Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tiếng hát vọng từ núi Viên Kiều

1.Sông Sê Pôn đi qua huyện Hướng Hóa làm ranh giới tự nhiên của hai nước Việt - Lào. Bản Rơ Viêng nằm lọt thỏm dưới những tán cây me cổ thụ, sát bên bờ sông. Những dãy nhà sàn nằm ngay ngắn bên con đường đất nhuốm bụi đỏ. Giữa bản là khoảng đất rộng cỏ mọc xanh mơn mởn, nơi này là trung tâm của mọi lễ hội. Bên cạnh là bể nước của bản, nước sạch của dự án tài trợ tự chảy quanh năm. Sát bên là nơi giặt giũ và tắm của người dân. Nơi tắm lộ thiên này được che chắn đơn sơ bởi những cọc gỗ trồng thành hình tròn, nhìn qua như một cái giếng nhưng có cửa đi ra đi vào. Bể nước lớn nơi hội tụ những sinh hoạt hàng ngày của bản.

Mùa xuân nhưng trời còn rét lắm. Thế nhưng để chuẩn bị cho ngày đầu năm mới vào sáng mai, những đứa trẻ được bố mẹ chúng gội rửa lần cuối năm. Những đôi môi lạnh run, hai hàm răng cứ đập vào nhau nhưng dường như chúng đã quen với rét mướt.

Trong gió se se lạnh, những nóc nhà phất phới cờ Tổ quốc. Bản làng bừng sáng trong tiết xuân.

Leo lên ngôi nhà sàn của già A May, lòng tôi chộn rộn về những nhân vật đã được người bạn làm văn hóa giới thiệu sắp được gặp. Bên ly rượu men lá rừng cay nồng, thơm ngọt nếm tận đến cái “hít hà” cuối cùng rồi lòng võ đoán chắc mẩm sẽ khó tìm được ly rượu tây đắt tiền nào sánh được. Trong câu chuyện kể về sự trở về của A Tâm, con trai lớn của già A May còn lưu dấu những con người xứ sở Triệu Voi.

Trước mặt A Tâm bây giờ là sông Sê Pôn. Chỉ cần mấy sải tay bơi là sang đất Lào nhưng để đưa được vợ từ bên ấy về bên này thì A Tâm phải mất ba năm. Câu chuyện của chàng trai người Vân Kiều A Tâm lấy vợ người Lào đã làm rúng động vùng núi này. Chuyện người Việt cưới vợ Lào thì nhiều như “lá cây ở rừng” nhưng với hoàn cảnh của A Tâm, có lẽ đây là câu chuyện cảm động cho tình yêu không gì khuất phục của hai người.

Ta Luông là một cô gái đẹp ở bản Tum Loang, huyện Sê Pôn, Lào. Một ngày tình cờ ở bến sông Sê Pôn, khi Luông chở chuối qua Việt Nam bán, xe máy hỏng thì gặp A Tâm. Họ bén duyên nhau từ cái lần A Tâm ra tay sửa xe ấy. Theo phong tục Lào thì nhà A Tâm phải đưa sính lễ gồm tiền và trâu qua cưới Ta Luông. Nhưng do số tiền nhà gái “đòi” quá lớn mà gia đình A Tâm lại nghèo, sau nhiều lần hẹn đem sính lễ qua đặt của, cuối cùng nhà A Tâm vẫn không tìm đủ cơ số tiền. Cha mẹ thương con mà chẳng biết làm sao. Trong khi A Tâm và Ta Luông vẫn quấn lấy nhau như đôi chim trong rừng. A Tâm nhiều lần muốn “cướp” vợ bằng cách dụ dỗ nàng bỏ nhà theo anh về nước Việt, đường sá cách trở sẽ không ai tìm đòi. Nhưng Ta Luông vẫn nhất quyết không chịu. Cuối cùng A Tâm nghĩ ra kế ở rể. Ở rể cố gắng làm việc để lấy công trừ tiền sính lễ, ngoài ra nhờ siêng năng nên anh đã tích lũy được ít tiền “bù thêm” cho nhà gái. Ba năm trôi qua, bố mẹ A Tâm đã đưa lễ qua Lào rước Ta Luông về nhà.

Với A Tâm, ba năm làm rể trên đất Lào là chuỗi ngày kỷ niệm sâu sắc đối với anh. Không thể nào quên những lần cãi vã với bố vợ khi anh đề xuất nên gặt lúa đưa về nhà sau đó mới tuốt. Làm vậy vừa nhanh lại vừa hạn chế được thất thoát. Vốn người Lào có thói quen tuốt lúa ngay trên cây. Đến mùa thu hoạch, họ mang những A chói trước bụng rồi cứ thế đi tuốt hạt ngay trên cành. Bởi thế nhìn qua những cánh đồng thu hoạch rồi nhưng như vẫn còn y nguyên. Đến mùa làm đất mới, chỉ cần châm lửa đốt là rơm rạ cháy đều làm lớp phân mới cho vụ sau. Những chòi lúa nằm cách biệt với những ngôi nhà. Cả bản có bao nhiêu nhà thì có bao nhiêu chòi lúa. Chòi lúa tập trung lại một nơi tạo nên một quần thể, nhìn qua như những ngôi nhà nhỏ mà cửa lúc nào cũng im ỉm khóa. Họ coi chòi lúa như sinh mạng của mình. Tất nhiên chẳng có ai ăn trộm khi nó nằm giữa trời giữa đất vậy vì việc trộm cắp rất ít xảy ra bởi hình phạt rất nặng.

2. Mùa xuân đã kéo cả bản lại gần nhau hơn bởi những điệu kèn và men rượu. Nhà A Tâm rộn ràng hơn bởi Tết năm nay có cô dâu mới. Lễ đám Khơi và Tết Nguyên đán sẽ là những ngày ngây ngất trong hơi men rượu và những điệu kèn Cha chấp, Oát hay Xa nớt.

Mẹ A Tâm làm lễ rửa chân cho con dâu. Ta Luông từng bước đi lên chiếc cầu thang đã mòn nhẵn vì chân người. Chiếc cầu thang phụ phía bếp lửa có lẽ in dấu chân mẹ nhiều nhất. Lễ “bắc bếp” được tiến hành gọn nhẹ nhưng vẫn theo truyền thống gia đình. Xong lễ này, từ nay mẹ A Tâm sẽ “nhường” công việc bếp núc cho cô dâu mới Ta Luông quán xuyến. Với mong muốn cái ấm áp của khu bếp luôn nhen nhóm tình yêu thương giữa các thành viên trong gia đình qua mỗi bữa cơm. Dù là muối, mắm hay măng rừng nhưng khi bếp lửa đỏ lên là cả nhà lớn bé vui vầy.

Bàn tay bà Hồ Thị Trằm, mẹ của A Tâm đã nhăn nheo nhưng vẫn còn khéo léo trong việc dạy cho Ta Luông cách làm bánh Oát. Bánh Oát được làm từ nếp than được gọi là Đệp Cù Cha. Nếp than được trồng ở trên đồi cao từ tháng 4 đến tháng 11 dương lịch, mùa hè thì chịu nắng cháy, mùa đông thì chịu sương giá. Do được “tôi luyện” trong thời tiết khắc nghiệt của thiên nhiên nên đồng bào dân tộc xem là hạt ngọc của trời, rất quý hiếm. Đệp Cù Cha với hạt nếp bắt đầu ngậm sữa thì đen bóng. Hạt nếp khi xay ra cũng có màu đen, nấu lên vẫn giữ nguyên màu mà độ dẻo dính, hương vị thơm thì quyến rũ lạ kỳ. Do giống lúa khó trồng, năng suất thấp nên bản thân nếp than quý lại càng hiếm, chỉ được dùng trong những buổi tiệc lớn nhất trong năm như lễ cưới, lễ Tết. Bánh Oát về cơ bản như bánh chưng, bánh tày của người Việt nhưng kích thước nhỏ hơn, chỉ bằng hai ngón tay, dài bằng gang tay, có hình chóp nón. Để làm bánh Oát, nếp than phải được giã nhỏ như tấm. Bánh Oát được gói từ lá cây đót, bó thành một cặp, chiếc lớn hơn tượng trưng cho người con trai và chiếc nhỏ hơn là hiện thân của người con gái.

Ngày cuối năm biết bao bận rộn nhưng hai vợ chồng A Tâm vẫn làm lễ đám Khơi. Lễ gồm con gà, xôi nếp mới, bánh Oát và vò rượu. Lễ này ngày trước tổ chức linh đình và mời cả họ hàng. Nhưng giờ ít nhiều thay đổi, để tiết kiệm nên thường tổ chức trong nội bộ gia đình. Lễ đám Khơi mục đích để những người mới cưới đền ơn cha mẹ và là lễ cuối cùng để đôi trai gái thành vợ chồng, chỉ sau khi làm được đám Khơi người vợ mới thực sự là một thành viên, là “ma” của bên nhà chồng, khi chết mới được thờ cúng trên bàn thờ của dòng họ.

Già A May bày biện lễ cúng lên bàn thờ. Nào là bánh kẹo, mứt gừng và những thứ bất di bất dịch không thể thiếu như bánh Oát, gà, xôi nếp mới, rượu. Trong câu khấn với Giàng, với tổ tiên luôn là cầu cho mưa thuận gió hòa, được mùa lúa, mùa ngô cây chuối trên rẫy cho quả to, đẹp… và con cháu hiếu thuận, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ.

3. Lửa bừng sáng ở khu đất trung tâm bản, tiếng chiêng và kèn đã kéo dân bản đến vây quanh. Những nồi bánh chưng to bắc lên bắt đầu sôi sùng sục. Ngoài bánh Oát truyền thống ăn với muối mè thì bánh chưng của người Kinh từ lâu cũng được đồng bào nơi này tiếp nhận như một thứ bánh truyền thống trong dịp Tết cổ truyền. A Tâm thì thầm vào tai vợ trong hơi men chếnh choáng, rằng năm nay bản làng sung túc nhờ được mùa lúa và sắn. Cây chuối vừa được mùa lại được giá nên cả bản mừng vui.

Những cô gái say mê quyến luyến khi nghe những chàng trai thổi điệu kèn Xa nớt, điệu dân ca truyền thống để bày tỏ mong ước kết đôi của hai người yêu nhau. Đó là khi họ tự thấy được niềm khát khao yêu đương của lòng mình, là khi họ thấy không thể thiếu được người mình yêu. Sau một làn điệu là rượu cần đưa lên môi, thứ rượu được chưng cất cả năm từ những hạt nếp than đen tuyền. Có rượu vào các chàng trai mới lớn bắt đầu tự tin khẳng định mình bằng làn điệu Cha chấp. Điệu Cha chấp là loại hình đối đáp dành cho thanh niên nam nữ trong những buổi đầu hò hẹn. Với nhạc điệu ấm áp và ca từ trữ tình họ hát không phải để thử tài mà chỉ để bày tỏ nỗi lòng, thông tin cho nhau thân phận, hoàn cảnh và cảm nhận của mình về đối tượng. Bước qua giai đoạn đầu bỡ ngỡ còn nhiều nghi ngại, họ dần trở nên thân thuộc. Trong ánh lửa bập bùng, chàng trai hát: Xi on tô mây, từ nay chu mát, cắt ne tưng, cờ ne a tưng, pia pun xà lát (Gặp em, trông em đẹp như đóa hoa bằng lăng, anh mong chúng mình sẽ như hình với bóng, ước gì được gần em nhiều hơn nữa, đừng như hoa xuôi dòng nước). Dứt lời, một cô gái trong đám thanh niên bị đẩy ra với vẻ đầy e thẹn, cười duyên hát đáp lại rằng: Cờ ai pài tờ lửng, ai chu pẩy (Em chỉ sợ anh nói dối, anh đừng lừa gạt em, hay anh đã có vợ rồi).

Không những người trẻ, những bô lão cũng góp vui bằng điệu Oát đầy tha thiết: Tết cà mo nay, dôn xúc xiên yên an xan la vả, từ nay chu mắt, cắt ne atưng. Dôn xúc xiên yên an, tả priết o xờ pua, xà ray, la hung (Tết năm nay chúng mình chúc nhau thêm giàu có, sức khỏe. Từ nay trở đi chúng mình sẽ càng tiến bộ, trồng chuối, trồng bắp ngày càng nhiều thêm)...

Cứ thế giữa đất này, núi này, âm nhạc, men rượu và lòng người cứ quyện vào nhau làm nên bản trường ca bất tận.

Mùa xuân đã lên men hay rượu khiến con người ta chấp chới trong nhiều cung bậc. Tôi mơ màng nghĩ về những con người chân chất, ngay thẳng, giản dị như cỏ cây lớn lên ở thâm sơn cùng cốc như A May, A Tâm… Ở họ, mùa xuân bao giờ cũng thường trực như sức sống của núi rừng. Tôi mơ màng nghĩ về một ngọn núi hàng ngàn năm trước trong lịch sử quá vãng mang tên Viên Kiều, họ sống quần cư ở đó, rồi tên núi thành tên người, Viên Kiều gọi mãi thành Vân Kiều.

Dường như tiếng hát đêm xuân này vọng về từ hàng ngàn năm trước.

Y.M.S

YÊN MÃ SƠN Yên Mã Sơn
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 281 tháng 02/2018

Mới nhất

Đi tìm cỏ

18 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

18 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

18 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Pa Ling mùa mưa

18 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

31/03

25° - 27°

Mưa

01/04

24° - 26°

Mưa

02/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground