Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Những chuyến đò trong ký ức

Bây giờ từ quê tôi, một ngôi làng nhỏ nằm về phía tả ngạn dòng sông Thạch Hãn giáp ranh với thành phố Đông Hà đi về vùng đất bên bờ hữu ngạn đã có đến mấy ngả đường. Đi theo đường Thuận Châu, đường An Mô hay xa chút nữa là đường thị xã Quảng Trị chỉ cần chưa đến nửa tiếng đồng hồ phóng xe máy là đã có mặt ở các xã đồng bằng phía Đông nam huyện Triệu Phong. Tính từ thượng nguồn sông Thạch Hãn ra đến Cửa Việt nơi dòng sông gặp biển không chỉ có một cây cầu như trước năm 1972 mà đã có gần chục cây cầu vững chãi bắc qua sông, kèm theo đó là những tuyến tỉnh lộ liên xã rộng thênh thang nối miền quê với thành thị. Có cầu, đã không còn những chuyến đò ngang, đò dọc từ các bến đò quê Triệu Độ, Triệu Thuận, Triệu Giang, Triệu Long... theo dòng sông Thạch Hãn lên Đông Hà hay ngược lại nữa.

Dễ chừng mười năm rồi tôi mới trở lại bến đò Trà Liên Tây. Khúc sông Thạch Hãn ôm qua làng vẫn xanh ngắt đến nao lòng. Dòng chảy không đổi, sông vẫn cần mẫn đắp bồi những tốt tươi cho đôi bờ, nhưng đúng như bản chất cuộc đời, cùng thời gian không thứ gì mãi ở yên. Những bến đò ngang, đò dọc giờ biết tìm đâu trên những ngôi làng dọc dài sông quê. Lòng không tránh khỏi ngóng ngoải về quá khứ, chạnh lòng nhớ những ngày theo sông nước trên bao chuyến đò lênh đênh...

Ai đó từng viết rằng “Đất nước có nhiều dòng sông, nhưng chỉ có một dòng sông để thương để nhớ”. Tôi là đứa con của sông Hãn, ăn bát cơm con cá sông Hãn, trầm mình trong dòng nước sông Hãn để lớn lên. Nếu gạt bỏ những gì thuộc về ý chí chủ quan của một người yêu quê như máu thịt để đánh giá khách quan thì khúc sông Thạch Hãn trôi qua Trà Liên thật đẹp. Sông quê tôi cũng rộng xa một tầm cò vỗ cánh như dòng sông trong thơ của Bế Kiến Quốc. Đứng từ cầu Đại Lộc nhìn xuống sẽ thấy mặt sông tĩnh lặng xanh màu ngọc bích ôm lấy đôi bờ tre xanh um và những xóm nhà ven sông còn khá vẹn nguyên nét quê kiểng. Do sự vô tình của trời đất hay sự sắp đặt của tạo hóa, khi đi vào địa phận làng tôi, sông Thạch Hãn trở thành ranh giới tự nhiên chia cắt hình hài quê hương làm hai nửa. Bên hữu ngạn là thôn Trà Liên Đông, bên tả ngạn là thôn Trà Liên Tây. Người làng tôi quen gọi Phe (phía) Đông và Phe Tây là dựa vào quy luật chuyển động của mặt trời mọc ở hướng Đông và lặn ở hướng Tây. Phe Tây cư dân đông đúc, giao thông thuận tiện vì là vùng phụ cận thành phố Đông Hà. Phe Đông nằm xa làng chính bởi ngăn sông trở đò nên bao đời nay người dân sống quần tụ chan hòa cùng với bà con hai xã Triệu Thuận, Triệu Long, cuộc đất vốn đã eo hẹp còn phải hứng chịu nạn xâm thực nặng nề. Sông sâu bên lở bên bồi/ Bên lở thì đục bên bồi thì trong, người dân Phe Đông nhận cái quy luật bên lở về mình. Nhưng con nước lũ thì chung nhau cả đôi bờ. Trong tâm thức của con dân làng Trà Liên, sông Thạch Hãn là long mạch chủ đạo của cuộc sống. Chính dòng sông Mẹ đã tạo nên số phận của vùng đất, ảnh hưởng đến văn hóa, nếp ăn ở của cư dân đôi bờ. Cách một dòng sông mà đó thương đây nhớ, trải bao năm tháng chia cắt, dòng sông như cuống rốn nuôi níu tình đất tình người đôi bờ, người dân quê tôi tựa vào sông để gìn giữ cội nguồn quê hương qua các thế hệ.

Từ nhà tôi ra sông Thạch Hãn phải đi qua một đoạn đường chừng hơn một cây số, băng qua cánh đồng lúa và con hói cụt là ra đến bến đò. Bến đò ấy chỉ là một doi cát mỏng nhú ra lòng sông nằm cuối Phe Tây và người làng gọi luôn là bến đò Trà Liên Tây, đơn giản thế để phân biệt với bến đò Trà Liên Đông ở Phe Đông. Khúc sông quê tôi dài chừng hai cây số. Cứ cách một đoạn sông người làng tạo ra một cái bến: bến Cồn, bến Xóm Giữa, bến Xóm Côi, bến Mụ Ngưng, bến Trà Liên Tây, bến Trà Liên Đông... Trong các bến này, Trà Liên Tây và Trà Liên Đông là những bến đò, các bến còn lại là bến nước sinh hoạt chung của mỗi xóm. Bến Phe Tây và bến Phe Đông một thời tấp nập trên bến dưới thuyền, vừa là bến đò ngang vận chuyển người và nông sản qua về giữa hai làng, nối hai bờ tả, hữu sông Thạch Hãn; vừa là nơi xuất phát của những chuyến đò dọc ngược lên bến đò chợ Hôm, bến đò An Mô, bến chợ Sãi, hoặc xuôi về ngã ba Gia Độ theo dòng sông Hiếu lên Đông Hà, chợ Phiên Cam Lộ. Đặc biệt, con đường từ bến đò Trà Liên Đông là một trong những “con đường nguyên thủy” đưa người dân ở những miền quê thuần nông phía nam Triệu Phong qua sông làm quen với đời sống phố thị và mang âm sắc phố thị về làng quê hẻo lánh.

Tôi ngồi trên bến đò nhìn ra mặt sông, thấy từng lớp sóng dồn đuổi vô hồi vào bờ bãi, ngỡ đó là lớp sóng lịch sử tràn về. Thử quay ngược bánh xe thời gian ta sẽ gặp những chuyến đò chở vận nước trên vùng sông nước Trà Liên này. Lùi về 45 năm trước gặp sông Thạch Hãn bi tráng trong mùa hè đỏ lửa 1972, bến đò Trà Liên ngày đêm rầm rập những chuyến đò ngang vượt mưa bom bão đạn đưa bộ đội qua sông vào mặt trận Thành Cổ. Và đâu đó còn âm vang dấu chân đoàn thuyền của chúa Tiên Nguyễn Hoàng từ Cửa Việt lên, dừng chân ở vùng đất Ái Tử - Trà Bát (Trà Liên ngày nay) lập dinh trấn trong buổi đầu mở mang cơ nghiệp về phương Nam. Lúc bấy giờ, xứ Trà Liên có bến Ghềnh đã được sử sách nhắc đến như một thương cảng đô hội nhất xứ Đàng Trong, tàu thuyền ngoại quốc từ Cửa Việt đến đây buôn bán tấp nập.

Gợi lại ký ức của sông để thấy trầm tích sâu dày của một khúc sông nhỏ trong 170 dặm dằng dặc Hãn Giang. Mỗi giai đoạn lịch sử sông quê tôi có một câu chuyện riêng gắn với số phận của vùng đất, gắn với bao phận người đến rồi đi trên những chuyến đò. Phận làng soi bóng bên dòng sông nên từng bến nước, con đò đều chứa đựng nguồn cơn ký ức...

*

Người làng tôi có câu ca rằng: “Phe Đông, Phe Tây bao xa/ Cách nhau dòng nước chia ra hai làng”. Không gian ấy được tính bằng thời gian: đi một chuyến đò ngang vượt quãng sông rộng 150m. Sinh ra bên dòng sông lớn, ngày trước người làng Trà không ai là không rành rẽ đò giang. Muốn qua bên Phe Đông (hoặc Phe Tây), dân làng chỉ cần xuống bến gọi đò đưa sang bên tê. Những bến đò đã bắc một nhịp cầu nối hai bờ sông và những chuyến đò ngang là tấm lòng thương quê nhớ cội của hai miền. Vì thực ra hai bên bờ đâu cũng là quê, ai cũng có họ hàng, bà con thân thích tản mát ở bên này hay bên kia sông.

Những năm cuối của thập niên 40, dân làng chưa sống đông đúc ở hai bên tả, hữu dòng sông như bây giờ. Đường ra bến đò Trà Liên Tây thoáng đãng, đứng bên này có thể nhìn rõ đám đông lổn nhổn bên bến đò Phe Đông. Từ sáng sớm, khi những làn khói trên sông còn lơ lửng chưa thấy rõ mặt người thì hai bến đò đã đông đúc. Người đi chợ, người đi làm đồng, trẻ con đi học,... ai cũng hối hả tìm cho mình một chỗ ngồi trên khoang đò để không chậm trễ công việc. Khoang đò chật ních hàng hóa, người Phe Tây mang theo các sản vật kiếm được từ rừng sang đổi lấy những mặt hàng nông sản chỉ có ở vùng đồng bằng trù phú phía Nam. Người Phe Đông đi đò ngang qua sông để lên phố thị. Ngoài những chuyến đò ngang, một dạo còn có đò dọc đưa người làng ngược dòng sông lên chợ Hôm, chợ Sãi, chợ Tỉnh; xuôi về ngã ba Gia Độ theo nhánh sông Hiếu ghé chợ Đông Hà. Cuộc sinh tồn của xóm làng qua hàng thế kỷ lênh đênh trên ghe đò chòng chành như thế, song một thời nhờ nó mà quê tôi không bị cô lập và cuộc sống vẫn nở hoa trong những ngày khốn khó nhất.

Trên những chuyến đò ấy, con trai con gái làng tôi ngồi lẫn vào nhau, nửa lạ nửa quen, nhiều khi chỉ tình cờ chung một chuyến gặp gỡ thoáng chốc, nhiều khi làm nên duyên số trọn đời. Sông nước hữu tình, người hữu ý, biết bao nhiêu cuộc tình đã chớm nở trên khoang đò rồi nên duyên chồng vợ. Và biết bao người con của đôi bờ đã được sinh ra từ những cuộc tình duyên sông nước đẹp đẽ ấy. Trong vùng ký ức mờ loãng của mình, tôi vẫn nhớ cảnh đám cưới rước dâu qua sông. Các ghe đò cưới được giăng cờ kết hoa, có nhạc kèn tấu khúc inh ỏi. Người dân hai làng xúm xít dọc bờ sông xem mặt cô dâu chú rể, xem lễ vật nhà trai mang sang nhà gái. Bọn trẻ chúng tôi thì nghịch ngợm chạy theo góp vui bài đồng dao “Cô dâu chú rể” cho đến khi những cái lọng đỏ chót chỉ còn là những chấm nhỏ giữa vùng sông nước mênh mang.

Tôi là khách quen của bến đò quê phải chừng mười năm thơ ấu với bao nhiêu là kỷ niệm. Lên năm, sáu tuổi, đã biết ngồi ghe đò bồng bềnh trên sông Thạch Hãn theo cuộc mưu sinh của ba mạ. Đứa bé hiếu kỳ là tôi chỉ cần ngồi lên ghe là ngay lập tức thò tay ra mạn nghịch nước mặc người lớn can ngăn, la mắng. Ngày mưa gió, chiếc ghe nhỏ lao ra giữa màn mưa quánh đặc, nước tràn vào nửa lòng ghe, người lớn vơ vội can gáo tát nước, trẻ nhỏ chúng tôi ngồi im thin thít bám chặt thành ghe. Cùng chiếc ghe nhỏ, tôi rành rẽ những chỗ nông sâu của dòng Thạch Hãn. Đó là những mùa hè chống ghe ra sông đi cào chắt chắt và trầm mình trong dòng nước lũ vớt rều, củi từ thượng nguồn tấp về. Ba tôi dạy tôi biết lựa sức nước để chèo ghe cạy bát lúc nước mênh mông hay chống ghe đi vùn vụt lúc con sào đủ chạm mặt cát dưới đáy. Nghỉ hè là lúc sông cạn dòng, lũ bạn ở Phe Đông chèo ghe sang bến đón tôi về làng bên chơi. Chúng nó sắm vai hướng dẫn viên đưa tôi đi dọc bờ sông thăm Thành Cổ, nhà lưu niệm Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, nhà tưởng niệm đồng chí Trần Hữu Dực, về làng Bích Khê quê hương nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Về sau tôi mới biết, các vị ấy là những người con ưu tú của quê hương được dưỡng nuôi từ cái nôi văn hóa địa linh nhân kiệt non Mai sông Hãn.

Có nhiều kỷ niệm khi xa rồi mới nhớ nhưng tôi không bao giờ quên chuyến đò ngang sang sông một ngày mùa đông rét mướt mười năm trước. Ngày đó ông ngoại tôi qua đời. Chiếc đò nhỏ tròng trành lao đi giữa màn mưa quánh đặc đưa vong linh ông về nhà thờ họ tộc bên Phe Đông làm lễ yết cáo tổ tiên. Những bóng áo tang trắng bợt bạt, nước mắt hòa nước sông tiễn đưa ông về đất tổ, nhận mặt quê hương cứ ám ảnh mãi trong tôi cái ý niệm về dòng sông - đời người. Cuộc đời của ông cũng như bao phận đời người làng Trà gắn với phận sông. Sinh ra bên sông, bám víu vào sông, trải bao chớp bể mưa nguồn, cuối đời lại trở về “úp mặt vào sông quê”. Và như phép biện chứng ở đời, tôi vẫn nghĩ rằng, nếu không có con người thì sông chẳng thể có cuộc đời. Và đời sông cũng như đời người, đều có gốc gác, nguồn cội.

Làng tôi giờ chẳng ai lấy đò làm phương tiện qua sông như ngày trước. Những cây cầu bê tông lao dầm nối đôi bờ. Bao đau đáu về bên này, bên tê dần được thu hẹp khoảng cách. Quê hương đang ngày càng phát triển, có những cái thuộc về ngày đã qua sẽ mất đi. Câu chuyện về bến cũ, con đò đã chìm dưới đáy sông sâu, chỉ còn trong ký ức của những người gần thành xưa cũ...

C.N

Cẩm Nhung
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 279 tháng 12/2017

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

21 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

22 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground