Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Trở lại chiến trường "B"

C

hiến dịch Trị - Thiên 1972 bắt đầu ngày 30 - 3 - 1972. Tình hình đòi hỏi phải cấp tốc chi viện sức người, sức của ở miền Bắc. Tôi trở lại chiến trường “B” lần nữa. Đoàn vào Quảng Trị gồm 22 người, trong đó phần lớn là cán bộ mới được điều động đi “B” lần đầu, do tôi làm Trưởng đoàn. Đoàn lên đường vào ngày 20 - 4 - 1972, trong lúc Tổng thống Nixon đã ra lệnh cho không quân Mỹ ném bom trở lại miền Bắc. Chính phủ Mỹ đơn phương ngừng các phiên họp ở hội nghị Paris và đưa không quân, hải quân trở lại tham chiến ở Việt Nam, nên Đoàn tôi vào Quảng Trị chỉ hành quân vào ban đêm và phải mất 13 ngày đêm mới đến Quảng Trị (3 - 5). Lúc này toàn bộ tỉnh Quảng Trị mới giải phóng được hai ngày.

Tôi được Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Trị biệt phái về công tác ở Huyện ủy Hải Lăng - một địa bàn tiếp giáp với huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên) - nơi đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đang khẩn trương củng cố các đơn vị bị tổn thất nặng, đồng thời đưa hết lực lượng dự bị của Quân đoàn I cùng với 17 tiểu đoàn pháo binh, 5 trung đoàn xe tăng, xe bọc thép thiết lập một phòng tuyến mới ở bờ Nam sông Mỹ Chánh, nhằm trước mắt ngăn chặn lực lượng của ta phát triển vào Thừa Thiên, mặt khác cũng tranh thủ thời gian chuẩn bị cho một cuộc phản công với quy mô lớn hòng chiếm lại tỉnh Quảng Trị…

Cơ quan Huyện ủy đóng tại vùng Đại An Khê (xã Hải Thượng), Bí thư Huyện ủy là đồng chí Lê Văn Hoan. Tất cả anh chị em trong cơ quan đều tỏa về các địa bàn, cùng với cán bộ cơ sở vận động, tổ chức nhân dân thực hiện thông cáo về “10 chính sách đối với vùng giải phóng của Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Quảng Trị vừa ban hành”. Trong thời gian đó, có đêm tôi băng đồng lên làng Thượng Xá thăm bà con, thân thích. Làng Thượng Xá nằm trên trục hành lang từ miền núi về đồng bằng của ta nên ban ngày các loại máy bay trinh thám của địch hoạt động theo dõi, xác định mục tiêu, rồi cho không quân và pháo tầm xa ở Hạm đội 7 oanh tạc, bắn vào.

Đầu tháng 6 năm 1972, Thường vụ Huyện ủy quyết định dời cơ quan về xóm Sông của làng Quy Thiện. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Khương (Chánh văn phòng Huyện ủy), tôi cùng anh chị em trong cơ quan tranh thủ vào ban đêm để di chuyển tài liệu, phương tiện làm việc trong hai chuyến liền mới xong. Về chỗ mới, nơi ăn chỗ ở làm việc đều dựa vào nhân dân. Cơ quan chỉ đào một cái hầm làm phòng họp của Thường vụ Huyện ủy.

Về phía địch, sau khi được Bộ chỉ huy quân viễn chinh Mỹ ở Sài Gòn hứa tăng viện trợ, Nguyễn Văn Thiệu quyết định mở cuộc hành quân “tái chiếm Quảng Trị”.

Mỹ - ngụy nuôi nhiều tham vọng và dốc sức cho cuộc tái chiếm Quảng Trị. Vì theo chúng, tái chiếm được Quảng Trị sẽ “xoay chuyển được tình hình” phá tan được cuộc tiến công sắp tới của quân và dân ta, “bảo vệ” được Cố đô Huế và cả miền Nam, tiếp tục thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ; tái chiếm được Quảng Trị sẽ là “lợi thế” để chúng gây sức ép với ta ở hội nghị Paris, trước hết là để vớt vát lại uy thế chính trị của chúng đã bị suy giảm thảm bại, xóa được tâm lý thất bại đang lan tràn trong sĩ quan binh lính, vực tinh thần quân ngụy đang suy sụp nghiêm trọng.

Thực hiện âm mưu đó, Mỹ - ngụy bắt đầu thăm dò đánh chiếm Hải Lăng, trước hết là dùng pháo tầm gần, tầm xa bắn vào vùng biển, vùng đồng bằng. Cơ quan Huyện ủy đóng ở Quy Thiện bị trúng hai quả pháo tầm xa, cả cơ quan không có ai bị thương vong.

Trước tình hình đó, Thường vụ Huyện ủy quyết định chuyển cơ quan trở lại địa bàn Đại An Khê. Về đây, sau vụ B52 dội bom, 6 người ở xóm Moon (thôn Thượng Xá) chết, nhân dân hoang mang. Thường vụ Huyện ủy cử tôi lên Thượng Xá cùng cán bộ xã Hải Thượng ổn định tình hình tư tưởng, vận động nhân dân tránh ra đồng. Tôi lên Thượng Xá trong hoàn cảnh cả làng không có một bóng người đi lại, tất cả đều ở dưới hầm suốt cả ngày đêm vì sợ pháo tăng tốc tầm xa và bom B52. Tôi cùng chị Phan Thị Nga (cán bộ phụ nữ xã) đi đến từng nhà gặp bà con thăm hỏi, động viên, giải đáp mọi vấn đề về tình hình do họ nêu ra. Biết địch đang chuẩn bị phản công chiếm lại Thị xã Quảng Trị, nhưng chưa có lệnh sơ tán dân của trên nên tôi động viên bà con tìm cách phòng tránh tại chỗ, tốt nhất là ra đào hầm trú ẩn ngoài đồng. Tôi theo dõi từ ngày 22 - 6 đến ngày 26 - 6 trung bình mỗi ngày đêm Mỹ - ngụy dội bom xuống các địa bàn phía Nam Thị xã Quảng Trị từ 20 đến 22 lượt B52 (chưa kể các trận tập kích bằng pháo tăng tốc tầm xa từ Hạm đội 7 dội vào).

Tuy vậy tôi vẫn thống nhất với cán bộ xã, thôn sẽ họp nhân dân hai xóm: xóm Lỡ, xóm Đình vào đêm 22 - 6 - 1972 để bàn việc sơ tán nhân dân ra đồng trú ẩn. Chiều 26 - 6 tôi ngồi tại nhà dì Phương lên chương trình nội dung cuộc họp vào tối 26 - 6. Khoảng 5 giờ chiều tôi nghe tiếng dì Phương và chị Thìn (con đầu của dì Phương) đi thăm một gia đình bị bom ở xóm Mom trở về, dì Phương gọi “Hường ơi” (Hường là con gái thứ hai) đang nấu ở bếp lên tiếng “dạ”, dì Phương hỏi: “Cơm đã chín chưa?”. Hường trả lời: “Thưa mẹ, cơm đã chín”. Dì Phương bảo: “Dọn cơm cho anh Sơn ăn để anh đi họp”. Tiếng dì Phương vừa dứt thì một loạt B52 nổ khét lẹt mùi thuốc súng, tôi la to “B52 dội ở gần nhà, phải xuống hầm ngay”, Hường ở đầu bếp vụt chạy nhanh như một mũi tên xuống hầm trước, tôi với tay lấy xắc cốt, nên chạy xuống hầm chậm hơn em Hường khoảng một giây. Khi tôi vừa trụt xuống cửa hầm thì loạt bom B52 thứ 2 nổ ngay tại nhà, tôi bị thương nặng không biết gì…

Về sau, khi tỉnh lại, nghe một số cán bộ cơ sở kể: Sau loạt B52 thứ 3, chị Phan Thị Thiều (con dì Điu) du kích xã ở cạnh nhà dì Phương bắn súng báo động nơi bị bom, tất cả anh chị em cán bộ, bộ đội đang ở xóm Lỡ chạy đến thấy ngôi nhà của dì Phương làm bằng gỗ bị bom tan nát không còn gì, anh em đào bốc số đất lấp cửa hầm gặp cơ thể tôi thấy còn nóng, họ vác tôi đến trạm phẫu của bộ đội đóng cạnh nhà ông Phan Lăng. Bác sĩ tiếp nhận, chùi rửa các vết thương, băng bó và truyền máu… sau một ngày đêm tôi mới tỉnh.

Nằm nghe mọi người ngồi quanh tôi trong đó có chị Gái nói chuyện với nhau về trận bom B52 vào lúc 5 giờ chiều ngày 26 - 6 - 1972. Tôi biết em Hường chạy xuống hầm trước tôi, dì Phương và chị Thìn chưa kịp xuống đều chết cả. Tôi thấy mình còn sống là may mắn hiếm có. Để đảm bảo an toàn và điều trị cho tôi, cán bộ xã nhận được thư hỏa tốc của anh Lê Văn Hoan với nội dung: “Bằng mọi cách phải đưa anh Phan Thanh Sơn về Triệu Sơn, Triệu Phước (huyện Triệu Phong) ngay trong đêm nay”.

Thực hiện chỉ thị đó, cán bộ xã Hải Thượng đã huy động bốn du kích nam khỏe mạnh thay nhau cáng tôi về xã Triệu Sơn, cán bộ xã Triệu Sơn tiếp nhận tôi và tiếp tục cho người cáng tôi về xã Triệu Phước nơi trạm phẫu của trung đoàn bộ đội đóng. trạm phẫu ở Triệu Phước tiếp nhận thay băng, cấp thuốc cho tôi nằm nghỉ tại Trạm phẫu khoảng hai giờ đồng hồ thì trời sáng, cấp dưỡng đưa cháo cho tôi ăn sáng và một nắm cơm ăn trưa. Ban chỉ huy trạm phẫu cử một giao liên dìu dắt tôi qua sông Cửa Việt, đi theo đường ven biển đến lúc trời nhá nhem tối thì dùng đò ngang sang sông Bến Hải rồi đến Bệnh viện “B” Vĩnh Linh.

Bệnh viện “B” Vĩnh Linh là bệnh viện dã chiến đóng ở xã Vĩnh Hiền, chủ yếu dựa vào nhà và hầm trú ẩn của dân, bệnh viện chỉ làm một ngôi nhà nhỏ cho văn phòng bệnh viện và một ngôi nhà làm bếp, phòng ăn phục vụ bệnh nhân. Bệnh viện “B” Vĩnh Linh do bác sĩ Cam (quê ở Thừa Thiên) làm Giám đốc.

Qua chiếc radio của một bệnh nhân nằm bên cạnh, tôi biết sau hai ngày tập trung không quân, pháo binh oanh tạc liên tục và sáng ngày 28 - 6 - 1972 các sư đoàn chủ lực ngụy ồ ạt tiến sang bờ Bắc sông Mỹ Chánh, chính thức thực hiện cuộc hành quân “tái chiếm Quảng Trị”. Các mũi tiến công của chúng đã bị các sư đoàn bộ đội chủ lực của ta phối hợp với bộ đội địa phương và dân quân du kích các xã ở Hải Lăng chặn đánh quyết liệt.

Trưa ngày 5 - 7 - 1972, cán bộ tổ chức của Bệnh viện “B” Vĩnh Linh đến thông báo với chúng tôi nội dung: Bệnh viện có tổ chức một chiếc xe u-oát chở 6 bệnh nhân trong đó có tên tôi ra Bệnh viên E Hà Nội. Nghe xong thông báo tôi nói với cán bộ tổ chức: “Tai tôi còn chảy máu nhưng so với một số bệnh nhân khác tôi còn nhẹ hơn vì tôi đã được ăn cơm. Tôi đề nghị bệnh viện cho những người bị thương nặng hơn tôi đi chuyến này (tối 5 - 7 - 1972) còn tôi xin đi vào chuyến sau”.

Nhận được ý kiến đề xuất, anh Cam đến gặp tôi và nói: “Anh bị thương vào loại nặng, có thời gian bám trụ hoạt động ở chiến trường lâu năm nên bệnh viện mới sắp xếp cho anh đi chuyến này”. Tôi đáp lại: “Tôi rất cám ơn bệnh viện có chính sách đối xử với những người ở chiến trường lâu năm, nhưng trong thực tế ở đây nhiều người bị thương nằm bên cạnh chưa ăn được cháo, chỉ uống được ít sữa, nên tôi khỏe hơn xin đi chuyến sau và nhường chỗ của tôi để bệnh viện bố trí người khác đi trước”. Anh Cam đồng ý và nói: “Trong mấy năm qua mỗi lần bố trí xe đưa bệnh nhân ra Hà Nội thì ai cũng muốn mình được đi trước, hiếm có người tự nguyện nhường chỗ của mình như anh”.

Chiều ngày 7 - 7 - 1972, Bệnh viện “B” Vĩnh Linh nhận được bức thư buồn từ Hà Tĩnh điện vào với nội dung: “Chiếc xe u-oát của Bệnh viện “B” Vĩnh Linh chở 7 người (kể cả lái xe) khi chạy ngang qua cầu Cày (phía Nam thị xã Hà Tĩnh) đã bị bom từ trường của Mỹ, tất cả đều hy sinh”. Nghe tin đó tôi cũng như anh chị em trong bệnh viện ai cũng đau buồn, lòng sôi sục căm thù giặc.

Nằm điều trị tại Bệnh viện “B” Vĩnh Linh hai tháng tai tôi vẫn rỉ máu. Vì quốc lộ 1A từ Vĩnh Linh ra miền Bắc bị địch đánh phá liên tục nên Bệnh viện “B” Vĩnh Linh không thể để cho xe đưa bệnh nhân ra Hà Nội mà tìm cách điều trị tại chỗ. Tôi được Bệnh viện “B” Vĩnh Linh đưa qua điều trị tại khoa Tai Mũi Họng của Bệnh viện “A” Vĩnh Linh. Bằng cách: tôi xuất phát từ Bệnh “B” Vĩnh Linh từ 7 giờ sáng, đi bộ đến Bệnh viện “A” lúc 8 giờ, nằm điều trị tại Bệnh viện “A” trong hai giờ, đến 10 giờ lại đi bộ về Bệnh viện “B”. Cứ thế lặp đi lặp lại đều đặn sau nửa tháng thì tai tôi hết chảy máu. Tôi mừng quá! Vì chưa bị loại khỏi vùng chiến đấu ở chiến trường “B”. Tôi ra viện, được giao liên đưa về “Ban B” Vĩnh Linh và nhận quyết định của Ban Tổ chức Tỉnh ủy phân công tôi về công tác tại Ban Tuyên huấn Quảng Trị do đồng chí Hồ Ánh Kỷ quê ở Quảng Bình (nguyên là Giám đốc Sở Văn hóa thông tin tỉnh Quảng Bình) làm Phó ban.

Qua thời gian tìm hiểu tình hình hoạt động của Ban Tuyên huấn Quảng Trị, tôi cùng anh Hồ Ánh Kỷ đến dự hội nghị nghe các đồng chí trong Thường vụ Tỉnh ủy truyền đạt tình hình, nhiệm vụ mới của Trung ương và địa phương.

Sau đợt học tập quán triệt các nghị quyết của Đảng, tôi được lãnh đạo Ban Tuyên huấn phân công lên công tác tại vùng Cùa, với nhiệm vụ tổ chức truyền đạt nghị quyết của Trung ương và của tỉnh Quảng Trị cho cán bộ huyện và cán bộ cơ sở của hai xã Cam Chính, Cam Nghĩa.

Tôi lên Cùa trong bối cảnh cuộc chiến đấu quyết liệt giữa ta và địch ở Thành Cổ Quảng Trị kéo dài 81 ngày đêm, các lực lượng bộ đội và du kích của ta đã rút khỏi thị xã Quảng Trị, tạo điều kiện cho toàn bộ mặt trận chuyển hẳn sang thế trận mới; tiếp tục đánh địch phản kích bảo vệ vùng giải phóng ở phía Bắc sông Thạch Hãn.

Tận dụng thời gian lúc địch đang âm mưu tái chiếm vùng giải phóng ở đồng bằng Triệu Phong, Gio Linh, Cam Lộ, tập trung không quân kể cả máy bay B52 đánh phá các tuyến giao thông vận tải nhằm ngăn chặn lực lượng của ta từ miền Bắc vào miền Nam, tôi cùng một số cán bộ của tỉnh, của huyện tập trung vào việc phổ biến tình hình và nhiệm vụ mới, vận động nhân dân đẩy mạnh sản xuất, góp phần tự túc lương thực, chỉ đạo lực lượng dân quân du kích ở các địa bàn nâng cao cảnh giác, ra sức củng cố xây dựng công sự ở các tuyến phòng thủ, mở trường, mở lớp cho con em hai xã Cam Chính, Cam Nghĩa đến học.

*

Ngày 21 - 1 - 1973, hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, được các Bộ trưởng Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa Nguyễn Duy Trinh, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ William Pierce Rogers, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa Trần Văn Lắm chính thức ký kết tại Trung tâm hội nghị quốc tế, khách sạn Hoàng Gia, Paris, Pháp. Điều 5 của Hiệp định Paris ghi nhận: “Trong thời hạn sáu mươi ngày kể từ khi ký Hiệp định này, sẽ hoàn thành việc rút hoàn toàn ra khỏi miền Nam Việt Nam mọi quân đội, cố vấn quân sự và nhân viên quân sự liên quan đến chương trình bình định, vũ khí, đạn dược và dụng cụ chiến tranh của Hoa Kỳ và của các nước ngoài khác đã nói ở điều 3 (a). Cố vấn của các nước nói trên cho tất cả các tổ chức bán quân sự và lực lượng cảnh sát cũng sẽ rút trong thời hạn đó”.

Đầu tháng 4 - 1973, khi tôi đang đứng chân hoạt động ở xã Triệu Trạch, anh Kỳ (xã đội trưởng) mời tôi theo anh đến gặp một trung đội của sư đoàn Thủy quân lục chiến ngụy đóng chốt ở thôn Long Quang (nằm trên tuyến phòng ngự kiên cố theo địa hình vòng cung ôm lấy vùng kiểm soát của chúng). Tôi gặp tên Trung đội trưởng và nói: “Anh có trên 30 người được trang bị đủ súng đạn, tôi có 4 người 4 khẩu súng. Nếu so sánh lực lượng của chúng tôi chỉ bằng 1/8 lực lượng của các anh nhưng chúng tôi vẫn chủ động tiếp xúc, trò chuyện với các anh vì có Hiệp định Paris đã ký kết “Mỹ cam kết rút quân khỏi miền Nam và thực hiện ngừng bắn”. Thắng lợi đó là thắng lợi của nhân dân Việt Nam, trong đó có tôi và các anh. Tôi nói như vậy có đúng không? Tên Trung đội trưởng đáp lại: “Dạ thưa: đúng”. Tôi nói tiếp: “Thế là từ nay trở đi, chúng ta sẽ xóa bỏ mọi hận thù, thực hiện hòa hợp dân tộc, cùng đồng bào cả nước kiên quyết đấu tranh củng cố hòa bình, độc lập, dân chủ, phồn vinh, tiến tới thống nhất Tổ quốc Việt Nam”. Nói xong tôi và anh Kỳ bắt tay tạm biệt tên Trung đội trưởng và giơ tay chào toàn thể anh em binh lính trong Trung đội của sư đoàn Thủy quân lục chiến ngụy.

Sau cuộc tiếp xúc nói trên, các phóng viên Báo Quảng Trị giải phóng, Báo Nhân dân… thay nhau tiếp xúc với sĩ quan binh lính ngụy, nắm tình hình thực tế, viết bài, đưa tin trên các báo, Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền thanh Quảng Trị, góp phần tuyên truyền đường lối hòa hợp dân tộc của Đảng và Nhà nước với các lính ngụy đóng chốt trên tuyến tiếp giáp giữa ta và địch theo hình vòng cung ở địa phương Quảng Trị nói riêng và trên cả nước nói chung.

P.T.S

 

PHAN THANH SƠN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 297 tháng 06/2019

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

5 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

6 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground