Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 24/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Những ngôi chợ trên đất Vĩnh Linh

Cũng như bao làng quê thuần nông khác trên dải đất hình chữ S này, ngay từ khi mới manh nha, chợ ở huyện Vĩnh Linh quê tôi cũng mang chức năng là cái “phong vũ biểu” chỉ độ trù phú sầm uất hay nghèo khó, độ văn hóa văn minh hay hủ tục lạc hậu của đất này.

Chợ nông thôn Vĩnh Linh được hình thành từ bao giờ thì chưa thấy công trình nghiên cứu khoa học lịch sử và thương mại nào khẳng định. Có thể nó ra đời muộn hơn so với chợ nông thôn phía Bắc, bắt đầu từ cuộc di dân quy mô lớn đầu tiên sau chiến dịch quân sự năm 1065 của Lý Thường Kiệt mở cõi về phương Nam, rồi dần phát triển qua các triều đại Trần, Lê, Nguyễn... Một điều đáng chú ý là các tên chợ nông thôn ở Vĩnh Linh ngày xưa ngoài đặc điểm: tên chợ gắn với tên làng, tên tổng và đặc điểm nơi họp chợ, một số chợ trùng với tên chợ ở các tỉnh phía Bắc và chỉ có một từ như chợ Quán, chợ Phủ, chợ Mai, chợ Hôm... Điều này có cơ sở để nghĩ rằng: Người thiên di mở cõi thì chợ cũng nằm trên đôi vai gánh gồng và đôi bàn chân chai sạn của những dân binh Nam tiến.

Đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, hệ thống chợ nông thôn Vĩnh Linh đã khá hoàn chỉnh, phân bố khá hợp lý, thành vệ tinh xung quanh chợ huyện Vĩnh Linh.

Người tứ phương biết đến Vĩnh Linh, “xứ đất đỏ” không phải là nhớ tên ông Tri phủ, Tri huyện nào đã chăn dân trị đời qua những triều đại phong kiến nào mà người ta nhớ đến xứ ấy có những cái chợ mang tên chợ Phủ, chợ Do, chợ Cửa, chợ Đàng, chợ Kênh, chợ Thủy Cần, chợ Quán, chợ Thủy Bạn... với các đặc sản nông nghiệp tiêu biểu như hạt tiêu, chè xanh, mít nghệ, dứa bạc, nước mắm trong Cửa Tùng, mắm chượp Thái Lai, con khuyếc khui bãi ngang Tân Hòa, Tân Thuận mà nhiều nơi gọi là con moi, con ruốc, vào kỳ giáp hạt nó được cả dân biển lẫn dân ruộng dùng ăn độn với lưng cơm cõng khoai ít ỏi. Cũng từ rất sớm, những sản phẩm tiểu thủ công nghiệp là chai dầu ăn được ép và chưng cất thủ công từ hạt dầu sở, không nhãn mác nhưng nó mặc nhiên ra chợ và được đón nhận hồ hởi như một ân nhân về trong bữa cơm quê nghèo.

Nhắc đến dầu sở bỗng nhớ một thời chưa xa, trên mảnh đất Vĩnh Linh hầu như làng nào cũng có cây dầu sở trồng ven đường làng làm bóng mát, làm đai rừng chắn gió. Còn các xã Vĩnh Nam, Vĩnh Trung, Vĩnh Tú diện tích dầu sở được trồng và phát tán hạt thành rừng khá lớn nên tại xã Vĩnh Tú ngày xưa có hẳn một làng gọi là làng Phường Dầu, nay là vùng Đông Trường thuộc xã Vĩnh Tú, chuyên thu mua hạt dầu sở để ép lấy dầu theo phương pháp thủ công, mang dầu bán khắp vùng.

Để việc thu mua hạt sở khô được thuận lợi, một chợ quê hình thành ngay đầu làng gọi là chợ Phường Dầu. Bây giờ có lẽ do chiến tranh tàn phá mà cây dầu sở mất đi, hoặc còn lại ít nên nghề ép dầu sở cũng không còn nhưng chắc chắn thế hệ sáu mươi, bảy mươi trở lên ở Vĩnh Linh không ai quên được hương vị dầu ăn Phường Dầu dùng chiên cơm, kho cá, tráng trứng, xào rau thơm ngon, béo ngậy ngày xưa...

Chợ ở Vĩnh Linh cũng như mọi nơi, tự nhiên sinh ra rồi cũng tự nhiên mà biến mất. Bây giờ người ta đã không còn nhớ đến những tên chợ đã đi vào quá vãng như chợ Quán, chợ Đàng, chợ Vang, chợ Cửa... vốn lưu tiếng một thời. Nhưng những người xa xứ vẫn nhớ về chợ quê Cửa Tùng với những dòng hoài niệm đau đáu: “Thuở ấy các loại vải nội hóa khổ ngắn nhưng Phước viện Di Loan đã dệt thao, lụa khổ rộng như hàng ngoại hóa, nhờ biết cải biến khung cửi (máy dệt vải kéo tay). Hàng tơ lụa của Phước viện có thời nổi tiếng trên thị trường Đông Dương gọi là “Hàng tơ lụa Cửa Tùng”. Hàng này còn được xuất khẩu sang Pháp và khắp vùng Đông Nam Á nữa. Phước viện cũng cung cấp các loại thuốc Tây thay các loại cao đơn hoàn tán để trị các bệnh thông thường như cảm mạo, nhức đầu, đau bụng...” (Dương Bỉnh - Tưởng nhớ giáo hạt đất đỏ Cửa Tùng).

Hay vẫn còn đâu đó trong lời ru ầu ơ xa vắng:

Ru em, em ngủ cho muồi

Để mạ đi chợ mua vôi ăn trầu

Mua vôi chợ Quán chợ Cầu

Đừng mua (vôi) chợ Huyện ăn trầu bỏng môi…

Hoặc thoáng qua một chút trong câu tán tỉnh bâng quơ:

Chợ Đàng đi muộn rứa em

Bán mua hay chỉ đến xem rồi về?…

* * *

Từ xưa đến nay Vĩnh Linh có hai loại hình chợ nông thôn phổ biến: chợ cá ven biển; chợ nông sản vùng đồng bằng và miền núi.

Phủ Vĩnh Linh xưa, huyện Vĩnh Linh ngày nay có 18 km bờ biển. Ngư dân cũng cư trú, bám biển làm ăn trải dài dọc theo miền chân sóng ấy. Có dân là có chợ, khá nhiều chợ cá cùng ra đời phân bố rải rác dọc theo bờ biển từ Mạch Nước, xã Vĩnh Thái vào đến Cửa Tùng. Chợ cá chủ yếu họp vào buổi chiều.

Nổi tiếng nhất và cũng lâu đời nhất trong các chợ cá dọc biển Vĩnh Linh là chợ Cựa (Cửa). Chợ họp ngay nơi bờ Bắc cửa sông Bến Hải đổ ra biển nên mang tên ấy. Do chợ họp vào buổi chiều nên còn có tên là chợ Hôm. Chợ Cựa từ khởi thủy cho đến cuối thế kỷ XX cũng chỉ mấy dãy quán tranh, sạp tre của mươi hộ làm nghề buôn bán các loại hải sản như cá, tôm, cua, mua của ngư dân đi biển về. Sau này có thêm một số cơ sở sản xuất, cung ứng đá lạnh, ngư cụ cho người đi biển... Chợ Cựa xưa vào buổi ban mai mang không khí tịch mịch nơi thôn dã. Đến xế chiều, thuyền đánh cá đi khơi đi lộng đổ về bến, chợ nhóm họp và mang lại cảnh bán mua tấp nập. Nhóm nhanh và chợ cũng tan nhanh trước lúc mặt trời lặn.

Đầu năm 2011, chợ cá Cửa Tùng được chuyển đến và xây dựng mới tại vị trí ở phía Bắc sát chân cầu Cửa Tùng với quy mô rộng trên 0,3ha. Chợ cá Cửa Tùng bây giờ đã trở thành chợ đầu mối cung cấp hải sản cho các chợ khác trong vùng bắc huyện Gio Linh và toàn bộ huyện Vĩnh Linh. Đặc biệt chợ cá Cửa Tùng có lẽ là chợ duy nhất trên địa bàn Vĩnh Linh dành riêng một khu vực bày bán nhiều loại rau biển, rong biển, ốc, sứa và nhiều loại bánh trái đặc sản độc đáo riêng có của rạn đá vùng biển Cửa Tùng.

Cách chợ cá Cửa Tùng về phía Tây khoảng 2 cây số là chợ Do. Chợ họp trên đất An Do Đại Xã, theo gia phả Nguyễn tộc, nguyên quán ở làng An Du Bắc thì An Do Đại Xã là do ông Nguyễn Như Long người của dòng họ này lập ra. An Do Đại Xã gồm bốn làng: An Do Bắc, An Do Nam, An Do Đông và An Do Tây, sau này có thể là kiêng húy hoặc theo thổ âm địa phương người ta gọi chệch An Do ra An Du. Tên làng đổi nhưng tên chợ không đổi nên chợ mang tên chợ Do là vì thế. Trải qua bao thăng trầm, hiện nay xã Vĩnh Tân chỉ còn làng An Du Đông và An Du Tây. Hai làng An Du Bắc và An Du Nam là những làng dân theo đạo Thiên Chúa, từ năm 1954 di cư vào Nam nên không còn tên làng.

Chợ Do là chợ lớn thứ hai của huyện Vĩnh Linh. Từ chợ nông sản thuần túy, ngày nay chợ Do đã trở thành trung tâm thương mại sầm uất nhất khu vực đông nam của huyện gồm các xã: Vĩnh Giang, Vĩnh Tân, Vĩnh Thành, Vĩnh Thạch và thị trấn Cửa Tùng. Sau khi cầu Cửa Tùng được đưa vào sử dụng, chợ Do càng sầm uất hơn vì có thêm sự tham gia của cư dân đông bắc huyện Gio Linh. Từ tháng 4 năm 2007, chợ Do được xây dựng mới trên nền cũ có diện tích 1 ha, mặt bằng xây dựng gần 1.000 m2, với 7 khu đình chợ, trong đó có 1 đình chính hai tầng và 6 khu đình phụ. Quy mô kiến trúc hoành tráng, kiểu dáng đẹp, với 200 lô quầy ở khu đình chính, chợ Do thỏa mãn nhu cầu buôn bán, trao đổi hàng hóa của nhân dân vùng đông nam Vĩnh Linh, các khu vực phụ cận thuộc đông bắc huyện Gio Linh và phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách trên đường về khu du lịch bãi tắm Cửa Tùng, tham quan địa đạo Vịnh Mốc.

Lớn nhất huyện Vĩnh Linh là chợ Huyện hoặc chợ Phủ và ngày nay gọi là chợ Hồ Xá 1. Bây giờ ở Vĩnh Linh có một địa danh mà khi nhắc đến nhiều người đều có thể ngơ ngác nhìn nhau, đó là: “Dốc chợ Huyện”. Dốc chợ Huyện nằm ở ngã ba đường Quốc lộ 1A cũ và đường tránh Hiền Lương hiện nay. Ngày xưa, đất ấy thuộc làng Đơn Duệ. Đơn Duệ từng là lỵ sở của châu Minh Linh, Chiêu Linh, Vĩnh Linh... nên chợ Châu, chợ Huyện, chợ Phủ họp ở phía Tây làng Đơn Duệ bên bờ sông Hồ Xá.

Trong gần 200 năm kể từ khi nhà Nguyễn định hình lãnh thổ quốc gia và phân định lại địa giới hành chính cả nước, chợ Huyện Vĩnh Linh cũng trải qua bao thăng trầm đổi thay cùng lịch sử. Chợ Huyện đến nay không ít hơn 5 lần di chuyển. Thế kỷ XIX trở về trước, chợ họp ở đầu làng Đơn Duệ. Đầu thế kỷ XX chợ chuyển lên gần phủ đường Vĩnh Linh ở ngã ba đường Quốc lộ 1A và đường Cáp Lài (nay là ngã ba đường Lê Duẩn và đường Quang Trung, vị trí chợ Hồ Xá 2 hiện nay).

Những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước chợ Huyện Vĩnh Linh là một chợ khá sầm uất ở Bắc miền Trung, do sau năm 1954 thị trấn Hồ Xá trở thành trung tâm hành chính của Khu vực Vĩnh Linh, đơn vị hành chính tương đương cấp tỉnh, nên dân số tăng cơ học đột biến do điều động nhân lực để xây dựng bộ máy chính quyền, công nhân được tuyển dụng xây dựng nhà máy, công, nông trường, xí nghiệp và đặc biệt là lực lượng vũ trang tăng cường bảo vệ địa bàn giới tuyến. Cùng với chủ trương biến Vĩnh Linh thành nơi thể hiện sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, “viên kim cương đầu giới tuyến” đối trọng với chế độ tay sai Mỹ ở phía Nam vĩ tuyến 17 nên kinh tế văn hóa, xã hội Vĩnh Linh được Nhà nước Trung ương đầu tư toàn diện. Năm 1960 chợ Hồ Xá được xây một đình chợ hai tầng khang trang gồm nhiều quầy bách hoá tổng hợp và cửa hàng ăn uống quốc doanh phục vụ cán bộ, bộ đội và nhân dân. Do được ưu tiên nên nhiều mặt hàng tiêu dùng cao cấp ở chợ Hồ Xá có bán nhưng các chợ ở Hà Nội và các thành phố lớn ngoài Bắc không có bán.

Trong chiến tranh phá hoại của Mỹ 1965 - 1973, chợ Hồ Xá tạm ngưng hoạt động. Sau Hiệp định Pa-ri, chợ được khôi phục họp ở vị trí khóm Nam Hải bây giờ. Sau năm 1976, có chủ trương chuyển các cơ quan hành chính của huyện lên vùng cát ở phía Bắc thị trấn Hồ Xá nên đã xuất hiện một chợ chiều phục vụ nhu cầu mua bán của cán bộ công chức sau khi tan việc ở công sở. Chợ Huyện được chuyển sang gọi chợ Mai hay chợ Sáng. Do vị trí thuận lợi, chỉ sau một thời gian ngắn, chợ Chiều họp tại khóm Hữu Nghị, thị trấn Hồ Xá đã trở nên đông đúc mua bán nhộn nhịp, họp cả sáng lẫn chiều, nhanh chóng hình thành Trung tâm thương mại của huyện và thu hút một số xã của phía Nam huyện Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình. Chợ Chiều chi phối kinh tế văn hóa xã hội của một vùng dân cư rộng lớn và mặc nhiên thay thế chợ Sáng đảm nhiệm vai trò chợ Huyện với tên gọi mới chợ Hồ Xá 1.

Chợ Hồ Xá 1 đã từng bước được đầu tư xây dựng thành Trung tâm thương mại hiện đại với đình chợ hai tầng hàng trăm lô quầy bề thế, khang trang, có khu chợ trong đình và ngoài trời hoàn chỉnh, không gian bán mua thông thoáng trên diện tích gần 2 héc-ta, là chợ to nhất cách đều đoạn đường 100 cây số giữa hai chợ tỉnh là chợ Đông Hà (Quảng Trị) và chợ Đồng Hới (Quảng Bình).

Trên địa bàn thị trấn Hồ Xá hiện nay có ba chợ khá lớn hoạt động, ngoài chợ trung tâm là Hồ Xá 1 ở phía Bắc thị trấn, còn có chợ Hồ Xá 2 mà dân quen gọi là chợ Vật Tư hay chợ Giữa và chợ huyện cũ hay còn gọi nôm na là chợ Xép, ba chợ có 1.847 cơ sở thương mại kinh doanh dịch vụ, doanh thu hàng năm ước đạt 400 tỷ đồng. Đặc biệt nhiều cơ sở kinh doanh vừa và nhỏ đã phát triển thành các doanh nghiệp dịch vụ thương mại, các đại lý, nhà phân phối cấp I, cấp II. Điều thú vị là sau khi chợ Hồ Xá 1 thành Trung tâm thương mại của huyện thì hai chợ còn lại vẫn tọa lạc và hoạt động tại nơi ngày xưa từng là chợ phủ, chợ huyện. Thế mới biết, chợ tồn tại hay mất đi tùy thuộc vào nguyên tắc thị trường muôn thuở: “cận thị, cận thủy, cận cư”. Hai chợ này đều trên bến dưới thuyền, bán mua thuận tiện.

Trải qua bao thăng trầm, chợ Hồ Xá 1 vẫn giữ được nét đặc sắc riêng của chợ huyện, chợ phủ. Bây giờ các ngành hàng kinh doanh phong phú từ điện tử, điện máy, điện lạnh, vàng bạc đá quý đến quần áo, vải vóc, giày dép cao cấp, sản phẩm công nghiệp tiêu dùng hiện đại thật nhiều, nhưng những quầy tạp hóa, thịt cá, rau củ quả, hàng khô, cau trầu... vẫn râm ran tiếng mời chào nghe hỉ hả thân thương muôn thuở. Bạn tôi, một người có thâm niên kinh doanh ở chợ nhận xét rằng: Chợ Hồ Xá 1 là nơi hội tụ những tiểu thương tinh hoa của Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh... Gọi họ là “tiểu thương tinh hoa” bởi vì, những người kinh doanh thành đạt ở Hồ Xá đều là những người đến từ những tỉnh thành ấy. Hồ Xá 1 thành đất lành của những cánh chim xa đến chọn nơi này làm quê hương, đã gắn bó với chợ sang thế hệ thứ hai.

Cách chợ Hồ Xá 1 khoảng 15 km về hướng Tây bắc có một chợ mới được “cưới” vào thập niên tám mươi của thế kỷ XX. Bây giờ người ta lịch lãm tiến bộ nên dùng chữ khánh thành hay khai trương chợ còn ngày xưa thủ tục mở đầu phiên đưa chợ mới vào họp, dân gian gọi là “cưới chợ”. Đây là một chợ mà ban đầu là chợ phiên của công nhân nông trường Quyết Thắng. Mỗi tuần chợ họp một phiên vào ngày Chủ nhật, ngày nghỉ của công nhân. Về sau, để đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của công nhân chợ họp thêm phiên vào ngày thứ Năm. Năm 1994 thị trấn Bến Quan được thành lập, chợ Bến Quan dần đông và được họp hàng ngày vào buổi sáng. Năm 2013 chợ thị trấn Bến Quan được khánh thành với khuôn viên 5.939m2, diện tích sàn 777m2, quy mô cấp II, đình chợ có quy mô 40 lô quầy, thu hút 400 hộ và hàng chục doanh nghiệp vào hoạt động, doanh thu đạt 72 tỷ đồng một năm. Đây là chợ đầu mối nông - lâm sản của khu vực tây bắc Vĩnh Linh.

Sẽ rất khiếm khuyết nếu không đề cập đến một loại hình chợ độc đáo xuất hiện trong thời kỳ Vĩnh Linh kháng chiến chống thực dân Pháp (1947 - 1954): Chợ phiên kháng chiến. Vĩnh Linh lúc ấy có ba chợ kháng chiến là chợ Thủy Ba và chợ Cổ Kiềng. Còn một chợ họp ở cây đa Vĩnh Hoàng thuộc Vĩnh Tú ngày nay có tên khá buồn cười là… chợ Chạy. Vĩnh Hoàng là xã kháng chiến, Pháp hay càn quét nên dân vừa họp chợ vừa nghe ngóng để sẵn sàng sơ tán… chạy Tây. Các chợ kháng chiến buôn bán trao đổi bằng hai thứ tiền: tiền Đông Dương do Pháp phát hành và tiền của Chính phủ kháng chiến phát hành gọi là tiền Tài chính. Đồng tiền Tài chính có tiền xanh, tiền đỏ, in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh trên nền giấy không bền, dễ rách khi lưu hành. Do điều kiện không thể thu hồi hủy và phát hành tiền mới thay tiền rách nên chợ kháng chiến được dùng những tờ tiền rách đôi, nửa tờ tiền có giá trị bằng nửa giá trị ghi trên tờ giấy bạc. Đặc biệt tiền Tài chính Cụ Hồ dù có rách cũng không có ai từ chối dùng, vì khi ấy có câu ca dao: “Bà chê tiền rách phải không/ Hay là bà đã dốc lòng theo Tây”.

Trong khi đó tại vùng quân Pháp chiếm đóng cũng lưu hành hai loại tiền tệ song song: Tiền xu đồng hình tròn giữa có lỗ vuông, một mặt trơn, một mặt khắc bốn chữ Hán, do triều đình nhà Nguyễn phát hành, gồm tiền Gia Long, tiền Minh Mạng, tiền Tự Đức... Tiền đồng phát hành lần chót ghi năm phát hành là “Bảo Đại nguyên niên”. Lưu hành cùng với tiền xu đồng là giấy bạc Đông Dương (dùng chung cho ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam) do Chính phủ Bảo hộ Pháp phát hành. Bạc giấy Đông Dương ngày càng mất giá nên dân chúng thích lưu trữ tiền xu đồng cho đến ngày thực dân Pháp thua trận rút khỏi Vĩnh Linh ngày 25 tháng 8 năm 1954…

* * *

Ngoài những chợ lớn nhỏ kể trên, hiện tại toàn huyện Vĩnh Linh có 10 xã đã có chợ khá quy mô cùng với hàng trăm quầy hàng tạp hóa, hàng chục sạp hàng nhỏ chuyên kinh doanh dịch vụ các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm, lương thực ở các vùng nông thôn, tiêu biểu như chợ Vĩnh Thủy, chợ Vĩnh Kim, chợ Vĩnh Trung. Tổng vốn đầu tư lên đến 33 tỷ đồng, trong đó Nhà nước đầu tư 17,8 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 13,3 tỷ đồng, các HTX nông nghiệp và các dự án phi Chính phủ đầu tư hỗ trợ 1,7 tỷ đồng. Tổng quỹ đất để xây dựng các chợ xã lên đến gần 50 nghìn mét vuông.

Trong chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay, xây dựng chợ là một trong những tiêu chí bắt buộc. Vì vậy, các địa phương đang quan tâm đến việc xây dựng chợ đúng quy hoạch, đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương. Dự kiến đến năm 2020 xây dựng mới 20 chợ; giai đoạn 2011 - 2015 xây dựng 12 chợ; giai đoạn 2016 - 2020 xây dựng 8 chợ. Điều đáng mừng là tôi đọc trong 20 chợ quê được ghi vào kế hoạch có những tên chợ ngày xưa sẽ được phục danh trên thực địa.

Mong những tên chợ quê xưa trở lại với đời như đánh dấu một cuộc đổi mới kinh tế ngoạn mục hồi sinh những trầm tích miền ký ức.

T.P.T

Tống Phước Trị
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 277 tháng 10/2017

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

25/04

25° - 27°

Mưa

26/04

24° - 26°

Mưa

27/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground