Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Lễ hội Cha Đôi - nét văn hóa đặc trưng của người Vân Kiều vùng miền núi Vĩnh Linh

Trong vỉa tầng văn hóa dân gian cũng như trong đời sống tâm linh của dân tộc Vân Kiều, hình tượng cây lúa được nhắc đến nhiều với một thái độ thành kính. Và lễ hội Cha Đôi (cúng hồn lúa) cũng như lễ ăn cơm mới đón xuân của người Vân Kiều ở vùng miền núi huyện Vĩnh Linh là một nét văn hóa đặc trưng của cư dân trồng lúa rẫy mang đậm dấu ấn của một nền văn minh nông nghiệp.

Xét về phương diện khảo cổ học, tộc người Vân Kiều là cư dân có mặt sớm nhất trên dãy Trường Sơn ở khu vực Bắc Trung Bộ. Theo các nguồn sử liệu, trước khi lưu dân Việt đến đất Thuận Hóa vào thế kỷ XVI thì người Vân Kiều và nhóm người Pa Cô, Tà Ôi, Bru đã cư trú và sinh sống ở vùng rừng núi Quảng Trị.

Hiện nay, trên địa bàn miền núi huyện Vĩnh Linh tộc người Vân Kiều có khoảng 3.000 người thuộc các dòng họ Ra lu Hạ, Ra lu Thượng, Lang Đông, Plong, Xôm Ca Lam, Xôm Pa Niêu sinh sống tập trung ở ba xã Vĩnh Ô, Vĩnh Hà và Vĩnh Khê. Tín ngưỡng nguyên thủy của người Vân Kiều là thờ đa thần và quan niệm mọi vật đều có linh hồn. Một trong các thần được người Vân Kiều coi trọng là thần lúa (Cha Đôi).

Lễ hội Cha Đôi được người Vân Kiều thực hiện định kỳ hàng năm và thường được tổ chức vào dịp đã thu hoạch xong lúa rẫy (tức là vào khoảng tháng 10 âm lịch). Đây là lễ hội lớn nhất của người Vân Kiều và được kéo dài trong nhiều ngày đêm, mọi người đều cùng tham gia. Theo ông Hồ Xiên, già làng của bản Khe Trổ (xã Vĩnh Hà) thì lễ cúng hồn lúa được tổ chức tại nhà trưởng chi họ. Thầy cúng là người chủ đạo trong các nghi thức. Lễ vật cúng hồn lúa bao gồm các loại bánh được làm ra từ bột gạo, thịt gà, thịt heo luộc, rượu trắng và hoa quả. Rượu trắng được người Vân Kiều cất trước đó vài ngày. Điều quan trọng nhất là gạo để nấu rượu phải được lấy từ rẫy của người trong chi họ chứ không được mượn của người ngoài. Ngoài các sản vật, người Vân Kiều còn làm một cây nhang bằng tre cao khoảng 1 mét, phía ngọn tre được chẻ ra rồi buộc túm lại cho phình to tượng trưng hình cây lúa. Cây nhang tượng trưng này được cắm trước bàn thờ. Bàn thờ làm bằng gỗ (hoặc tre), trên đặt chai rượu trắng, một nắm bông lúa và lễ vật. Ngoài ra, người Vân Kiều thuộc các dòng họ Xôm Ca Lam, Xôm Pa Niêu ở các bản Khe Tăm (xã Vĩnh Ô), Khe Trổ (xã Vĩnh Hà), Bến Mưng (xã Vĩnh Khê)... còn làm thêm một cây nêu. Cây nêu này cao khoảng từ 3 đến 5 mét được làm từ cây vàng nghệ, hoặc cây muống tàu. Ngọn cây nêu cũng được tạo hình bông lúa, phía trên buộc một chùm bông lúa có nhiều hạt chín tỏa ra bốn hướng. Cây nêu được trồng trước sân nhà nhiều ngày trước khi cử hành lễ cúng.

Lễ cúng được bắt đầu từ buổi trưa, sau khi người phụ nữ lớn tuổi của dòng họ mang gùi lên rẫy cắt những bông lúa (được để lại sau mùa thu hoạch) đem về nhà. Nghi thức này gọi là rước hồn lúa. Trước khi vào lễ, trưởng chi họ (hoặc già làng của bản) đánh ba hồi chiêng để báo hiệu cho thần núi, thần rừng, thần suối biết thần lúa đang được rước về. Những sản vật được đem bài trí trên bàn thờ. Những con vật hiến tế như gà, heo được đem giết thịt, huyết của chúng được đem bôi lên cây nhang trước bàn thờ và cây nêu ở ngoài sân. Người gọi hồn lúa ngồi trước bàn thờ hướng về cây nhang đang cháy đọc lời khấn trình. Nội dung của lời khấn trình là tạ ơn thần linh, tổ tiên, nương rẫy đã phù hộ trong vụ mùa vừa qua và cầu xin tiếp tục được phù hộ cho mùa màng sắp tới. Khấn xong, người gọi hồn lúa đốt một nắm nhang to huơ ba vòng trên các sản vật được bài trí trên bàn thờ rồi chìa cho mọi người cắm vào bát nhang. Nghi thức này gọi là ma thuật làm mẫu. Cúng xong, mọi người ngồi thành vòng tròn trước bàn thờ, bàn luận về kinh nghiệm làm rẫy, cách ra hạt giống, đuổi chim thú để bảo vệ mùa màng. Sau đó cùng nhau ăn uống và múa hát vui vẻ.

Lễ cúng hồn lúa còn được người Vân Kiều vùng miền núi Vĩnh Linh tổ chức vào dịp tết cổ truyền của dân tộc gọi là lễ ăn cơm năm mới. Từ xưa, khi còn sống trong thời kỳ hái lượm, săn bắt; cũng như thời kỳ sản xuất nông nghiệp lúa rẫy, lúa nước sau này, người Vân Kiều đã có ý thức tổ chức cho mình một cái tết tươm tất, đậm đà bản sắc văn hóa.

Ngày tết, mọi gia đình đều chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm và rượu để làm lễ ăn cơm mới đón xuân. Lễ thường kéo dài từ hai đến ba ngày tùy theo sự chuẩn bị của từng gia đình và được tổ chức rất chu đáo. Ngày đầu tiên được coi là ngày quan trọng nhất, gia đình nào cũng có mâm cơm đem đến nhà rông để cúng thần linh, tổ tiên, ông bà, và để mời dân bản ăn cơm năm mới của gia đình mình. Những ngày tiếp theo, những người đàn ông lớn tuổi có vai vế trong bản cùng những thanh niên khỏe mạnh, giỏi giang tập trung tại nhà rông để đàm luận chuyện làm nương, chuyện đi săn, chuyện làm nhà mới và cùng ăn uống vui vẻ. Những người phụ nữ có chồng, thiếu nữ mới lớn và trẻ con thường tụ tập theo từng nhóm đi chúc tết các nhà trong bản. Con trai, con gái đến tuổi yêu thì kéo nhau ra bờ suối chia thành hai tốp hát giao duyên (tiếng Vân Kiều gọi là hát oát). Đêm đến, bản nào cũng đốt lửa để múa hát. Trong các đêm vui như vậy, các nam thanh nữ tú của bản cùng một người phụ nữ cao tuổi có tài hát giao duyên sẽ trình bày một điệu múa tuốt lúa rẫy rất sôi động. Bởi vì trong tâm thức của người Vân Kiều, nữ thần này có mặt trong cây lúa, bông lúa và hạt lúa. Hoạt động sản xuất nông nghiệp truyền thống của người Vân Kiều là trồng lúa rẫy, nguồn lương thực chủ yếu trong năm. Vì vậy, lúa được xem là một sản vật quý của người Vân Kiều và thần lúa được xem là phúc thần. Những đêm vui vào đầu năm mới, điệu múa tuốt lúa được dân bản xem rất đông đến khi nào nghe con chim Pri coh kêu báo hiệu bình minh đến mới kết thúc.

Hiện nay, được sự quan tâm của Đảng, sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chương trình 134, 135, 327..., đồng bào Vân Kiều các xã miền núi huyện Vĩnh Linh đã xây dựng được các công trình thủy lợi phục vụ cho việc trồng cây lúa nước, nên việc trồng lúa rẫy không còn phổ biến như trước đây. Do đó, những sinh hoạt văn hóa dân gian gắn với hình tượng cây lúa mai một dần. Trong những năm qua cùng với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Đảng bộ các xã miền núi của huyện Vĩnh Linh đã ra nghị quyết chuyên đề để phục hồi và phát triển các hoạt động văn hóa văn nghệ mang đặc trưng của dân tộc mình, như múa tạc xình, múa tuốt lúa, múa trỉa hạt, hát giao duyên (hát oát)... Nhờ vậy hiện nay các sinh hoạt văn hóa dân gian của người Vân Kiều được tổ chức mọi nơi, mọi lúc, đặc biệt là vào dịp lễ tết. Cùng với việc phục hồi các hoạt động văn hóa dân gian gắn với hình tượng cây lúa, bên cạnh trồng cây lúa nước, người Vân Kiều cũng trỉa thêm vài rẫy lúa để lấy gạo làm cơm, nấu rượu cúng thần linh, tổ tiên, ông bà và đãi khách miền xuôi. Lễ hội Cha Đôi cũng như lễ ăn cơm năm mới đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng, góp phần làm đa dạng kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng người Vân Kiều ở vùng miền núi huyện Vĩnh Linh.

N.N.P

Ngô Nguyên Phước
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 285 tháng 06/2018

Mới nhất

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tiếp tục xây dựng đội ngũ nghệ sĩ đoàn kết, nhiệt huyết, tâm huyết và sáng tạo để có nhiều tác phẩm chất lượng phục vụ Nhân dân

15/03/2024 lúc 06:10

(TCCVO) Sáng ngày 14/3/2023, Phân hội Nhiếp ảnh Quảng Trị và Chi hội Điện ảnh Việt Nam tỉnh Quảng Trị tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 71 năm ngày truyền thống Nhiếp ảnh và Điện ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2024). Đến dự có Nhà thơ Nguyễn Văn Dùng - Bí Thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cùng đông đảo hội viên tham dự.

Mùng hai

14/03/2024 lúc 17:37

Truyện ngắn của VÕ ĐĂNG KHOA

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/03

25° - 27°

Mưa

21/03

24° - 26°

Mưa

22/03

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground