Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tướng Cao Văn Khánh với Quảng Trị

Do vị trí đặc biệt trong lịch sử dân tộc, vùng đất Quảng Trị anh hùng đã in dấu chân rất nhiều tướng lĩnh quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó có tướng Cao Văn Khánh (1917 - 1980) là vị chỉ huy gắn bó đặc biệt, cũng có thể nói là ông có duyên nợ sâu đậm nhất với vùng đất máu lửa này.

Nói vậy vì Cao Văn Khánh là người chỉ huy trực tiếp, Phó Tư lệnh - cả 4 chiến dịch lớn ở Quảng Trị: Đường 9 - Khe Sanh (1968), Đường 9 - Nam Lào (1970 - 1971), Quảng Trị (1972) và Cửa Việt (tháng 1 - 1973). Hơn nữa, Quảng Trị là quê mẹ của Cao Văn Khánh. Lâu nay, nhắc đến Cao Văn Khánh, nhiều người chỉ nghĩ ông gắn bó với Huế do ông sinh trưởng ở Huế, dạy học, rồi làm trưởng lớp “Trường Thanh niên tiền tuyến”, tham gia Giải phóng quân tháng 8 - 1945 ở Huế và lấy vợ là cô nữ sinh Đồng Khánh dòng dõi Tôn Thất, mà quên rằng thân mẫu Cao Văn Khánh quê ở tổng An Thái, nay thuộc xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng.

“… Ông ngoại ba tôi là cụ Phan Thanh Tân, cháu gọi cụ Thống chế Phan Thanh Bân bằng bác ruột. Cụ đỗ cử nhân năm Canh Ngọ (1870 - đi thi cùng khóa với Tống Duy Tân, cụ lấy tên Phan Duy Tân). Cụ là người đỗ khoa bảng đầu tiên của tổng An Thái, nên được hàng tổng mừng đôi câu đối: “Thập bát xướng danh Quảng Trị, Hải Lăng, Thượng Xá/ Tam trường liên trúng: Học sinh, Tú tài, Cử nhân.”*

“… Nghe kể cơ ngơi vườn tược bên ngoại ba xưa kia rộng lắm, trải dài trên con đường từ thị xã Quảng Trị vào lỵ sở phủ Hải Lăng cũ (thôn Diên Sanh). Trong chiến dịch bão táp Quảng Trị năm 1972, ba tôi đang căng thẳng theo dõi diễn biến tấn công mà phải phì cười, nghe vị chỉ huy pháo binh ra lệnh hô to trên bộ đàm (để trêu ông): Bắn! Cẩn thận kẻo trúng nhà anh Cao ở Cầu Nhùng!

Dinh cơ rộng lớn bên bờ sông Nhùng chính là nơi vua Hàm Nghi cùng đoàn tùy tùng nghỉ lại đêm 23/5 năm Ất Dậu 1885, khi Ngài từ Huế ra Tân Sở, xuống chiếu Cần Vương… Cụ Phan Thanh Tân, ông ngoại ba tôi, làm tri huyện ở Quảng Trị một thời gian thì vào Huế làm quan. Nổi tiếng cương trực nên đường làm quan của cụ chịu nhiều lận đận. Cụ từng giữ chức Đô ngự sử (chức quan có nhiệm vụ can ngăn vua, giám sát và hạch tội các quan trong trường), chức Tham Tri, rồi biết lần bị giáng chức, bị đày lên tận miền núi làm “lính sơn phòng”, chỉ vì tội can vua chớ quá nhượng bộ các đòi hỏi của quan Pháp. Hai lần được phục chức về kinh…

Có phải bởi thấm thía chức tước phù du như vậy, mà ba luôn khuyên con cái dù học hành gì cao siêu đi nữa, cũng phải giỏi một nghề chân tay, để không bị động trong bất cứ hoàn cảnh nào. Có lẽ ba tôi thừa hưởng ở bà nội tinh thần mạnh mẽ, lòng tự trọng và đức tính hy sinh. Ba kể bà tội lắm. Lấy chồng trông mãi không có con, bà đã chủ động mai mối cho chồng mình một bà bạn quen, gia thế giàu có hơn, nhường lại tất cả danh vị, và xin lui về nhà cha mẹ. Khi chồng vừa yên bề với vợ mới thì bà biết mình đã mang bầu!...”

Nói về một danh tướng trên chiến trường ác liệt nhất nước mà lại dềnh dàng kể chuyện “bên ngoại” thuộc dòng nhà võ ngày xưa, để bạn đọc hiểu thêm vì sao một trí thức chỉ học Trường Luật Đông Dương, sinh hoạt Hướng đạo với giáo sư Tạ Quang Bửu và tập luyện chỉ hơn một tháng tại “Trường Thanh niên tiền tuyến” trước tháng 8 - 1945 mà có thể trở nên một danh tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam, 26 năm mang lon đại tá, khi qua đời đương chức Trung tướng, Phó Tổng tham mưu, nhưng lại “xin” không an táng ở Nghĩa trang Mai Dịch dành cho cán bộ cấp cao, mà về nằm tại một nghĩa trang nhân dân ở Ba Vì, để có thể dễ dàng “gặp lại” hàng ngàn đồng đội - những người lính sống mãi tuổi đôi mươi!

Cao Văn Khánh còn quá nhiều điều “đặc biệt” nữa. Từ hơn 60 năm trước, đám cưới độc nhất vô nhị ngay trong hầm De Castries ngày 22 - 5 - 1954 của cặp đôi Cao Văn Khánh và “tiểu thư” Nguyễn Thị Ngọc Toản - cô sinh viên y khoa đi phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ - đã thành sự kiện với cả giới truyền thông quốc tế.

Mặt trận Khe Sanh năm 1968, sau khi Tư lệnh - Thiếu tướng Trần Quý Hai bị chảy máu dạ dày phải chuyển ra Bắc, thì người chỉ huy trực tiếp cho đến ngày cờ giải phóng phấp phới trên đỉnh Tà Cơn là Cao Văn Khánh. Để có giờ phút vinh quang đó vào ngày 9 - 7 - 1968, Cao Văn Khánh cùng hàng vạn bộ đội, TNXP, dân công đã bám trụ ở quanh vùng đất dày đặc bom đạn này suốt từ đầu tháng 1 - 1968.

Xin trích dẫn thêm một đoạn tác giả viết theo lời kể của tướng Vũ Lăng:

“… Ba ngày liền, Bộ Chính trị bặt tin Ban chỉ huy Mặt trận Khe Sanh gồm Cao Văn Khánh, Lê Quang Đạo, Trần Quý Hai. Văn Tiến Dũng bảo Vũ Lăng tìm ai có thể vào xem rồi báo cáo gấp cho Bộ Chính trị. Vũ Lăng lên xe đi một ngày đêm. Liên tục thay xe. Ở trận địa Khe Sanh, đất đá bị bom, tên lửa, pháo làm tơi như cát biển. Lính bơ phờ ngồi gục lên đầu súng. Vũ Lăng cho hay ở Khe Sanh ông không thể nằm yên trên mặt đất nửa phút, người cứ nảy tung…”

Cũng về thời điểm khó khăn, sau trận B.52 đánh trúng Bộ chỉ huy chiến dịch, các chiến sĩ bảo vệ thiếu tướng Lê Đình Cúc - thư ký tướng Lê Quý Hai (sau này là Chánh văn phòng Bộ Tổng Tham mưu) cho biết: “Ông Cúc suýt chết đợt đó. Nhiều chiến sĩ bị thương đi lại khó khăn. Ai nấy đều đói run, gạo hết, nước không còn. Tư lệnh Trần Quý Hai suốt ngày phải nằm cáng. Bệnh tiểu đường và cuộc hành quân đã làm ông kiệt sức. Ngày hôm sau họ mới đến được địa điểm dự bị. Cả Tổng đài thông tin của Bộ Tư lệnh chiến dịch gồm hơn một tiểu đội cán bộ và chiến sĩ đã bị bom B.52 vùi trong hang đá. Thông tin hữu tuyến gián đoạn. Bom cũng rơi trúng một bộ phận của Bộ Tư lệnh trên đường di chuyển, nhiều cán bộ chính trị hy sinh vì bị đá đè…”

Sau cuộc thử sức đầu tiên vào chính đầu não chỉ huy, chiến dịch vẫn gặp vô vàn khó khăn. Vào tháng 4/1968, khi Tư lệnh Trần Quý Hai và Chính ủy Lê Quang Đạo đã về Hà Nội, Quân giải phóng lúc đó trong tình hình sắp hết đạn, lương thực cạn kiệt. Việc điều phối vận chuyển thì không ăn nhập với tình hình và yêu cầu của chiến trường. Cao Văn Khánh viết thư gửi Quân ủy Trung ương: “Hiện nay trên đường dây có rất nhiều tiểu đoàn pháo đang đi vào, nhưng đạn thì rất thiếu. Đạn D74 chỉ còn 4.000 viên cho 5 tiểu đoàn. Đạn SKZ chỉ còn 400 - 500, đạn A12 và H12 không có… Nhiệm vụ trước mắt rất nặng. Một vấn đề rất lớn là phải tìm cách thay đổi cách đánh thích hợp với địa hình và điều kiện địch ta, trên cơ sở kinh nghiệm chiến trường của ta trong tình hình hiện nay…”. Bộ đội Khe Sanh lúc này phải tự lực cánh sinh với những gì đang có. Tuy vậy, ông vẫn tìm cách để giành lợi thế trong tình huống ác liệt…

Theo Reuteurs, ngày 19 - 4 - 1968 là ngày đen tối nhất trong lịch sử sư đoàn giỏi nhất của quân lực Hoa Kỳ. Tư lệnh Sư đoàn Kỵ binh bay số 1, tướng Tolson thú nhận: Tôi chưa bao giờ mất nhiều máy bay như thế…

Cứ thế, với một đội quân vừa có dũng khí, vừa có trí tuệ, như thông báo ngày 11 - 7 - 1968 của Bộ Tư lệnh Mặt trận Khe Sanh: “Sau 170 ngày chiến đấu liên tục vô cùng anh dũng quyết liệt, quân giải phóng Mặt trận Khe Sanh đã chiến thắng oanh liệt, đập tan ý đồ ngông cuồng và ngoan cố của giặc Mỹ tại chiến trường Bắc Quảng Trị, buộc chúng phải thất thủ ở Khe Sanh”. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James R.Schlesinger phải thừa nhận: “Tuy chúng ta đã ném cả danh dự của nước Mỹ ra để giữ (Khe Sanh) và buộc Hội đồng Tham mưu liên quân cam kết bằng máu, nhưng cuối cùng cũng phải rút chạy…”

Chỉ một ngày sau đó, Cao Văn Khánh “chuyện trò” với bác sĩ Ngọc Toản đang trực tại Bệnh viện 108 Hà Nội, qua trang viết Nhật ký: “… Ngày 12 - 7 anh sẽ lên đường về với em và các con. Lần này không phải chỉ về với em và con 1-2 hôm, mà có thể lâu hơn vài ngày…”

Vậy nhưng Cao Văn Khánh “… ra gặp Quân ủy Trung ương báo cáo về chiến thắng Khe Sanh, chỉ được một tuần. Quân đội yêu cầu ba không về nhà mà ở lại tại nhà khách Bộ Quốc phòng để giữ bí mật…”

Đã có nhiều sách báo viết về chiến dịch lịch sử Đường 9 - Nam Lào (mà đối phương đặt tên là Lam Sơn 719), nhưng có lẽ còn ít người biết rằng, để có thể chủ động và đủ lực lượng chiến thắng đối với một mưu đồ cực lớn của quân đội Sài Gòn được Mỹ yểm trợ tối đa về vũ khí, nhất là không quân, nhằm cắt đứt tuyến vận tải chiến lược vào Nam diễn ra vào đầu năm 1971, thì hai năm trước, cụ thể là cuối năm 1968, Cao Văn Khánh cùng các cán bộ tham mưu chiến lược đã âm thầm bám trụ, nghiên cứu thực địa suốt từ Quảng Bình - Vĩnh Linh cho đến Hạ Lào. Chúng ta biết điều này nhờ công phu của Cao Bảo Vân đã tìm đến được với những “tài liệu gốc”, trong đó có sổ tay tác chiến của các vị tướng chỉ huy và thư của Cao Văn Khánh gửi về gia đình.

Cũng nên nhớ lại thế trận giằng co 2 năm 1969 - 1970; đó là khi nhiều đơn vị chủ lực của ta bị thiệt hại nặng trong 2 đợt “Tổng tấn công” 1968 phải rút về hậu phương củng cố, nhưng Quốc hội Mỹ cũng ra luật hạn chế rồi cấm quân đội Mỹ tham chiến để thực hiện “Việt Nam hóa chiến tranh” trong suốt hai tháng 5 và 6 - 1970, tướng Abrams mở chiến dịch tràn qua biên giới Campuchia, triệt phá toàn bộ căn cứ hậu cần của Quân Giải phóng. Chúng trù tính mở chiến dịch Lam Sơn 719 tràn qua Hạ Lào để bịt nốt tuyến tiếp tế duy nhất còn lại của Bắc Việt.

Mặc dù kẻ địch giữ bí mật chiến dịch đến phút chót, chúng không biết là từ cuối năm 1968, Cao Văn Khánh và các cộng sự đã được lệnh vào Quảng Trị chuẩn bị chiến dịch mới. Trong một thư gửi từ mặt trận, Cao Văn Khánh tâm sự với vợ là bác sĩ Ngọc Toản: “Đi xa lần này, có lẽ đến ngày thống nhất. Nhưng chắc chắn ngày thống nhất cũng không còn xa… Mọi người cố gắng thì ngày đó sẽ đến gần…”

Thời gian này, từ vĩ tuyến 19 trở ra đã tạm có hòa bình, nhưng Tết 1969, gia đình vẫn chỉ có thể đoán Cao Văn Khánh đang ở đâu. Bác sĩ Ngọc Toản ghi nhật ký: “… Hà Nội đêm 30 Tết, 1969: Đi lên buồng bệnh thăm thương binh nặng đến 10 giờ đêm… Mùng 1 Tết, lại đi cấp cứu từ 4 giờ đến 7 giờ sáng mới về… Các con vẫn ngủ, thế là mẹ cùng vào nằm luôn. Trời rét, càng rét càng thương ba nhiều? Bảo thắc mắc không biết ba có bánh chưng không? Vũ thì hỏi bao giờ mới ăn Tết có ba? Còn mẹ thì không nói ba cũng biết mẹ nghĩ đến ba nhiều lắm. Kể ra 16 năm sống với nhau, mà có mấy năm được ăn giao thừa với nhau anh nhỉ? Năm nào cũng tự an ủi sang năm sẽ đoàn tụ...”

Trong khi vợ con ở Hà Nội mỏi mắt trông ngóng thì vị Tư lệnh Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị cũng như các cánh quân và cả Đoàn 559 đang ở thời điểm rất khó khăn. Theo Lịch sử Bộ Tổng tham mưu (NXB Quân đội nhân dân, 2010, Tập 4) thì: “Cuối tháng 12 năm 1969 nhiều đơn vị vận tải trên hành lang Trường Sơn ngưng hoạt động vì thiếu nhiên liệu. Các binh trạm không còn nhận được hàng tiếp tế. Gạo, thực phẩm, thuốc men cạn kiệt, nhiều đơn vị phải sống bằng măng và củ rừng. Bộ đội ốm chết la liệt vì sốt rét ác tính. Khó khăn mọi mặt về thế và lực, đặc biệt về quân sự, kéo dài sang cả năm 1969, đầu năm 1970…”

Còn đây là góc nhìn riêng từ vị Tư lệnh từ “trong những chiến hào ẩm ướt đầy chuột ở mặt trận Đường 9Chuột gặm nát và tha luôn cả cái thư ông vừa dán bằng một hột cơm…” Vì thế mà thư viết ngày 13 - 4 - 1969, ông nhắc vợ “gửi vào cho anh một con mèo!” Và khoe: “Ăn uống độ này khá hơn trước, nhờ có chai nước mắm, lọ chanh và ít ớt”. Có thể nói, trong khung cảnh kì vĩ và bi tráng của các chiến dịch lớn tại Quảng Trị, thì mấy chi tiết có tính riêng tư mà tôi nhấn mạnh ở trên thật là độc đáo, không thể tìm thấy trong sách báo nào trước đây.

Chịu đựng một cuộc sống như thế, nên từ đầu năm 1970, Cao Văn Khánh viết thư về nhà: “Anh cũng chỉ mong giữ được sức khỏe để trực tiếp được tham gia đến ngày thống nhất”. Theo tác giả Cao Bảo Vân, “có lẽ ba biết sức khỏe đã có vấn đề từ lâu… Mẹ tôi lo lắng: “Anh không sốt rét nhưng sao gan lại to quá bờ sườn? Công việc không cho phép đi điều trị, nhưng anh nhớ giữ gìn sức khỏe” (Thư mẹ ngày 22 - 1 - 1970). Đã 5 năm liên tục sống dưới bom đạn, các chỉ số xét nghiệm đều xấu, nhưng ba tôi vẫn được phân công đi sâu hơn nữa…”

Làm sao Cao Văn Khánh có thể nghỉ ngơi vào lúc Quảng Trị- Đường 9 đang là mặt trận có ý nghĩa quyết định đối với sự thắng- bại của cuộc chiến. Và tháng 9 - 1970, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp vào Quảng Bình (hậu cứ của Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị) làm việc với các tướng lĩnh; từ đó, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Binh đoàn 70, cử Cao Văn Khánh làm Tư lệnh và Hoàng Phương làm Chính ủy. Cần lưu ý là trong khoảng thời gian 1969 - 1972, do tình thế cuộc chiến luôn biến động trước thềm Hội nghị Paris, do yêu cầu sát nhập, phối hợp các binh chủng để có thể mở các chiến dịch lớn, Bộ Tổng tư lệnh thành lập, rồi sát nhập… liên tục tổ chức thành những đơn vị mang tên mới. Với riêng Cao Văn Khánh, chỉ trong vòng 4 tháng, ông được cử làm Tư lệnh đến 3 đơn vị. Tổ chức xong đơn vị 968, thì đến tháng 8, Bộ Tổng tư lệnh ra lệnh sát nhập Đoàn 968 và Đoàn 559 lại, thành lập Mặt trận 968 (Nam Lào).

Cũng gánh vác trách nhiệm nặng nề trên vùng đất Trị Thiên, sau đó, ngày 25 - 11 -1971, Cao Văn Khánh được cử làm Tư lệnh Mặt trận Trị Thiên kiêm Phó Tư lệnh Quân khu 4; ít lâu sau, khi chiến dịch Trị Thiên 1972 mở ra - “chiến dịch dài nhất trong chiến tranh chống Mỹ này, từ 30 - 3 - 1972 đến 31 - 1 - 1973, ê kíp Tư lệnh - Chính ủy chiến dịch đã thay đổi đến 3 lần. Riêng đại tá Cao Văn Khánh, Tư lệnh B5 kiêm Phó tư lệnh Quân khu 4, Phó tư lệnh chiến dịch, đã bám trụ liên tục ở mặt trận từ giữa năm 1971 để chuẩn bị chiến trường, cho đến tận cuối 1973, rất lâu sau khi chiến dịch kết thúc”.

Tôi nhắc đến những trọng trách Cao Văn Khánh gánh vác ở trên để chứng tỏ ông quả là có duyên nợ đặc biệt và đã đóng góp lớn lao cho những chiến thắng trên đất Quảng Trị quê mẹ, chứ suốt cuộc đời mình, Cao Văn Khánh chỉ biết phục vụ Tổ quốc và hết lòng lo cho chiến sĩ, chẳng màng chi danh lợi. Do lý lịch “phức tạp”, sau 26 năm mang hàm đại tá, ông mới được phong thiếu tướng và lên trung tướng năm 1980, ngay trước lúc ông vĩnh viễn rời xa binh nghiệp! Chẳng mấy ai thấy ông đeo “sao và vạch” cũng như mãi về sau, con gái ông mới tìm thấy một cuộn giấy gồm nhiều Huân chương- trong đó có 2 Huân chương Quân công hạng Nhất mà ông không treo bao giờ!

Tuy vậy, theo lời bà Ngọc Toản thì khi nhận được quyết định Tư lệnh Binh đoàn 70, Cao Văn Khánh xúc động lắm. Như tôi hiểu, ông xúc động không chỉ vì riêng mình mà vì việc Binh đoàn 70 ra đời là một sự kiện lịch sử. Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam có ghi: “Ngày 10 - 10 - 1967, Binh đoàn 70, Liên binh đoàn chiến dịch- chiến lược đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập… nhằm sẵn sàng đối phó với cuộc tấn công quy mô lớn của địch ra hướng Đường 9 và sự đe dọa tiến công của Mỹ và quân đội Sài Gòn ra Bắc vĩ tuyến 17”. Còn trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị nhận xét: “Trong cuộc đời chinh chiến của anh Cao Văn Khánh, đây là lần thứ hai anh được giao trách nhiệm tổ chức những quả đấm thép chủ lực đầu tiên của quân đội. Trong kháng chiến chống Pháp, là Đại đoàn 308, trong kháng chiến chống Mỹ là Binh đoàn 70”.

Về sự kiện này, tác giả Cao Bảo Vân viết: “Để chỉ huy binh đoàn chiến thuật chiến lược với các sư đoàn bộ binh cơ động cần rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm chỉ huy binh chủng hợp thành… Trách nhiệm lần này vô cùng nặng vì chiến dịch tổ chức trong giai đoạn bản lề, phải sẵn sàng cho 3 tình huống chiến lược trên những địa bàn rất lớn, mà thành bại của nó sẽ ảnh hưởng sâu đậm lên toàn xu hướng chiến tranh.

Tuy vậy ba tôi lại coi trách nhiệm nặng nề nhất, đáng lo nhất là tính mạng những người lính mà ông gọi là “những chiến sĩ vĩ đại”, những người đã đặt niềm tin vào khả năng lãnh đạo và giao phó sinh mạng của họ cho ông trước một chiến dịch đã lường trước là vô cùng khốc liệt. Trong thư viết về gia đình, ba tôi tâm sự: “Càng thương con, càng thương anh em chiến sĩ, thật là vĩ đại vô cùng, gian khổ bao nhiêu cũng luôn vui vẻ, quyết tâm đánh giặc. Thật là thế hệ anh hùng. Anh càng thấy trách nhiệm của mình làm thế nào giành được thắng lợi lớn mà đỡ hy sinh nhiều cho anh em… Trách nhiệm người chỉ huy trong giai đoạn quyết liệt này thật là quá nặng…”

Với một vị chỉ huy trưởng thành từ một môi trường giáo dục, một “cái nôi” văn hoá đậm tính nhân văn như Cao Văn Khánh, tôi hình dung ông nhiều lúc phải vật vã đến đau đớn trước những quyết định quan hệ đến hàng ngàn, hàng vạn tính mạng binh sĩ, như ở các chiến dịch tại Quảng Trị.

Tác giả cuốn sách dẫn theo “Lịch sử Đường 9 - Bắc Quảng Trị”, cho biết về phía Quân đội nhân dân có tổng cộng 58.791 người tham gia chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. Đây là khối cơ động mạnh nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam lúc đó để đối chọi chiến dịch quy mô lớn nhất của quân đội Sài Gòn với những đơn vị tinh nhuệ nhất gồm 3 Lữ đoàn dù, Sư đoàn Thủy quân lục chiến, Sư đoàn I bộ binh với 20.000 lính, 460 xe tăng, xe bọc thép, 250 khẩu pháo, 700 máy bay. Đó là chưa nói đến B52 ném bom rải thảm 1.358 lần, 32 ngàn tấn bom đã ném xuống cùng đủ loại phi pháo khác.

Vậy mà như chúng ta đã biết, sau một tháng rưỡi chiến đấu quyết liệt, chiến dịch Đường 9 - Nam Lào đã toàn thắng ngày 23 - 3- 1971. Phía quân lực Việt Nam cộng hòa ước tính thương vong gần 50% tổng số binh sĩ và khối lượng lớn phương tiện vũkhí bị tịch thu, phá hủy… Những con số này nhiều sách báo đã nói đến, xin dẫn một đoạn tường thuật của người trong cuộc - ông Phan Hữu Đại, Binh trạm trưởng Binh trạm 27 - sinh động hơn: “Anh Khánh gọi điện: “Đại phá Bản Đông rồi! Bây giờ chuẩn bị cho tôi 50 xe để truy kích đuổi theo địch, đến hang ổ của nó ở Quảng Trị…”. Tôi cho 50 xe để chở bộ binh, lúc đó là 5 giờ sáng, chạy một mạch hướng Bản Đông. Giữa đường có một chiếc máy bay trực thăng nằm nghiêng đang còn nổ máy. Đến Đông Hà thì xe tăng ngổn ngang, chiếc chúc xuống ta-luy, xe M113, pháo, tăng, xe bọc thép vì bị pháo nện đón đầu, nên chúng bỏ chạy bộ ra phía bờ sông. Tôi gọi cho anh Khánh: “Xe tôi không thể nào chạy được nữa vì hàng trăm xe địch nằm la liệt Đường 9”. Tôi lo không đi đến kịp sẽ bị kỷ luật. Anh Khánh cười to trong điện thoại và nói: “Vậy là chúng ta toàn thắng! Các cậu không cần phải đi nữa. Địch tan hết rồi!... Tôi sẽ đề nghị thưởng Huân chương Quân công hạng 3”.

Với riêng Cao Văn Khánh, cũng như sau chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, ông viết thư về cho vợ con ở Hà Nội: “Lần này đánh lấy được nhiều xe tăng, xe M113, xe ô tô và cả trực thăng của địch nữa. Hơn 400 xe tăng và thiết giáp địch còn để cả trên đường. Hôm nào về, cố gắng leo lên một chiếc M113 chạy về Hà Nội cho mấy chú Vũ Bảo Anh và cả Vân nữa leo lên thì thích lắm nhỉ?...”

Vậy nhưng trong khi “các chú các bác” được về nhiều, bao nhiêu người hỏi bà Ngọc Toản: “Anh Khánh chưa về à?” thì Cao Văn Khánh lại “được lệnh tiếp tục chuẩn bị chiến dịch. Một chiến dịch đẫm máu, khủng khiếp nhất cuộc chiến tranh, chiến dịch Trị Thiên hè 1972”. Và ngay khi Hiệp định Paris sắp có hiệu lực, trước sự kiện địch tung một lực lượng rất lớn chiếm cảng Cửa Việt, Cao Văn Khánh lại được cử về trực tiếp chỉ huy cuộc phản công lấy lại cảng Cửa Việt…

Cao Văn Khánh, vị tướng đã đi suốt hai cuộc trường chinh của dân tộc, đã gắn bó gần cả cuộc đời binh nghiệp với Quảng Trị, nên chăng thành phố Đông Hà và thị xã Quảng Trị cần có con đường mang tên vị danh tướng này.

N.K.P

 

_____________________

* Những đoạn trong dấu “…” ở bài này đêu dẫn từ sách “Tướng Cao Văn Khánh” - Hồi ức lịch sử , do Cao Bảo Vân thực hiện. NXb Trí thức, 2017.

Nguyễn Khắc Phê
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 291 tháng 12/2018

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground