Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Vai trò của các nghi lễ nông nghiệp trong đời sống lao động của người Bru - Vân Kiều và Tà Ôi/Pa Cô ở miền Tây Quảng Trị

Cư trú ở miền Tây Quảng Trị, từ bao đời nay, người Bru - Vân Kiều và Tà Ôi/Pa Cô chủ yếu sinh sống bằng hình thức tự cung tự cấp. Hoạt động kinh tế chính của người dân nơi đây với phương thức canh tác truyền thống làphát, cốt, đốt, trỉa và cây trồng chủ đạo là lúa rẫy. Ngoài ra còn có thêm một số loại cây hoa màu như ngô, khoai, sắn...

Bên cạnh đó bà con nơi đây còn săn bắt muông thú, khai thác các sản vật của núi rừng và đánh bắt nguồn lợi thủy sản dọc theo các nguồn khe con suối phía Đông của dãy Trường Sơn. Ngày nay, trước sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng, lúa rẫy không còn chiếm vị trí độc tôn trên các sườn núi như trước đây và thay vào đó là những loại cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn như sắn, bời lời, chuối, tràm hoa vàng...

Về mặt đời sống văn hóa tín ngưỡng, có thể nói rằng địa hình cư trú, tập quán lao động và sinh hoạt chính là bản lề, là xuất phát điểm để hình thành nên những giá trị văn hóa mang tính đặc trưng của đồng bào dân tộc nơi đây. Sinh sống trên một địa hình hiểm trở lại tách biệt với thế giới bên ngoài nên từ lâu đồng bào đã sớm thích nghi với điều kiện và hoàn cảnh sống khó khăn khắc nghiệt. Họ cùng nhau sinh sống, lao động để rồi hình thành sản sinh ra một hệ thống tín ngưỡng tâm linh, lễ nghi tôn giáo, luật tục... mang đậm dấu ấn bản sắc văn hóa tộc người. Trong số rất nhiều những nghi lễ đã hằn sâu vào tâm thức của người dân nơi đây có một nghi lễ đặc biệt quan trọng đó chính là nghi lễ nông nghiệp cổ truyền liên quan đến chu kỳ sinh trưởng và phát triển của cây lúa.

Với đồng bào Bru - Vân Kiều và Tà Ôi/Pa Cô, trong tín ngưỡng tâm linh của họ luôn quan niệm rằng lúa là một loại cây lương thực hết sức linh thiêng. Lúa là sự sống còn, là niềm hạnh phúc lớn lao của bà con dân bản. Ở đó có một vị thần ngự trị - thần lúa, tiếng bản địa gọi là Giàng Xoro. Vị thần này có quyền năng bảo trợ, chi phối toàn bộ mọi hoạt động lao động sản xuất và quyết định sự thành - bại của mùa rẫy, đảm bảo sự yên vui ấm no cho cuộc sống của bà con dân bản. Xuất phát từ niềm tin như vậy nên trong từng công đoạn trồng trọt cho đến khi thu hoạch, đồng bào luôn có những nghi lễ cúng tế vị thần này nhằm cầu mong cho mùa vụ được thành công đồng thời tạ ơn thần linh đã phù hộ.

Ban đầu, thường vào tháng 12 âm lịch, trước khi bước vào một mùa vụ canh tác mới, các thành viên trong từng dòng họ tiến hành đi tìm rẫy. Theo tiếng bản địa, tìm rừng phát gọi là Chêm A rươi Tal/Chỏa A rươi Tal. Cách thức chọn rẫy này ở những thôn/bản cũng có sự khác nhau nhất định. Có thôn/bản khi mọi người tìm được mảnh rừng phù hợp thì sẽ đánh dấu rừng của mình bằng cách phát xung quanh ở 4 phía làm ranh giới, ở giữa cắm một cây gỗ bên trên có buộc một vài nhành lá lên làm ký hiệu. Sau đó khấn xin thần đất/Giàng Co - vị thần linh trong coi xứ đất đó cho được phép canh tác hay không. Thần linh đồng ý hay không sẽ được giải đáp qua giấc mộng vào đêm hôm đó. Nếu chiêm bao thấy một cụ già cùng đàn con cháu quây quần; hoặc có người vào nhà chơi; cây cối tốt tươi; mơ gặp nhiều bạn bè, người yêu, gặp đám ma... thì đất tốt, được thần linh cho phép trồng trọt. Ngược lại, nếu mơ thấy điềm xấu như có đánh nhau, giết trâu bò, săn bắt muông thú hoặc gặp đám cưới thì xem như ở đó là trú sở của Giàng Co, không được canh tác mà phải đi chọn nơi khác đồng thời báo cho mọi người đừng chọn ở đó. Ở một số thôn bản khác thì khi đi tìm rẫy, người ta sẽ đánh dấu và làm thịt một con gà để cúng và khấn xin thần linh cho canh tác. Ứng nghiệm của thần linh sẽ được thể hiện qua việc xem chân gà. Trên bàn chân gà, người ta quan niệm ngón chân giữa là của thần đất, ngón chân trỏ là của con người còn ngón út là ngón của tà ma độc ác. Nếu ngón út (tà ma) quay ra bên ngoài, ngón trỏ (con người) quay về phía ngón giữa (thần linh) thì coi như thần linh đồng ý cho phép được canh tác. Còn ngược lại nếu ngón tượng trưng cho tà ma quay vào phía thần linh (ngón giữa) và ngón tượng trưng cho con người (ngón trỏ) quay ra thì không được phát, bỏ đi tìm nơi khác.

Sau khi chọn được mảnh rừng mà thần linh cho canh tác thì vào khoảng tháng 2 âm lịch, mọi người tiến hành lên rừng để phát đốt và chuẩn bị trỉa lúa. Sau đó khoảng tháng 4 khi mưa xuống thì bắt đầu trỉa. Theo thông lệ, trước lúc trỉa mỗi hộ gia đình có làm lễ cúng tại rẫy của mình. Lễ vật thường có gà, xôi, rượu... có nhà khá giả thì làm lợn để cúng. Tuy nhiên, mọi người thường gộp chung bằng cách chọn một địa điểm thích hợp, thường ở tấm rẫy trung tâm của một hộ nhất định, nơi có diện tích lớn nhất trong một xứ và tập trung nhau lại để cúng tại đó. Theo quy định, trưởng một dòng họ trong từng làng/bản phải đứng ra trỉa những hạt thóc đầu tiên, sau đó các hộ gia đình thành viên mới được trỉa. Khi trỉa xong thì mọi người tập trung lại bàn bạc nhau để làm lễ Pủhbol tại khu vực miếu/Lape của làng. Lễ vật tùy thuộc vào điều kiện kinh tế hàng năm. Trước đây, vật hiến sinh để tế thần linh bà con thường cúng trâu, bò. Những năm kinh tế khó khăn thì là dê hoặc lợn để cúng. Mục đích của lễ cúng Pủhbol là cầu xin thần linh phù hộ cho mùa vụ gieo trồng sắp tới được thuận lợi, cầu cho mưa xuống để cây cối tốt tươi, mùa vụ bội thu...

Một thời gian sau, lúa phát triển vào dịp trổ bông thì làm lễ ăn cơm mới Cha Xare/Chađôi Tamay/Aja. Lễ ăn cơm mới của người Bru - Vân Kiều và Tà Ôi/Pa Cô được tiến hành theo từng dòng họ. Các gia đình trong cùng một dòng họ tiến hành họp bàn để cùng nhau làm cúng cơm mới. Các thành viên trong từng dòng họ có trách nhiệm góp heo, gà, gạo, rượu cần... đem tới nhà trưởng họ để cúng. Mỗi gia đình như vậy phải lên rẫy lấy 5 bông lúa đem về nhà trưởng họ, 2 bông bỏ vào quả bầu khô (A Luôi đăm) đặt lên bàn thờ thần lúa/Giàng Xoro, 3 bông còn lại đem rang lên và giã nhỏ sau đó đổ ra mâm lễ rồi đặt các dụng cụ canh tác như cuốc, rựa, gùi... để cúng. Cúng xong thì mọi người quây quần cùng nhau ăn uống chuyện trò.

Đến khi lúa chín từng hộ gia đình làm một con gà cúng tại rẫy của mình sau đó tuốt lúa. Khi công đoạn thu hoạch hoàn tất thì bà con làm lễ ăn tết (Pợc xu). Nghi lễ này cũng được tổ chức tại nhà trưởng họ. Lễ vật gồm có heo, gà, rượu, gạo... Mọi người tập trung bày soạn cúng tế để tạ ơn thần linh trời đất đã phù hộ cho họ được bình an, làm ăn thuận lợi trong một năm đã qua và chuẩn bị cho một vụ mùa mới.

Nhìn nhận từ thực tế có thể thấy rằng hầu như mọi công đoạn liên quan đến quá trình canh tác trong một mùa vụ của người Bru - Vân Kiều và Tà Ôi/Pa Cô đều gắn liền với các nghi lễ cúng tế. Mỗi nghi lễ cúng tế dành cho mỗi công đoạn sản xuất cũng như chu kỳ sinh trưởng phát triển của cây lúa có một ý nghĩa riêng nhưng chung quy lại thì cũng đều xuất phát từ quan niệm tín ngưỡng và thực tế cuộc sống. Điều này cho thấy trong ý thức sinh tồn của đồng bào nơi đây luôn có sự hiện hữu của thần linh. Bởi niềm tin đó mà họ thờ cúng nhằm cầu mong sự phù hộ, giúp đỡ, che chở, bảo vệ của thần linh để cuộc sống của bản làng được bình yên như ý muốn, mùa vụ thắng lợi bội thu như ý. Cầu cho mọi người được mạnh khỏe, không ốm đau bệnh tật, không gặp phải bất trắc tai ương trên hành trình sống và lao động.

Vai trò của các nghi lễ thờ cúng này hàm chứa ý nghĩa hết sức sâu xa và hằn sâu trong quan niệm của đồng bào từ bao đời nay. Nó thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan của người dân bản địa. Đây là một trong những nét văn hóa đặc thù thể hiện rõ tính đặc trưng văn hóa tộc người của đồng bào Bru - Vân Kiều và Tà Ôi/Pa Cô cư trú ở vùng rừng núi phía Tây Quảng Trị. Tập quán tế lễ trong các giai đoạn sản xuất nông nghiệp này là một nét đẹp trong bức tranh văn hóa của tộc người Bru - Vân Kiều và Tà Ôi/Pa Cô ở Quảng Trị, phản ánh sâu sắc quan niệm “vạn vật hữu linh” và những sức mạnh của thần linh của thiên nhiên mà con người không thể giải thích nổi.

Ngày nay, đứng trước quá trình phát triển của lịch sử xã hội, khi mà địa vực cư trú giữa các tộc người ngày một xích lại gần nhau, sự ảnh hưởng và giao thoa văn hóa diễn ra một cách mạnh mẽ đã khiến cho không gian văn hóa bản địa đã có những thay đổi nhất định. Và đặc biệt là lúa rẫy không còn chiếm vị trí độc tôn trên các sườn đồi như trước đây. Thay vào đó là những loại cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn như cà phê, sắn, bời lời, chuối, tràm hoa vàng... thì các nghi lễ truyền thống liên quan đến việc canh tác nương rẫy ít nhiều đã có những mai một và giản lược đáng kể tính nguyên bản. Tuy nhiên, các nghi lễ này không mất đi hoàn toàn mà đã được cải biên để phù hợp và trên thực tế vẫn còn duy trì và bảo lưu được giá trị truyền thống vốn có một cách tương đối. Điều này một lần nữa khẳng định tính bản sắc trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của người Bru - Vân Kiều và Tà Ôi/Pa Cô, thể hiện tinh thần hòa nhập nhưng không hẳn hòa tan trong giai đoạn và bối cảnh xã hội hiện nay.

T.C.N

Trịnh Cao Nguyên
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 282 tháng 03/2018

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

13 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

14 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground