Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 17/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

"Rái cá Việt Cộng" trên sông nước Quảng Trị

Nghe danh ông đã lâu, nhưng khi được hầu chuyện, rồi được nghe ông kể lại những câu chuyện nhuốm màu huyền thoại về những lần dọc ngang trong lòng địch, tôi cứ ngỡ như mình đang nghe một cuốn truyện trinh thám. Vậy mà ông bảo: “Kể lại, bác đã lược bớt đi rồi, bởi không phải người trong cuộc, họ lại cho là bác xạo”. Ông là Anh hùng LLVTND, Phó đô đốc Nguyễn Văn Tình - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chính ủy Quân chủng Hải quân. Trong các năm 1966 - 1968, chính quyền Sài Gòn đã từng rêu rao: Sẽ thưởng hàng chục nghìn đô-la cho ai bắt sống được hai “rái cá Việt Cộng” là Mai Năng và Nguyễn Văn Tình, những người từng đánh chìm và làm thiệt hại những tàu vận tải lớn của Mỹ - ngụy ở hai cảng Cửa Việt, Đông Hà (Quảng Trị)...

Phó đô đốc Nguyễn Văn Tình vốn xuất thân là lính đặc công nước. Vì thế mà năm nay, khi đã ở tuổi thất thập, chất “lính đặc công” như vẫn còn vẹn nguyên trong ông. Với chất giọng sang sảng, vị tướng sinh ra ở vùng quê biển Giao Thủy, Nam Định kể lại kỷ niệm trong lần đầu tiên vào chiến trường mà rưng rưng nước mắt.

Đó là một ngày giữa tháng 10 năm 1966, chàng lính trẻ Nguyễn Văn Tình cùng hai đồng đội là Mai Năng, Nguyễn Đình Thi thuộc “Đoàn 1A” (tên gọi của Đoàn Đặc công 126 trên chiến trường Quảng Trị) đã vượt sông Bến Hải sang làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở ngay trong vùng địch kiểm soát. Tối hôm đến, có khá đông bà con trong làng ra đón, người thì cầm cuốc, xẻng, người cầm túi nilông, người mang theo cơm nắm… Nguyễn Văn Tình ngạc nhiên hỏi: “Các cô, các bác đi đâu thế?”. Bà con trả lời: “Tụi tau ra đón tụi bay đây”. Thì ra, người dân vùng đất lửa Quảng Trị đã chuẩn bị sẵn nhiều thứ, họ bảo nếu ai đó hy sinh thì đã có sẵn cuốc, xẻng, nilông để chôn cất; người nào bị thương thì sẽ được họ băng bó, cứu chữa; ai đói bụng thì có cơm ăn… Hình ảnh ấy đã in sâu trong tâm trí người lính đặc công trẻ, và cho tới những năm tháng hoạt động sau này, Nguyễn Văn Tình luôn tự nhủ: “Mình hoạt động giữa lòng địch nhưng không hề đơn độc, bởi đồng bào luôn bên cạnh chở che, bảo vệ”.

Một lần, Nguyễn Văn Tình và Nguyễn Đình Thi được một du kích tên Hiếu dẫn đi trinh sát cảng Đông Hà. Lúc trở về, vào tới làng Thượng Nghĩa, xã Cam Giang, huyện Cam Lộ thì trời vừa tảng sáng. Hiếu đành dẫn hai chiến sĩ đặc công vào nhà má Năm - người cô ruột của mình và là cơ sở tin cậy của Quân giải phóng. Hôm đó là ngày Tết Đoan ngọ (mùng 5/5 âm lịch), cũng là ngày má Năm làm cơm cúng giỗ chồng. Vì má có hai người con rể đi lính cho Quân đội Sài Gòn nên khi gặp các anh, má lo lắng bảo: “Các con thông cảm nhé, không ở lại nhà má được, vì hôm nay hai thằng rể nhà má sẽ về đây”. Không còn cách nào khác bởi trời sắp sáng, Nguyễn Văn Tình đành khẩn khoản: “Má ơi, má cứ để tụi con lánh tạm, ở ngoài thì sẽ bị tụi nó bắt sống”. Cuối cùng, má Năm cũng đồng ý để các chiến sĩ nấp vào gian buồng được ngăn từ những tấm liếp.

Khoảng 9 giờ sáng, hai người con rể của má Năm chở vợ đến. Từ lúc đó, không chỉ má Năm mà cả ba “vị khách không mời” trong buồng cùng thấp thỏm, lo âu. “Tới 10 giờ, người con rể lớn tên Thục trong lúc vào tìm mâm để chuẩn bị bữa trưa đã vô tình vạch tấm ri-đô ngay chỗ ẩn nấp của ba chúng tôi. Vừa vén ri-đô, Thục chợt sững người khi nhìn thấy tôi. Do đã chuẩn bị trước nên tôi kịp trấn tĩnh, chĩa khẩu súng ngắn vào ngực Thục, nói khẽ: “Anh biết cả rồi đấy, tốt nhất là anh hãy im lặng, tối nay chúng tôi sẽ rời khỏi đây”. Thục nhìn thẳng vào mắt tôi, “dạ” nhẹ một tiếng rồi cầm chiếc mâm đi ra”, Phó đô đốc Nguyễn Văn Tình kể.

Từ lúc đó, Thục trở nên ít nói, mặt lộ rõ vẻ căng thẳng. Một lúc sau, Thục xin phép đi đâu đó. Tới gần trưa vẫn không thấy anh ta về ăn cơm, má Năm liền cho cô con út đi tìm thì được biết Thục đang ngồi đánh bài ở ngoài sân đình. Thục dặn em gái: “Mọi người cứ ăn cơm trước, anh ngồi ngoài này chứ về nhà bây giờ sẽ bị tụi nó nghi…”. Trưa ấy, má Năm đã mang cơm vào buồng cho ba chiến sĩ, nhưng chẳng ai muốn ăn vì còn phải căng óc ra lo đối phó. Cả ba đã tính tới phương án Thục báo cho đồng bọn kéo tới đàn áp và sẵn sàng hy sinh cùng số vũ khí mang theo. Rất may là tình huống xấu nhất đã không xảy ra…

Lần khác, “rái cá” Nguyễn Văn Tình cùng đồng đội Cao Xuân Liễn vừa đi hoạt động trinh sát ở cảng Cửa Việt về tới làng Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh thì gặp đám binh lính Trung đoàn 2 của địch đang càn vào làng. Lên bờ, áo quần vẫn còn ướt sũng, trời lại sắp sáng, cả hai đành chia thành hai hướng vào nhà dân lánh tạm. Nguyễn Văn Tình vào nhà chị Trương Thị Láo, một cơ sở được lực lượng đặc công nước xây dựng từ trước đó. Biết địch đang ở đầu ngõ, chị Láo vội đẩy anh leo lên chiếc cột để náu mình trên trần nhà. Để xóa vết nước loang ra trên chiếc cột, chị Láo liền nhanh trí kéo em gái Trương Thị Lài còn đang ngái ngủ ra đứng sát chiếc cột rồi cầm chậu nước hắt lên người em. Vừa hắt nước, chị vừa cầm roi quất mạnh và xối xả mắng: “Hơn chục tuổi đầu rồi mà mi vẫn còn đái dầm, đánh cho mi chừa đi này!”. Lúc ấy, Lài khóc rất to, còn người má đang lúi húi trong bếp cũng lao ra. Thấy cô em bị đánh, bà tru tréo mắng cô chị. Mặc má rầy la, chị Láo vẫn vừa đánh, vừa mắng đứa em tội nghiệp. Bọn địch thấy cảnh cãi lộn, khóc lóc của ba mẹ con nên đã không nghi ngờ gì, chúng vào nhà sục sạo, bắn chỉ thiên vài phát rồi rút. Mãi sau này, khi lớn lên, Lài mới được biết trận đòn oan của mình đã giúp cho người lính đặc công đang “nín thở” trên trần nhà thoát hiểm.

Cũng từ sự mưu trí của chị Láo, một người phụ nữ quê mùa, chất phác mà nhiều lần “rái cá” Nguyễn Văn Tình đã thoát khỏi nanh vuốt kẻ thù. Có lần anh đang trú tạm trong nhà chị thì quân Mỹ vào làng càn quét. Được tin, chị vội nhảy vào chuồng lợn, dùng cuốc xới phân ở góc chuồng lên thành một chiếc hố nhỏ để anh nằm nép vào rồi lấy rơm rạ, lá cây mục phủ lên mặt, còn thân người thì phủ kín… phân lợn. Xong việc, chị Láo lên nhà, mở toang hết các cửa rồi giả bộ bận bịu với công việc lấy phân, chuẩn bị ra đồng. Quân địch xộc vào, thấy nhà cửa trống trơn, chẳng thấy ai khả nghi nên bọn chúng lại hò hét kéo nhau đi...

Phó đô đốc Nguyễn Văn Tình kể rằng, trong những năm làm nhiệm vụ đánh phá tàu địch, ông và đồng đội đã từng có những lần chạm trán đối phương trong những tình huống khá trớ trêu. “Đó là lần nhóm chúng tôi do anh Mai Năng chỉ huy được cử đi tiêu diệt tàu địch ở cảng Đông Hà. Tôi nhận nhiệm vụ dẫn một tổ trinh sát đột nhập vào nhà một cơ sở của ta ở thôn An Lạc, xã Cam Giang, huyện Cam Lộ để nắm tình hình”.

Đêm ấy, ba người trong tổ trinh sát vừa đi dọc bờ tre quan sát thì phát hiện hai bóng đen đang đi lại trong sân, đoán chắc là quân địch, Nguyễn Văn Tình đã ra hiệu cho anh em quay về. Vừa trở ra thì cả tổ lại thấy một vật khả nghi ở phía trước, Nguyễn Văn Tình lại gần, khẽ chạm vào cái hình “mờ mờ, dài dài” ấy, thì ra đó là khẩu AR15 trên bụng của một tên lính đang nằm ngủ. Tên lính tỉnh dậy, vội vàng chộp lấy tay Tình. Rất nhanh, Tình giả giọng miền Nam: “Gác khuya lạnh quá, cho xin điếu thuốc hút đi cha nội!”. Tên lính đang ngái ngủ, càu nhàu: “Thuốc men gì, để yên cho tau ngủ, đang mệt thấy bà nè cha nội”. Nói vậy rồi tên lính hất tay Tình ra. Tưởng “thoát”, ai ngờ tên này lại rờ được bao thuốc rồi ném vào ngực anh. Vơ vội bao thuốc, Tình rút một điếu rồi đưa bao thuốc cho hai đồng đội là Tâm và Độ đang đứng phía sau, tiếp đó anh kéo sụp chiếc mũ tai bèo xuống, lấy hai tay che miệng, bật quẹt châm thuốc rồi lợi dụng ánh lửa đảo mắt quan sát. Thì ra, toàn bộ dãy bờ rào, địch đang mắc võng nằm la liệt xung quanh. Nguyễn Văn Tình đã bình tĩnh đưa điếu thuốc đang hút cho hai đồng đội châm rồi ra hiệu cho họ cùng giả bộ lính gác, vai khoác súng, miệng phì phèo thuốc và tìm cách rút nhanh.

Lần hoạt động trinh sát tàu vận tải Mỹ của Nguyễn Văn Tình và đồng đội Nguyễn Đình Thi ở cảng Đông Hà cũng “ly kỳ” không kém. Hôm ấy khoảng 4 giờ 30 phút sáng, hai anh vừa tới làng Thượng Nghĩa, xã Cam Giang thì bị một toán phục kích của địch truy đuổi. Cả hai chạy vào nhà một phụ nữ trạc tuổi 40 đang nấu ăn dưới bếp. Sau khi tự giới thiệu là Quân giải phóng, người phụ nữ sợ hãi bảo: “Các ông không thể ở đây được”. Hai anh nài nỉ: “Bọn chúng đuổi gấp quá, chúng tôi không còn chỗ nào khác”. Nói rồi Tình đẩy Thi chui vào góc bếp và phủ kín rơm rạ lên người. Ngoài kia, địch đã vào tới ngõ, bí quá, Tình đành ngồi cạnh chiếc cối xay rồi lấy tạm chiếc mẹt để che. Vừa nấp xong thì nghe thấy tiếng quát của tên chỉ huy: “Việt Cộng vừa chạy vào đây phải không?”. Người phụ nữ ấp úng mãi không trả lời. Viên sĩ quan bực tức lục lọi rồi đá tung chiếc mẹt, đúng chỗ Tình đang ẩn nấp. Nhanh như chớp, Tình lao ra đá văng khẩu súng ngắn trên tay viên sĩ quan. Sau khi khóa chặt tay anh ta, Tình hạ giọng: “Anh thừa biết chúng tôi là Quân giải phóng rồi chứ, vậy hãy giải tán quân lính đi rồi chúng ta nói chuyện với nhau”. Tên trung úy lấm lét nhìn Tình, sau đó ra sân tuýt còi cho quân lính về nghỉ. Lúc đó, người phụ nữ mới thú thực tên trung úy chính là chồng mình. Khi quay vào, Nguyễn Văn Tình đã tháo đạn trong khẩu súng ngắn rồi đưa lại cho tên sĩ quan ngụy. “Bây giờ anh hãy thu xếp cho chúng tôi nghỉ lại đến tối, cơm thì có gì ăn nấy, chị cũng không được đi đâu cả”. Nghe vậy, tên trung úy liền bảo vợ trải chiếu cho hai chiến sĩ đặc công nghỉ tạm trong buồng rồi miễn cưỡng pha trà mời “khách”. Cả ngày hôm ấy, ba người lính ở hai chiến tuyến đã cùng ngồi lại với nhau và tâm sự đủ thứ chuyện. Nguyễn Văn Tình cũng đã khuyên nhủ tên sĩ quan buông súng, tìm đường về với cách mạng. Sau khi ăn uống, nghỉ ngơi, hai chiến sĩ đặc công lại “chia tay” vợ chồng viên sĩ quan, tiếp tục hòa vào bóng đêm…

Trong những cuộc đấu trí căng thẳng và những lần chạm trán đối phương, Nguyễn Văn Tình đều bình tĩnh xử trí nhằm đảm bảo bí mật cho cơ sở, góp phần cùng đồng đội đánh phá, tiêu diệt hàng trăm tàu địch. Qua những câu chuyện nhuốm màu huyền thoại của lính đặc công nước, ông và đồng đội “Đoàn 1A” đã được người dân địa phương ví như những chú “rái cá” trên vùng sông nước Cửa Việt - Đông Hà.

Ngồi ôn lại chuyện xưa, Phó đô đốc Nguyễn Văn Tình cười vui mà nước mắt lăn dài. Ông cho tôi xem những tấm hình ông chụp cùng người dân Quảng Trị và ôn lại biết bao kỷ niệm về họ, những “ân nhân” từng đùm bọc, chở che và giúp ông nhiều lần thoát hiểm trong gang tấc.

M.T

Minh Tuệ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 290 tháng 11/2018

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

18/04

25° - 27°

Mưa

19/04

24° - 26°

Mưa

20/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground