Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 25/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nhà của mẹ

Đời người phụ nữ thường có ba ngôi nhà: nhà mình, nhà mẹ và nhà chồng. Ngôi nhà nào cũng có phận sự để lo toan nhưng nhà mẹ luôn là nơi bình yên nhất để những đứa con khao khát được trở về. Nhớ nhà của mẹ là nhớ từ cánh cổng ọp ẹp mốc màu mưa nắng. Chạy dọc từ cổng vào sân toàn là hoa dại mọc nghênh ngang, cả năm không một nhát cuốc nào vun xới. Sân của mẹ bao giờ cũng thấy vài chiếc nong phơi. Mùa nào thức ấy, có khi là mẻ chuối chín thơm lừng phơi ươi ưởi nắng. Cũng có khi là ít củ cải, ít măng mai, thứ gì mẹ cũng dành dụm mang phơi đợi các con về. Dây phơi nhà mẹ bao giờ cũng khiến những đứa con ái ngại tần ngần. Mảnh áo sờn vai lấm tấm mốc phất phơ trước gió. Quần áo các con mua gửi về chắc đều được gập gọn cất trong tủ cho mới. Cuộc đời chắt chiu tằn tiện hiện rõ trên từng manh áo. Và chỉ cần nghe một tiếng ho khan vọng lại từ đâu đó góc vườn, chái bếp là lòng con đã mềm nhũn thương yêu. Chỉ muốn đặt ba lô xuống thềm, hít căng lồng ngực bầu không khí trong lành. Khói bếp len lỏi bay lên trời chiều một dải xám thắt thẻo, gọi cơn đói cồn cào trong lòng đứa con xa quê vừa mới trở về.

Nhà của mẹ đôi khi chỉ là hình ảnh ước lượng giữa mớ ký ức chập chờn. Mùa nắng nhớ nắng, mùa mưa nhớ mưa, mùa gió nhớ gió luồn cửa bếp. Trong ký ức của con tuyệt nhiên không xuất hiện hình ảnh căn nhà mới khang trang đầy đủ tiện nghi hiện tại. Mà là căn nhà không cửa vách đất thủng lỗ chỗ thuở ấu thơ. Đêm nằm trong giường vẫn có thể ngắm trăng, sương sớm ngoài trời bay vào bảng lảng. Thỉnh thoảng còn nghe thấy gió trong tiếng rơi của từng mảng tường, từng nếp lá. Nhà của mẹ có khi chỉ đọng lại trong rổ xôi sắn rắc vài cọng hành tươi vừa nhấc ra khỏi chõ còn bốc hơi nghi ngút mặt người. Những con gà mái tranh nhau tổ đẻ kêu xao xác cả trưa hè. Ở góc sân lá khô rụng chấp chới như thuyền gió. Có người nhớ nhà của mẹ là nhớ mâm cơm đạm bạc. Rau má, cua rang, bát canh chua mát ruột và vầng cháy cơm vàng suộm được chia đều. Nhà của mẹ có khi chỉ là mùi dầu gió quen thuộc trên cơ thể mẹ. Là đống đồ cũ hỗn độn mà bố nâng niu như báu vật. Hoặc có đôi lần nhà của mẹ chỉ hiện về qua tiếng ầu ơ. Đó là tiếng mẹ ru từ thuở ấu thơ hay là câu ca buồn chị cất lên từ phận đàn bà lam lũ.

Nhà của mẹ như là thánh địa trong tâm hồn những đứa con xa. Thứ báu vật đó không cần phải gắng sức giữ gìn bởi nó luôn tồn tại hiển nhiên. Như là sinh ra trong mỗi người đều đã có quê hương, trong quê hương bao giờ cũng có nhà của mẹ. Và người ta tin rằng ngoài kia có mưa gió bão bùng thì nhà của mẹ vẫn là nơi bình yên nhất. Khi mọi con đường đều thành ngõ cụt, mọi nơi chốn khác đều khước từ dấu chân mình thì vẫn còn đó một nơi để trở về: Nhà của mẹ…

Mùa sinh

Mẹ tôi có cách nhớ mùa sinh của các con bằng mùa hoa trái trong vườn. Chị cả sinh vào mùa những trái hồng chín đỏ lự trên cây. Lúc nằm im giữa những cơn đau đẻ mẹ còn nghe thấy tiếng hồng rụng ngoài sân trạm xá. Trên tay mẹ vẫn còn hương cốm mới quện với mùi lá sen dìu dịu. Lúc chiều còn chưa kịp giã xong mẻ cốm cuối cùng thì mẹ vỡ ối. Mẹ nói chị được mùa sinh, thời tiết mát mẻ, vạn vật hiền hòa. Lúa dưới đồng đang mùa thu hoạch, quả trong vườn đương độ chín thơm. Nên mẹ tin cả đời chị sẽ được ấm no, ngọt ngào yêu thương và dịu dàng như mùa tươi non lá. Thằng út thì sinh đúng mùa măng mọc. Bụi măng mai ở cuối vườn trồi lên từng búp măng mập mạp. Mẹ thèm món măng thái nhỏ xào với tỏi nhưng không dám ăn. Vì bà nội cứ lo gái đẻ ăn măng vừa lạnh bụng vừa mất sữa. Hàng ngày bế út trên tay nhìn từng búp măng vươn cao. Mẹ ước mơ sau này út cũng sẽ lớn lên vững vàng, ngay thẳng vươn cành tỏa bóng. Còn tôi, mẹ sinh đúng mùa những quả vú sữa chín mềm tay. Từng dòng sữa căng mọng như bầu vú mẹ, thơm tho trên môi miệng người đời. Hôm đưa tôi từ bệnh viện về nhà, nội hái những trái vú sữa to đẹp nhất đặt lên bàn thờ thắp hương tổ tiên. Nghe kể hồi đó mẹ khổ sở bởi cơn đau tắc sữa. Tôi đói nên quấy khóc suốt ngày. Nội nặn mềm quả vú sữa chín để có từng giọt ngọt ngào cho đỡ cơn háu đói của đứa cháu ham ăn. Ngoài những bài thuốc dân gian mẹ cũng ăn nhiều vú sữa. Nên chẳng biết nhờ thuốc hay nhờ cây trái mà sau đó sữa mẹ đã về. Tôi no nê ngủ khi môi miệng vẫn thơm mùi sữa.

Mỗi năm cứ đến mùa quả trong vườn là nỗi nhớ các con lại đầy thêm. Nghe tiếng quả rụng giữa đêm là mẹ nằm trằn trọc ôn lại từng kỉ niệm. Từ khi các con còn ẵm ngửa ngơ ngác nhìn cuộc đời bằng đôi mắt trong veo. Đến khi các con biết bò, biết đi thì đoạn đường từ nhà ra ngõ cũng trở nên xa tắp. Bốn mùa chạy chơi trong vườn nhà tràn ngập tiếng cười. Chân trèo cây, tay vít cành, môi chạm vào quả ngọt. Hơn hai mươi năm trôi qua các con lớn lên còn vườn cây già theo từng thớ gỗ. Đất cằn cỗi nuôi cây khẳng khiu với manh áo xù xì không đủ ấm. Những mùa quả đã thưa thớt dần theo từng mùa sinh một. Cây hồng không còn sai trĩu trịt, quả cũng nhỏ hơn. Trái vú sữa không căng tròn, vỏ cũng nhiều vết nám. Nhưng càng chắt chiu mưa nắng tháng năm thì quả sẽ càng ngọt càng thơm. Các con đi xa chưa kịp về chim đã gọi đàn đến khoét. Mẹ đôi khi phải bọc túi nilon để giữ quả trên cây hoặc hái từ lúc quả mới vừa chín tới. Rồi mong mãi cho đến cuối tuần, cuối tháng thể nào cũng có đứa tranh thủ bắt xe về với mẹ.

Con xuống phố mưu sinh. Chật vật mãi cũng chỉ mua được chỗ che mưa che nắng. Đất đai tiền tỉ nên không làm sao mua được một khu vườn. Vài mét vuông chừa ra vừa để làm sân phơi vừa làm chỗ để xe. Giờ vì nhớ quê mà muốn sân nhà cũng cây xanh, tán mát. Nhưng đất chỉ đủ trồng một cái cây trong khi bốn người trong gia đình đều có quá nhiều lựa chọn. Hố cây đã đào sẵn, nhiều cuộc tranh luận đã diễn ra nhưng vẫn chưa có thỏa thuận nào. Cuối cùng chồng tôi nói với các con rằng “sẽ trồng cây có quả chín đúng mùa sinh của mẹ”. Thế là một cây vú sữa nhỏ được bứng rễ từ vườn nhà ngoại. Cây theo chuyến tàu về thành phố, mang màu xanh cho mảnh sân bé xíu. Các con tôi thích lắm, chúng chờ cho cây lớn mỗi ngày. Cùng trò chuyện và mong ngóng một mùa quả ngọt. Còn riêng tôi thấy cây là như thấy quê nhà. Thấy dáng mẹ tần tảo sớm hôm. Thấy vai bố gầy theo từng năm tháng. Và đôi khi tôi như nghe thấy cả tiếng chim gọi bầy về khoét quả. Ríu rít những buổi trưa quá đỗi thanh bình…

Đi ăn quà chiều

Chị thay bộ quần áo lao động vẫn dùng đi bắt cáy thường ngày bằng bộ cánh hoa li ti, nhẹ nhàng. Tóc búi gọn, xỏ đôi tông tím lịm thong thả dắt xe đạp ra khỏi nhà. Tôi ngồi sau xe chị, thấy thoang thoảng mùi hương nhài thanh thoát. Khác hẳn mùi cua cáy tanh nồng mà sáng nào chị cũng dậy từ bốn giờ sáng chờ phà qua bên kia huyện đảo để mưu sinh. Nghề của chị phụ thuộc vào ngày con nước lên, con nước xuống. Nếu thuận lợi thì một ngày cũng bắt được tầm ba, bốn kilôgam cáy. Khoảng 11 giờ trưa chị lại bắt phà từ huyện đảo về nhà. Tranh thủ ăn uống nghỉ trưa, chiều dậy làm sạch cáy đi đổ mối khách quen. Cứ mỗi ký cáy chị bán được gần trăm ngàn đồng. Vậy là một ngày cũng kiếm mấy trăm. So với nghề chạy xe ôm của chồng thì công việc của chị vất vả nhưng thu nhập ổn định hơn. Chị kể một tháng mất đôi triệu tiền thuê nhà, nếu thu vén khéo thì vẫn còn dư ít cất đi. Coi như của để dành phòng lúc ốm đau. Người ngoài nhìn vào nghĩ chắc chị cực lắm. Đầu tắt mặt tối suốt ngày chắc làm gì có thời gian mà nghỉ ngơi. Ấy thế mà làm hàng xóm thân cận mới biết chị còn sống thong dong hơn mình nhiều. Mọi chiều thấy chị mặc đẹp ra khỏi nhà tôi cứ nghĩ chị đi lo công chuyện. Ai ngờ…

Chỗ chị chở tôi đến là một góc nhỏ của chợ phường. Sáng ở đó diễn ra hoạt động buôn bán rau quả còn chiều thì biến thành khu quà vặt. Nhờ chị mà tôi biết hóa ra không phải người phụ nữ nào cũng từ cơ quan lao thẳng về nhà. Rất nhiều người phụ nữ đã kéo nhau đến góc chợ này gọi một đĩa bánh tro đỏ au mật ngọt, bánh bao nóng hổi, bánh giò cắt nhỏ chấm tương ớt rồi ngồi đó nhẩn nha thưởng thức. Cái ngõ nhỏ dài chưa đến trăm mét mà đủ khuôn mặt đàn bà. Người đi một mình, người dắt theo con, cũng có khi cả một nhóm í ới gọi đồ ăn, kêu “thêm tí ớt chị ơi”, “bánh tro của em nhớ cho nhiều mật”. Họ vén tóc ngồi ăn kể chuyện mới mua được thỏi son môi đẹp lắm. Mua được ít dừa ngon về chưng dầu ủ tóc. Nghe nói cuối tuần có đợt sale hàng hiệu “hôm ấy tụi mình ra đó ngó, biết đâu kiếm được gì hay”. Mối bận tâm của họ đã gạt bỏ hẳn chuyện cơm nước, chồng con. Thảnh thơi đúng với nghĩa cho riêng mình tận hưởng. Rồi tranh nhau trả vài chục nghìn tiền quà chiều mà miệng cười phớ lớ. Không quên hẹn nhau mai đến ngõ chợ này, ngóc ngách kia “nghe nói có món chè ngon tuyệt cú mèo”. Tôi chạnh lòng tự hỏi mình đã bận bịu những gì? Khi họ ngồi ở đây thưởng thức một món quà ngon và nói về cái đẹp? Còn tôi thì sáng nào cũng găm sẵn trong đầu bao nhiêu kế hoạch, toàn những việc ngày nào cũng phải mó tay.

Sau buổi đi ăn quà chiều với chị tôi nghĩ mình phải sắp xếp lại một vài thứ trong ngày. Đừng chỉ chăm chăm với phận sự “trăm công nghìn việc”. Ngày nào cũng phải dành ít nhất một tiếng đồng hồ để đối đãi với bản thân thật tốt. Nghe một bản nhạc, xem một bộ phim, gọi một cuộc hẹn hoặc đơn giản chỉ là chải chuốt rồi ra khỏi nhà kiếm một quán quà ngon. Chị nói nhà không lau vài hôm cũng chẳng sao. Cơm cho chồng con có thể nấu muộn hơn một chút. Mình không kịp đón con thì đã có chồng đón. Đôi khi đàn bà cứ vơ hết vào mình rồi đổ tại chồng hư. Ngồi sau xe chị trở về nhà lúc trời đã nhá nhem, thấy vị mật bánh tro còn ngọt lắm…

V.T.H.T

Vũ Thị Huyền Trang
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 282 tháng 03/2018

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

8 Giờ trước

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

14 Giờ trước

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

26/04

25° - 27°

Mưa

27/04

24° - 26°

Mưa

28/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground