Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Dòng mạch viết trường ca

Kể từ viết dòng trường ca đầu tiên, năm 1970 cho đến nay đã gần trọn nửa thế kỷ. Trường ca đầu tiên có tiêu đề Biển trắng. Tiêu đề này sau đổi là Người sau chân sóng. Biển trắng sơ thảo khi viết ghi chép Con mắt thuyền trời biển mênh mông về nghề đánh cá lộng, cá khơi của Bảo Ninh. Bấy giờ Hội Văn nghệ Quảng Bình đóng trụ sở sơ tán ở làng Phú Vinh (từ năm 1965 đến tháng 7-1975). Biển trắng viết sơ thảo chừng hơn hai mươi trang đánh máy trên giấy pơluya, rồi cất nguyên đấy hơn bốn mươi năm trời. Khi chuyển công tác ra Hà Nội, tôi giật mình thấy các tệp bản thảo trong đó có Biển trắng đã bị “ông cóng gặm”, vội đem nhờ chị Phương cùng khu tập thể, nhập vi tính và in ra trên giấy A4 (năm 1998), cũng lại để nguyên đấy. Nhưng sau đấy, bản này lẫn khuất đâu mất và đĩa copy cũng hỏng. Lại thêm một lần nữa xót ruột. Có điều, phải viết tiếp cho hoàn thành thì không viết nổi.

Vào giữa năm 2011 biết có cuộc thi “Đây biển Việt Nam” do báo Vietnamnet cùng Hội Nhạc sĩ, Hội Nhà văn Việt Nam đồng tổ chức, tâm trí tôi trỗi dậy một động lực mới, sức bút, mạch trường ca được đánh thức ồ ạt. Chủ đề trường ca mở biên, mở rộng trường liên tưởng. Đấy là ký ức về làng Sáo, nơi mẹ sinh chín anh em chúng tôi, nắm nhau được chôn bên gốc cây sầu đông, bừng dậy. Làng Sáo là một trong tám làng cổ của Bảo Ninh, những năm đầu 1960 đẹp thơ mộng, lãng mạn với muôn vàn giấc mơ lung linh trong ký ức, khi tôi rời nách áo mẹ đi xa.

Với nhiều trăn trở, tuy chưa viết tiếp Biển trắng nhưng tôi đã đổi Biển trắng thành Người sau chân sóng, sau nhiều chuyến đi công tác Quảng Bình, về quê ruột Bảo Ninh...

Năm 2011, đã nghỉ hưu được năm bảy năm, rộng thời gian, tôi mang Biển trắng vào Quảng Trị, ở nhà em gái để viết tiếp, nhờ động lực cuộc thi vừa khởi xướng, bơm căng sức bút. Hơn một tháng trời, viết liền đêm liền ngày, câu chót của trường ca xuất hiện, tuôn khẽ xuống trang nháp. Lúc này, trời sẩm chiều và chợt đổ mưa dữ dội. Khoác áo mưa ra hiên, tôi vẫy tắc xi. Bác tài và tôi trao đổi câu chuyện rất vui về Đông Hà. Đến bưu điện, cháu gái bưu điện nói, cô ạ, chỉ còn vài phút nữa là đóng cửa. Vậy à. Giúp cô với. Nghĩa là cô đến trước sáu giờ, giờ trong ngày, của ngày 15 tháng 12 năm 2011 cháu nhé. Bưu phẩm của cô đóng dấu ngày 15, nhớ đừng nhầm lẫn. Cám ơn cháu gái. Tắc xi dầm đẫm trong mưa, bác tài biết ý ngồi trong xe, đợi, đưa tôi trở về nhà. Thực ra, bác tài áng chừng chưa ngoài bốn mươi và gọi tôi cũng bằng cô.

Khi về Hà Nội chừng một vài tuần tôi nhận được thông tin của Bưu điện Đông Hà gửi báo tin bưu phẩm của tôi gởi đi đóng triện ngày 15 - 12 - 2011. Cảm động tôi thầm hàm ơn cháu gái và sự chu toàn, chuẩn mực của ngành Bưu điện. Có lẽ cháu gái và cả bác tài đâu biết bưu phẩm của tôi gởi chính là tôi gởi trường ca Người sau chân sóng đi dự thi đúng vào phút chót theo dấu bưu điện, là hết hạn nhận tác phẩm dự thi... Trường ca Người sau chân sóng đoạt giải Nhất Thơ của cuộc thi, tôi vui khôn tả...

Bản in của Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân tháng 7 năm 2013 là 174 trang với 38 chương khúc. Người sau chân sóng, có lẽ là trường ca đầu tiên viết thể câu văn xuôi trong thể loại trường ca đương đại của ta.

*

Tôi lại nói về mạch viết trường ca của riêng tôi. Đấy là mạch trường ca sử thi. Tôi chọn mạch sử thi, khó lý giải cho tỏ tường. Thực ra, đấy là mạch cảm xúc ẩn sâu trong tâm thức trào dậy. Tôi viết không có đề cương (là một nhược điểm, cần khắc phục). Có lẽ đề cương ẩn trong mạch tư liệu. Cảm xúc từ mạch tư liệu, ẩn vào sức bút chăng? Nối câu nọ câu kia, chương nọ tiếp chương kia trong vùng ánh sáng chủ đề từ tư liệu lịch sử, dư địa chí văn hóa định hướng, không lạc mạch. Điển hình trường ca sử thi của riêng tôi ở hai trường ca Lửa mùa hong áo  Tự khúc ánh sáng. Hai trường ca này, cùng với Lê Thị Mây tuyển tập thơ là các tác phẩm, trong cụm tác phẩm được giải thưởng về văn học nghệ thuật, trao năm 2017.

Mạch trường ca sử thi luôn được mở biên cảm xúc. Ở Đê là chữ dưới trời xanhBầu trời trên quảng trường... là những trường ca rậm chữ, rậm rịch ý tình, ý tứ. Dòng mạch này có một ẩn giấu gì rất riêng tôi, lôi kéo, cuộn trào đến rơi nước mắt mỗi khi đọc lại bất kỳ một chương nào đó. Tôi viết trong cảm thức của loài thấy ánh sáng lao vào thiêu thân, rồi đột ngột ngưng, đoạn cuối, câu cuối cùng, chữ cuối cùng của trường ca xuất hiện, hết mạch. Vậy hết mạch, cây bút cắm sào nơi bến đậu bình yên, nghe một nỗi thanh thản tràn vào phòng văn...

Ở mạch viết trường ca Người sau chân sóng và Tâm khúc muối lại khác, chuyển sang cảm xúc chủ đề dư địa lý văn hóa. Tôi nhập vía, nhập thân vào nhân vật trữ tình trung tâm để chuyển tải, gởi gắm tâm trạng, trạng thái từng thời khắc tâm hồn, nỗi lòng được trải nghiệm từ cuộc sống, môi trường xã hội đương đại.

Tôi lại nói sâu thêm một chút về mạch viết trường ca Người sau chân sóng, được viết trong tâm thế của tuổi mười sáu mười bảy, là đám con gái hệt đám cá dìa hoa bơi tung tăng dọc bờ Nhật Lệ thân yêu. Tâm thế của cảm xúc này được nén kín, vùi sâu vào ký ức một vỉa quặng, một miệng núi lửa luôn âm ỉ đợi đến kỳ nhấn bút.

Ngẫm ra, có lẽ tình yêu quê hương xứ cát, trời biển sông nước Bảo Ninh (trước cách mạng tháng Tám xã Bảo Ninh có tên xã Trường Sa) được hình thành trong niềm hưng phấn tình cảm của cha dành cho mẹ, ngưng kết nên hình hài, tâm tưởng của tôi. Phải chăng đấy là vào một ngày động biển, hay cũng có thể vào một đêm sao Mai vừa mọc mẹ đã mang thai tôi. Giọt máu sinh thành hình hài đứa con gái khó tính, ương bướng, chỉ hướng tâm đến sự độc thoại, đơn thân với biển. Là bởi vào giây khắc mẹ mang thai có gì huyền hoặc, nên giờ tôi luôn mãi muốn tìm giải mã. Những gì hấp tấp viết ra ở đầu bút là dòng nham thạch ngôn ngữ, tôi không kịp lựa chọn, tu từ mà cũng không thể viết khác đi. Do vậy, từ cát, sóng, biển, buồm, thuyền, cá, bến, bờ tần suất dùng rất lớn, thoạt tưởng đấy là sự trùng lắp dễ dãi. Ấy bởi tôi không thể ra khỏi cát, không thể ra khỏi thời ấu thơ. Ký ức đời sống trên cát, trong cát, vì cát, cho cát, ngửi cát, ngậm đầy mồm cát. Đúng vậy, nằm lăn với cát đùa nghịch, bao giờ mồm miệng cũng lem nhem cát, ngậm cát, một lẽ sống hồn nhiên chói chang của thế giới tuổi thơ nhập vía vào thi ca mà trời biển Bảo Ninh ban tặng cho riêng tôi.

Vào kỳ nghỉ phép trước khi về nhận công tác tại Hội Văn nghệ Quảng Bình (20 - 8 - 1968), tôi cõng ba lô xuống đò ở bến gần Quán Hàu, về Bảo Ninh. Bến này gần vị trí thủa xưa lắm cha tôi cắm chòi quây rớ và đã từng dùng chiếc xuồng tre, có đêm chở những người khách bí mật sang sông, về Bảo Ninh. Theo lời cha tôi kể, có một đêm, mượn được thuyền chở khách, thuyền cha tôi vừa rời bến thì có lùng ráp, đạn chúng bắn ráp dọc đường Quốc lộ, bắn với theo đò cha tôi lủm bủm trong đêm mưa gió đầy sông.

Những năm bom đạn khốc liệt, bến đò Mẹ Suốt từ thôn Sa Động, sơ tán lên đây. Xuống đò, tôi chọn một thế ngồi có thể nhìn về cửa sông mờ mịt ở phía bắc. Làng Sa Động, gần giáp cửa sông. Đò vừa cập bến, tôi nhao vội lên nhà cậu (em trai út của mẹ ở làng Nguyên Cát), sau ba năm đằng đẵng ở núi rừng tây Bố Trạch. Tôi tính ngủ lại một đêm ở nhà cậu rồi sáng sớm mai đi bộ dọc đê Trúc Ly lên Hàm Ninh, nơi gia đình đang sơ tán. Đi vào giờ ấy tránh được bom. Vừa ăn lưng bát cơm xong, tôi nghe có tiếng gọi, vội nhoai ra cửa. Hóa ra đấy là một bạn học, được tin tôi đang ở nhà cậu vội đến thăm, kể chuyện những đứa thi đổ đại học, chỉ ngày một ngày hai sẽ cuốc bộ đường trường ra Hà Nội. Tôi xin phép cậu, lội cát, ngồi suông trên động cát sáng rỡ trăng trò chuyện cùng các bạn học.

Đấy là động cát giữa hai thôn Trung Bính và Hà Dương rất kỳ thú và có phần kỳ dị vì có tiếng đồn có ma rà, tức ma thủy cung, ma hời, tức ma xứ Hời thời xuất hiện vào lúc nửa khuya, hoặc giữa trưa đứng bóng mặt trời để lôi chân trẻ con ra khỏi thuyền nếu đang ngủ thuyền...

Trăng sáng suông mà lũ chúng tôi chẳng nhìn thấy trăng, lại há hốc mồm nghe nhau kể chuyện và tranh nhau kể. Kể đủ thứ. Kể chuyện học hành. Chuyện lưới thuyền. Chuyện bom đạn. Chuyện về cô giáo giữ trẻ đưa được các cháu xuống hầm thì bom dội trúng miệng hầm...

Khuya ấy, câu chuyện của chúng tôi đầy nghẹt lồng ngực, đứa nào cũng tranh hỏi, tranh nói, tranh kể. Trăng sáng suông. Rừng phi lao rì rào, sóng biển ì ầm ngoài bãi ngang. Tiếng sóng ì ầm đêm ấy hằn sâu vào rãnh ký ức như thể mãi kể tiếp những câu chuyện của đám bạn học về quê hương Bảo Ninh. Bom rốc két, tàu chiến vây bắt thuyền đánh cá. Cái chết của anh T, anh L, anh K. Bom tọa độ, bom thủy lôi, từ trường chúng thả vãi trấu xuống cửa sông Nhật Lệ...

Ngôi nhà hai tầng của gia đình tôi bom chưa dội sập, trở thành một ngôi nhà hoang, cát lấp đến nửa vách tường. Nghe một đứa bạn nói thế, tôi rất sốt ruột. Đêm ấy tôi thức trắng, gà gáy canh hai tôi đã vội dậy, đi bươn về Sa Động. Ít ra, tôi phải nhìn thấy ngôi nhà để còn kể lại cho cha mẹ và các em biết. Đúng vậy, ngôi nhà hai tầng của gia đình tôi vẫn còn nguyên mái ngói xi-măng Hải Phòng xám lạnh rêu phong. Nhưng bốn phía tường lỗ chỗ vết bom và đạn rốc két. Các bộ cửa không còn. Ván sàn của tầng hai cha tôi đã dở làm hầm từ mấy năm trước. Bốn cột trụ hiên phun xi-măng kiểu đời mới đứng trơ trụ trời vươn đỡ mưa bom bão đạn.

Cha tôi đã đưa cả gia đình gồm mẹ và bốn em nhỏ lên Hàm Ninh sơ tán. Lúc đầu ở nhờ nhà chú Đông. Sau xin được đất, cha tôi dựng lên một ngôi nhà tranh một gian hai chái ngay tại bến đò Trung Quán, vườn trồng chuối sum suê. Đứa em gái út đã gần bốn tuổi, em lớn nhất mới hơn mười tuổi, được đi học trường làng.

Trong kỳ nghỉ phép này ghi khắc một dấu ấn, một vòng xoáy mơ hồ khó quên vừa thân thuộc, vừa kỳ vĩ bí ẩn về miền quê cát Bảo Ninh. Và trường ca Người sau chân sóng, kể từ đêm trăng sáng suông ấy bắt đầu được ấp ủ manh nha đôi câu chữ lõm bõm, hai năm sau, thì viết được chừng hai mươi trang nháp là vậy.

Có lẽ mạch viết trường ca của riêng tôi tiếp mãi, tiếp nữa vẫn không ra khỏi hai dòng mạch, sức bút trường ca sử thi, trường ca dư địa chí văn hóa...

L.T.M

Lê Thị Mây
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 285 tháng 06/2018

Mới nhất

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tiếp tục xây dựng đội ngũ nghệ sĩ đoàn kết, nhiệt huyết, tâm huyết và sáng tạo để có nhiều tác phẩm chất lượng phục vụ Nhân dân

15/03/2024 lúc 06:10

(TCCVO) Sáng ngày 14/3/2023, Phân hội Nhiếp ảnh Quảng Trị và Chi hội Điện ảnh Việt Nam tỉnh Quảng Trị tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 71 năm ngày truyền thống Nhiếp ảnh và Điện ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2024). Đến dự có Nhà thơ Nguyễn Văn Dùng - Bí Thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cùng đông đảo hội viên tham dự.

Mùng hai

14/03/2024 lúc 17:37

Truyện ngắn của VÕ ĐĂNG KHOA

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/03

25° - 27°

Mưa

21/03

24° - 26°

Mưa

22/03

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground