Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Người chép sử dân tộc mình

BÚT KÝ dự thi

 

 

N

gười Vân Kiều ở miền núi huyện Vĩnh Linh thuộc nhiều dòng họ khác nhau như Ra Lu Hạ, Ra Lu Thượng, Xôm Pa Niêu, Xôm Pa Lam, Lang Đông… Dù thuộc dòng họ nào, nhưng khi được Đảng giác ngộ, Bác Hồ chỉ lối người Vân Kiều đã đóng góp xuất sắc vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất Tổ quốc, xây dựng đất nước, bản làng. Họ tự hào về lịch sử dân tộc mình khi được vinh dự mang họ Hồ của Bác và luôn phấn đấu sống, lao động, chiến đấu, học tập thật tốt.

Năm 1987, lên dự lễ kỷ niệm 30 năm (1957 - 1987) dân tộc Vân Kiều được mang họ Hồ của Bác do xã Vĩnh Khê tổ chức tại bản Đá Moọc, tôi có dịp tiếp xúc với một thanh niên người dân tộc Vân Kiều tên là Hồ Văn Phúc. Theo ông Hồ Gầm - Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Khê lúc bấy giờ, Hồ Văn Phúc là con em của một gia đình có truyền thống cách mạng. Ông nội là cụ Hồ Ta May - cán bộ tiền khởi nghĩa, năm 1946 là phó chủ tịch xã, anh ruột là Hồ Ve chủ tịch xã Vĩnh Khê vào những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hiện là một cán bộ chi đoàn năng nổ, đang được bồi dưỡng cán bộ nguồn của địa phương. Với nụ cười cởi mở, thân thiện lần đầu tiên tiếp xúc, Hồ Văn Phúc đã gây được thiện cảm với tôi. Ấn tượng nhất là khi biết tôi công tác ở ngành báo chí, Hồ Văn Phúc đề xuất ngay:

- Bác làm báo, có sách, báo, tạp chí gì cho em một ít để đọc, chứ trên này sách báo hiếm lắm!

Tôi biết Hồ Văn Phúc nói thật lòng. Bởi vì, hồi đó, trình độ canh tác của đồng bào Vân Kiều còn lạc hậu thu nhập thấp, đời sống kinh tế còn gặp rất nhiều khó khăn, nên việc đầu tư cho miền núi trước tiên là gạo, muối để chống đói còn về văn hóa, sách báo rất hạn chế.

Sau đó, mỗi lần lên công tác tôi đều mang báo, tạp chí làm quà tặng anh. Mỗi lần như vậy, Phúc mừng lắm và thường mời tôi về nhà chơi.

Thường xuyên đọc sách báo để nâng cao hiểu biết, tích cực trong lao động, gương mẫu trong sinh hoạt, nên Hồ Văn Phúc trưởng thành rất nhanh. Năm 1990, Hồ Văn Phúc được đứng vào hàng ngũ chiến đấu của Đảng. Năm 1996, Hồ Văn Phúc được bầu giữ chức Bí thư xã đoàn. Trên cương vị Bí thư xã đoàn, Hồ Văn Phúc tích cực vận động đoàn viên thanh niên đi đầu làm thủy lợi để tạo điều kiện mở rộng diện tích gieo cấy cây lúa nước. Hưởng ứng phát động của Xã đoàn, đoàn viên thanh niên của các thôn bản đã đóng góp hàng ngàn ngày công để xây đập Bến Mưng, đập Khe Lương, đập Khe Cát. Giải quyết được nguồn nước nên xã Vĩnh Khê đã mở rộng diện tích gieo cấy cây lúa nước lên 40 ha vụ đông xuân, 30 ha vụ hè thu. Không những góp phần mở rộng diện tích, Hồ Văn Phúc còn đi đầu áp dụng kỹ thuật gieo thẳng đối với cây lúa nước, vừa tiết kiệm được ngày công canh tác, vừa cho năng suất thu hoạch cao gấp rưỡi lúa cấy. Tuy nhiên, do vụ đầu phun thuốc trừ cỏ không đúng quy trình kỹ thuật, nên vừa tốn nhiều công chăm bón mà năng suất lại không cao. Không nản chí, tuy có người nói ra nói vào, nhưng với quyết tâm “Không có việc gì khó chỉ sợ lòng không bền”, vụ hè thu Phúc tiếp tục đưa 6 sào ruộng vào gieo thẳng. Nhờ canh tác đúng quy trình kỹ thuật, nhất là phun thuốc diệt cỏ ở giai đoạn tiền nảy mầm nên lúa hè thu vừa phát triển tốt, vừa cho năng suất cao. Thấy Hồ Văn Phúc sản xuất cây lúa bằng phương pháp gieo thẳng cho năng suất cao nên đồng bào Vân Kiều trong các thôn, bản học và làm theo. Đến nay, đại bộ phận đồng bào Vân Kiều của xã miền núi Vĩnh Khê đã sản xuất cây lúa nước theo phương pháp gieo thẳng đạt năng suất thu hoạch từ 45 - 50 tạ/ha, góp phần ổn định đời sống lương thực trên địa bàn.

Yêu thích văn hóa văn nghệ, Hồ Văn Phúc còn tích cực vận động các già làng, trưởng bản, các nghệ nhân khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Nhờ vậy, các làn điệu dân ca như Oát, Tà Oai, Xiêng Tăng Y và các nhạc cụ như chiêng, khèn khui, khèn lá… đã được khôi phục lại phục vụ cho đời sống văn hóa của đồng bào Vân Kiều. Giờ đây, các thôn bản của xã miền núi Vĩnh Khê đều xây dựng được các đội văn nghệ quần chúng để phục vụ cán bộ nhân dân địa phương với nhiều tiết mục đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Là con em của một dòng họ lâu đời và có truyền thống cách mạng, Hồ Văn Phúc luôn tự hào về lịch sử của dân tộc mình. Ngay từ khi còn làm công tác Đoàn, Hồ Văn Phúc luôn nhắc nhở cán bộ đoàn viên tăng cường tình đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau giữ vững truyền thống cách mạng của dân tộc mình để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làng bản quê hương. Thời điểm này các cơ sở Đảng của Đảng bộ huyện Vĩnh Linh đang triển khai thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, của Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị về việc sưu tầm biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ và nhân dân địa phương từ năm 1930 đến nay. Năm 2011 trên cương vị Đảng ủy viên phụ trách công tác tôn giáo, kiêm phó chủ tịch UBND xã, Hồ Văn Phúc luôn có ý thức trách nhiệm trong việc tổ chức sưu tầm tư liệu phục vụ cho công tác biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ và nhân dân địa phương để giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ và đồng bào dân tộc mình, đặc biệt là thế hệ trẻ như Bác Hồ đã dạy: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

Thấy được ý nghĩa to lớn của công tác giáo dục truyền thống cách mạng, sau khi được Thường vụ Đảng ủy và Ban chỉ đạo cử làm trưởng ban biên soạn, Hồ Văn Phúc đã tìm gặp các nhân chứng lịch sử để sưu tầm tư liệu. Mặc dù kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng Hồ Văn Phúc vẫn dành tiền làm lộ phí để lên tận Khe Ngài của huyện Đakrông tìm gặp ông Hồ Nùa - nguyên Ủy viên Khu đoàn khu vực Vĩnh Linh trước đây phụ trách công tác đoàn của các xã miền núi, ra Tuyên Hóa (Quảng Bình) tìm gặp ông Hồ Dong - nguyên Trưởng ban Bình dân học vụ của xã Vĩnh Khê năm 1956, lên huyện Hướng Hóa tìm gặp ông Hồ Ka - nguyên xã đội trưởng trực tiếp chỉ huy 2 khẩu đội 12 ly7 của dân quân xã Vĩnh Khê bắn rơi hai máy bay của giặc Mỹ ở đồi Thi Xe và ngã ba Đầu Đạn năm 1967. Đặc biệt, được sự giúp đỡ của Đồn biên phòng Cù Bai, Hồ Văn Phúc đã qua tận bản Chaoo của nước bạn Lào gặp ông Hồ Xăn - nguyên trưởng bản Khe Xeng, địa điểm tập kết vũ khí từ xưởng quân giới ở Trảng Bụt (Quảng Bình) chuyển vào cung cấp cho mặt trận Trị Thiên để xác minh thêm nguồn tư liệu về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên địa bàn xã Vĩnh Khê.

Nhờ tìm gặp được nhiều nhân chứng, sưu tầm được nhiều tư liệu, nhất là giai đoạn trực thuộc Ban chỉ đạo miền núi của Khu ủy Vĩnh Linh cũng như những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, sau hai lần hội thảo, bản thảo “Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Vĩnh Khê giai đoạn 1930 đến nay” đã được Ban Tuyên giáo Huyện ủy Vĩnh Linh thẩm định và xuất bản, mang lại niềm vinh dự, tự hào cho cán bộ, đồng bào Vân Kiều xã Vĩnh Khê nói riêng, của miền núi Vĩnh Linh nói chung. Hồ Văn Phúc được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Vĩnh Linh tặng giấy khen.

Với năng lực công tác và ý thức trách nhiệm đối với công tác giáo dục truyền thống cách mạng, Đại hội Đảng bộ xã Vĩnh Khê nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã tín nhiệm bầu Hồ Văn Phúc vào Ban chấp hành Đảng bộ, giữ chức Phó bí thư. Năm 2016, trong cuộc bầu cử HĐND các cấp, Hồ Văn Phúc đã được cử tri tín nhiệm bầu vào HĐND với số phiếu cao nhất và giữ chức Chủ tịch xã.

Thấy được trách nhiệm của mình trước Đảng, trước dân, tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Hồ Văn Phúc đã cùng tập thể cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể quần chúng vận động, hướng dẫn đồng bào Vân Kiều trong các thôn, bản tăng cường đoàn kết, giúp nhau tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, hiến đất, đóng góp ngày công để mở rộng đường giao thông, chỉnh trang thôn bản, nâng cao đời sống sinh hoạt, thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở địa bàn miền núi Vĩnh Linh.

N.N.P

 

NGÔ NGUYÊN PHƯỚC
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 296 tháng 05/2019

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground