Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Lại làm "trăm nghề biển"

Không còn hình ảnh nhiều làng biển bãi ngang im lìm, vắng lặng với những chiếc thuyền nan, thuyền thúng nằm sấp ngửa trên bãi cát nhấp nhô, ảo mờ dưới cơn mưa chiều liêu xiêu… trong sự cố ô nhiễm môi trường biển. Thay vào đó là không khí hối hả, khẩn trương của bà con ngư dân tranh thủ những ngày “trời yên, biển lặng” để đạp sóng, vươn khơi; để nhanh tay ướp cá, lọc mắm cho kịp phiên chợ sớm mai.

Làng biển hồi sinh

Ngay sau khi nhận tiền bồi thường do ảnh hưởng sự cố ô nhiễm môi trường biển, nhiều người dân vùng biển bãi ngang đã đầu tư mua sắm ngư lưới cụ, đóng mới thuyền nan, thuyền thúng để tiếp tục ra biển đánh bắt hải sản. Nhiều làng biển đang thực sự hồi sinh với “trăm nghề biển”.

Dù khá bận rộn cùng cánh thợ dựng lô, cạp be cả chục chiếc thuyền nan của bà con ngư dân vùng biển bãi ngang xã Triệu Lăng (huyện Triệu Phong), Hải An, Hải Khê (huyện Hải Lăng) đặt đóng mới, ông Mai Văn Bảo, chủ cơ sở đóng thuyền nan thôn Đông Tân An (xã Hải An, huyện Hải Lăng) vẫn dành thời gian để tiếp tôi khi tôi ghé thăm. Ông Bảo cho biết, trong sự cố ô nhiễm môi trường biển thì người dân vùng biển bãi ngang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì đánh bắt hải sản cách bờ vài hải lý thì hầu như không bán được. Mà hải sản không bán được thì ngư dân ra biển chẳng để làm gì. Như gia đình ông làm nghề đóng thuyền nan công suất khoảng 6 - 24 CV cũng bị ảnh hưởng. Trước khi sự cố ô nhiễm môi trường biển xảy ra, mỗi năm gia đình ông đóng trên 30 chiếc thuyền nan, nhưng năm 2016 chỉ đóng được 7 - 8 chiếc. Năm 2017, khi biển đang dần “hồi sinh” và nhiều ngư dân nhận được tiền đền bù đã dùng số tiền ấy để đóng thuyền nan tiếp tục ra biển. Hiện tại, cơ sở đóng thuyền nan của gia đình ông đang nhận đóng 20 chiếc thuyền nan gắn máy có công suất 10 - 24 CV với giá bình quân 20 - 30 triệu đồng/chiếc.

Các làng biển của xã Hải An như Đông Tân An, Tây Tân An, Thuận Đầu, Mỹ Thủy cũng như nhiều làng biển dọc vùng bãi ngang do đặc thù không có cửa lệch nên bà con ngư dân không thể vay vốn ngân hàng để đóng mới tàu đánh bắt xa bờ có công suất lớn. Phương tiện để ngư dân ra biển là thuyền nan. Hiện xã Hải An có ba cơ sở đóng thuyền nan như gia đình ông Bảo. Đóng một chiếc thuyền nan nếu có đầy đủ vật liệu thì chỉ mất khoảng 10 - 15 ngày. Vật liệu chính để đóng thuyền nan thường là gỗ mít, mù u, chò, kiền kiền... có thể chịu được mưa nắng, chịu sự ăn mòn của nước biển.

Mới đây, tôi lại về làng biển Thái Lai, huyện Vĩnh Linh khi từng đợt áp thấp nhiệt đới cứ liên tiếp quần thảo trên biển khiến bà con ngư dân không thể ra khơi. Khác hẳn với không khí yên lặng vốn có của làng biển, tốp thợ ở cơ sở đóng thuyền composite của anh Nguyễn Duy Thủ với nhịp độ khẩn trương hoàn thành nhiều công đoạn để cho ra đời hàng chục chiếc thuyền composite kịp bàn giao cho bà con ngư dân ra biển đánh bắt khi “trời yên, biển lặng”. Ngồi nhớ lại quãng thời gian chập chững làm quen với nghề đóng thuyền nan rồi khăn gói lặn lội vào tận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để vừa làm biển, vừa học nghề đóng thuyền composite, anh Nguyễn Duy Thủ cho rằng đời anh có duyên nghiệp với nghề đóng thuyền. Duyên nghiệp cũng là bởi từ năm 2007, khi đang là ngư dân vào lộng, ra khơi như bao trai tráng của làng biển Thái Lai thì anh gặp cánh thợ đóng thuyền nan truyền thống của xã Ngư Thủy Nam, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Những ngày cánh thợ đóng thuyền xã Ngư Thủy Nam lưu lại thôn Thái Lai, cứ rảnh rỗi là anh Thủ đến xin phụ việc vặt để tìm cơ hội học nghề. Và rồi cách học nhìn - ghi nhớ của anh đã phát huy hiệu quả với riêng anh. Sau đó không lâu, anh Thủ mua sắm vật liệu rồi tự tay đóng cho gia đình mình chiếc thuyền nan trước sự “ngỡ ngàng” của bà con trong thôn. Thấy chiếc thuyền nan anh đóng đảm bảo chất lượng lại có kiểu dáng đẹp, có độ bền cao nên nhiều ngư dân thôn Thái Lai cũng như các thôn, xã khác của huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong… tìm đến đặt anh đóng thuyền. “Nhưng rồi, nghề đóng thuyền nan truyền thống với thu nhập bấp bênh không mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình như tôi từng kỳ vọng. Năm 2014, tạm gác lại nghề đóng thuyền nan, tôi vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để làm nghề “đi bạn” trên các tàu đánh bắt xa bờ. Chính những ngày “đi bạn” ấy, cái duyên nghiệp với nghề đóng thuyền lại đến với tôi thêm lần nữa. Trong một lần nghỉ biển, tôi lang thang vào các làng chài để chơi rồi thấy bà con sử dụng thuyền bằng vật liệu composite để đánh bắt gần bờ. Máu nghề nghiệp nổi lên, tôi liền dò hỏi rồi tìm đến cơ sở đóng thuyền composite. Sau đó, tôi lại tiếp tục cách học nghề khá lạ của riêng mình là nhìn - ghi nhớ. Đến cuối năm 2014, tôi trở về quê hương với hành trang mang theo là những kiến thức khá vững vàng về công nghệ đóng thuyền bằng vật liệu composite”, anh Thủ nhớ lại.

Anh Thủ giải thích cặn kẽ cho tôi hiểu công năng của vật liệu composite. Theo anh thì vật liệu composite là loại vật liệu được tổng hợp từ nhiều vật liệu khác nhau tạo nên vật liệu mới có tính năng vượt trội hơn vật liệu ban đầu. Vật liệu composite kế thừa những ưu điểm của vật liệu nhựa thông thường và cả của kim loại như có tính chất dẻo dai, rất dễ pha màu và đóng khuôn trong tạo hình. Vật liệu composite rất bền màu và chống chịu đặc biệt tốt với chất ăn mòn, oxy hóa nên được ứng dụng nhiều trong ngành công nghiệp hóa chất dùng làm bồn đựng hóa chất, bọc bể chống ăn mòn, đồ gia dụng, ống nước, mái che… Vật liệu composite rất nhẹ (chỉ bằng 40% so với nhôm nếu cùng thể tích). Chính ưu điểm này nên gần đây, vật liệu composite được sử dụng để thay thế kim loại trong các sản phẩm của ngành cơ khí, chế tạo máy, đóng tàu, thuyền...

Khi đã nắm được công nghệ, anh Thủ bắt đầu đầu tư vốn để mở cơ sở đóng thuyền composite. Thuyền composite với những ưu điểm sử dụng rất ít nguyên liệu là gỗ, ván, tre già… nên thân thiện với môi trường; thuyền composite thường nhẹ hơn thuyền nan truyền thống nên khi gắn động cơ thì thuyền sẽ có vận tốc cao gấp nhiều lần. Giá mỗi chiếc thuyền composite cũng tương đương với thuyền nan truyền thống đó là khoảng 20 - 25 triệu đồng/chiếc, nhưng thời gian sử dụng gấp đôi thường là từ 10 - 15 năm. Khách hàng từ nhiều vùng miền bắt đầu tìm đến cơ sở sản xuất thuyền composite của anh để đặt hàng.

Công việc làm ăn của anh Thủ đang thuận lợi thì đến năm 2016 sự cố môi trường biển xảy ra. Khách hàng đóng thuyền composite giảm dần rồi hầu như không còn ai đến đặt hàng. Không riêng gì nghề đóng thuyền composite mà nhiều nghề khác như lặn biển, đánh bắt hải sản… tại xã Vĩnh Thái đều phủ gam màu hiu hắt, ảm đạm. Cánh thợ lặn thì phiêu bạt ra tận tỉnh Nghệ An, vào thành phố Đà Nẵng, Quảng Ngãi để tiếp tục làm nghề lặn biển kiếm tiền gửi về cho vợ con. Nhiều ngư dân xã Vĩnh Thái lâu nay quen với sóng gió biển khơi đành ngậm ngùi lên bờ nuôi lợn, nuôi gà, trồng rau màu… chờ ngày biển “sạch”. Mà ngư dân lên bờ làm nông nghiệp nên lóng ngóng là chuyện đương nhiên. Rồi biển dần hồi sinh trở lại, “mối tình” giữa ngư dân với biển khơi dẫu bây giờ còn chút “tổn thương” nhưng đã bình yên hơn. Bằng chứng là ngư dân bãi ngang xã Vĩnh Thái cũng như nhiều vùng miền khác lại ra biển đánh bắt hải sản. Mà khi bà con ngư dân ra biển, thì nghề đóng thuyền composite của gia đình anh Thủ cũng phục hồi trở lại. Đầu năm 2017 đến nay, cơ sở đóng thuyền composite của anh nhận đóng mới hàng chục chiếc cho bà con ngư dân xã Vĩnh Thái, Vĩnh Thạch, thị trấn Cửa Tùng, Trung Giang, Gio Hải… “Bây giờ, tôi lại sống được bằng chính cái nghề đóng thuyền đã thành duyên nghiệp với đời tôi”, anh Thủ tâm sự.

Vẫn đậm đà hương vị biển khơi

Nhiều làng nghề làm nước mắm đang hồi sinh sau sự cố ô nhiễm môi trường biển cứ ngỡ mất nghề vì nước mắm làm ra chỉ bán được cầm chừng hoặc không bán được. Những ngày này, đến làng Thái Lai (xã Vĩnh Thái), An Đức 1, An Đức 2 (thị trấn Cửa Tùng), Xuân Ngọc (xã Gio Việt), khu phố 3 (thị trấn Cửa Việt), Mỹ Thủy (huyện Hải Lăng), Gia Đẳng (huyện Triệu Phong)… đâu đâu cũng thoang thoảng hương vị đặc trưng của nước mắm.

Tâm huyết với thứ gia vị không thể thiếu của người Việt được tinh luyện từ cá, muối và am tường lịch sử hình thành cũng như sự thăng trầm của làng nghề làm nước mắm Mỹ Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Hải An Nguyễn Công Tuấn phấn chấn cho biết, làng nghề nước mắm Mỹ Thủy hình thành cách đây hơn 500 năm. Nước mắm Mỹ Thủy từ lâu đã nức tiếng bởi chất lượng cũng như hương vị đặc trưng có màu vàng cam, có mùi thơm, vị ngọt dịu nhẹ được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Năm 2014, UBND tỉnh ra Quyết định công nhận làng nghề làm nước mắm Mỹ Thủy là làng nghề truyền thống với sản lượng bình quân mỗi năm đạt từ 600.000 - 700.000 lít, mang lại giá trị sản xuất trên 2 tỷ đồng. Trong quá trình phát triển, làng nghề làm nước mắm Mỹ Thủy có thời điểm có trên 300 cơ sở chế biến nước mắm. Hiện tại, làng nghề có 71 cơ sở và 2 tổ hợp tác chế biến nước mắm thu hút 128 lao động địa phương. Trong năm 2016 khi sự cố ô nhiễm môi trường biển xảy ra, làng nghề làm nước mắm thực sự gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. Nhiều cơ sở chế biến chỉ hoạt động khoảng 50% công suất nhưng sản phẩm làm ra phải bán với giá rẻ hoặc không tiêu thụ được. Đầu năm 2017 đến nay, cùng với nghề đánh bắt, làng nghề làm nước mắm đang “sống lại” cũng như đang phát triển từng ngày.

Đến thăm cơ sở nước mắm Thanh Thủy và trực tiếp chứng kiến quy trình làm nước mắm mới thấu hiểu cái nghề, cái nghiệp, niềm đam mê, nhiệt huyết và cả những trăn trở của người làm ra giọt nước mắm đậm đà hương vị biển khơi. Ông Phan Thanh Bẩu, chủ cơ sở nước mắm Thanh Thủy giới thiệu cặn kẽ về quy trình ướp cá cũng như tinh luyện ra giọt nước mắm ngon. Theo ông Bẩu thì mặc dù là nghề sản xuất truyền thống nhưng thực ra làm nước mắm cũng thật công phu, phải tính toán tỉ mỉ từng khâu. Bắt đầu từ chọn lựa nguyên liệu cho đến khi ra thành phẩm là giọt nước mắm thơm ngon đến tê lưỡi. Nguyên liệu chính mà người dân làng Mỹ Thủy thường dùng làm nước mắm là cá nục, duội, cơm than… Khi đã chọn được nguyên liệu là đến khâu ướp cá với muối, tùy theo từng loại cá để có tỷ lệ ướp nhất định. Như đối với cá duội, cơm than thì cứ 1 kg muối trộn đều với 5 - 6 kg cá cá nục thì tỷ lệ là 1 kg muối trộn với 3 - 4 kg cá. Trong quy trình làm mắm thì khâu trộn cá là khâu quan trọng nhất và tỷ lệ cá - muối phải đảm bảo không quá mặn hoặc quá nhạt. Nếu ướp mặn thì cá sẽ chậm thủy phân, khi cho ra thành phẩm là nước mắm sẽ không ngon; ngược lại, nếu quá nhạt thì nước mắm sẽ nhanh hỏng và đổi màu. Cá sau khi ướp muối sẽ cho vào lu, bể trên mặt rãi thêm một lớp muối dày sau đó lèn chặt để cá mau chín và đảm bảo vệ sinh. Cứ ủ cá ướp muối trong khoảng thời gian từ 7 tháng đến 1 năm thì cá chín là đến công đoạn mang ra lọc thành nước mắm. Mỗi năm gia đình ông Bẩu sản xuất bình quân trên 2.000 lít nước mắm. Sản phẩm nước mắm của cơ sở Thanh Thủy được bán cho khách hàng không chỉ trong huyện Hải Lăng mà nhiều huyện, thị xã khác trên địa bàn tỉnh. Nhiều khách hàng ở TP. Hồ Chí Minh biết tiếng nước mắm Mỹ Thủy thơm ngon nên gọi điện thoại đặt mua thường xuyên. Năm 2016, các cơ sở sản xuất nước mắm Mỹ Thủy giảm sút số lượng do tâm lý e ngại của người tiêu dùng sau sự cố ô nhiễm môi trường biển. “Giờ thì khách hàng đã yên tâm trở lại sử dụng nước mắm Mỹ Thủy. Được sống tiếp với nghề làm nước mắm truyền thống, người dân làm nghề như gia đình tôi vui mừng không thể nói thành lời”, ông Bẩu vui vẻ nói.

Cũng chế biến, tinh luyện nước mắm thơm ngon không kém nước mắm làng Mỹ Thủy, làng nghề làm nước mắm Gia Đẳng có lịch sử phát triển từ lâu đời. Trải qua bao biến động, thăng trầm, nhiều người dân vẫn gắn bó với nghề làm nước mắm. Anh Lê Thùy Linh, Trưởng thôn 1, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong cho biết, hiện thôn 1 có 30 hộ gia đình và 3 cơ sở chế biến nước mắm. Bình quân hàng năm người dân thôn 1 đưa ra thị trường tiêu thụ trên 600.000 lít nước mắm. Nước mắm làng Gia Đẳng được làm theo phương pháp truyền thống nên thường có màu cánh gián, thơm ngon chứ không nồng nặc và khi nếm thấy được vị mặn nơi đầu lưỡi, để lại vị ngọt thanh nơi cổ họng.

Những năm trở lại đây, người làm nước mắm Gia Đẳng hiểu được sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường nên đã chủ động tìm cách cải thiện chất lượng sản phẩm, thay đổi mẫu mã bao bì và chú trọng hơn đến thị trường. Và rồi nước mắm Gia Đẳng dần lấy lại vị thế với người tiêu dùng. Nhiều khách hàng đã tiếp tục sử dụng nước mắm Gia Đẳng trong bữa cơm hàng ngày. Đó là niềm vui lớn của người làm nghề sản xuất nước mắm khi được tiếp tục duy trì nghề truyền thống của quê hương. Niềm vui của người dân làng nghề làm nước mắm truyền thống Mỹ Thủy, Gia Đẳng cũng là niềm vui chung của người dân ở các làng nghề dọc theo vùng biển bãi ngang mà tôi có dịp đi qua.

H.T.S

Hoàng Tiến Sĩ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 280 tháng 01/2018

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground