Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Một số tác gia Quảng Trị thời trung đại *

 

Quảng Trị là vùng đất mới. Các cuộc nhập cư của người Việt trên đất Bắc vào Quảng Trị từ sau 1075 dưới thời nhà Lý, qua đám cưới Huyền Trân công chúa (1307) thời nhà Trần, nhưng phải đến Lê Thánh Tông với những cuộc đại di dân vào vùng Thuận Hóa sau năm 1471 thì làng xã người Việt ở Quảng Trị mới chính thức định hình. Đến thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1558), chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, với các chính sách cai trị mềm dẻo, các chủ trương đúng đắn về phát triển kinh tế - xã hội thì Quảng Trị và xứ Thuận Hóa đã có thể sánh vai với Đàng Ngoài. Nếu như văn học Việt Nam thời kỳ Trung đại bắt đầu từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX thì Quảng Trị phải đến thế kỷ XVI mới có tác phẩm văn học thành văn đầu tiên, với sự xuất hiện của Bùi Dục Tài (1477-1518), tiến sĩ khai khoa cho xứ Đàng Trong. Như vậy trong một thời gian dài (TK X-XV) Quảng Trị là vùng đất phên dậu, dân cư thưa thớt so với vùng Thanh - Nghệ, nhất là đối với vùng đất sinh tụ lâu đời của mình ở đồng bằng Bắc bộ. Công việc chính ở vùng đất mới là khai hoang lập ấp xây dựng xóm làng, đời sống kinh tế phải được ưu tiên đặt lên hàng đầu, đời sống văn hóa chậm phát triển cũng là điều dễ hiểu. Đó cũng là đặc điểm của đời sống văn học thành văn cả xứ Đàng Trong còn rất thưa thớt, không riêng gì Quảng Trị. Tuy vậy, khi kiểm kê gia tài, Quảng Trị có một đội ngũ tác giả làm văn thơ (chủ yếu là thơ chữ Hán và chữ Nôm) cũng có một số lượng lớn tác giả được người đời sau lưu truyền rộng rãi.

Đặng Dung (? - 1414), người huyện Hải Lăng, danh tướng dưới thời Hậu Trần, chức Bình Chương sự, đã cùng cha là Đặng Tất phù rập nhà Trần đánh giặc Minh cứu nước. Bị giặc bắt ông đã nhảy xuống sông tuẫn tiết. Tác phẩm hiện chỉ còn lưu hành mỗi bài thơ Cảm hoàitrong đó có câu thơ hay được người đời truyền tụng:

Quốc thù vị báo đầu tiên bạch

Kỷ độ long tuyền đái nguyệt ma!

(Tạm dịch: Quốc thù chưa báo đầu đã bạc

Mấy độ mài gươm dưới nguyệt rồi!).

Chỉ một bài tứ tuyệt song cũng đã thể hiện rõ khí phách của người anh hùng lỡ vận.

Bùi Dục Tài (1477-1518), hiệu là Minh Triết tiên sinh. Nổi tiếng học vấn uyên bác, đã đem về cho quê hương Câu Nhi (thuộc xã Hải Tân, huyện Hải Lăng), cho xứ Thuận Hoá danh hiệu vẻ vang “Tiến sĩ khai khoa”, dựng mốc son học vấn khoa cử cho cả xứ Đàng Trong vào năm 1502. Sự kiện này, về sau tác giả Dương Văn An ghi nhận: “Đặng Tất thắng trận Bô Cô quân uy lừng lẫy, Bùi Dục Tài đỗ Tiến sĩ khai khoa cho một địa phương danh tiếng tuyệt vời… Cái tài văn chương chính sự của Bùi Dục Tài thật là người giỏi của cả nước chứ không phải là người giỏi của xứ Ô Châu” hoặc Lê Quý Đôn ca ngợi: “Văn mạch một phương dằng dặc không dứt”... Chỉ tiếc rằng sự nghiệp văn chương của ông hiện nay còn lưu lại độc nhất một bài Chế Đinh dĩ thát Tần Sở biện (Bài biện về việc làm ra chiếc gậy để đánh Tần Sở), viết chung với Hoàng giáp đồng khoa là Hạ Ngọc Chúc, người huyện Chương Đức, nay là tỉnh Hà Tây.

Mặc dù đã hơn 70 năm kể từ khi đánh bại quân xâm lược phía Bắc, nhưng trong tình hình chế độ phong kiến Đại Việt đang bắt đầu xuống dốc, vua Lê Hiến Tông luôn thấp thỏm trước một cuộc xâm lăng mới nên thường hỏi kế chống của triều thần. Chủ đề “làm chiếc gậy để đánh Tần Sở” rút từ sách Mạnh tử, lúc Lương Huệ Vương hỏi về cách chống lại sự thôn tính của hai nước lớn, chính là được đặt ra từ tâm trạng ấy của vua tôi nhà Lê. Dựa vào tư tưởng nhân nghĩa của họ Mạnh, hai ông đã phát triển tư tưởng lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo của Lê Lợi, Nguyễn Trãi, để thuyết phục nhà vua thi hành một chính sách dựa vào dân, lấy dân làm gốc mới có thể dựng được nước và giữ được nước. Bài biện viết: Vững nước đâu phải do thành trì hiểm cố, khoan dân đâu phải do hào lũy vững bền, đè thiên hạ đâu phải do giáo gươm thừa thải. Người có đạo thì đông người phù trợ, kẻ vô đạo thì ít ai ngó tới. Đông người phù trợ thì thiên hạ thuận theo, ít ai ngó tới thì thân thích cũng bội phản. Đem người mà thiên hạ thuận theo đánh kẻ mà thiên hạ bội phản, không đánh thì thôi, đánh là tất thắng. Và hai ông cùng đem cái thực tế Lê Lợi lấy đức trung hậu, dấy đội quân nhân nghĩa, quét sạch khỏi đất nước trăm vạn quân cường Minh2

Có thể nói, đây là tác phẩm phát triển tư tưởng nhân nghĩa, yêu nước thương dân, chống ngoại xâm rất sâu sắc và các tác giả “Bài biện” là những đại biểu xứng đáng một thời cho tư tưởng nhân nghĩa Đại Việt.

Lê Tri Huyện, người Vũ Xương, sống vào thế kỷ XVI, xuất thân là một giám sinh. Giữa lúc xã hội nhiễu nhương, bọn nghịch đảng quấy rối, ông từ quan ẩn cư tại gia, lấy thơ văn làm niềm vui.

Tiếc rằng, tác phẩm của ông không được lưu trữ đầy đủ. Chỉ còn một bài thơ đọc được qua sách “Phủ biên tạp lục”:

Tâm ngụ kinh luân đô thị phú

Gia truyền thanh bạch vị vi bàn

Tố hành tự ngã duy an mệnh

Huyền ngọc y thuỳ uổng mỵ nhân.

(Tạm dịch: Kinh luân để dạ bao là của/ Thanh bạch gia truyền chẳng phải nghèo/ Nghĩa vụ ta làm theo vận mệnh/ Mặc ai xu phụ, luống gieo neo).

Thơ Lê Tri Huyện thể hiện rõ cốt cách của một người chính trực thanh liêm.

- Trần Duy Trung, người Đăng Xương (Triệu Phong), sống vào thế kỷ XVIII, là một thầy đồ dạy học ở Ái Tử, có tiếng giỏi thơ văn. Tiếc rằng, tác phẩm của ông cũng chỉ còn lưu lại một bài trong sách “Phủ biên tạp lục”, nhân sự việc tướng Hoàng Ngũ Phúc cầm quân đi đánh giặc ở phương Nam, Trần Duy Trung làm bài thơ dâng tặng:

Lâm phong chỉnh chỉnh hướng Nam Kỳ

Hạp cảnh mao nghê uỷ sở tư

Bạt thế yếm khan Tần pháp độ

Bách niên phục đổ Hán uy nghi

Cùng tuyền đống trập oanh lôi dạ

Mãn địa khô miêu đắc vũ thì

Nguyệt chỉ Phú Xuân thôi tiến phát

Binh cơ quy tốc bất nghi trì

(Tạm dịch: Giong cờ phơi phới thẳng vào Nam/ Già trẻ cả miền thảy hả tâm/ Tám chúa chán xem Tần pháp độ/ Trăm năm lại thấy Hán uy nghi/ Sâu co gặp sấm vừa vang tiếng/ Lúa héo chờ mưa đã được thì/ Xin thẳng Phú Xuân mà bước tới/ Việc binh nên chóng chớ nên chờ). 

Và cũng chính tác giả “Phủ biên tạp lục” đã đánh giá thơ Trần Duy Trung rằng lời lẽ ý tứ súc tích, thể hiện cái nhìn của một người có chí lớn.

Nguyễn Hữu Thận (1757 - 1831), tự Chân Nguyên, hiệu Ý Trai, quê ở làng Đại Hòa, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong. Chín năm làm quan dưới triều Tây Sơn đến chức Hữu thị lang bộ Hộ. Năm 1801, Nguyễn Phúc Ánh chiếm lại Phú Xuân, ông phải ra “hiệu thuận” (thuận theo triều đại mới và làm việc hết sức để “chuộc lỗi”). Từ chân Chế cáo ở Viện Hàn lâm, Thiên sự ở bộ Lại và cai bạ ở Quảng Nghĩa, ông được rút về làm Hữu tham tri bộ Lại, rồi Chánh sứ phái bộ tuế cống sang Trung Quốc (1809), Hộ Tào Bắc thành, Thượng thư bộ Lại, Thượng thư bộ Hộ, Hiệp trấn Bắc thành, Thượng thư bộ Binh. Con đường hoạn lộ tuy được thăng tiến nhưng năm 59 tuổi (1816) ông lấy lý do sức khỏe sa sút, xin về hưu trí ở quê nhà để làm công việc cả đời ông ham thích là biên soạn sách.

Nguyễn Hữu Thận là một nhà Nho, một ông quan tiêu biểu của chế độ phong kiến nhưng trong con người nhà Nho ấy, còn có một con người khác khiến ông đã vượt lên thời đại của mình: “Đó là một con người say mê khoa học nhiều hơn sách vở thánh hiền, có tinh thần thực học nhiều hơn tâm học, có ý thức cách tân hơn là bằng lòng với những gì đã có, muốn đạt đến chân lý trong thực tại cuộc sống hơn là trong những giá trị đạo đức đơn thuần”3.

Là nhà thiên văn và lịch học ông đã có công trong việc biên soạn lịch Hiệp kỷ thay lịch Vạn toàn, giúp cho nông dân cày cấy kịp thời vụ; là nhà toán học ông để lại bộ sách Ý trai toán pháp nhất đắc lục… Về văn học, ông là dịch giả cuốn sách Tam thiên tự lịch đại văn chú (ba nghìn chữ chú giải văn chương các đời của Từ Côn Ngọc, Trung Quốc), quyển sách dạy nhập môn chữ Hán qua những lời giáo huấn, những điển tích trong kinh sử, dịch thành câu có vần. Ngoài ra ông còn tham gia biên tập bộ sách Bách ty chúc tế của triều đình nhà Nguyễn và là tác giả một số bài thơ dưới hình thức ca dao do ông làm ra để cấy tinh thần khoa học vào cuộc sống được người dân truyền tụng cho đến bây giờ:

Anh đi thì lý chưa trồng

Anh về, lý đã đâm bông trăm ngành

Mỗi ngành mười tám bông xanh

Ba bông bốn trự đố anh mấy tiền?

Nhiều bài toán đố như thế được viết ra có vần có điệu, dễ thuộc dễ nhớ nhưng do âm vận trong sáng, tiết tấu nhịp nhàng, trữ tình tươi đậm nên các mẹ thường đem ra hát ru con. Các vị thức giả và người dân quanh vùng chợ Thuận đều cho đó là câu hát của nhà toán học kiêm nhà thơ bình dân Nguyễn Hữu Thận.

Nguyễn Công Tiệp (? - 1829), người huyện Hải Lăng, làm quan đời Tây Sơn, sau được Gia Long lưu dụng, lúc mất được tặng hàm Tham tri. Tác phẩm: Sĩ hoạn tu tri lục (ghi chép những người ra làm quan cần biết). Sách gồm 6 quyển nói về cương vực từng vùng, số làng xã, đình điền, thuế lệ, đường sá, quán trạm, quan chế... Ở phần phụ lục sách có một số bài thơ Nôm vịnh cảnh vật.

- Trần Đình Ân: Trần Đình Ân sống vào thế kỷ XVII, quê Gio Linh, là nhà khoa bảng làm quan qua bốn triều đại từ Lê Thần Tông đến Lê Hy Tông, cuối đời giữ chức Tham chính Chánh đoán sự thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Trần Đình Ân giỏi thơ văn, sáng tác nhiều nhưng đáng tiếc chỉ còn lưu lại bài văn bia khắc trên đá tại chùa Bình Trung ở làng Hà Trung là áng văn xuôi tiêu biểu, đáng giá. Nội dung bài văn bia ghi lại sự nghiệp phục vụ “tứ triều quốc chính” và ý nguyện “sùng đạo hiếu thiện” của tác giả.

- Nguyễn Cửu Trường (1806 - 1803), gốc người Gia Miêu, Thanh Hoá, nhập tịch làng Huỳnh Công, nay thuộc xã Vĩnh Tú huyện Vĩnh Linh. Đỗ Hoàng giáp năm 1838, làm quan đến chức Tuần phủ tỉnh Biên Hoà.

Tác phẩm: Lịch đại sử luận (luận về lịch sử các triều đại Trung Quốc), bàn về các sự kiện lịch sử, các nhân vật từ đời Thái Tổ đến đời nhà Thanh (viết chung với Nguyễn Bá Nghi, người huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi và Vũ Phạm Khải, người huyện Yên Mô, Ninh Bình) là đồng môn, cùng làm việc vào cuối đời Thiệu Trị.

Nguyễn Văn Hiển (1827 - 1865), tự Doãn Trai, người làng Mỹ Chánh, nay thuộc xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng. Đỗ Hoàng giáp năm 1847, làm quan đến chức Tuyên phù sứ, đạo Phú Yên.

Tác phẩm: Đồ bàn thành ký. Sách ghi chép về thành Đồ Bàn, kinh đô Chămpa cũ ở Bình Định, bao gồm tên gọi, địa giới, lịch sử và một số bài ký, truyền thuyết về Thiên y tiên nữ, Liệt phụ Nguyễn Thị...

Trần Đình Túc (1809 - 1892), tự Trọng Cung (có tài liệu ghi là Cung Trọng), hiệu Hy Lỗ, người làng Hà Trung, huyện Gio Linh, đỗ Cử nhân năm 1842. Làm quan dưới triều nhà Nguyễn, từ chủ sự bộ Hộ, Tri phủ Vĩnh Tường, Tổng đốc Hà Nội đến Thượng thư. Ông đã cùng với Tuần phủ Nguyễn Trọng Hợp, Án sát Trương Gia Hội thương ước với phái viên Pháp trong việc lấy lại thành Hà Nội. Có công trong việc doanh điền sứ, chiêu mộ dân khai hoang lập ấp ở Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và việc xin khai thông con sông Vĩnh Định.

Trần Đình Túc là một tác gia lớn. Trước tác có tập thơ Tiên sơn thi tập, tập thơ núi Cồn Tiên này gồm 230 bài thơ văn. Về thơ chủ yếu là thơ Đường luật và một ít thơ Cổ phong4. Là thơ xướng họa hoặc viết về mối quan hệ bạn bè thân hữu là những nhà thơ tên tuổi đương thời như “Đề thơ lên vách tường điện Vân Quán của Tùng Quốc công” (Tùng Thiện vương), “Tiễn Phạm Phú Thứ về an dưỡng”, “Họa thơ Đặng Huy Trứ”... Thơ vịnh cảnh như “Biệt núi Nùng”, “Qua biển Đá Nhảy”, “Thôn cư ngẫu hứng”... Thơ vịnh việc như “Trung thu hứng tác”, “Nghe quan quân Hà Nội thu được thắng lợi”... Thơ tự vịnh về bản thân, gia đình mình và một số bài có tính chất suy nghiệm, triết lý về lối sống của ông quan nhà Nho. Rất tiếc cho đến nay chúng ta chưa có điều kiện dịch thuật toàn bộ tập thơTiên sơn thi tập và xuất bản để giới thiệu rộng rãi trong công chúng.

Ngoài ra, ông còn có một số bài thơ khác chép chung trong tập Du Hương Tích sơn thi tập và nhiều câu đối có giá trị như câu đối điếu Hoàng Diệu, Trần Thiện Chánh.

- Phan Văn Huy (không rõ năm sinh năm mất), người làng Đạo Đầu nay thuộc xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong. Cháu nội ngài Hậu quân Phan Văn Thuý.

Tác phẩm: Cai dư kỳ thực. Sách ghi chép sự việc lúc rảnh rỗi dưới bậc thềm; ghi chép về cuộc đời của mẹ ông là công chúa An Thường với lời đề tựa của quốc công Miên Ký viết năm 1881.

Hoàng Hữu Xứng (1831 - 1905), tự Bình Như (có sách ghi Bình Chi), hiệu Song Bích, người làng Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong. Đỗ Cử nhân năm 1852, làm quan đến chức Thượng thư.

Tác phẩm: Đại Nam quốc cương giới vựng biên (biên chép tổng hợp về bờ cõi và biên giới nước Đại Nam) và nhiều bài thơ cảm tác khác.

Nguyễn Như Khuê (chưa rõ năm sinh năm mất), người làng Phúc Lâm, nay thuộc xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh. Đỗ Cử nhân năm 1864, làm quan đến chức Tri phủ Cam Lộ.

Tác phẩm: Như Khuê thị học ngữ tập (tập học đòi về ngôn ngữ của Như Khuê). Tập có hai phần, phần đầu là thơ ngâm vịnh về Thuý Kiều như thăm mả Đạm Tiên, gặp Kim Trọng, khóc Từ Hải...; phần sau một số thơ chữ Hán vịnh cảnh vật, một số bài văn phổ khuyến, ca khúc và văn chầu bằng quốc âm.

- Nguyễn Trừng (chưa rõ năm sinh năm mất), người làng Diên Khánh, nay thuộc xã Hải Dương, huyện Hải Lăng. Đỗ Cử nhân năm 1878.

Tác phẩm: Kỷ sửu như Tây nhật ký, ghi chép lại các sự việc trong chuyến đi sang Pháp cùng với Miên Triện, Vũ Văn Báo năm 1889.

Lê Đăng Trinh (1850 - 1909), tự Hàm Chương, hiệu Bích Phong, người làng Bích La Đông, Triệu Đông, Triệu Phong. Đỗ Phó bảng năm 1875, làm quan đến chức Thượng thư.

Tác phẩm: Bích Phong thi thảo. Phần lớn trong tập là thơ đề từ, xướng họa và một số bài nói lên nỗi lòng của tác giả trước vận mệnh đất nước.

Nguyễn Tự Như, người huyện Gio Linh, sống vào nửa cuối thế kỷ XIX, đỗ Tiến sĩ thời vua Thành Thái. Ông sáng tác nhiều thơ văn nhưng nay đã bị thất truyền. Hiện còn lưu lại bài văn tế bằng chữ Hán do ông soạn, thường được đọc trong những lần làng tế lễ ở quê hương ông.

Ngoài thơ văn của những tác giả quê ở Quảng Trị còn có thơ văn của các tác giả ngoại tỉnh. Về thơ, phần lớn là thơ đề tặng những nhân vật lịch sử hoặc danh nhân Quảng Trị. Đó là thơ của nhiều nho sĩ ở kinh thành Thăng Long phúng điếu Hoàng Bôi (quê làng Câu Nhi, Hải Lăng, Quảng Trị), làm quan đời nhà Mạc, lúc lâm trận gặp nguy nan ông đã tuẫn tiết, không đầu hàng giặc. Thơ của chúa Nguyễn Phúc Chu (thế kỷ XVII) tặng Trần Đình Ân, nhà khoa bảng nổi tiếng hưu trí tại làng Hà Trung (Gio Linh):

Tính khí ôn hoà giữ mực trung

Bốn triều giúp việc biết bao công

Thành công mới chán mà thao tía

Mộ đạo nên xa chốn bụi hồng

Thương hạo bạc phơ hai mái tóc

Hán thần vui thú một tơ đồng

Chuyến này về xứ làm chi đó

Nước biếc non xanh thỏa tấm lòng.

Bài thơ này hiện còn khắc tại bia mộ của Trần Đình Ân tại quê nhà.

Về văn xuôi của các tác giả ngoại tỉnh, phải kể đến các tác giả các đầu sách “Ô châu cận lục” (Dương Văn An) và “Phủ biên tạp lục” (Lê Quý Đôn) là những tác phẩm văn xuôi tiêu biểu viết về Quảng Trị. Tuy là hai nhà văn ngoại tỉnh, sống vào hai giai đoạn lịch sử cách xa nhau (một người vào giữa thế kỷ XVI và một người vào cuối thế kỷ XVIII), nhưng nhờ hiểu biết sâu sắc về mảnh đất Quảng Trị nên đã có những chương sách ghi chép, miêu tả tỉ mỉ, chính xác về cảnh quan, địa lý, sông ngòi, sản vật, chợ búa, danh nhân, phong tục tập quán của các huyện Hải Lăng, Vũ Xương, Minh Linh (Vĩnh Linh) và một số địa phương khác. Ngoài giá trị văn chương, “Ô Châu cận lục” và “Phủ biên tạp lục” còn là nguồn sử liệu quý báu và hiếm hoi giúp chúng ta tìm hiểu nhiều mặt về đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong gần ba thế kỷ.

Nói đến thơ văn chữ Hán, chữ Nôm thời kỳ Trung đại ở Quảng Trị cần chú ý đến những bài văn bia, những bản hương ước, hối ước, các bài văn tế và câu đối hiện còn lưu giữ lại ở nhiều địa phương trong tỉnh. Trong các thể loại này có những bài có giá trị như bài văn bia ở làng Hà Trung do Trần Đình Phác soạn, hoặc bài văn bia “Đề phụ lữ phần bia” do Trương Khắc Hịch soạn ở làng Mai Xá. Bài hội ước “Hội đình quan hàm phương danh” ở làng Câu Hoan. Thể văn tế viết bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm có nội dung hết sức đa dạng như “Văn tế các vị khai khẩn của làng”, “Văn tế cha mẹ”, “Văn tế vợ chồng”, “Văn tế cầu an”, “Văn tế thập loại cô hồn”... Tương tự, câu đối cũng chiếm một khối lượng đồ sộ, bằng chữ Hán, chữ Nôm hiện đang được lưu giữ, thờ phụng tại các đình chùa, lăng miếu, nhà thờ họ lẫn các tư gia chưa được nghiên cứu, giới thiệu một cách đầy đủ, có hệ thống. Các thể văn này vừa là di sản văn học và văn hoá hết sức quý giá. Một mặt nó phản ánh tình cảm, suy nghĩ của người Quảng Trị đối với quê hương, đất nước; mặt khác nó chứa đựng trong đó lịch sử, truyền thống, học vấn và phong tục tập quán của vùng đất.

Y.T

 

 

_______________________________________

 

1 Hiện nay, văn học viết Việt Nam được giới nghiên cứu thống nhất phân thành 2 thời kỳ: Văn học Trung đại (từ TK X đến hết TK XIX) bao gồm tất cả các tác phẩm được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm; Văn học hiện đại (đầu TK XX đến nay), gồm tất cả các tác phẩm được viết bằng chữ Quốc ngữ. Trong mỗi thời kỳ, căn cứ vào hoàn cảnh lịch sử cũng như nội dung và hình thức tự bản thân của đời sống văn học mà người ta chia làm nhiều giai đoạn khác nhau. Ví như Văn học Trung đại Việt Nam có 4 giai đoạn : 1- TK. X-XV; 2- TK. XVI - nửa đầu TK. XVIII  3- Nửa cuối TK. XVIII - nửa đầu TK. XIX  4- Nửa cuối TK. XIX.

2 Dẫn theo Lương An, Bùi Dục Tài và chiếc gậy đánh Tần Sở, Tạp chí Văn hóa, số 2, tr. 31-32.

3 Lương An, Những tác giả cũ trước năm 1945, Tuyển tập Lương An, Nxb Thuận Hóa-Huế, 2004.

4 Tập thơ ở dạng chép tay, giấy bản khổ 20x10cm, viết bằng chữ Hán (chữ thảo) gồm 132 trang. Hiện lưu trữ ở Thư viện Hán Nôm Hà Nội, ký hiệu VHv 1425.

 

 

Y THI
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 293 tháng 02/2019

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground