Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Sê Pôn, mùa sông không phẳng lặng

Mưa. Tưởng chừng như ông trời có bao nhiêu nước lấy hết mà đổ xuống mảnh đất biên giới này. Cụ Nguyễn Văn Mong nghe dự báo thời tiết xong tắt tivi ngồi nhìn ra phía cửa. Cụ bấm đốt ngón tay rồi nói: “Tao sợ năm ni lụt to bay ơi. Sống trên đất này hơn 30 năm, “trời” cách răng tao biết. Cái vòng vần vũ mười năm một lần ấy, như đến hẹn lại lên”. Và cụ giải thích thêm, những năm 1989, 1999, 2009 ở vùng biên ải ở khúc uốn sông Sê Pôn không có năm nào lụt nhỏ cả.

Bản tin thời tiết dự báo ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới kết hợp với bão đang hình thành ngoài biển Đông khiến mưa toàn miền Trung. Dự báo còn mưa to vào những ngày tới. Cụ Mong giục đứa cháu nội: “Mang áo chạy xuống sông Sê Pôn coi nước non răng rồi? Biết mà còn chuẩn bị”.

Nhà cụ Mong nằm ở khóm Xuân Phước, thị trấn Lao Bảo, chỉ cách mấy bước chân là có thể nhìn thấy sông. Mùa này nước sông đỏ quạch cuồn cuộn chảy. Sông ở núi nó hung hãn hơn so với sông ở đồng bằng. Sông bắt nguồn từ phía Lào, chỉ vòng qua đất Hướng Hóa khoảng hai mươi cây số rồi chảy ngược sang lại đất Lào. Nhưng hàng năm nó lại là nguồn cơn của mọi lũ lụt.

Ngôi chợ xép hôm nay vắng ngắt. Sáng nay cá mú ở dưới đồng bằng không ai lên bán. Trước đó vài ngày trong những rổ cá của người miền xuôi đưa lên đây bán có nhiều con lệch hay cá thờn bơn. Những loài ấy chỉ xuất hiện khi nước trên nguồn về sông Thạch Hãn, sông Hiếu hòa với nước biển đoạn giáp cù lao Bắc Phước. Ở khúc sông này, loài cá đi “đón” dòng nước ngọt ấy bị “dính” đáy rớ của các ngư dân làng Dương Xuân. Bởi thế không phải ngẫu nhiên trong mâm cơm ngày lụt ở Lao Bảo, nơi cách cù lao này đến cả trăm cây số luôn có món lệch kho. Mà ăn lúc mưa dầm, nước trắng trời thì không có chi bằng.

Tranh thủ khi lặng trời, loa các khóm bản phát đi thông điệp về cơn lũ sắp ập đến nơi này. Dường như mọi công việc đều gác lại. Những cuộc họp, tiệc tùng thậm chí cưới hỏi cũng hoãn để tập trung tránh lũ. Một nơi ở độ cao trên 200 mét so với mực nước biển như ở các xã thị trấn ven sông Sê Pôn từ Lao Bảo, Tân Thành, Tân Long, Thuận… mà phải chạy lụt thì nghe có vẻ nghịch lý. Nhưng nó đến như một sự mặc định của đất trời, không to thì nhỏ…

Bốn giờ chiều tại bến đò Xuân Phước, người dân tập trung trên con đường Vành Đai chạy dọc mép sông Sê Pôn để xem lụt. Người này đi rồi người kia đến. Họ theo dõi con nước để tính chuyện di dời tổ ấm của mình. Thôn đội trưởng khóm Xuân Phước, Trần Phước Quốc nói với tôi rằng: “Hơn năm anh em cùng Ban bảo vệ dân phố túc trực tại nhà văn hóa khóm 24/24. Cứ 30 phút chúng tôi xuống đây một lần để canh nước”. Nói rồi ông Quốc chạy đến mép nước đang chập chờn, dời cái cọc tre được cắm xuống để đánh dấu đi nơi khác. Và cứ thế, cái cách người dân vùng cao nơi này canh nước và ứng phó lụt rất kinh nghiệm, thuần thục như một vụ canh tác trên dãy đất hẹp bên sông Sê Pôn.

Tám giờ tối. Mưa mịt mùng. Trên Facebook những hình ảnh chạy lụt bắt đầu được đăng tải đi kèm những lời cảnh báo, rằng nước đang lên nhanh, nước rất hỗn. Đêm nay là đêm không ngủ của người biên giới…

Ngoài đường từng tốp người đi trong lầm lũi, trong tầm tả mưa. Những nơi thấp nhất, sát sông đã di tán. Chỉ cần gói ghém đồ đạc, việc còn lại đã có chính quyền ứng cứu, túc trực hỗ trợ di chuyển. Ai có nhà người thân, quen ở nơi cao thì cứ thế chuyển lên cư trú. Còn lại tập trung ở các điểm như trường học, nhà văn hóa cộng đồng.

Khóm Vĩnh Hoa là một trong những khóm thấp trũng nhất Lao Bảo. Người dân ở đây chỉ cần nghe mưa to, dài ngày là ăn ngủ không yên. Ban đêm phải rọi đèn pin xuống sông coi con nước. Bỏ những thứ cần thiết vào bao nilon, anh Hồ Văn Thành ở khóm Vĩnh Hoa nói: “Căn cứ mức lụt năm 2009 để mà chạy. Đó là năm lụt to nhất từ trước đến nay. Nhà tôi trước đây làm nền nhà thấp, nước lên khoảng ngang thắt lưng. Khi xây nhà đã tính mực nước lụt nên đã làm nền cao cả mét. Nhưng đến trận lụt năm 2009 thì mọi thứ cần phải tính toán lại. Nó phá vỡ mọi kỷ lục, mọi tính toán của các nhà kiến thiết, kể cả những công trình công cộng và các nhà máy ở khu thương mại Lao Bảo”. Nói rồi anh chỉ cái ngấn nước nằm trên ô gió cửa chính và khẳng định: Giờ phải đưa mọi thứ lên quá cái ngấn nước ấy mới yên tâm.

Năm nay trong hành trang chạy lụt của xứ núi ở nhà nào cũng có những bộ sách vở còn mới tinh của con em mình. Nếu không có cơn lũ như thế này, trời đẹp thì vài ngày nữa là ngày khai giảng năm học mới. Trong ánh mắt những đứa trẻ dường như háo hức bởi con nước đang lên. Chúng ngây thơ chờ đợi, háo hức hơn là sợ hãi.

Cái hình ảnh đấy làm tôi nhớ đến trận lụt năm 1989, lúc đó mới vào lớp Một được vài hôm. Sau khi trải qua trận lụt kinh hoàng, ngôi trường bàn ghế bị xô lệch, ngổn ngang và bám đầy bùn non. Khu nhà tập thể bằng tre, phên nứa trát rơm và phân trâu giờ rệu rã. Cây cối ngả nghiêng, xác xơ… Một khung cảnh hoang tàn đến ứa nước mắt. Đến trường sau ngày lũ khi ba mạ chưa mua kịp hai cuốn vở trắng bị nước ngấm. Thầy Hoàng Phú Đức, Hiệu trưởng nhà trường huy động ở đâu đó mấy chục cuốn vở hỗ trợ học sinh ngập lụt.

- Nhà em nào bị lụt giơ tay lên?

Từng em một giơ tay lên. Thầy trao có đứa một cuốn, có đứa hai cuốn.

Đến phiên mình, thầy hỏi: Nhà em nước lụt tận mô?

- Dạ, cao gấp 2 lần người em.

- Răng em biết?

- Dạ, em nhìn cái vệt nước in trên cột nhà.

Nói xong mình nhận hai cuốn vở. Lòng mừng như vừa được nhận món quà lớn, thầm nghĩ, ước chi năm lụt đôi lần cũng được.

Cái ngấn nước lụt ở trên tường, trên cột nhà nằm trong ký ức của những đứa trẻ vùng cao như một kỷ niệm buồn. Để những trận lụt tiếp theo hàng năm có cái để so sánh, ít nhất soi mình với quá khứ ngày hôm qua trước mũi tên thời gian lao vun vút…

Một giờ sáng, điện thoại rung lên, số máy của một người quen ở xóm dưới bảo nước lên nhanh quá: “Cuốn gói đi thôi”. Những chữ cuối cùng dường như vội vã, lạc cả giọng. Tôi đưa gia đình đến một nhà bà con ở nơi cao hơn. Mọi thứ đã cất ở nơi ráo nên rất yên tâm. Ngày thường cái gác xép không ai lui tới nhưng giờ lại là cứu cánh cho mỗi gia đình. Trong mưa lớn, từng đoàn người đi bộ trong đêm đen. Cảnh tượng như những đợt chạy giặc mà mạ tôi thường nhắc ở mấy chục năm trước. Có gia đình mang theo bầy chó. Chúng run lập cập và thi thoảng rú lên như sắp đón nhận một điều gì ghê gớm sắp xảy ra.

Những chiếc thuyền cùng đèn pin đi trong đêm. Con đường ngày thường xe cộ qua lại giờ biến thành dòng sông với những chỗ xoáy đầy nguy hiểm. Bộ đội biên phòng Đồn cửa khẩu quốc tế Lao Bảo cùng lực lượng công an, dân quân đi thuyền men theo con đường ngập nước sâu, thuyền đi đến đâu là đèn pin rọi vào từng nhà, gọi lớn: Còn ai trong nhà không? Còn ai không?

Rút kinh nghiệm những trận lũ trước, những năm sau này các lực lượng chức năng rất dứt khoát trong việc di dời. Đã có những trường hợp các chủ nhà “cố thủ” không chịu di dời vì chủ quan. Thôn đội trưởng Trần Phước Quốc nhớ lại trận lụt năm 2009: “Có một hộ dân ở nơi khá cao. Sau khi cả gia đình di dời đến nơi an toàn thì ông này vẫn ở lại. Họ chủ quan, bảo nước lên cao thì trèo lên giường, lên tủ… chứ không chịu đi. Đến khi nước lên quá cao không thể ra khỏi nhà phải trèo lên mái nhà lột ngói mà điện thoại gọi cứu hộ”.

Nửa đêm cho đến khi rạng sáng, nước vẫn đang lên nhấn chìm những gì nó đi qua. Mưa vẫn đang kêu gào trên mái tôn. Mưa chát chúa, mưa giận dữ. Trời sáng mà mưa vẫn không ngớt. Các lực lượng chức năng vẫn tiếp tục di dời những hộ dân sống ở vùng có nguy cơ ngập lụt. Công cuộc chạy lụt vẫn đang tiếp diễn chưa có hồi kết.

Tại nhà văn hóa khóm Tân Kim, hơn hai phần ba người đồng bào thiểu số bản Ka Túp lên trú lụt. Bản Ka Túp nằm bên khúc cua của sông, nước xoáy và rất hỗn. Không đi sớm là rất dễ bị cuốn theo dòng nước qua tận sông cái Mê Kông. Ở đây chỉ có đàn bà và trẻ em. Những ổ bánh mỳ được phát cho từng người một. Trẻ em thì có thêm hộp sữa. Nghe một người bảo các hộ dân ở nơi cao đã gom tiền mua bánh mỳ và nước uống để hỗ trợ cho dân ở vùng ngập lụt. Cũng giống như cư dân biên giới Lao Bảo, các xã Tân Thành, Tân Long đều chạy lũ. Những ngôi nhà cao ráo là nơi tá túc. Chủ nhà có bao nhiêu chiếu, chăn gối cứ thế trải ra giữa nhà phục vụ người dân. Những nồi mỳ tôm pha theo kiểu tập thể, mỗi người một miếng cầm hơi. Giữa lúc hoạn nạn như thế này, tình người lại được “hâm nóng”.

Con đường 568 nối Quốc lộ 9 và Lìa bị “đứt” một số đoạn. Nước ngập ở một số cầu tràn làm ách tắc giao thông. Các xã Thuận, Thanh… bị cô lập. Những bến đò bất đắc dĩ mọc lên giữa đường để phục vụ người dân. Từ trên cao nhìn xuống, nước mênh mông một màu bàng bạc.

Cơn thịnh nộ của đất trời làm nên một phen xáo trộn đời sống đồng bào miền núi vốn đã khó khăn. Những con đường đặc quánh bùn non, cây cối nhuốm màu phù sa.

Nắng nhẹ. Nước rút dần. Từng đoàn người lũ lượt trở về nhà. Nước rút đến đâu dọn vệ sinh đến đó. Có mặt tại rốn lũ Lao Bảo lúc nước rút, thượng tá Phạm Anh Vũ, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự huyện Hướng Hóa nói rằng, sau một đêm vật lộn với lũ, lực lượng của ban chỉ huy phối hợp với công an, dân quân túc trực 24/24 để đảm bảo an toàn cho người dân. Tính đến giờ không bị thiệt hại về nhân mạng. Giờ nước rút rồi, công việc còn lại là dọn vệ sinh để ổn định cuộc sống, hạn chế dịch bệnh…

Một người nông dân ở xã Tân Thành có nhiều năm canh tác trên thửa đất sát sông Sê Pôn, nói với tôi rằng: Lụt năm ni… dễ chịu. Đằng sau câu nói ấy là một nụ cười lạc quan đến bất ngờ.

Sờ tay lên vệt nước lụt năm nay, tôi nhớ về những trận lụt năm trước. Không có trận lụt nào giống nhau, nhưng đều mang đến cho người dân rẻo cao khối lo toan đã hằn thành nếp.

Ngoài kia, loa khóm thông báo thiệt hại trong trận lụt vừa qua: Toàn huyện có 1.058 hộ/4.795 khẩu bị ngập lụt, trong đó chủ yếu là thị trấn Lao Bảo. Hơn 150 hecta lúa thiệt hại, cùng hàng ngàn gia súc, gia cầm bị lũ cuốn và nhiều đường sá bị hư hỏng. Tổng thiệt hại ước tính trên 37 tỷ đồng.

Sau tiếng loa thông báo thiệt hại là danh sách những nhà hảo tâm, những mạnh thường quân ủng hộ thực phẩm và nước uống cho bà con vùng lũ. Danh sách cứ dài mãi, dài mãi…

Ở phía bếp của một ngôi nhà không ngập lụt, có tiếng người mẹ già giục đứa con dâu nấu thêm cơm để chia phần cho người xóm dưới: “Nhà người ta bị ngập chưa thể ổn định nấu nướng”.

Chừng đó thôi cũng thấy bùi ngùi sau cơn lũ!

Y.M.S

 

 

 

YÊN MÃ SƠN YÊN MÃ SƠN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 301 tháng 10/2019

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground