Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ký ức Trung thu

TCCV Online - Đêm nay trăng sáng, trẻ con đi xem múa lân. Tiếng trống tùng tùng rộn ràng ngoài ngõ. Nhìn lên bầu trời, ánh trăng vàng như lụa mới biết đã gần đến Trung thu, tự nhiên bao nhiêu ký tuổi thơ ùa về trong tôi…

Quê tôi thuần nông, cái xóm nhỏ nghèo, heo hút dưới chân núi Hồng Lĩnh quanh năm làm bạn với ruộng đồng. Đặc sản quê tôi chỉ có nắng và gió. Nắng chang chang như đổ lửa và gió Lào rát bỏng thổi suốt mùa hè.

Tôi nhớ, khi lúa chín vàng trên đồng, lũ chim cu gáy từ trên núi sà xuống để kiếm ăn. Chúng tôi cũng sắm súng cao su mang theo trong các buổi chăn trâu. Túi đứa nào cũng rủng rỉnh toàn hạt sỏi. Những chú cu gáy mải mê ăn lúa đều bị dính đòn bởi tài thiện xạ của chúng tôi. Cu gáy vào mùa nên con nào con nấy béo ngậy, nướng bằng rơm đầu mùa, mùi thơm theo gió bay xa.

Đêm thấy ánh trăng non đầu tháng bắt đầu nhú, cong như lưỡi liềm là tôi biết đã sang tháng tám cũng là chuẩn bị đến Trung thu. Những hôm ngày nắng chói chang thì ban đêm trời rất đẹp. Lũ nhóc chúng tôi ai cũng thấy háo hức. Cứ đứa nọ truyền tai nhau thông báo “sự kiện lớn” với đứa kia, ai cũng vô cùng phấn khởi.

Buổi tối, khi ăn cơm tối xong, người lớn ngồi quây quần bên chiếc chõng tre uống nước chè và nói chuyện. Mấy bác hàng xóm bên nhà cũng sang đông đủ. Họ nói chuyện thời tiết, vụ mùa, giá cả…mà lũ nít chúng tôi không mấy quan tâm. Vừa thả bát xuống mâm là tôi đã thấy thằng Tèo lấp ló bên bụi tre đầu ngõ đánh tín hiệu. Tèo là đứa bạn thân của tôi gần nhà, hai thằng đi đâu cũng có nhau. Tôi lân la khi mẹ rửa bát không chú ý là phóng ngay ra ngoài ngõ.

Trăng đã nhú lên quá ngọn tre tỏa ánh sáng dịu nhẹ, tôi cùng Tèo ra khoảng đất rộng đầu làng. Ở đây đã có mấy đứa con gái đang chơi bịt mắt bắt dê tiếng cười nói vang rộn một góc làng. Đêm nào cũng vậy cứ trăng sáng là chúng tôi lại tụ tập ở đây chơi thỏa thích. Thằng Tèo với tôi gặp mấy đứa con trai. Tèo bảo: “Trung thu sắp đến rồi, chúng ta sẽ thi xem ai làm đèn lồng sáng hơn. Phần thưởng là một bữa chim cu gáy nướng no nê”. Mấy đứa hồ hởi ai cũng nhất trí phương án đó.

Trăng cứ dần tròn và niềm mong đợi háo hức của chúng tôi cứ lớn dần lên. Thỉnh thoảng trước khi đi ngủ tôi lại hỏi bố: “Hôm nay mồng mấy rồi bố nhỉ?”. Biết tôi đang mong chờ Trung thu nên bố tôi luôn cười và nhẹ nhàng trả lời: “Cũng sắp đến Trung thu rồi con ạ”. Vừa đặt lưng xuống, mắt vừa nhắm lim dim là tôi lại nghĩ về vụ cá cược làm đèn lồng. Năm ngoái thằng tèo đã giật giải nhất, năm nay tôi quyết trí dành cho được về phần mình. Về khoản đèn lồng anh trai tôi khéo tay số một. Năm đó anh đã lớn, lên cấp ba rồi nên anh không làm đèn nữa nhưng mấy năm trước đèn của anh làm cực đẹp. Ý tưởng đó làm tôi ngồi dậy lân la đến bên bàn học của anh nhờ anh chỉ hộ cho mấy “đường cơ bản”. 

Buổi trưa hôm sau, trời nóng như đổ lửa, thỉnh thoảng từng đợt gió Lào khô khốc quất qua bụi tre đầu ngõ. Hai anh em ngồi dưới cây ổi bên bờ ao mà gió Lào đã hút gần cạn mất hơn nửa nước. Anh chỉ cho tôi cách chọn tre là phải chọn những cây tre không già cũng không non, có độ dẻo để dễ uốn. Chúng tôi đi ra bụi tre. Tìm mãi mới được một cây ưng ý. Tôi nhỏ con nên leo vào để chặt, mồ hôi nhễ nhại túa ra ướt áo, mấy chiếc gai sắc nhọn cắm vào đau điếng. 

Chặt xong là đến công đoạn cực kỳ quan trọng đó là vót nan. Dao vót phải nhỏ, mỏng và sắc để vót tre được đều, trơn và đẹp. Chiếc dao têm trầu của mẹ tôi cực sắc đã bị tôi lén lấy đi “trưng dụng”. Nhìn những đường vót cơ bản của anh làm tôi thán phục. Lần này tôi nói với anh sẽ làm chiếc đèn lồng hình lục giác hai tầng, cái đèn mà tôi mong ước từ lâu. Tôi nêu ý kiến đó với anh và được anh gật đầu đồng ý. Tôi đắc chí với ý tưởng của mình là độc và lạ chưa có ai làm. Anh tôi bảo cái này hơi khó đây nhưng nếu cố gắng sẽ thành công. Tôi phấn chấn vô cùng.

Trăng càng ngày càng tròn, ánh sáng càng rực rỡ hơn, tôi cũng khẩn trương hoàn thành công đoạn nước rút của chiếc đèn lồng. Buổi sáng trước khi mẹ tôi đi chợ tôi đã dặn mẹ mua giấy màu về để dán đèn lồng. Trưa hôm đó, tôi nhờ bố làm công đoạn cuối cùng là dán giấy. Đây là phần khó nhất đòi hỏi độ tỉ mỉ, khéo léo của bố mới có thể hoàn thành được. Tôi phụ giúp bố và vừa ngồi học việc. Dán xong bố còn vót cho tôi một chiếc cán cực đẹp có vẽ hoa văn tinh xảo. Tôi cầm chiếc đèn lồng sung sướng chạy đi mấy vòng quanh sân. Bố tôi nở một nụ cười mãn nguyện và không quên nhắc với theo: “Nhớ bảo quản cho tốt để Trung thu lấy ra mà dùng con nhé”.

Thằng Tèo cũng như tôi hì hục làm đèn từ mấy ngày trước vì tôi thấy nó chặt tre. Nó cũng có cố vấn là chú nó, một cây làm đèn kỳ cựu. Lần này mặc dù để thỏa mãn trí tò mò, tôi đã qua nhà nó trinh sát mấy lần nhưng chưa bắt gặp chiếc đèn của nó. Có lẽ nó đã sang nhà chú nó để làm và cảnh giác tránh xa con mắt tò mò của tôi.

Chờ mãi thì Trung thu cũng tới. Cả ngày hôm đó cứ thấp thỏm, mấy đứa đi chăn trâu về sớm để làm công tác chuẩn bị. Ăn cơm xong trăng đã lừng lững như chiếc mâm đồng treo trên nền trời trong veo đầy sao lấp lánh. Ngoài ngõ đã nghe tiếng í ới gọi nhau của lũ trẻ. Mẹ tôi lấy cho tôi bộ đồ đẹp nhất để mặc. Trước khi phóng ra ngõ tôi không quên mang chiếc đèn lồng, một cây nến và chiếc bật lửa. Mẹ tôi nói với theo: “Nhớ về sớm con nhé”. Qua nhà thằng Tèo gọi nó xong chúng tôi phóng đến địa điểm quen thuộc đầu làng. Ở đó đã tập trung đầy đủ cả bọn đang ngồi chờ, mỗi đứa một cây đèn lồng trên tay.

Lúc này thằng Tèo bảo cả bọn sắp một hàng ngang, mỗi đứa giơ chiếc đèn lồng của mình ra trước mặt. Giám khảo chúng tôi đã nhờ mấy anh lớn tuổi đến chấm. Năm đó tôi thắng cuộc. Không nói hết niềm sung sướng khi đã vượt qua được thằng Tèo và nhìn ánh mắt ngưỡng mộ của mấy đứa. Nghĩ đến được ăn bữa chim cu gáy nướng thơm lừng thật là quá đã. Tôi cười một tràng khoái chí.

Sau khi thi xong đèn lồng, trẻ con trong làng đã tập trung đông đủ. Chúng tôi bắt đầu rước đèn. Từng đứa nối đuôi nhau vừa cầm đèn lồng vừa đi quanh làng hát những bài hát thiếu nhi vui nhộn. Những chiếc đèn lồng lấp lánh lung linh nhiều kiểu dáng nối tiếp nhau thành một hàng dài trên đường quê tràn ngập ánh trăng. Nhiều đứa cắm nến không chắc làm nến đổ, chiếc đèn lồng bị cháy, nước mắt chực rơi nhưng sau mấy phút lại tươi cười vui vẻ.

Khi trăng đã cao quá ngọn tre chúng tôi tập trung vào sân nhà văn hóa thôn để nhận quà. Ai cũng được một túi đầy đủ các loại kẹo. Bọn trẻ con nhao nhao chờ đến phần mình, tiếng cười nói ồn ào vang rộn một góc sân. Nhận quà xong cả bọn lại thành từng hàng đi quanh làng cho đến khi ánh trăng đứng bóng. Khuya ai nấy ra về với niềm vui không dứt, từng chiếc đèn tản ra vào từng ngõ nhỏ rồi mất hút dưới ánh trăng.

Giờ đây lũ chúng tôi đã lớn. Tèo đã có gia đình. Tôi mải mê làm ăn xa ít khi về thăm nhà. Mỗi khi Trung thu đến, tôi lại bồi hồi nhớ về những ngày thuở nhỏ, thấy nhớ quê da diết trong lòng.

 

Thái An
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 289 tháng 10/2018

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

21 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

22 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground