riêng có và gắn chặt với những gì cụ thể.

Ông anh con ông bác, Bí thư xã Triệu Thuận nằng nặc kéo tôi ra chợ mới cho bằng được. Đi cho biết… Rồi hãy hay. Ông động viên: “Hiện nay, chợ Thuận vẫn là chợ trung tâm của khu vực tây bắc huyện Triệu Phong hoạt động giao thương cho 4 xã Triệu Đại, Triệu Thuận, Triệu Long, Triệu Hòa. Mà huyện Triệu Phong là một huyện mạnh về nông nghiệp. Chợ nông thôn luôn giữ vai trò quan trọng trong đời sống của nhân dân, là nơi để tiêu thụ sản phẩm nông sản, trao đổi hàng hóa. Vì thế khi bắt tay vào việc triển khai Chương trình nông thôn mới, huyện Triệu Phong phải tập trung đầu tư, xây dựng chợ mới nhằm thay đổi bộ mặt nông thôn. Nó cũng là một trong 19 tiêu chí xét duyệt của Chương trình nông thôn mới” - ông anh nói theo kiểu của một cán bộ xã giải thích cho người dân. Tôi hiểu, cuộc sống luôn phải tiến về phía trước một cách lừng lững. Đời sống của nhân dân phải thay đổi mà thay đổi đầu tiên chính là từ cái chợ. Người ta hay nói, khi đến một xứ lạ, muốn tìm hiểu văn hóa, văn minh của nơi đó đầu tiên là phải đến chợ. Chợ Thuận bây giờ khang trang hơn xưa rất nhiều, không còn cảnh buôn bán lấn ra ngoài đường chắn cả lối đi, không còn cảnh mưa dột lầy lội nhớp nháp mà văn minh nề nếp sạch sẽ. Bên trong chợ được phân bố những khu vực chức năng rất hợp lý. Các lều quán tạm bợ xiêu vẹo xưa kia được thay thế bằng những gian hàng xây dựng kiên cố, không gian mở rộng. Tôi không còn cực đoan theo cái kiểu ôm khư khư cái hồn xưa cũ. Lòng đã thấy xốn xang hơn. Đã bắt đầu biết yêu quý sự thay đổi của một miền quê thơm thảo.

Thế đấy, mừng cho sự thay đổi. Chân thành. Nhưng lòng vẫn cứ bâng khuâng, u hoài về nơi xưa cũ, biết làm sao được những ngậm ngùi. “Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng/ Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu”(Hoài Khanh) là tâm tưởng tôi đó quê ơi!

H.S.B


Hồ Sĩ Bình
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 277 tháng 10/2017

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

19/04

25° - 27°

Mưa

20/04

24° - 26°

Mưa

21/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground