Truyện ngắn Thơ Bút ký
Tìm kiếm nâng cao Hình ảnh hoạt động Xem tất cả Tạp chí
Đăng nhập
Tản mạn về bát cơm đầy, bát cơm ngon
28/1/2019
• 
Hiện thực giấc mơ trên cát trắng
× Hiện thực giấc mơ trên cát trắng
28/1/2019
• Cẩm Nhung

 


1.Xem mấy bức ảnh tư liệu quý hiếm về thiên đường nghỉ dưỡng Cửa Tùng những năm 30 của thế kỷ trước được anh bạn nhà báo của tôi chia sẻ lên facebook, thấy lòng nhói tiếc. Ảnh của người Pháp chụp những ngôi villa xinh đẹp nằm trên các mũi núi nhô ra biển với hệ thống nhà hàng, phòng nghỉ, sân chơi… được xây dựng theo phong cách kiến trúc châu Âu sang trọng hiện đại. Thật không ngờ Cửa Tùng từng có những tiện nghi như vậy.

Anh bạn của tôi cả thời thơ ấu sống bên biển Cửa Tùng đã rất xúc động khi trông thấy hình ảnh của thị trấn biển quê mình gần cả trăm năm trước qua những bức hình đen trắng. Anh sinh ra khi Cửa Tùng chỉ còn là các bãi cỏ hoang vu, hai cuộc chiến tranh từ 1946 - 1975 đã san bằng tất cả hào hoa tráng lệ Cửa Tùng. Cái vạch vĩ tuyến quân sự tạm thời chia cắt đất nước thành hai miền không chỉ làm lãng phí một cây cầu Hiền Lương không có người qua lại, mà còn làm lãng phí, lãng quên nơi cửa biển này một bãi tắm đẹp lành. Sau khi chiến tranh kết thúc, nhiều năm sau đó nữa, người dân các làng biển đã lấy gạch, đá từ những ngôi biệt thự bị bom Mỹ đánh sập về làm nhà. Anh bạn tôi cũng đi đào đá móng những ngôi biệt thự ấy về bán lấy tiền sắm sách vở đi học. Theo anh, từ mũi Hàu men theo mép biển đến mũi Sy rất nhiều nền đá móng biệt thự như vậy. Những biệt thự nằm giữa mênh mông trời nước lý tưởng cho việc nghỉ dưỡng và tắm biển.

Những năm đầu khai phá Trung Kỳ, người Pháp vốn đã ngán cái nắng của xứ này nên họ luôn tìm những vùng đất có khí hậu tốt lành để “trốn nóng”. Và cùng với Khe Sanh, Cửa Tùng của đất Quảng Trị cũng được người Pháp xếp vào nơi có khí hậu lý tưởng để nghỉ mát. Địa hình Cửa Tùng có cấu tạo như dải cao nguyên xanh xiên xuống một bãi biển có độ dốc thoai thoải cát trắng mịn màng. Ngoài biển ra, một vẻ đẹp khác của Cửa Tùng là những làng vườn trên nền đất đỏ bazan nhìn ra biển trồng những cây đặc sản là tiêu, chè, mít, thuốc lá… nổi tiếng nhất là các vườn tiêu quả cay thơm được xếp vào loại có hương vị tốt nhất nước. Thời kỳ Pháp thuộc, hiếm nơi đâu ở nước ta có một bãi biển đẹp và có những khu vườn xanh biếc ngát hương cây trái nằm sát biển như vậy. Người Pháp đến đây bị mê hoặc bởi những vẻ đẹp này đã đặt cho Cửa Tùng cái tên đầy kiêu hãnh là “Bà chúa của những bãi bể” và ráo riết xây dựng hàng trăm biệt thự phục vụ nghỉ dưỡng cho quan chức thuộc địa. Linh mục Léopold Cadière, một người Pháp rất am tường về Đông Dương và Quảng Trị trong bài viết “La Plage de Cửa Tùng” (Bãi biển Cửa Tùng) kể rằng Khâm sứ Trung Kỳ đã chuyển nhà tắm của triều Nguyễn dựng ở biển Thuận An thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế ra Cửa Tùng, sau thì trả lại làm nhà nghỉ mát cho vua Duy Tân. Ở đây còn có Đại khách sạn duyên hải, có thư viện nổi tiếng của linh mục Alexandre De Rhodes và hàng loạt biệt thự của quan chức tây, ta. Vua Bảo Đại cũng có hành cung nghỉ mát, thương gia người Việt từ Hà Nội đến Sài Gòn đều có biệt thự cả. Cư dân Cửa Tùng không chỉ làm nghề chài lưới mà kiêm luôn cả công việc phục vụ trong các khu nghỉ dưỡng của những ông Tây bà Tây này.

Mùa hè năm 1962, nhà văn Nguyễn Tuân về thăm Cửa Tùng cũng công nhận rằng: “Cửa Tùng nhất nước ta đấy. Biển Cửa Tùng càng nhạt nắng càng khoe tươi. Đủ cấp bậc xanh và lam và hồng, và chuyển nhanh có lúc như chớp giật. Trời và sóng lộng lên sinh sắc của thiên nhiên… Ngày xưa, thực dân xoàng mới nghỉ ở Sầm Sơn, hạng to hạng bự thì phải ở Cửa Tùng” (Tùy bút Giữa chiến tranh và hòa bình là một bãi biển Cửa Tùng). Như vậy cũng đủ thấy vẻ đẹp lộng lẫy, yêu kiều của Cửa Tùng dù nằm ở xa những trung tâm lớn thời bấy giờ nhưng dưới bàn tay quy hoạch của người Pháp đã nhanh chóng trở thành thị trấn du lịch biển tiện nghi nhất nhì Đông Dương thập niên 1930.

Nhắc chuyện gần cả trăm năm trước người Pháp đầu tư làm du lịch nghỉ dưỡng ở Cửa Tùng để nói rằng, dẫu trải qua bao thăng trầm biến thiên lịch sử chúng ta đã để mất “bà chúa” của những bãi biển, thì một thời Cửa Tùng đã thực sự là một chấm son trên bản đồ du lịch của cả nước, là niềm tự hào của người Quảng Trị. Chứng kiến cảnh bãi tắm bị xâm thực ngày một gầy hao, bạn tôi luôn trăn trở cho số phận Cửa Tùng và nuối tiếc ước mình có thể trả lại những viên đá móng đã đào thuở trẻ dại, đặt nó lại chính cái nơi nó làm bệ đỡ cho những biệt thự lâu đài để một ngày kia ai đó đến xây tiếp những khu nghỉ dưỡng trên đất này. Cái viễn cảnh tốt lành nay mai trên vùng đất cát hoang vu sẽ hiện hữu quần thể nghỉ dưỡng du lịch sang trọng trong giấc mơ lãng mạn của bạn dẫn dắt tôi lạc vào những dự cảm tốt lành về tương lai của vùng biển quê nhà…

2. Cách đây mấy năm, Quảng Trị hiện đại hóa tuyến đường trực chỉ Cửa Việt - Cửa Tùng dài gần 80 cây số, con đường quốc phòng kết hợp dân sinh chạy dọc theo mép biển. Bên cạnh mục đích phục vụ nhu cầu lưu thông của người dân vùng biển, con đường có tác dụng kép là động lực để hình thành và phát triển các vùng kinh tế ven biển, mở ra triển vọng thu hút nguồn lực từ bên ngoài nhất là đầu tư vào dải đất ven biển rộng lớn của hai huyện Gio Linh và Vĩnh Linh. Tôi đã qua lại con đường này rất nhiều lần để về các làng biển, chạy một mạch từ cảng Cửa Việt về miền xa duyên hải mới hình dung được trọn vẹn cái mênh mông của vùng đất cát phía đông bắc quê nhà, nhìn rõ tường tận những rặng cây phi lao, cồn cát, cây cầu, bến cảng và những xóm nhà nằm kề bên chân sóng. Quảng Trị suốt mấy chục cây số bờ biển chỉ trừ miệt Cửa Tùng về Vịnh Mốc là đất bazan đỏ, còn ở đâu cũng là trùng trùng cát trắng bên những cánh rừng phi lao chạy dài theo cánh sóng. Lang thang khắp mọi nẻo đường mới thấy cái vệt đất ven biển quê mình bao la quá, rộng dài quá, không chỉ đẹp mà còn giàu tiềm năng nữa. Khu du lịch biển Cửa Việt đã được quy hoạch đầu tư khá hoàn chỉnh về cơ sở hạ tầng, hai cảng cá Cửa Việt và Cửa Tùng phát huy hiệu quả, cùng với đó là con đường ven biển Cửa Việt - Cửa Tùng được hiện đại hóa nối dài với con đường xuyên Á từ Đông Hà về Cửa Việt mở ra cơ hội cho vùng biển hội nhập với Hành lang kinh tế Đông Tây… nhưng như thế vẫn chưa đủ so với tiềm năng đang có. Đi về các xã bãi ngang, những mô hình nuôi tôm, trồng rau, trồng lạc, trồng dứa… của người dân cũng chỉ chiếm một phần nhỏ diện tích, khó có thể khỏa lấp vùng đất cát mênh mông này.

Trong cái rộng dài của dải đất cát ven biển là nỗi niềm trăn trở về tiềm năng lớn còn bỏ ngỏ. Làm gì trên vùng cát ấy để đưa lại hiệu quả kinh tế cao xứng đáng với tiềm năng của nó là mối quan tâm lớn của lãnh đạo tỉnh và các địa phương suốt một thời gian dài. Mấy năm gần đây, các hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Quảng Trị đã kéo các nhà đầu tư chiến lược về phía biển. Công ty cổ phần Tập đoàn AE đầu tư Dự án Khu đô thị sinh thái biển AE Resort - Cửa Tùng có diện tích trên 36 ha dọc tuyến đường ven biển Cửa Tùng - Vịnh Mốc, bắt đầu triển khai xây dựng từ năm 2018 - 2021 với các hạng mục resort nghỉ dưỡng, khách sạn, trung tâm hội nghị, khu vui chơi giải trí, khu thể thao, hệ thống cây xanh cảnh quan. Tập đoàn FLC đang xem xét đầu tư dự án quần thể khu đô thị nghỉ dưỡng cao cấp quy mô hàng trăm hecta ở vùng ven biển từ Cửa Việt đến Cửa Tùng. Mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng điểm du lịch Mũi Trèo - Rú Bàu là khu sinh thái rừng nguyên sinh kết hợp hệ sinh thái biển và khảo sát mở tuyến du lịch Cửa Tùng - Mũi Trèo... cùng nhiều dự án khác sẽ triển khai trên miền cát trắng.

Lợi thế đặc thù để thu hút đầu tư nằm ở chỗ, Quảng Trị đang có quỹ đất ven biển sạch, diện tích lớn và mức độ tập trung cao, không bị manh mún chia cắt. Thế nên việc đặt tay vào làm quy hoạch thuận tiện hơn. Tỉnh Quảng Trị xác định, Khu kinh tế ven biển Đông Nam đi qua bảy xã của hai huyện Hải Lăng và Triệu Phong là nơi ưu tiên thu hút các dự án đầu tư khu công nghiệp, năng lượng, cảng biển, logistics. Đối với khu vực ven biển phía Đông Bắc của hai huyện Gio Linh và Vĩnh Linh thế mạnh chủ yếu và quan trọng nhất là những bãi biển đẹp, sạch hội đủ tiềm năng phát triển du lịch, do vậy ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng; liên kết với làng địa đạo Vịnh Mốc và đảo Cồn Cỏ đang xây dựng thành huyện đảo du lịch sẽ tạo nên quần thể du lịch sinh thái biển phong phú và hấp dẫn, hướng tới kết nối Cửa Việt - Cửa Tùng - Cồn Cỏ thành “tam giác” du lịch biển trọng điểm của cả nước. Sắp tới đây, khi con đường trung tâm trục dọc Khu Kinh tế Đông Nam đến cảng Cửa Việt hoàn thành sẽ nối dài với tuyến đường quốc phòng ven biển Cửa Việt - Cửa Tùng thông thương tất cả bờ biển suốt từ điểm đầu phía bắc đến tận điểm cuối phía nam Quảng Trị.

Dự cảm, chỉ vài năm nữa, khi các dự án hoàn thành, vùng đất cát hoang sẽ thành khách sạn, thành biệt thự, thành hồ bơi, thành bãi tắm đẳng cấp, thành công viên cây xanh... Và thử nghĩ xa hơn, khi tour du lịch Cửa Việt - Cửa Tùng - Cồn Cỏ chính thức ghi danh trên bản đồ lữ hành, chỉ một ngày du khách có thể tham quan vòng quanh địa đạo Vịnh Mốc, rừng nguyên sinh Rú Lịnh, thăm thú đảo Cồn Cỏ lặn ngắm san hô, tắm biển, chinh phục động cát, tìm hiểu đời sống cư dân các làng chài ven biển, thưởng thức hải sản tươi ngon và những đặc sản của Quảng Trị. Với tour du lịch từ hai ngày trở lên, du khách sẽ lưu trú trong các resort, khách sạn đẳng cấp 5 sao tận hưởng các tiện nghi nghỉ dưỡng hiện đại, với những người trẻ thích khám phá trải nghiệm có thể chọn dịch vụ cắm trại dã ngoại ở Mũi Trèo - Rú Bàu.

Để trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng phát triển bền vững vẫn còn đó những trăn trở và thách thức. Nhưng quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị là kiên trì tiếp cận nhà đầu tư theo phương châm “đến tận ngõ, gõ tận cửa” để mời chào. Quảng Trị đang có dải đất cát ven biển đầy tiềm năng, lựa chọn phát triển du lịch là hướng đi có nhiều triển vọng tạo nên sự bứt phá và nhiều nơi đã thực hiện thành công. Nhìn ra Quảng Bình thôi, cũng là tỉnh nghèo có xuất phát điểm thấp tương tự như Quảng Trị, nếu không có những cuộc đổi cát lấy công trình thì Quảng Bình bây giờ không có được những khu resort nghỉ dưỡng sang trọng, không thể trở thành điểm du lịch hấp dẫn nhất duyên hải miền Trung.

Với những dự án sắp tới khởi động ở Cửa Việt, Cửa Tùng, giấc mơ của anh bạn tôi về quần thể thiên đường du lịch nghỉ dưỡng hiện ra lộng lẫy giữa biển xanh, cát trắng, nắng vàng không còn là giấc mơ xa xôi!

C.N

 

 

     Giới thiệu | Liên hệ đặt báo | Hộp thư Tòa soạn [Đóng tab]  




• 
Dặm trường một đoá hồng phai
× Dặm trường một đoá hồng phai
28/1/2019
• Lê Vũ Trường Giang

  

Bút ký dự thi

Nước non ngàn dặm ra đi

Cái tình chi? 

N

àng giã từ quê hương, mang theo hành trang nước mắt, dặn lòng quên đi nỗi niềm riêng, trung trinh gánh trên vai liễu trọng nhiệm đất nước. Lênh đênh nghìn dặm làm vợ người, mang về vùng đất mới cho cơ nghiệp nước nhà để rồi đêm về châu lệ ngàn hàng, lẻ loi thân quế nơi xứ lạ. Hàng trăm năm sau, công tích của nàng hậu thế ghi tạc trong tim dân châu Ô, châu Lý ngày nào. Tên nàng theo con dân xuống biển, tiếng gọi nàng còn vương trên non thẳm, tóc nàng còn mướt xanh ruộng đồng. Nàng đi vào lịch sử cùng giấc mộng buồn, cùng đền đài, bia đá, tháp ngà, con đường mang tên. Phận nàng như Chiêu Quân cống Hồ, công lao của nàng không sách vở nào luận hết chữ. Nàng là công chúa Huyền Trân, người Mẹ Xứ Sở của cư dân Thuận Quảng.

Như lệ hằng năm, những ngày giêng hai tôi cùng chúng bạn đi về hướng Ngũ Phong, nương theo tiếng chuông ngân vọng từng hồi trên núi xa. Dọc đường hoa anh đào nở rộ, khoe từng dải trắng hồng trên cành xanh. Trời vào xuân, trải gấm hoa từng lối nhỏ quanh co. Đền Huyền Trân thâm u dựa vào chân núi, bốn bề rừng thông phủ kín, cảnh trí thanh tịnh. Chúng tôi thành kính dâng hương tưởng niệm công chúa Huyền Trân giữa khói hương nghi ngút, lồng trong tiếng chuông lần giấc nguyện cầu. Chợt thấu hình ảnh ai đi trong gió trong sương, trên con đường xa xôi ngàn dặm. Thuyền chèo mái nước, lòng còn vương vấn cung khuê. “Ngó ra quê cha đường xa sông rộng/ Ngó về quê mẹ núi lộng đèo cao”, đường chia ly từ đây chôn vùi mộng ước.

Huyền Trân công chúa (1287 - 1340) là một nhân vật lịch sử để lại nhiều công lao và huyền thoại mở cõi vào thời nhà Trần. Mặc dù thân lá ngọc cành vàng nhưng công chúa có số phận khá trắc trở, chông chênh. Năm lên sáu tuổi đã mồ côi mẹ, vua cha Trần Nhân Tông bận rộn việc giang sơn nên cũng không có nhiều thời giờ dành cho con cái. Huyền Trân suốt một đời cô quạnh, chồng chết, lìa con, cuối cùng thoát tục an phận ni sư. Nói về đức vua cha Trần Nhân Tông đã có công hai lần đánh bại giặc Nguyên Mông xâm phá giang sơn, thu vén bang giao với vua Champa là Chế Mân, lo xong đại cục lại náu thân mình chốn thiền môn để tu tập. Đức Phật Hoàng đã tính kế dài lâu, tạo sự hòa hiếu nên đã đích thân vân du phương Nam vào năm 1301, vào trại Bố Chính, lập am Tri Kiến, nay là vùng Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, vừa trú ẩn, vừa đợi thời gian sang tận kinh đô Đồ Bàn để mạn đàm với Chế Mân mưu sự lớn. Người nhận ra thế liên hoàn để phòng thủ đất nước về phía Nam và cơ hội Nam tiến của dân Việt nên đã xuất ngôn hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua Chăm Chế Mân. Năm năm sau, Huyền Trân công chúa vừa trưởng thành đã rời đất kinh kỳ theo hôn ước của vua cha, dâng hiến thanh xuân cho sự nghiệp mở nước, đem về cuộc đất vuông ngàn dặm, gieo thái bình cho muôn dân. Công chúa xứng đáng là Vị Nữ Thần Anh Thư Nước Việt. Trước sự kiện trọng đại ấy, vua Chế Mân đã cắt đất làm sính lễ là hai châu Vuyar và Ulik kể từ nam sông Hiếu (Đông Hà, tỉnh Quảng Trị ngày nay) vào đến bắc sông Ngũ Bồ (sông Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam bây giờ). Món quà cưới ấy đã tạo cơ hội mở rộng lãnh thổ, còn mãi đến hôm nay. Kéo theo đó là những con dân Đại Việt đầu tiên từ trấn Hải Dương, Nam Định, vùng Thanh - Nghệ đã vào tiếp quản đất đai hai châu Ô, Lý, lập làng lập ấp. Năm 1307, vua Anh Tông sai Đoàn Nhữ Hài vào dẹp loạn ở các sách La Thủy, Tác Hồng, Đà Bồng, chiêu phủ dân chúng, đổi đất Ô, Lý làm Thuận Châu và Hóa Châu. Thuận Châu là dải đất gồm các phủ Triệu Phong, Hải Lăng (Quảng Trị) và các huyện Phong Điền, Quảng Điền (Huế) ngày nay. Hóa Châu là dải trải dài từ huyện Hương Trà, đến Điện Bàn ngày nay, bao gồm cả hai thành phố Huế và Đà Nẵng. Đoàn Nhữ Hài là bậc tài trí, có nhiều chính sách kinh bang, hỗ trợ trăm họ hai châu Thuận, Hóa được an cư lạc nghiệp, biết chọn lựa và tin dùng người tài để rồi từ đó phát triển vùng đất “Ô châu ác địa” trở nên trù phú, đông vui. Tuy vậy, thời kỳ này, những nhóm người cư dân đầu tiên ấy sống trong tình hình chưa ổn định vì đất Thuận Hóa lúc ấy là miền biên cương phía nam của quốc gia Đại Việt, nơi thường diễn ra nhiều cuộc tranh chấp với Champa sau khi Chế Mân mất. Đến thời Hậu Lê thì các hạng quan chức, lính tráng được cử vào trấn giữ và mở mang bờ cõi phía Nam. Những người trong gia đình, kẻ hầu người hạ đi theo họ khiến cho thành phần dân cư thêm đông đúc. Nhiều làng xã hình thành với số lượng cư dân nhiều lên qua từng ngày. Khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn giữ đất Thuận Quảng (năm 1558), trong ý đồ xây dựng Đàng Trong để cát cứ, đất Thuận Hóa có sự phát triển mới. Được lệnh vào Nam, những bề tôi, đồng hương nghĩa dũng ở Tống Sơn (Thanh Hóa) và các vùng Nghệ - Tĩnh đã đi theo ông rất đông, đây chính là lực lượng hùng hậu bổ sung cho việc khai hoang lập làng, xây dựng và mở mang vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân.

Sau sự kiện Huyền Trân, khắp vùng Thuận Hóa, nhiều miếu mạo, đền thờ đã được lập lên để tưởng nhớ Huyền Trân công chúa. Suốt ba tỉnh Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng ngày nay vẫn còn một số di tích liên quan đến tục thờ này. Ở Quảng Trị, làng Nại Cửu, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong cũng thờ Huyền Trân công chúa. Xưa nằm ở Bèng, là vùng đất cao ráo, thoáng đãng. Dân làng rất tôn kính, hằng năm đều làm lễ nghinh thần. Tuy vị trí miếu có thay đổi vào ngày nay nhưng tâm thức người dân vẫn một lòng tri ân hướng về. Ở làng Kim Đâu thuộc xã Cam An, huyện Cam Lộ có di tích miếu thờ Huyền Trân công chúa. Theo dân làng, miếu ngày xưa được xây dựng bằng gạch theo lối vòm cuốn thành ba tầng khá bề thế, mái lợp ngói liệt có đường cổ diêm. Miếu có tam quan, sân gạch, cây xanh rợp bóng. Thời chiến tranh chống Mỹ, miếu thờ đã bị phá hủy. Sau chiến tranh, vào năm 1978, dân làng góp sức phục dựng tạm lại miếu thờ để hương khói và xây dựng lớn vào năm 1998, 2010. Tuy nhiên, một số quan điểm cho rằng miếu Huyền Trân ở Kim Đâu là miếu thờ Bà Chúa Ngọc, một vị nữ thần của người Champa là Po Nagar. Vấn đề này được cắt nghĩa như là một hiện tượng giao thoa văn hóa Việt - Chăm thường gặp ở các làng xã miền Trung. Vốn đó là miếu thờ vị nữ thần Champa có tên gọi miếu Bà Chúa Ngọc, hay miếu thờ bà Thiên Y Ana Ngọc Diễn Phi khi người Việt vào tiếp quản đất vẫn tiếp tục thờ cúng hoặc phối thờ hoặc trên nền tảng đó tôn tạo một danh xưng mới. Những ngôi miếu này thường được người Việt dựng lên bên trên các phế tích đền tháp Champa, nơi linh thiêng của các làng. Vì lẽ đó, dân làng Kim Đâu cũng thờ phụng Huyền Trân công chúa theo motif nói trên. Điều này biểu hiện tấm lòng của hậu thế, rất đáng khen ngợi. Huyền Trân công chúa có một vị trí đặc biệt trong văn hóa, tâm thức, tín ngưỡng của người dân Quảng Trị và cả vùng Thuận Hóa xưa.

Những chiều hè về chơi cửa Tư Hiền, một địa danh gắn liền với trang sử Huyền Trân. Cửa biển trước có tên rất nổi tiếng suốt thời trung đại, được nhiều bậc danh nhân đề thơ vịnh cảnh với cái tên Tư Dung hải khẩu. Cửa biển Tư Dung trước kia thuộc về vương quốc Champa, đời Lý gọi là cửa Ô Long. Cái tên Tư Dung có từ thời Trần, do lòng kính vọng công trạng của Huyền Trân công chúa mà đặt nên. Khi xuất giá sang nước chồng, đoàn đưa công chúa Huyền Trân đã dừng chân ở đây và công chúa quay mặt bái vọng tổ tiên. Người đời sau dùng hai chữ Tư Dung để đặt tên cho cửa biển này nhằm tưởng nhớ công ơn nàng công chúa đã hy sinh hạnh phúc riêng tư để mang cuộc đất mới về cho đất nước. Tư là nghĩ đến, tưởng nhớ đến; Dung là nét mặt, dung nhan, ý chỉ nàng công chúa nhà Trần xinh đẹp. Cửa biển xưa qua ghi chép khá chi tiết trong cuốn Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn về cửa Tư Dung rằng: “Xưa kia, cửa nguyên ở chỗ gần núi, cách phía nam cửa bây giờ chừng 5 dặm. Tương truyền, vài trăm năm trước đây, cửa cũ rất sâu rộng, ghe thuyền rất thuận tiện vào ra”.

Năm 1811, có lụt lớn, cửa biển Tư Dung bị lấp cạn dần và một cửa biển mới hình thành ở vị trí của cửa biển Tư Hiền hiện nay. Đến năm 1823, cửa Tư Dung bị lấp cạn đến độ có thể lội qua. Năm 1844, lụt lớn, cửa bị lở rồi lại bồi. Khi cửa Tư Dung là cửa cũ, bị bồi lấp, cửa Tư Hiền là cửa mới mở. Tên cửa Tư Hiền là do vua Thiệu Trị đặt và cho đó là điềm lành vì khi cửa lấp, kẻ địch không đánh thọc nách kinh thành được, bèn đổi tên cửa Tư Hiền cho đến ngày nay vẫn quen gọi vậy. Tên Tư Hiền ý là không còn hiểm nguy với sóng to gió lớn, mong cầu cơ nghiệp nhà Nguyễn đang được ý trời giúp cho muôn thuở bền vững.

Lại nói chuyện, sau khi sứ bộ nhà Trần do Trần Khắc Chung dẫn đầu vào cứu giá Huyền Trân khỏi nạn bị thiêu sống theo vua Chế Mân sau khi vị vua này băng hà như luật lệ của vương triều Champa hồi đó. Công chúa được cứu thoát và đưa lên thuyền về lại Thăng Long nhưng con của người mới vài tháng tuổi thì không mang theo được, mẫu tử phải chịu cảnh chia lìa. Do thời tiết xấu, đoàn đi rất chậm và lại về nghỉ ở Hóa Châu chờ cho gió ngừng, mưa tạnh. Quan dân Hóa Châu đã vui mừng đón tiếp. Trước khi rời khỏi miền đất Hóa Châu, thuyền ra cửa biển Tư Dung, Huyền Trân sai dừng chèo rồi công chúa lên một ngọn núi cao nhô ra biển, đứng trông về phía Đồ Bàn nuốt lệ, thương con. Dưới triều Quang Trung, Ngô Thì Nhậm miêu tả lại trong bài “Hầu thuyền ngự qua phá Hà Trung, kính ghi” về ngọn núi đó rằng: “trên núi Linh Sơn buổi ấy, Huyền Trân trở về nước, lên đây trú bão, có cho xây một cây tháp, lúc ta hầu Thánh thượng lên núi thì tháp vẫn còn. Chính ông gọi là “Đảo Huyền Trân”. Ông còn viết nên bài thơ “Mưa đêm trên đảo Huyền Trân” với những lời thống thiết: “Huyền Trân ứa lệ tuôn sầu hận/ Xóm bến thâu đêm lã chã rào.”

Trời đất cũng khóc thay cho nỗi sầu nhân thế, cho thuyền quyên phận nổi trôi không bến bờ. Ngô Thì Nhậm đã đồng cảm, thương thay một kiếp cành vàng. Từ đó vùng duyên hải Phú Lộc, ngày nay thuộc các xã Vinh Hiền, Vinh Hải, Vinh Giang, Vinh Mỹ, Vinh Hưng, được gọi tên là đảo Huyền Trân.

*

Công chúa Huyền Trân đi vào lòng muôn dân sâu đậm, khảm vô vàn vết hoa lên vòng quay lịch sử. Tôi người làng Thần Phù (Hương Thủy, Huế) được người lớn đọc cho nghe câu ca dao cửa miệng của một thời: Lênh đênh cửa biển Thần Phù/ Kheo tu thì nổi, vụng tu thì chìm.

Tiên tổ làng tôi theo tiếng gọi chiêu dân lập ấp đã dựng nghiệp trên đất làng Thần Phù ngày nay và đặt tên làng theo tên cũ của quê hương bản quán ngoài Bắc. Tên làng Thần Phù được đặt tên theo các địa danh Thần Phù ở hai tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình đã gắn bó với người dân Nam tiến trên vùng đất mới. Mới hay, “từ thuở mang gươm đi mở cõi”, xa cách nghìn dặm vẫn chung cội nguồn. Lại nhắc đến Huyền Trân công chúa, không một người dân Việt nào trên vùng Thuận Quảng quên ơn nàng. 600 năm sau, một người làng tôi là cụ Võ Chuẩn đã cảm khái viết nên thi phẩm để đời:

Nước non ngàn dặm ra đi/ Cái tình chi?/ Mượn màu son phấn/ Đền nợ Ô Ly/ Đắng cay vì/ Đương độ xuân thì/ Độ xuân thì/ Cái lương duyên, hay là cái nợ duyên gì?/ Má hồng da tuyết/ Quyết liều thân như hoa tàn trăng khuyết/ Vang lộn theo chì.../ Đặng vài phân/ Vì lợi cho dân/ Tình đem lại mà cân/ Đắng cay muôn phần.

Bài thơ sau được cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị đưa vào điệu Nam Bình, lưu truyền hậu thế. Cụ Võ Chuẩn, sinh năm 1895 tại làng Thần Phù, dòng dõi họ Võ khoa bảng nổi tiếng. Ông bắt đầu nhậm chức Tỉnh trưởng tại Kontum, một tỉnh nhỏ miền thượng du, rồi cứ mỗi vài năm lại đổi đi một tỉnh lớn hơn. Chức vụ cao nhất cuối cùng của ông là Tổng đốc tỉnh Quảng Nam, phong hàm Thượng thư, chánh nhị phẩm. Lúc sinh thời, Võ Chuẩn đã làm nhiều thơ, văn, phú, câu đối, văn tế,... với bút hiệu Thạch Xuyên. Tập Thạch Xuyên thi tập của cụ là do con cháu gom góp, để giữ lại dấu tích, cuộc đời và tâm sự của bậc trưởng thượng kính yêu. Thi phẩm Nước non ngàn dặm đã đi cùng câu hò, điệu hát, thấm nhuần vẻ đẹp cao khiết của người con gái đã hy sinh bản thân đem lại lợi ích chung cho dân tộc. Chỉ một câu “nước non ngàn dặm ra đi” đủ gieo vào lòng người sự khắc khoải, cảm thương cho một phận má đào. Từ đây, nàng biệt kinh kỳ, cuộc đời sang trang mới với những trầm luân phía trước. Nước non ngàn dặm xa quá, mắt người không thấy điều gì phía trước như số phận, như lịch sử. Một cuộc sống không thể chọn lựa, không vì tình riêng, chịu hy sinh cái tôi nhỏ bé, mỏng manh để hiến dâng cho đại cục. Sử nhà Trần còn chép truyện An Tư công chúa hiến mình cho giặc Nguyên Mông, góp công đánh thắng quân địch ra bờ cõi. Sử nhà Nguyễn thương nhớ công chúa Ngọc Vạn buộc phải gả cho vua Chân Lạp để ổn định cuộc đất phía Nam. “Cái tình chi”, chẳng thể giãi bày, chẳng ai thấu hiểu. Xuân xanh ấy chưa từng có ý trung nhân, giờ làm vợ người, như mối lương duyên của hai quốc gia. Tình này là tình gì, đắng cay không sao kể xiết. Một đời nữ nhân, một cành vàng lá ngọc đã được “mượn màu son phấn” để “đền nợ Ô Ly”. Câu thơ đã minh tường tất cả cho chữ duyên trước thế cuộc. Hai từ “đền nợ” quả xót xa cho má hồng da tuyết, làm sao cân đo nổi công tích ấy. Dưới điệu Nam Bình, bài thơ thật ngân nỗi bi ai.

Hơn nửa thế kỷ sau, cảm tác từ con đường thiên lý Bắc Nam, nhạc sĩ Phạm Duy một lần nữa đã đưa Huyền Trân công chúa vào trong trường ca Con đường cái quan của mình. Đó là phần hai “Qua miền Trung” của trường ca, lấy tiêu đề “Nước non ngàn dặm ra đi” từ ý thơ nói trên để nhắc nhớ về một gương nữ liệt. Từ âm sắc của nhạc mà nhớ đất nhớ nước, nhớ người đem lại cho mình giang sơn, bờ cõi. Người nghe có thể dùng tư duy của trường phái miêu tả hay ấn tượng để thụ nhận theo cảm quan âm nhạc, nhưng là con dân đất Việt tiếng lòng đủ để hiểu âm sắc ấy. Chúng ta hóa mình vào vai người lữ khách với một trái tim và đôi chân đi ngàn dặm từ Bắc chí Nam, dừng chân đứng lại giữa khúc ruột miền Trung mà nghe kể chuyện tình nước non. Người đã đi theo dấu chân Huyền Trân: “Năm tê trong lúc sang Xuân/ Tôi theo công chúa Huyền Trân tôi lên đường/ Đường máu xương đã lắm oán thương/ Đổi sắc hương lấy cõi giang san”.

Cả dặm trường ấy là máu xương, nước mắt, những oán thương biết bao giờ nguôi. Những cơn biến động làm tháng năm lạnh lùng, người nhớ kẻ mong thái bình. Câu “Đổi sắc hương lấy cõi giang san” chỉ bảy chữ đã nói được trọn vẹn chuyện Huyền Trân.

Người lúc đi chậm, khi hối hả, có lúc ngừng lại để đánh giặc trong một nét nhạc mang âm hưởng dân ca. Đi theo Huyền Trân công chúa thì kịp đến đất Quảng Trị, Huế. Lời ca vang lên tha thiết:

Nước non ngàn dặm ra đi

Dù đường thiên lý xa vời

Dù tình cô lý chơi vơi

Cũng không dài bằng lòng thương nhớ người

Có con đường nào dài bằng lòng thương nhớ vô biên. Công chúa Huyền Trân đã “Bước đi vào lòng muôn dân” từ hành trình ngàn dặm của mình. Sự đi của nàng đã kéo dài đất nước, kéo dài lịch sử, mang lại thái bình, ấm no. Dân mình đã sống trong chiến tranh loạn lạc, đau thương với bao nhiêu hy sinh, chia ly, mất mát. Bao nhiêu trận chiến, bao thân người ngã xuống cũng không thể mang lại một sự mở cõi vẹn toàn như một bước đi của Huyền Trân công chúa. Nàng đã nguyện rằng:

“Tôi đi theo bước ái tình/ Đi cho trăm họ được hòa bình ấm no”. Bản in năm 1965 đã để lại lời ngoài khuôn nhạc: “Công chúa Huyền Trân muốn nói rằng con đường thiên lý dù sao cũng không dài bằng con đường đi vào lòng người. Nàng mong lữ khách mau nối tiếp công việc đi vào Đất nước và lòng người của nàng khi xưa”. Nàng đã thực hiện được “Ước nuôi dần hòa bình trong ái ân” để dân tộc mình không phải oằn mình lên gánh nạn binh đao. Hòa bình trong ái ân là nền hòa bình ngọt ngào mà mong manh.

Nàng đã bước chân đến xứ sở của “những ánh tháp vàng” để rồi chỉ một mùa tang là hương sắc tan”. Tất cả trôi đi như chớp mắt, nàng trinh nữ mơ màng ngày nào giờ đứng trước sóng gió con tạo xoay vần, để rồi Phạm Duy kết thúc trong nhớ tiếc khôn khuây: “Mới hay tình nhẹ như tơ/ Mộng ngoài biên giới mơ hồ/ Chẳng ngăn đuợc sóng vỗ bờ/ Với đêm mơ hồn về trên tháp mơ”.

Thanh xuân theo đó tàn phai, cả tình cũng nhẹ như tơ, thoáng đến thoáng đi như nắng sớm chiều. Về lại Thăng Long, Huyền Trân gửi mộng mơ hồ bên kia biên giới nhớ những ngày vui vầy ngắn ngủi, nhớ chồng nhớ con đã xa cách nghìn trùng. Đời thế tục dừng lại đó khi theo dạy bảo và di mệnh của Đức Phật Hoàng, sau khi Ngài viên tịch, Huyền Trân xuất gia đầu Phật tại núi Trâu Sơn, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh, dưới sự ấn chứng và chỉ dạy của Quốc sư Bảo Phác, ban cho Huyền Trân pháp danh Hương Tràng. Ni sư Hương Tràng là người thông tuệ, chỉ vài năm ngắn ngủi đã am hiểu kinh, luật, luận. Cuối năm Tân Hợi, 1311, Hương Tràng lúc ấy vừa tròn 24 tuổi, được Quốc sư Bảo Phác phái về tu tại chùa Nộn Sơn thuộc làng Hổ Sơn (Nam Định). Những năm Huyền Trân tu ở chùa Hổ Sơn nhiều lần tìm về làng Thái Đường, nơi có lăng mộ tiên tổ là ba vua đầu triều Trần và đền thờ thân mẫu của Bà. Ở Thái Đường, Huyền Trân dạy dân biết cách trồng dâu, dệt vải theo lối người Chiêm. Người cũng đã gom vàng mua đất cúng cho 36 làng xã để con dân có thêm đất trồng trọt, sau dân gọi những mẫu ruộng ấy là “ruộng vàng”. An cư chốn thiền môn, mặc cho trăng dọi trước thềm, mặc cho gió ngoài hiên thầm thì chuyện cũ lặng lẽ trôi đi. Nàng công chúa ngày nào đã tuyết sương nhuộm trắng mái đầu, một câu A di đà Phật độ nguyện cầu chúng sinh. Hơn 30 mùa an cư, giáo hóa dân chúng, Huyền Trân công chúa - Ni sư Hương Tràng đã viên tịch vào đêm mồng Chín tháng Giêng, năm 1340, khi vừa bước qua tuổi 53. Nhớ ơn người, sau này dân làng Thái Đường đã tôn làm Mẫu Huyền Trân và dựng ngôi chùa Cả ở gần bờ sông Thái Sư để thờ - nay dấu tích vẫn còn. Dân làng Dành lập ngôi đền thờ Huyền Trân, phong làm Thành hoàng. Và nay, khắp đất nước ta, nhiều đền thờ Huyền Trân đã được lập nên.

Hơn 700 năm qua, chuyện Huyền Trân công chúa vẫn còn đó nỗi niềm. Dọc đường thiên lý sớm hôm, đi qua đèo cao nghe gió vi vu, nhớ lại chuyện tình nước non một thuở mở cõi xưa. Tình này là tình chi?! Còn đây gót hài nhuốm bụi quan san trên con đường ảo ảnh về Nam. Trong bộn bề huyền sử, nghe gió mưa hàn huyên về đêm cuối cuộc đi xanh màu bờ cõi. Nước non ngàn dặm ra đi, tôi ngân nga mãi câu hát, hồn trải mênh mông cùng núi biển sông hồ, để giọt thời gian nghiêng xuống quê hương xứ sở.

L.V.T.G

 

 

 

     Giới thiệu | Liên hệ đặt báo | Hộp thư Tòa soạn [Đóng tab]  



• 
Xuôi dòng Sê Păng Hiêng
× Xuôi dòng Sê Păng Hiêng
28/1/2019
• Yên Mã Sơn

Bút ký dự thi

 

C

ó những dòng sông chảy về với biển một cách “dễ dàng” mà ít vượt qua ghềnh thác hay ít nhất là rất ngắn về cự ly. Có những dòng sông chỉ cách biển vài chục cây số theo đường chim bay nhưng để gặp được biển phải trải qua hàng ngàn cây số. Sông Sê Păng Hiêng ở miền tây Quảng Trị cũng là một con sông mang số phận “truân chuyên” như thế khi chỉ cách Cửa Tùng chưa đầy 50 cây số mà phải chảy ngược qua đất Lào, hành trình qua bao ghềnh thác mới trở về với sông cái Mê Kông rồi trở ngược lại đất Việt trước khi hòa mình vào biển lớn.

Tôi đứng đây ở Động Mang phía tây huyện Vĩnh Linh nơi phát nguyên của hai con sông. Đó là sông Hiền Lương theo sườn Đông Trường Sơn đổ về hướng đông rồi vội vàng ra biển. Trong khi đó người anh em ruột của mình là Sê Păng Hiêng theo sườn Tây chảy qua Lào, băng qua địa phận xã Hướng Lập như một sự lạ lùng của một dòng sông chảy ngược. Và nếu lấy một bông hoa, tung ra từ đỉnh Động Mang, một nửa theo sông Hiền Lương chảy về xuôi, một nửa theo sông Sê Păng Hiêng chảy ngược để rồi ngồi ở biển Cửa Tùng hóng hay một nơi xa hơn tận miệt đồng bằng Nam Bộ để vớt hoa, đo thời gian hoa về với biển âu cũng là cách làm đầy tính lãng mạn!

Từ cầu Sê Păng Hiêng ngay cạnh Đồn Biên phòng Cù Bai ở xã Hướng Lập đi về bản Cuôi theo hướng huyện Vĩnh Linh bằng con đường men theo dòng sông đầy dốc. Một bên là vách núi, một bên là vực nhìn xuống dòng sông sâu. Dù được Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 của Quân khu IV đầu tư khai phóng, mặt đường khá lớn có thể chạy ô tô nhưng những con dốc và ổ gà, ổ voi cũng khiến người đi “thất kinh”. Thất kinh bởi đường khó và sự hoang vu. Chỉ có tiếng chim kêu, tiếng vượn hú, tiếng xe máy đơn độc dội vào vách núi như một lời độc thoại vô chừng.

Ven đường, những ghềnh đá như chặn ngang dòng sông, điều ta thường thấy ở thượng nguồn sông Thạch Hãn là sông Rào Quán. Những khối đá chặn lấy dòng chảy tạo nên nhiều thác nước hung hãn. Cũng có những đoạn sông yên ắng như phút tư lự của một người khi vừa đi qua những cuộc vui hoạt náo. Ngó xuống nước trong xanh thấy được đáy và nhìn được trời mây, cánh chim bay qua. Mỗi lần nhìn đáy nước, tôi lại nhớ cái nhìn của A Lay trong câu chuyện đầy huyền thoại của người Vân Kiều. Chuyện kể rằng thuở xưa có một gia đình nọ sống dưới chân đèo Sa Mù. Bố mẹ mất sớm, người chị có tên A Lư phải thay bố mẹ chăm sóc em trai mình là A Lay. Người chị dặn người em đừng lên đỉnh núi, nơi đó có con hổ trắng rất nguy hiểm. Nhưng với bản tính của một chàng trai đam mê săn bắn, A Lay đã rời bước chân khỏi nương rẫy của mình để đi tìm những thú vui của rừng. Người em không may lạc đường, không tìm được đường về đành trú tại một bản nhỏ giữa rừng sâu. A Lư đi tìm em trai không thấy, xuống dòng sông Sê Păng Hiêng ngồi phiền muộn, khóc và chết biến thành con cá sống trên dòng sông này. Lớn lên người em lấy vợ, tìm được đường về nhà cũ thì người chị đã không còn. A Lay được thần núi mách bảo chị A Lư chết biến thành cá sống dưới mạch nguồn Sê Păng Hiêng. Chàng ngó xuống dòng sông với đôi mắt đẫm lệ, thương nhớ người chị của mình. Từ đó về sau, những người mang dòng máu A Lay của người Vân Kiều không bao giờ ăn cá có tên gọi A Lư ở sông Sê Păng Hiêng.

Bản Cuôi nằm ở phía bắc sông Sê Păng Hiêng. Hầu hết là những hộ dân đến sau năm 1954. Theo lời của các già làng, sau khi hòa bình lập lại, họ đã chuyển từ bờ nam sông Sê Păng Hiêng sang bờ bắc với cụ Hồ khi hay tin phía Nam thuộc phần quản lý của Diệm và quân phản động Lào. Bản vẻn vẹn vài chục nốc nhà nằm khiêm tốn bên sông Sê Păng Hiêng. Người dân lên rẫy chỉ để lại đám con nít với những người già trông nom. Bản yên ắng đến nỗi có thể nghe thấy tiếng thác nước từ trên đỉnh núi cao dội về hay ít nhất cũng nghe dòng sông rì rào trước mặt. Cả bản chỉ có một quán bán tạp hóa với những thứ cốt yếu nhưng giá đắt đỏ vì cước vận chuyển xa xôi, khó khăn. Công an viên kiêm trưởng bản Hồ Văn Tiến đặt đứa cháu nội trong lòng ngồi kể chuyện những ngày tháng đã qua. Chuyện cách đây mấy năm, đường vào thôn Cuôi khó như lên… trời bởi con đường độc đạo lắm dốc, bị che khuất bởi cây cối và đá núi. Mùa mưa nước chảy xé đường tạo nên nhiều hố ngăn cách, mùa nắng lởm chởm ổ voi, bụi đỏ. Một lần đứa cháu chở ông Tiến ra trung tâm xã lấy thuốc, đường khó, xe gặp ổ voi đã “ném” hai ông cháu xuống đường. Kết quả một con mắt của ông hỏng từ vụ tai nạn tưởng chừng như giản đơn ấy.

Bản Cuôi bắt nguồn từ tên gọi của suối Cuôi. Theo thầy Hồ Quang Vinh giáo viên cắm bản thì suối Cuôi bắt nguồn từ phía đất Quảng Bình, chảy vào sông Sê Păng Hiêng. Ở cái ngã ba ấy là điểm trường thôn Cuôi, nơi có mấy lớp học ghép từ mầm non cho đến lớp 5. Trừ lớp mầm non ra, mỗi lớp tiểu học học sinh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phòng học ngồi chung cho các lớp. Thầy giảng lớp này thì lớp kia ngồi nghỉ. Hòa chung với lời giảng của thầy Vinh là những bài hát lớp trẻ và mầm non của cô Nhung và cô Đa ngay cạnh vọng sang. Đó là thứ tạp âm vô thưởng vô phạt bên cạnh con suối Cuôi chảy róc rách ngày đêm. Thầy Vinh bảo lớp học nhiều chung (chung phòng, chung giáo viên) và lắm không (không thiết bị hỗ trợ giảng dạy, không nhà vệ sinh, không sóng điện thoại…) này là cách tốt nhất để duy trì giáo viên cũng như học sinh. Bởi nhà nước không thể xây một lớp học, đứng một giáo viên chỉ để phục vụ cho vài học sinh. Trông lớp học này như một chiếc hộp kim loại bởi mái tôn thấp lè tè, xung quanh cũng gia cố bằng tôn. Nắng thì nóng như rang. Tội nhất ngày mưa, thầy Vinh cho học trò ngồi nhìn mưa vì tiếng ồn của mưa át cả tiếng giảng của thầy.

Tôi nhận ra tay lưới đặt ở bếp ăn (cũng là phòng ngủ, sinh hoạt chung) và ngạc nhiên về nó. Thầy Vinh bảo cuối ngày thường ra sông bủa lưới cho đỡ buồn và kiếm thêm thức ăn. Ở đây chỉ đi chợ vào thứ hai và mua thức ăn dự trữ cho đến cuối tuần. Cá tôm từ con sông Sê Păng Hiêng góp phần đắp đổi ba người thanh niên cắm bản này. Hỏi thầy Vinh: - Sống ở nơi “cùng cốc” này buồn lắm phải không? Thầy Vinh: - Buồn chứ. Nhưng quen rồi. Không sóng điện thoại, không TV, không smartphone. Tối đến, món giải trí duy nhất là những cuốn sách, tạp chí. Nhưng đọc miết rồi cũng chán.

Ba con người, hai nữ một nam trong căn phòng chưa đầy 10m2 kiêm cả phòng ăn, phòng bếp và phòng ngủ. Nhìn hai chiếc giường đặt cạnh nhau, chỉ ngăn cách bởi tấm rèm đã ngả màu, chúng tôi mới thấy cuộc sống ở chốn này nó “đáng sợ” biết bao. Những ranh giới nam nữ, những tâm tư thầm kín, thậm chí những ham muốn chợt ẩn chợt hiện của họ được ngăn cách bởi một bức rèm. Đó là bức rèm mong manh nhất mà tôi từng chứng kiến. Một câu hỏi như xoáy vào nỗi cô đơn mà một người bạn đi cùng chúng tôi khi đến điểm trường này rằng khi một trong hai cô bị ốm không đến điểm trường này đứng lớp, thì căn phòng chỉ còn lại hai người, một nam, một nữ giữa chốn hoang sơn này, anh chị phải sinh hoạt thế nào? Câu trả lời rằng, một người ở lại điểm trường, còn lại phải vào nhà dân xin ngủ lại… Chia tay điểm trường nhỏ nhoi, khiêm tốn nằm bên bờ sông Sê Păng Hiêng. Nước vẫn cuồn cuộn âm thầm chảy qua đây và tuổi trẻ của những thầy cô cắm bản cũng nhẫn nạn để lại vùng sông này.

Sông Sê Păng Hiêng đi qua bản Cuôi, bản Tri chảy đến đoạn gặp đường mòn Hồ Chí Minh nhánh Tây thì rẽ trái, rồi gần như chạy song song với con đường này. Sông và đường cùng song hành một đoạn chừng 3 cây số thì sông bắt đầu ngoặt qua hướng phải, cắt đường Hồ Chí Minh ở đoạn đồn Biên phòng Cù Bai. Đoạn này sông gặp núi Brai nên ngoặt phải. Từ cầu Sê Păng Hiêng nhìn lên hướng sông chảy, những nương ngô, đậu lạc xanh rờn. Đó là những cù lao nhỏ trên sông, mùa nước cạn người đồng bào ra đó canh tác. Từ đoạn này, sông tiếp tục “hành phương tây”, chảy đến thôn Cù Bai để rồi mất hút trên địa phận Lào. Ở huyện Hướng Hóa có đến hai con sông chảy về hướng mặt trời lặn. Đó là sông Sê Pôn, xuất phát từ đất Lào, đi qua các xã vùng Lìa, qua xã Tân Long, Tân Thành rồi đến thị trấn Lao Bảo làm ranh giới tự nhiên của hai nước, đến đoạn sát quốc môn cửa khẩu Lao Bảo thì chảy hoàn toàn trên đất Lào. Những năm khu thương mại Lao Bảo còn chưa phát triển, sông Sê Pôn chảy ngược còn hàng lậu chảy xuôi. Mỗi khi đò hàng lậu cập bến Việt Nam để trả hàng, các lực lượng chức năng ào xuống. Lúc này các đối tượng buôn lậu sẽ chèo đò ra giữa sông, qua phần đất Lào là lực lượng chức năng của Việt Nam chỉ còn nước “đứng ngó”. Và sông Sê Păng Hiêng là con sông chảy hướng tây nằm ở phía bắc huyện Hướng Hóa. Hai con sông hai số phận. Một bên cuộn trào, náo nhiệt bởi dịch vụ thương mại của cửa khẩu quốc tế; một bên êm đềm với những nương ngô, bãi sắn…

Bóng núi Brai cao vời vợi nằm bên sông ở đoạn cầu Sê Păng Hiêng như một đôi nam thanh nữ tú. Nhìn khung cảnh nên thơ ở đây tôi chợt nhớ đến danh thắng Đakrông, nơi có núi Klu nằm bên dòng sông Đakrông, có cầu treo, suối nước nóng đã trở thành điểm nghỉ dưỡng. Với Hướng Lập, có lẽ dáng núi Brai cùng với sông Sê Păng Hiêng, cầu Sê Păng Hiêng cũng là địa điểm “check in” đáng chú ý, nếu không nói là điểm đến đầy kỳ thú. Bởi lẽ, cách nơi này không xa có động Brai với hệ thống thạch nhũ đẹp có khả năng khai thác du lịch.

Để đi động Brai có hai đường. “Một đường ướt dép và một đường không”, như cách nói của anh cán bộ văn hóa xã Hướng Lập khi dắt chúng tôi lên động. Hướng “ướt dép” là hướng từ trụ sở xã Hướng Lập, lội qua đoạn sông cạn, lên bờ leo núi thêm đoạn nữa là đến cửa động. Còn nếu đi hướng “không ướt dép” phải băng qua mạn tả của sông Sê Păng Hiêng, leo xuống cầu thang bên chân cầu, men theo bờ mà đi chừng 500 mét nữa là đến chân hang. Nếu đi theo hướng này sẽ tiếp cận rất nhiều với lòng sông. Những rẫy ngô nằm giữa dòng sông, sông mùa khô chỉ còn những nhánh nước nhỏ chảy qua những nương rẫy. Từ bờ sông, trèo vách núi 50 mét mới tới miệng hang. Từ hàng triệu năm trước, có lẽ sông và miệng hang rất gần nhau, và con sông Sê Păng Hiêng đã có những đợt sóng dâng cao đến đây, theo thời gian, nước bào mòn vách núi, cứ thế chui dần vào lòng núi như những con rắn tạo thành những hang sâu. Chưa ai đi hết tận cùng hang Brai. Gan dạ lắm, đủ điều kiện thám hiểm cũng mới vào tới được vài trăm mét. Những cột đá to như cột đình đỡ lấy trần hang có nhiều hình thù kỳ lạ. Len vào sâu tối đen như mực và mát như một chiếc tủ lạnh mở tung cửa. Đèn pin rọi vào vách đá, rọi vào hố sâu vô chừng. Nghe các chuyên gia hang động từng nhắc tới những con vi khuẩn sống trong hang sâu hun hút, suốt một đời không thấy ánh sáng chúng sẽ chết tức khắc khi bắt gặp ánh sáng.

Từ cửa hang đến đỉnh núi còn xa lắm. Những khối đá vôi hùng vĩ do mẹ thiên nhiên sắp đặt thật kỳ khôi. Tương truyền, trên những thớ đá cheo leo đó, bầy khỉ thường xuyên lui tới mỗi lần sinh nở. Ở những tảng đá nơi bầy khỉ nằm vượt cạn thường đọng một lớp máu mỏng tang được gọi là huyết lình (hay lục linh). Đó là thứ quý giá để bồi bổ sức khỏe, là bảo vật tượng trưng cho sự may mắn. Không biết thực hư thế nào, nhưng ở các vách núi ở xứ Brai này những đàn khỉ vẫn lui tới như một sự lưu luyến cái chốn sông núi hữu tình Sê Păng Hiêng - Brai.

Mặt trời đã gác núi. Con sông chảy theo hướng vệt sáng còn lại của ngày rồi mất hút sang phía Lào. Chúng tôi ngồi trong nhà sàn của ông Hồ Văn Rạc ở thôn A Sóc. Chén rượu của chủ nhà hiếu khách cùng với những câu chuyện gùi đạn, lương thực băng rừng, vượt sông Sê Păng Hiêng đánh trận Khe Sanh đã 50 năm giờ hiển hiện. Đó là những năm 1967 đến 1971, ông Rạc theo đoàn thanh niên xung phong của xã gùi lương thực, đạn pháo từ Quảng Bình vào chiến trường Khe Sanh. Mỗi ngày đi bộ, luồn rừng từ 10 đến 12 giờ đồng hồ. Đi dưới tán cây rừng, đi qua lèn đá, vượt sông… Thi thoảng máy bay địch từ Khe Sanh vòng ra do thám, bắn phá. Tay ông Rạc run run cầm ly rượu men lá cây, nhấp một ngụm với giọng bồi hồi khi nhắc lại cái đêm nghe tin chiến thắng: “Đêm ấy ở thung lũng Cù Bai, hơn 100 người xúm lại quanh chiếc Radio. Từ đó phát ra âm thanh đều đều rồi hồ hởi cao trào của giọng đọc phát thanh viên Đào Xuân Lộc trong chương trình sổ tay chiến sự. Rằng quân ta đã giành chiến thắng ở chiến trường Khe Sanh. Hướng Hóa là vùng đất đầu tiên được giải phóng. Cả khu rừng vỡ òa bởi tiếng hò reo, đến cả muông thú cũng phải giật mình”. Ông Rạc nói thêm, thương anh em chiến sỹ đã nằm lại ở bìa rừng. Nhiều lắm…

Sông Sê Păng Hiêng là dòng sông của lịch sử. Sông cuốn trôi bao tín vật của thời tiền sử nhưng cũng chứa đựng trong nó những ký ức nguồn cội. Tại khu vực lòng sông Sê Păng Hiêng, ven suối, đồi và thung lũng Cù Bai, các đoàn khảo cổ đã tìm thấy rìu đá mài. Đó là vật chứng còn sót lại của nhà nông làm nương theo kiểu hỏa canh, cách đây hàng chục ngàn năm. Phải chăng chủ nhân của các rìu đá mài đó là tổ tiên của đồng bào thuộc ngữ hệ Môn - Khơme như Vân Kiều, Pa Kô… Rồi đến thời hiện đại, thung lũng Cù Bai lại “mang” trong mình hàng ngàn quả bom do Mỹ ném xuống để đánh chặn cung đường chi viện từ miền Bắc theo sông Sê Păng Hiêng qua Lào để tiến vào miền Nam.

Đứng bên dòng sông Sê Păng Hiêng mới nghiệm hết câu nói “thương hải tang điền” (biển xanh biến thành nương dâu). Bây giờ đang mùa khô, những bãi bắp, đậu trên những cồn đất giữa sông sẽ mất dấu khi mùa mưa tới. Tự nhiên giật mình khi nhớ đến nhà địa chất Phạm Văn Quang với dự án khổng lồ gây chấn động dư luận khi ông muốn “dắt” sông Mê Kông vượt dãy Trường Sơn đổ vào Sê Păng Hiêng, vào Rào Quán - Thạch Hãn rồi chảy ra biển Đông qua Cửa Việt. Trong những ngày “lang thang” ở miền tây Quảng Trị, lên tận biên giới Việt - Lào nơi sông Sê Păng Hiêng mất hút giữa núi đồi rồi hòa mình cùng với sông Mê Kông, nhà địa chất Phạm Văn Quang đã ấp ủ dự án chặn dòng Mê Kông, nước dâng cao sẽ khiến cho dòng sông Sê Păng Hiêng chảy ngược về hướng đông. Sau đó đào một con kênh nối từ sông Sê Păng Hiêng đến sông Rào Quán (đoạn gần thủy điện Rào Quán) với cự ly đường chim bay chưa đầy 15 cây số. Từ đây, 30% lượng nước của dòng Mê Kông sẽ “quá cảnh” sang đất Việt rồi về Thái Bình Dương với cự lý rất ngắn. Dự án sẽ tạo nên kênh đào khổng lồ tốn nhiều tiền của gọi là kênh đào Đông Dương nhưng hiệu quả nó mang lại cũng rất lớn như cắt lũ ở vùng đồng bằng Nam Bộ, tạo con đường giao thương thuận lợi cho Thái Lan, Lào và Việt Nam thông qua kênh đào…

Tôi đang mường tượng một ngày nào đó dự án “không tưởng” này sẽ thành hiện thực. Con sông Sê Păng Hiêng cuộn trào chảy ngược lại hướng mình đang chảy hàng triệu năm nay. Dòng chảy ấy như chảy về quá khứ, về nguồn cội từ ngàn xưa đã chắt chiu từ Động Mang, từ rừng Trường Sơn xứ Việt.

Y.M.S

     Giới thiệu | Liên hệ đặt báo | Hộp thư Tòa soạn [Đóng tab]  



• Đào Tâm Thanh

Bút ký dự thi

 

B

ạn hỏi tôi, làm ra được hạt lúa trên đất Quảng Trị có gì vất vả hơn so với những nơi khác? Tôi trả lời không chỉ vất vả hơn mà còn nặng nhọc hơn, lao khổ hơn, nhiều mồ hôi, có cả máu, nước mắt và sự trăn trở hơn.

Tôi không muốn nhắc lại một thời Quảng Trị bị chiến tranh tàn phá đến 200%, nhưng trong thẳm sâu ký ức, những năm tháng sau ngày quê hương mới giải phóng, làm ra được hạt lúa có khi đánh đổi cả một đời người. Thời đó, trong suốt cuộc phục sinh nhọc nhằn và cao cả biến cỏ hoang thành đồng ruộng trong vô vàn bom đạn còn sót lại đã đặt ra rất nhiều thách thức. Người nông dân Quảng Trị ra đồng, bên cây cuốc là cây thuốn sắt, bên dao rựa phát quang là nắm cờ đỏ đại ngay. Người nông dân lập tức trở thành người lính công binh thực thụ, lần tìm vật nổ ngay trước rãnh cày mới vỡ. Mãi mãi không bao giờ quên cảnh vào vụ mới, hàng đoàn người sắp hàng ngang vung vồ đập đất, bụi tung trắng cả cánh đồng. Một chiếc vồ định mệnh vung lên. Một tiếng nổ xé toang ban mai tĩnh mịch. Nhiều người dân làng ngã xuống. Máu tươi trộn với đất nâu trong đau thương nhưng kiêu hãnh làm sao!

Không chỉ từng là nơi chiến địa ròng rã hơn hai mươi năm đạn bom chà qua xát lại, Quảng Trị nổi tiếng bởi vùng đất có khí hậu khắc nghiệt với đủ các loại hình thiên tai tàn phá hằng năm, từ bão tố, lũ ngập, lũ quét, hạn hán, rét đậm, rét hại, lở đất, mất đồng… Dải đồng bằng hẹp như lá lúa nằm kẹp giữa một bên là vùng gò đồi choãi ra tận bể, một bên là miên man cát trắng kéo dài từ Hạ Cờ, Chấp Lễ, Vĩnh Linh đến cuối nguồn Ô Lâu, Mỹ Chánh, Hải Lăng. Làm được bát cơm đầy trên vùng đất khó, người Quảng Trị phải nỗ lực gấp nhiều lần so với những nơi bờ xôi ruộng mật. Cũng không có gì ngạc nhiên sau ba mươi năm xây dựng và phát triển, nông nghiệp Quảng Trị đã để lại nhiều dấu ấn đậm đà nhất trong công cuộc đổi mới do có sự chăm chút, lo toan của cả hệ thống chính trị và mỗi một người nông dân. Một nền kinh tế “giá trị” đã dần thay cho “sản lượng”, đã có sự dịch chuyển từ tư duy “bát cơm đầy” - nhiều sản lượng sang “bát cơm ngon” - mang lại nhiều giá trị, đặc biệt là lợi nhuận hợp lý cho nông dân. Như vậy, trong nông nghiệp Quảng Trị đã có sự kết hợp giữa quyết tâm chính trị và bài toán kinh tế để có cơ sở hoàn thành ba nhiệm vụ quan trọng là cung cấp lương thực, thực phẩm cho xã hội, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp và nông sản cho xuất khẩu. Một số liệu để chứng minh sự chuyển dịch đáng quan tâm này, năm 2018 tỉnh Quảng Trị hoàn thành đạt và vượt mức 24/24 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Nỗ lực đáng ghi nhận là nền kinh tế của tỉnh đã bắt kịp đà tăng trưởng của cả nước, tốc độ tăng trưởng đạt 7,12% so với năm 2017 (kế hoạch: 7-7,5%), cao hơn tăng trưởng một số tỉnh liền kề trong khu vực miền Trung. Trong đó, mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay thuộc về lĩnh vực nông nghiệp với chỉ số ấn tượng: 5,56%. GRDP bình quân đầu người năm 2018 ước đạt 43,6 triệu đồng (kế hoạch là 42 triệu đồng). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.

Trong câu chuyện về “bát cơm ngon”, tôi muốn kể cho bạn nghe hành trình của hai người trẻ luôn nặng lòng, trăn trở với cây lúa trên đất nghèo Quảng Trị. Trong sản xuất nông nghiệp, việc áp dụng những điều mới mẻ thường luôn gặp trở lực từ những thói quen tư duy cũ. Phần lớn người nông dân làm ruộng và bằng lòng với kết quả của mình thông qua kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm vốn được xây dựng bằng những kiến thức cũ và rất dễ xung đột với cái mới. Quá trình cơ cấu lại nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bền vững, thân thiện với môi trường bắt đầu từ việc tuyên truyền, vận động, xây dựng mô hình để dần thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất của người nông dân theo hướng hiệu quả, tiến bộ. Quá trình vận động này diễn ra rất lâu dài, khó nhọc, cần sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành chức năng và chính quyền địa phương, trong đó không thể không kể đến sự đóng góp thầm lặng, hiệu quả của những người trẻ mà tôi kể ra dưới đây.

Ốc đảo Duy Phiên, Dương Xuân, Hà La của xã Triệu Phước, Triệu Phong nằm lọt thỏm giữa ba bề sóng nước. Những thửa đất bờ xôi ruộng mật thuở khai thiên lập địa, qua biến thiên dâu bể dần ngập sâu trong nước mặn. Tưởng như chỉ có thể bỏ đất cha ông mà tha phương cầu thực bởi bát cơm lưng lẻo không thể làm ấm lòng người ở lại. Vậy nhưng, người nông dân trên cù lao này đã tự cứu lấy mình khi bị trời làm khó. Họ đã tìm ra và giữ gìn cho đến hiện thời giống lúa canh tác được trên đất ngập mặn, cho hạt sây đều, đỏ đắn, căng mọng như từng giọt máu đông kết lại, rưng rưng trên từng nhành lúa. Tự hạt lúa, đã có thể giới thiệu về mình một cách khiêm cung, từ tốn và đĩnh đạc về đức tính can trường của con người và vùng đất này. Tiềm ẩn bên trong hạt gạo chiêm đỏ ấy là cái khí lực của làng quê thuần hậu, hơi thở mạnh mẽ, sâu bền của cuộc chinh phục thiên nhiên, của cuộc sống cần lao mà dân làng đã xây đắp và hun đúc từ thế hệ này qua thế hệ khác... Và họ đã gọi hạt gạo trên vùng đất ngập mặn quê mình với cái tên thanh nhã mà sang trọng: Gạo huyết rồng! 

Giữa những ngày cuối năm, tôi tìm về cù lao Xuân - Phiên - Hà. Mưa lây rây như sương khói khắp đồng xa, đồng gần. Vào cử này, thóc giống lúa chiêm vùng ngập mặn đã được ngâm ủ chu đáo. Đất lên luống, dẻo quấn lại dưới từng rãnh cày, ngon như một nồi bánh đúc. Chờ khi hạt lúa nảy mầm, người nông dân đem ra trưa mạ rải đều, thúc thêm phân tro, che chắn hướng gió, dựng những con bù nhìn ngộ nghĩnh để đuổi chim chóc đến cắn phá. Mạ lên chừng gang tay là đã có thể nhổ, bó, bưng, bê ra tận ruộng. Ruộng được cày ải, bừa ướp, đâu vào đấy. Tay vung bó mạ, vung đến đâu, cấy hết mạ đến đó. Chừng áp Tết, khi trên đường làng lao xao tiếng người đi chợ tỉnh sắm sanh, ấy là lúc việc đồng áng coi như hoàn tất. 

Sáu tháng dằng dặc huyết rồng an nhiên với đất, với trời, chấp nhận mưa dầm, nắng hạn, dưới chân phèn bủa đặc quánh, nước ngập mặn chát đến từng nách lá, trên ngọn, gió lào hầm hập quạt lửa. Do có nguồn gốc từ lúa hoang, huyết rồng có sức sống bền bỉ lạ thường. Bản năng sinh tồn đã khiến cho thân cây vống lên cao lớn át hẳn cỏ dại, lại cứng cáp nên có thể làm nản lòng các loài côn trùng gây hại cho lúa. Vì những đặc tính tự nhiên này, việc sử dụng phân bón, thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu trong quá trình canh tác được hạn chế đến mức tối đa, đem lại một sản phẩm nông nghiệp sạch, phù hợp với xu thế tiêu dùng hiện nay. 

Một lão nông thôn Duy Phiên cho biết, cả vùng Xuân - Phiên - Hà này có khoảng 30 ha đất ruộng trồng cây lúa đỏ. Mặc dù năng suất không cao, chỉ chừng 2 tấn/ha, thời gian canh tác dài, nhưng bù lại, chi phí để sản xuất loại lúa này rất thấp, giá bán khá hấp dẫn, tầm 7.500 đồng/kg, hơn nhiều so với các loại giống lúa khác. Vả lại, trên vùng đất ngập mặn, nếu không canh tác cây lúa gạo đỏ, thì cũng bỏ trắng cho cỏ mọc...

Nhiều năm qua, cũng như nhiều địa phương khác, ở Triệu Phong, sự xuất hiện của các giống lúa năng suất cao, thời gian gieo trồng ngắn đã lấn át và làm mất dần giống lúa huyết rồng vốn năng suất thấp, gieo trồng dài ngày. Cho đến gần đây, khi gạo huyết rồng được người tiêu dùng quan tâm lựa chọn vì có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe, giá bán gấp 2 - 3 lần gạo trắng thông thường, thì giống lúa này đã gây chú ý đối với những doanh nhân nặng lòng với nông nghiệp. 

Anh Hồ Xuân Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị cho biết, trong một lần đi qua đất lúa Triệu Phong, anh tình cờ phát hiện có nơi còn đang thâm canh loại lúa trên vùng ngập mặn. Qua khảo sát, đây chính là giống huyết rồng với đủ các yếu tố đặc trưng như hạt dài màu đỏ sậm, cơm mềm, thơm, nhai có vị ngọt và bùi, khi trồng ở vùng đất khắc nghiệt nước ngập sâu, chua phèn thì hạt lúa rất mẩy, màu đỏ nâu, bẻ đôi hạt gạo vẫn còn màu đỏ bên trong, khi nấu chín thơm ngậy. Đây chính là loại gạo càng ngày càng có nhiều người chọn ăn vì những ưu thế vượt trội của nó, đồng thời các hãng sữa trong và ngoài nước cũng dùng gạo huyết rồng để làm bột dinh dưỡng cho trẻ em. 

Với kinh nghiệm thương trường dày dạn, anh Hiếu lập tức cho triển khai việc khảo sát, thu mua loại gạo này, trung bình một mùa từ 20 - 30 tấn. Sau khi khuyến cáo nông dân thu hoạch theo kiểu truyền thống, lúa được đưa lên chà vỏ tại nhà máy chế biến sao cho chỉ áo trấu bị loại bỏ, sau đó tiến hành sàng sảy, chọn hạt và đóng gói, tuyệt đối không dùng chất bảo quản. Một bì gạo huyết rồng có trọng lượng 2 kg, có nhãn mác rõ ràng, giá bán 40.000 đồng, bắt đầu thâm nhập vào thị trường trong và ngoài tỉnh và được thị trường đón nhận. Anh Hiếu cho biết: “Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Viện công nghệ sinh học để xây dựng đề án phục tráng, nâng cao năng suất cây lúa đỏ vùng ngập mặn này để tiến tới sản xuất hàng hóa”. 

Và từ vụ chiêm năm đó, người dân vùng ốc đảo xã Triệu Phước ra đồng với một niềm tin về cây lúa đỏ mà mình đang gieo trồng, chăm chút. Hạt gạo huyết rồng sẽ giúp cho thu nhập của người dân khá lên nhờ vào sự vào cuộc tích cực và mở hướng tiêu thụ ổn định của Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị. Họ tự hào vì đất quê qua ngàn năm tang điền thương hải vẫn dày dặn ấp ủ để hương lúa luôn thơm tho từ bấy đến giờ…

Mới đây trong một sáng cuối tuần cà phê góc đường Trần Hưng Đạo - Đông Hà, Bùi Đức Huy, một người trẻ bộc bạch với tôi: “Em vừa soạn một mâm cơm gạo mới, thắp hương mời các anh hùng, liệt sĩ ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 chia vui với vợ chồng em nhân kết thúc một vụ mùa thuận hòa…”. Trò chuyện cùng Huy, việc đồng áng nông vụ cứ lấn dần vào từng chia sẻ miên man thời cuộc và tôi cũng dần cảm nhận ra rằng, đất đai, lúa má dễ thường đã ám ảnh Huy từ bấy đến giờ...

“Đang yên đang lành…” là câu mở đầu mà Huy chia sẻ với tôi về bước ngoặt có tính quyết định khi từ công việc đầy tính khoa học và cảm hứng sáng tạo của một thạc sĩ, kiến trúc sư, giám đốc một công ty tư vấn xây dựng khá tiếng tăm trên địa bàn Đông Hà sang lĩnh vực hoàn toàn trái với sở học thâm sâu của mình là bán phân, trồng lúa, làm gạo hữu cơ… cực nhọc, lao lực và đầy bất trắc. “Ba năm trước, gia đình em cùng gia đình cậu sang Singapore đón Tết. Cậu là người dành hơn nửa cuộc đời mình để nghiên cứu và là người phát minh ra công nghệ phân bón hữu cơ Ong biển, là Tổng Giám đốc Nhà máy sản xuất phân bón Ong biển, Tập đoàn Đại Nam, luôn tâm huyết với quá trình tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng hữu cơ bền vững. Trong suốt chuyến đi, hai cậu cháu chia sẻ rất nhiều về vấn đề con người phải thoát ra như thế nào giữa sự bủa vây muôn trùng của “lúa bẩn”, “thịt bẩn”, “rau bẩn”, “cải hai luống, lợn hai chuồng”… và chính sự tâm huyết của cậu đã “truyền lửa” cho em. Sau chuyến đi đó, em đã dần nung nấu quyết tâm sẽ làm ra cho được hạt lúa sạch, nông sản sạch ngay trên chính quê hương Quảng Trị để góp phần đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng và cả những người nông dân quê mình bằng việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Mọi người có thể từ chối rất nhiều tiện ích, nhưng ai cũng cần ăn để sống. Được dùng gạo sạch, thức ăn sạch lại là nhu cầu chính đáng và đặc biệt quan trọng đối với mỗi một người, dù họ ở nơi đâu trên thế giới này. Nhu cầu thiết thực đó đang đặt ra cho ngành nông nghiệp hiện thời rất nhiều thách thức. Kể từ sau chuyến đi đó, em dành ra nhiều năm theo cậu lên Tây Nguyên, Nam Trung Bộ trồng thanh long, cà phê, tiêu, về Long An trồng lúa với phương thức canh tác chỉ bón phân hữu cơ Ong biển và tưới nước. Nhìn thấy được việc tăng năng suất, chất lượng, đảm bảo sự thanh sạch cho cây trái đến môi trường sống của các ruộng vườn sử dụng phân bón hữu cơ Ong biển đã làm cho em càng thêm đam mê và quyết tâm sản xuất nông nghiệp sạch trên quê hương mình”, Huy thổ lộ.

Để nông dân Quảng Trị biết đến phân bón Ong biển, vợ chồng Huy đã đầu tư số vốn hơn 3 tỷ đồng đứng ra làm đại lý, nhập về 300 tấn phân bón, trong đó dành 50 tấn để nông dân dùng thử. Để nông dân tiếp cận dần với phương thức canh tác mới, tạo sự chuyển biến về thói quen từ bón phân hóa học, phun thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng vô tội vạ đến bón phân hữu cơ, không dùng hóa chất độc hại là cả một quá trình cam go. Tiếp đó là nỗ lực kết nối để giữa tháng 3 năm 2017, Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn Đại Nam - Nhà máy sản xuất phân bón Ong biển về việc hỗ trợ tỉnh Quảng Trị tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng hữu cơ bền vững. Mô hình đầu tiên là cây lúa hữu cơ, xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh chỉ sử dụng phân bón hữu cơ Ong biển và nước tưới, tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất kích thích tăng trưởng. Công ty “bao” năng suất 5 tấn/ha và thu mua toàn bộ lúa tươi, trả tiền ngay tại chân ruộng cho nông dân.

Để từng bước hiện thực hóa dự định của mình, tháng 4 năm 2017, Công ty CP Nông sản hữu cơ Quảng Trị ra đời, Bùi Đức Huy đảm trách cương vị Phó giám đốc, đặt trụ sở trên đường Trần Hưng Đạo, Đông Hà. Từ đây, công ty đẩy mạnh liên kết với các địa phương vùng đồng bằng trong tỉnh sản xuất lúa hữu cơ. Hè thu 2017 là vụ đầu tiên triển khai sản xuất lúa liên kết trên diện tích 90 ha. 1 ha đầu tư 27 triệu đồng tiền phân bón và công ty “bao” năng suất 5 tấn, mua lúa tươi tại ruộng với giá 7.000 đồng/kg. Đổi lại, nông dân phải cam kết không dùng thuốc bảo vệ thực vật và các loại hóa chất khác, hộ nào vi phạm sẽ chịu phạt tiền 30 triệu đồng/ha. Từ đây, câu cam kết bền chặt giữa doanh nghiệp và nông dân ra đời: “Tiền tươi, thóc sạch”.

Vụ đông xuân 2017 - 2018, toàn tỉnh Quảng Trị tăng diện tích lúa hữu cơ lên 158,6 ha, định hình mô hình sản xuất lúa hữu cơ chất lượng cao dùng hoàn toàn bằng phân bón hữu cơ vi sinh Obi-Ong biển, không dùng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật. Doanh nghiệp ký kết hợp đồng với nông dân để sản xuất, cho nông dân ứng trước phân bón hữu cơ Obi-Ong biển, cuối vụ khấu trừ qua sản lượng lúa thu mua. Đáng mừng là vụ đông xuân vừa qua, năng suất lúa tươi bình quân đạt 55 tạ/ha, cho thu nhập bình quân 44 triệu đồng/ha, cá biệt nơi cao đạt 80 tạ/ha, cho thu nhập 64 triệu đồng/ha. Công ty thu mua ngay tại chân ruộng 8.000 đồng/kg, trong lúc giá thị trường chỉ xấp xỉ 6.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí giống, phân bón, làm đất, thu hoạch cho lãi bình quân 26 triệu đồng/ha, nơi có năng suất cao cho lãi 38 triệu đồng/ha, cao hơn sản xuất lúa đại trà từ 6 - 18 triệu đồng/ha. Như vậy, qua hai vụ sản xuất với gần 250 ha lúa liên kết theo hướng hữu cơ, với tổng sản lượng thu được hơn 1.360 tấn, tổng thu nhập của mô hình là 9,4 tỷ đồng, lãi toàn mô hình qua hai vụ trên 4,8 tỷ đồng. Giá trị thu nhập bình quân trên 1 ha lúa hữu cơ/2 vụ là 80 - 90 triệu đồng. Mỗi ha canh tác lúa hữu cơ, nông dân có lãi 26 - 38 triệu đồng/ha/vụ, tương đương 52 - 76 triệu đồng/ha/2 vụ, cao gấp đôi so với sản xuất lúa đại trà.

Bây giờ, từ một thạc sĩ, kiến trúc sư sắc nhạy, tài hoa, Huy đã mặc nhiên trở thành một nông tri điền, luôn canh cánh bên lòng nỗi bận tâm “nước, phân, cần, giống” và mơ ước đơn sơ: “Ruộng cấy ta mong cơn mưa/ Ruộng gặt ta mong ngọn nắng” như trong câu thơ của nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường.

“Tính ra vụ này, em bỏ ra 8 tỷ đồng để mua trên 1.000 tấn lúa, qua công đoạn xay, phơi, sấy được chừng 630 tấn gạo, đóng gói, bảo quản trong kho lạnh và bán ra. Nông dân bán lúa xong là xoa tay nghỉ ngơi, còn em thu mua lúa xong, làm sao cho lúa thành gạo, gạo thành cơm trong mỗi bếp nhà là còn ngổn ngang bao nỗi lo. Hè thu 2017, vừa xuống vụ chưa lâu, rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen đã phủ khắp đồng. Lại phải cấp tốc huy động nhân lực về với dân, khuyến cáo dân tuyệt đối không dùng thuốc bảo vệ thực vật, kiên trì chăm bón để cho cây có sức đề kháng mạnh mẽ mà vượt qua sâu bệnh. Vụ đông xuân 2017 - 2018 cũng vậy, sâu bệnh bùng phát, em cùng nhân viên ngày đêm bám trụ trên đồng, sát cánh cùng nông dân cứu lúa. Nhờ ơn trên phù hộ mà năm nay mưa thuận gió hòa, nông dân được mùa vui một, em có thêm niềm vui nhân đôi vì ý nguyện làm lúa sạch của mình đã dần thành hiện thực”, Huy chân tình.

Huy chia sẻ với tôi về quá trình xây dựng thương hiệu nông sản Quảng Trị; xây dựng nhà máy chế biến sản xuất gạo hữu cơ Quảng Trị và nhà máy xử lý chất thải, sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh; nhà máy chế biến sâu từ các sản phẩm gạo hữu cơ Quảng Trị như mỹ phẩm, rượu, thực phẩm, nấm rơm... với tất cả sự quả quyết có từ nội lực và tinh thần bên trong. Vậy nhưng, là người sinh ra từ nông thôn, tôi rất xúc động và tâm đắc với sự đánh giá của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính: “Quy trình sản xuất lúa chất lượng cao, an toàn, theo hướng hữu cơ đã đem lại nhiều lợi ích. Trước hết là đảm bảo sức khỏe cho con người; tạo ra lợi nhuận cao hơn cho người nông dân. Bên cạnh đó, góp phần cải thiện môi trường sinh thái trên đồng ruộng, phục hồi độ phì nhiêu của đất đai canh tác nông nghiệp, đây là điều hết sức quan trọng đối với vùng nông thôn Quảng Trị”.

Đáng mừng hơn là Gạo hữu cơ Quảng Trị mặc dù mới có mặt trên thị trường trong thời gian ngắn nhưng đã trở thành thương hiệu được người tiêu dùng quan tâm, đã được đưa vào phân phối tại các chuỗi siêu thị lớn khắp cả nước. Huy chia sẻ: “Vợ em tự tay thiết kế bao bì, logo và viết bài quảng bá thông qua mạng xã hội facebook để Gạo hữu cơ Quảng Trị đến được với mọi nhà, trở thành món quê đặc sắc nếu ai có dịp ghé thăm Quảng Trị. Qua bao gian khó, vợ chồng em rất mừng vì hạt gạo thấm bao mồ hôi, nước mắt của người nông dân trên đất nghèo Quảng Trị, được gieo trồng trên đất ruộng từng nhuộm thắm máu đào bao thế hệ cha anh ngã xuống vì cuộc sống thanh bình hôm nay đã được bạn bè khắp nơi lựa chọn, tin dùng”.

Đêm, về quê nghỉ lại, nghe đồng đất rền rả tiếng côn trùng, tiếng con cá, con tôm búng nước nơi đầu ruộng, “dàn đồng ca của ruộng đồng” lại cất lên trong bình yên và sâu lắng, tôi lại nhớ đến những người bạn trẻ của tôi. Và tôi cũng tin rằng, đất đai, ruộng đồng qua bao vật vã căng mình bởi sự can dự của hóa chất, tồn dư độc hại rồi cũng sẽ dần hoàn nguyên bởi sự dấn thân, nỗ lực và nuôi dưỡng khát vọng sống đẹp, sống tốt, chan hòa và nương tựa với thiên nhiên như Hồ Xuân Hiếu, Bùi Đức Huy và những người nặng lòng với nền nông nghiệp quê nhà hôm nay.

Đ.T.T

 

 


_________________________________________________
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 292, tháng 1 năm 2019
Ngày cập nhật: 28/1/2019
Bài cùng chuyên mục
Năm Hợi nhớ chuyện cáp heo ăn Tết...
Bữa cơm chiều cuối năm của mẹ...
Kỷ vật của thời chiến...
“Sông mạ” quê nhà...
Trên giá sách Cửa Việt
Tranh & Ảnh Nghệ thuật
Thống kê
Bài đăng : 10643
Người online: 87
Truy cập trong ngày: 164
Lượt truy cập
Quảng cáo
Giới thiệu Tạp chí số mới
Số 293 (02 - 2019)
Giới thiệu | Liên hệ đặt báo | Hộp thư Tòa soạn
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP TẠP CHÍ CỬA VIỆT
Giấy phép số 183/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 12 tháng 7 năm 2018
Tổng biên tập: HỒ THỊ LIÊN
Tòa soạn và Trị sự: Số 128 đường Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, Tỉnh Quảng Trị • E-mail: tapchicuaviet@gmail.com • Điện thoại: 0233.3852458
Copyright © 2008 http://www.tapchicuaviet.com.vn - Thiết kế: Hồ Thanh Thọ • wWw.htt383.com