Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hai kỷ niệm sâu sắc về Võ Đại tướng

Nói đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ai ai cũng nhớ đến một nhà quân sự tài ba, lỗi lạc, một nhà văn hóa lớn, một nhân cách minh triết. Những phẩm chất hiếm thấy đó đã làm người đời nhớ đến khái niệm tứ giáo khi bàn về học vấn và đạo lý của thầy Khổng Tử ghi trong Luận ngữ: Văn, Hạnh, Trung, Tín. Về sau, Bác Hồ vận dụng sáng tạo vào việc giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, và bổ sung khái niệm lễ, vì hòa là gốc của lễ trong cụm từ Hòa vi quí. Trong đời học vấn và sáng tạo của mình, tôi được duyên gặp trực tiếp Võ Đại tướng hai lần:

Lần thứ nhất: Vào đầu những năm 60, sau khi hoàn thành khóa thực tập sinh ở Liên Xô, tôi về công tác tại Viện Văn học. Bấy giờ, không khí chuẩn bị chống chiến tranh không quân ra miền Bắc thật căng thẳng, cái gì cũng thiếu, nhưng tôi may mắn được ở nhờ căn hộ của ông anh rể, vốn là cấp tá ở Bộ tổng tham mưu (tại số 1 - Hoàng Văn Thụ), không xa biệt thự của Võ Đại tướng ở đường Hoàng Diệu. Hàng ngày vào khoảng 5 giờ chiều tôi thấy bác tập thể dục trong bộ trang phục thể thao, giản dị. Năm lần bảy lượt như vậy, trở thành quen. Một hôm tướng Giáp bảo tôi dừng xe đạp lại và hỏi:

- Cậu ở đâu, làm việc gì mà đi lối này?

- Thưa bác, cháu công tác ở Viện Văn học với thầy Đặng Thai Mai, nhà phê bình Hoài Thanh, nhà văn Vũ Ngọc Phan, nhà thơ Nam Trân,…

- Thật tuyệt vời - Đại tướng nói - thế là cháu đã chọn đúng đường, ngồi đúng chỗ. Đó là một địa chỉ đáng tin cậy, ở đó có những nhà văn hóa lớn, những bậc thức giả của văn hóa dân tộc.

Một lần khác, câu chuyện còn lâu hơn:

- Chàng thanh niên, đẹp trai làng quê ở đâu mà nói giọng miền Trung, Quảng Bình hay Quảng Trị?

- Bác đoán rất chính xác: Cháu quê Cam Lộ, Đông Hà.

- Thế là đồng hương rồi: Lệ Thủy, sông Kiến Giang và Cam Lộ, sông Hiếu Giang là anh em của dải đất “Bình Trị Thiên khói lửa” rồi đó!

Biết tôi được đào tạo sau đại học ở Liên Xô về, bác nói say sưa về nền văn minh Nga Xô Viết có Pie Đại đế với những cải cách lớn, về M.Lomonoso nhà bác học đa tài và V.I.Lenin một trí tuệ hùng vĩ,… rồi sau đó bác chuyển sang văn nghệ dân tộc, chữ viết dân tộc, thời Bác làm báo*. Nhắc đến Vũ Ngọc Phan, bác nói một số quan điểm về văn nghệ dân tộc, coi văn nghệ dân gian là nguồn gốc của lịch sử, là người khai sinh văn học thành văn. Nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ,… đã được Bác Hồ đưa vào văn thơ của mình, các văn kiện thuần lý của Đảng và Nhà nước. Về tình cảm quê hương, bác thuộc những câu ca dao đã trở thành bài hát ru của người mẹ miền Trung:

- Chiều chiều ra đứng vườn rau,

Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều;

- Đi mô đem thiếp đi cùng,

Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp theo,…

Chỉ mươi, mười lăm phút nghe bác tâm sự mà như một bài học về tình yêu quê hương, về trí tuệ và tình cảm của người dân lao động.

Lần thứ hai:

Vào những năm 1997 - 1998, tôi được Thượng cấp mời tham gia dự thảo và biên tập văn kiện Hội nghị lần thứ V của Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII với nội dung: Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, được đi khảo sát nhiều tỉnh, thành và một vài nước. Trong chuyến đi vào thành phố Hồ Chí Minh, đoàn chúng tôi do Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Đức Bình làm trưởng đoàn, được ăn, ở tại cơ quan Trung ương Cục miền Nam (T.78). Sáng nào chúng tôi cũng dậy sớm, tập thể dục trước lúc ăn sáng. Trời đang vào thu, ai ai cũng náo nức ra sân, thì bỗng nhiên tôi gặp Đại tướng trong bộ quần áo thể thao màu xám đang vận động. Dịp may hiếm có tôi đánh bạo đến chào và xin Đại tướng vài ý kiến, may ra có thể bổ ích cho văn kiện mà chúng tôi sắp chấp bút. Thì giờ không nhiều, chúng tôi chỉ nhớ mấy ý kiến quan trọng: Đại tướng nói: Đặt vấn đề văn hóa của Bộ Chính trị lần này là trúng. Theo hiểu biết của tôi, khi chưa có thuật ngữ văn hóa thì ở phương Tây đã có thuật ngữ văn minh. Trong lịch sử ở ta và ở nước ngoài đều có những định nghĩa khác nhau về văn hóa (có đến hàng mấy trăm định nghĩa). Lần này Trung ương chỉ triển khai theo quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử phù hợp với sự phát triển tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc. Chắc các anh cũng đồng ý với tôi: Văn hóa cũng là một thứ hàng hóa nhưng là hàng hóa đặc biệt, là một giá trị không phải ở nội dung tự nhiên mà là nội dung xã hội. Cái trúng thứ hai là Trung ương đã tập hợp được một đội ngũ các nhà văn hóa, các nhà văn nổi tiếng, các nhà khoa học xã hội, nhà giáo có uy tín để khai thác trí tuệ, chính kiến của họ cho văn bản của Nghị quyết tầm cỡ này. Có thể có ý kiến còn khác nhau, nhưng không sợ tranh luận, vì như người Pháp nói: “Tranh luận tìm ra chân lý”. Khó nhất của văn kiện là việc đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, phẩm chất đội ngũ cán bộ,… còn phải nêu cho được 5 quan điểm, nhiều giải pháp,… Trước đây, khi ra Nghị quyết Bác Hồ thường chú ý đến vai trò của con người, văn hóa của con người “Cổ lai quốc dĩ dân vi bản”,…

Gần đây, trong một lần chúng tôi đến thăm nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tại nhà riêng. Sau mấy phút thủ tục tiếp khách, bác Phiêu nói rất dài về văn hóa, về con người và văn hóa, cái nào có trước, cái nào sau, về tiến trình lịch sử và tiểu thuyết về đề tài lịch sử mà ông mới được tặng,… rồi ông nhắc tới tri thức hiểu biết rộng của Võ Đại tướng, mà đức hạnh hàng đầu của con người cộng sản đó là nhân cách văn hóa, ý thức tổ chức cao, ý thức kỷ luật nghiêm minh đối với Đảng, với Dân, với Quân đội. Thật đáng tự hào và đáng học tập ở một vị lão tướng tài năng, đức độ, của một danh nhân văn hóa của dân tộc và thời đại.

H.S.V

 

_____________________

* Tham gia sáng lập Lao động, Tiếng nói của chúng ta; Biên tập viên báo Tin tức, Dân chúng; Chủ tịch Ủy ban báo chí Bắc Kỳ,…

Hồ Sĩ Vịnh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 291 tháng 12/2018

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground