Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Lời cây dương Mỹ Thủy

TCCV Online - Giở chồng ảnh cũ tôi sững sờ gặp lại anh. Một cuộc tái ngộ tình cờ. Tưởng lại nghe giọng nói của anh. Lạ, con trai đất Quảng Trị gió Lào cát trắng, mà sao Dương Tường có giọng nói mượt như nhung, nhất là lúc anh ngâm thơ tại các “đêm liên hoan” cùng với bộ đội. Dương Tường cao lớn, đẹp trai. Đôi mắt anh lúc nào cũng mở to, nửa như dò hỏi nửa như mơ màng. Chiến tranh ác liệt thế mà anh nhìn cuộc đời lúc nào cũng thấy đẹp. Bông hoa bí nở trong vườn nhà bà mẹ nghèo, anh thấy như hoa đang mời mọc ai:

Tầng tầng cây bí bò quanh

Lá xanh nhìn lại thêm xanh mắt người

Bông vàng như chén rượu mời…

Anh vấn vương dây cây bí bò phủ kín mái nhà tranh, lợp mái cỏ khô thành mái lá xanh rờn. Và cô gái quê trêu anh bộ đội:

Bí dài bao thước đố anh

Dây giăng như thể tơ tình vấn vương…

(Cây bí dân quân)

Trở lại Mỹ Thủy, một thôn chài bị giặc Pháp triệt phá năm 1948, tàn sát phần lớn dân làng vô tội, anh nghe như thể cảnh lá cây dương đang:

Kể lể thù năm xưa

Lời thấm vào xương tủy

Vang ngân dài muôn thu…

Dương Tường cùng nhiều cán bộ khác từng sống trong sự đùm bọc của nhân dân làng chài này. Rồi anh đột ngột ra vùng tự do, theo quyết định của Phân khu ủy Bình Trị Thiên cho ra vùng Thanh Nghệ Tĩnh, ai chưa có bằng tú tài thì học xong cấp học (hồi ấy gọi là chuyên khoa) để chờ ngày đưa sang đào tạo tiếp ở Liên Xô, Trung Quốc, chừng nào biên giới được khai thông. Đến Thanh Hóa anh may mắn được dự Khóa bồi dưỡng văn nghệ mở tại đây do nhà văn Đặng Thai Mai tổ chức và chỉ đạo.

Học xong, anh kiên quyết xin trở lại vùng địch hậu để … làm thơ và đánh giặc. Tạm gác việc học hành.

Tấm ảnh này chụp vào khoảng mùa hè năm 1948, sau gần một tháng leo núi tai mèo, trèo lên tụt xuống men dọc Trường Sơn vô cùng vất vả qua Liên U, Ba Rền… của đất Quảng Bình – những cái tên tự nó đã nói lên sự trập trùng khăn khó. Lúc vừa từ vùng núi rừng heo hút đổ xuống đồng bằng huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) gạo trắng nước trong bên bờ con sông La, Dương Tường vào hiệu ảnh chụp luôn một kiểu. Chắc là chờ dịp gửi về cho ai đó ở “trong tê” (trong kia). Anh cho tôi, người bạn cùng leo Trường Sơn với anh chuyến đi ấy một tấm làm kỷ niệm. Tôi giữ nó đến nay. Tấm ảnh nhỏ xíu, bo ảnh được xén bằng chiếc dao cắt của thợ ảnh chuyên nghiệp tạo thành hình sóng uốn éo điệu đà, rất được các cô gái trẻ thời bấy giờ ưa thích, nay nước ảnh đã vàng ố.

Dương Tường thời học trung học ở Huế may mắn gặp một người thầy dạy văn là Chế Lan Viên, “một nhà thơ hơn là một nhà giáo”, như lời nhà thơ Lương An nhớ lại. Chế Lan Viên đã giúp đỡ người bạn trẻ cùng quê, và nhất là khơi gợi ở Dương Tường máu mê văn chương từ rất sớm. Dương Tường đã bỏ lại tất cả ở vùng tự do, kể cả chuyện đi học ở nước ngoài. “tạm gác cái đại học lại đấy đã”. Anh trở về quê hương bị tạm chiếm, trở lại thôn Mỹ Thủy bên bờ biển cát, tưởng niệm đồng bào đồng chí. Anh lắng nghe “trong gió chiều run rẩy” tiếng reo lao xao của những hàng cây phi lao trồng chắn cát bay, vọng lại nỗi căm hờn. Người miền Trung gọi cây phi lao là cây dương liễu, liễu mà cứng cỏi, cứng cỏi nhưng vẫn là liễu, cùng họ hàng và cũng thắm tình như cây thùy liễu thường xuyên rủ tóc bên hồ thỏ thẻ với mùa thu.

            Dù lửa hè sém cháy

            Đông lạnh ngấm xương khô

            Mặc người qua gấp bước

            Quên dừng chút bên mồ…

Cho dù có thế đi nữa thì những cây dương liễu trồng trên cát trắng vốn quen chịu khô, chịu nóng, chịu rét, chịu bão vẫn không ngừng rủ rỉ cất lời:

            Ta giữa đời vi vút

            Thương xót đến bao giờ.

Dương Tường ngã xuống rất sớm. Trong một trận giặc Pháp càn quét, để tạm thời tránh địch, anh cùng người yêu bơi sang sông ra phía Bắc. Giữa giòng, người yêu anh đuối sức, anh cố dìu vào bờ, nhưng rồi đến lượt anh cũng kiệt sức, để mặc cho dòng nước cuốn đi.

Cuộc đời, tình yêu, sự nghiệp của anh đều dang dở. Anh chưa kịp sáng tác nhiều. Thơ anh sâu lắng, nhiều thứ lạ. Đọc lại nhật ký của mình, tôi gặp mấy dòng ghi vội về anh, vào tháng 4 năm 1950 khi hai anh em gặp lại nhau trên chiến khu Ba Lòng. Tôi viết: “…Gặp Dương Tường ở cơ quan Tỉnh ủy. Anh đọc cho nghe bài thơ anh mới làm, nhân xúc cảm lúc đi ngang qua đồng lúa tháng ba xanh mượt mênh mông, từ đây có thể nhìn thấy đồn bốt địch lọt giữa cánh đồng lúa. Tôi không kịp nhớ bài thơ, có hai câu tôi rất thích, trội nhất trong cả bài. Dương Tường ví đồng lúa ngợp sóng gió lùa trông như các đợt sóng biển dâng trào, hùng dũng và vĩ đại, sắp nuốt phăng những đồn bốt Tây nhỏ xíu, dường như vô nghĩa trước cái rộng lớn của thiên nhiên…”

Tác phẩm của anh chỉ còn lại một số ít bài – đáng mừng là hầu hết được in trong nhiều tuyển tập thơ chung. Dương Tường đứng bên cạnh các bậc đàn anh: Tố Hữu, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Thanh Tịnh, Hồng Chương, Vĩnh Mai… trong tập Bên kia Cửa Tùng do Nhà xuất bản Văn học ấn hành tại Hà Nội giữa những năm 50 thế kỷ trước, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng những người có dịp đọc thơ anh. Thơ anh sẽ còn mãi trong lòng bạn bè một thuở, những người cho đến nay vẫn “thương nhớ đến bao giờ” nhà thơ trẻ tài hoa.

Lời cây dương Mỹ Thủy

 

Thơ Dương Tường

Ta là dương Mỹ Thủy

Kể lể thù năm xưa

Lời thấm vào xương tủy

Vang ngân dài muôn thu

Ta mang hồn oan khổ

Những người thác yên mồ

Thây bón tươi cành lá

Cho cao giọng vi vu

Bóng dài ta buông rủ

Xuống xóm làng bơ vơ

Khăn tang quầy, tóc đổ

Răng nghiến chặt đêm mơ

Oán thù kia chưa trả

Còn đợi đến bao giờ?

Ta là dương Mỹ Thủy

Tha thiết mối thù xưa

Gió bấc chiều run rẩy

Sóng bạt nồm vang đưa

Dù thân tàn cây gãy

Lá rụng úa theo mùa

Dù lửa hè sém cháy

Đông lạnh ngấm xương khô

Mặc người qua gấp bước

Quên dừng chút bên mồ

Muôn đời sau dằng dặc

Có khuây hận thù xưa

Ta giữa trời vi vút

Thương xót đến bao giờ.

(1949)

 

 

 

 

Phan Quang

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground