Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Sông nước Hiền Lương

Cả hai lần tôi đều bị tuột mất cơ hội chiêm ngưỡng cầu Hiền Lương, sông Bến Hải khi đi “B”, tôi theo đường rừng Trường Sơn. Năm 1976 đơn vị hành quân ra Bắc. Lần đầu tiên qua cầu Hiền Lương nhưng vào ban đêm, xe không dừng lại. Lần thứ hai vào tháng 8 - 2011, đoàn cựu chiến binh huyện Lục Ngạn về thăm chiến trường xưa, xe qua cầu lúc sẩm tối, đoàn phải khẩn trương đến Đông Hà để ổn định nơi ăn nghỉ. Khi về, sau khi viếng nghĩa trang Trường Sơn lại theo đường mòn Hồ Chí Minh rông thẳng ra Bắc. Bởi vậy trong chuyến đi này, biết trước lộ trình, tôi hồi hộp mong đợi ngay khi xe chuyển bánh từ Đồng Hới. Cuối cùng điều ao ước bấy lâu nay đã dần hiện ra. Khi lá cờ chủ quyền của đất nước cứ lớn dần trong tầm mắt, lớn dần cả tiếng phần phật tung bay trong không gian bao la lồng lộng gió ngàn...

Ôi, Hiền Lương Bến Hải đây ư? Một cảm giác ngọt ngào trào dâng khiến tôi dầng dậng trong khóe mắt. Thật ra khát vọng của tôi cũng đâu phải là quá lớn. Với ai đó thiếu gì cơ hội, chỉ cần có công việc vào Nam ra Bắc, hoặc bỏ hẳn vài ngày đi du lịch là có thể toại nguyện. Vậy mà với tôi, nó đến ở cái tuổi 60 với cảm xúc vẫn tinh khôi như thời trai trẻ lên đường cầm súng. Cái xúc cảm được ươm mầm gieo hạt từ những trang sách vở và những sự kiện ngoài đời, những chấm đỏ mà tôi đã liên kết, lưu giữ từ thuở học trò xa lắc xa lơ. Nhiều lúc tôi ngạc nhiên với chính mình, sao lại nặng lòng với Hiền Lương Bến Hải đến vậy? Về địa lí, quê tôi, vùng phên giậu phía Bắc cách nơi đó đến nửa chiều dài đất nước. Hơn nữa khi dòng sông trở thành giới tuyến lịch sử tôi mới cất tiếng chào đời. Gia đình tôi cũng không có họ hàng người thân ở đó, vậy mà...

Ký ức đến với một cậu bé sáu, bảy tuổi như tôi bắt đầu từ những câu ca thường ngày mà mẹ tôi cùng các cô hàng xóm thường hát lúc ngồi khâu nón. “Bên ven bờ Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về, mắt đượm tình quê...”Khi đó tôi chưa hiểu lời, nhưng dám cho rằng đấy là bài hát hay nhất trên đời. Chả thế mà một hôm thấy mẹ tôi nghe hát và rớm lệ. Tôi hỏi, mẹ bảo tối qua đi xem phim về, thương cô dâu chú rể quá đến nỗi không ngủ được. Đó là phim Chung một dòng sông - đứa con đầu lòng của điện ảnh Việt Nam về Hiền Lương Bến Hải.

Năm 1960 tôi bắt đầu đi học. “Miền Nam” với tôi lúc ấy thiêng liêng một cách trìu tượng. Các bài học thuộc lòng thường có những câu “Hiền Lương chung bến chung dòng/ Sao cho Nam Bắc ngoài trong đi về/ Chị ra Hà Nội vui quê/ Bến Tre Bà Rịa ta về thăm anh”. Hay “Tiễn con ra tận bến tàu/ Đưa con một gói đất nâu...” Tôi nhớ thầy Thược chủ nhiệm, giờ học thầy treo tấm bản đồ lên bảng, loại bản đồ đơn giản làm dụng cụ trực quan cho học sinh cấp I. Trên đó chỉ có các đường phân giới tỉnh nét to bằng chiếc đũa và hình tượng minh họa. Hà Nội có chùa Một Cột, Quảng Ninh có than kíp lê, Huế có Ngọ Môn, Bình Định có quả dừa... Thầy chỉ vào vạch đỏ đậm ở Quảng Trị: - Các em ạ, đây là vĩ tuyến 17 có cầu Hiền Lương làm ranh giới tạm thời, từ nhà thầy nhìn ra biển Cửa Tùng ngắm bình minh thì đẹp lắm. Nước ta hình chữ S từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái. Chúng ta đang ở miền Bắc, miền Nam đang có giặc, chúng đang cố tình chia cắt lâu dài Tổ quốc ta. - Mà giặc là ai vậy thầy? - Là kẻ đốt nhà, giết người như thằng Tây, thằng Nhật trong phim ấy. Các em phải học cho giỏi để sau này đi giải phóng miền Nam. Bỗng một hôm mắt thầy đỏ hoe, mọi người bảo thầy mới nhận được thư nhà, báo tin em trai là cán bộ cách mạng bị sát hại trong vụ hạ độc cùng hơn 1.000 người ở nhà tù Phú Lợi. Dịp ấy nhà trường cùng địa phương mít tinh rầm rộ hai ngày liền, hô vang khẩu hiệu “Đả đảo Mỹ - Diệm dã man. Trả thù cho đồng bào miền Nam!” Các phong trào “nghìn việc tốt” được phát động, chúng tôi hăng hái đi nhặt giấy vụn, mảnh trai, thóc rơi… Tất cả được chuyển hóa thành quỹ ủng hộ thiếu nhi miền Nam. Rồi thầy Thược tự nhiên vắng bóng. Người ta bảo thầy xin tái ngũ (thầy là bộ đội tập kết) để về quê chiến đấu. Hôm ấy cả lớp, nhất là bọn con gái, khóc như mưa, làm cô giáo mới đến thay thầy Thược cũng rớm lệ và buổi học bị bỏ dở...

Chiến tranh phá hoại của Mỹ ra miền Bắc càng làm tròn vành cái nhìn của chúng tôi với thời cuộc, ý thức được sứ mạng với lịch sử của thế hệ mình. Dư âm bài học Điện Biên Phủ của lớp cha anh như vừa mới hôm qua, lần lượt các trang lịch sử gối nhau tới 4.000 năm, tiền nhân, tiền lệ đã có từ xa xưa lắm rồi. “Ta cùng các ngươi sinh ra phải thời loạn lạc. Trông thấy giặc đi nghênh ngang ngoài đường uốn lưỡi cú diều....” Trong tất cả cái chung ấy tôi đã chọn lọc được những niềm riêng khiến tôi nặng lòng với Hiền Lương. Năm 1972 bộ phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” lưu hành. Một cảnh trong phim đã ám ảnh tôi suốt ngay cả khi đã trở thành người lính, mỗi lúc nhớ lại còn thấy xót xa... Một chiến sỹ cảnh vệ đi tuần tra bờ Nam cùng tên trung úy cảnh sát Ngụy (theo lịch công tác của Hiệp định Giơ-ne-vơ), anh gặp vợ con đang vá lưới mà không dám nhận. Khi về anh mới thổ lộ với đồng sự: “Hôm nay gặp hai mẹ con, vợ mình gầy nhưng cứng rắn hơn nhiều, con mình rất thông minh nhưng không được đi học”, giọng miền Trung của anh ấm áp đến nao lòng. Bất giác tôi liên tưởng, suy diễn mơ hồ rằng đấy là thầy Thược! Và mong muốn đến đau đớn được thấy cảnh gia đình thầy đoàn tụ trên quê hương cát trắng Cửa Tùng, giữa đất trời giải phóng. Rồi một lần trong sách tham khảo môn văn tôi đọc được vài lá thư rút từ tuyển tập “Từ tuyến đầu Tổ quốc”, có cả lá thư của thầy Thược hôm nào. Dưới thời Mỹ - Diệm, những lá thư được chuyển ra Bắc nhiều lúc bằng đường máu trong khi bản thân nó cũng đẫm máu và nước mắt rồi. Đó là những lời cầu cứu, kêu gọi trả thù của thân nhân cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết cho những người bị tra tấn dưới mọi hình thức giết người man rợ nhất...

Cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày càng sôi sục. Bẵng đi lâu lâu không ai hát bài về Hiền Lương nữa. Người ta bảo bài hát hay nhưng trầm buồn, không hợp với khí thế của cả nước đang động viên thanh niên ra tiền tuyến nên tạm thời không khuyến khích. Nhưng lời ca tha thiết đầy ám ảnh ấy mãi vang trong tôi. Tôi đã mang lời ca ấy vào từng trận đánh. Năm 1973, bộ phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” được công chiếu rộng rãi, còn được dự Liên hoan phim quốc tế nữa. Tôi bước vào tuổi trưởng thành, bộ phim là tư liệu cuối cùng về ký ức Hiền Lương trong bộ sưu tập trước khi lên đường cầm súng. Trên đường hành quân, đứng trên đỉnh Trường Sơn, phóng tầm mắt nhìn xuống đồng bằng tôi cố ý tìm xem đâu là cầu Hiền Lương, rồi nói một câu xanh rờn: “Ngày về chúng ta sẽ ngồi xe từ Sài Gòn qua cầu Hiền Lương ra Hà Nội” (thực ra khi ấy đôi bờ đã thuộc về ta, chỉ có cầu bị sập từ năm 1967 chưa bắc lại). Anh em nhìn tôi cười “lạc quan tếu nhỉ”. Mặc, tôi tin chắc là như thế, và quả thật, ba năm sau...

Non sông đã về một dải, cầu liền nhịp, bến chung dòng. Đồng nghĩa với nó đương nhiên là đời sống vật chất, tinh thần nâng lên rõ rệt như ta hằng mong đợi. Hiền Lương hôm nay cũng thay da đổi thịt rồi. Cuộc sống thời hiện đại vừa hùng hậu, ào ạt, vừa chứa cả nét xô bồ. Những chuyến xe trọng tải lớn ních đầy lợi nhuận, lặc lè lăn bánh qua cầu ngày càng nhiều hơn, hối hả với đôi bờ sông nước... Nhưng cũng còn nhiều những đoàn xe coi đây là điểm hẹn, trịnh trọng vào bến đậu bên cột cờ thiêng liêng hồn nước. Những đoàn người tỏa xuống hành lễ, tham quan, tìm lại dấu chân ngày tập kết đã sáu chục năm trường. Một trong số đó chính là đoàn chúng tôi hôm nay. Một ngày đầu xuân nắng đẹp, đoàn cựu chiến binh ba chiến dịch lịch sử với đủ sắc màu của các quân binh chủng, các mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng LLVT đã hiện diện. Chúng tôi được vỡ vạc, mở mang ra những trang mới mẻ. Hóa ra còn nhiều điều ta chưa có dịp biết về nơi từng diễn ra các cuộc đấu trí đấu lực triền miên, điển hình là cuộc chiến “đấu loa, chọi cờ”. Nghe kể nửa cầu phía Nam địch luôn làm khác màu, nhưng chỉ hôm sau ta lại sơn nốt nửa cầu phía Bắc cho đồng màu, thể hiện ý chí thống nhất. Còn loa phóng thanh cả hai bên đều chạy đua công suất, địch dùng loa Tây Đức huênh hoang “nói vỡ kính, vọng tới Quảng Bình”. Ta dùng loa đường kính 1,7m do Liên Xô giúp, thêm đường điện cao thế 6 KVA và trạm cao tần cho cả hệ thống loa đến 7.000W. Loa địch không thể vọng tới Quảng Bình, còn loa của ta thì đồng bào tận Cửa Việt có thể nghe rõ tiếng nói của miền Bắc thân yêu. Cũng nhờ vậy mà đồng bào bờ Nam thường được xem văn nghệ biểu diễn ngay trên bờ Bắc.

Gay go và quyết liệt nhất là chuyện “chọi cờ”, đó là danh dự, chủ quyền, là niềm tin cho đồng bào miền Nam hướng về Đảng và Bác Hồ. Từ cột phi lao 12m đến cột gỗ 18m, cột thép 34m đến 38m, cờ với diện tích lớn nhất là 134m2, nặng 15 kg. Để luôn có lá cờ cao hơn của địch ta đã phải thay gần 300 lá cờ, ứng với 300 trận đánh. Cùng với sự hy sinh lớn lao, cả công sức lẫn xương máu của hàng chục quân dân đôi bờ, các chiến sỹ cảnh sát, đặc biệt có những tấm gương như mẹ Ngô Thị Diệm, bác Nguyễn Đức Lãng đã không quản ngày đêm may vá cờ, nhiều khi bằng cả những chiếc khăn quàng đỏ do các em thiếu niên hiến tặng. Tất cả vì sự tung bay của lá cờ Tổ quốc ròng rã mười mấy năm trời dưới làn mưa bom bão đạn và những âm mưu quỷ quyệt của kẻ thù. Các dấu ấn một thời còn đó, đã và đang được tôn tạo, nâng cấp làm di tích lịch sử - làm bài học cho thế hệ mai sau: Đồn công an giới tuyến; Nhà liên hợp; Kỳ đài bờ Bắc; Tượng đài khát vọng thống nhất bờ Nam. Ký ức một thời nơi tuyến đầu Tổ quốc, hồng cầu của cơ thể Việt Nam đã dồn cả về đây, tất cả vì sự liền nhịp của cây cầu, nối hai bờ hạnh phúc hôm nay.

Tôi đang đứng trên chiếc cầu gỗ đã thành chứng tích bảo tàng. Song song với nó là cây cầu bê tông hiện đại đang tấp nập người và xe cộ. Bên dưới có dòng nước trong xanh hiền hòa chảy ra từ các khe lạch đầu nguồn dãy Trường Sơn kỳ vĩ. Ngày đêm nó cần mẫn mang những hạt phù sa bồi đắp cho bãi biển. Dòng nước êm ả, bâng khuâng đầy ắp tâm sự về số phận của mình, của những dòng sông khúc ruột miền Trung, đã ngắn và dốc, lại hay phải chịu cảnh chia cắt, phân ly. Tôi phóng tầm mắt ra xa, nơi ấy là Cửa Tùng. Mặt nước lấp loáng ánh bạc nhờ nắng dọi vào những lớp sóng lăn tăn đang vỗ nhẹ vào mạn những con thuyền nơi cửa biển. “Nước non vẫn nước non nhà”. Phong cảnh nên thơ lạ lùng. Cái vẻ trầm lặng bâng khuâng lặn xuống nhường chỗ cho vẻ xôn xao kỳ diệu nổi lên. Một vẻ xôn xao riêng biệt chỉ có ở sông nước Hiền Lương...

X.T

Xuân Thắng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 278 tháng 11/2017

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

11 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

12 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground