Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Gia Miêu, ngày "tan sương đầu ngõ"…

Tháng 10 năm 2008, lần đầu tiên Hội thảo 450 năm Nhà Nguyễn và Vương triều Nguyễn được tổ chức tại Thanh Hóa. Cột mốc tính từ năm 1558, khi chúa Tiên Nguyễn Hoàng theo lời khuyên của Trạng Trình “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, ngài đã không dừng lại khi vượt qua Hoành Sơn đất Quảng Bình mà lại đi xa hơn, về tận miền đất Ái Tử của Quảng Trị để dựng nghiệp. Bao nhiêu mưa nắng trần gian đã đi qua trên đời dân, trên phận người, trên bao hưng phế trầm luân. Giữa những ngổn ngang xúc cảm của lịch sử, tôi may mắn được trở về Gia Miêu ngoại trang - nơi phát tích của vương triều. Và chắp nối từ ký ức tới hiện thực, càng thấm thía những bể dâu đã tràn qua miền đất “quý hương” này.

Bể dâu miền phát tích

Buổi chiều 18 tháng 10 năm 2008 đó hẳn sẽ còn đọng lại rất lâu trong tâm khảm những dân làng Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Hình ảnh cả trăm chiếc xe hơi với hàng trăm quan khách lễ bộ trịnh trọng dâng hương vái lạy nơi lăng Trường Nguyên, về đình Gia Miêu, rồi tôn miếu Triệu Tường sẽ khiến con dân đất Quý Hương này vừa tự hào vừa xúc động. Dễ chừng hơn nửa thế kỷ rồi mới có một chiều thu như thế này. Như bao người hành hương hôm ấy, tôi sững người trước tấm hình phóng lớn một khu lăng mộ thành quách đền đài dựng ngay trước mặt cánh đồng bạt ngàn lúa và mía. 

Tấm hình ấy được chụp từ máy bay nhìn xuống khu lăng miếu từ trên cao, lưu dấu vẻ hoành tráng và huy hoàng như những cụm thành quách lộng lẫy vàng son trong kinh thành Huế. Và trên mảnh đất bời bời lúa và mía này đây, xưa kia là khu lăng miếu Triệu Tường, tấm hình chụp năm 1933, nhiều người nói phải hai mươi năm sau khi chụp, khu lăng miếu này mới bị hủy hoại và đến năm 1977 mới thành bình địa.

Trong cái ráng chiều rựng lên phía núi Triệu Tường, chợt thấy như khu lăng miếu trong tấm hình xưa cũ kia chợt động cựa trên màu vàng của lúa và màu xanh của mía.

Một di sản mang vác hồn thiêng cho tiên tổ một triều đại với quá nhiều biến động nay đã không còn dấu tích. Trong số phận của khu lăng miếu Triệu Tường chợt thấy hình ảnh của hàng ngàn đình chùa miếu vũ đã một thời biến thành phế tích và rồi tuyệt tích mất dấu bởi những cao trào “hợp tác hóa xóa bờ vùng bờ thửa” và “toàn dân bài trừ mê tín dị đoan”, “phá sạch tàn tích phong kiến”.

Cái tấm hình lưu dấu miếu Triệu Tường nguy nga dựng trên cánh đồng lúa và mía ấy đã níu chân tôi quay lại Gia Miêu ngay hôm sau. Hẳn sẽ tìm được ai đó nói cho mình hay miếu Triệu Tường đã bị biến mất như thế nào.

May mắn cho tôi khi người thủ từ của đình Gia Miêu là ông Nguyễn Văn Giới, đã gần bảy mươi tuổi, còn cụ thân sinh của ông Giới trước kia chính là người coi sóc lăng miếu Triệu Tường, cụ Nguyễn Văn Hàm. Từ đình Gia Miêu trông ra cánh đồng, những hồi ức bừng lên trong lời kể của ông Giới.

Hóa ra Quý Hương, Quý Huyện không phải là địa danh truyền thống, mang cái tên đó để xác lập một vị trí đặc biệt. Khi vua Gia Long lên ngôi đã phong cho Gia Miêu, đất quê tiên tổ là Quý Hương, huyện Tống Sơn trở thành Quý Huyện. Lại cho xây dựng lăng Trường Nguyên, tương truyền là nơi an táng Nguyễn Kim, thân phụ chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Miếu Triệu Tường cũng được xây để thờ Triệu Tổ Nguyễn Kim và Thái Tổ Nguyễn Hoàng. Đây được gọi là Nguyên miếu để phân biệt với Thái miếu trong kinh đô Huế. Lại cho xây đình Gia Miêu thờ tiên hiền Nguyễn Công Duẫn, một bậc công thần của Lê Lợi thuở khởi nghĩa Lam Sơn, khởi đầu cho công tích họ Nguyễn từ mảnh làng Gia Miêu trở thành một vương triều lớn trong lịch sử Việt Nam.

Mai sau dù có bao giờ…

Trừ lăng Nguyễn Kim ở núi Thiên Tôn, vốn được dân gian huyền thoại hóa rằng khi ông mất, đưa ông vào núi này, quan tài chưa hạ huyệt thì giông gió sấm chớp nổi lên, mọi người kinh sợ bỏ chạy. Lúc trời quang mây tạnh thì chỗ huyệt mộ đã phủ đầy cỏ cây xanh tốt, không thể tìm thấy dấu nên sau này vua Gia Long cho xây một sân vuông làm nơi cúng tế gọi là “phương cơ”. Còn đình Gia Miêu và khu miếu Triệu Tường được xây dựng xứng đáng gọi là thắng tích. Dân trong vùng có câu, “đình huyện Tống, trống huyện Nga” là để chỉ về ngôi đình Gia Miêu bề thế và số phận lịch sử đặc biệt này.

Ông Giới đưa tôi ra đồng, khoát tay chỉ dấu mấy lá cờ cắm mốc vị trí khuôn viên thành Triệu Tường vây bọc khu lăng miếu rồi trầm ngâm: Tôi vào tham quan trong Đại Nội Huế rồi, những gì tôi thấy trong miếu Triệu Tường này hồi xưa đều y hệt vậy. Vua Gia Long cho xây miếu Triệu Tường ngoài việc để thờ phụng tiên tổ còn có hàm ý như một tặng vật cho quê cha đất tổ. Ngoài những đền miếu trong khuôn viên được xây buổi khởi thủy, về sau vua Minh Mạng cho xây thêm một lớp thành lũy nữa bao bọc ở bên ngoài. Có thêm vọng lâu, tam quan, đào hào vây quanh theo thế “thành cao hào sâu” để bảo vệ. Với chu vi 182 trượng - như vậy mỗi bề thành rộng gần 200 mét (mỗi trượng tương đương 4 mét) dài bằng một phần ba Hoàng thành Huế (Hoàng thành Huế mỗi chiều dài khoảng 600 mét). Để dễ hình dung về Triệu Tường và sự biến mất tăm tích của khu thành miếu này thì cứ tưởng tượng một ô vuông với mỗi chiều 200 mét trong Hoàng thành Huế bỗng dưng thành… bình địa!

Chiều hôm trước, khi nghe người hướng dẫn viên nói với các quan khách rằng khu lăng miếu này bị xóa sạch hoàn toàn vào năm 1977 tôi đâm ra bần thần, vì 1977 là sau 1975, là khi chiến tranh bom đạn kết thúc rồi, lẽ ra phải còn dấu vết ít ra cũng là “nền cũ lâu đài bóng tịch dương” chứ sao nay chỉ còn ngút xanh mía và lúa thế này. Ông Giới bảo: “Thì người ta cứ phá dần dần, bom đạn phá dần, năm này sang năm khác. Hồi cải cách đấu tố “phản đế phản phong” người ta phá bớt vùa hương bàn độc, sau đó là kèo cột rui mè, rồi cuối cùng là phá tường thành tam quan. Nhiều bậc cao niên còn nhớ khi phá tường thành được xây bằng gạch vồ, vô số các cụ rùa vàng bò ra lổm ngổm. Rùa này vốn đưa về thả trong ao sen, hào thành vây quanh lăng miếu”. Tôi chen ngang: “Thế hồi lấy gạch lấy gỗ từ miếu Triệu Tường chắc dân trong vùng lấy, nay có ai còn lưu giữ?” Ông Giới cảm khái: “Của Vua ăn một đền mười, của Chùa của Phật ăn mười đền trăm - biết người ta phá, người ta lấy chứ con dân Gia Miêu đố ai dám đụng. Gì cũng tiên tổ của mình…” Nhưng có phá đến vậy thì nền móng tôn thành vẫn còn, xung quang vẫn có hào sâu vây bọc, mấy cây muỗm cây đề cổ thụ vẫn tỏa bóng. Nếu chỉ dừng lại ngang đó, hẳn bây giờ khi “tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời” cháu con có muộn dựng lại đền xưa miếu cũ cũng dễ! Nhưng cú đánh trí mạng nhất là khi Hợp tác xã Hợp Tiến (đất Quý Hương xưa cũng đổi tên cho hợp với không khí thời đại: Hợp Tiến, Hợp Lực…) mở mang trại chăn nuôi, máy xúc điều về san đất từ nền cao lăng miếu lấp xuống hào sâu hộ thành, cây đề cây muỗm cũng bật gốc, ruộng đồng phẳng lỳ vào tận chân núi. Dấu tích tiền nhân thành tàn tích phong kiến. Về Gia Miêu có ai nhớ ra từng có một khu thành miếu nguy nga vang bóng trên đồng mía đồng lúa này. Chiều hôm trước, thấy mấy cô cậu học sinh chen vai thích cánh xem tấm hình miếu Triệu Tường chụp bằng không ảnh, tôi hỏi: “Nhìn ảnh cháu có hình dung được tòa miếu này ở đây ngày xưa không?” Mấy cô cậu học trò trung học cười hồn nhiên: “Chắc đời bố cháu cũng không hình dung nổi chứ nói gì đến cháu”!

Ừ, hình dung làm sao nổi nhỉ?

Như cái đình Gia Miêu đẹp và thiêng liêng bậc nhất đất Tống Sơn - Quý Huyện nơi tôi đang ngồi với ông Giới đây, vậy mà chỉ mới năm 1997 đây thôi, nhà thơ Nguyễn Duy về thấy một góc đình thiêng đã sụt, trên cột đình ai đó viết dòng chữ thu mua bèo và ốc để nuôi cá, ông và nhà văn Nguyễn Khải thắp nhang mà chả biết cắm vào đâu bèn sắp mấy viên ngói vỡ lên cao một tý làm bàn thiên rồi cắm mấy nén nhang tưởng vọng tiền nhân.

Không biết tấm hình nhà thơ chụp đình Gia Miêu hoang tàn với bài thơ “Về đồng” ông chép lên đó trong các triển lãm thơ Nguyễn Duy ở Sài Gòn, Hà Nội, Thanh Hóa cuối năm 1997 và đầu năm 1998 với sự có mặt của nhiều vị lãnh đạo cao cấp có tác động thêm gì không mà năm 1999 đình Gia Miêu được trùng tu. Tường được xây dày, cột kèo mục nát được thay, được “vá”, nền lát gạch xưa, cửa bản khoa tuy không giống nguyên mẫu nhưng đủ cho ngôi đình ấm cúng, điện thờ nơi hậu cung đã có đèn nhang.

Nhìn ngôi đình kỳ vỹ và đẹp thâm hậu, không thể tin rằng sau 1945 ngôi đình này đã là kho lúa, kho mật mía, trại giống hợp tác xã, trụ sở đội chăn nuôi, nơi họp chợ, … Từ sân đình Gia Miêu trông ra khoảng đồng nay mai người ta sẽ phục dựng lại tôn miếu Triệu Tường như dấu tích trên bức không ảnh, chợt ngùi ngẫm rưng rưng với đất Gia Miêu trong câu thơ đầy tiên cảm: “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời” (Nguyễn Du).

L.Đ.D

Lê Đức Dục
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 288 tháng 09/2018

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground