Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 25/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Quảng Trị đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp

Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp. Trong đó, từng bước ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tích cực kêu gọi và thực hiện các chính sách ưu đãi, thu hút doanh nghiệp đầu tư… Nhờ đó, cơ cấu ngành chuyển biến theo hướng tích cực, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, thâm canh, chuyên canh để tăng giá trị trên một đơn vị diện tích.

Phát huy giá trị sản phẩm chủ lực

Việc Quảng Trị lựa chọn danh mục 6 cây và 2 con chủ lực có lợi thế cạnh tranh là: cao su; cà phê, chè hồ tiêu; cây ăn quả đặc sản và cây dược liệu; lúa chất lượng cao; cây gỗ nguyên liệu; con bò và con tôm, đóng vai trò quan trọng nhằm phát huy lợi thế, thúc đẩy phát triển sản xuất trong giai đoạn mới. Đây cũng được xem là chiến lược phục vụ định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương.

Là xã vùng đồng bằng có nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, thời gian qua Triệu Phước (huyện Triệu Phong) đã tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện, trong đó lúa chất lượng cao được xác định là cây trồng chủ lực. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Vui, địa phương đã đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông thủy lợi theo quy hoạch, tạo điều kiện cho người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng vụ. Đến thời điểm này, cơ cấu giống lúa chất lượng cao trên địa bàn đạt hơn 80%, năng suất lúa đạt bình quân 54 tạ/ha. Song song với cây lúa, con tôm cũng được xác định là con nuôi chủ lực của địa phương. Để nuôi tôm đem lại hiệu quả kinh tế cao, xã đã hướng dẫn hộ nuôi thả theo đúng mật độ, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật. Nhờ vậy, hàng năm sản lượng tôm nuôi liên tục tăng, doanh thu đạt hơn 14 tỷ đồng.

Với xã Cam Chính huyện Cam Lộ, mặc dù trải qua hàng chục năm phát triển, song hồ tiêu vẫn giữ được vị thế là cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập cao cho người dân nơi đây. Ghé thăm vùng trồng tiêu tập trung ở thôn Mai Đàn và Thiết Xá mới thấy hết điều đó. Chỉ tay về vùng đất bằng phẳng, rộng dài được phủ xanh bởi những cây tiêu non mơn mởn, đều tăm tắp theo từng lô thửa, Chủ tịch UBND xã Cam Chính Nguyễn Thanh Lâm cho biết, trên cơ sở mô hình thử nghiệm trồng tiêu tập trung, năm 2017 xã trồng mới 10ha hồ tiêu ở các thôn, trong đó có 5ha hồ tiêu được trồng tập trung, nâng tổng diện tích trồng tiêu trên địa bàn hơn 160ha.

Thực tế, chính việc xác định được cây trồng, vật nuôi chủ lực đã góp phần quan trọng giúp Triệu Phước, Cam Chính nói riêng và các địa phương khác trên địa bàn Quảng Trị nói chung đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, hướng tới phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện và bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân. Như chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng, những cây trồng chủ lực của Quảng Trị đã cho sản phẩm xuất khẩu, trở thành sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp Việt Nam. Những năm qua, hàng ngàn hộ dân trên địa bàn tỉnh đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng Nông thôn mới nhờ phát triển tốt các loại cây hồ tiêu, cao su, cà phê…

Mặc dù sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn của Quảng Trị thời gian qua có những chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa, song chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế; các chính sách phát triển nông nghiệp đã ban hành giai đoạn 2011 - 2015 chưa tạo được đột phá và tạo động lực mạnh mẽ; chưa thực sự là đòn bẩy để phát triển một nền nông nghiệp có sức cạnh tranh và nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững trong giai đoạn mới. Trước thực tiễn đó, tỉnh Quảng Trị đã ban hành “Đề án Phát triển một số cây trồng, con nuôi chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025”. Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính, đây là cơ sở để tỉnh đầu tư xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất, tạo ra sự đột phá về năng suất, chất lượng và sản lượng các sản phẩm chủ lực, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập, ổn định đời sống người dân nông thôn.

Khẳng định việc lựa chọn đưa 6 cây và 2 con chủ lực có sức cạnh tranh vào Đề án là để tiếp tục có giải pháp đầu tư hỗ trợ nhằm phát huy lợi thế, thúc đẩy phát triển sản xuất trong giai đoạn mới, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Võ Văn Hưng cho rằng, đây là một trong những chiến lược phục vụ định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương. Đồng thời, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng, trong sản xuất nông nghiệp, công đoạn mang lại nhiều giá trị gia tăng cho chuỗi sản phẩm là công nghiệp bảo quản, chế biến. Do đó, Quảng Trị phải có những đột phá về công đoạn chế biến, bảo quản, chuyển từ lượng sang chất. Để thực hiện được những yêu cầu đó, tỉnh quyết tâm điều chỉnh mạnh mẽ cơ cấu đầu tư phối hợp với định hướng phát triển sản xuất mới, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp; mạnh dạn đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất. Song song với đó, ưu tiên phát triển thị trường và xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm ở nước ngoài.

Liên kết để sản xuất nông nghiệp

Trong các giải pháp thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, liên kết sản xuất giữ vai trò then chốt. Thực tế các mô hình liên kết sản xuất đã được tỉnh Quảng Trị triển khai thời gian qua thì việc kết nối để doanh nghiệp liên kết với nông dân trong sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ nông sản được xem là một trong những giải pháp căn cơ. Chính điều này, đã tạo ra “cú hích” mới ở các địa phương tham gia liên kết…

Về xã Mò Ó huyện Đakrông, đến cánh đồng hơn 9ha dưa hấu của thôn Phú Thành, chúng tôi chứng kiến niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của người dân miền núi nơi đây. Ghé thăm gia đình anh Nguyễn Ngọc Kiên, một trong những hộ có diện tích trồng dưa khá lớn, đồng thời là người đầu tiên đặt cây dưa hấu vào thung lũng Phú Thành vào lúc xế chiều. Đang loay hoay bên thửa ruộng dưa, anh Kiên thực lòng: “Nhà tôi không trồng dưa hấu chắc giờ sống chật vật lắm”. So với nhiều cây hoa màu như ngô, lạc, đậu xanh... thì trồng dưa đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều, bình quân 1 sào sau khi trừ chi phí thu lãi hơn 1 triệu đồng, trong khi đó các loại cây hoa màu khác chỉ lãi từ 300 - 400 nghìn đồng/sào. “Đây là vụ đầu tiên 18 hộ trồng dưa hấu ở đây liên kết thành lập tổ hợp tác sản xuất dưa để hỗ trợ nhau trong sản xuất. Khi vào tổ hợp tác, các thành viên trồng dưa được chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau từ khâu xuống giống đến chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên hiệu quả kinh tế cao hơn so với cách sản xuất manh mún, nhỏ lẻ trước đây. Kết quả, dưa vừa được mùa, được giá và tránh được tình trạng tư thương ép giá, thu nhập của mỗi thành viên trong tổ được cải thiện đáng kể” - anh Kiên vui mừng.

Khẳng định muốn nâng cao giá trị thì việc liên kết để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu, Bí thư Huyện ủy Đakrông Ly Kiều Vân đánh giá, các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp thời gian qua trên địa bàn đã mang lại hiệu quả trên nhiều mặt, đặc biệt là tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, có giá trị kinh tế cao và từng bước thay đổi nhận thức, tư duy của nông dân trong sản xuất.

Phong trào liên kết sản xuất lúa hữu cơ, lúa sạch, lúa an toàn thực phẩm trên địa bàn Quảng Trị cũng đã có những bước đi đột phá. Bắt đầu bằng việc hàng trăm hộ nông dân tham gia sản xuất lúa hữu cơ, áp dụng quy trình chuyển giao từ Hàn Quốc, tiếp tục phát triển với các HTX, hộ gia đình đăng ký sản xuất lúa an toàn thực phẩm từ đầu năm 2016, với diện tích ban đầu khoảng 10ha. Đặc biệt, năm 2017 ghi nhận sự phát triển đột phá, đã có gần 90ha lúa được sản xuất theo quy trình công nghệ hữu cơ, được Công ty TNHH Đại Nam phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh và các địa phương trên địa bàn thực hiện. Đây là lần đầu tiên có doanh nghiệp hỗ trợ nông dân, ứng trước 100% phân hữu cơ, hỗ trợ một phần chênh lệch giá giống, chuyển giao kỹ thuật, cam kết đền bù năng suất với mức trung bình 5 tấn lúa tươi/ha; cuối vụ thu mua toàn bộ sản phẩm tại ruộng với giá 7.000 đồng/kg… Cho rằng đây là bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, Giám đốc HTX Thanh Sơn huyện Cam Lộ Nguyễn Thái Tình chia sẻ: Khi thu hoạch, sản phẩm của người dân sẽ được thu mua toàn bộ theo thỏa thuận và phân phối ra thị trường dưới thương hiệu “Gạo hữu cơ Quảng Trị”, với chất lượng đủ điều kiện để xuất khẩu vào các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản…

Thực tế, giải pháp liên kết sản xuất đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị triển khai nhiều năm qua, trong đó giải pháp căn cơ là kết nối với doanh nghiệp để doanh nghiệp liên kết với nông dân trong sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ nông sản. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Võ Văn Hưng nhấn mạnh: Những kết quả bước đầu trong liên kết sản xuất nông nghiệp không chỉ ở các mô hình đã định hình rõ vai trò của doanh nghiệp về hỗ trợ vốn, giống, kỹ thuật và thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm mà còn được thể hiện ở việc đã xuất hiện một số mô hình ứng dụng công nghệ cao vào canh tác rau, củ, quả và hồ tiêu bằng phương pháp tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân theo công nghệ Israel ở Hải Lăng, Vĩnh Linh; trồng cây dược liệu ở Cam Lộ; các mô hình canh tác lúa, rau, chăn nuôi hữu cơ của các hộ nông dân, tổ hợp tác ở Triệu Phong, Hải Lăng… Do đó, muốn liên kết sản xuất nông nghiệp được thực hiện rộng rãi, hiệu quả cần phải có các chính sách, giải pháp để đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX; đồng thời, cần có cơ chế khơi thông, tháo gỡ một số rào cản để các HTX dễ dàng tiếp cận với nguồn lực đầu tư của Nhà nước; nguồn vốn của các ngân hàng thương mại bởi trên thực tế chỉ có 5% số HTX trên địa bàn “chạm tay” được nguồn vốn này do không có tài sản thế chấp. Mặt khác, tỉnh cũng cần đẩy nhanh quá trình tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với quy hoạch sản xuất vùng hàng hóa tập trung; nông sản phải gắn kết với nhu cầu của thị trường, vì vậy cần phải tổ chức tốt việc nắm bắt thị trường để kịp thời thông tin, định hướng giúp cho doanh nghiệp, HTX và nông dân nắm được nhu cầu, chất lượng và giá cả nông sản để xác định sản phẩm, tổ chức quy mô sản xuất hợp lý…

D.A

Diệp Anh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 285 tháng 06/2018

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

19 Giờ trước

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

26/04

25° - 27°

Mưa

27/04

24° - 26°

Mưa

28/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground