Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa - 30 năm nhìn lại

Q

uảng Trị là một vùng đất có bề dày lịch sử, truyền thống văn hoá phong phú, đậm đà bản sắc. Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, đặc biệt là trong hai cuộc trường chinh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, lớp lớp cha ông đã để lại cho hậu thế hàng trăm di tích lịch sử và văn hoá có giá trị cũng như hàng vạn tài liệu, hiện vật gốc hiện đang được bảo quản và trưng bày tại các Bảo tàng, nhà trưng bày truyền thống; hàng ngàn di vật, cổ vật hiện đang được người dân lưu giữ, bảo quản tại các địa phương. Đây là một gia tài di sản văn hoá khổng lồ, phong phú, đa dạng được các thế hệ người Quảng Trị chắt chiu, xây dựng, bảo tồn, kế thừa, phát huy trong đời sống văn hoá, tinh thần; đồng thời nhắc nhở con cháu các thế hệ hôm nay và mai sau phải luôn trân trọng giữ gìn.

Gia tài di sản văn hóa Quảng Trị được xây dựng bởi các tộc người Chăm, Việt, Bru - Vân Kiều và Tà Ôi trải suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm. Bằng cách chuyển tải liên tục trên sự kế thừa các yếu tố nội lực với tất cả sự năng động, sáng tạo, hội nhập, giao thoa, kết tinh và lan tỏa với văn hóa các cộng đồng tộc người ở các vùng, miền để hòa nhập vào dòng chảy chung của đất nước. Đây là một bức tranh phức hợp, đa sắc màu thể hiện bản sắc văn hóa riêng của người Quảng Trị.

Di sản văn hóa truyền thống của Quảng Trị là sự hội tụ của vất vả, cơ cực, đau thương, mất mát, ly loạn chia cắt; nhưng chính đây là sự kết tinh của giá trị nhân bản, sáng tạo anh dũng, kiên cường và lạc quan cách mạng của các thế hệ người dân Quảng Trị trong quá trình sống, lao động, xây dựng và bảo vệ quê hương. Tất cả những giá trị văn hóa ấy ẩn dấu một phần không nhỏ trong các di tích. Hiện nay, ở Quảng Trị có một hệ thống di tích lịch sử - văn hoá rất phong phú và đa dạng gồm 533 di tích được tập hợp theo từng địa bàn các huyện, thị và phân theo các loại hình chính (Văn hóa khảo cổ, Kiến trúc - nghệ thuật, Lịch sử cách mạng và Danh lam thắng cảnh). Trong 21 di tích xếp hạng quốc gia có 4 di tích đặc biệt quan trọng (gồm 30 địa điểm di tích thành phần), 473 di tích cấp tỉnh. Nhiều di tích quan trọng, tiêu biểu được đầu tư tôn tạo, đưa vào khai thác và phát huy giá trị như: Thành Cổ Quảng Trị, Địa đạo Vịnh Mốc, Cụm di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Nhà tù Lao Bảo, Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, Sân bay Tà Cơn... Đây là những di tích lịch sử cách mạng, chứa đựng, phản ánh, chứng kiến đầy đủ những năm tháng hào hùng của một vùng đất đầy máu lửa nhưng rất đỗi anh hùng. Không có nơi đâu như mảnh đất này đã phải chịu đựng quá nhiều sự khốc liệt, hy sinh, đau thương mất mát của cuộc chiến tranh; nhưng cũng là nơi thể hiện cao nhất tinh thần cách mạng với ý chí quật cường của người Quảng Trị trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Với hệ thống các di tích lịch sử đó hàng năm đã thu hút được khoảng hơn 203.569 lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, dâng hương tưởng niệm… góp phần đem lại nguồn thu cho ngân sách của tỉnh hơn 6, 877 tỷ đồng1.

Tháng 7 - 1989, Bảo tàng Quảng Trị được thành lập trên cơ sở chia tách từ Bảo tàng Bình Trị Thiên, với 830 hiện vật gốc, 266 bản phim ảnh và 300 tài liệu, tất cả đều có nội dung sơ sài, thiếu thông tin về hiện vật. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, ngay từ khi mới thành lập, Bảo tàng Quảng Trị đã tập trung, chú trọng đến công tác nghiệp vụ nhất là công tác sưu tầm hiện vật, coi đây “là nền tảng, là linh hồn sống” vì nó có giá trị, tầm quan trọng đối với sự nghiệp văn hóa của tỉnh nhà. Trong 30 năm qua, công tác sưu tầm hiện vật tại Bảo tàng đã được triển khai một cách có hiệu quả, nhiều hiện vật quý hiếm với đủ các loại hình như: hiện vật khảo cổ học, hiện vật chiến tranh cách mạng, hiện vật dân tộc học, hiện vật thuộc văn hoá Chăm... đã được đưa về bảo quản tại kho cơ sở. Hiện nay, tại Bảo tàng tỉnh Quảng Trị đang lưu giữ khoảng hơn 30.000 tài liệu, hiện vật gốc. Trong đó có 3 hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia2. Với các bộ sưu tập hiện vật gốc phong phú, đa dạng, có giá trị, Bảo tàng đã tái hiện rõ nét tiến trình lịch sử tự nhiên, văn hoá tộc người, lịch sử xã hội mảnh đất Quảng Trị từ thời nguyên thuỷ cho đến nay. Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, Bảo tàng Quảng Trị hiện đang là một trong những nhà Bảo tàng lịch sử, văn hóa và chiến tranh cách mạng có quy mô lớn nhất miền Trung đáp ứng được nhu cầu tham quan, học tập và nghiên cứu của nhân dân trong nước và du khách quốc tế. Hàng năm, Bảo tàng tỉnh Quảng Trị đón tiếp khoảng hơn 20.000 lượt khách đến nghiên cứu, tham quan, học tập.

Thi hành một số điều của Luật di sản văn hoá về việc đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia tại các địa phương trong cả nước, Bảo tàng tỉnh Quảng Trị đã tiến hành nhiều đợt tổng điều tra, kiểm kê di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Bước đầu tại 94 xã, phường trên toàn tỉnh đã kiểm kê được 2.209 hiện vật. Trong đó có 02 hiện vật giá trị đang tiến hành đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia3, 882 cổ vật và 1.325 di vật hiện đang được nhân dân các địa phương lưu giữ tại các công trình tôn giáo, tín ngưỡng như: đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ... trên địa bàn Quảng Trị.

Mặc dù mảnh đất Quảng Trị phải chịu nhiều cuộc tàn phá của chiến tranh và thiên tai nhưng với ý thức gìn giữ và bảo tồn từ bao đời nay của các thế hệ người Quảng Trị, để hôm nay khi tìm lại kho báu văn hóa phi vật thể, chúng ta có thể tự hào và khẳng định đây là một gia tài di sản văn hoá truyền thống khá đồ sộ và vô cùng quý báu, bởi nó khá nhiều về số lượng, phong phú về loại hình, độc đáo về nội dung và hình thức mà các thế hệ cha ông đã lưu truyền lại cho hậu thế.

Qua tiến hành điều tra, nhận diện tại địa bàn các làng xã trên toàn tỉnh đã lập phiếu kiểm kê cho 368 di sản văn hóa phi vật thể với đầy đủ 7 loại hình. Các loại hình di sản phi vật thể truyền thống được lưu giữ khá nhiều trên vùng đất Quảng Trị. Từ tiếng nói, ngữ âm dân gian, nếp sống, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống và lễ hội cách mạng, nghề thủ công truyền thống đến các tri thức dân gian về đời sống lao động, về ẩm thực... tất cả những sản phẩm văn hóa tinh thần đó đều do con người sáng tạo, xây dựng, đúc kết, chắt chiu, thăng hoa trong quá trình sống, lao động, xây dựng và bảo vệ quê hương. Nó chính là phần hồn, là sự sống, là dòng chảy tâm linh tồn tại vững chãi và bền bỉ trong đời sống cộng đồng các làng bản của người dân Quảng Trị. Trải qua nhiều thế hệ, những giá trị văn hóa tinh thần đó đã được chắt lọc, hun đúc, kết tinh để trở thành tài sản vô giá lưu truyền từ đời này sang đời khác, trở thành chất keo gắn kết cộng đồng làng xã từ ngàn xưa cho đến hôm nay. Có thể khẳng định tất cả các di sản văn hóa, đặc biệt là văn hóa phi vật thể là linh hồn của người Quảng Trị.

Nhiều năm qua, công tác tuyên truyền, quản lý, bảo tồn và phát huy tác dụng của các di sản văn hóa đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, lại được đông đảo nhân dân ủng hộ và đóng góp tâm sức nên đã đạt được những kết quả quan trọng. Công tác quản lý xây dựng các di tích lịch sử, văn hóa, cơ sở tôn giáo tín ngưỡng tiếp tục được tăng cườngVấn đề nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản và trưng bày giới thiệu các hiện vật tại Nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh và các Nhà trưng bày bổ sung tại các di tích ngày càng được chú trọng và nâng cao, hiện vật có nội dung phong phú, đa dạng, số lượng và chất lượng luôn được đảm bảo. Ý thức, phương pháp lưu giữ và bảo quản các di vật, cổ vật hiện đang được nhân dân địa phương chú trọng và ngày càng được nâng lên rõ rệt nhất là sau khi các tài sản của họ đã được đưa vào danh mục kiểm kê đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

Những giá trị văn hóa phi vật thể truyền thống vẫn đang hiện diện trong cuộc sống thường ngày của người dân Quảng Trị. Từng di sản văn hóa phi vật thể đều mang sắc thái riêng biệt, thể hiện rõ nhu cầu, ước muốn và bản sắc đặc trưng riêng lẽ từng làng. Hầu hết các lễ hội được tổ chức đúng quy định. Các nghi thức trong lễ hội diễn ra trang trọng, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục địa phương. Phần hội diễn ra phong phú, hấp dẫn đã tạo được sức lan tỏa, lôi cuốn, góp phần thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Các nghề và làng nghề truyền thống được quan tâm, bảo tồn và phát huy khá tốt trong đời sống. Đây chính là một tiềm năng dồi dào để phát triển văn hóa, trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa còn chưa tương xứng với giá trị, tầm vóc của di sản. Việc quản lý, bảo vệ di tích còn nhiều bất cập, đa số các di tích đang ngày một xuống cấp. Công tác sưu tầm hiện vật, cổ vật gặp rất nhiều khó khăn; bảo quản cổ vật, di vật, hiện vật tại một số địa phương còn chưa hiệu quả. Các lễ hội tổ chức với quy mô nhỏ, mang tính tự phát, thiếu chọn lọc. Hoạt động của nghề và làng nghề thủ công truyền thống gặp nhiều khó khăn, nhất là thị trường tiêu thụ. Công tác tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Nguyên nhân của tình trạng này là do tác động của điều kiện tự nhiên, lịch sử, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hoá sự du nhập của văn hóa ngoại lai; sự lấn át của những lợi ích kinh tế trước mắt… dẫn đến sự xuống cấp, mai một của nhiều di sản. Hơn nữa, kinh phí đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia và của tỉnh nhà đang gặp nhiều khó khăn, nguồn lực cho công tác tu bổ, tôn tạo các di tích, nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản còn hạn chế so với số lượng di sản văn hóa trên địa bàn. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương còn chưa thực sự quan tâm đúng mức, chưa huy động được sự vào cuộc của cả cộng đồng để tham gia bảo vệ giá trị di sản văn hóa. Đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về văn hóa còn chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Ý thức bảo vệ và gìn giữ của nhân dân chưa thật sự tốt do không nhận thức được tầm quan trọng của di sản, đặc biệt chưa xác định được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn các gia tài quý báu của cha ông để lại.

Trước thực trạng đó, để bảo tồn và phát huy tốt giá trị các di sản văn hoá, cần có một số giải pháp như:

Tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Luật Di sản văn hóa đến sâu rộng trong quần chúng nhân dân.

Có chính sách đầu tư, hỗ trợ kịp thời trong việc tu bổ, tôn tạo các di tích cũng như nghiên cứu, sưu tầm các hiện vật, cổ vật có giá trị. Tiến hành phục hồi các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu đang có nguy cơ thất truyền và mai một trên địa bàn toàn tỉnh. Huy động mọi nguồn lực toàn xã hội tham gia vào công tác đầu tư bảo tồn và phát triển của di sản.

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phải đảm bảo tính trung thực, tính đặc trưng nên việc thực hiện tu bổ, tôn tạo các di tích xếp hạng trong trường hợp cần thiết phải trên cơ sở đảm bảo tính nguyên vẹn, tôn trọng yếu tố gốc, sự bền vững, sự hài hoà của di tích với cảnh quan lịch sử - văn hóa của khu vực.

Xác định bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, do vậy cần vận động, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, vì quần chúng nhân dân là lực lượng đông đảo, giữ vai trò quyết định sự phát triển của xã hội. Có chính sách phù hợp, kịp thời đối với những doanh nghiệp, cá nhân có công lao đóng góp tích cực trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa bằng hình thức khen thưởng, vinh danh các nghệ nhân...

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phải gắn liền với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, công tác điều tra, sưu tầm, kiểm kê... để làm cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin, phổ biến tri thức về lịch sử, giá trị di sản văn hóa; góp phần định hướng và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho nhân dân, chống lại sự du nhập của các yếu tố văn hóa ngoại lai có ảnh hưởng xấu đến các giá trị văn hóa truyền thống, chuẩn mực trong xã hội.

Tăng cường liên kết với các sở, ban, ngành liên quan, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn trong và ngoài tỉnh; đẩy mạnh hợp tác, giao lưu, liên kết vùng trong việc thực hiện quảng bá, xúc tiến du lịch đến với khách tham quan trong, ngoài tỉnh và quốc tế.

Phải có quan điểm đúng đắn về xây dựng một nền văn hóa tương ứng, hướng tới những giá trị nhân văn hiện đại nhưng vẫn đảm bảo giữ gìn, phát huy những nhân tố tích cực trong văn hóa truyền thống, để văn hóa thật sự là nền tảng, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh nhà tăng trưởng và phát triển bền vững.

C.T.V

_______________________

1. Ban quản lý Di tích và Bảo tàng Quảng Trị. Báo cáo tổng kết 2018 Phương hướng nhiệm vụ 2019.

2. Ba Bảo vật quốc gia: Hai bức Phù Điêu lá nhĩ Trà Liên và Tượng U Ma Dương Lệ hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Quảng Trị.

3Bản Khoán ước tại làng Phú Kinh, xã Hải Hòa, huyện Hải Lăng và Tượng đồng Nguyễn Ư Dĩ tại làng Trà Liên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong.

 

CÁI THỊ VƯỢNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 298 tháng 07/2019

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground