Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Bếp lửa nhà sàn - nét văn hóa đặc trưng trong đời sống của người Bru - Vân Kiều và Tà Ôi Quảng Trị

Hai tộc người Bru - Vân Kiều và Tà Ôi là cư dân bản địa cư trú lâu đời ở khu vực Bắc Trường Sơn thuộc vùng đất miền Tây các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Ở Quảng Trị, họ cư trú tập trung ở những vùng rừng núi dọc theo dãy Trường Sơn hùng vỹ thuộc phía Tây của tỉnh. Dân số của hai tộc người này chỉ chiếm chưa đầy 10% trong tổng dân số toàn tỉnh.

Các dân tộc thiểu số Quảng Trị sống phân tán và biệt lập, cư trú phân tán rải rác thành các điểm tụ cư, sống rất xa nhau. Từng dân tộc ở một mức độ nào đó đã hình thành những khu vực cư trú rộng (huyện) và hẹp (xã) riêng biệt. Nhà ở của người Bru - Vân Kiều và Tà Ôi được xây dựng theo kiểu nhà sàn. Trong đó, nhà của người Bru - Vân Kiều thường là nhà sàn có quy mô vừa đủ sống cho từng hộ gia đình hạt nhân, đối với người Tà Ôi thường xây dựng nhà ở theo kiểu nhà dài. Mỗi dòng họ sống trong một hay nhiều ngôi nhà dài ấy.

Do sống ở vùng núi nên hoạt động kinh tế chủ đạo của đồng bào người Bru - Vân Kiều và Tà Ôi ở Quảng Trị là kinh tế nương rẫy. Bên cạnh trồng trọt thì săn bắt thú rừng bằng bẫy, lưới, cung, nỏ, giáo, mác… và bắt các loại cá, tôm, cua ở sông suối bằng các dụng cụ thô sơ là một hoạt động có nguồn thu nhập đáng kể của đồng bào các dân tộc thiểu số từ xưa. Họ có cuộc sống gắn bó mật thiết với thiên nhiên, nên văn hóa mang đậm dấu ấn núi rừng.

Cũng như nhiều cộng đồng cư trú trên hệ sinh thái Trường Sơn, các tộc người Bru - Vân Kiều và Tà Ôi trong quá trình tồn tại và phát triển, sự thích nghi với môi trường sống đã tạo nên nhiều giá trị đặc trưng trong văn hóa đảm bảo đời sống mà tiêu biểu là phong tục và tập quán trong sử dụng bếp lửa. Chính vì thế mà bếp lửa đã trở thành không gian rất quan trọng, nơi phát huy được nhiều giá trị nhất trong đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân nơi đây. Bếp lửa không chỉ dùng để nấu ăn mà xung quanh không gian bếp còn chứa đựng nhiều nét sinh hoạt văn hóa, những phong tục tập quán, tín ngưỡng độc đáo, thể hiện nhiệt huyết của người dân vùng cao.

Từ bao đời nay, theo quan niệm của con người Việt Nam nói chung, người Bru - Vân Kiều và Tà Ôi ở miền tây tỉnh Quảng Trị nói riêng nếu nước là nguồn sống thì lửa là sức mạnh duy trì cuộc sống, lửa rất quan trọng, là cội nguồn của mọi thứ có thể sinh sôi được. Chính vì vậy, bếp lửa nhà sàn đã trở nên gần gũi thân quen và đi vào tâm thức của đồng bào Bru - Vân Kiều và Tà Ôi ở miền tây tỉnh Quảng Trị. Bếp lửa như một vị thần ban chiếu hạnh phúc, niềm tin, sức mạnh cho họ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chiến thắng cái ác hướng đến cái thiện. Bếp lửa đã gắn bó sâu đậm với cuộc sống của dân bản, tạo nên nét văn hóa vô cùng độc đáo của đồng bào nơi đây. Vì thế, người Bru - Vân Kiều và Tà Ôi ít khi để bếp tắt, nếu không đun nấu thì sẽ ủ than dưới lớp tro, khi cần chỉ thổi lên là được và như vậy, bếp luôn có hơi ấm. Ngọn lửa ấm áp của bếp lửa nhà sàn thể hiện nét sinh hoạt văn hoá đoàn kết, ấm cúng và thân thiện của bà con dân tộc nơi đây đã được lưu giữ qua bao thế hệ từ bao đời nay.

Trong mỗi gia đình, bếp lửa có một vị trí và vai trò hết sức quan trọng. Từ xa xưa, xuất phát từ những yêu cầu của điều kiện sinh sống nơi núi rừng hiểm trở, sự tồn tại độc lập giữa thiên nhiên hoang dã đầy thách thức cũng như do cuộc sống tự cung tự cấp còn gặp vô vàn khó khăn nên vị trí của lửa quan trọng hơn bao giờ hết.

Trước hết, bếp lửa với vai trò là nơi nấu nướng thức ăn, phục vụ cuộc sống hàng ngày. Với nguồn lương thực, thực phẩm sau khi săn bắt, hái lượm về họ sử dụng hai phương pháp làm chín chủ yếu đó là nấu và nướng. Mọi thức ăn sau khi đem về đều cho lên bếp. Để phục vụ bữa ăn hàng ngày thì lương thực, thực phẩm được cho vào nồi để nấu chín hoặc nướng trực tiếp trên bếp lửa. Bếp lửa còn có tác dụng sấy khô nông lâm sản, áo quần bị ướt trong quá trình băng rừng, lội suối. Than hồng, tro nóng cũng là nguồn nhiệt tốt nhất để nướng ngô, khoai, sắn… Trên bếp người ta gác một tấm liếp làm gác bếp, đây là nơi cất giữ thực phẩm để dành. Một xâu thịt rừng, một xâu cá đem nướng, sau đó mới hun khói trên giàn bếp tạo nên vị thơm ngon rất đặc biệt. Lúa ngô sau khi gặt hái về cũng được đồng bào treo quanh bếp để dùng dần. Khi đan lát xong các vật dụng như gùi, tì lẹt, a chói… người ta cũng thường treo hoặc đặt trên giàn bếp cho có màu cánh gián, làm bền, chắc và đẹp sản phẩm.

Thứ hai, bếp lửa với vai trò là nơi hội tụ của các thành viên trong gia đình cũng như những người khách gần xa đến chơi. Ngoài chức năng là nơi nấu thức ăn, nước uống… cho cả gia đình, bếp lửa còn có vai trò là nơi giữ lửa cho mỗi nhà, là không gian sinh hoạt của cả gia đình. Bếp lửa là một không gian gần gũi, ấm áp và luôn gắn chặt với đời sống sinh hoạt rất riêng của đồng bào Bru - Vân Kiều và Tà Ôi ở miền tây Quảng Trị.

Thứ ba, bếp lửa với vai trò là nơi cung cấp ánh sáng cho mỗi gia đình. Bếp lửa thường được bố trí ở những vị trí thích hợp nhất nhằm đảm bảo ánh sáng và hơi ấm tỏa đều khắp trong nhà. Trong đêm tối, bếp lửa như những ngọn đèn lớn soi sáng khắp các gian nhà. Ngôi nhà bừng sáng mỗi khi ngọn lửa bếp bùng cháy. Ban đêm, các công việc của các thành viên trong gia đình đều quây quần bên bếp lửa hồng từ việc may vá, đan lát cho đến việc tỉa ngô, nấu nướng…, ánh sáng của bếp lửa trong đêm như là một tín hiệu báo cho bản làng cũng như khách qua đường biết được gia chủ đang ở nhà hoặc định hướng để mọi người tìm lối về.

Thứ tư, bếp lửa với vai trò là nơi sưởi ấm cho các thành viên trong gia đình cũng như cho những vị khách đến thăm chơi. Hơi ấm từ bếp lửa giúp xua tan giá lạnh về mùa đông, cái se lạnh của đêm hè miền núi cao, sưởi ấm cho mọi người nhất là người già và trẻ nhỏ. Những ngày trời mưa hoặc sương mù, hơi nóng của bếp lửa giúp hong khô mái tranh ẩm ướt và các vật liệu khác để giữ cho ngôi nhà được khô ráo. Mỗi buổi chiều tà, những làn khói mỏng bay lên từ các nóc nhà sàn, hòa tan vào sương núi tạo nên bức tranh quê tuyệt đẹp, là hình ảnh in đậm trong ký ức và gợi nhớ quê hương cho những người con của bản làng khi xa quê.

Thứ năm, không gian bếp lửa còn được sử dụng làm nơi sinh hoạt chung của mọi thành viên trong gia đình. Khi có khách cũng như lúc bình thường, mọi người ngồi quây quần bên bếp lửa trò chuyện, uống nước, đan lát, thêu thùa, may vá, thậm chí còn là nơi học bài, đọc sách của con trẻ… Bếp lửa cũng chính là nơi ông bà, cha mẹ kể lại những câu chuyện cổ tích, truyền lại những kinh nghiệm quý báu trong lao động sản xuất, răn dạy đạo lý làm người cho cháu con. Bếp lửa cũng chứng kiến sự bày tỏ lòng biết ơn, kính trọng và phụng dưỡng mẹ cha, ông bà của con cháu. Bên bếp lửa, các thành viên trong gia đình được sống trong tình thương yêu, sự chăm sóc lẫn nhau. Sau một ngày lao động vất vả dưới cánh đồng, trên nương rẫy, khi được ngồi trò chuyện với những người thân, nhìn bếp lửa bập bùng, nghe tiếng cười của con trẻ khiến mọi nhọc nhằn đều tan biến.

Ngoài ra, trong những dịp lễ hội của bản làng như lễ mừng lúa mới, lễ bỏ mả cho những người khuất núi…, đồng bào Bru - Vân Kiều và Tà Ôi thường tổ chức trước một khu đất trung tâm của bản hay khu vực nhà chung và ở giữa luôn luôn có một bếp lửa lớn cháy sáng cả một vùng. Bếp lửa này là nơi con em trong làng tụ tập về đây cùng nhau ăn uống, nhảy múa trong tiếng chiêng, tiếng trống, tạo nên không khí đầm ấm vui tươi, báo hiệu những điều tốt đẹp sẽ đến với bản làng trong những ngày tới.

Sinh hoạt văn hóa quanh bếp lửa trong ngôi nhà sàn của đồng bào Bru - Vân Kiều và Tà Ôi rất phong phú. Có thể nói, bếp lửa nhà sàn gắn liền với cuộc đời của mỗi con người từ lúc sinh ra đến khi từ giã cõi đời, lúc đông vui náo nhiệt cũng như khi cô đơn lạnh lẽo, lúc khỏe mạnh cũng như khi ốm đau… Từ bao đời nay, bếp lửa nhà sàn đã trở thành một phần không thể thiếu trong kiến trúc ngôi nhà sàn cũng như trong đời sống văn hóa của người Bru - Vân Kiều và Tà Ôi.

Ngày nay, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc và miền núi được ưu đãi, các bản làng của người Bru - Vân Kiều và Tà Ôi đã có nhiều thay đổi như điện lưới Quốc gia, có đường ô tô đi qua, được phủ sóng truyền hình và điện thoại… Sinh hoạt bên bếp lửa cũng có những thay đổi tiến bộ hơn nhưng không gian văn hóa bếp lửa vẫn được lưu giữ. Những nét sinh hoạt thể hiện tính nhân văn tiếp tục được giữ gìn và phát huy. Bếp lửa nhà sàn luôn mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào Bru - Vân Kiều và Tà Ôi. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, không gian bếp lửa nhà sàn vẫn giữ nguyên nét văn hóa độc đáo và có sức sống mãnh liệt.

N.T.N

Nguyễn Thị Nương
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 291 tháng 12/2018

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground