Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 28/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cõi rừng

LTS: Cõi rừng - tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Xuân Đức kể về cuộc sống của những công nhân lâm trường khai thác gỗ bên bờ Bắc con sông tuyến suốt chiều dài lịch sử, từ những đội quân sơn tràng thủa khởi đầu đến những năm ác liệt nhất của cuộc chiến tranh hủy diệt, rồi tiếp những năm sau này. Bao nhiêu thân phận, bao nhiêu kiếp sống, vừa anh hùng vừa bi thương. Cõi rừng cũng như cõi đời, ý chí với bản năng sinh tồn, tình yêu cùng thù hận, cơ may và cạm bẫy, đỉnh cao liền với vực sâu…

Cửa Việt trích in Chương 6 của tiểu thuyết này.

 Chương 6: Giống cái và giống đực

 Mùa đông năm đó quả thật là một mùa mưa rét lê thê, là những ngày đêm dài và buồn chán đến nẫu ruột. Rồi thì mọi thứ cũng qua. Tết lại đến. Từng tốp công nhân lại bắt đầu vác cưa, rìu lục tục kéo nhau lên rừng. Tôi hiểu rằng, lại bắt đầu bước vào giai đoạn chặt phá, đốn hạ. Lại tiếng cưa re ré vang lên, tiếng rìu chặt chan chát, phầm phập. Tiếng la hét, chưởi tục đ. mạ của đám thợ rừng sẽ lại náo loạn ồn ã cả một vùng rừng. Và tôi sẽ lại nghe tiếng cây thét lên quặn ruột sau mỗi tiếng rìu. Rồi đêm đến, tôi lại có thể nghe thấu những tiếng rên rỉ tuyệt vọng của những linh hồn cây khắc khoải tru lên từ dưới lòng khe Quỷ.

Trong mấy tháng mùa đông tôi được về xuôi nghỉ phép 10 ngày. Tết Nguyên Đán, được nghỉ thêm 3 ngày nữa. Cả hai đợt nghỉ tôi đều háo hức tìm em. Tuy có gặp được em, hay nói chính xác là nhìn thấy em một lần nhưng hình như em không còn nhớ gì đến tôi nữa. Em làm việc trong văn phòng Lâm trường bộ. Xung quanh em lúc nào cũng dày đặc người. Người ngồi ở bàn cúi đầu ghi ghi chép chép. Người chạy tới chạy lui ôm những cặp giấy dày cộp lên phòng mấy ông lãnh đạo. Còn có thêm những cán bộ từ các đội khai thác về xin xỏ, đề xuất chuyện nọ chuyện kia, mặt mũi vừa nhăn nhó vừa cố cười cợt... Tuy tôi không biết rõ những người đó đang làm những việc gì, nhưng chắc chắn mọi công việc của tất cả bọn họ đều liên quan đến những mạng cây đang từng ngày đổ gục trên rừng. Khi tôi thò mặt vào cửa phòng, tuyệt nhiên không ai để ý tới tôi. Có cảm giác mình như một đứa chăn trâu ngoài bãi dám cả gan mò vô chốn nghiêm trọng này để xin bát nước uống. Và tôi nhìn thấy em. Em ngồi ở một góc phòng, trước mặt là một đống phong bì thư, một xếp giấy đánh máy. Công việc của em rất đơn giản. Gấp nhỏ những tờ giấy đã có chữ đánh máy cho vào phong bì, dán lên mép bì chút keo rồi miết ngón tay cho mép phong bì kín lại. Có thể vài ngày nữa sẽ có một chiếc phong bì trong cái đống kia lên tới Đội 1.

Tôi đã mấy lần định mở miệng gọi tên em. Nhưng không dám. Thập thò một lúc, tôi đành quay ra thì bất ngờ em ngẩng đầu lên và nhìn thấy tôi. Mừng quá, tôi đưa cao tay lên làm hiệu. Nhưng thay vì em reo lên như tôi tự tưởng tượng, rồi xô mạnh chiếc ghế chạy ùa ra như tôi ước mong thế, thì em chỉ khẽ nhoẻn nhanh mép miệng để nụ cười xòe ra rồi tắt ngay. Cứ như là hàng ngày chúng mình vẫn ở bên nhau. Cứ như thể đang là năm ngoái, tôi lùa con trâu đi ngang qua nhà bếp, em đang lúi húi châu mồm thổi phù phù vào trong lò, tôi hỏi cơm chín chưa, em quay lại nhoẻn miệng để nụ cười xòe ra rồi tắt ngay, sau đó là câu đáp cụt lủn: còn lâu.

Em không ngẩng lên lần nào nữa. Đứng thêm một lúc thấy chướng, tôi quay người lủi thủi đi ra ngoài đường.

*

Ọc… ọ… U u…

Lúc đó chừng ba hoặc bốn giờ sáng, đại để đấy là lúc giấc ngủ say nhất thì bất ngờ Điền bật người dậy. Liên tiếp những tiếng ọ rồi tiếng tru u u da diết, kéo dài nghe hết sức thê thảm. Không hiểu sao Điền nghĩ ngay đến linh hồn của bầy quỷ dưới khe nước. Lại nghe rõ những tiếng đạp đất thùm thụp đầy giận dữ. Cả người Điền run lên bần bật. Cũng may là đã có thêm mấy công nhân trong lán cùng bật dậy. Điền bớt run hơn. Hầu như chưa ai kịp hiểu ra những tiếng động bất thường đó. Nhưng A Sinh đã vùng người chạy đi. Anh chạy dọc lên phía đầu nguồn con suối. Anh ta chạy lên phía đó làm chi? Hay là?... Điền vội vã chạy theo và bất ngờ trong đầu lờ mờ nghĩ tới con Kna.

Đúng là nó. Con voi cứ cúi đầu xuống ọ ọ mấy cái như mắc nghẹn thứ chi đó trong cổ, liền đó vung chiếc vòi lên cao, tru u u liên tục những hồi dài, rồi nó quật vòi ra bốn phía đập nát tất cả những lùm bụi xung quanh. Hai chân sau của nó liên tục đạp xuống đất làm nát nhừ cả một vạt cỏ ướt. A Sinh chạy lại bên nó, hai tay đưa ra trước vẫy vẫy xuống đất như kiểu người ta đang nói với nhau rằng hãy bình tĩnh, bình tĩnh. Mồm A Sinh kêu to mấy tiếng: Ri… rịp… ri rịp... rồi lại lầm rầm nói như hát những câu bằng tiếng dân tộc mà Điền không thể hiểu được. Nhưng hình như con Kna lại hiểu. Nó ngừng tru, nhưng chiếc vòi vẫn nghếch cao, hít hít rồi phì phì. Hai chân sau vẫn thay nhau giẫm đất nhưng có vẻ nhẹ hơn rồi chậm lại. Chừng vài phút thì con voi đã đứng yên.

Đến lúc đó Điền mới dám tới gần. Cậu hổn hển hỏi A Sinh:

- Nó bị răng rứa? Có phải có con rắn hay rết chi đó cắn không?

- Không. Nó động đực.

- Động đực là răng?

- Động đực là động đực chớ còn răng nữa. Cán bộ không ngửi thấy cái mùi của nó à?

- Cái mùi? Mùi chi, có ngửi thấy mùi chi mô?

A Sinh bỗng toác miệng cười để lộ cả cái hàm răng cụt lủn ở hàm trên.

- Chưa quen thôi, sau này quen rồi cán bộ sẽ nhận ra được cái mùi đó...

Rồi A Sinh quay người trở về lán, vừa đi vừa nói: Kiểu ni, sáng mai phải kiếm cái giây sắt xích chân nó lại thôi.

Trời sáng, khi Điền chưa kịp xuống suối rửa mặt đã thấy A Sinh đi tới chỗ sạp của Đội trưởng Thạc. Không biết anh ta nói những chi với Thạc, chỉ thấy Đội trưởng nghe rất chăm chú, thỉnh thoảng lại gật gật đầu. Đoạn Thạc đứng lên, đảo mắt về phía võng của Điền gọi to:

- Cậu Điền dậy chưa?

- Dạ… em dậy rồi ạ.

- Ừ, tranh thủ ăn sáng rồi về xuôi với tao.

Điền chạy vội tới:

- Về xuôi... là về đâu, Đội trưởng?

Thạc giải thích ngắn gọn.

- Cũng may sáng nay tao có cuộc họp dưới Lâm trường, cậu kết hợp đi với tao về dưới đó. Tao đặt cho đoạn giây xích rồi cùng cầm lên mà xích chân voi.

Dọc đường từ rừng xuống xuôi Điền cứ lăn tăn mãi ý nghĩ, con Kna động đực nghĩa là răng? Cuối cùng không thể nhịn được, cậu hỏi Đội trưởng Thạc. Nghe Điền hỏi, Thạc trợn mắt lên nhìn cậu, rồi bất ngờ phá lên cười, cười hô hô, cười toang hoác cả mồm. Thấy Điền cứ nhăn nhó, Thạc khẽ lắc lắc đầu, nói.

- Không ngờ mi chừng đấy tuổi rồi mà ngu ngơ đến thế. Không lẽ từ trước tới giờ mi quả thật là chưa biết tới mùi đàn bà? Hỏi thiệt nghe, chẳng lẽ mi chưa từng ngửi thấy cái mùi lạ từ cái con bé Lụa của mi sao?

- Này - Điền kêu lên - Đội trưởng đừng nói ẩu nghe.

- A, thằng này láo, dám nói Đội trưởng của mình thế hả?

Thạc lại cười, lại lắc lắc cái đầu tóc rễ tre. Đi thêm một đoạn nữa, có vẻ như Thạc đã tin hẳn vào sự ngây ngô của Điền, anh chậm rãi giải thích. Con voi hay con trâu, con bò, con chó, con chi cũng thế, nói chung là giống cái, khi nó thèm đực, muốn có đực thì cái ấy của nó tự bốc ra một thứ mùi. Cái mùi đó lạ lắm. Nhưng nếu không phải là giống đó thì không ngửi thấy mùi đó. Lâu nay mi chăn trâu đực nên không biết. Giá như mi theo một con trâu nái thì mỗi năm ít nhất một lần mi sẽ thấy nó động đực. Thằng A Sinh nói với tao, voi động đực vào mùa xuân, thường thì tháng ba, tháng tư. Cái con Kna này hư quá, mới cuối tháng hai dương lịch mà đã động cỡn, hú hí ầm ĩ cả lên. Nó mà là giống người thì thế nào cũng đi làm đĩ. Nói xong câu đó Thạc cười hơ hớ cứ như đang sực nhớ lại một trường hợp nào đó của giống người mà anh từng chứng kiến.

*

Thầy Căn từng giảng về mối quan hệ của các loài thực vật trong quá trình giống đực giống cái tìm nhau, giao phối nhau. Đấy là những loại hoa biết kêu gọi ong bướm bằng sắc màu rực rỡ hay tỏa những mùi hương thơm ngạt ngào đầy quyến rũ. Thầy cũng giảng về động vật nhưng chỉ nói tới những bộ lông sặc sỡ bắt mắt, có khi là tiếng gáy như một thuật thôi miên làm mê hồn con bạn tình. Thầy tuyệt nhiên chưa một lần giảng về cái thứ mùi mà con cái phả ra để báo cho con đực biết nó đáng rất khát. Chuyện này có thật không hay do chính những thằng người thèm chuyện đó tự bịa ra. “Con voi hay con trâu, con bò, con chó, con chi cũng thế, nói chung là giống cái, khi nó thèm đực, muốn có đực thì cái ấy của nó tự bốc ra một thứ mùi. Cái mùi đó lạ lắm.” Cái lão Thạc đã nói như thế. Con chi cũng thế? Vậy con người thì sao? Bất giác tôi nghĩ ngay tới em. Bất giác tôi nhớ ngay cái mùi ghê ghê mà tôi từng rất nhiều lần ngửi thấy từ em? Có phải cái mùi đó không? Có phải đó là những lúc em cần cái thứ giống đực ở tôi không? Cả người tôi bỗng nóng ran lên. Mọi thứ trên thân xác tôi bất ngờ cựa quậy…

*

Đội trưởng Thạc chỉ làm việc với Giám đốc Lâm trường chưa tới ba mươi phút sau đó dẫn Điền đi xuống đội xe xin dây xích. Toàn đội xe chỉ có bốn chiếc xe zin 3 cầu, ba chiếc đã đi lên các bãi tập kết gỗ, chỉ còn một chiếc hỏng lốp nằm lại. Còn dây xích thì lại càng hiếm. Cậu Đội phó lục lọi mãi trong kho lôi ra được ba đoạn xích ngắn, nếu nối lại chưa tới ba mét. Thạc vẫn tỏ ra vui mừng, cảm ơn rối rít rồi bảo Điền vác tất cả mấy đoạn xích đó đi với anh về một lò thợ rèn. Ở đó, Đội trưởng Thạc trình bày tỉ mỉ yêu cầu làm dây xích bằng việc nối mấy đoạn rời với nhau, gia cố thêm một đoạn chừng vài mét nữa, sau đó chế một móc cùm có thể khóa được vào chân voi. Trình bày xong, bỏ mặc ông thợ đang ngồi ngẩn ra tính toán, Thạc khoát tay bảo Điền cùng quay trở lại cơ quan Lâm trường bộ.

Lúc này trời đã xâm xẩm tối. Không còn một ai lảng vảng ở cái khu nhà ấy nữa. Điền thất vọng vô cùng. Lần thứ ba có cớ về chỗ Lụa làm việc nhưng Điền vẫn không có cách chi gặp được Lụa. Đêm nay dù ngủ lại nơi này nhưng chắc chắn cậu cũng không thể có cơ hội bởi Điền biết, Lụa đang bị ba mẹ quản rất chặt. Ban đêm không có cách chi cù rủ em ra khỏi nhà.

Lâm trường bộ có một gian nhà dùng cho khách ở, chủ yếu là đón các cán bộ từ trên rừng về. Phòng khách khá đơn sơ, chỉ kê bốn mảnh ván làm giường. Ở giữa có một bàn gỗ làm nơi uống nước. Cả gian có một chiếc tủ gỗ để khách mắc quần áo. Nếu so với cuộc sống trong những chiếc lán trên vùng khai thác thì ở đây cũng được coi là khách sạn. Tuy nhiên có vẻ như Thạc không chút bận tâm tới mấy thứ đó. Sau bữa tối, Thạc lập tức ngả lưng xuống ván và chưa tới mấy phút, tiếng ngáy đã èo uột vang lên.

Riêng Điền vẫn không sao chợp mắt. Hết nằm ngửa nhìn lên lớp la-phông trần nhà bằng một thứ ván gỗ mốc meo xám xịt, lại lật người qua trái, rồi lại lật người qua phải. Cậu nhắm mắt mường tượng ra có tiếng bước chân se sẽ ngoài thềm, sau đó có mấy ngón tay bấu vào hông cậu giật giật. Điền sẽ nhẹ nhàng đứng lên, lặng im bước theo bóng đen ấy ra ngoài. Chỉ cần lướt khỏi ô cửa chính là cậu sẽ ôm chầm lấy cái bóng ấy, không thèm lên tiếng hỏi là ai. Thì còn ai nữa. Cả cái Lâm trường Bến Son này, ngoài em ra còn có ai dám liều mạng mò vô kéo Điền ra khỏi giường? Điền sẽ xiết hai cánh tay khóa em thật chặt, rồi quàng một tay ra trước ngực mà bóp, lại thọc tay kia xuống chỗ đó… cái chỗ ẩm mốc đó. Thế rồi rất bất ngờ cái mùi ghê ghê ấy sực lên. Đúng là cái mùi đó. Con voi, con trâu hay con bò chi thì cũng có cái mùi đó. Điền sung sướng hít lấy hít để.

*

Đã bắt đầu vào mùa cao điểm của việc chặt phá đốn hạ cây. Tất cả công nhân trong đội đều hết sức bận rộn tất bật và phờ phạc. Con Kna cũng liên tục đi vô đi ra cung đường qua lèn Còng, ngày nào cũng lặc lè kéo những khúc gỗ dài trên một quãng đường rừng nhão nhoẹt bùn đất. Nhưng giống vật khác giống người. Nếu những ngày cao điểm này, mấy chục con người trong đội khai thác chỉ biết đến việc hò hét, phang rìu hay còng lưng kéo cưa, rồi chiều tối về là vục đầu vào những nồi cơm trộn hột mì không kịp nhai kĩ đã nuốt ực xuống cuống họng, rồi lăn đùng ra mà ngáy. Dăm ba ngày mới xuống suối vuốt người một lần. Áo quần đôi khi chỉ cởi ra vắt lên cành cây ít ngày rồi mặc lại chứ không thèm giặt. Ẩm mốc và mồ hôi trộn nhau phả ra cái thứ mùi thum thủm mà ai không quen chắc chắn phải ói. Những ngày này, giả thử có giống cái tới thăm, ngủ chung trên sạp thì có lẽ cũng chỉ để chịu đựng cái mùi khăm khắm đó của các ông chồng chứ đừng mong nhận thêm được bất cứ một cử chỉ vuốt ve âu yếm nào.

Nhưng con Kna thì khác. Hàng ngày nó vẫn thủng thẳng kéo gỗ. Cái vòi vẫn vung cao, thỉnh thoảng quật qua trái rồi quật qua phải phang đứt những cành cây nhỏ dọc lối đi. Nó không có chút biểu hiện nào về sự vất vả cực nhọc của kiếp kéo gỗ. Đêm, A Sinh đưa nó vào khu rừng quen thuộc gần bên lèn Còng nơi có nhiều lùm bụi, lau sậy mà nó yêu thích. Điền phụ giúp A Sinh ngoắc cái cùm sắt vô một chân trước của nó, múi dây đầu kia được buộc chặt vào thân một cây trằm ná. Độ dài chiếc dây xích chừng năm mét đủ cho con Kna đi lại, giẫm đạp một vòng tròn. Đêm nào cũng thế, cứ tới khoảng bốn năm giờ sáng, cả đội lại nghe từ khóm rừng ấy tru lên những tiếng kêu thê thảm, tiếng đạp đất thình thịch. Nhưng người ta đã quen rồi, chẳng ai buồn quan tâm nữa.

Cho đến một đêm…

Cũng bắt đầu bằng tiếng ọ ọ rồi tru u u kéo dài, tiếng đạp chân thùm thụp. Có lẽ đã quá quen nên chỉ có Điền tỉnh giấc còn cả đội vẫn ngủ say. Tiếng tru kéo dài chừng mươi phút thì đột ngột ngừng. Điều này hơi lạ. Mấy đêm trước, mỗi lần con voi tru tréo có lẽ phải tới gần tiếng đồng hồ. Răng đêm ni lại ít thế? Hay nó đã chán? Mà chán cũng phải, Điền thầm nghĩ. Bất cứ nỗi thèm khát nào nếu bày tỏ mãi mà không được đáp ứng thì sẽ chán thôi. Chẳng phải mình cũng thế đó mà. Bất giác Điền nghĩ tới Lụa. Em vờn tôi mãi thế đủ chưa? Nói thật tôi cũng đã thấy nản. Cũng chán rồi, mệt óc lắm rồi, từ nay quyết không nghĩ tới cô ấy nữa. Ngủ tiếp thôi.

Thì bất ngờ tiếng tru lại vang lên. Nhưng lần này có chuyện chi đó rất khác thường, tiếng tru nghe thảm thiết như tiếng hét, như là tiếng kêu cứu vô vọng. Rồi tiếng thùm thụp cũng vang lên, không bình thường chút nào, nó dữ dội, nó hung dữ, thậm chí còn có thể cảm nhận được sự rung chuyển của nền đất, của lá cây cứ như có trận lốc đang ập đến.

Điền bật người dậy trong võng, hốt hoảng gọi:

- A Sinh! Anh A Sinh!

Tiếng A Sinh ú ớ phía chiếc võng gần đó:

- Chi rứa mi?

- Con Kna… Hình như nó…

- Ai chà, kệ cha nó, cái thứ động đực hết nước ấy mà.

Điền đã đứng hẳn dậy, mồm vẫn lắp bắp:

- Không, hình như có chuyện chi…

Đột ngột từ phía khóm rừng con voi đang bị xích gầm lên những tiếng rú nghe sởn cả gai óc. A Sinh cũng bật dậy. Nhiều người trong đội khai thác cũng lồm cồm ngóc đầu lên. Tiếng Đội trưởng Thạc hỏi to:

- Có chuyện chi rứa, chúng bay?

A Sinh không nói không rằng chụp chiếc đèn pin vùng người chạy. Điền luống cuống chạy theo.

Phải mất hơn chục phút họ mới tới khu rừng lèn Còng. Vừa chui vô bên trong mấy lùm cỏ lau nơi con Kna đang bị buộc, A Sinh đã rú lên một tiếng thất thanh như vừa bị ai đó chọc dao vô bụng. Điền thất sắc nhảy ào vô theo. Cả người Điền co rúm lại, tim như ngừng đập. Thật không thể tưởng tượng được. Trước mặt cậu một cảnh tượng hãi hùng đã bày ra.

Như một tảng đá đen khổng lồ án ngự ngay trước mặt, lại như một cây rơm của nông dân dưới xuôi xây lên sau mùa gặt nằm lù lù chắn hết tầm nhìn, một con voi to lớn đến ngợp cả mắt đang dúi chiếc vòi vừa hất vừa đập lên xác con Kna đang nằm sóng soài phía trước. Thường ngày thấy con Kna to lớn đến nhường ấy, thế mà giờ, nó nằm nghiêng, phơi chiếc bụng về phía con voi khủng khiếp kia, cứ ngỡ như xác một con chó trước mũi con trâu mộng. Rất nhiều vết thủng sâu hoắm từ cổ xuống bụng. Một mắt của nó lòi cả con tròng ra ngoài. Máu từ hốc mắt, từ vùng bụng trào ra lênh láng khắp mặt đất. Nó vẫn còn thở phì phì nhưng đã rất yếu ớt. Mà có vẻ như con voi to lớn kia vẫn không chịu tha, cái vòi vẫn đập đập lên xác con Kna, lại còn dũi dũi như muốn hất tung nó lên.

Lúc này Đội trưởng Thạc cũng vừa chạy tới. Sau anh, nhiều công nhân khác cũng đến. Tất cả đều sửng sốt, kinh hãi. Không ai dám bước vô gần, kể cả A Sinh. Con voi to lớn như cây rơm kia đang rất giận dữ. Hai mắt nó long lên sòng sọc. Thạc hét thất thanh:

- Lùi hết cả lại, đồ ngu… Mau lên…

A Sinh vừa lùi lại vừa huơ huơ hai tay, mồm kêu ríp… ríp… Rồi anh hô to bằng tiếng dân tộc mấy câu như kiểu đọc thần chú. Chẳng hiểu con voi to kia có nghe, có sợ mấy tiếng hô đó không, nhưng hắn đã thôi không ủi vô xác con Kna nữa. Nó quay lại, quật mạnh chiếc vòi. Đến lúc này mọi người mới có thể nhìn rõ nó. Con voi đực chỉ có mỗi một ngà. Chiếc ngà độc vừa to vừa sắc lẹm, từ mũi tới gần sát chân ngà đã nhuộm đỏ máu. Thạc lại hét to:

- Chạy lui lại mau lên, đồ ngu!

Đám công nhân đạp lên cây mà chạy. Chỉ có A Sinh là vừa đi giật lùi vừa líu ríu những tiếng kêu trong miệng. Con voi đực bắt đầu bước ra khỏi lùm cây, như một chiến binh sau cuộc đấu toàn thắng, hạ sát được đối thủ, nó vung chiếc vòi quật ra hai bên rồi thủng thẳng bước đi. Không ai dám đi theo nó. Con voi đi dọc theo bờ khe Quỷ, ngược lên hướng thượng nguồn, sau đó mất hút vào trong khoảng rừng âm u phía biên giới.

*

Lúc đầu tôi cứ đinh ninh cái con voi đực to lớn và tàn độc đó là con Knu. Bởi trên đường từ chỗ con Kna bị nạn về lán ngủ, A Sinh cứ lầu bầu, cũng tại cái mùi của con Kna mà làm hại nó. Tôi nghĩ ngay, hóa ra vì cái mùi đó toát ra từ con Kna mà con Knu đã mò tới. Nhưng tôi lại thắc mắc, Knu và Kna vốn đã từng sống gần nhau nhiều năm, hẳn đã từng làm tình cùng nhau không ít lần, tại răng lại trở mặt sát hại dã man người tình đến thế? Chẳng lẽ chỉ vì bị chia cách mới hơn nửa năm nay mà sự thèm khát lại trở nên cuồng nộ như thế sao? Hay vì con Kna bị xích chân, không thỏa mãn được sự hả hê của nó? Chao ôi cái giống đực, chẳng lẽ cái bọc chất nhờn ứ nghẽn bên trong cái ngà cụt dưới háng lại có sức mạnh tức nước vỡ bờ đến thế sao?

Nhưng không phải. Khi Đội trưởng Thạc yêu cầu A Sinh đưa ra nhận định về tai nạn này để anh còn kịp báo cáo lên cấp trên, thì A Sinh đã khẳng định. Con voi đực khổng lồ kia không phải Knu. Đây là một con voi hoang có lẽ từ bên kia biên giới mò về. Tại sao lâu nay không có con voi hoang nào về mà giờ lại có? A Sinh nói, mùa này là mùa phối giống của voi. Có lẽ vì cái mùi gọi đực của con Kna quá mạnh, nó bay qua khỏi cả biên giới. Thạc bật cười, lắc lắc đầu rồi lại hỏi. - Nếu chỉ là chuyện giống đực với giống cái thì nó tìm được nhau là chơi luôn, tại răng lại đâm chết nhau. Ồ, voi cũng như người mình thôi. Vừa nói A Sinh vừa quờ tây gãy gãi sau lỗ đít, mồm xuýt xoa vì đau. - Thậm chí nó còn hơn con người nữa. Cái giống voi cái, không phải bất cứ con đực nào muốn nó cũng chịu đâu. Con cái không chịu, con đực đương nhiên là tức tối. Tức quá nên mới sinh ra hung dữ rứa.

Cả Thạc lẫn Điền đều há hốc miệng ra nhìn A Sinh, rồi lại nhìn nhau. Bất giác cả hai cùng có chung ý nghĩ nhưng không ai nói ra lời, chẳng lẽ con voi hơn con người thật sao?

*

Chưa bao giờ khu rừng quanh lèn Còng lại náo nhiệt như những ngày này. Sau khi nhận được báo cáo khẩn của Đội trưởng Thạc, một chỉ thị cũng “khẩn” từ Đảng ủy và Ban giám đốc Lâm trường được ban ra. Đội 1 có trách nhiệm bảo quản hiện trường con voi bị nạn, tuyệt đối không cho bất cứ ai xâm phạm vào trong chỗ xẩy ra án mạng chờ đầy đủ các đoàn thanh tra của Chính phủ, của Bộ và của Ty lên khám xét, kết luận.

Nhưng cái tin con voi cái bị voi đực đâm chết đã nhanh chóng lan tỏa ra khắp toàn huyện. Trong lúc chưa có bất cứ đoàn thanh tra nào lên tới nơi thì những đoàn người từ rất nhiều hướng đã nườm nượp kéo đến. Sớm nhất là bà con dân bản sinh sống gần đó. Tiếp đến là những nhân viên tiếp phẩm của bếp ăn Lâm trường bộ. Họ lên không phải chỉ vì tò mò mà còn khấp khởi chờ được chia phần thịt voi về cải thiện bữa ăn đang trong giai đoạn vô cùng kham khổ. Rồi rất nhiều, rất nhiều những thanh niên, dân quân ở đâu đâu cũng mò lên. Bất ngờ nhất là bộ đội. Chẳng hiểu những tốp lính đi vào hay đi ra nhưng mặt mũi ai cũng xanh mướt vì đói. Cũng không biết do đâu mà họ biết được tin voi chết. Những sĩ quan dẫn đầu vừa bước chân tới lèn Còng, gặp bất cứ ai đều hỏi gấp: Mổ chưa? Thịt chia hết rồi à? Công nhân Đội 1 được trang bị súng đứng gác dày đặc quanh khu lèn Còng và được dặn dò kĩ một câu trả lời duy nhất. Chúng tôi không biết gì hết. Đơn vị đang chờ cấp trên, yêu cầu không ai được bước vô hiện trường! Khách vãng lai đã nêm chặt khu lán ngủ của công nhân. Nhiều tốp mắc võng bên cạnh khe Quỷ. Thạc phải tìm chỗ khuất trốn biệt, không dám giáp mặt ai bởi nếu không sẽ phải khô nước bọt trả lời với khách về cái chết kì lạ của con voi. Điền cũng lấy cớ đó mà lui xa về khu vực phía dưới.

Tốp cán bộ đầu tiên có mặt là Giám đốc Lâm trường Hoàng Tới, mới chính thức được bổ nhiệm đầu năm nay thay bác Lâm, cùng hai bác sĩ thú y. Thấy đã có đoàn chính thức của Lâm trường lên, Điền nhanh chóng quay trở lại hiện trường. Cậu nghĩ thế nào họ cũng hỏi mình. Tuy nhiên, chẳng ai hỏi chi hết. Hoàng Tới lệnh cho Thạc.

- Đồng chí cho dựng nhanh một cái lán bên ngoài khu lèn Còng làm nơi cho các đoàn thanh tra làm việc. Kiếm mấy cái bàn với ghế ngồi kê vô trong lán. Trong ngày hôm nay, đoàn của bên thú y sẽ khám nghiệm trước.

- Răng lại thú y? Nó chết đâu có phải vì bệnh tật chi mà.

- Thì rứa mới phải xác định. Trước hết phải có biên bản để coi thử con voi có chết vì bệnh không? Nếu mà bị bệnh thì các cậu toi đời đó. Còn nếu không, ngày mai, Thanh tra Chính phủ và bên hình sự công an mới vào cuộc.

- Ối trời ơi.

Thạc chỉ kêu lên như thế rồi quay người hô hét mấy công nhân lập tức dựng lán trại.

Xẩm tối ngày thứ nhất, tổ thú ý hoàn thành công việc khám nghiệm. Biên bản ghi kết luận gọn lỏn mấy câu. Không tìm thấy vi khuẩn nhiễm bệnh ở cơ thể voi. Thạc bảo Điền đưa hai vị bác sĩ quay về lán, nói chú Hợi dọn cơm mời khách rồi dọn chỗ ngủ cho họ. Trước khi đi Điền hỏi nhỏ Đội trưởng:

- Ngày mai em có cần lên chỗ này không? Mấy ông thanh tra ấy có tra hỏi quản tượng không?

Thạc nói:

- Tao làm răng biết được. Nếu họ cần sẽ gọi.

Điền “dạ” khẽ một tiếng rồi lặng lặng dẫn hai vị khách được gọi là bác sĩ thú y quay về lán ngủ.

*

Rốt cuộc người ta chẳng hỏi chi tôi hết. Ngay cả A Sinh họ cũng không hỏi. Nghe Đội trưởng Thạc kể, trưa ngày hôm sau thì một chiếc xe chở cả Thanh tra Chính phủ cùng với công an hình sự lên. Họ chẳng nói chuyện với ai mà xông thẳng vô chỗ có xác con voi đang phủ đầy ruồi nhặng. Họ đo đạc từng vết đâm, đo chu vi bên ngoài lỗ thủng, lại thọc mũi dùi vào đo độ sâu. Họ yêu cầu lực lượng công nhân dùng đòn cây cạy lật xác lên để đo đếm phía bên kia. Tuy nhiên lay cay mãi vẫn không thể lật được cái xác to lớn khủng khiếp ấy. Thạc đề nghị, hay chỉ cần khám một bên thôi. Một cán bộ công an cau mặt, nói như quát. Thôi sao được mà thôi. Hôm nay không lật được thì ngày mai, đồng chí cần phải huy động thêm nhiều người nữa. Việc khám nghiệm hiện trường không thể qua loa thiếu sót được...

Cũng may lúc đó tôi không có mặt ở hiện trường. Nếu có chắc tôi cũng sẽ buột mồm văng ra câu chi đó, và rồi nhất định không thể thoát khỏi cảnh bị công an đè ra mà truy hỏi.

Thú thực, từ lúc chứng kiến con Kna bị nạn, lúc đầu thì hoảng loạn, tiếp đó cũng có chút thương xót, nhưng chỉ sau một buổi sáng, tôi bỗng thấy chán nản vô cùng. Nhất là mấy ngày liên tiếp sau đó, khi thấy mọi người quá quan trọng cái chết của voi, tôi bỗng thấy nhớ con trâu thân thiết của tôi. Tại sao cũng là kiếp con vật kéo gỗ mà người ta lại có thể coi cái chết này như là một mẩu lá rụng còn cái chết kia ngỡ như một tòa núi sập? Đó là chưa kể, con trâu mộng thân thiết của tôi chết vì bom đạn giặc Mỹ, chẳng phải nó đáng được coi là liệt sĩ? Còn cái con voi cái này chết vì cái chi? Vì động đực, vì chính cái mùi ghê ghê của nó phát ra. Chết rứa thì vinh quang cái nỗi chi? Chẳng hiểu sao, tôi tự bật cười một mình. Một ý nghĩ bệnh hoạn bật lên. Giả sử như có hôm nào đó, bất ngờ gặp em, bất ngờ nhận được cái mùi gai gai từ em, tôi xô ập vô, rồi thì bất ngờ đột tử ngay trên bụng em. Lúc đó thiên hạ sẽ đối xử với cái xác chết của tôi thế nào? Chắc là họ sẽ lấp xác tôi thật nhanh cùng với những lời chưởi rủa không thương tiếc, cái thứ con trai hư hỏng, bại hoại, rồi cũng có thể vì rứa mà người ta bỗng nhớ tới cái lý lịch của gia đình tôi, đúng là thứ con cái của giai cấp thối nát!

Thật quá bất ngờ. Chỉ là ý nghĩ thối tha trong đầu thôi mà linh nghiệm hơn cả câu thần chú. Em bỗng dưng xuất hiện.

Em xuất hiện cùng lúc với ba nhân viên tiếp phẩm. Họ đi lên bằng xe đạp, đèo phía sau là những bao tải gấp cuộn gọn gàng và được buộc chặt bằng những sợi giây cao su to bản. Thoáng nhìn, tôi biết ngay họ lên đây chỉ có duy nhất một mục đích là giành thịt voi. Nhưng mà, em đã thôi công việc ở bếp ăn Lâm trường bộ rồi mà, răng tự nhiên lại nhập với tốp người này. Tôi chào chung một tiếng rồi kéo em ra hỏi riêng như vậy. Em nheo nheo mắt nhìn tôi, nói. Mình chỉ lấy cớ xin đi nhận thịt để được lên đây. Tôi bỗng thấy xốn xang. Lấy cớ để được lên? Nhưng mà… Lụa muốn lên đây làm chi? Hỏi xong, tôi bỗng thấy hồi hộp, cứ ước sao em nói gấp, lên để gặp cậu chứ còn làm chi nữa. Nhưng không ngờ em lại nhếch mép cho nụ cười xòe ra rồi tắt ngay, liền đó giọng thản nhiên. Là mình chưa nhìn thấy voi khi nào cả. Nghe họ nói chuyện con voi chết, tò mò quá, muốn coi thử ra răng. Tôi như kẻ bước hụt, mặt ngẩn ra. Rồi không giấu được sự bực dọc, tôi buột miệng. Đúng là điên. Không ngờ em lại xòe ra nụ cười rồi tắt ngay, vung tay một cái và phụ họa theo. Đúng rứa. Mình thấy quá nhiều người điên. Cả huyện cứ sùng sục lên. Ngồi ở chỗ nào cũng chỉ nghe có mỗi chuyện con voi chết. Rồi lại rủ nhau bỏ hết công việc kéo lên để coi voi. Không chừng chiều nay, ngày mai, cả huyện nối nhau lên kín rừng đó. Mặt tôi lần nữa lại ngẩn ra. Em nghĩ rứa, tại răng em lại cũng lên đây?

*

Lúc này ba nhân viên tiếp phẩm đã đạp xe chạy thẳng vô phía lèn Còng. Riêng Lụa vẫn đứng lại. Cô cứ huyên thuyên hỏi, đảo mắt nhìn quanh, vài phút lại xòe ra nụ cười rồi tắt ngay. Điền cũng chẳng biết làm gì, định nhắc Lụa là mấy người kia đã đi vô trong kia rồi, răng cô không đi. Nhưng Điền không mở miệng bởi thực ra cậu rất sợ Lụa nhớ ra, nhảy lên xe và mất hút vô cái khóm rừng phía trước. Mất chừng mươi phút thì Điền bỗng cảm nhận thấy có vẻ Lụa không muốn hoặc chưa muốn rời chỗ này. Mà như thế có nghĩa là, cô ấy muốn dùng dằng với mình. Trống ngực cậu bất ngờ đập mạnh hơn. Cậu liều mạng lên tiếng:

- Này...

- Chi?

- Có nhớ rừng không?

Giọng Lụa tự nhiên nhỏ hẳn lại.

- Rừng thì có chi mà nhớ. Mình đang muốn quên hết đây.

Tiếng Điền cũng nhỏ lại, hổn hển:

- Quên được à?

Lại nhếch mép:

- Có chi mà không được. Đầu tuần sau mình đi học xa rồi. Đi xa mấy năm thì quên được hết.

Điền bất ngờ cuống lên:

- Đi học xa? Đi đâu? Mà học cái chi?

- Học Hà Nội. Mấy bác lãnh đạo cho mình đi học một khóa Lý luận nghiệp vụ. Cái trường đó ở... số mấy đó, cái phố chi đó, quên mất. À, đúng rồi, kêu bằng Đê La Thành. Mà nói với cậu thì có ích chi. Cậu làm răng mà ra được ngoài đó, biết răng được cái nơi kêu bằng Đê La Thành đó.

Điền có cảm giác mình đang bị treo lơ lửng lên ngọn cây. Mọi thứ xung quanh bỗng trở nên chơi vơi. Cậu hỏi mà như lẩm bẩm với chính mình:

- Đê La Thành? Khóa Lý luận nghiệp vụ? Mà lý luận nghiệp vụ là nghiệp vụ chi? Có phải nghiệp vụ về rừng không?

- Không. Lúc đầu mấy bác í cũng bàn để mình đi học một khóa chuyên ngành lâm nghiệp. Nhưng mấy cái trường lâm nghiệp chưa chiêu sinh khóa mới. Cuối cùng họ nói, trước mắt cứ đi học cái trường nghiệp vụ này. Nói thực thì mình cũng chưa biết ở cái khóa này họ dạy những thứ chi. Chú Tới Giám đốc nói là dạy chủ yếu là chính trị, Chủ nghĩa Mác chi đó với đường lối chi đó…

Điền kêu to lên:

- Ôi trời ơi. Làm lâm nghiệp thì học mấy thứ đó làm chi?

Lụa nhăn nhó:

- Mình đâu có ưng, nhưng không có lớp chi khác hết.

- Rứa thì chờ, đến khi nào mấy trường lâm nghiệp chiêu sinh thì nhập học. Việc chi phải vội?

- Mình đâu có vội. Nhưng… mẹ không chịu. Mẹ bắt phải đi nhanh. Hơn nữa mẹ nói, học lâm nghiệp sau ni về chỉ có biết làm lâm nghiệp, cả đời không thể ra khỏi mấy khóm rừng u tối. Còn đi học cái khóa Lý luận nghiệp vụ này về sẽ làm lãnh đạo.

Mấy tiếng “về sẽ làm lãnh đạo” tuột ra khỏi miệng Lụa nhẹ nhàng đơn giản như chính cái nụ cười xòe ra rồi tắt ngay thường thấy ở cô khiến Điền há hốc miệng không hỏi thêm được câu gì nữa. Tất cả bỗng tắt lịm trong sâu thẳm của cõi lòng cậu. Tất cả bỗng trở nên u tối và lạnh lẽo như những khóm rừng giữa ngày đông. Lụa hầu như không để ý tới sự thay đổi tâm trạng của Điền, vẫn vô tư nói:

- Mình lấy cớ đi giúp nhà bếp chở thịt voi để lên gặp cậu một lúc. Sáng mai có xe Lâm trường ra Hà Nội, mình phải theo xe đi rồi. Phải đi xa mất hai năm, đôi khi nghĩ cũng buồn…

Thật bất ngờ khi Điền nhìn thấy hai tròng mắt Lụa ngầu đỏ. Đôi mi khẽ chớp chớp. Rồi Lụa cúi mặt, quay ngoắt nhìn qua hướng khác.

*

Tôi tuyệt nhiên không có chút linh cảm rằng buổi chiều hôm đó là buổi cuối cùng tôi được bên em trong nỗi đê mê của một thằng con trai mới trưởng thành. Và cũng là buổi cuối cùng của tôi với vùng rừng thâm nghiêm đầy huyền bí này. Tôi không linh cảm trước được những việc ấy. Sau buổi chiều oái oăm đó, dĩ nhiên tôi vẫn còn duyên nợ với rừng, thậm chí còn có thể nói là món nợ như nghiệp chướng suốt đời nữa, nhưng không phải với khu rừng này, càng không phải với thân phận kẻ chăn trâu, lùa voi hay bảo vệ. Tôi không hề có linh cảm chi hết. Lúc đó tôi và em như hai kẻ bị rừng thôi miên, dắt tay nhau đi mà không hề biết phải đi đâu, không biết sẽ xẩy ra những chuyện gì. Chúng tôi đi dọc theo khe Quỷ, ngược lại phía những tốp người đang lũ lượt kéo lên lèn Còng. Dĩ nhiên chúng tôi vẫn còn chút tỉnh táo để chui xuống sát mép suối mà đi, tránh xáp mặt với họ. Cũng vì đi sát mép suối nên cả hai đứa cứ phải chui qua nhiều khóm lùm bụi lau lách. Chẳng hiểu sao lúc đó em như một con người khác hẳn, khác rất xa so với kiểu cách của em những ngày sống gần tôi trong lán Đội 1, khác cả cái thời xa xôi khi cùng ngồi chung một bàn trên ghế nhà trường. Cái kiểu cười xòe ra rồi tắt ngay đã biến mất. Em cười to hơn, cười dài hơn, cho dù tiếng cười vẫn không xởi lởi thoải mái như những cô gái khác. Thỉnh thoảng lại nhăn nhăn cái mũi. Điệu bộ đó tôi chưa từng thấy ở em, có lẽ em mới học được từ khi chuyển về dưới Lâm trường bộ.

Còn tôi dĩ nhiên là vui ngất ngây. Có thể nói chưa khi nào trong cuộc đời tôi lại có những giây phút vui như thế. Và không biết có phải vì quá vui không mà tôi lại buột miệng kể với em về tình trạng con Kna những đêm trước khi xẩy ra thảm họa. Tôi bắt chước tiếng ọ ọ rồi tiếng tru của nó. Tôi hỏi em có biết vì răng nó ọ và tru như rứa không? Em lắc đầu. Tôi lại mang những gì mà A Sinh giải thích về những phút động đực của loài voi nói với em, lại còn huênh hoang bịa đặt thêm nữa. Ý tôi lúc đó tuyệt nhiên không phải để kích thích em. Tôi thề đấy. Chẳng qua tôi muốn cho em thấy tôi đã thông thạo nhiều kiến thức về thú vật, chứng minh rằng, chỉ một thời gian chưa dài tôi đã hiểu thêm cuộc sống của rừng, của cây cối và muông thú hơn rất nhiều những điều thầy Căn đã dạy. Cho nên tôi nói đầy hứng khởi cái cách mà giống cái muốn có giống đực, lại còn tỉ mỉ tả rằng, mỗi lần con cái muốn có đực nó tiết ra một chất nhờn với cái mùi ghê ghê thì con đực dù đang ở rất xa vẫn ngửi thấy, con đực bắt đầu cũng hứng lên, hứng đến mức không thể chịu nổi. Tôi cứ thao thao như thế mà không hề nhận ra bàn tay em đã nắm lấy tay tôi tự lúc nào. Chỉ đến khi bỗng nhiên tôi nhận thấy có một luồng hơi nóng, nó từ bàn tay em lan nhanh lên khắp cơ thể tôi, đánh thức mọi thứ trong tôi. Tới lúc ấy tôi mới giật mình liếc nhìn qua em. Em vẫn bước bên tôi nhưng đầu cúi thấp, hai gò má và vành tai em đang đỏ lựng. Tôi... đúng là kẻ không ra gì, là thứ sa đọa, bệnh hoạn. Tôi tự nguyền rủa mình như thế. Nhưng mà, tôi không còn làm chủ được nữa. Tôi bất ngờ quay sấp mặt vô em, ôm ghì lấy em, sẵn sàng đón nhận một cú xô hay đạp mạnh từ em như cái đêm năm ngoái. Nhưng thật kỳ lạ, chuyện đó đã không xẩy ra. Cả tấm thân em bỗng nhiên mềm nhũn. Thế nên sau đó, cái việc muốn xẩy ra đã xẩy ra. Em với tôi đã hiện nguyên hình của một thứ giống đực và giống cái giữa một bụi lau um tùm, tươi tốt.

X.Đ

Xuân Đức
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 290 tháng 11/2018

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

29/03

25° - 27°

Mưa

30/03

24° - 26°

Mưa

31/03

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground