Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Những người Quảng Trị mà tôi yêu mến

Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ chia cắt nước ta thành hai miền ở vĩ tuyến 17. Sông Hiền Lương, con sông có cái tên hiền lành “mềm như lá lúa” ấy, bỗng trở thành con sông dữ, chia cắt tỉnh Quảng Trị, chia cắt đất nước làm đôi. Vĩnh Linh, một huyện của tỉnh Quảng Trị ở Bắc sông Hiền Lương, được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xếp vào loại đặc khu, quan hệ với Trung ương như một tỉnh. Gọi là Đặc khu Vĩnh Linh. Thời bao cấp, khi hai miền còn chia cắt, cuộc sống dân Vĩnh Linh no đủ lắm. Vì là “đầu cầu giới tuyến”, để thể hiện tính “ưu việt” của chế độ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nên được nhà nước có chính sách ưu tiên rất nhiều. Không đến nỗi vất vả, khó khăn thiếu thốn như các tỉnh khác. Người dân nông nghiệp, ngư nghiệp đều có phiếu vải cung cấp người năm mét một năm như cán bộ công nhân nhà nước. Đồng ruộng lúc nào cũng máy cày đỏ chót chạy suốt ngày đêm. Loa phóng thanh được mắc đến từng thôn xã. Dọc sông Hiền Lương là nơi được ưu tiên nhất vì đối diện với bờ bên kia là miền Nam. Cứ mỗi lần đài giới thiệu nghệ sĩ Châu Loan ngâm thơ là dân làng cả hai bờ sông Hiền Lương cũng đều náo nức tập trung đông nghịt để nghe. Vì Châu Loan là người xã Vĩnh Giang ở ngay bờ Bắc sông Hiền Lương. Bà có giọng ngâm thơ đầy ma lực. Cái làng ấy là “làng nghệ sĩ”. Sau này có NSND Kim Quý, NSƯT Kim Phú, NSƯT Hoàng Sỹ Cừ… cũng là con em cái “làng nghệ sĩ” ấy.

Ở thôn quê Vĩnh Linh nhiều người có xe đạp đi trên đường. Dì tôi bảo với anh tôi: “Thằng Ninh vô dì ở mà đi học, dì mua xe đạp cho”. Thế là anh Ngô Tấn Ninh, anh trai tôi vào Thử Luật ở để đi học cấp hai Hồ Xá (từ lớp 5 đến lớp 7 hệ 10 hồi đó). Dì Quế mua xe đạp cho thiệt. Thiếu vải may quần áo, mạ dắt anh em tôi vào dì Quế là có vải may quần áo. Làng của dì ruột tôi cũng là làng biển, cũng đánh cá trồng khoai. Nhưng vì ở vùng giới tuyến Vĩnh Linh nên gia đình dì Quế được ưu tiên nhiều thứ, sống no đủ hơn. Không hiểu sao khoai lang ở làng Thử Luật củ to mà thơm ngọt hơn khoai làng Thượng Luật (Quảng Bình). Đó là sự thật mà cho đến bây giờ tôi chưa lý giải được.

Cuộc chiến đấu hai mươi năm trời để thống nhất đất nước, nối liền hai bờ Nam Bắc sách báo đã nói nhiều. Tôi cũng đã viết rất nhiều bài báo về làng địa đạo Vịnh Mốc, về nông trường Quyết Thắng, về đảo Cồn Cỏ, chuyện đôi bờ Hiền Lương, chuyện Bến đò A, Chuyện Làng bắt cọp, Làng nói trạng..., nên trong bài ký này tôi sẽ không nói đến bom đạn, không nói đến thành tích chiến đấu vĩ đại của quê ngoại nữa, mà nói chuyện người, chuyện đời thường. Như trên đã nói làng biển Thượng Luật, quê nội của tôi ở góc biển Nam Quảng Bình, cách quê ngoại 20 cây số. Thời chiến tranh chống Mỹ, bom nổ ở Cồn Cỏ, Vĩnh Linh ở làng tôi nghe rất rõ. Những lúc ấy, mạ tôi thường ra sân đứng chắp tay vái về hướng Nam hàng giờ, hướng quê ngoại tôi, cầu mong cho bà con trong ấy yên lành. Rồi mạ vào nhà vừa ngồi ngoáy trầu vừa khóc. Quê nội tôi có Đại đội pháo binh nữ anh hùng (gọi là C Gái). Đơn vị này, vào năm 1971, đã một lần rộn ràng chuẩn bị đẩy pháo vào Vĩnh Linh, để pháo kích sang cứ điểm địch ở Cồn Tiên - Dốc Miếu để hỗ trợ cho quân dân Quảng Trị đánh giặc trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. Chuẩn bị cả tháng trời. Xe pháo ngụy trang chỉnh tế. Quân lương sẵn sàng. Không hiểu sao đến ngày xuất phát thì có lệnh trên dừng lại, không đi nữa. Vợ chồng anh Ngô Tấn Ninh và chị Cái của tôi đều ở C Gái nên tôi biết điều đó. Các nữ pháo thủ tiếc lắm. Vì pháo họ là pháo tầm xa, bắn từ vùng núi Vĩnh Linh, đạn bay phải đến tận Đông Hà. C Gái trong kế hoạch tác chiến bao giờ cũng có phương án bắn đuổi tàu chiến giặc để bảo vệ Cồn Cỏ. Mỗi lần máy bay, tàu chiên Mỹ bắn phá Cồn Cỏ, C Gái đều đẩy pháo ra trận địa, theo dõi sự di chuyển của tàu chiến địch, sẵn sàng chiến đấu để chia lửa…

Vì Quảng Trị là quê ngoại, nên lớn lên tôi thân quen rất nhiều người Quảng Trị. Có người thân thiết tới mức như anh em ruột thịt. Cũng do số phận sắp đặt cả thôi. Cố tình cũng chẳng được. Hình như cứ phải là thế mới thành chính mình, thành đứa con của đất quê mạ. Hồi sinh viên Đại học Thương nghiệp Hà Nội, tôi chơi thân với anh Võ Văn Đảm, khóa 2, hơn tôi hai tuổi, quê Vĩnh Giang. Thân với Lê Văn Trung học khóa 6, nhỏ hơn tôi ba tuổi, quê Vĩnh Nam. Trong sách hồi ức “100 ngày vượt Trường Sơn”, tôi đã viết về Võ Văn Đảm và Lê Văn Trung rất kỹ. Hồi vượt Trường Sơn, Trung mới 20 tuổi, đang học năm thứ hai Đại học Thương nghiệp Hà Nội. Trung giỏi kể chuyện Tam quốc, Thủy hử. Đêm ở “bãi khách”, sau khi mắc võng xong là Trung đi kể chuyện Tam quốc diễn nghĩa, lấy thù lao bằng thuốc lào để mang về cho anh em trong trung đội xài. Trung chiến đấu đến cuối tháng 4 năm 1975. Ngày 29 tháng 4, Trung đoàn độc lập 205 của Lê Văn Trung là mũi chủ lực đánh từ Long An lên giải phóng Sài Gòn. Trung bị một quả đạn pháo 105 của địch, không nổ, nhưng rơi trúng đầu Trung, em tử trận. Tôi đã khóc khi nghe tin. Ôi, chỉ còn một ngày nữa thôi là hòa bình, là được về với mạ Vĩnh Linh, về lại giảng đường đại học. Thật buồn. Thật buồn…

Còn Võ Văn Đảm thì câu chuyện dài hơn. Đảm như là một con người của lịch sử đất này. Sinh ra bên sông Hiền Lương mà đến năm 1972, tức là khi 24 tuổi, Đảm vẫn chưa bao giờ qua cầu Hiền Lương. Tháng 9 năm 1972, tôi và Võ Văn Đảm, Lê Văn Trung nhập ngũ từ trường Đại học Thương nghiệp Hà Nội cùng hơn ba chục sinh viên khác. Sau ba tháng “đeo đá” tập leo núi, vượt rừng trên đất Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang. Đầu tháng 1 năm 1973, chúng tôi được trên phổ biến là sắp đi B. Mấy đứa bàn nhau việc “cấp bách” trước khi lên đường là chúng tôi phải tổ chức đám cưới cho đôi uyên ương Đảm - Quỳnh. Chị Đỗ Thị Quỳnh người Thái Nguyên, vóc người mảnh khảnh, hay cười. Chị học lớp Công nghệ phẩm khoá 2 trường Đại học Thương nghiệp, trước tôi hai năm. Chị và Võ Văn Đảm yêu nhau thắm thiết ba bốn năm rồi. Hai người đã hứa hẹn dắt nhau vượt qua bom đạn vào tận xã Vĩnh Giang bên bờ sông Hiền Lương thăm mẹ, thăm bà con Vĩnh Linh nằm hầm đánh giặc, nhưng chưa thực hiện được. Chị yêu anh Đảm nồng nàn. Có dạo Đảm ốm nặng, phải đi bệnh viện, chị Quỳnh đã bỏ việc, xin phép cơ quan về Hà Nội chăm người yêu cả tuần liền. Chị đã ra công tác ở một công ty thương nghiệp huyện ngành thương nghiệp Thái Nguyên. Chị Quỳnh cũng đã có tuổi, nên biết chờ bao giờ Võ Văn Đảm về. Nên phải cưới gấp.

Đám cưới Quỳnh - Đảm được tổ chức tại Cửa hàng bách hóa thành phố Thái Nguyên, nơi chị Quỳnh công tác. Đám cưới thời chiến tranh nhưng cũng đàng hoàng lắm. Cô dâu thì mặc áo sơ mi trắng, quần phíp đen, chú rể mặc quần áo bộ đội. Đám cưới chỉ có trà Thái, kẹo và thuốc lá Tam Đảo. Nhưng cũng rất vui. Nhiều cô gái lên hát. Hơn hai chục anh em bộ đội dân đại học Thương nghiệp đóng vai nhà trai, mặc toàn đồ bộ đội, mượn xe đạp lên Thái Nguyên rước dâu. Đứa thì xưng “anh con bác”, “em con chú” để họ nhà gái họ thêm phần vui vẻ, tin tưởng vào tương lai con gái của mình. Sau đám cưới, chị Quỳnh theo Võ Văn Đảm về Lương Phú, Phú Bình. Để có phòng tân hôn cho hai người, chúng tôi lấy tấm bảng lớp học của trường cấp I đầu thôn, kê lên bàn học trò, trải chiếu chăn bộ đội, tăng võng mới phát đi B quây xung quanh rồi đẩy hai người vào. Sáng sớm ra, mấy đứa lại đập cửa đánh thức đôi uyên ương dậy, lại kê trả lại bàn ghế cho học sinh đến lớp. Vì là trường tiểu học ở một huyện miền núi, nên đêm không có ai trông nom cả. Giáo viên thì ở nhà dân. Phòng tân hôn “dã chiến” ấy hoạt động được hai đêm, thì có lệnh hành quân. Thế mà Đảm đã để lại cho vợ đứa con gái là Võ Thị Hồng Giang. Trước khi chia tay lên xe ở sân ga Phổ Yên, Võ Văn Đảm dặn vợ rằng nếu có thai sinh con gái thì đặt tên Giang, sinh con trai thì đặt tên là Vĩnh. Vĩnh Giang là tên xã của Đảm. Cô gái Võ Thị Hồng Giang sinh năm 1973, nay đã thành một người mẹ có hai con ở thành phố Thái Nguyên. Cách đây mười năm, vợ chồng cháu Giang đã vào tận Huế tìm tôi, bạn chiến đấu của ba Đảm để thăm và tìm hiểu thêm về ba Đảm. Vợ chồng tôi đã tiếp vợ chồng cháu thịnh soạn vì là khách đặc biệt. Tôi lục hết “Nhật ký Trường Sơn”, ảnh lưu ra cho vợ chồng cháu Giang xem. Cháu vừa xem vừa khóc…

Dọc đường vượt Trường Sơn, khi qua địa phận Hướng Hóa, nghe anh giao liên cho biết đây là sông Sê Băng Hiêng. Con sông này, trước khi mang nước ngược sang đất Lào, nó chảy qua thung lũng Cù Bai, trở thành đầu nguồn sông Hiền Lương, Bến Hải,... Võ Văn Đảm nghe nói, nước mắt giàn giụa, rồi khóc hu hu như trẻ con. Đảm bảo sông Sê Băng Hiêng là đầu nguồn sông Hiền Lương, con sông giới tuyến. Nhà Đảm ở xã Vĩnh Giang, ngay sát bờ Bắc sông. Chỉ mấy chục cây số thôi là đến nhà. Thế mà Đảm chưa một lần qua cầu Hiền Lương. Đến tuổi bộ đội phải vượt sông bằng đường Trường Sơn. Đảm xúc động cởi quần áo, nhảy ùm xuống sông, rồi ngẩng lên, hướng về phía Đông, gọi to: “Mạ ơi, con vô đến sông Hiền Lương đây rồi! Đánh xong giặc con về với mạ!”. Mấy đứa chúng tôi cũng không cầm được nước mắt. Chao ôi! Đảm phải đi cả ngàn cây số Trường Sơn, vào tận miền Đông Nam Bộ, đánh giặc xong rồi, nếu còn sống lại đi ra cả ngàn cây số nữa để qua cầu Hiền Lương về với mạ. Giờ đây chỉ vài chục cây số thôi mà không sao về thăm nhà… Tối, tôi lại bấm đèn pin ghi vội mấy dòng thơ tặng Đảm: Ơi nhịp cầu tuổi thơ/ Hiền Lương xanh con nắng/ Xót xa bao lời Đảm/ Nhịp cầu thời trẻ thơ/ Mình chưa lần được sang/ Đảm ơi còn nhớ không/ Dìu nhau chiều vượt dốc/ Đầu nguồn Sê Băng Hiêng/ Giấc mưa rừng rỉ rắc/ Trắng đêm mé làng Ho/ Ngo ngoe vời sên vắt/ Hát đỡ cơn thèm thuốc/ Đầu võng nối cây rừng/ Ta nối với Cửa Tùng/ Sông vọng lời quê kiểng…

Năm 1973, Đảm phiên chế vào Trung đoàn Độc lập 205. Trung đoàn đang chiến đấu chống địch lấn chiếm, bảo vệ Hiệp định Paris ở Gia Nghĩa (bây giờ là tỉnh Đắk Nông). Đảm là Tiểu đội trưởng. Khi trung đội trưởng và trung đội phó hy sinh, Võ Văn Đảm đã đứng lên, thay chỉ huy, động viên anh em đánh địch. Rồi Đảm bị dính đạn M79 hy sinh ở chiến trận. Đến nay chị Võ Thị Quỳnh vẫn chưa tìm thấy mộ…

Tôi đi bộ đội vào chiến trường miền Đông Nam Bộ. Mới tuần đầu tiên đặt chân đến đất Lộc Ninh, “miền Đông gian lao mà anh dũng”, tôi đã gặp mấy chị người Quảng Trị, tù binh được chính quyền Sài Gòn trao trả khi thực hiện Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973. Đó là chị Hồng, chị Ngân, chị Hương. Chị Ngân hiện còn sống ở khu chung cư Đống Đa, TP. Huế. Tôi đã viết bài hồi ức rất xúc động về các chị có tựa đề “Đêm nói tiếng Quảng Trị ở Lộc Ninh”. Gần bốn mươi năm sống ở Huế, tôi chơi rất thân thiết với nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, họa sĩ Trương Bé, NSND Xuân Đàm, NSND Kim Quý, kỹ sư xây dựng Phùng Thế Ủy, nhà văn Ngô Thảo, nhà văn Xuân Đức, nhà thơ Nguyễn Văn Dùng, nhà văn Cao Hạnh, nhà văn Nhất Lâm, rồi Phan Văn Quang, Xuân Lợi, Đức Tiên, Võ Văn Hoa, Võ Văn Luyến… Nghĩa là toàn người Quảng Trị rất tài hoa và khí khái. Với những người đó tôi có thể kể về họ trong một cuốn sách dày.

N.M

Ngô Minh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 290 tháng 11/2018

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground