Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cửa Việt - Đường 9 - Khe Sanh trong toàn cảnh cuộc Tổng tấn công Mậu Thân 1968

Xin kể ra trước hai mẩu chuyện nhỏ thế này.

Chuyện thứ nhất. Đầu năm dương lịch này (2018), chuẩn bị kỉ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968, Chi hội CCB khu phố có nhắn hỏi ghi danh những Cựu chiến binh nào có tham gia chiến đấu trong chiến dịch Mậu Thân 1968 để mời dự tọa đàm kỉ niệm. Rất nhiều người ghi tên. Tuy nhiên sau đó tuyệt nhiên không thấy ai được mời. Đến kì họp sau đó, một số đứng lên chất vấn thì được giải thích. Cuộc tọa đàm là do Hội CCB Huế tổ chức. Chỉ những ai có tham gia chiến đấu ở Huế Mậu Thân 1968 mới được mời. Còn nếu chỉ chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị thì không nằm trong chiến dịch Tổng tiến công Mậu Thân?

Mẩu chuyện thứ hai. Cách đây mấy năm, trong một lần về Cửa Việt tắm biển, một số cán bộ hưu trí của tỉnh vào chơi thăm tôi. Vừa gặp nhau, một anh đã chất vấn tôi. Tại sao anh là người trong cuộc, là thằng lính có mặt trong cuộc chiến ở mặt trận Đường Chín - Khe Sanh, lại cũng có mặt trong chiến dịch đánh tàu ở Cửa Việt, thế mà không tham gia ý kiến với tỉnh về tấm văn bia đặt trên Nghĩa trang Đường Chín (do một vị Giáo sư nổi tiếng viết), khi nói đến chiến dịch Đường Chín lại không hề nhắc tới mặt trận đánh tàu trên sông Cửa Việt?. Tại sao Mặt trận Cửa Việt năm 1968 lại bị bỏ quên trong chiến thắng Đường Chín - Khe Sanh? Tôi chỉ biết cười trừ và nói, chuyện đó đáng ra anh nên hỏi trực tiếp vị Giáo sư khả kính kia chứ!

Thực ra, hai câu chuyện trên theo tôi nghĩ, lỗi một phần cũng do truyền thông.

Bấy lâu nay trong cách tuyên truyền, có lẽ để tập trung vào những trọng điểm của sự kiện, giới truyền thông đã thiếu đi cách giới thiệu toàn cảnh khiến nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ, những người sinh ra sau khi các sự kiện đã lùi vào quá khứ, không thể hiểu được một cách đầy đủ. Ví dụ, nói đến cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968, đương nhiên trọng điểm là những đô thị lớn như Sài Gòn và Huế. Nhưng nếu chỉ có mấy đô thị ấy tấn công và nổi dậy mà không có sự phối hợp của tất cả các mặt trận thì làm sao Sài Gòn và Huế có thể đánh thắng, đánh sâu và trụ lâu được? Nên nhớ chiến dịch Mậu Thân 1968 lúc đầu được xác định là cuộc Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa, sau đó đổi lại là Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt. Chỉ tấn công vào mấy đô thị lớn thì sao lại gọi là Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt? Về chiến dịch Đường Chín - Khe Sanh cũng vậy. Truyền thông chỉ tập trung vào câu chuyện vây ép sân bay Tà Cơn khiến quân Mỹ khốn đốn, lao đao cuối cùng phải rút chạy, chủ lực ta cùng nhân dân địa phương đã chớp thời cơ để giải phóng hoàn toàn huyện Hướng Hóa, mà quên đi rằng, việc lính Mỹ bị cô lập trong lòng chảo Khe Sanh không phải chỉ vì vòng vây ép suốt ngày đêm của quân giải phóng, mà còn có cuộc chiến khốc liệt ở cảng Cửa Việt, bóp chặt “cuống họng” tiếp tế của Mỹ cả đường sông lẫn đường bộ. Vì thế mà Khe Sanh mới hoàn toàn bị cô lập. Như vậy rõ ràng, cuộc chiến ở cảng Cửa Việt của lực lượng đặc công Hải quân và dân quân Gio Việt, cuộc chiến chặn tàu giặc trên hạ lưu sông Cửa Việt của tiểu đoàn 47 cùng một số đơn vị phối thuộc của mặt trận B5 và quân dân Gio Hà… tất cả đều nằm trong không gian cuộc chiến của Mặt trận Đường Chín - Khe Sanh.

Còn Mặt trận Đường Chín - Khe Sanh năm 1968 thì có vị trí và giá trị thế nào trong cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968? Xin trích nguyên văn một đoạn ngắn trong bài: Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh trong cuộc tấn công xuân 1968, của Tiến sỹ Trần Hữu Huy, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam.

“Giữa toàn bộ bức tranh cuộc chiến, đòn tiến công quân sự trên Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh (một hướng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy) giữ vị trí, vai trò quan trọng.

Theo kế hoạch tác chiến chiến lược được Bộ Chính trị chính thức thông qua (12/1967), cuộc Tổng tiến công và nổi dậy sẽ diễn ra vào dịp Tết Mậu Thân 1968, bao gồm hai đòn chính nhằm vào hai hướng chiến lược khác nhau: Đòn tiến công tập trung của bộ đội chủ lực tại chiến trường có lợi (trọng điểm là Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh) nhằm kéo đại bộ phận lực lượng cơ động đối phương ra vòng ngoài, thực hiện nhiệm vụ nghi binh, đồng thời đánh tiêu hao, tiêu diệt lớn, làm phá sản chiến lược quân sự “tìm diệt” của Mỹ.”

Chúng ta đều biết, những đòn nghi binh chiến lược và nghi binh chiến thuật là một nét rất độc đáo và đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, sau khi tất cả các Đại đoàn quân chủ lực đã vào được vị trí bao vây quanh lòng chảo Điện Biên, tuy nhiên lúc đó, tình hình bố phòng bên trong cứ điểm đã có sự thay đổi lớn, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp nhận thấy không thể giành chiến thắng bằng phương án đánh nhanh thắng nhanh đã xác định trước đó, mà cần phải chuyển qua phương án đánh chắc tiến chắc. Các đơn vị sơn pháo được lệnh rút ra, và Đại đoàn 308 được lệnh làm mũi nghi binh chiến thuật. Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ được lệnh đưa Đại đoàn gấp rút hành quân qua mặt trận Thượng Lào. Các tướng lĩnh Pháp khi phát hiện được hướng hành quân của Đại đoàn Quân Tiên phong đã lập tức nhận định, Việt Minh vây ép Điện Biên là nghi binh, đánh và giải phóng Thượng Lào mới là mũi tiến công thật. Khi Đại đoàn 308 qua đến đất Lào, lập tức nhận được lệnh bí mật quay trở về Điện Biên và sau đó cuộc tấn công tổng lực vào lòng chảo Điện Biên đã diễn ra.

Còn trong chiến dịch Mậu Thân 1968, vì sao chúng ta lại chọn chiến trường Quảng Trị, mà chủ yếu là mặt trận Đường Chín - Khe Sanh là mũi nghi binh chiến lược?

Thực ra, chủ trương mở mặt trận Đường Chín - Khe Sanh đã được thực hiện từ cuối năm 1965, và cao điểm là năm 1966. Đấy là lúc tình thế chiến trường toàn miền Nam bước vào giai đoạn khốc liệt nhất. Tổng số quân viễn chinh Mỹ đã đổ bộ vào miền Nam lên tới 50 vạn. Tướng Oet-mo-len đề ra chiến lược 5 mũi tên, đưa quân Mỹ tiến hành những cuộc hành quân lớn ra 5 hướng, đẩy tình thế cách mạng miền Nam vào thế rất hiểm nghèo. Quân chủ lực của miền Bắc chưa thể vượt Trường Sơn vào sâu được các vùng bên trong để tiếp sức cho các địa bàn. Vì thế, đối chọi với nửa triệu quân Mỹ (chưa kể quân đội của Sài Gòn) chủ yếu là bộ đội địa phương và du kích với trang bị rất thô sơ, ít ỏi. Còn nhớ Đại tướng Tổng Tư lệnh lúc đó đã có câu nói rất chí lí, đại ý: Chúng ta có thể đánh Mỹ với mọi vũ khí kể cả tầm vông, giáo mác, nhưng chúng ta không thể thắng được Mỹ chỉ bằng những thứ ấy. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định mở mặt trận Đường Chín - Bắc Quảng Trị để kéo chủ lực Mỹ ra vùng chiến thuật 1, giáp mặt với miền Bắc. Có như vậy mới tạo được điều kiện để chủ lực miền Bắc giáp mặt với chủ lực Mỹ.

Tôi còn nhớ, ngay từ cuối năm 1965, khi tiểu đoàn 47 được lệnh vào hoạt động ở Cam Lộ - Gio Linh, chúng tôi đã được phổ biến nhiệm vụ là bằng mọi cách phải kéo quân Mỹ ra đường Chín. Qua đến năm 1966, thì hàng loạt sư đoàn chủ lực của ta cũng ồ ạt tiến vào chiến trường này. Đấy chính là thời điểm Trung ương chính thức có nghị quyết mở mặt trận Đường Chín. Cho đến cuối năm 1967, trên mặt trận Khe Sanh - Đường 9, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã tập trung 45.000 quân với các loại vũ khí, trang bị hiện đại. Căn cứ chính của quân Mỹ đóng tại Khe Sanh (thuộc huyện Hướng Hóa). Còn phía ta, đã có sự hiện diện 4 sư đoàn bộ binh chủ lực (304, 320, 324, 325), 5 trung đoàn pháo binh, 3 trung đoàn pháo cao xạ, 4 đại đội xe tăng... Tổng quân số (kể cả vận tải, thông tin, hậu cần...) khoảng 60.000 người. Một Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường Chín - Khe Sanh đã được thành lập. Thiếu tướng Trần Quý Hai, Phó Tổng tham mưu trưởng giữ chức Tư lệnh kiêm Phó Bí thư Đảng ủy. Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị giữ chức Phó Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Mặt trận. Với tình thế và tương quan lực lượng như thế, Lầu Năm Góc và các tướng chỉ huy quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam lúc nào cũng nơm nớp, ám ảnh việc quân đội miền Bắc có thể tấn công giải phóng Quảng Trị - Thừa Thiên Huế bất cứ thời điểm nào. Ta chọn Khe Sanh - Đường Chín làm mũi nghi binh chiến lược cho cuộc Tổng tấn công Mậu Thân chính là đã đánh đúng tâm lí sợ hãi của chỉ huy Mỹ.

Tuy nhiên, giữa mũi nghi binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ với mũi nghi binh Mậu Thân 1968 có một sự khác nhau rất đặc biệt. Trong chiến dịch Điện Biên, nghi binh chỉ làm đúng nhiệm vụ nghi binh. Đại đoàn 308 sau khi ồ ạt kéo lên Thượng Lào đã âm thầm quay trở lại để cùng hợp lực đánh cứ điểm Điện Biên. Đó là nghi binh chiến thuật. Còn trong Tổng tấn công Mậu Thân, mũi nghi binh Khe Sanh là nghi binh chiến lược. Bởi vì sau khi các mặt trận khác đã nổ súng, nhất là ở các đô thị lớn quân ta đã tấn công vào các sào huyệt chủ yếu của Mỹ, thì ở Khe Sanh - Hướng Hóa, cuộc chiến vẫn tiếp tục khiến một lực lượng lớn chủ lực Mỹ bị mắc kẹt, tiến thoái lưỡng nan. Đến lúc này Mặt trận Khe Sanh - Đường Chín không còn là nghi binh nữa mà đã chuyển sang nhiệm vụ là mũi tấn công chiến lược để chia sẻ lực lượng, kìm chân quân Mỹ. Rồi cuối cùng, cuộc tấn công ấy đã dẫn đến việc giải phóng hoàn toàn huyện Hướng Hóa. Như vậy ở đây từ nghi binh - tức đánh giả - đã chuyển thành đánh thật, giải phóng thật. Chính cái sự giả giả, thật thật đó khiến Lầu Năm Góc không biết đối phó thế nào và phải chịu nhận thất bại cay đắng.

Còn cuộc chiến ở cửa sông Cửa Việt đối với chiến trường Khe Sanh - Đường Chín thì thế nào? Cũng trong bài viết của Tiến sĩ Trần Hữu Huy (đã dẫn trên) khẳng định:

“Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh nằm ngay sát phía Nam giới tuyến quân sự tạm thời, bao gồm địa bàn chủ yếu 3 huyện: Hướng Hóa, Cam Lộ, Gio Linh (tỉnh Quảng Trị), kéo dài từ khu vực Cửa Việt - Đông Hà (phía Đông) đến biên giới Việt - Lào (phía Tây).”

Như đã nói ở phần trên, khi vạch kế hoạch bao vây và tấn công Khe Sanh, Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 9 đã quyết định dùng tiểu đoàn 47, tăng cường một số đơn vị pháo, phối hợp với đặc công Hải quân mở cuộc tấn công từ cảng Cửa Việt lên dọc bờ sông đến Gio Mai (bao gồm cả một vùng xóm thôn bên bờ Bắc sông là Lâm Xuân, Hoàng Hà, Vinh Quang Thượng, Hạ...) với mục tiêu bóp chặt “cuống họng” tiếp tế của Mỹ lên Đường Chín.

Đêm 19 - 1 - 1968, chúng tôi hành quân từ Vĩnh Linh vào chiếm lĩnh vị trí chiến đấu và ngay lập tức chạm trán với 3 tiểu đoàn viễn chinh thuộc Sư đoàn 3 Thủy quân lục chiến Mỹ, đơn vị được mệnh danh là Bão táp Hoa Kỳ. Cuộc chiến chính thức nổ ra vào khoảng 4 giờ sáng ngày 20 - 1. Trong lúc đó, cuộc tấn công vào huyện lỵ Hướng Hóa (Khe Sanh) là rạng ngày 21 - 1, muộn hơn Cửa Việt 1 ngày. Còn tiếng súng Tổng tiến công đánh vào Nha Trang, Huế và Sài Gòn cùng nhiều mặt trận khác đồng loạt được khai hỏa đúng đêm giao thừa âm lịch, tức đêm 30 tháng 1 dương lịch, muộn hơn chiến trường Quảng Trị đúng 10 ngày.

Cuộc chiến đấu “bóp cổ” cuống họng Cửa Việt để phối hợp với mặt trận Khe Sanh diễn ra khốc liệt suốt 108 ngày đêm, từ ngày 20 - 1 đến tháng 6 năm 1968, cho đến khi Mỹ không chịu nổi sự vây ép phải rút chạy khỏi Khe Sanh. Trong cuộc chiến đấu này, chỉ tính riêng tiểu đoàn 47 đã đánh 198 trận, tiêu diệt 346 lính Mỹ, bắn cháy và chìm 35 tàu vận tải, tiêu diệt 43 xe bọc thép, bắn rơi 5 máy bay. (Số liệu do Đại tá Trần Thà, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 47, người trực tiếp chỉ huy đợt chiến đấu này cung cấp). Rất nhiều chiến sĩ của tiểu đoàn đã ngã xuống. Đặc biệt trong trận đánh gần như cuối cùng ở Gio Thành (ngày 6 - 5 - 1968), đã có 55 chiến sĩ hy sinh. Hiện ở đây đã có một bia đài tưởng niệm ghi nhớ sự kiện này.

Thiết nghĩ, như thế cũng đã có thể giúp bạn đọc hình dung được vị trí của chiến trường Quảng Trị, mà cụ thể là mặt trận Cửa Việt - Đường Chín - Khe Sanh trong toàn cảnh cuộc Tổng tấn công lịch sử Mậu Thân 1968.

Cửa Việt tháng 5 - 2018

X.Đ

Xuân Đức
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 286 tháng 07/2018

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

2 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

3 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

3 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

3 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground