Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Một kỷ niệm không thể nào quên

TCCV Online - Chiến dịch K8 là một trong những kỳ tích của Giáo dục Vĩnh Linh thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Từ năm 1965, giặc Mỹ đã huy động các loại máy bay bắn phá Vĩnh Linh vô cùng ác liệt. Phải sơ tán hàng vạn trẻ em ra các tỉnh phía Bắc để bảo toàn tính mạng và tiếp tục học tập, sau này phục vụ sự nghiệp cách mạng của quê hương, đất nước. Đây là một chủ trương mang tầm chiến lược của Đảng và Nhà nước. Nhiệm vụ được triển khai hết sức bí mật và vô cùng khẩn trương. Dưới sự điều hành của Chính phủ, các địa phương và các bộ, ngành, kể cả quân đội đã phối hợp đồng bộ, chặt chẽ ở tất cả các khâu, nhằm đảm bảo thắng lợi cho chiến dịch này, đối với tôi, ngày 20/7/1967 là một ngày không thể nào quên!

Thầy, cô đi K8 với học sinh chỉ được mang theo mấy bộ quần áo và túi thuốc cá nhân, còn lại các loại tư trang khác có đoàn xe tiền trạm chở đi trước. 17h ngày 18/7/1967, đoàn xe của Trung đoàn 270 có nhiệm vụ chở hàng tiền trạm cho giáo dục đã tới. Đoàn giáo dục gồm có: Tôi là giáo viên Vĩnh Trung, thầy Nguyễn Văn Trị (người Nghệ An) cùng cô Đinh Thị Ước trường Vĩnh Nam; thầy Nguyễn Văn Huấn trường Vĩnh Hòa, thầy Nguyễn Văn Lịch (Hà Tĩnh) trường Vĩnh Hiền; Cô Nguyễn Thị Hồng (Nghệ An) Hiệu trưởng trường cấp 2 Vĩnh Long cùng cháu nhỏ.

Lệnh xuất phát! Chúng tôi lên xe, ai nấy tìm chỗ ngồi lọt thỏm vào giữa hàng, đề phòng bom bi. Mẹ con cô Hồng ngồi ở buồng lái, vì cháu còn nhỏ. Đoàn xe 4 chiếc lăn bánh, máy bay địch gầm rít trên không. Pháo sáng không bao giờ tắt, mặt đường sáng trưng như ban ngày. Tiếng bom bi, roóc két nổ liên hồi. Xe vẫn rì rầm tiến về phía trước. Chúng tôi ai nấy đều lo lắng, thấp thỏm. Do chưa quen đường, xe chúng tôi bị lạc mất đoàn. Đã 4 giờ sáng ngày 18/7 mà xe vẫn chưa qua được phà Quán Hàu. Không thể qua phà khi trời sắp sáng. Xe chúng tôi đành nghỉ lại. Chỗ trú ẩn là một bụi tre già, dọc đường bên này phà. Qua một đêm đi đường, mất ngủ người thấm mệt. Hàng bị đường xốc ngổn ngang, lộn xộn, nếu gặp nguy hiểm, khó bề thoát thân. Anh em động viên nhau gắng xếp lại hàng, chừa chỗ ngồi ở phía sau. Hàng xếp xong, tất cả anh em đánh răng, rửa mặt, xúm vào nấu ăn, tranh thủ nghỉ ngơi, lấy lại sức để tiếp tục lên đường. Khoảng 17giờ ngày 19/7, anh em lên xe. Ngồi sau xe là bốn anh em chúng tôi. Thầy Trị ngồi trên thùng xe, gần sát buồng lái để dễ phát hiện động tĩnh máy bay, kịp thời báo cáo cho tài xế và anh em. Qua khỏi cầu Quán Hàu, xe cứ thế mà tiến. Từ phía xa, tiếng máy bay quần đảo, tiếng bom bi, rốc két dội lại nghe inh cả tai. Chúng tôi ai nấy căng tai ra, nếu có lệnh là nhảy ra khỏi xe. Trên trời, máy bay thay nhau quần đảo rình tìm mục tiêu, pháo sáng giăng đầy trời. Khoảng 4 giờ sáng 20/7, tình hình máy bay và pháo sáng có dịu hơn chút đỉnh. Xe tiếp tục chạy độ mười lăm phút thì đột ngột dừng hẳn lại, chiếc xe nghiêng về một bên. Chúng tôi chưa kịp phán đoán chuyện gì xảy ra, thì chiếc xe bị lật úp lại, nhốt chúng tôi trong xe. Anh Lịch và anh Huấn ngồi ngoài, mò được lỗ thủng mà bò ra, rồi lần lượt kéo cô Ước và tôi ra. Tôi là người được kéo ra khỏi xe sau cùng, chưa kịp bò lên khỏi hố bom thì nghe một tiếng “bụp” thật to từ phía đầu xe. Đó là tiếng nổ của hai thùng xăng. Toàn bộ chiếc xe cháy ngùn ngụt như một bó đuốc khổng lồ. Lửa bốc cao quá ngọn cây. Bò lên khỏi miệng hố bom, không thấy tiếng thầy Trị đâu cả. “Cứu mẹ con tôi với!”. Tiếng kêu cứu của cô Hồng vọng ra từ đám cháy khổng lồ làm lòng chúng tôi quặn thắt lại. Giữa đồi sỏi cứng, trong tay không có một thứ dụng cụ gì cả. Chúng tôi đau đớn nhìn ngọn lửa đang thiêu cháy đồng đội, đồng nghiệp. Chẳng biết làm được gì. Đám cháy sẽ là mục tiêu của máy bay. Bốn anh em còn lại, ngậm ngùi bíu vào nhau chạy theo hướng Bắc, càng xa mục tiêu càng tốt. Trông thấy xe đi qua, chúng tôi cố vẫy xin đi, nhưng chẳng xe nào dừng. Vì đi qua nơi xe cháy, xe nào cũng phóng hết tốc độ, đề phòng máy bay oanh tạc. Chúng tôi chạy mãi, vẫn thấy toàn đồi là đồi. Đất sỏi, cây cối lúp xúp, thỉnh thoảng mới thấy vài cây bạch đàn. Lúc này đã gần 4 rưỡi sáng. Người nào, người nấy rã rời. Chúng tôi bảo nhau nghỉ lại trên đồi này, sáng ra rồi tính. Ngả lưng, mệt nhưng không sao chợp mắt được. Hình ảnh đám cháy, tiếng kêu cứu của cô Hồng, tính mạng của thầy Trị và hai anh tài xế ra sao, cứ ám ảnh mỗi chúng tôi.

            Nghe tiếng gà gáy, ba anh em chúng tôi vùng dậy. Đoán chắc là tiếng gà nhà, chúng tôi mừng quá, rủ nhau đi. Lần theo hướng tiếng gà mới gáy mà tới. Mấy dãy nhà tập thể, cửa đóng kín. Người ngủ cả dưới hầm, gọi thì ngại. Chúng tôi đành đợi đến sáng.

Thì ra, đây là nông trường Lệ Ninh, chúng tôi tìm gặp lãnh đạo nông trường báo cáo tình hình xe gặp nạn. Anh Lịch phân công tôi và anh Huấn theo công nhân lên chỗ xe cháy. Anh và cô Ước đi gặp Tỉnh ủy Quảng Bình.

Tôi và anh Huấn trở lại hiện trường. Cảnh tượng thật khủng khiếp. Thi thể mẹ con cô Hồng bị cháy nằm cạnh cửa xe. Khi bị cháy, cô Hồng ôm con và đẩy cửa xe nhảy xuống, nhưng vẫn không thoát được. Xe đổ, thành xe đè lên, thầy Trị chết tại chỗ. Không tìm thấy dấu vết của hai anh bộ đội lái xe. Toàn bộ 25 chiếc xe đạp cùng với tư trang của giáo viên, hồ sơ, tài liệu của các trường cháy trụi, chỉ còn lại một đống tro. Sau này mới biết, hai anh bộ đội lái xe bị thương, tìm được về bệnh viện cấp cứu, nhưng vì bỏng quá nặng nên cũng hi sinh. Được sự giúp đỡ chí tình của Tỉnh ủy Quảng Bình và nông trường Lệ Ninh, chúng tôi tổ chức an táng Thầy Trị và mẹ con cô Hồng chu đáo.

Tỉnh ủy lo cho chúng tôi nơi ăn ở. Khốn nỗi, trời nắng to, mồ hôi ra nhiều, tư trang cháy hết rồi, chỉ còn một bộ áo quần độc nhất trong người, chúng tôi phải đi tắm vào ban đêm. Tiếp tục ra Bắc hay trở lại Vĩnh Linh? Tỉnh ủy Quảng Bình giao toàn quyền cho chúng tôi lựa chọn. Tỉnh ủy sẽ tạo mọi điều kiện. Tình hình máy bay bắn phá ngày càng ác liệt, nếu ra Bắc thì an toàn hơn. Nhưng ra Bắc để làm gì, trong khi học sinh chưa ra. Chúng tôi bàn với nhau là phải trở về Vĩnh Linh, cùng với đồng nghiệp tham gia đưa các em học sinh ra Bắc theo kế hoạch của Trung ương.

Thể theo nguyện vọng của chúng tôi, sau khi tiếp nhận con em Gio Cam, Tỉnh ủy bố trí xe cho chúng tôi trở lại Vĩnh Linh. Xe về Vĩnh Linh, chúng tôi ngủ lại qua đêm dưới giao thông hào Vĩnh Nam. Sáng dậy, mới biết mình vẫn còn sống. Chúng tôi khẩn trương tìm về xóm 7 Vĩnh Trung, nơi Ty Giáo dục đóng để báo cáo tình hình. Bác Trưởng Ty vô cùng xúc động, khuôn mặt biểu lộ sự lo lắng. Không lo lắng sao được. Chiến dịch mới bắt đầu mà hai đồng nghiệp và một cháu nhỏ đã phải hi sinh. Còn tính mạng của hàng vạn học sinh và giáo viên. Nhất là tâm trạng của hàng ngàn phụ huynh … Bác trưởng ty ân cần hỏi thăm tình hình sức khỏe của từng người, an ủi, động viên và không quên nhắc nhở chúng tô, vững tâm, tin tưởng; một chút nao núng, dao động của mỗi chúng tôi lúc này là ảnh hưởng không tốt đén một kế hoạch có tầm chiến lược của Trung ương. Chúng tôi chia tay bác Trưởng Ty, ngậm ngùi nhìn nhau, rồi mỗi người một ngã.

Kế hoạch 8 là một cuộc trường chinh vĩ đại của Giáo dục Vĩnh Linh thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Biết bao khó khăn, gian khổ và cả mất mát hy sinh. Nhắc lại một kỷ niệm đau thương là để thêm tự hào, tin tưởng, nhắc nhở mình và cả con cháu cũng như thế hệ nhà giáo hôm nay hãy biết tự hào và sống xứng đáng với quê hương Vĩnh Linh anh dũng kiên cường.                                                       T.H.U

Nguồn TCCV

Trần Hữu Uyên
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 288 tháng 09/2018

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

23 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground