Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Từ bên triền Himalaya tới Hoàng Liên Sơn

Bây giờ đến Bhutan không còn là chuyện khó khăn như năm, bảy năm trước. Ngay dịp Tết Mậu Tuất này, đã thấy chộn rộn những chuyến “charter flight” bay thẳng từ Việt Nam sang Bhutan (charter flight là cách gọi các chuyến bay thuê bao trọn gói nguyên chuyến của các hãng lữ hành đến điểm du lịch, không phụ thuộc lịch bay của các hãng hàng không). Bhutan - miền đất được gọi là xứ sở hạnh phúc, là địa đàng. Một quốc gia bé nhỏ, kẹp giữa hai đất nước khổng lồ là Trung Hoa và Ấn Độ, vậy mà vẫn an nhiên tự tại giữa những ngọn tuyết sơn bên triền Himalaya hùng vĩ. Người ta tìm đến Bhutan bởi cuộc sống thái hòa an yên giữa thiên nhiên sạch sẽ trong lành gần như tuyệt đối. Nhưng thật bất ngờ, khi bên triền dãy Hoàng Liên Sơn của Việt Nam cũng có một bản làng như thế, người dân với lối sống an hòa, con người gần gũi với thiên nhiên như một xứ Bhutan thu nhỏ. Bản làng ấy tên là Sin Suối Hồ thuộc huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

Mấy tuần trước chúng tôi vừa trở lại Sin Suối Hồ, cái bản làng bên triền Hoàng Liên Sơn ấy, không ngờ cũng có những gì mà Bhutan đang khiến dân du lịch khát khao tìm đến. Thiên nhiên trong lành, cuộc sống an yên, môi trường được gìn giữ… Đã đi cũng hầu khắp đất nước, nhất là những miền non cao, vậy mà chưa bao giờ chúng tôi ấn tượng về sự văn minh và sạch sẽ như khi đến Sin Suối Hồ.

Chuyến trở lại này chúng tôi cũng có ý kiểm tra xem “địa đàng” này sau hai năm có bị “thị trường hóa”, “bê tông hóa” hay không. Bởi chuyện về những vườn địa đàng trên núi trong mây ở Tây Bắc không hiếm, nhưng rồi từ cơn lốc phượt đến cuộc đổ bộ của trùng trùng du khách khiến chỉ một thời gian, nhiều vườn địa đàng, dù nói hơi quá một chút, là địa đàng đã biến thành... địa ngục với bê tông hóa, với nhan nhản vỏ chai nhựa và túi nilon khắp gốc cây bờ suối, với chi chít vết khắc “lưu danh” tuổi tên trên cây trên đá.

Lần trở lại Sin Suối Hồ này chúng tôi đi đúng vào phiên chợ cuối tuần. Và thật bất ngờ, khi những khách du lịch đến đây để mua… thịt lợn! Từ Lai Châu, cách xa 30 cây số đường đèo núi, khách đi chợ cũng muốn mua được thịt lợn được nuôi ở đây. Tôi đem băn khoăn này hỏi Sùng A Phủa, nhà ở bản, cũng là Bí thư Xã đoàn, Phủa bảo: “Dân bản quy định heo nuôi từ bản, rau trồng từ bản được cộng đồng giám sát, chỉ được bán thịt nuôi ở bản, tuyệt đối không mua lợn từ nơi khác về mổ. Cũng không được mang lợn từ nơi khác về bán. Rau cũng không được dùng thuốc trừ sâu hay hóa chất”. Hóa ra những cái căn bản nhất của con người là chuyện ăn uống đã được chú trọng như thế, nên hình thành được ý thức cho dân. Từ chuyện ăn sạch, đến chuyện ở sạch. Cả bản đường đi lối lại khang trang, bê tông sạch sẽ, chừng vài chục mét lại có một giỏ rác đan bằng tre rất thẩm mỹ gắn vào gốc cây với dòng chữ “để rác vào đây”, nhìn như một tác phẩm mỹ thuật hơn là cái giỏ đựng rác. Bản sạch như một công viên bên trời Âu, và trong hương rừng nguyên sinh tỏa ra sự thanh sạch cho từng hơi thở. Dưới tán rừng, dọc lối ngõ là hoa địa lan, hàng ngàn chậu địa lan. Nếu ai đã từng gặp địa lan ở chợ Tết Hà Nội thì biết, cứ tính theo vòi hoa mà tính tiền. Thương lái tìm lên để mua địa lan tại Sin Suối Hồ, cứ đặt tiền mỗi nhành 200 ngàn đồng. Có chậu địa lan có tới 50 nhành bông, vậy là 10 triệu một chậu địa lan. Về tới Hà Nội mỗi chậu như thế là... vô giá! Còn tính bình quân chừng 20 nhành mỗi chậu thì mỗi chậu lan đã mua được hơn chỉ vàng. Vậy mà cả bản có hàng chục hộ trồng địa lan như thế. Mỗi hộ lại vài ba trăm chậu. Tiền đắt như thế nhưng hoa để khắp bản, khắp đường đi, dọc theo bờ rào. Tôi hỏi Chẻo Quẩy Hòa, Chủ tịch xã: “Vậy không sợ mất cắp hay sao?” Chẻo Quẩy Hòa cười phớ lớ: “Không, mất sao được mà mất. Sin Suối Hồ có luật để bảo vệ hoa địa lan, không có luật làm sao trồng được hàng vạn chậu địa lan như thế này”. Sin Suối Hồ có “luật” mà không ai có thể và dám ăn cắp được. Trước đây, hồi mới trồng, cũng có chuyện bị mất lan, nhưng từ khi cả bản họp lại và ra luật thì có bày lan ra ngõ cũng không ai dám sờ vào. Cái “luật” của Sin Suối Hồ rất đơn giản: Nếu ai xấu bụng ăn cắp lan bị bản bắt được thì sẽ bị quy là thủ phạm của tất cả các vụ mất lan từ trước tới nay trong bản, không cần biết anh vi phạm lần đầu hay lần thứ mấy, cứ bị bắt thì lo đền toàn bộ số lan mất từ mấy năm nay cho các hộ dân. Chỉ đơn giản thế thôi, vậy mà từ khi có “luật” ấy đến nay, tịnh không một chậu lan nào bị “cầm nhầm”!

Lối vào nhà trưởng bản Sin Suối Hồ có lẽ là lối đi đẹp nhất ở bản. Trên con ngõ vào nhà, hai bên là hai hàng cọc bê tông, trên mỗi cọc gắn hai viên gạch làm bệ đỡ, trên bệ ấy đặt ngay ngắn một chậu lan tươi tốt đang vươn những vòi lan mạnh mẽ he hé nụ vàng. Cả trăm chậu lan đẹp đều tăm tắp. Đang dở tay vào mấy khóm lan, trưởng bản Vàng A Chỉnh thấy khách vào ngỡ là khách du lịch đến nhà “homestay” bởi nhà anh là một trong sáu hộ ở Sin Suối Hồ bước đầu thí điểm dịch vụ này. Hóa ra câu chuyện về những chậu lan làm giàu của Sin Suối Hồ cũng rất giản dị. “Mấy năm trước, đi nương chăm thảo quả, mình và Hảng A Xà thấy có mấy khóm lan mọc lẫn trong nương nên mang về trồng cho đẹp nhà thôi - Vàng A Chỉnh bắt đầu câu chuyện với chúng tôi - không ngờ do mang về được bón phân, chăm sóc, mấy nhành lan còi cọc ấy tốt đến không ngờ, trổ vòi hoa dài đến 60 - 80 cm, dạo giáp Tết mấy năm trước, có khách đến bản chơi, hỏi mua định không bán, nhưng khách nài nỉ quá, bán cho vui, không ai nghĩ chuyện lời lãi gì. Nào ngờ khách mang về thấy lan vừa đẹp vừa lâu tàn, được nhiều người thích, hỏi ra nguồn gốc ở Sin Suối Hồ, vậy là ở ngoài thành phố tìm vào đây mua, do lan ít, nhiều người mua nên địa lan Sin Suối Hồ được giá, thấy trồng địa lan “làm chơi ăn thật” vậy nên mình mang mấy chậu lan trong vườn ra nhân giống, chăm sóc kỹ hơn, từ ba năm nay thì cả bản bắt đầu trồng địa lan bởi nó không cần diện tích, đâu cũng có thể trồng được, mỗi mét vuông vườn có thể để lên đó bốn chậu lan, rồi tận dụng lối đi trong bản, hai bên đường cứ dựng trụ trồng lan, vừa đẹp bản vừa dễ chăm sóc. Từ chỗ cả bản Sin Suối Hồ chỉ có hộ Vàng A Chỉnh và Hảng A Xà trồng, nay 103 hộ của bản đều trồng địa lan, hộ Hảng A Xà có chừng 500 chậu, hộ Vàng A Chỉnh cũng hơn 300 chậu, cứ lấy rẻ mức mỗi chậu 5 cành lan thôi cũng được 1 triệu đồng/chậu, cứ thế mà nhân lên.

Trở lại Sin Suối Hồ, càng bất ngờ hơn khi ở bản nhỏ rẻo cao này đã biết nương tựa vào thiên nhiên để làm đẹp. Những ngôi nhà được đưa vào làm du lịch theo mô hình “homestay” đều có cổng ngõ xinh xắn làm từ vật liệu thân thiện, như cái bảng hướng dẫn du khách vào nhà Vàng A Chỉnh đây, tên của chủ nhà được làm bằng những mẩu đá gắn lên tấm bảng gỗ với đầy đủ tên vợ, chồng, số điện thoại. Còn nhà của Hảng A Xà là một tấm gỗ thô mộc vắt ngang làm cổng với những giò lan rủ xuống, những viên cuội được gắn lên tấm bảng gỗ dòng chữ “Hello Homestay”, hình như ở Sin Suối Hồ không có những bảng hiệu mica đỏ xanh vàng tím như những thành phố du lịch lân cận đang bị “màu mè hóa”. Cái “vườn lan khổng lồ” của 103 hộ dân Sin Suối Hồ đang hứa hẹn một tương lai mới cho bà con không chỉ trong bản mà các bản cạnh Sin Suối Hồ như bản Chung Hồ, Chí Sáng Thầu, Sân Bay, Căn Câu… người dân cũng thi nhau trồng lan. Ngay như nhà ông Chẻo Văn Lìn, bố của Chủ tịch xã Chẻo Quẩy Hòa cũng đang chọn địa lan là hướng làm ăn mới cho gia đình. Sau hai năm theo nghề trồng địa lan rừng, đến nay nhà ông Lìn cũng có đến cả trăm chậu lan.

Cái vườn lan nhân tạo nhưng được “thiên nhiên hóa” này đã biến cái bản nhỏ ở bên trời Tây Bắc, bên triền Hoàng Liên Sơn thành một đặc sản khó nơi nào có được ở xứ ta.

Tôi bỗng nghĩ tới những bản làng Vân Kiều trên đỉnh Sa Mù của Hướng Hóa hay bên dòng sông Đakrông. Chúng ta có thể học tập mô hình “bản sạch” đi đã, rồi cũng thay vì địa lan sẽ là những vườn phong lan. Là những ngày hội bản với sắc màu bản địa. Là những bữa cơm với hương vị núi rừng. Làm được có khó không? Chắc không dễ, bởi ngành du lịch cũng đã từng làm nhưng không thành công, tuy nhiên không thành công có lẽ chính vì chúng ta chưa đi tới căn gốc của vấn đề. Nếu học cách làm của Sin Suối Hồ thì chắc chắn câu chuyện sẽ khác đi.

Nhiều người cũng từng nghĩ nếu không có các cuộc di dân kinh tế mới và sau này là di dân tự do, Tây Nguyên cũng có thể trở thành một miền đất như Bhutan. Nhưng giờ thì vô phương cứu vãn. Thôi thì hãy đem triết lý của thiên nhiên ấy, gầy dựng lại trong vài mươi bản nhỏ, hy vọng từ đó mà phục hồi…

L.Đ.D

Lê Đức Dục
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 282 tháng 03/2018

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

1 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

2 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground