Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cồn Cỏ - hoa giữa hồn tôi

 

Bút ký dự thi

1.

H

oa phong ba Cồn Cỏ là loài hoa ám ảnh tôi, từ khi tôi ra đảo lần đầu. Cái tên “hoa phong ba” gợi lên cái đẹp nơi bão tố, nghe rất âm vang, là sự giới thiệu đầy kiêu hãnh của thiên nhiên về hòn đảo này. Quê tôi làng biển Thượng Luật, xã Ngư Thủy ở góc biển nam Quảng Bình, giáp Vĩnh Thái, Vĩnh Linh. Ở làng tôi, vào buổi sáng, nếu trời trong biển lặng, nhìn về phía mặt trời, sẽ thấy hòn đảo một chấm xanh như bông hoa ánh vàng ở chân trời. Đó là đảo Cồn Cỏ. Ngày chiến tranh, ngày nào phía Cồn Cỏ cũng vọng về tiếng bom, tiếng súng. Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy (gọi là C Gái) quê tôi rất nhiều lần đẩy pháo 85 ly nòng dài ra trận địa, đợi lệnh bắn tàu chiến Mỹ, đề phòng chúng từ phía Cồn Cỏ tấn công vào đất liền. Sau này được ra đảo, ngắm bông hoa phong ba, tôi mới hình dung bông hoa mọc phía chân trời của tuổi thơ tôi ấy là loài hoa đặc trưng của Cồn Cỏ. Hoa nhỏ xinh năm cánh nhụy vàng mọc từng chùm như trẻ thơ cười trong gió. Phải chăng vì thế mà loài hoa này được người Cồn Cỏ dùng để đặt tên cho ngôi trường kiên cố đầu tiên trên đảo: Trường mầm non - tiểu học Hoa Phong Ba! Thật ấn tượng!

Ra đảo Cồn Cỏ, tôi còn thích một loài cây nữa: cây bàng vuông. Hàng mấy chục cây bàng cổ thụ trăm tuổi. Ngày trước trụ sở UBND huyện đảo có một cây bàng vuông cổ thụ như thế. Đúng nó là cây bàng, cành bàng, lá bàng giống bàng trong đất liền. Nhưng quả của nó thì to như quả thanh trà ở Huế, phần đít quả lại vuông (hoặc lục giác). Nên mới gọi là bàng vuông. Tôi đã hái một quả bàng vuông về để trên bàn viết để kỷ niệm. Hoa bàng vuông to bằng cái đĩa, cánh trắng và tím li ti rất đẹp. Giống bàng vuông này ở đảo Trường Sa Lớn cũng có, nhưng Côn Đảo và các đảo gần bờ khác ở phía Nam thì không. Đảo Cồn Cỏ cũng mạch núi với Trường Sa chăng?

2.

Anh Lượng lái xe của huyện đảo rủ chúng tôi trèo lên cây bàng vuông cổ thụ để ngắm biển. Xa xa, những con thuyền đánh cá và những con tàu đi. Ngồi trên chạc ba tán bàng vuông Cồn Cỏ, tôi cứ miên man nghĩ về những con mắt biển...

Tuổi thơ tôi vào quê ngoại làng Tân Mạch, xã Vĩnh Thái nghe dì Quế hát ru cháu: “Sóng sậm sịch lưng chừng ngoài biển Bắc. Giọt mưa tình rỉ rắc chốn hàng hiên...”. Tức giông tố gió mùa đông bắc luôn đe dọa những con thuyền ra khơi ở các ngư trường Cồn Cỏ, Hoàng Sa, Trường Sa thân thuộc. Có lẽ vì thế mà nước ta có rất nhiều nàng Vọng Phu hóa đá trông chồng. Họ cũng là những con mắt biển. Ở lăng mộ họ Đào, họ mẹ tôi ở làng Thử Luật, tất cả các ngôi mộ đều hướng mặt ra biển. Mắt làng là mắt biển. Biển là cái “kho trời” không bao giờ vơi cạn, luôn luôn đau đáu ngóng trông.

Trạm ra-đa Cồn Cỏ dựng ngay ở vị trí chòi quan sát của anh hùng Thái Văn A ngày trước. Tuổi học sinh, tôi đã hát “Sừng sững chòi cao trên hòn đảo nhỏ/ Thái Văn A đứng đó/ Yêu đảo như quê giây phút chẳng rời…”. Anh bộ đội trẻ của trạm ra-đa bảo rằng: “Ra-đa là con mắt Cồn Cỏ, thức suốt hai bốn giờ trong ngày, ghi hình hết tất cả tàu lạ, tàu quen đi qua khu vực nó phụ trách và chuyển về trung tâm chỉ huy.

Mùa hạ năm 1982, thời còn chung tỉnh Bình Trị Thiên, tôi được dự trại sáng tác văn học nghệ thuật ở Cửa Tùng cùng với nhiều văn nghệ sĩ như Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Vũ Thuật, nhạc sĩ Trần Hoàn, họa sĩ Bửu Chỉ... Tôi ở trong nhà anh Lê Bỉnh ở làng Hòa Lý. Đêm tôi một mình ra biển. Từ phía những cồn cỏ chông mé biển tôi như bị thôi miên bởi hàng chục những đốm lửa nhỏ ai vừa đốt lên. Tôi lần đến gần. Ôi, những nấm mộ biển, những chùm hoa muống biển và những que nhang...

Trong khuya lạnh, một người đàn bà đầu chít khăn tang trắng đang quỳ chấp tay lầm rầm khấn vái bên một nấm mộ vô danh. Chị quỳ một mình lặng im như tượng đá. Chị không mảy may tỏ ra hoảng hốt khi trong đêm khuya có một gã đàn ông đang đến rất gần. Chị lặng lẽ thắp thêm một tuần nhang nữa cắm trên những ngôi mộ như những nấm cát trắng nhỏ nhoi. Đợi chị cắm xong nén nhang cuối cùng, tôi mới dò hỏi: “Dạ thưa... đây là phần mộ những ai?”

Và câu chuyện của người đàn bà không quen biết đêm Cửa Tùng ấy luôn ám ảnh tôi. Người đàn bà kể rằng từ những năm sáu bảy, sáu tám cho tới khi Mỹ ngừng hẳn ném bom miền Bắc, tất cả ngư dân vùng biển Vĩnh Linh ban ngày bắn máy bay, đánh tàu chiến giặc bảo vệ làng xã ban đêm họ lại đẩy thuyền ra biển, vận tải tiếp tế súng đạn, lương thực, thuốc men, quần áo, gạo cơm và cả lời ca tiếng hát ra đảo Cồn Cỏ phục vụ chiến sĩ ta đánh giặc. Thuyền vận tải là loại thuyền vỏ trấu huyền thoại được đóng bằng gỗ, như thuyền đánh cá của ngư dân, chèo bằng tay. Mỗi thuyền tám đến mười tay chèo tay súng. Họ bỏ lại tất cả giấy tờ tùy thân ở nhà trước khi ra đảo. Để cô lập Cồn Cỏ, giặc Mỹ thường xuyên đánh phá, ngăn chặn con đường tiếp tế dân gian bền bỉ này. Nhiều ngư dân là thanh niên các thôn bờ bắc Cửa Tùng và các xã Vĩnh Thái, Vĩnh Giang, Vĩnh Kim, Vĩnh Thạch... đêm đêm đóng khố Thạch Sanh đưa con thuyền như niêu cơm đầy ắp tin yêu ra đảo. Nhiều người trong số họ đã anh dũng hy sinh trên đường ra đảo hoặc từ đảo trở về, nhiều người bị địch bắt, bị mất tích khi thuyền chìm... tất cả họ đã trở thành muối mặn.

Người già kể rằng, sáu ngôi mộ vô danh ở mé biển Cửa Tùng ấy chỉ là những ngôi mộ tượng trưng, chẳng có bất cứ tuổi tên nào cả. Dân Vĩnh Quang, Hoà Lý đắp những nấm mộ gió ấy hướng về Cồn Cỏ để đời đời tưởng nhớ những đứa con Vĩnh Linh “ra đảo” không về. Nhưng biển mới là nấm mộ vĩnh cửu của họ. Và tên tuổi hình bóng của họ là xa kia đảo nhỏ anh hùng! Người đàn bà quỳ thắp nén nhang khấn vái bên những ngôi mộ trong khuya Cửa Tùng ấy chính là vợ của một người ngư dân Vĩnh Linh ra đảo không về. Nhưng với chị, chồng chị không chết. Mấy chục năm nay chưa hề có ai mang đến cho chị cái “giấy báo tử”! Không có ai. Biển đêm vẫn rì rào bí ẩn và lấp lánh như ánh mắt chồng chị cười lúc vác mái chèo tạm biệt vợ con. Biển không hề thiếu vắng điều gì, vẫn mặn sâu trong ký ức của chị.

Và những đốm lửa nhang trong khuya đỏ như hoa, sóng trắng như hoa     khi tôi ngước nhìn ra khơi Cồn Cỏ.

3.

Cồn Cỏ mùa hè khan nước lắm. Nhà thơ Đức Tiên bảo: “Đây là đảo không chim!”. Vâng, vì đảo không có nước, nên chim bay đi chỗ khác. Nước ngọt là sinh tử. Cơ quan, bộ đội cũng như nhà dân trên đảo đều phải có bể chứa nước mưa lớn. Một mùa mưa hứng cho đủ nước dùng cả năm. Thời chiến tranh, bộ đội có đào giếng, nhưng nước bị lơ lớ mặn. Đất đảo không có mạch ngầm nước ngọt, nên giếng đào không bao giờ đầy nước, phải chắt từng lon. Hồi đó, tất cả nước cho bộ đội phải tiếp tế từ đất liền cùng với lương thực, vũ khí. Anh Nguyễn Hữu Tiến, chồng con gái dì ruột tôi ở làng Vịnh Mốc từng mấy năm ròng ở trong đội thuyền chèo tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ, kể rằng: “Tối thẫm mới đẩy thuyền ra biển. Trên thuyền, ngoài gạo, đạn, còn có mấy phi nước ngọt lớn. Có gió nam thì căng buồm, không có gió thì chèo, đến bốn giờ sáng thì cập Bến Nghè, giao hàng xong là chèo thuyền về ngay, không được lên đảo...”  

Chúng tôi trèo lên cột đèn Hải đăng, tham quan nơi đặt ra-đa của Hải quân ở ngọn đồi cao nhất đảo, gọi là đồi 63. Thăm những cây bàng vuông trăm tuổi, xem công sự chiến đấu bộ đội đào giữa đá vòng quanh đảo, chụp ảnh với rặng cây phong ba... Người lính đảo hôm nay còn nhắc đến những cái tên như đồi Hà Nội, điểm cao Hải Phòng, bến Sông Hương… do lính đặt những năm chiến tranh để nhắc đến Cồn Cỏ một thời là của cả nước, vì cả nước. 

Những cây phong ba lớn mọc thành dãy quanh đảo ngay bờ biển, như là những bức tường vệ binh chắn gió bão theo đúng như tên gọi của nó. Vào những ngày hè này, tôi thấy phong ba xanh tốt, ra hoa màu xanh trắng từng chùm rất dễ thương. Năm 1989, ngày lập lại tỉnh, Tỉnh đoàn Quảng Trị đã đem ra đảo trồng 4.000 cây dừa. Đến nay, dừa đã xanh tốt và cho trái. Mới đây, tỉnh Quảng Trị đã đầu tư sắm tàu cao tốc, lập tour du lịch Cồn Cỏ. Thật mừng! Nhưng để duy trì “tour du lịch Cồn Cỏ” ấy phải kiên trì và bền bỉ lắm!

Chia tay Cồn Cỏ , trên con tàu rời đảo, quay lại, tôi thấy hình thù đảo Cỏ như con mắt nhìn mình. Chao ơi, một chấm xanh Cồn Cỏ, bông hoa phong ba, hoa bàng vuông bao năm nay vẫn lay động hồn tôi…

N.M

 

Ngô Minh

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

3 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

3 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

3 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

3 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground