Truyện ngắn Thơ Bút ký
Tìm kiếm nâng cao Hình ảnh hoạt động Xem tất cả Tạp chí
Đăng nhập
Ngọt hương bánh ít lá gai chợ Thuận
30/1/2019
• 
Hội làng ngày xuân - nơi bảo lưu các giá trị văn hoá cao đẹp
× Hội làng ngày xuân - nơi bảo lưu các giá trị văn hoá cao đẹp
30/1/2019
• Cái Thị Vượng

 

T

rong đời sống cộng đồng làng xã người Việt Quảng Trị, có lẽ không một làng nào là không có hội làng/ lễ hội riêng của làng mình. Hội làng là hình ảnh thu nhỏ bộ mặt làng xã người Việt nói chung và từng làng, từng xóm nói riêng; là sản phẩm kết tinh từ tâm hồn, trí tuệ, tài năng, cốt cách và đạo lý của bao thế hệ cha ông trong quá trình sống, lao động, xây dựng và bảo vệ quê hương; nó luôn có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong đời sống cũng như trong bản sắc văn hoá của người Quảng Trị. Mỗi hội làng mang một ý nghĩa, một sắc thái riêng nhưng nó hòa chung vào “dòng chảy lễ hội” của quê hương, đất nước. Đó là niềm tin vào tâm linh, ngưỡng vọng, tưởng nhớ về tổ tiên, với đạo lý tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”; đó là nơi bảo lưu, trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống cao đẹp cho lớp lớp cháu con ngàn đời.

1. Hội làng ngày xuân

Từ bao đời nay, đối với người Việt Quảng Trị thì mùa xuân luôn là mùa của lễ hội, trước đây có rất nhiều làng tổ chức hội xuân, tuy không bề thế và nổi tiếng như các hội xuân ở miền Bắc, nhưng hội xuân trong các làng xã thực sự là những ngày hội náo nức của người dân Quảng Trị vào các dịp đầu năm mới. Đây là lúc mọi người tham gia các nghi lễ long trọng nhất do dân làng tổ chức để cúng bái, tế lễ, ngưỡng vọng về các vị thần linh, các bậc tiền nhân đã có công với làng, với nước; sau đó cùng hòa mình vào các trò chơi dân gian vui nhộn, được tắm mình trong bầu không khí đầm ấm của tình làng nghĩa xóm, để thư giãn tinh thần sau một năm lam lũ kiếm sống.Tùy vào điều kiện, hoàn cảnh, nghề nghiệp của từng làng để tổ chức hội xuân cho phù hợp; tuy nhiên thời gian thường được tổ chức trong các ngày Tết, từ một tuần lễ đến mười ngày, thậm chí có nơi còn kéo dài cho đến hết tháng Hai Âm lịch.

Mùa xuân, là lúc đất trời giao hòa, thiên nhiên tươi tốt, lòng người hân hoan đón chào năm mới; ở nhiều làng xã, hội làng gắn liền với lễ Đại tự kỳ an/ Kỳ yên tại đình làng, ngoài mục đích cúng Thành hoàng, các vị Thần, các bậc tiền hiền có công khai canh, lập làng, còn mang ý nghĩa tâm linh cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu, dân an vật lợi. Làng Long Hưng (xã Hải Phú), tổ chức lễ Đại tự kỳ an vào sáng mồng một Tết; Làng Cổ Lũy (xã Hải Ba) tổ chức lễ rước lộc đầu năm vào sáng mồng một Tết. Làng Gia Đẳng (xã Triệu Lăng) tổ chức đại lễ vào ngày 29 và 30, tại đây dân làng cùng con cháu xa gần hội tụ về để dự lễ tất niên và cùng nghênh đón minh niên tại đình làng. Làng An Trung (thị trấn Cửa Việt) tổ chức lễ cánh quân vào rằm tháng Giêng. Làng Hội Yên (xã Hải Quế) tổ chức lễ Đại tự kỳ an vào sáng ngày 13 tháng Giêng…

Trong hội xuân của nhiều làng thì giữa phần lễ và phần hội tuy không được nhất quán theo không gian, thời gian và cũng không theo một quy trình chặt chẽ nhưng lại có các trò chơi và trò diễn khá đặc biệt mang tính chất hội nghề nghiệp và phản ánh ý thức luyện nghề của từng địa bàn làng xã.

Những hội làng tiêu biểu của người Việt mưu sinh bằng nghề nông, lấy nông nghiệp làm nguồn sống chủ đạo phải kể đến: Hội đua thuyền truyền thống của làng Lam Thủy (xã Hải Vĩnh), làng An Thơ (xã Hải Hòa), làng Trung Yên, An Dạ, An Lợi (xã Triệu Độ)… Hội cù làng Nam Phú (xã Vĩnh Nam), làng Cẩm Phổ, An Mỹ (Gio Mỹ), làng Cổ Lũy (xã Hải Ba), Đông Dương (xã Hải Quế). Hội đu làng Hương Nam (xã Vĩnh Kim), làng Đặng Xá (xã Vĩnh Lâm), làng Thử Luật (xã Vĩnh Thái) làng Gia Đẳng (xã Triệu Lăng). Hội ném còn làng Đặng Xá (xã Vĩnh Lâm). Hội vật làng Xuân Viên (xã Hải Dương)… Người dân ở các làng quê thường tổ chức các trò chơi, trò diễn trên vào dịp đầu năm mới, hay bước vào vụ mùa mới như là một phần của hoạt động mang tính tâm linh: Đua thuyền là nghi lễ tạ ơn Thủy thần, cướp cù là lễ tạ Thần mặt trời, giành ánh sáng cho nông nghiệp, cho nghề nông; tất cả nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng được bội thu. Đây là nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước: “trông trời, trông đất, trông mưa, trông nắng”.

Sức sống mạnh mẽ của đất và người miền biển nghìn đời nay vẫn vậy, luôn đan xen, hòa quyện hài hòa giữa trời với biển và không thể thiếu tín ngưỡng tâm linh về làng nghề. Nghề biển với Lễ hội cầu ngư, tuy tổ chức không thống nhất về mặt thời gian, nhưng đều được diễn ra vào tiết xuân để chuẩn bị vào mùa cá nam - là vụ chính của ngư dân vùng Quảng Trị: làng Hà Lộc (thị trấn Cửa Việt), thị trấn Cửa Tùng tổ chức vào ngày mồng ba và mồng bốn tháng Giêng. Làng Long Hà (thị trấn Cửa Việt), làng Thâm Khê, làng Trung An (xã Hải Khê) tổ chức cầu ngư vào rằm tháng Giêng. Làng Tùng Luật (xã Vĩnh Giang), xóm Vụng làng Hà Lộc, làng Mai Xá (xã Gio Mai), làng Phú Hội (xã Triệu An), làng Mỹ Thủy (xã Hải An),… đều tổ chức lễ vào rằm tháng Hai. Đây là lễ hội dân gian truyền thống tồn tại rất lâu đời, thể hiện giá trị văn hóa tín ngưỡng vô cùng độc đáo của ngư dân làm nghề đánh bắt trên biển Quảng Trị. Lễ hội cầu ngư phản ánh đời sống văn hóa tinh thần phong phú và những tín ngưỡng mang màu sắc huyền bí trên sông nước được tổ chức hàng năm nhằm cầu trời yên biển lặng, được mùa cá tôm cho những chuyến đi biển bình yên, cầu cho cuộc sống người dân no đủ, quốc thái dân an. Trong lễ hội cầu ngư, ngoài phần lễ diễn ra trang trọng, tôn nghiêm thì phần hội là những trò chơi dân gian thể hiện những nét đẹp của văn hóa tinh thần người dân vùng biển. Đó là các hội đấu vật của làng Trung An, làng Thâm Khê (xã Hải Khê). Múa đăng đóng nổi tiếng của làng Mỹ Thủy (xã Hải An). Chèo cạn, kéo co dưới nước, hội thi đan lưới... của làng Vịnh Mốc (xã Vĩnh Thạch), làng Thâm Khê, làng Phú Hội (xã Hải An)… Tất cả nhằm đề cao tinh thần thượng võ, sự đoàn kết tương trợ lẫn nhau, rèn luyện kỹ năng để phục vụ cho nhu cầu lao động và giải tỏa tinh thần sau những ngày bám biển khơi xa.

Các làng Vĩnh Phước, Đại Áng, Trung Chỉ, Lập Thạch (thành phố Đông Hà), Mai Xá (Gio Mai), Giang Hến (thị trấn Ái Tử), Trung Yên, An Lợi (Triệu Độ)... sinh sống quanh hạ lưu sông Thạch Hãn, Hiếu Giang. Từ xa xưa các làng quê này đã hình thành một nghề thủ công truyền thống rất đặc trưng - nghề cào hến. Vào ngày rằm tháng Hai Âm Lịch, những người dân làm nghề tổ chức lễ rước tổ và giỗ tổ, đây là dịp khởi đầu mùa cào hến trong năm. Từ khoảng 3 giờ sáng, nhân dân các làng từ Mai Xá, Giang Hến, Lập Thạch... chèo thuyền ngược dòng Thạch Hãn đến làng Phường Hến/ Giang Hến, sau đó kết thuyền lại giữa dòng sông, khấn vọng vị tổ nghề giữa dòng sông và rước tổ nghề về làng. Bài văn tế tổ nghề cào hến của nhiều làng với nội dung chung chung, không nói rõ lai lịch, hành trạng, công tích vị tổ là ai, tên gì mà chỉ cầu cho hến sinh sôi, nảy nở ngày càng nhiều lên. Mãi đến giờ Ngọ các bè rước mới về đến bến sông của làng mình để hòa nhập vào không khí rộn ràng, vui vẻ của lễ hội. Các trò chơi dân gian lễ giỗ tổ nghề cào hến chủ yếu là đua ghe/ bơi trải được tổ chức hàng năm, nhưng cứ ba năm thì tổ chức lớn để quy tụ nhiều ghe đua cả vùng. Với mục đích cầu làm ăn thuận lợi, may mắn; tạ ơn vị tổ nghề đã truyền dạy và cho loài hến sinh sôi, phát triển ngày càng nhiều đã đi vào sâu thẳm trong tâm thức của những người hành nghề cào hến.

Đặc biệt phổ biến nhất trong hội xuân ở các làng là các loại hình thi thố tài năng, trí tuệ, những lối chơi, cách chơi nghệ thuật, thể hiện bản sắc văn hóa cộng đồng: Hội bài chòi, cờ chòi ở các làng Ngô Xá Tây (xã Triệu Trung), Cổ Thành (xã Triệu Thành), Đại An Khê (xã Hải Thượng), Hưng Nhơn, An Thơ (xã Hải Hòa), Hà Trung (xã Gio Châu), Hà Thượng (thị trấn Gio Linh), Điếu Ngao (thành phố Đông Hà), Tùng Luật, Cổ Mỹ (xã Vĩnh Giang), Nam Phú (xã Vĩnh Nam), Lâm Cao (xã Vĩnh Lâm)… Đây là các trò chơi giải trí lành mạnh, là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, là phương tiện giao lưu tình cảm bền chặt, gắn bó cố kết cộng đồng bởi vì họ chính là người tổ chức, người chơi, người xem, lại là các nghệ nhân sáng tác, biểu diễn. Họ chính là những nông dân mộc mạc chân chất trong cuộc sống lao động hóa thành những diễn viên, những nghệ sỹ chân đất biểu diễn trong các hội chơi.

Lễ hội chợ đình Bích La (xã Triệu Đông) là một phiên chợ quê hiếm có chỉ họp mỗi năm một lần vào đêm mồng 2 rạng ngày mùng 3 Tết Nguyên đán; đây thực chất là một hoạt động hội làng truyền thống mà ở đó quan hệ giao lưu, trao đổi hàng hóa được thể hiện dưới góc độ của mối quan hệ mang tính tập tục, văn hóa chứ không đơn thuần mang tính kinh tế, thương mại. Cũng cần phải nói rằng, người làng Bích La đã dành những thứ tốt nhất, đẹp nhất và tinh túy nhất để bày bán trong phiên chợ này. Đó có thể là mớ rau tươi còn thơm mùi đất, dăm ba bó chè xanh ngắt còn đẫm sương đêm, những buồng cau chi chít quả hay giản đơn là dưa, cà, mắm muối... Nhưng hết thảy đó phải là sản vật do chính người Bích La và dân quanh vùng tự làm ra. Hầu như họ không mang hàng hóa đến đây để bán kiếm lời mà người bán cốt để cầu “may”, người mua cốt để lấy “lộc” đầu năm. Mọi người đến chợ ai cũng muốn xua đi cái xui rủi năm cũ để đón may mắn, tài lộc, tình duyên… của năm mới. 

2. Hội làng - nơi bảo lưu những giá trị văn hóa cao đẹp

- Hướng về cội nguồn: Đó là đạo lý, là truyền thống quý báu của dân tộc. Hội làng là hiện tượng văn hóa tâm linh, là nơi giao hòa giữa cõi thiêng và thế giới trần tục, giữa đạo và đời, giữa thần thánh và con người. Tại đình làng, tập trung những sự kiện quan trọng nhất mang ý nghĩa tôn vinh cao quý, những hình tượng thiêng liêng nhất để dâng lên các Thần - là nhân vật hội tụ những phẩm chất cao đẹp, được dân làng tấn phong và thờ cúng với tấm lòng đầy biết ơn và ngưỡng vọng.

Hội làng là sự hội tụ cao độ của tinh hoa văn hóa, trở thành một sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng, hàm chứa những giá trị văn hoá - nhân văn cao đẹp. Đó là sự tích hợp những giá trị văn hoá dân gian truyền thống, đậm sắc màu tâm linh, được phô diễn trong ngày hội tế Thần. Là dịp để cháu con tìm về cội nguồn, dòng tộc tiên tổ; hướng về kỳ tích, ôn lại những chiến công của các anh hùng dân tộc, của cha ông trong quá trình dựng nước và giữ nước. Là sự tôn trọng quá khứ, tôn vinh các bậc tiền nhân, từ đó góp phần bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống của tiên tổ, cha ông.

- Hun đúc, kết tinh, bảo tồn, sáng tạo những giá trị truyền thống: Hội làng không chỉ là tấm gương phản chiếu nền văn hóa, mà còn là nơi hun đúc, kết tinh, bảo tồn làm phong phú thêm và ngày càng phát huy nền văn hóa cao đẹp. Lúc này mọi lo toan đời thường được gỡ bỏ để lòng người mở cửa đón xuân. Cuộc sống yên bình chốn làng quê như thức tỉnh bởi tiếng chiêng trống náo nhiệt, đón mọi người hân hoan, tụ hội đến chốn trang nghiêm dự lễ. Con người hóa thân vào văn hóa - văn hóa làm biến đổi con người. Một “bảo tàng sống” được hồi sinh, sáng tạo, trao truyền nhất quán các giá trị văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hội làng chính là tâm điểm của cái nôi văn hóa, mọi thuần phong mỹ tục được kết tinh, chọn lọc của cha ông ngàn đời được phản ánh trong lễ hội.

Người dự hội luôn hướng đến tâm linh, ứng xử lễ độ, tôn quý nhau trong ngôn từ, hành động, ăn mặc, đi đứng, nói năng; những gì hay nhất, đẹp nhất của mọi người hầu như tập trung tại đây, thông qua sự tham gia của các thành viên, lan tỏa trở lại cộng đồng; đó chính là lúc con người bảo lưu, gìn giữ, trao truyền, chuyển tải và phát triển truyền thống văn hoá của làng mình một cách hữu hiệu nhất, đúng thời cơ và hiệu quả nhất.

- Góp phần cố kết cộng đồng, nâng cao quan hệ xã hội: Từ xa xưa, hội làng đã trở thành một nếp sinh hoạt văn hóa dân gian, một món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân ở mọi vùng quê. Ở đó thể hiện tính cộng đồng sâu sắc, là đỉnh cao của sự hòa hợp, đoàn kết, hướng con người vào tập thể, đề cao ý thức cộng đồng vì một ước nguyện chung cho sự phồn vinh của làng xã. Do vậy, hội làng bao giờ cũng thấm đượm tinh thần dân chủ và nhân văn sâu sắc. Khi con người đắm mình vào lễ hội thì mọi ích lợi cá nhân, toan tính đời thường bị xóa mờ; ranh giới giàu nghèo không còn hiện hữu, họ luôn lấy sự hòa đồng, sự quây quần sum họp làm niềm vui, cùng chia sẻ với nhau nỗi hân hoan, buồn bực thì người ta sẽ cảm thấy niềm vui dường như được tăng lên bội phần, nỗi buồn sẽ dần vơi cạn. Tất cả ai cũng như ai, cùng nhau nắm tay đoàn kết để hưởng thụ những giá trị văn hóa cao đẹp của cộng đồng. Thông qua hội làng mọi người được gắn bó bền chặt, là lúc tập hợp sức mạnh tinh thần và vật chất của mọi thành viên, nó giống như một chất keo kết dín, cột chặt con người trong làng xã trở thành một sức mạnh cộng đồng, làng xóm.

- Là dịp để mọi người vui chơi, giải trí, thư giãn tạo tinh thần sảng khoái bước vào năm mới: Tham gia lễ hội là nhu cầu tinh thần của con người, thể hiện sự điều tiết đời sống tâm lý của cá nhân và cộng đồng. Các sinh hoạt văn hoá trong lễ hội đem lại niềm vui, sự hưng phấn cho người dân, tạo tâm thế vững tin trước cuộc sống mưu sinh phía trước.

Trước anh linh của các vị Thần, của các bậc tiên tổ, mọi người ai cũng có thể giãi bày những phiền muộn, lo âu; cầu nguyện năm mới mọi chuyện đều may mắn vì họ tin rằng các vị Thần sẽ che chở, giúp rập để tránh tai ương, rủi ro và đem lại nhiều điều may mắn, tốt đẹp đến với gia đình mình, với bà con làng xóm.

Người đi hội không ai đứng ngoài cuộc, họ hóa thân, nhập thân vào các trò chơi, trò diễn; nhất là các trò diễn giải trí, thi thố tài năng hứa hẹn mang những điều tốt đẹp, may mắn đến với dân làng. Thông qua lễ hội để thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng, khơi dậy nguồn sáng tạo, cùng nhau rèn luyện sức khỏe để xây dựng cuộc sống mới.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, hội làng vẫn giữ nguyên sức cuốn hút, hấp dẫn người dân. Bởi hội làng là tinh hoa văn hóa Quảng Trị, là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, làm cho thế hệ hôm nay thấu hiểu, tri ân đối với công lao của tổ tiên, hun đúc thêm tinh thần yêu nước, lòng tự hào về truyền thống tốt đẹp của quê hương, góp phần gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc.

C.T.V

 

     Giới thiệu | Liên hệ đặt báo | Hộp thư Tòa soạn [Đóng tab]  




• 
“Rái cá Việt Cộng” trên sông nước Quảng Trị
× “Rái cá Việt Cộng” trên sông nước Quảng Trị
15/1/2019
• Minh Tuệ

Nghe danh ông đã lâu, nhưng khi được hầu chuyện, rồi được nghe ông kể lại những câu chuyện nhuốm màu huyền thoại về những lần dọc ngang trong lòng địch, tôi cứ ngỡ như mình đang nghe một cuốn truyện trinh thám. Vậy mà ông bảo: “Kể lại, bác đã lược bớt đi rồi, bởi không phải người trong cuộc, họ lại cho là bác xạo”. Ông là Anh hùng LLVTND, Phó đô đốc Nguyễn Văn Tình - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chính ủy Quân chủng Hải quân. Trong các năm 1966 - 1968, chính quyền Sài Gòn đã từng rêu rao: Sẽ thưởng hàng chục nghìn đô-la cho ai bắt sống được hai “rái cá Việt Cộng” là Mai Năng và Nguyễn Văn Tình, những người từng đánh chìm và làm thiệt hại những tàu vận tải lớn của Mỹ - ngụy ở hai cảng Cửa Việt, Đông Hà (Quảng Trị)...

Phó đô đốc Nguyễn Văn Tình vốn xuất thân là lính đặc công nước. Vì thế mà năm nay, khi đã ở tuổi thất thập, chất “lính đặc công” như vẫn còn vẹn nguyên trong ông. Với chất giọng sang sảng, vị tướng sinh ra ở vùng quê biển Giao Thủy, Nam Định kể lại kỷ niệm trong lần đầu tiên vào chiến trường mà rưng rưng nước mắt.

Đó là một ngày giữa tháng 10 năm 1966, chàng lính trẻ Nguyễn Văn Tình cùng hai đồng đội là Mai Năng, Nguyễn Đình Thi thuộc “Đoàn 1A” (tên gọi của Đoàn Đặc công 126 trên chiến trường Quảng Trị) đã vượt sông Bến Hải sang làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở ngay trong vùng địch kiểm soát. Tối hôm đến, có khá đông bà con trong làng ra đón, người thì cầm cuốc, xẻng, người cầm túi nilông, người mang theo cơm nắm… Nguyễn Văn Tình ngạc nhiên hỏi: “Các cô, các bác đi đâu thế?”. Bà con trả lời: “Tụi tau ra đón tụi bay đây”. Thì ra, người dân vùng đất lửa Quảng Trị đã chuẩn bị sẵn nhiều thứ, họ bảo nếu ai đó hy sinh thì đã có sẵn cuốc, xẻng, nilông để chôn cất; người nào bị thương thì sẽ được họ băng bó, cứu chữa; ai đói bụng thì có cơm ăn… Hình ảnh ấy đã in sâu trong tâm trí người lính đặc công trẻ, và cho tới những năm tháng hoạt động sau này, Nguyễn Văn Tình luôn tự nhủ: “Mình hoạt động giữa lòng địch nhưng không hề đơn độc, bởi đồng bào luôn bên cạnh chở che, bảo vệ”.

Một lần, Nguyễn Văn Tình và Nguyễn Đình Thi được một du kích tên Hiếu dẫn đi trinh sát cảng Đông Hà. Lúc trở về, vào tới làng Thượng Nghĩa, xã Cam Giang, huyện Cam Lộ thì trời vừa tảng sáng. Hiếu đành dẫn hai chiến sĩ đặc công vào nhà má Năm - người cô ruột của mình và là cơ sở tin cậy của Quân giải phóng. Hôm đó là ngày Tết Đoan ngọ (mùng 5/5 âm lịch), cũng là ngày má Năm làm cơm cúng giỗ chồng. Vì má có hai người con rể đi lính cho Quân đội Sài Gòn nên khi gặp các anh, má lo lắng bảo: “Các con thông cảm nhé, không ở lại nhà má được, vì hôm nay hai thằng rể nhà má sẽ về đây”. Không còn cách nào khác bởi trời sắp sáng, Nguyễn Văn Tình đành khẩn khoản: “Má ơi, má cứ để tụi con lánh tạm, ở ngoài thì sẽ bị tụi nó bắt sống”. Cuối cùng, má Năm cũng đồng ý để các chiến sĩ nấp vào gian buồng được ngăn từ những tấm liếp.

Khoảng 9 giờ sáng, hai người con rể của má Năm chở vợ đến. Từ lúc đó, không chỉ má Năm mà cả ba “vị khách không mời” trong buồng cùng thấp thỏm, lo âu. “Tới 10 giờ, người con rể lớn tên Thục trong lúc vào tìm mâm để chuẩn bị bữa trưa đã vô tình vạch tấm ri-đô ngay chỗ ẩn nấp của ba chúng tôi. Vừa vén ri-đô, Thục chợt sững người khi nhìn thấy tôi. Do đã chuẩn bị trước nên tôi kịp trấn tĩnh, chĩa khẩu súng ngắn vào ngực Thục, nói khẽ: “Anh biết cả rồi đấy, tốt nhất là anh hãy im lặng, tối nay chúng tôi sẽ rời khỏi đây”. Thục nhìn thẳng vào mắt tôi, “dạ” nhẹ một tiếng rồi cầm chiếc mâm đi ra”, Phó đô đốc Nguyễn Văn Tình kể.

Từ lúc đó, Thục trở nên ít nói, mặt lộ rõ vẻ căng thẳng. Một lúc sau, Thục xin phép đi đâu đó. Tới gần trưa vẫn không thấy anh ta về ăn cơm, má Năm liền cho cô con út đi tìm thì được biết Thục đang ngồi đánh bài ở ngoài sân đình. Thục dặn em gái: “Mọi người cứ ăn cơm trước, anh ngồi ngoài này chứ về nhà bây giờ sẽ bị tụi nó nghi…”. Trưa ấy, má Năm đã mang cơm vào buồng cho ba chiến sĩ, nhưng chẳng ai muốn ăn vì còn phải căng óc ra lo đối phó. Cả ba đã tính tới phương án Thục báo cho đồng bọn kéo tới đàn áp và sẵn sàng hy sinh cùng số vũ khí mang theo. Rất may là tình huống xấu nhất đã không xảy ra…

Lần khác, “rái cá” Nguyễn Văn Tình cùng đồng đội Cao Xuân Liễn vừa đi hoạt động trinh sát ở cảng Cửa Việt về tới làng Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh thì gặp đám binh lính Trung đoàn 2 của địch đang càn vào làng. Lên bờ, áo quần vẫn còn ướt sũng, trời lại sắp sáng, cả hai đành chia thành hai hướng vào nhà dân lánh tạm. Nguyễn Văn Tình vào nhà chị Trương Thị Láo, một cơ sở được lực lượng đặc công nước xây dựng từ trước đó. Biết địch đang ở đầu ngõ, chị Láo vội đẩy anh leo lên chiếc cột để náu mình trên trần nhà. Để xóa vết nước loang ra trên chiếc cột, chị Láo liền nhanh trí kéo em gái Trương Thị Lài còn đang ngái ngủ ra đứng sát chiếc cột rồi cầm chậu nước hắt lên người em. Vừa hắt nước, chị vừa cầm roi quất mạnh và xối xả mắng: “Hơn chục tuổi đầu rồi mà mi vẫn còn đái dầm, đánh cho mi chừa đi này!”. Lúc ấy, Lài khóc rất to, còn người má đang lúi húi trong bếp cũng lao ra. Thấy cô em bị đánh, bà tru tréo mắng cô chị. Mặc má rầy la, chị Láo vẫn vừa đánh, vừa mắng đứa em tội nghiệp. Bọn địch thấy cảnh cãi lộn, khóc lóc của ba mẹ con nên đã không nghi ngờ gì, chúng vào nhà sục sạo, bắn chỉ thiên vài phát rồi rút. Mãi sau này, khi lớn lên, Lài mới được biết trận đòn oan của mình đã giúp cho người lính đặc công đang “nín thở” trên trần nhà thoát hiểm.

Cũng từ sự mưu trí của chị Láo, một người phụ nữ quê mùa, chất phác mà nhiều lần “rái cá” Nguyễn Văn Tình đã thoát khỏi nanh vuốt kẻ thù. Có lần anh đang trú tạm trong nhà chị thì quân Mỹ vào làng càn quét. Được tin, chị vội nhảy vào chuồng lợn, dùng cuốc xới phân ở góc chuồng lên thành một chiếc hố nhỏ để anh nằm nép vào rồi lấy rơm rạ, lá cây mục phủ lên mặt, còn thân người thì phủ kín… phân lợn. Xong việc, chị Láo lên nhà, mở toang hết các cửa rồi giả bộ bận bịu với công việc lấy phân, chuẩn bị ra đồng. Quân địch xộc vào, thấy nhà cửa trống trơn, chẳng thấy ai khả nghi nên bọn chúng lại hò hét kéo nhau đi...

Phó đô đốc Nguyễn Văn Tình kể rằng, trong những năm làm nhiệm vụ đánh phá tàu địch, ông và đồng đội đã từng có những lần chạm trán đối phương trong những tình huống khá trớ trêu. “Đó là lần nhóm chúng tôi do anh Mai Năng chỉ huy được cử đi tiêu diệt tàu địch ở cảng Đông Hà. Tôi nhận nhiệm vụ dẫn một tổ trinh sát đột nhập vào nhà một cơ sở của ta ở thôn An Lạc, xã Cam Giang, huyện Cam Lộ để nắm tình hình”.

Đêm ấy, ba người trong tổ trinh sát vừa đi dọc bờ tre quan sát thì phát hiện hai bóng đen đang đi lại trong sân, đoán chắc là quân địch, Nguyễn Văn Tình đã ra hiệu cho anh em quay về. Vừa trở ra thì cả tổ lại thấy một vật khả nghi ở phía trước, Nguyễn Văn Tình lại gần, khẽ chạm vào cái hình “mờ mờ, dài dài” ấy, thì ra đó là khẩu AR15 trên bụng của một tên lính đang nằm ngủ. Tên lính tỉnh dậy, vội vàng chộp lấy tay Tình. Rất nhanh, Tình giả giọng miền Nam: “Gác khuya lạnh quá, cho xin điếu thuốc hút đi cha nội!”. Tên lính đang ngái ngủ, càu nhàu: “Thuốc men gì, để yên cho tau ngủ, đang mệt thấy bà nè cha nội”. Nói vậy rồi tên lính hất tay Tình ra. Tưởng “thoát”, ai ngờ tên này lại rờ được bao thuốc rồi ném vào ngực anh. Vơ vội bao thuốc, Tình rút một điếu rồi đưa bao thuốc cho hai đồng đội là Tâm và Độ đang đứng phía sau, tiếp đó anh kéo sụp chiếc mũ tai bèo xuống, lấy hai tay che miệng, bật quẹt châm thuốc rồi lợi dụng ánh lửa đảo mắt quan sát. Thì ra, toàn bộ dãy bờ rào, địch đang mắc võng nằm la liệt xung quanh. Nguyễn Văn Tình đã bình tĩnh đưa điếu thuốc đang hút cho hai đồng đội châm rồi ra hiệu cho họ cùng giả bộ lính gác, vai khoác súng, miệng phì phèo thuốc và tìm cách rút nhanh.

Lần hoạt động trinh sát tàu vận tải Mỹ của Nguyễn Văn Tình và đồng đội Nguyễn Đình Thi ở cảng Đông Hà cũng “ly kỳ” không kém. Hôm ấy khoảng 4 giờ 30 phút sáng, hai anh vừa tới làng Thượng Nghĩa, xã Cam Giang thì bị một toán phục kích của địch truy đuổi. Cả hai chạy vào nhà một phụ nữ trạc tuổi 40 đang nấu ăn dưới bếp. Sau khi tự giới thiệu là Quân giải phóng, người phụ nữ sợ hãi bảo: “Các ông không thể ở đây được”. Hai anh nài nỉ: “Bọn chúng đuổi gấp quá, chúng tôi không còn chỗ nào khác”. Nói rồi Tình đẩy Thi chui vào góc bếp và phủ kín rơm rạ lên người. Ngoài kia, địch đã vào tới ngõ, bí quá, Tình đành ngồi cạnh chiếc cối xay rồi lấy tạm chiếc mẹt để che. Vừa nấp xong thì nghe thấy tiếng quát của tên chỉ huy: “Việt Cộng vừa chạy vào đây phải không?”. Người phụ nữ ấp úng mãi không trả lời. Viên sĩ quan bực tức lục lọi rồi đá tung chiếc mẹt, đúng chỗ Tình đang ẩn nấp. Nhanh như chớp, Tình lao ra đá văng khẩu súng ngắn trên tay viên sĩ quan. Sau khi khóa chặt tay anh ta, Tình hạ giọng: “Anh thừa biết chúng tôi là Quân giải phóng rồi chứ, vậy hãy giải tán quân lính đi rồi chúng ta nói chuyện với nhau”. Tên trung úy lấm lét nhìn Tình, sau đó ra sân tuýt còi cho quân lính về nghỉ. Lúc đó, người phụ nữ mới thú thực tên trung úy chính là chồng mình. Khi quay vào, Nguyễn Văn Tình đã tháo đạn trong khẩu súng ngắn rồi đưa lại cho tên sĩ quan ngụy. “Bây giờ anh hãy thu xếp cho chúng tôi nghỉ lại đến tối, cơm thì có gì ăn nấy, chị cũng không được đi đâu cả”. Nghe vậy, tên trung úy liền bảo vợ trải chiếu cho hai chiến sĩ đặc công nghỉ tạm trong buồng rồi miễn cưỡng pha trà mời “khách”. Cả ngày hôm ấy, ba người lính ở hai chiến tuyến đã cùng ngồi lại với nhau và tâm sự đủ thứ chuyện. Nguyễn Văn Tình cũng đã khuyên nhủ tên sĩ quan buông súng, tìm đường về với cách mạng. Sau khi ăn uống, nghỉ ngơi, hai chiến sĩ đặc công lại “chia tay” vợ chồng viên sĩ quan, tiếp tục hòa vào bóng đêm…

Trong những cuộc đấu trí căng thẳng và những lần chạm trán đối phương, Nguyễn Văn Tình đều bình tĩnh xử trí nhằm đảm bảo bí mật cho cơ sở, góp phần cùng đồng đội đánh phá, tiêu diệt hàng trăm tàu địch. Qua những câu chuyện nhuốm màu huyền thoại của lính đặc công nước, ông và đồng đội “Đoàn 1A” đã được người dân địa phương ví như những chú “rái cá” trên vùng sông nước Cửa Việt - Đông Hà.

Ngồi ôn lại chuyện xưa, Phó đô đốc Nguyễn Văn Tình cười vui mà nước mắt lăn dài. Ông cho tôi xem những tấm hình ông chụp cùng người dân Quảng Trị và ôn lại biết bao kỷ niệm về họ, những “ân nhân” từng đùm bọc, chở che và giúp ông nhiều lần thoát hiểm trong gang tấc.

M.T

     Giới thiệu | Liên hệ đặt báo | Hộp thư Tòa soạn [Đóng tab]  



• 
Những người lặng lẽ đắp nền
× Những người lặng lẽ đắp nền
15/1/2019
• Trương Sĩ Tiến

Hơn 45 năm về trước, đội ngũ giáo viên đi B đã vào Quảng Trị khi tuổi đang thời xuân sắc thì nay đã hoặc gần đến tuổi “xưa nay hiếm”. Vượt qua hạn chế vì tuổi tác, sức khỏe, xếp lại những bận rộn của gia đình và không ít khó khăn trên quãng đường dài để trở về với “nơi trái tim mình đã từng gắn bó”. Tình cảm đó thật cao quý! Việc làm đó thật đáng trân trọng!

Tôi là người có cơ duyên may mắn thay mặt Ty Giáo dục đón tiếp đội ngũ giáo viên đi B 45 năm trước và tiếp đó, đồng hành cùng các bạn cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ, trở về miền Bắc.

Lần thứ tư trở về Quảng Trị, chắc chắn các bạn muốn sống lại ký ức một thời mà đến giờ vẫn gắn bó trong trái tim mỗi người. Cuộc sống của con người bao giờ cũng chứa đựng cả ba phạm trù của thời gian: Quá khứ - hiện tại - tương lai mà quy luật biện chứng là không thể tách rời. Nói như tổng thống Vladimir Putin: “Chúng ta sống với những hoài bão về tương lai nhưng những ai quay lưng với quá khứ là không có trái tim. Nhưng những ai chỉ biết có quá khứ là không có đầu óc”. Tôi nghĩ rằng: Kỷ niệm về một thời bao giờ cũng là tài sản tinh thần quan trọng của mỗi người. Nhưng nếu đó là một thời đầy gian khổ, khó khăn, thậm chí đầy hiểm nguy thì kỷ niệm đó càng sâu đậm ý nghĩa. Bởi vì ở thời điểm đó, con người phải chịu đựng và nỗ lực gấp bội mới có thể hoàn thành nhiệm vụ và hoàn thiện bản thân. Vì vậy, trong hồi ức một thời của các bạn luôn thấm đẫm tình người và chứa đựng cả tầm cao nhân cách. Các bạn đến Quảng Trị lúc đó ngoài khó khăn xa gia đình và những người thân là phải đối mặt mỗi ngày với bao gian khó mà có lẽ chỉ ở Quảng Trị mới có ở mức ấy. Từ thời tiết khắc nghiệt đến sự hoang tàn của mảnh đất, từ điều kiện sinh hoạt: ăn, ở, ngủ, nghỉ, cho đến các điều kiện tối thiểu để hành nghề… tất cả đều thiếu thốn. Các bạn phải sống trong nỗi nhớ người thân, phải chịu bao vất vả mỗi ngày, sức khỏe giảm sút, nhất là với các cô giáo thì nhan sắc cũng bị thách thức bởi cát trắng gió Lào, nạn bò chét và sốt rét. Có những bạn đã hy sinh khi làm nhiệm vụ, có bạn đau ốm kéo dài trong những năm tiếp sau và còn có những cô giáo vì éo le, trắc trở phải sống đơn thân cho đến hôm nay. Hẳn là mỗi bạn không ai quên được những thách thức đó. Nhưng khi nghĩ về điều này, tôi lại nhớ đến câu thơ nổi tiếng của Tam nguyên Thái Bích San, tri phủ thành Hà Nội giữa thế kỷ XIX: “Tuế hoàn nhiên hậu, tri tùng bách – Nhân bất phong sương, vị lão tài” (nghĩa là: Có qua mùa đông tháng giá mới thấy hết cái hiên ngang của cây bách, cây tùng. Có qua một thời gian khó mới thấy hết bản lĩnh của con người). Người Quảng Trị đã chứng kiến những gian khó mà các bạn đã chịu đựng nhưng quan trọng hơn là chứng kiến sự bền bỉ để vượt qua của các bạn. Thời Trường Sơn, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã từng viết: “Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng - Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay” (nghĩa là: Tạm gác lại cái đắng trong lòng mình để vì người khác). Các bạn đã từng sống như vậy trong một thời mà như cách nói của nhà sư phạm Nga lỗi lạc Xukhômlinxki là “Trái tim tôi đã hiến dâng cho trẻ”. Đời có “nhân” và có “quả”, có cho và có nhận. Đi cùng với sự chịu đựng gian khó, chấp nhận hy sinh vẫn tận tụy với nghề nghiệp, điều các bạn đã được nhận lại là: Sự kính trọng của xã hội, tình đồng nghiệp đằm thắm, tình dân mặn mà, nhất là tình thầy trò gắn bó son sắt. Và chính trong thử thách cam go đó, các bạn đã học được thật nhiều và cũng đã trưởng thành thật nhiều từ nghề nghiệp đến cuộc sống. Vì vậy, kỷ niệm một thời của các bạn không chỉ có vị đắng của gian khó mà còn và quan trọng hơn là vị ngọt của tình người và sự khẳng định giá trị bản thân.

Thời điểm các bạn đến Quảng Trị là lúc trên mảnh đất hoang tàn, đổ nát này, Đảng bộ và nhân dân đang quyết tâm xây dựng một nền giáo dục mới: Giáo dục cách mạng. Biết bao khó khăn bủa vây nhưng ngặt nghèo nhất là việc thiếu trầm trọng đội ngũ giáo viên. Giáo chức cũ ở lại không tới 20 người. Đào tạo mới thì chưa thể vì chưa có “đầu vào”. Đã đào tạo cấp tốc của cấp tốc: 3 + 7 (lớp 3 học 7 ngày) nhưng số lượng quá ít và cũng chỉ để dạy xóa mù chữ. Không có thầy thì không thể mở trường lớp. Đã có một câu chuyện thật phản ánh thực trạng ngày ấy, đó là ông Trưởng ty Văn hóa (nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường) đã trở thành giáo viên xóa mù chữ. Số là khi về công tác tại Triệu Độ, ông thấy địa phương cần mở lớp xóa mù chữ nhưng không có thầy. Trên đò đi lên, ông đã gặp một bà cụ đi chợ bán gà. Hỏi, thì cụ đáp: “Nhà tôi nuôi được hai con gà này, giờ tôi phải đi học xóa mù nên phải bán đi để mua cái kính sáng”. Nhà văn nói với chúng tôi: “Mình làm văn hóa đứng trước cái tâm thức văn hóa của dân như vậy không thể không hành động”. Thế là hơn một tháng ông Trưởng ty Văn hóa đêm nào cũng đi dạy xóa mù. Điều hạnh phúc lớn đối với Quảng Trị khi Bộ đã có một quyết định hợp lý và đầy trách nhiệm là điều động hơn 700 giáo viên từ các tỉnh miền Bắc chi viện cho giáo dục Quảng Trị. Có đội ngũ giáo viên, hình hài nền giáo dục mới nhanh chóng hình thành. Từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, từ bậc học mầm non đến trung học đệ nhị và các loại hình học bổ túc văn hóa đã sớm ra đời. Rõ ràng là đội ngũ giáo viên chi viện này là những người lặng lẽ đào móng, đắp nền cho nền giáo dục Quảng Trị ở thời điểm cam go nhất. Chính họ là những người đã nâng cao dân trí cho toàn dân, trực tiếp cung cấp nguồn nhân lực cho sự phát triển. Hầu hết cán bộ xã, khá đông cán bộ huyện và một số cán bộ tỉnh đã đi lên từ những mái trường này. Công lao đó thật sự to lớn! Sự cống hiến đó thật có ý nghĩa! Tôi nghĩ rằng tượng đài trong lòng người cũng rất quan trọng. Trong lòng người Quảng Trị nói chung và trong lòng những người làm giáo dục Quảng Trị nói riêng đã có một tượng đài về những người giáo viên - chiến sĩ chi viện đó. Bởi vì xét đến cùng: Ý nghĩa của đời sống chính là khi ta làm được những điều hữu ích. Các bạn đã có một thời sống và cống hiến đầy hữu ích mà người dân Quảng Trị không thể nào quên.

Để có một bức tranh về sự trưởng thành và những thành tựu của giáo dục Quảng Trị, đó là niềm vui, niềm tự hào của tất cả chúng ta và cũng là quà tặng tinh thần đầy ý nghĩa cho những người đã đặt những viên gạch đầu tiên cho nền giáo dục này. Bây giờ dù không có điều kiện để trực tiếp đóng góp cho những thành tựu giáo dục cho vùng đất ân nghĩa này, nhưng chính nhờ nền móng mà các bạn đã góp phần xây dựng trước đây cùng với tấm gương sáng đầy thuyết phục mà các bạn đã dâng hiến thì chắc chắn sẽ còn là cơ sở, là động lực quan trọng cho sự phát triển giáo dục Quảng Trị hôm nay và mai sau.

T.S.T

     Giới thiệu | Liên hệ đặt báo | Hộp thư Tòa soạn [Đóng tab]  



• Nguyễn Văn Thanh

  

C

hợ Đại Hào tục danh gọi là chợ Thuận xưa nằm ở khu đất tiếp giáp giữa ba làng Vệ Nghĩa (Triệu Long), Đại Hào (Triệu Đại) và Phúc Lộc (Triệu Thuận) cách đường tỉnh lộ 64 khoảng 1km về phía Tây thuộc huyện Triệu Phong (nay được xây mới ở làng Đại Hào). Khu vực này là thủ phủ châu Ô của người Chăm trước thế kỷ XIV. Chợ Thuận là một chợ lớn do người Chăm thành lập và sau 1306, chợ thuộc về người Việt cùng với Thuận Châu. Chợ Thuận tức là chợ của châu Thuận (thế kỷ XIV-XV). Đây là một ngôi chợ nổi tiếng ở vùng Triệu Phong, là trung tâm thương mại lớn của người Chăm trước kia sau đó thuộc về Đại Việt, có lịch sử tồn tại song hành với thành Thuận Châu. Còn người dân trong vùng lại giải tích theo cách riêng: “Thuận” ở đây theo nghĩa là thuận đường, tiện đường.

Chợ Thuận xưa thuộc xã Triệu Thuận, nhưng sau này lại về xã Triệu Đại. Chợ Thuận có đa dạng các loại hàng hóa và phong phú nhất vẫn là các mặt hàng nông sản, do người nông dân ở các làng, các xã lân cận khác nhau một nắng hai sương làm ra cùng nhiều loài cá, tôm, cua… trên sông Thạch Hãn khai thác quanh năm được đem lên chợ bán. Nhưng, nổi tiếng nhất phải kể đến là bánh ít lá gai có từ lâu đời, thơm ngon nức tiếng.

Ngày nay, đời sống được nâng lên do kinh tế - xã hội phát triển, ngoài bữa ăn hằng ngày, người ta còn thưởng thức các loại bánh khác nhau, cả các loại bánh sản xuất trong nước và các loại bánh nhập khẩu từ nước ngoài. Tuy nhiên, có những loại bánh làm từ sản vật quê nhà vẫn mãi còn gắn bó với đời sống văn hóa ẩm thực cộng đồng cư dân vùng đất, trong số đó là chiếc bánh ít lá gai. Với hình dáng giống như hình kim tự tháp Ai Cập trông rất đẹp mắt. Theo truyền thuyết món bánh này còn có nguồn gốc từ thời vua Hùng. Người con gái út đã sáng tạo nên loại bánh này dựa vào món bánh chưng và bánh dày của hai người anh trai và dâng lên vua cha. Vua Hùng đã rất thích và đặt tên là bánh ít, tựa như người con gái út ít của Vua.

Ở làng Đại Hào xã Triệu Đại nói chung và chợ Thuận nói riêng có rất nhiều gia đình làm bánh ít lá gai từ xưa. Sở dĩ, bánh ít lá gai ở nơi đây nổi tiếng vì sản phẩm có từ lâu đời, bánh có mùi thơm dân dã mà quyến rũ, mịn màng và dẻo mềm.

Những người sành ăn nơi đây cũng như các vùng lân cận Quảng Bình, Huế và một số nơi khác cầm trên tay chiếc bánh ít lá gai là nhận ra ngay, chẳng lẫn với bánh ít lá gai Bình Định, Phú Yên hay một số nơi khác trên mảnh đất miền Trung. Ngày giỗ, ngày Tết, ngày tế, đám cưới, đám hỏi nào sắm được bánh ít lá gai chợ Thuận chính hiệu để làm vật phẩm là điều may mắn, tự hào. Đi Nam, về Bắc, ghé về chợ Thuận mua quà bánh ít lá gai là thói quen của nhiều khách xa gần…

Theo sách Ô châu cận lục của Dương Văn An, chợ Thuận nằm “ở ranh giới hai huyện Hải Lăng và Vũ Xương. Từ sông cái ở mặt Tây nam có sông con đổ về”. “Sông cái” ở đây là hệ thống sông Thạch Hãn, “sông con” tức là hói Thuận. Hói Thuận là một chi lưu quan trọng trong hệ thống chi lưu của sông Thạch Hãn - Vĩnh Định, khơi nguồn từ Đại Lộc, chạy vòng vèo giữa cánh đồng Triệu Phong trước khi qua khu vực chợ. Chợ Thuận nằm ngay trên ngã ba hói Thuận và hói Mỹ Lộc. Chính các hói này đã tạo nên một mạng lưới đường sông bao quanh chợ Thuận. Từ đây có thể ra sông Thạch Hãn để lên nguồn, xuống biển Cửa Việt hay xuống theo sông Vĩnh Định vào Huế hay ngược ra Bắc qua ngã ba Gia Độ. Xưa kia hói Thuận là một thủy lộ rất đông vui và nhộn nhịp, ghe thuyền giữ một vai trò trong việc vận tải những mặt hàng gia dụng, những nhu yếu phẩm cho chợ Thuận và phục vụ nhu cầu cho cuộc sống nhân dân trong vùng và các vùng khác. Xuất phát từ vùng địa chí văn hóa như thế, nên bánh ít lá gai chợ Thuận cũng góp phần lịch sử không kém cho cái thú “sành ăn” của người dân nơi đây và các vùng miền từ xưa tới nay.

Nghề làm bánh ít lá gai ở đây truyền từ đời này qua đời khác. Có gia đình đến ba đời cùng làm nghề, đó là ông bà, cha mẹ, con cháu…thuần thục như nghề làm ruộng, trồng màu trên mảnh đất tổ tiên.

Theo các nghệ nhân ở làng Đại Hào (Triệu Đại), nghề làm bánh ít lá gai không phức tạp lắm nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì và cẩn thận trong từng công đoạn, ấy là việc lựa chọn nguyên liệu. Nếp phải chọn lựa loại dẻo thơm rồi đãi sạch để ráo nước và đem xay thành bột. Khi bột khô, cảm giác bột mát lạnh thì đem trộn với bột lá gai. Lá gai cũng phải chọn loại còn xanh non, không bị sâu. Lá gai hái về hoặc mua về rửa sạch bằng nước giếng vài lần, vớt ra cho lên chiếc rổ thưa để ráo nước. Nước sôi, cho lá vào luộc qua sao cho lá đừng chín đen. Sau đó vớt ra cho ráo nước rồi dùng tay vắt thành nắm và cho vào cối đá giã nát thành bột. Ngày nay để thuận tiện hơn các gia đình làm bánh với số lượng lớn đều dùng máy xay chuyên dụng thay cho cối đá, vừa tiết kiệm thời gian vừa cho năng suất cao hơn. Sau đó hỗn hợp bột được xay nhuyễn cùng lá gai ấy lại được quết thêm lần nữa bằng cối đá để có độ mịn và dẻo nhất định.

Để bánh ngon tất yếu phải có nhân ngon. Trước tiên, chọn đậu xanh tốt, đem đãi thật sạch vỏ, hầm đậu cho vừa chín và trộn đậu với đường, gừng đem giã nhuyễn. Trộn tất cả nguyên liệu với sự hòa quyện của vị đậu xanh mềm mịn, mùi gừng tươi thơm lừng và vị ngọt của đường, rắc thêm tý dầu chuối, sẽ trở thành nhân bánh lá gai độc đáo. Phần nhân được vo tròn thành từng viên. Muốn nhân bánh lá gai ngon là đậu phải mịn không nhão. Để tạo ra những chiếc bánh lá gai đẹp mắt thì khâu gói bánh phải khéo, bánh thường gói bằng lá chuối, xung quanh bánh không để dư thừa phần lá ra ngoài.

Hấp bánh là khâu cuối cùng. Hấp bánh phải là kiểu “chưng cách thuỷ”. Ở quê, thường đặt ba cái chén vào đáy soong to, sau đó gác lên trên một chiếc liếp đan thưa bằng tre rồi sắp bánh vào. Nước đổ vào chỉ vừa đủ lấy hơi xông, nhất thiết không được chạm tới đáy liếp. Đậy nắp nồi đun một hồi chờ bánh chín. Chiếc bánh khi chín có vỏ màu xanh thẫm. Khi đặt lên đĩa thì nhớ lột dây buộc. Giờ thì công đoạn làm bánh lá gai hoàn chỉnh, sẵn sàng chờ thưởng thức. Bánh gai không những ăn ngon mà lại tốt cho sức khỏe. Mùa nóng ăn bánh lá gai giúp thanh nhiệt cơ thể. Ăn một chiếc bánh ít lá gai vừa dẻo dẻo vừa có vị bùi bùi của lá gai, vị ngọt của đường, mùi thơm của đậu đỗ xanh có rắc tý dầu chuối, cảm giác thú vị vô cùng. Ngắm nhìn các cô, các dì, các mẹ làm bánh ít lá gai lành nghề thao tác các công đoạn liên hoàn và thành thục, động tác khéo léo, nhẹ nhàng và toát ra tính “nghệ thuật” riêng có của nghề, khiến người xem có xúc cảm, có niềm vui ấm áp, giàu tính dân gian. Nhất là dịp đón xuân, ngày cưới xin, lễ hội của làng thì không khí nơi “công xưởng” sản xuất bánh ít lá gai càng sôi động, nhộn nhịp, ấy là chưa kể đến các cô gái trẻ với đôi tay làm bánh trắng nõn nà, đôi má ửng đỏ sắc xuân và nụ cười tủm tỉm khi có khách thăm, khi bạn trai pha trò, tán dóc đôi câu: Bánh thật nhiều, sao gọi bánh ít/ Trầu có đầy sao gọi trầu không?. Cùng với hàng chục nghề truyền thống ở Quảng Trị, bánh ít lá gai chợ Thuận là sản phẩm giàu tính văn hóa ẩm thực của một vùng quê.

Hiện nay ở làng Đại Hào có nhiều cơ sở làm bánh ít lá gai, nổi tiếng nhất là cơ sở bà Lê Thị Sáu (hay còn gọi là bánh ít lá gai O Sáu). O Sáu cho biết: Trung bình một ngày mỗi cơ sở làm bánh nơi đây thường gói từ 500 đến 700 cái, những dịp lễ, Tết có đơn đặt hàng thì con số này lại lên đến hàng nghìn chiếc. Trung bình mỗi chiếc bánh có giá từ 1.500 đến 2.000 đồng, người làm bánh gai cũng thu được một số tiền không nhỏ. Trước đây bánh ít lá gai chủ yếu làm ra để biếu tặng trong các ngày lễ hội, cưới xin, giỗ chạp... Nhưng ngày nay, khi sản phẩm bánh ít lá gai của làng đã nổi tiếng, khách hàng từ khắp nơi tìm về mua ngày càng đông. Về khâu vệ sinh an toàn thực phẩm, O Sáu cho biết thêm: Bánh ít lá gai của chúng tôi làm theo phương thức thủ công truyền thống, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có các khâu xử lý nguyên liệu rất kỹ càng…

Khách du lịch ở xa cần mua số lượng lớn để làm quà cho nhiều người cũng không cần phải lo lắng bởi các túi bánh đều được đóng gói rất cẩn thận, trọng lượng lại gọn nhẹ nên có thể cho vào túi xách tay rất thuận tiện và mang đi khắp mọi nơi, vừa đi đường vừa thưởng thức. Bánh ít lá gai có thể để dành được trong thời gian từ 5 đến 7 ngày.

Người Quảng Trị, cho dù đi làm bất cứ nơi đâu nhưng nhắc đến bánh ít chợ Thuận là nhắc đến món ngon quê nhà, thứ quà “ăn một lần là nhớ mãi”.

Ngày nay chợ Thuận vẫn là nơi giao lưu, buôn bán chủ yếu của nhân dân các xã Triệu Đại, Triệu Độ, Triệu Thuận, Triệu Long, Triệu Hòa… Chợ Thuận vẫn còn mang dáng dấp chợ xưa với những nguồn nông sản dồi dào, và tất nhiên không thể thiếu các bà, các chị, các mẹ bán sỉ, lẻ bánh ít lá gai. Bánh ít lá gai vừa nhắc khỏi bếp, liền ngay ra chợ, vừa ngon vừa bùi…

Văn hóa ẩm thực những làng, những chợ quê thật đa dạng và phong phú, đó là những địa chỉ đỏ văn hóa ẩm thực đặc sắc vùng miền. Những du khách trong hành trình du lịch khám phá một vùng đất mà không thưởng thức một món ăn, thức uống đặc sản nơi vùng đất mình đã đi qua thì thật là đáng tiếc. Ví như ngọt hương bánh ít lá gai chợ Thuận.

N.V.T

 

 


_________________________________________________
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 292, tháng 1 năm 2019
Ngày cập nhật: 30/1/2019
Bài cùng chuyên mục
Nguyễn Thạch Giang - nhà giáo tận tụy, nhà Hán Nôm xuất ...
Chế Lan Viên và mẹ...
Tiểu đội rau muống...
Tìm hiểu một số thuật ngữ chỉ địa hình, địa danh tại ...
Trên giá sách Cửa Việt
Tranh & Ảnh Nghệ thuật
Thống kê
Bài đăng : 10643
Người online: 93
Truy cập trong ngày: 145
Lượt truy cập
Quảng cáo
Giới thiệu Tạp chí số mới
Số 293 (02 - 2019)
Giới thiệu | Liên hệ đặt báo | Hộp thư Tòa soạn
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP TẠP CHÍ CỬA VIỆT
Giấy phép số 183/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 12 tháng 7 năm 2018
Tổng biên tập: HỒ THỊ LIÊN
Tòa soạn và Trị sự: Số 128 đường Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, Tỉnh Quảng Trị • E-mail: tapchicuaviet@gmail.com • Điện thoại: 0233.3852458
Copyright © 2008 http://www.tapchicuaviet.com.vn - Thiết kế: Hồ Thanh Thọ • wWw.htt383.com