Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Phan Giá - những ngày cuối đời ở quê hương

Anh Phan Giá ra đời trong một gia đình và làng quê giàu tinh thần thượng võ: xã Hải Thượng trên dải đất Trị - Thiên anh hùng, cách Thành Cổ Quảng Trị chừng ba cây số theo đường chim bay. Ven quốc lộ 1, chặng ngang qua địa phận xã Hải Thượng, hiện có tượng đài kỷ niệm liệt sĩ Phan Thanh Chung, anh hùng diệt Mỹ, một người cháu họ của chúng tôi. Nghĩa trang xã Hải Thượng là “nghĩa trang cấp xã” lớn nhất nước ta với gần hai ngàn ngôi mộ bộ đội và dân thường hy sinh qua hai cuộc kháng chiến. Gần năm trăm mộ người gốc làng quê, còn lại chủ yếu các chiến sĩ bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972, quê quán tại nhiều nơi trong cả nước.

Anh Phan Giá thông minh, học giỏi. Nhà nghèo, sau khi đỗ tiểu học, anh không thi vào trường Quốc học Huế mà chọn trường Kỹ nghệ thực hành để khi ra trường dễ kiếm việc làm. Học gần xong, chuẩn bị đi làm ông kỹ thuật, thì anh cùng bạn bè tham gia cuộc biểu tình nhân dân ta đón Justin Godart, phái viên của Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp. Godart là đảng viên Đảng Xã hội, năm 1937 ông được cử sang Đông Dương điều tra về chế độ cai trị thực dân tàn bạo, và tiếp nhận “thư thỉnh nguyện” của người dân bản xứ. Ông đặc phái viên vừa rời khỏi Huế, Phan Giá cùng nhiều bạn cùng khóa bị đuổi học, và ít lâu sau, khi Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp sụp đổ, nhiều người bị bắt tống vào tù. Trong số bạn cùng lớp với anh có Nguyễn Côn về sau là Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng; Nguyễn Hữu Mai, Bộ trưởng; Lưu Quý Kỳ nhà báo, Huỳnh Ngọc Huệ người học giỏi nhất lớp - anh Huệ hy sinh những ngày đầu chống Pháp…, và nhiều học sinh trường Quốc học như Nguyễn Khoa Văn tức Hải Triều, Nguyễn Hoàng tức Vĩnh Mai, v.v. Các học sinh trên trước đó từng có dịp cùng bạn bè đồng lứa như Nguyễn Kim Thành (Tố Hữu), Hồng Chương (Trần Quốc Tuấn)... bí mật tham gia lớp huấn luyện do các nhà cách mạng Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu hướng dẫn. Trong tù, Tố Hữu làm thơ Anh Lưu, anh Diểu dẫn tôi đi…, chính là nhớ lại bước đầu vào đời đó.

Không đủ chứng cứ kết án, nhà cầm quyền Pháp trả tự do cho một số người. Hai người bạn thân cùng lớp bị đuổi học là Nguyễn Côn và Phan Giá rủ nhau vào Sài Gòn kiếm việc làm và học thêm. Hai anh em thuê một phòng nhỏ, thực tế là một cái ga-ra gần chợ Thái Bình, ngày đi làm, đêm tự học. Phan Giá hồi này chưa là đảng viên nhưng Nguyễn Côn hình như đã nhận một trọng trách nào đó. Tôn trọng nguyên tắc bí mật, Phan Giá không hỏi và Nguyễn Côn cũng không nói, chỉ hiểu ngầm với nhau. Thỉnh thoảng một vài cán bộ ghé nghỉ nhờ qua đêm với Côn và Giá tại cái ga-ra chật chội, trong đó có Bảy Tiến (Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, Thượng tướng Trần Văn Quang sau này), Mười Cúc (Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh)...

Không hiểu Nguyễn Côn thu xếp cách nào, tìm được việc làm cho Phan Giá một chân soát vé trên các chuyến xe lửa (contrôleur) chạy tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho. Đoạn đường dài có 70km, một ngày mấy chuyến tàu, còn lại thời gian Phan Giá chúi đầu đọc sách. Trách nhiệm chính anh được giao là tạo điều kiện cho cán bộ hoạt động bí mật đi lại thuận tiện từ Sài Gòn - Chợ Lớn về các tỉnh miệt vườn, và ngược lại. Vậy là ông công-trô-lơ cần cù, chăm chăm soát vé hành khách nhưng tuyệt nhiên không bao giờ nhìn thấy những vị nhảy tàu trốn vé, dù là người lạ hay quen.

Đỗ bằng Brevet (tương đương bằng Thành chung), Phan Giá nộp đơn thi vào ngành bưu điện. Chờ mãi đến gần ngày thi vẫn không nhận được giấy báo. Tới chỗ nộp đơn thì được lời đáp: “Sang bên Sở Mật thám mà hỏi!”.

Phan Giá sang Sở Mật thám, cũng gần Nhà Bưu điện thôi, trên cùng đường phố (đường Catinat, nay là Đồng Khởi). Một ông Tây mặt và cổ đỏ gay, niềm nở tiếp anh. Sau này Phan Giá mới rõ đó chính là tên cò Bazin khét tiếng tại Sài Gòn. Nó thành thạo tiếng Việt nhưng hôm ấy tiếp chuyện anh khá lịch sự bằng tiếng Pháp. Nó bảo: “Chúng tôi không cho phép anh dự thi. Tôi biết rõ anh là ai, anh làm gì. Hiện anh đang làm liên lạc cho các ông cộng sản, tôi chưa cho bắt anh đó thôi. Bây giờ anh còn có mỗi một cách là cộng tác với chúng tôi. Nếu anh nhận lời, không những anh được dự thi mà chắc chắn sẽ đỗ cao”.

Phan Giá đáp:

- Tôi có biết gì đâu mà bảo làm việc cho các ông. Tôi không thể nhận lời.

Tên mật thám trợn mắt:

- Tùy anh thôi. Một là anh đứng về phía chúng tôi, hai là anh đứng về phía bọn họ.

- Tôi không đứng về phía nào cả. Tôi trung lập.

Tên mật thám để cho anh ra về. Phan Giá kể lại với Nguyễn Côn. Hai anh em lo lắm nhưng chưa biết xử trí cách nào. Tự dưng bỏ đi nơi khác thì có khác chi “lạy ông tôi ở bụi này”, bị bắt ngay tức khắc. Nấn ná ở chỗ này thì ngày đêm thấp thỏm, chưa biết lúc nào sẽ bị còng tay tống vào khám. Và điều đó đã mau chóng xảy ra. Một đêm, Phan Giá đang ngủ say thì Nguyễn Côn đạp mạnh vào chân: “Chúng ta bị bắt rồi!”.

Cuộc thẩm vấn diễn ra ngay sau đó tại Sở Mật thám. Lúc ấy đã quá nửa đêm. Người hỏi cung không ai khác Bazin. Vừa nhìn thấy anh, nó cười đểu cáng: “A, me xừ Phan Giá ông trung lập đây rồi! Cuối cùng chúng ta lại gặp nhau!”.

Nguyễn Côn bị mật thám tra tấn dữ và bị đưa đi biệt tăm. Mãi mười lăm năm sau, gặp lại bạn tại một cuộc họp ở Việt Bắc, Phan Giá mới biết lần ấy anh bị đày tít ra Côn Đảo. Còn Phan Giá vẫn chưa có đủ chứng cứ - Nguyễn Côn nhất thiết không khai người bạn chung phòng có tham gia hoạt động - bị trục xuất về nguyên quán, giao tòa án Nam triều xử lý.

Tại nhà lao Quảng Trị trong Thành Cổ, một sáng Phan Giá thoáng nhìn thấy Nguyễn Kim Thành (Tố Hữu). Hai người tỉnh bơ như không hề quen biết. Chờ qua sáng hôm sau, đến giờ tất cả tù phạm được lính gác dẫn đến dãy nhà vệ sinh xây sát tường rào, cho phép làm cái việc không thể không làm. Hai người cố tình chọn hai ngăn hố xí sát nhau. Chờ người lính gác lùi ra xa tránh mùi ô uế, hai anh thì thầm trao đổi. Tố Hữu báo: “Moi (tớ) bị năm năm. Mai đi trả nợ!”. Trả nợ tận Tây Nguyên: Đường lên đỉnh núi Đaklay/ Hắt hiu gió lạnh, sương dày vắng chim... “Moi, quản thúc thôi” - Phan Giá đáp.

Quan Tuần vũ Quảng Trị thời ấy xuất thân Tây học, người cùng phủ, từ lâu nức tiếng quan tham. Phan Giá nhờ có ông anh trai xuất thân tài xế, chắt bóp lần hồi mua lại được một chiếc xe chở khách chuyển hàng từ Đông Hà vào Đà Nẵng và ngược lại, nhờ vậy dành dụm được món tiền định xây nhà. Thương em, anh đưa tiền cho mẹ mang ra “kêu” với cụ Tuần. Quả nhiên cụ Tuần tỏ ra vô cùng hiền từ, phúc hậu. Trường hợp Phan Giá thực ra mức án cao nhất cũng chỉ đưa đi “an trí” tại trại tập trung, cụ Tuần mở lượng biển hồ cho về “quản thúc tại gia”, lại được đặc ân không phải mỗi tuần một lần vào phủ đường trình diện. Phan Giá kể lại trong hồi ký của anh: Tuần vũ cho gọi anh tù trẻ cùng mẹ vào gặp cụ lớn, nghe cụ trịnh trọng khuyên bảo đúng như bậc phụ mẫu dạy dân đen: “Anh thông minh, anh học giỏi, nhưng anh non dại, từ nay về nhà lo làm ăn, chớ có nghe người ta xui dại làm loạn nữa thì tù mọt gông đó, nghe chưa?”.

Về làng, Phan Giá học chữ Hán. Cả làng còn lại mỗi một ông đồ dạy “chi, hồ, giả, dã” cho lũ trẻ ê a, cầm chân không cho chúng đi dang nắng. Anh học chữ Nho, nhưng học chữ, không học nghĩa. Học thuộc nhiều mặt chữ, rồi về nhà học nghĩa theo cách của mình. Tập viết chữ Nho cho đúng cách. Sau một thời gian, thầy đồ hết vốn. Phan Giá tiếp tục tự học, dần dà đọc được sách truyện, dịch thoát cổ văn. Chính nhờ anh, tôi đọc được bộ tộc phả bằng tiếng Việt của dòng họ Phan làng Thượng Xá do anh chuyển ngữ, mà cụ “tiền khai khẩn” của chúng tôi đã từ Bắc theo Đoan Quận công Nguyễn Hoàng vượt qua Hoành Sơn nhất đái vào xứ Đàng Trong lập nghiệp, về sau được triều đình nhà Nguyễn truy phong “Dực bảo Trung hưng tôn phổ linh thần”.

* * *

Anh Phan Giá để lại nhiều dấu ấn trong thời niên thiếu của tôi. Mẹ tôi kể: Tôi ra đời, chờ đến ngày tôi đầy tháng, anh theo mẹ đến thăm em. Cậu anh lúc này đã mười một tuổi, gí ngón tay vào cái trán đỏ hỏn của chú em, cười cười: “Mi tuổi Thìn, tau tuổi Tỵ, tau lớn hơn mi nhưng mi con rồng, tau con rắn”.

Năm anh bị đưa về quê quản thúc tại gia, tôi vừa học xong sáu năm tiểu học “kiêm bị Pháp Việt”, chuẩn bị vào trung học. Nghỉ hè, sáng sáng tôi sang nhà bác, để anh dạy thêm tiếng Pháp cho. Cũng lạ, tác động của văn chương vào những tâm hồn non trẻ. Phan Giá học trường Kỹ nghệ thực hành, lại say mê văn học Pháp. Tôi là trẻ mới lớn cũng bị hút hồn bởi những câu thơ có vần có nhịp. Lớp học một thầy một trò khởi đầu với vở kịch cổ điển của Corneille, Le Cid. Anh thuộc lòng vở kịch thơ từ đầu tới cuối, vừa đọc vừa thao thao giảng, say mê, cuốn hút. Hơn bảy mươi năm sau, tôi vẫn nhớ một số đoạn bi hùng trong vở kịch do Phan Giá dạy. Một hôm tôi nhận được thư anh gửi từ làng quê, lúc này nhà cách mạng lão thành đã gần tám mươi, kèm một tập thơ mỏng ghi trên giấy vở học trò: “Chú Quang, để giải trí tôi chọn dịch mấy đoạn trong Le Cid gửi chú xem cho vui... Corneille ca tụng lòng yêu nước, trọng danh dự và tính ngoan cường, bây giờ vẫn hợp thời thế... Tiếc là không có cuốn sách, nếu chú thấy ở đâu đó có Le Cid, mua gửi cho tôi dịch toàn văn thì tốt quá...”.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, anh Phan Giá làm Ủy viên Ủy ban kháng chiến, hành chính tỉnh Quảng Trị. Mặt trận Huế vỡ, quân Pháp từ biển đổ bộ lên Thừa Thiên, tràn ra chiếm đóng ba tỉnh miền Trung. Phan Giá làm Bí thư Huyện ủy Hải Lăng một thời gian rồi trở lại tham gia Ủy ban tỉnh. Hiệp định Genève 1954 ký kết, anh cùng gia đình tập kết ra Bắc, công tác tại Nghệ An, sau ra Hà Nội làm ở Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Đến tuổi hưu, anh xin nghỉ đúng hạn, trở về quê đã giải phóng nhưng tan nát điêu tàn vì bom đạn, tìm lại mảnh vườn xưa bên dòng sông Nhùng dựng ngôi nhà tạm, rồi phá hoang, trồng chuối, mít, lại đào cái giếng thơi ngay trong vườn nhà, bởi nước sông Nhùng trong xanh thuở nào nay bắt đầu ô nhiễm. Chiều chiều anh ra bờ sông hứng gió từ biển thổi vào mát rượi. Những tháng năm tản cư kháng chiến khó khăn là thế, chồng mải mê công tác, một mình chị Giá trồng rau, nuôi gà, chạy chợ, buôn bán vặt, kiếm tiền nuôi một bầy con bảy đứa, tất cả gái, trai đều trở thành bác sĩ, kỹ sư.

Bóng ma văn chương như thể vẫn đeo đẳng “anh chàng trung lập”. Tại chiến khu Ba Lòng, anh tham gia nhóm văn nghệ Nguồn Hàn. Thơ anh không xuất sắc, nhưng nhà Nho tự học thành thạo môn làm câu đối. Nhà thơ Lương An nhớ lại, một chuyến hai anh em cùng đi công tác, đêm nghỉ lại lưng đèo Bốm Bạc vùng thượng du Hướng Hóa, sáng dậy Phan Giá đọc cho nghe bài thơ làm trong đêm trằn trọc với tiếng chim tu hú gọi đàn:

…Phải chăng rừng vắng chim tìm bạn

Hay lúc canh dài chị gọi em

Khắc khoải gần xa trong một tiếng

Bâng khuâng thương nhớ biết bao niềm...

Phan Giá là người dẫn dắt tôi vào mê cung của kịch cổ điển, thi ca và tiểu thuyết lãng mạn Pháp... Nhớ mùa hè năm ấy, một ngày gió Lào bỗng dưng dịu hẳn, nắng bớt chói chang, thầy bỏ buổi dạy rủ trò lên vùng đồi bên trên khe Dốc Son, cùng nhau thơ thẩn chọn bứt những trái sim chín mọng mà vẫn bám chắc vào cành nhấm nháp, rồi tìm một bụi cây có bóng râm, nằm dài mỗi người đọc cuốn sách mang theo.

* * *

Cụ cán bộ cách mạng lão thành, Huân chương Độc lập, sống những ngày cuối cạnh người bạn đời chung thủy, vẫn trong căn nhà nhỏ giữa mảnh vườn trồng chuối, mít, ổi, chè... ngày càng xanh tốt, cùng cái giếng thơi nước vẫn mát rượi như bao giờ. Anh làm bài thơ chữ Nho, thể Đường luật, có hai câu:

Bằng hữu nhược lai tầm cố cựu

Viên trà nhất uyển khánh tương phùng.

Tạm dịch:

Nhỡ bạn ghé nhà tìm cảnh cũ

Trà vườn một chén đón khách xưa

Chờ tới lúc ông bà sắp đạt mốc tám mươi, các con, cháu bàn việc hậu sự, mới dám xin phép xây sẵn hai ngôi mộ kề nhau trên trảng cát trắng ngày đêm rì rào tiếng lá phi lao, không xa nơi an nghỉ của các cụ tổ. Cứ lo ông không đồng ý, bởi tính cụ kỵ chuyện phô trương hình thức. Không ngờ được chấp thuận, cụ còn làm đôi câu đối khắc trước mộ chí:

Tình cháu con muốn quy về một mối

Nghĩa vợ chồng đâu chỉ có trăm năm.

P.Q

Phan Quang
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 276 tháng 09/2017

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground