Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chiến thắng An Đôn – Nhan Biều năm 1972

TCCV Online - Hơn 45 năm trôi qua nhưng trong ký ức của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Chủ tịch Ủy ban quân quản lâm thời đầu tiên thị xã Quảng Trị (tháng 5 - 1972) vẫn hiển hiện trận đánh bên bờ sông Thạch Hãn, thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đầu tháng 11 năm 1972.

Tháng 10 năm 1972, sau khi tái chiếm được Thành Cổ Quảng Trị mặc dù bị thiệt hại nặng về người và phương tiện chiến tranh, do bị thúc ép về chính trị (cuộc đàm phán Paris về Việt Nam), địch vẫn tiếp tục tập trung lực lượng hòng vượt sông Thạch Hãn đánh chiếm tiếp Ái Tử, Đông Hà nhằm khôi phục lại tuyến phòng thủ Đường 9 như trước ngày 30 - 3 - 1972.

Về phía ta, sau khi rút khỏi thị xã, Thành Cổ ngày 15 - 9 - 1972, ta chủ trương chuyển hẳn sang phòng ngự trận địa để giữ vững những vùng giải phóng. Mặt trận Quảng Trị lúc này chia làm 4 khu vực:

- Cánh Đông: Do Sư đoàn 320 được tăng cường Trung đoàn 101, có nhiệm vụ đánh địch, giữ vững Triệu Phong và Cửa Việt.

- Cánh Tây: Do Sư đoàn 304 và Sư đoàn 308 có nhiệm vụ đánh địch, giữ vững từ 367, Động Ông Do, 105 Bắc La Vang, Tích Tường.

- Khu thị xã Quảng Trị: Do lực lượng địa phương và đặc công tiếp tục vây ép địch.

- Khu giữa - khu trọng yếu: Do Sư đoàn 325 thiếu, được tăng cường Trung đoàn 165, Trung đoàn 27 và một số tiểu đoàn địa phương Quảng Trị, có nhiệm vụ đánh giữ địch giữ vững khu vực Nhan Biều, Ái Tử, sân bay Ái Tử và Đông Hà.

Trung đoàn 18 lúc này do đồng chí Nguyễn Đức Huy làm Trung đoàn trưởng, nằm trong đội hình của Sư đoàn 325 vừa mới trong thành rút ra, được giao nhiệm vụ phòng ngự trận địa, bảo vệ vững chắc khu vực phòng ngự chủ yếu của Sư đoàn, cũng là khu vực phòng ngự then chốt của Mặt trận B5 là Nhan Biều, Ái Tử và sân bay Ái Tử, với chính diện từ Trung Kiên, Nhan Biều tới An Đôn - Thượng Phước rộng khoảng 5km; chiều sâu từ tây sông Thạch Hãn tới sông Lai Phước, khoảng 4km. Quân số trung đoàn lúc này chỉ còn 40% - 50%, vũ khí trang bị tổn thất chưa được bổ sung.

Còn về Trung đoàn 18 đầu tháng 10 – 1972 cùng với đồng chí Nguyễn Đức Huy còn có đồng chí Phạm Công Nhân làm Chính ủy Trung đoàn. Trước khi về, Nguyễn Đức Huy được đồng chí Song Hào, Chính ủy và đồng chí Lê Quang Đạo, Phó Chính ủy Mặt trận trực tiếp giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 18: “Mặc dù mới chiến đấu ở trong thành ra, hiện có nhiều khó khăn, đồng chí về bàn với Đảng ủy và chỉ huy Trung đoàn lãnh đạo đơn vị khắc phục khó khăn, giữ vững bằng được khu vực Nhan Biều - Ái Tử...”.

Về tới trung đoàn, Trung đoàn trưởng Nguyễn Đức Huy và Chính ủy Phạm Công Nhân trực tiếp xuống gặp các đơn vị của trung đoàn, nắm lại tình hình về tư tưởng, ý chí quyết tâm, tổ chức biên chế, trang bị hỏa lực, công sự chiến đấu, giao thông hào, chốt chiến đấu...

Sau khi nắm được tình hình, Đảng ủy và chỉ huy trung đoàn hạ quyết tâm cho toàn đơn vị như: Giáo dục, động viên cán bộ, chiến sĩ nhận rõ nhiệm vụ, xây dựng quyết tâm cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đề nghị trên nhanh chóng bổ sung quân số, vũ khí trang bị cho trung đoàn. Nhanh chóng tập trung lực lượng xây dựng trận địa phòng ngự liên hoàn vững chắc. Tổ chức hệ thống hỏa lực hợp lý, chặt chẽ, tập trung mãnh liệt vào những khu vực trọng yếu, thời điểm quyết định.

Trong một thời gian ngắn, quân số được bổ sung nhưng cũng chỉ đạt 50 - 60%, vũ khí trang bị được bổ sung tương đối đầy đủ. Du kích xã Triệu Thượng cùng tham gia chiến đấu.

Sau gần 20 ngày lao động cực kỳ vất vả, hệ thống trận địa được xây dựng tương đối hoàn chỉnh, liên hoàn, có chiến hào, giao thông hào từ trước tới phía sau trung đoàn, công sự chiến đấu và hỏa lực được làm kiên cố, chắc chắn. Bên cạnh đó, đơn vị tổ chức luyện tập đánh địch ở từng chốt trung đội và trận địa của đại đội.

Ngày 1 - 11 - 1972, Bộ Tư lệnh Mặt trận B5 thông báo: địch có ý định vượt sông Thạch Hãn tấn công Nhan Biều, Ái Tử. Trung đoàn trưởng lệnh cho các đơn vị phải sẵn sàng chiến đấu cao, đồng thời cử đồng chí Lâm, Trung đoàn phó xuống tăng cường chỉ huy Tiểu đoàn 8 trên hướng phòng ngự chủ yếu của trung đoàn.

Đêm hôm đó trời mưa, rét và rất tối. 4 giờ sáng ngày 2 - 11 - 1972, Trung đoàn trưởng Nguyễn Đức Huy đi kiểm tra tình hình các đơn vị. Tiểu đoàn 8 báo cáo không có gì xảy ra, nhưng chỉ sau khoảng 30 phút, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 báo cáo gấp là đã có 2 đại đội địch vượt sang bờ Tây sông và đang triển khai chiến đấu trước chính diện phòng ngự của đại đội 5 và đại đội 7. Đây là tình huống bất ngờ, Trung đoàn trưởng cho kiểm tra lại thì được biết địch bí mật vượt sông khoảng 1 giờ ngày 2 -12 - 1972. Trung đội của đồng chí Thiều Chí Đinh phát hiện và nghĩ là lực lượng thám báo nên chỉ cho một tổ ra đánh và không báo cáo với tiểu đoàn. Nhưng thực tế, địch đã đưa được 2 đại đội và cơ quan chỉ huy tiểu đoàn 6 thủy quân lục chiến qua sông, chiếm toàn bộ bãi cát trước mặt thôn Nhan Biều 1 (dài 300m) có nơi chúng vào sâu chỉ cách đường số 1 khoảng 50 - 60m, mở đầu cuộc hành quân mang tên “Sóng thần 9”.

Ban chỉ huy Trung đoàn hội ý nhanh chóng và nhận định đây là lực lượng đi đầu của sư đoàn thủy quân lục chiến sang đánh chiếm đầu cầu là đường số 1 và Nhan Biều 1 để bảo đảm cho chủ lực sang tấn công chiếm Nhan Biều và Ái Tử. Quyết tâm của trung đoàn là: Các đơn vị, đặc biệt là Tiểu đoàn 8 phải kiên quyết chiến đấu, chặn đứng không cho địch vào chiếm được đường số 1, Nhan Biều 1. Trung đội của đồng chí Thiều Chí Đinh phải giữ bằng được khu lô cốt vì nếu địch chiếm được khu lô cốt sẽ có bàn đạp để đánh chiếm đường số 1. Trung đoàn sẽ tổ chức hỏa lực để chi viện cho tiểu đoàn chiến đấu, tạo thời cơ tổ chức thực hành phản kích tiêu diệt gọn quân địch đã sang sông, khôi phục lại toàn bộ trận địa phòng ngự của trung đoàn.

5 giờ sáng ngày 2 - 12 - 1972, các trận địa pháo của địch ở La Vang, thị xã Quảng Trị và pháo hạm từ biển bắn hàng ngàn quả đạn vào khu vực phòng ngự của trung đoàn, tập trung chủ yếu vào trận địa phòng ngự của Tiểu đoàn 8 ở Nhan Biều. Địch dùng máy bay phản lực ném bom xuống khu vực Ái Tử và phía sau làng Nhan Biều 1, máy bay B52 rải 2 đợt vào dọc bờ sông Lai Phước.

8 giờ sáng ngày 2 - 11 - 1972, địch tổ chức tiến công gồm 3 mũi vào trận địa ta. Bộ đội ta dựa vào công sự đã chuẩn bị, chờ địch vào thật gần tới 20 - 30m mới nổ súng. Cuộc chiến đấu diễn ra rất ác liệt, đặc biệt là khu vực lô cốt mà địch muốn chiếm bằng được, ta còn cho nổ 4 quả mìn định hướng diệt hàng chục tên địch ngay trước trận địa. Tiểu đoàn 8 dùng cối 60 và 82 ly bắn trực tiếp vào đội hình địch đang xung phong. Cối 82 của Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 9 cũng bắn vào đội hình địch, chi viện cho Tiểu đoàn 8 chiến đấu. Cối 120 ly của trung đoàn bắn chặn phía sau địch ở vùng sông và bãi cát Nhan Biều. Cối 160 ly, đại đội hỏa tiễn BM14 bắn mãnh liệt vào bờ Nam sông, khu vực địch vượt sông và phía Nam cầu Quảng Trị. Tiểu đoàn ĐKB bắn vào khu vực Thành Cổ. Pháo binh của sư đoàn và Mặt trận chế áp các trận địa pháo địch ở La Vang và thị xã, đánh vào đội hình địch cơ động phía sau. Sau gần 20 phút chiến đấu, ta đã diệt hàng trăm tên địch, giữ vững trận địa.

Bị thiệt hại nặng, địch phải lui về củng cố và yêu cầu pháo binh và không quân tiếp tục đánh phá vào trận địa phòng ngự của ta. Sau đó địch còn tiếp tục tổ chức hai đợt xung phong nữa nhưng đều bị ta bẻ gãy. Đến khoảng 10 giờ trưa số địch còn lại phải co thành 2 cụm ven sông, mỗi cụm khoảng 30 - 40 tên chống cự và chờ quân phía sau vượt sông tăng viện.

Khoảng 10 giờ 30 phút, Trung đoàn trưởng Nguyễn Đức Huy gặp đồng chí Trần Minh Thiệt, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 8 để nắm lại tình hình và quan sát địch, đồng thời giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 8 tổ chức thực hành phản kích. Trung đoàn trưởng còn tăng cường cho Tiểu đoàn 8 một trung đội rút từ Tiểu đoàn 7.

Thời gian tổ chức hỏa lực chuẩn bị cho phản kích là 15 phút. Trong thời gian đó, cối 60ly, cối 82 ly bắn trực tiếp vào đội hình địch ở phía trước, 2 đại đội cối 120 ly của trung đoàn bắn chặn phía sau mép sông, không cho địch rút chạy. Cối 160 ly và đại đội BM14 vẫn bắn tập trung vào phía Nam sông nơi tập kết quân phía sau của địch. ĐKB bắn vào Thành Cổ và khu vực thị xã. Pháo binh cấp trên tập trung chế áp các trận địa pháo và lực lượng cơ động phía sau của địch. Xe tăng nổ máy thật to để uy hiếp.

Đại đội 5 tổ chức 2 mũi đánh thẳng vào quân địch đang co cụm chính diện trung đội 3, đại đội 5. Đại đội 7 tổ chức 2 mũi đánh thẳng vào quân địch đang co cụm trước chính diện trung đội 3 và trung đội 1, đại đội 7. Sau gần 20 phút ta đã tiêu diệt gần hết quân địch đang co cụm.

Lúc này pháo binh địch cũng bắn phá ác liệt vào đội hình xung phong của ta, một số đồng chí thương vong, trung đoàn lệnh cho lui quân về lại trận địa phòng ngự để bảo toàn lực lượng.

Ngoài mép sông địch còn lại khoảng 30 - 40 tên lợi dụng địa hình chống cự và chờ phía sau tăng viện. Đêm ngày 2 - 11 - 1972, trung đoàn dự định sử dụng bộ binh kết hợp với đặc công để tiêu diệt nốt quân địch còn lại, nhưng do hiệp đồng không chặt nên không tập kích được.

Sáng 3 - 11 - 1972, ta tiếp tục sử dụng cối 60 ly và 82 ly chi viện cho lực lượng của đại đội 5 và đại đội 7 thực hành phản kích tiêu diệt nốt số quân địch co cụm.

Sau hai ngày chiến đấu, ta đã tiêu diệt gọn 2 đại đội và cơ quan tiểu đoàn 6 thủy quân lục chiến của lữ đoàn 369 địch. Trên 350 tên địch bỏ xác tại bãi cát Nhan Biều, trong đó có tên thiếu tá tiểu đoàn trưởng; đánh thiệt hại nặng 2 đại đội khác ở bờ Nam sông, tiểu đoàn 6 thủy quân lục chiến ngụy bị xóa sổ. Về phía ta, 7 đồng chí bị hy sinh (có đồng chí Thung chính trị viên đại đội, đồng chí Chính trung đội trưởng); 13 đồng chí bị thương.

Về nguyên nhân thắng lợi của trận đánh, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy - nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 18 cho biết: “Trước hết, Đảng ủy và Chỉ huy trung đoàn đã quán triệt và chấp hành tuyệt đối mệnh lệnh của cấp trên, trực tiếp là Sư đoàn và Bộ chỉ huy Mặt trận là phải giữ vững bằng được khu vực Nhan Biều - Ái Tử. Xây dựng ý chí quyết tâm cao cho toàn trung đoàn, xây dựng được hệ thống trận địa liên hoàn vững chắc, đây là những vấn đề sống còn của đơn vị. Tổ chức hệ thống hỏa lực chặt chẽ, tập trung, mãnh liệt, bao gồm của các đơn vị trong trung đoàn, của sư đoàn và sự chi viện của Mặt trận”.

Thắng lợi của trận đánh An Đôn - Nhan Biều trong hai ngày 2 và 3 tháng 11 năm 1972 đã bẻ gãy hoàn toàn cuộc hành quân “Sóng thần 9”, đánh bại hoàn toàn ý định của địch tấn công tái chiếm Ái Tử - Đông Hà nhằm khôi phục lại các vùng đã mất từ Nam sông Bến Hải đến đường 9 của Mỹ - ngụy. Đây cũng là một thắng lợi có ý nghĩa to lớn trên chiến trường tại thời điểm lúc bấy giờ. Nó mang ý nghĩa về chiến dịch và chiến lược sâu sắc. Sau chiến thắng, Bộ Tư lệnh Mặt trận B5 đánh giá: “Đây là trận chiến đấu phòng ngự xuất sắc nhất, mở ra kinh nghiệm đánh tiêu diệt gọn bằng sức mạnh hiệp đồng phòng ngự”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi điện khen và đánh giá: “Trận chiến đấu phòng ngự của Trung đoàn 18 thắng lợi đã góp phần đánh bại ý chí của địch phản công lấy lại vùng đất đã mất sau ngày 30 - 3 - 1972 tại Bắc Quảng Trị”. Với chiến công này, Trung đoàn 18 đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất.

Đ.V.T

(Ghi theo lời kể của thiếu tướng Nguyễn Đức Huy)

Đặng Việt Thủy
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 289 tháng 10/2018

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

1 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

1 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

2 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

2 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground