Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Trao truyền văn hóa của đại ngàn

Với đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô giữa đại ngàn Trường Sơn, nhạc cụ và âm nhạc dân tộc mình được họ xem như “báu vật”. Thế nhưng theo thời gian, những nhạc cụ truyền thống như khèn bè, cồng chiêng, tù và, trống… và những làn điệu oát, xà- nớt, a dên, cha chấp, dân ca, dân vũ cổ… dường như đang dần mai một, rơi vào quên lãng khi nhiều người trẻ chẳng còn hào hứng. Lớp thanh niên ở nhiều bản làng giờ chỉ thích hát những bài nhạc mới, chơi những nhạc cụ hiện đại. Lo ngại trước vốn văn hóa quý của dân tộc mình dần mất đi, nhiều nghệ nhân vô cùng xa xót. Chứng kiến cảnh thanh niên suốt ngày tụ tập hát hò nhạc mới trên dàn loa máy hiện đại inh ỏi, trong khi những nhạc cụ nằm im lìm trong góc nhà sàn, những làn điệu âm nhạc ăn sâu vào tâm trí của mình đang có nguy cơ mai một dần, ông Hồ Pả Vông, người dân tộc Vân Kiều ở bản 6, xã Thanh suy nghĩ mông lung lắm. Ngồi xếp bằng trong căn nhà sàn đã nhuốm màu thời gian, lim dim đôi mắt về phía rừng xa ông Vông lại nhớ ngày xưa. Ông kể chừng 15 tuổi đã được người cha truyền dạy cách thổi và chế tác khèn bè. Trong trí nhớ của ông, từng câu chuyện, từng động tác của cha gắn với chiếc khèn bè vẫn in sâu và niềm đam mê thì chưa bao giờ vơi cạn. Giờ đây khi tuổi đã cao, đôi bàn tay đã không còn nhanh nhẹn, đôi tai không còn thính nhạy, đôi mắt không còn tinh tường để có thể làm được một cây khèn bè đẹp và hay nữa, nhưng những suy tư, trăn trở về tương lai của loại nhạc cụ truyền thống độc đáo này luôn đau đáu trong ông.

Nhiều năm qua, Pả Vông luôn ý thức được trách nhiệm của bản thân trong việc góp phần bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa của dân tộc. Không chỉ phát huy vốn kiến thức sẵn có được truyền dạy từ người cha, ông luôn tìm tòi, học hỏi và ghi nhớ lại nhiều làn điệu khèn bè của người đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Mỗi khi chuẩn bị tham gia một hội diễn văn nghệ, một số hạt nhân văn nghệ trẻ lại tìm đến để được ông hướng dẫn và truyền dạy cách thổi khèn bè, cách hát dân ca. Dường như sự nhiệt tình và ngọn lửa đam mê nghệ thuật truyền thống của ông cũng được thắp lên trong niềm tự hào về truyền thống văn hóa của thế hệ trẻ người Vân Kiều nơi mảnh đất này. Pả Vông giãi bày: “Tiếng khèn bè chính là tiếng lòng của cha ông, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người Vân Kiều, Pa Kô nên bố luôn muốn truyền đạt hết cho các thế hệ con cháu. Bố cũng mong rằng trong tương lai càng có nhiều người biết đến sự tồn tại của tiếng khèn bè, hiểu và phát triển tiếng khèn bè trở thành một loại hình âm nhạc phổ biến hơn. Những vốn văn hóa này không thể bị thất truyền được”.

Là một trong những hạt nhân trẻ trong đội văn nghệ xã Thanh, nhiều năm qua anh Hồ Văn Hùng cũng dần “thấm” những lời ca tiếng hát, những giai điệu thấm đẫm nét văn hóa của dân tộc mình. Anh Hùng tâm sự: “Trước đây khi mình chưa biết thổi khèn bè thì chỉ thích nghe nhạc trẻ thôi. Nhưng khi được bố Vông truyền dạy thì nay mình thấy tiếng khèn bè rất hay. Và mình đã đam mê từ đó. Ngoài ra, mình cũng đang tiếp tục học cách chế tác khèn bè sao cho hay, cho đẹp nữa. Mình nguyện sẽ lĩnh hội, giữ gìn và trao truyền cho những bạn trẻ kế cận những vốn quý âm nhạc dân tộc mình”.

Cũng như ông Vông, hàng chục năm nay ông Kôn Nghĩa, 65 tuổi ở bản Xa Doan, xã A Dơi cũng đã dày công sưu tập, gìn giữ nhiều loại nhạc cụ truyền thống của người dân tộc Vân Kiều như: Cồng chiêng, khèn bè… Là một trong những người lớn tuổi am tường, nắm vững kỹ thuật sử dụng thành thạo những loại nhạc cụ này nên ông cũng trở thành “truyền nhân” truyền dạy cho thế hệ trẻ của bản làng. Mỗi lúc rảnh rỗi, đám trẻ lại đến nhà ông để được ông truyền dạy tất cả kinh nghiệm, cách sử dụng những loại nhạc cụ của cha ông. “Không thể để vốn quý của cha ông lãng quên dần theo thời gian được. Bởi vậy mình phải nỗ lực hết sức. Miễn bọn trẻ có đam mê là bố vui lắm rồi”, ông Nghĩa nói. Vào mỗi dịp lễ hội của bản làng hoặc có hội diễn nhạc cụ dân tộc trong huyện, trong tỉnh ông lại hăng hái tham gia biểu diễn.

Không chỉ ông Vông, ông Nghĩa, mà giờ đây những làn điệu dân ca, điệu múa truyền thống của người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ngày càng “hồi sinh” mạnh mẽ trên khắp các bản làng. Bảy năm nay, câu lạc bộ cồng chiêng khóm Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo đã được duy trì hoạt động một cách đều đặn và sôi nổi. “Thủ lĩnh” câu lạc bộ này là già làng Hồ Thanh Bình, nay đã bước vào tuổi 85. Già làng Bình cho biết, cứ mỗi tháng một lần, ông cùng với 23 thành viên trong câu lạc bộ tập trung đông đủ tại nhà sinh hoạt cộng đồng và chuẩn bị những đạo cụ quan trọng như cồng, chiêng, tù và, khèn bè, trống... để tập luyện. Với sự gắn bó lâu năm và kinh nghiệm dày dặn của mình, ông Bình không chỉ là người lưu giữ văn hoá truyền thống của đồng bào mình mà còn trực tiếp chỉ dạy cho thế hệ trẻ trong bản sử dụng các loại nhạc cụ cũng như hiểu biết giá trị các điệu múa cồng chiêng. “Bố nay đã già rồi, chưa biết khuất núi khi nào nên tranh thủ từng ngày còn khỏe để truyền dạy cái hay, cái đẹp của những điệu múa cồng chiêng cho lớp trẻ. Đến bây giờ bố cũng đã phần nào cảm thấy vui và yên tâm khi nhiều thanh niên trẻ đã bắt đầu biết chơi thuần thục các loại nhạc cụ. Mong sao những vốn quý văn hóa của đồng bào sẽ được giữ gìn và phát huy hơn nữa đến mai sau”, già làng Hồ Thanh Bình trăn trở. Câu lạc bộ cồng chiêng Ka Tăng hiện nay là một trong những câu lạc bộ có tiếng, được tham gia biểu diễn ở nhiều lễ hội truyền thống dân tộc trong tỉnh. Thành viên của câu lạc bộ hiện có rất nhiều người trẻ có niềm đam mê. Em Hồ Thị Kim Anh, thành viên trẻ tuổi nhất câu lạc bộ cồng chiêng Ka Tăng tự hào nói: “Qua tìm hiểu và tham gia câu lạc bộ, em thấy vốn âm nhạc, đặc biệt là các điệu múa cồng chiêng là rất đặc sắc. Em cảm thấy tự hào về âm nhạc dân tộc mình. Là thế hệ trẻ tham gia câu lạc bộ cồng chiêng, em muốn kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp đó của cha ông nhằm góp phần nhỏ bé của mình lưu giữ nét đẹp văn hoá của dân tộc”.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, nhằm khơi dậy, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc, từ đầu năm 2008 đến nay, huyện Hướng Hóa đã thành lập các câu lạc bộ nhạc cụ dân tộc, dân ca ở các xã như: A Xing, Thanh, A Túc, thị trấn Khe Sanh, thị trấn Lao Bảo... Thành viên chủ chốt của các câu lạc bộ là những nghệ nhân cao tuổi và hội viên có năng khiếu thể hiện các làn điệu dân ca, dân vũ cổ. Các thành viên hoạt động trên cơ sở tự nguyện. Cùng với những nghệ nhân cao tuổi, đến nay đã có rất nhiều người trẻ đã tham gia và trở thành những hạt nhân tích cực của các câu lạc bộ. Động lực này đã thúc đẩy phong trào gìn giữ các thể loại âm nhạc dân ca dân tộc ở huyện Hướng Hóa được khôi phục theo hướng tích cực.

Từ những người nặng lòng với âm nhạc dân tộc như ông Hồ Pả Vông, Kôn Nghĩa, già làng Hồ Thanh Bình và thế hệ trẻ như anh Hùng, em Kim Anh… mà giờ đây tại các bản làng ở huyện Hướng Hóa, âm nhạc truyền thống, các điệu múa cổ đã dần hồi sinh. Tin rằng với bầu nhiệt huyết, niềm đam mê của mình, các thế hệ trên những bản làng vùng cao huyện Hướng Hóa nói riêng và của tỉnh nói chung sẽ chung tay giữ gìn những giá trị văn hóa âm nhạc mãi trường tồn…

L.Đ.V

Lê Đức Việt
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 286 tháng 07/2018

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

1 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

2 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground