Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Vĩnh Kim ngày mới

Xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Linh là nơi đầu tiên được Bác Hồ tặng nguyên một chiếc máy cày giữa những ngày đất nước còn chia cắt. Đây là quê hương suốt một thời gian dài trong chế độ thực dân phong kiến và giai đoạn cơ chế bao cấp thâm niên đói khổ, quanh năm khoai sắn thay cơm. Gốc xuất xứ cụm từ “cơm bữa diếp” là ở xã Vĩnh Kim, sự nghèo đói của xứ sở này đã từng hằn sâu trong những câu ca buồn: “Áo rách chi lắm áo ơi!/ Áo vá trăm cợp làm nơi rận nằm”, “Môn khoai năm tháng đỡ đần/ Chột môn thay cá, sắn tàu thay cơm”.

Sự đói khổ của xã Vĩnh Kim được Bác Hồ biết đến. Mặt trăng, mặt trời vẫn không soi thấu từng bữa ăn kham khổ trong mỗi gia đình nhà tranh vách đất, thế nhưng Đảng và Bác Hồ đã soi thấu, cảm thông, chia sẻ, động viên. Lần đoàn cán bộ Khu vực Vĩnh Linh ra Hà Nội họp ngày 16 tháng 4 năm 1959, giữa hội trường đông người, Bác Hồ bỗng gọi to: “Chú Toàn Vĩnh Linh có đây chưa?”, khiến cả hội trường bỡ ngỡ. Đồng chí Phan Văn Toàn, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Kim lần ấy vinh dự ra Hà Nội họp và được gặp Bác. Biết Vĩnh Kim là địa phương khó nghèo, nhân dân phải ăn cơm bữa diếp, Bác thân mật dặn dò: “Các chú phải tích cực trồng màu, nhất là khoai sắn, lúa ít phải có màu, hai chân đó cho thật vững vàng…”. Bác còn khuyên bảo: “Nhưng mọi việc phải dân chủ, đừng làm một mình Bí thư mà sai đấy. Chú về nói với bà con Bác khỏe. Đồng bào đồng chí cố gắng thêm nữa để Bác khỏe thêm”. Trong lòng Bác vẫn canh cánh về vùng quê Vĩnh Kim đang đói khổ mà vẫn khát khao vươn tới, là xã có phong trào hợp tác hóa điển hình của nông thôn miền Bắc. Chính vì thế mà Bác đã tặng xã Vĩnh Kim chiếc máy cày hiệu ZTO-25 của nước bạn Tiệp Khắc tặng Bác trong chuyến đi thăm 12 nước Xã hội chủ nghĩa anh em vào năm 1957. Xã Vĩnh Kim tổ chức buổi lễ đón nhận chiếc máy cày long trọng trên một vùng đất rộng ở xóm Thủy Trung, có lễ đài, cờ hoa, biểu ngữ trang nghiêm. Lãnh đạo Khu vực Vĩnh Linh, khách các nơi được mời về dự cùng chung vui với cán bộ, nhân dân Vĩnh Kim nói riêng và khu vực Vĩnh Linh nói chung. Đặc biệt, hai vợ chồng đại sứ Tiệp Khắc tại Hà Nội cũng đến để chứng kiến lễ bàn giao máy cày của Bác tặng cho xã Vĩnh Kim.

Hồi đó, ông Nguyễn Đức Đồng là đoàn viên ưu tú được xã chọn đi học lái máy để về lái chiếc máy cày đặc biệt đó. Và chiếc máy cày Người tặng đã cùng ông Đồng khai phá hết vùng đất này đến vùng đất khác trên mọi địa hình hoang hóa án ngữ lâu đời như Cây Sui, Cồn Hôi, Đuôi Tôm, Cố Bộ… mở ra những vùng đồi đất đỏ xanh mướt chè, tiêu, mít cùng với những triền đồi khoai sắn rộng dài ngút mắt, lòng dân hân hoan, phấn chấn. Chiếc máy cày màu đỏ đã đồng cam cộng khổ với người dân trong suốt cuộc hành trình vượt mọi khó khăn gian khổ đi lên, tạo luồng sinh khí mới trong nếp nghĩ, tầm nhìn của cán bộ và nhân dân địa phương. Ân đức của Người như nắng ấm mùa xuân gọi mầm xanh bật dậy. Hiện nay, chiếc máy cày Bác Hồ tặng Vĩnh Kim được tu sửa, trưng bày tại bảo tàng của xã, trở thành báu vật thiêng liêng vô giá gìn giữ cho muôn đời sau. Trong phong trào xây dựng nông thôn giai đoạn có chiến tranh leo thang phá hoại của đế quốc Mỹ, Vĩnh Kim trở thành điển hình của nông thôn miền Bắc, được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Vĩnh Kim còn là một trong những địa chỉ bảo vệ và phục vụ Đại đội 22 anh hùng của lực lượng vũ trang Vĩnh Linh, được Đảng, Nhà nước ghi nhận, phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Quê hương hai danh hiệu Anh hùng là động lực thúc đẩy sự chuyển mình mạnh mẽ của Vĩnh Kim trong sự đi lên cùng tỉnh nhà. Ngày xưa, Vĩnh Kim có 12 thôn nằm trong làng lớn Thủy Cần. Nhắc đến Vĩnh Kim, cả huyện, cả tỉnh ai cũng biết là quê hương có người con gái Nguyễn Thị Thỏn anh dũng hy sinh, thổi bùng lên ngọn lửa Thủy Cần nổi tiếng thời kháng Pháp với những địa danh đi vào lịch sử địa phương: xóm Roọc, xóm Tây, Hương Bắc, Hương Nam, Thủy Trung, Thủy Nam,… Vùng quê nghèo nhẫn nại đi lên, âm thầm vượt qua gian khổ để mong một ngày mai thay đổi cuộc đời, không còn cảnh “cơm bữa diếp” như một gông cùm vô hình trói buộc, trùm lên khắp làng quê.

Tôi trở lại Vĩnh Kim để chứng kiến những đổi thay to lớn diễn ra trên mảnh đất ẩn chứa bao câu chuyện lịch sử thăng trầm. Cái đọng lại trên mảnh đất này là tình người gắn bó, sự đoàn kết keo sơn như tấm lòng thủy chung với Đảng, với Bác Hồ. Vĩnh Kim hôm nay đã không còn sót lại dấu vết cơ cực ngày xưa với những nếp nhà tranh hun hút gió lùa bên những lối đi ngập ngụa bùn đất. Tất cả đã thay đổi như một bức tranh mới, tươi rói. Đây là xã đầu tiên ở tỉnh Quảng Trị về đích thực hiện đề án quốc gia xây dựng nông thôn mới. Để có được thành quả ấy, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Kim phải trải qua bao trăn trở, phải có những quyết sách phù hợp với thực tế của địa phương và được dân đồng tình hưởng ứng mới thành công trọn vẹn. Cuộc sinh nở nào cũng phải vật vã, phải có những đắng cay, đau đớn quặn mình. Những câu chuyện buồn ngày trước ở Vĩnh Kim bây giờ là chuyện vui mà người đương thời thỉnh thoảng còn nhắc lại với nhau, để rồi cùng cảm thông với một giai đoạn lịch sử đã chìm vào quá khứ.

Tôi tìm gặp anh Trần Hữu Hùng, hiện là Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Linh. Hồi trước, anh là Trưởng Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng, được huyện luân chuyển về làm Chủ tịch, Bí thư Đảng bộ xã Vĩnh Kim. Khi anh về, Vĩnh Kim đang triển khai Đề án xây dựng nông thôn mới. Được nghe những lời tâm sự của anh, tôi mới vỡ lẽ thêm nhiều chuyện trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Vĩnh Kim. Chính anh Trần Hữu Hùng cùng đội ngũ lãnh đạo xã đã kiên quyết chỉ đạo phong trào xây dựng nông thôn mới giai đoạn nước rút để đạt các tiêu chí sớm nhất, mở ra bước đột phá mới trong giai đoạn kế tiếp. Gặp khó khăn ở điểm nào sẽ tháo gỡ ngay để phong trào không gián đoạn. Theo anh Trần Hữu Hùng thì khi xây dựng nông thôn mới đến đoạn cao trào thì gặp những khó khăn vướng mắc lớn cần có sự tháo gỡ của toàn dân như mở đường giao thông đến vùng sản xuất, rồi công tác thủy lợi cũng gặp khó khăn trong việc mở rộng mương máng… Đụng đến tài sản của dân là chuyện khó khăn. Cả hệ thống lãnh đạo xã vào cuộc cùng các thôn tuyên truyền vận động tại khu dân cư. Có những nơi, cán bộ xã phải đến tận từng gia đình để vận động riêng, tranh thủ sự đồng tình của các thành viên mỗi hộ. Và thành công bất ngờ là nhân dân tự nguyện hiến đất, hiến cây để mở đường ra đồi, ra ruộng, mở mang hệ thống thủy lợi trên đồng. Nhiều gia đình phá bỏ cả vườn hồ tiêu, chè, mít để mở rộng đường thôn. Không tính được bằng tiền cụ thể của cây và đất mà người dân đã cống hiến, nhưng cái giá trị thấy được rất rõ, đó là tấm lòng, tình cảm người dân với quê hương vẫn sáng trong như trong thời chiến tranh chống Mỹ: Xe chưa qua, nhà không tiếc, sẵn sàng nhường hầm cho thương binh… Tôi đã gặp nhiều gia đình đã chấp nhận phá hồ tiêu, cây trồng, hiến đất mở đường, đều nghe tiếng nói chung như là trách nhiệm của họ vậy: “Phá đi vài cây tiêu cây chè, cho đi một số diện tích đất mà có lợi chung là việc nên làm, không cần tính toán”. Thế mới biết, với người Vĩnh Kim, tất cả những giá trị nhận thức vì cộng đồng vẫn còn vẹn nguyên, thật đáng trân trọng biết bao!

Đi trên nông thôn mới Vĩnh Kim mới thấy hết nét đẹp của làng quê. Một vùng quê sôi động chẳng thua kém đô thị. Vĩnh Kim có diện tích tự nhiên 1.235 hecta chủ yếu là đất đỏ bazan gò đồi trồng cây công nghiệp lâu năm, chỉ có 56 hecta ruộng choi khe. Người Vĩnh Kim cần cù, siêng năng, quen bươn chải làm ăn, chịu thương chịu khó, chăm chỉ trồng xen các loại cây cùng cao su, chè, tiêu như ném, rau quả các loại, với phương châm: một diện tích, nhiều loại cây, thâm canh tăng năng suất, không cho đất nghỉ. Vĩnh Kim cũng là địa phương đi đầu huyện Vĩnh Linh về trồng lạc, trồng môn đặc sản, nuôi bò nhốt … hơn chục năm qua mang lại thu nhập rất cao mà nhiều địa phương trong huyện tìm đến học tập. Nhờ thế mà nông dân Vĩnh Kim thu hoạch từ sản xuất nông nghiệp quanh năm. Từ niềm vui thắng lợi trong xây dựng nông thôn mới thành công, vùng quê này có những bước khởi động chắc chắn vì đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý từ cung cách làm ăn cũng như đầu tư cho phát triển. Cũng đất đai, điều kiện tự nhiên ấy nhưng tư duy con người thay đổi sẽ tạo ra những bước chuyển trong quá trình tiếp cận nền kinh tế thị trường một cách chủ động, không lúng túng như buổi đầu. Đến năm 2017, hộ nghèo đa chiều của xã còn 3,6%, thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng mỗi năm.

Trên mảnh đất cái thuở tuổi thơ con em đến trường áo vá, chân đất mới vài chục năm trước, bây giờ đã trở thành chuyện cổ tích. Mọi người thấu hiểu nỗi đói khổ, cơ cực ngày xưa có nguyên nhân từ việc học hành bị thiếu hụt. Có lẽ từ nhận thức sâu xa ấy của nhân dân nên chuyện đầu tư, chăm lo đến sự học của các thế hệ con em được quan tâm đặc biệt. Trường Tiểu học và trường Mầm non của xã được xây dựng kiên cố, đàng hoàng. Cả hai cấp học của Vĩnh Kim đều đạt chuẩn Quốc gia. Đời sống tinh thần, nét đẹp văn hóa của vùng quê Thủy Cần ngày trước được duy trì, phát triển. Những kỳ lễ, tết, ai có dịp đến Vĩnh Kim cũng thấy lòng rạo rực, đắm mình trong sắc màu của hội lễ với phong trào văn hóa văn nghệ phong phú. Cả 12 thôn của xã đều đạt đơn vị văn hóa, trong đó thôn Thủy Nam đạt danh hiệu làng văn hóa cấp tỉnh.

Về với vùng quê đã từng đi qua một thời “ăn cơm bữa diếp”, chúng tôi thấy được những đổi thay mạnh mẽ của quê hương anh hùng. Vĩnh Kim vững chí, bền gan đi lên cùng với sắn khoai, ném lạc, rau dưa… và bằng những gì chắt chiu từ sỏi đá cằn khô để có những mùa trái thơm, quả ngọt, để sắc xuân kết chuỗi tràn ngập trong mắt người. Tôi tâm đắc với câu nói của Chủ tịch xã Nguyễn Viết Túc: “Vĩnh Kim được như hôm nay là nhờ đổi mới tư duy của các thế hệ lãnh đạo cũng như của các tầng lớp nhân dân”. Các thế hệ con dân Vĩnh Kim đã làm nên bao chuyện diệu kỳ từ không đến có, làm rạng rỡ một góc trời vùng đất đỏ phía Đông trên quê hương Vĩnh Linh anh hùng.

L.N.H

Lê Nguyên Hồng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 280 tháng 01/2018

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

2 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

3 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground